Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Sunday, September 9, 2018

Hướng dẫn cách đòi nợ công ty du học

Áp dụng cho cả đòi nợ người quen, đòi nợ công ty xuất lao, đòi tiền đặt cọc, đòi quà người yêu cũ, đòi nợ đối tác.
Lĩnh vực: Tâm lý học đòi nợ đỉnh cao.

Bạn sẽ đòi được tới xu cuối cùng trong khoản nợ mà người khác nợ bạn.

Không, bạn không thật sự đòi nợ, người ta tự nguyện trả tiền cho bạn đầy đủ.

Vì sao lại dễ ăn như thế? Bạn sẽ cần hiểu tâm lý học con nợ một chút. Tất nhiên, đây không phải là lời khuyên hay chỉ dẫn gì, đây chỉ là chém gió và nghị luận, nếu bạn áp dụng sai cách, không đòi được nợ, thì đừng đòi nợ tôi nhé. Tôi không nợ bạn tiền bạc, cũng không nợ nần tình cảm gì với ai. Cuộc sống không cho vay nợ, không nợ thật dễ chịu làm sao!

Vì sao cách đòi nợ thông thường thất bại?

Vì sai về luân lý và tính chính nghĩa. Đây là các cách thông thường để đòi nợ, thường thì người ta áp dụng đan xen với nhau:
- Năn nỉ, nói khó, xin xỏ (mất phẩm cách chủ nợ)
- Dọa kiện cáo, báo cảnh sát, cơ quan chức năng (mọi người thật sự sẽ vì bạn mà làm việc sao??)
- Dọa bạo lực, xã hội đen (không khả thi và sai luân lý, có thể gây hậu quả lớn về pháp luật)

Sở dĩ cách này không khả thi vì các con nợ (công ty du học xấu) thường chây ỳ, không có lương tâm và có khi, họ cũng có quen biết đám xã hội đen du thủ du thực (những kẻ xấu thì thường chơi với nhau). Nên bạn sẽ khó mà dọa được họ, chẳng phải có tiền là có quyền lực, có đầu gấu vv hay sao? Họ có tiền, còn bạn chưa chắc.

Dọa mà không làm thì bạn sẽ càng khó đòi nợ hơn. Dọa mà làm họ phát ra thú tính có khi họ chơi lầy với bạn tới cùng, chây ỳ không chịu trả. Dọa mà làm, nhất là bạo lực, thì coi chừng bị ăn đòn thù, mà không khéo còn phạm pháp và bị họ kiện. Dạo này cũng có nhiều người chỉ vì tội nhỏ mà đi tù 7 năm lắm, còn tội lớn lại hưởng án treo hoặc bồi thường vài trăm k tiền thuốc men nhỉ?

Vì thế, chúng ta không đe dọa, không hàm ý bạo lực hay xã hội đen, vì chúng ta là người văn minh. (Việc này gây hại khủng khiếp cho việc đòi nợ, xem bên dưới).

Bí quyết đòi nợ đỉnh cao

Tuyệt đối không có ý nghĩ sử dụng bạo lực hay liên đới xã hội đen, đầu gấu

Đây là luân lý trong cuộc đời. Xã hội đen chỉ là bọn hạ đẳng, không có danh dự. Những người chơi với xã hội đen cũng chỉ là đồng đẳng. Bạn không thể dùng bạo lực trên thân thể người khác (trừ trường hợp tự vệ chính đáng), tốt nhất là không có ý định đó trong một đời. Lý do:

- Họ chưa xâm phạm thân thể bạn mà mới chỉ xâm hại lợi ích kinh tế của bạn
- Thân thể con người thuộc về thượng đế, xâm phạm thân thể người khác mà không phải là tự vệ chính đáng là xúc phạm thượng đế
- Thân thể con người là thiêng liêng, không liên quan tới tiền bạc

Suy cho cùng, họ chỉ nợ bạn tiền thôi chứ có đánh bạn đâu? Nếu họ đánh bạn, thì lại là câu chuyện khác hẳn, đó là chuyện hình sự và có lẽ bạn nên thuê luật sư và làm tới cùng.

Các hành động tới đập phá, siết đồ vv cũng là hành vi bạo lực. Việc này là phạm pháp và họ có thể kiện bạn.

Hơn nữa, tất cả các việc trên đều không giúp được bạn đòi nợ. Ví dụ, bạn tới tát họ một cái, hoặc đập vỡ một cái chén của họ, họ đòi bạn bồi thường danh dự bằng đúng số tiền họ nợ bạn và không trả nữa. Như thế, bạn mất đi tính chính đáng và khó mà đòi nợ lịch sự được.

Ngoài ra, dính líu đến xã hội đen thì phải nhớ: Nó như vết nhơ trong cuộc đời. Bạn có chắc xã hội đen sẽ không tống tiền bạn không? Lúc nó khó khăn và vay tiền bạn, bạn có dám từ chối không? Bạn sẽ gặp rắc rối vì đám xã hội đen bao giờ cũng đạo đức thấp, không hiểu luân lý, thường lồng ghép tình cảm "huynh đệ" vào để trục lợi. Vì hoàn cảnh của họ là thế, bị cha mẹ đối xử tệ bạc từ nhỏ và học tính tư lợi từ nhỏ, nên không làm gì nên hồn, mới phải đi đâm thuê chém mướn.

Đòi nợ công ty du học, công ty xuất lao

Các công ty này thường có một hệ thống cò mồi, chân rết dẫn dụ bạn vào tròng của họ. Ban đầu đặt cọc ít thôi (tầm 10 chai), nhưng sau đó phát sinh thêm rất nhiều, vì họ dự tính sẽ thu của mỗi học sinh có thể là 50 ~ 100 chai.

Thực tế có nhiều trường hợp có bạn phải nộp tới 350 chai để đi du học Nhật Bản, một số tiền bị đội lên tới 100 chai, trong khi chi phí hồ sơ thông thường trong miền nam chỉ là tầm 10 chai mà thôi. Nhân tiện, các công ty miền bắc thường có tiếng là thu cao từ xưa tới nay, nên bạn nào làm trong nam thường là rẻ hơn.

Nhất là khi bạn đặt hồ sơ gốc vào tay họ thì khó mà đòi được. Họ sẽ lấy cớ đã nộp sang trường, để đòi bạn nộp đủ tiền mới trả hồ sơ. Chiêu của họ là hẹn tới hẹn lui nhưng không giải quyết cho bạn, mà thực chất là bạn chấp nhận mất cọc, thậm chí đóng thêm tiền, họ mới cho lấy.

Các công ty như thế sẽ hoạt động với một hệ thống cò mồi, chân rết dưới dạng "tư vấn viên", các tư vấn viên này chỉ nói miệng và dùng facebook, rót mật ngọt vào tai người dùng. Nếu bạn có thắc mắc, họ sẽ block bạn liền nên rất tiện.

Tính chính nghĩa của việc đòi nợ

Bạn đã đặt cọc và chia ra các trường hợp:
(1) Đã ký hợp đồng và hợp đồng ghi rõ không trả cọc (đã ký hợp đồng là đã làm hai bản, công ty ký đóng dấu, bạn ký, mỗi bên giữ một bản, không phải trường hợp bạn vẫn giữ hai bản dù ký hay không)
(2) Đã ký hợp đồng nhưng hợp đồng không quy định việc trả cọc hay không
(3) Chưa ký hợp đồng, mới đóng cọc (tiền mặt có biên nhận hay ngân hàng có/không có biên nhận)

Trường hợp (1) thì bạn sẽ không có tính chính nghĩa, vì thế, khó mà đòi.

Trường hợp (2) và (3) thì bạn có thể đòi, đặc biệt là trường hợp (3) (chưa ký hợp đồng, gồm cả trường hợp công ty đã gửi hợp đồng cho bạn, bạn đã ký nhưng chưa gửi lại - tuyệt đối không gửi lại).

Ngay cả trường hợp (1), thì bạn vẫn nên yêu cầu trả tiền cọc. Vì một người tư vấn có lương tâm hay một công ty du học có lương tâm thì họ vẫn trả (có thể trừ đi ít chi phí). Vì thế, quan trọng là bạn phải hỏi thăm thử.

Nếu là tôi, tôi sẽ trả. Vì mới đặt cọc thì nghĩa là chưa làm gì mấy. Trả là cách để tránh rắc rối về tiền bạc. Chỉ nên thu tiền nếu thực sự làm hồ sơ và nộp đi. Thường thì 99% hồ sơ là thuận lợi nhưng cũng có 1% rắc rối và người làm hồ sơ cảm thấy không tin tưởng vv thì tôi trả 100% dù đã sắp xếp phỏng vấn.

Các công ty lấy cớ đã liên lạc trường vv mà không trả là không hợp lý lắm. Trước hết là vì chưa làm hồ sơ thì chưa tốn công lắm, thứ nữa là mới giai đoạn đặt cọc thì chưa ai làm gì mấy. Chẳng qua họ muốn ép bạn làm để còn thu tiền nhiều đằng sau mà thôi (50 ~ 100  triệu).

Bước 0: Xác định đúng ai nợ bạn

Ví dụ bạn chuyển khoản cho ai, cho công ty (giám đốc công ty), hay cho cò mồi, chân rết, tư vấn viên.

Bước 1: Thu thập chứng cứ
Nội dung chuyển khoản, các thông tin trao đổi, thậm chí ghi âm cuộc gọi nếu cần (có nhiều app làm việc này).

Bước 1: Nói với người đó bạn sẽ liên lạc lên công ty nhờ công ty họ giải quyết

Đây nên là bước đầu tiên, như thế để "rút dây động rừng" một chút. Vì cơ bản là họ làm việc với bạn là danh nghĩa công ty, nên bạn có quyền báo công ty. Không có chuyện cá nhân làm hồ sơ du học cho bạn (về luật pháp và tính an toàn). Như vậy, nếu họ đang qua mặt công ty thì họ sẽ sợ công ty biết.

Trường hợp họ và công ty đồng lõa với nhau, bạn cũng biết được công ty có tốt hay không. Bạn có thể canh me liên lạc thẳng với giám đốc công ty để trình bày. Nếu đó là người có lương tâm và biết đạo lý, họ sẽ tìm cách giải quyết để giữ uy tín cho công ty. Nếu không, bạn cũng biết họ là con người như thế nào (vì cũng nhiều người nói đạo lý nhưng lại không trả tiền lắm).

Chú ý, thái độ bạn phải ôn hòa và trung lập, suy cho cùng, chỉ là vấn đề tiền bạc thôi. Tránh xúc phạm cá nhân, xúc phạm danh dự, tỏ ra bất lịch sự vv. Chưa tới lúc phải như thế! Với lại, bạn chỉ nên tỏ ra phẫn nộ thôi, chứ không nên xúc phạm người khác, và tuyệt đối không đe dọa ai cả.

Bước 2: Báo lên công ty người đó làm việc

Bạn gọi lên công ty nhờ công ty sắp xếp giải quyết vấn đề của bạn, cứ trình bày trung thực vấn đề (trừ việc nếu bạn định làm hồ sơ du học nơi khác thì đừng nói, cứ coi như là bạn sẽ không đi đâu cả). Nhiều khả năng, công ty sẽ thoái thác trách nhiệm.

Nhưng ít ra, ở bước này, bạn thông báo cho công ty (hay nhân viên tổng đài) việc có người ấy, tên như thế, đã lấy tiền cọc mà không trả. Sớm muộn gì việc cũng đến tai người ấy, và uy tín của họ sẽ giảm sút, tức là họ có mất mặt một chút. Chưa ảnh hưởng gì, vì những người thế mặt dày lắm.

Bước 3: Lên công ty người đó làm việc

Trình bày lại vấn đề từ đầu, một cách từ tốn, yêu cầu gặp người đó. Nhiều khả năng là "anh/chị ... đi ra ngoài rồi" mặc dù bạn vừa thấy họ đi vào công ty và xe họ vẫn ở bãi xe. Chắc họ ra ngoài cổng sau.

Vậy bạn yêu cầu gặp cấp trên trong công ty. Thì họ sẽ bảo đây là vấn đề của người kia, không liên quan tới công ty.

Lúc này, bạn nên tranh luận là bạn có quyền gặp giám đốc công ty vì người kia rõ ràng là người của công ty và lấy tiền của bạn theo danh nghĩa công ty, tốt nhất là ba mặt một lời (điều mà người ta sẽ từ chối). Nên nhấn mạnh rằng bạn là nạn nhân và bạn là nạn nhân do người kia sử dụng danh nghĩa công ty và quả thực, người kia có làm việc cho công ty (trên trang web công ty có số điện thoại tư vấn của người đó).

Tất nhiên, dù là bạn làm trực tiếp với công ty thì họ sẽ hẹn tới hẹn lui và bạn sẽ không gặp được ai cả đâu. Họ cứ hẹn liên tục, tháng này thì "giám đốc đi công tác" hẹn lại tháng sau. Họ sẽ hẹn vào ngày thuận tiện cho họ và bạn tới vô ích vì lại "có việc đột xuất".

Mục đích là để bạn chán mà từ bỏ, chịu mất tiền cọc.

Tất cả những việc bạn làm, bạn đều nên chụp ảnh, ghi âm, thu thập chứng cứ vv.

Bạn nên đánh máy thành một bản nhật ký đòi nợ để sau này nói chuyện cho tiện. Rằng ngày ấy giờ ấy tôi được hẹn mà đến lại không chịu tiếp, dù tôi thấy có xe biển số ... trong bãi xe. Nên chất vấn họ, để làm rõ vấn đề: Họ nói dối. Đây là chiêu đánh vào lương tâm thôi.

Một người sếp nói dối, trốn chui chốn lủi sẽ mất uy tín trong nhân viên, và nhân viên vì thế mất động lực làm việc, thậm chí là nghĩ công ty là xấu và sẵn sàng chơi xấu công ty. Người ta có câu "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã" quả là không sai.

Tất nhiên là bạn nghĩ thế thôi, chứ không nên nói ra, vẫn cứ thái độ tôn trọng như họ không biết gì và không có trách nhiệm gì nhé, vì họ không có trách nhiệm thật mà, họ chỉ làm công ăn lương thôi. Làm càng ít, hưởng càng nhiều mà! ^^

Nên công tâm trước khi công thành. Bạn báo lên công ty hành động giữ cọc của tư vấn viên cũng là mục đích này.

Bước 4: Tổng tấn công (công thành)

Tới bước này thì bạn đã nhận ra, và quan trọng là có bằng chứng, về việc công ty du học (hay xuất lao) và tư vấn viên cấu kết với nhau lấy cọc của bạn và/hoặc ép bạn nộp thêm tiền.

Đây là lúc bạn thực sự đòi tiền.

Bạn không thể xin họ vì họ không có ý định trả, hơn nữa, bạn là người có chính nghĩa sao phải xin?

Bạn không thể dọa kiện họ vì họ chưa chắc đã sợ. Và vì bạn cũng chưa chắc muốn mất thêm tiền cho luật sư (còn cao hơn cả tiền họ nợ bạn).

Bạn không thể đe dọa họ vì như thế là phạm pháp.

Tin vui là bạn không cần làm các việc trên và họ sẽ tự nguyện, ngoan ngoãn trả cho bạn tới đồng xu cuối cùng. Bạn thậm chí còn không cần bực tức, hay phẫn nộ, chỉ giả vờ phẫn nộ cho mọi người thấy thôi.

Trước hết, bạn phải là người tương đối "cứng", tức là khả năng đối đáp tốt, không e dè và không sợ mất tiền. Nếu không, bạn nên viết giấy ủy quyền cho một người như thế (người thân, bạn bè) làm thay cho bạn. Phải viết giấy, đơn giản cũng được, để hợp thức hóa, hợp pháp hóa việc đòi nợ của họ, vì họ đâu phải kẻ đòi nợ thuê.

Nói chung bạn phải đối đáp được và bóc được sự ngụy biện của họ. Vì lẽ chưa ký hợp đồng mà, bạn có chính nghĩa trong tay, dù bạn đã chuyển tiền thì đó vẫn là tiền họ nợ bạn mà thôi.

Con nợ sợ nhất điều gì? Con người sợ nhất điều gì?

Họ không thật sự sợ bạn. Nhưng họ sợ nếu mất miếng ăn. Dù là tư vấn viên, hay công ty du học, nếu mất miếng ăn, hay lộ mánh thì sẽ rất sợ.

Để họ trả tiền cho bạn, bạn phải tạo được một mối nguy tiền ẩn là họ sẽ mất mát nhiều hơn số tiền mà họ nợ bạn, nhiều hơn rất nhiều. Nếu họ có nguy cơ mất một học sinh, tức là mất 50 ~ 100 triệu thì sao nhỉ? Họ sẽ "ngoan ngoãn" mà trả cọc cho bạn thôi.

Vậy phải làm thế nào? Thì đi đòi nợ chứ sao nữa.

Cứ canh me lúc họ tư vấn, có học sinh thì bạn tới đòi. Bạn vẫn lịch sự, trình bày vấn đề, cả lý lịch đi đòi hết lần này tới lần khác mà họ không chịu gặp, ngay lúc họ tiếp học sinh.

Nếu họ ở trong phòng kín và bảo vệ không cho họ vào, thì bạn đợi học sinh ra hỏi có "anh/chị ... trong đó không", tốt nhất là trước mặt bảo vệ hoặc nhân viên tiếp tân, rồi tranh thủ nói là lạ nhỉ sao hẹn đòi tiền cọc thì bảo vệ/tiếp tân báo không có ở công ty, vân vân và vân vân.

Nếu người kia tò mò hỏi thì bạn nói ngọn nguồn, trưng ra các chứng cứ luôn, nếu họ không hỏi thì thôi, chắc họ sẽ "một đi không trở lại".

Làm thế vài lần, người kia cảm thấy mất miếng ăn, sẽ tự động mà trả tiền.

Nhân tiện, bạn cũng nên chơi trò "dương đông kích tây" trong đòi nợ, vì trò này khá vui.
Phép "dương đông kích tây" trong đòi nợ
Bước 1: Bạn hẹn họ một ngày nào đó (để họ chọn cũng được). Ngày đó bạn không tới. Cũng không bắt điện thoại của họ.
Bước 2: Bạn tới vào ngày hôm sau không hề báo trước.
Vì họ đã làm trò này trước rồi, nên bạn có thể làm mà không mất danh dự. Vì hôm đó bạn lại "bận đột xuất" chứ thật ra, bạn chỉ đi cà phê hay làm việc riêng của bạn thôi.

Hôm sau tới một cách bất ngờ làm họ lúng túng, cứ thể vài lần, họ sẽ ngộ ra là, gieo nhân nào, gặt quả nấy, và cái nhân họ gieo chỉ đem lại quả đắng ... cho họ.

Tấn công hậu phương

Vẫn còn lỳ mặt lắm đấy, họ không trả đâu. Đại đa số những người như thế chỉ nhìn tiểu cục mà mất đi đại cục.

Bản chất của tư vấn du học không phải để tư lợi, kiếm tiền, mà là để học sinh du học an toàn, yên tâm, có chi phí rẻ nhất (phí hồ sơ có lương tâm) và xa hơn nữa là thành công về sau.

Làm du học, hay làm việc gì nên hiểu mục đích việc mình làm, thay vì chăm chăm vào lợi ích, tiền bạc, mới lâu dài được. Tôi làm việc gì cũng là sự nghiệp lâu dài, vì niềm vui, nên tuyệt đối tránh xa xích mích tiền bạc, nhất là với khách hàng. Đôi khi bạn chịu thiệt một chút cũng được mà.

Nhưng những người nhìn tiểu cục thì họ cứ lấy tiền của bạn cho chắc đã, mà có khi họ còn tiêu mất rồi.

Vì thế, họ sẽ quyết không trả bạn, dù có thể sẽ làm họ mất khách hàng và cơ hội khác, vì có khi, họ đã mất uy tín rồi.

Tấn công hậu phương là tới nhà đòi nợ đó. Bạn không tới nhà lúc họ có nhà, mà tới lúc họ không có nhà, hay lúc bạn biết chắc họ không có nhà. Bạn cứ hỏi họ có nhà không, người nhà sẽ hỏi có chuyện gì thì bạn trình bày vấn đề của mình.

Hoặc đơn giản là nếu họ không tiếp thì bạn nói muốn gặp anh/chị ... để đòi nợ tiền cọc. Thông tin như thế sẽ chuyển tới tai họ.

Rồi bạn sẽ gặp họ lúc họ đang tiếp khách của họ. Những người như thế một là rất sỹ diện, hai là thích lợi dụng người khác, nên nếu bạn làm họ bể mánh trước mặt người thân, người quen thì họ rất sợ.

Bạn sẽ biết nhà họ vì bạn biết chỗ làm của họ, vậy thôi.

Đây gọi là tấn công hậu phương, đảm bảo trăm trân trăm thắng. Tới giờ, thái độ bạn vẫn ôn hòa, lịch sự nhé. Nếu bạn đe dọa họ, họ sẽ gắn cho bạn là "xã hội đen" và biến người nhà của họ thành hồng vệ binh đấy.

Ghi nhớ: Đòi nợ cần đầu tư thời gian

Bạn tổng tấn công cá nhân con nợ (mà sớm họ sẽ chặn điện thoại và Facebook), công ty con nợ (không thể chặn được vì có địa chỉ), nhà con nợ (sẽ tìm được). Họ sẽ ngoan ngoãn mà bỏ block và gọi cho bạn để trả nợ thôi, không cần chất vấn vì sao họ block bạn đâu, vì bản năng của họ là thế thôi (họ làm việc trái lương tâm mà).

Nhưng, không nên đầu tư thời gian quý giá mà lúc bạn rảnh thôi. Coi như đi đòi nợ là học môn "tâm lý học" đi. Bạn sẽ khám phá ra rất nhiều về tâm lý con người. Ai cũng có điểm yếu và kẻ làm chuyện xấu là yếu nhất, quan trọng là bạn hiểu họ và đánh trúng điểm yếu của họ thôi.

Tôi cứ luôn phải đi đòi nợ cho mọi người và luôn thành công. Hãy nhìn thẳng vào mắt con nợ để họ thấy được tội lỗi trong đó.

Thật lòng nhé, thái độ của tôi vừa nhẹ nhàng, vừa cương quyết, họ không biết tôi nghĩ gì nhưng có cảm giác tôi nhìn thấu tâm can họ.

Họ sẽ thấy được tội lỗi của mình. Đây gọi là "đòi nợ bằng ánh mắt".

Vì tôi biết chắc tôi sẽ đòi nợ được họ và ánh mắt tôi thể hiện rằng "rồi bạn sẽ phải trả tới đồng xu cuối cùng và tôi vui với trò chơi này".

Vì thế, đa phần sẽ ngoan ngoãn trả lại không thiếu một xu. Không, tôi chưa thấy ai trả thiếu xu nào cả.

Tôi còn đòi nợ cả người nước ngoài, dù không nói ngôn ngữ của họ và họ (vờ vịt) tỏ ra không hiểu. Tôi chỉ tập trung vào những mất mát mà họ phải chịu (về kinh tế) nếu không trả nợ thôi.

Tất nhiên, với những người "chạy làng" tức lặn không sủi tăm thì bó tay. Như thế thì họ lại mất cả công việc rồi còn gì, còn đòi họ nữa chăng?

Hoặc số tiền nhỏ quá, nhưng nếu gặp lại thì vẫn đòi thôi. Không bao giờ miễn khoản nợ cho những con nợ chầy bửa, nếu có dịp cứ đòi thôi. Đòi nợ vì niềm vui và công lý.

Điều quan trọng nhất là bạn phải hiểu là bạn KHÔNG XIN được trả nợ. Việc họ phải trả nợ bạn, và trả ngay, là nghĩa vụ của họ, nếu không thì họ sẽ gặp rất nhiều vấn đề rủi ro. Có phẩm cách chủ nợ thì đòi nợ sẽ dễ hơn hẳn.

Vì chẳng ai muốn nghe bạn thuyết giảng về luân lý và chém gió về thành bại mấy đâu! Ha ha.
Mark

1 comment: