Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Monday, December 30, 2019

Cách tiết kiệm tiền giao tế (socializing)

Nếu bạn muốn tiết kiệm thì các chi phí cố định như tiền nhà và tiền ăn là dễ tiết kiệm nhất. Nếu bạn nào giỏi tiếng Nhật hoặc muốn luyện tiếng Nhật thì có thể kiếm kênh 倹者の流儀 trên Youtube nhé.

Tiền nhà để tiết kiệm thì bạn thuê nhà tương đương, nhưng diện tích nhỏ hơn. Việc này đòi hỏi bạn phải vứt bớt đồ cồng kềnh. Nếu bạn đang du học, không nên mua bàn ghế cồng kềnh, vì lúc vứt còn tốn thêm tiền vứt, và chuyển nhà rất mệt, tốn kém. Tôi cũng sẽ chuyển nhà nhỏ hơn khi hết hợp đồng, để tiết kiệm thêm tiền nhà.

Tiền ăn thì tôi cũng chuyết khá nhiều rồi, hóa ra chúng ta ăn uống quá vô độ, thừa thãi, không phải là không tốt, mà là vô bổ, không hấp thụ được. Riêng về tiền ăn thì nên học người Bắc Triều Tiên: Cắt tóc thật ngắn để đỡ tốn dinh dưỡng nuôi tóc.

Tiền ăn là thứ mà bạn có thể thực hiện được ngay, tôi đã tối ưu hóa ăn uống bằng cách ghi chép chi tiêu theo từng mục và đặt GIỚI HẠN TRÊN cho mỗi mục, cũng như giới hạn cho tổng. Mỗi tháng đều nhìn vào đó mà chi tiêu.

Đừng bao giờ trả tiền để người khác uống thứ mà bạn không thích!

Cách tiết kiệm tiền giao tế (socializing, ăn uống với bạn bè)

Dù sao thì tiền nhà, tiền ăn là CHI TIÊU CÁ NHÂN, chỉ bằng ý chí của bản thân là bạn thực hiện được. Mỗi tháng tôi tiết kiệm được chi tiêu cá nhân 3000 ~ 4000k kể từ khi đặt mục tiêu tiết kiệm (và bạn nên nhớ là khi mới đặt mục tiêu, tôi không thấy có khoản nào cắt giảm được cả).

Các bạn hoàn toàn có thể tiết kiệm hơn 20 ~ 40% mà không bị suy giảm chất lượng cuộc sống quá nhiều: Vẫn khỏe không bệnh tật, thần sắc không xấu đi, chẳng ai biết bạn đang thắt lưng buộc bụng trừ khi bạn nói ra. Nếu bạn đã ốm yếu và nhợt nhạt sẵn? Tuyệt vời, chẳng ai biết là bạn đã đói cả tuần rồi đâu.

Nhưng cơ bản là bạn không đói, chỉ ăn uống hợp lý. Thậm chí bạn còn ăn ngon hơn, và do đầu óc luôn phải tính toán các con số chi tiêu nên bạn sẽ trở thành nhà kinh tế học sớm, tức là IQ sẽ tăng lên.

GIAO TẾ thì lại khác, chi tiêu này ít phụ thuộc ý chí của bản thân hơn. Người tiết kiệm được thường là người có xu hướng tự kỷ, ít giao tế bên ngoài, ít bạn bè. Tôi ít bạn bè xã giao, thường chỉ có bạn thân, ở xa. Nhưng đã là bạn thân thì trà nước vỉa hè vẫn vui, và sẽ vui hơn là lúc nào cũng trang trọng đi nhà hàng.

Nếu bạn TỪ CHỐI SOCIALIZING quá nhiều lần, mối quan hệ sẽ tệ đi, đúng kiểu xa mặt cách lòng. Nhất là đồng nghiệp rủ mà không đi, còn bị đánh giá không nhiệt tình, ảnh hưởng đến cả công việc nữa. Biết bao nhiêu hậu quả của việc từ chối.

Biết cách từ chối: Từ mà không chối

Socializing thường là thế này: Người rủ đang chán và người được rủ đang chán, cả hai vào nhà hàng đắt đỏ (vì "đô" sẽ tăng lên nhanh thôi), vui vẻ một thời gian, rồi lại nhanh chóng chán như cũ. Chỉ có chủ nhà hàng và tư bản ăn uống, tư bản bất động sản (người cho thuê mặt bằng) là vui hưởng thái bình.

Cả người rủ lẫn người được rủ sẽ cảm nhận được nỗi đau (pain) trong tim, do mất đi một số tiền tương đối. Dù bạn nhà giàu đi nữa, bạn vẫn cảm thấy nhói, vì bạn biết, bạn đang làm giàu cho người giàu hơn bạn.

Từ chối mà không từ chối, dựa trên kiến thức lối sống. Bạn đưa ra đề nghị tốt hơn, rẻ hơn. Tức là bạn cũng phải có kiến thức về ẩm thực, nhà hàng nào ngon, giá cả phải chăng.

Tức là bạn phải có LỐI SỐNG RIÊNG phù hợp với bạn. Có những nhà hàng thực sự đắt đỏ mà chất lượng không tương xứng, giá bất động sản quá cao, vv, tại sao phải tới những chỗ đó?

Cuộc sống luôn có lựa chọn thứ hai, thứ ba, không hề kém cạnh, với chi phí rẻ hơn rất nhiều.

Bạn cũng nên cho mọi người biết là bạn đang trong lối sống tiết kiệm, và đang tiết kiệm như thế nào, như thế việc từ chối của bạn không phải là TỪ CHỐI ĐỐI PHƯƠNG mà là từ chối lối sống sang chảnh (giả tạo) đang thịnh hành.

Hai việc từ chối này là khác hẳn nhau. Như tôi thì tôi vẫn nói tôi là người XHCN chống tư bản, tư hữu, một cách công khai. Nên nếu tôi từ chối đi nhà hàng sang chảnh (lẽ ra trước đây thì tôi đã đi rồi), chẳng ai bị tổn thương cả.

Tức là bạn KHÔNG TỪ CHỐI BẠN BÈ, bạn chỉ từ chối LÀM GIÀU CHO TƯ BẢN, TƯ HỮU mà thôi.

Trước khi đi nhà hàng

Wednesday, December 25, 2019

Làm gì có giàu nhất, chỉ có giàu hơn mà thôi

Vì sao có người giàu lên và có người không giàu lên?

Tư duy (mindset) mới làm bạn giàu hơn. Nỗ lực có cũng tốt mà không có cũng không sao. Nếu có tư duy đúng đắn sẽ nỗ lực một cách tự nhiên. Bạn có thể giàu lên một cách tự nhiên, mà không phải nỗ lực mấy. Liệu rằng có nên quăng bản thân vào một thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt đã đỏ rực lửa như con thiêu thân hay không?

Tôi thấy không nên. Tôi chẳng có cảm xúc hay xúc cảm gì với việc làm giàu và làm màu (sống sang chảnh), mà chỉ quan tâm làm sao sống thư thái (với cún) mà thôi.

Nhưng tôi sẽ giàu lên một cách tự nhiên như thế này:
- Rèn luyện thể chất tiết kiệm (= KIỀM CHẾ DỤC VỌNG)
- Rèn luyện thể chất đầu tư (= NÂNG CAO % LỢI NHUẬN)

Tóm lại người giàu lên là người kiềm chế được dục vọng và nâng cao được % lợi nhuận đầu tư. Ít ra hiện nay với lạm phát (công bố) 3-4% và gửi tiết kiệm được 7-8% thì bạn cũng kiếm được 4-5% mỗi năm mà không cần làm gì nhiều.

Tức là con số % cơ bản (chưa trừ lạm phát) là 8%, lấy đây làm chuẩn để bắt đầu đầu tư trái phiếu, cổ phiếu, các loại chứng chỉ quỹ vv.

Ngược lại, người không giàu lên thì rất nhiều, chiếm đa số. Người nghèo và người không giàu lên là khác nhau nhé. Có nhiều người nghèo nhưng vẫn giàu lên nhờ tiết kiệm. Người nghèo có học vấn là những người như thế, chẳng qua họ cống hiến trong lĩnh vực mà xã hội (này) không coi trọng, ví dụ giáo dục chẳng hạn.

Không giàu lên là do không kiểm soát được dục vọng, và vì thế không có đủ tiết kiệm để đầu tư để tăng % lợi nhuận lên. Họ chỉ ước ao trúng mánh đất đai tài sản tăng 3 - 4 lần trong vài năm. Không phải là không thể nhưng chỉ là ăn may, mà chẳng ai ăn may mãi. Nhỡ gặp vận đen thì lại mất mát và trở nên sợ hãi.

Do đó, cách để giàu lên một cách vững chắc là tăng % lợi nhuận lên dựa vào sự khôn ngoan, hay nói thẳng ra là KINH NGHIỆM ĐẦU TƯ = No pain, no gain.

Dục vọng - con dao hai lưỡi

Tuesday, December 17, 2019

Rèn luyện thể chất đầu tư

Sớm muộn gì thì bạn cũng sẽ bắt đầu đầu tư nếu muốn trở nên giàu có hơn. Khi nào một người sẽ bắt đầu đầu tư? Khi người đó chuyển sang THỂ CHẤT TIẾT KIỆM và bắt đầu thừa tiền.

Nếu bạn không có thể chất tiết kiệm, bạn sẽ không bắt đầu đầu tư. Vì thế, phải xây dựng thể chất tiết kiệm trước (ghi chép chi tiêu, so sánh giá, thiết lập mục tiêu tiết kiệm vv). Sở dĩ mọi người không tiết kiệm được vì NHU CẦU QUÁ NHIỀU. Nhu cầu mua điện thoại mới, nhu cầu đi du lịch, nhu cầu mua nhà, mua xe vv.

Vì chưa thỏa mãn nhu cầu, nên vẫn thấy "thiêu thiếu" thứ gì đó, vì thể phải tiêu tiền để giải tỏa cảm giác này đi.

Nhu cầu lại thường do tư bản tạo ra để mọi người lao vào vòng xoáy tiêu tiền. Ví dụ nếu du lịch Nhật mà 200 triệu, thì chẳng ai coi là "nhu cầu", vì nó vượt quá xa khả năng. Nhưng nếu du lịch Nhật chỉ 20 triệu, thì lập tức sẽ khuấy động nhu cầu của mọi người, vì bạn bè ai cũng đi du lịch Nhật và khoe trên mạng xã hội cả. Vì bạn bè ai cũng đi, cũng "sống ảo" đủ kiểu, nên phát sinh nhu cầu đi du lịch Nhật, mà thực ra, là nhu cầu "không thua bạn kém bè". Đây lại là SĨ DIỆN, "con gà tức nhau tiếng gáy".

Từ nhu cầu này lại sinh thêm nhiều nhu cầu khác, đi Nhật được rồi lại muốn đi Mỹ, đi Âu vv.

Nhu cầu không giảm đi theo năm tháng mà tăng dần lên và ngày càng đắt đỏ hơn. Vì thế, chi phí tăng lại khiến phải lao động vất vả, cuối cùng do quá vất vả nên lại có nhu cầu "hưởng thụ" để giải tỏa căng thẳng.

Do đó, bạn sẽ không đầu tư mà sẽ dùng tiền để thỏa mãn nhu cầu của mình.

Khi nào bạn tiết kiệm?

Thursday, December 12, 2019

Bất động sản không dễ sinh lời: Làm sao lời từ khi mua?

Vì sao chúng ta đầu tư bất động sản? (Trừ trường hợp PHẢI MUA để kết hôn, để có vị thế xã hội vv)

Để sinh lời. Dù ở VN hay Nhật cũng thế. Vậy sinh lời bao nhiêu % là vừa?

Ví dụ ở Nhật khi đầu tư bất động sản, người ta kỳ vọng sinh lời 4%/năm.

Còn ở VN, thực tế là nếu cho thuê nhà mặt đất thì được tầm 4%/năm, ví dụ nhà 2 tỉ, thì cho thuê được 80 triệu/năm, tức là gần 7 triệu/tháng.

Vì sao kỳ vọng lợi nhuận bất động sản lại là 4%/năm??

Vì bất động sản thường gắn với cột mốc 25 năm: Thường sau 25 năm, bất động sản không còn giá trị (quá cũ nát, hoặc không có giá trị so với nhà mới, tiền cho thuê chỉ bằng tiền sửa chữa vv). Ngoài ra, thông thường người đi làm công ăn lương sẽ chấp nhận bỏ ra 25 năm để trả góp nhà, để lúc về hưu có nhà dưỡng già nữa.

Bạn mua nhà vì bạn muốn tiết kiệm tiền thuê nhà. Nếu tiền nhà = 25 năm tiền thuê nhà, bạn sẽ cân nhắc mua nó. Vì 25 năm là đủ bạn kết hôn - có con - nuôi con trưởng thành rồi. Nếu tiền nhà bằng 50 năm tiền thuê nhà, rõ ràng bạn không mua nó, vì nó quá đắt, thà ở thuê còn hơn. Nếu tiền nhà bằng 10 năm tiền thuê nhà thì nó quá rẻ, phải tất tay ngay!

Đấy là tâm lý ở Nhật. Ở Việt Nam TÂM LÝ SỞ HỮU NHÀ vô cùng lớn, vì nhiều lý do:
  • Cần nhà để lập gia đình (ở Nhật không cần, mà quan trọng là THU NHẬP NĂM 6 triệu yên)
  • Sĩ diện hão (có nhà để bằng bạn bằng bè)
  • Của để dành phòng khi lạm phát (trong khi có nhiều kênh khác)
  • Đầu cơ chờ tăng giá
  • Có của để lại cho con

Tâm lý sở hữu nhà nói thẳng ra là ẢO TƯỞNG rằng có nhà sẽ hạnh phúc hơn. Bạn nên nhớ là sở hữu nhà hay không chẳng liên quan gì đến hạnh phúc. Vì chi phí duy trì, bảo trì bảo dưỡng nhà ở luôn cao, nhất là với tay mơ (đa số trung lương chỉ là tay mơ về nhà ở). Nhà ở sẽ sớm trở thành của nợ (tiêu sản) và thành "nhà tù cuộc đời", nhất là khi có hàng xóm khốn nạn (ở Việt Nam thì nhiều nhan nhản).

Thực ra thì nhà sẽ hỏng liên tục và rất mệt mỏi. Nên tâm lý trên chỉ là ẢO TƯỞNG.

Tôi sẽ chỉ ra sự ảo tưởng như thế này:

Ảo tưởng 1: Cần nhà để lập gia đình

Những phụ nữ cần kiếm người có nhà để lập gia đình là những người nông cạn. Bạn chẳng nên lấy. Rõ ràng là những phụ nữ kiểu đấy không hiểu gì về kinh tế, không có khả năng đánh giá con người. Nếu lập gia đình phải lấy người có NHÂN PHẨM TỐT và lịch sự.

Ngoài ra, bạn cần thu nhập tốt để lập gia đình, chứ không phải là nhà ở. Nếu bạn có kế hoạch tài chính cụ thể cho việc lập gia đình thì bạn vẫn lập gia đình mà không cần mua nhà, mà thường là sẽ có hôn nhân tốt hơn những người khác.

Ảo tưởng 2: Sĩ diện hão

Chẳng ai tôn trọng bạn vì bạn có nhà hay có xe. Chẳng qua nếu không có thì bạn bị mặc cảm tự ti, nhưng đã mặc cảm tự ti thì có nhà và có xe vẫn sẽ mặc cảm tự ti và sẽ chẳng hạnh phúc. Hội chứng này là do vấn đề trong tuổi thơ ấu (không được cha mẹ yêu thương hay tôn trọng vv) chứ không thể giải quyết được bằng sĩ diện hão.

Nếu bạn có mặc cảm tự ti và không hạnh phúc với bản thân, chính việc đó mới khiến bạn bị xa lánh.

Ảo tưởng 3: Của để dành phòng khi lạm phát

Cái này thì thực tế chứ không hẳn là ảo tưởng. Nhưng thực ra khi sắp lạm phát thì nên mua vàng, vì vàng sẽ tăng giá. Còn một khi đã lạm phát thì người ta mất tiền, nên không thuê nhà mà về quê, giá nhà sẽ giảm đi theo sự sụp đổ của nền kinh tế.

Thậm chí khi nền kinh tế siêu lạm phát, con người mất việc, họ sẽ ở ghép trong khu ổ chuột, hay về quê sống bám cha mẹ. Vì thế, có khi còn không cho thuê được nhà, hoặc cho thuê giá rất vẻ. Đương nhiên là rất khó bán, vì đâu phải nhà có vị trí kinh doanh tốt!

Như vậy, mục tiêu chống mất tiền do lạm phát thì ổn, nhưng mục tiêu "của để dành" thì THẢM BẠI. Vàng mới là của để dành khi lạm phát. Tôi còn chẳng thèm mua vàng: Tôi mua xCoin.

Ảo tưởng 4: Đầu cơ chờ tăng giá

Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào. Thấy anh A, chị B, thím C, chú D mua đất, mua nhà tự nhiên tăng giá ào ào, thế là cũng hi vọng mình được như thế.

Vấn đề là giá nhà phụ thuộc giá cho thuê (theo tỉ lệ 4% như nói trên), nên nếu nhu cầu không tăng thì giá sẽ không tăng, trừ khi có "sốt đất do bơm thổi".

"Sốt do bơm thổi" mà đến tay trung lương thì thường là "ôm bom" (tức là giá cao nhưng không bán được, là "nhà đầu tư" cuối cùng không sao thoái vốn được). Dù có hạ giá cũng không có ai mua, vì cá mập lại đang "bơm thổi" chỗ khác giá rẻ hơn rồi!

Đương nhiên là nhà có thể tăng giá, nhất là nhà phố, nhưng đấy là nếu bạn MUA ĐƯỢC GIÁ HỜI (hay nói theo kiểu đầu tư chuyên nghiệp là LỜI TỪ KHI MUA), chứ bạn mua giá cao thì chẳng lời gì cả. Vì cung - cầu nhà phố tương đối ổn định, không phải như kiểu đồng không mông quạnh thổi lên làm "trọng điểm du lịch".

Ảo tưởng 5: Có của để lại cho con

Ừ, nghe hợp lý, nhất là có con cái vô dụng và vô hại! Con cái thông minh sáng láng chẳng ai lại chờ "bố thí" từ cha mẹ cả. Như thế quá muộn, và không khéo rước nợ vào thân.

Bởi vì để trao lại nhà cho con cái thì mất 25 năm, trong 25 năm này nhà đã cũ nát rồi, nếu sửa lại có khi cũng bằng tiền đất. Ví dụ nhà 3 tỉ, để lại cho con, sửa lại có khi mất 1 ~ 2 tỉ.

Cho con nhà thì phải cho kèm cả tiền sửa nhà, nếu không sẽ thành gánh nặng cho con cái. Hơn nữa, cho con nhà cũng đồng nghĩa là bản thân không có nhà, nên phải sống nhờ con.

Tức là người con phải chịu phí ăn, ở, y tế cho cha/mẹ trong khoảng 20 năm nữa. Làm con cái thì không nên quá tính toán với cha mẹ, nhưng đấy là khi không lỗ với cha mẹ cho không biếu không thôi (^o^), chứ trường hợp này thì LỖ QUÁ, ĐAU QUÁ!

Cha mẹ như thế thực ra là "tiêu sản", sẽ rất mệt mỏi cho con cái. Nếu họ không để lại của cho con, mà dùng nó đầu tư, hay nâng cao sức khỏe, cuộc sống, thì họ sẽ sống vui vẻ, khỏe mạnh, mà con cái cũng vậy.

Vì thế, mua nhà làm của để lại cho con là ảo tưởng lớn nhất.

Bất động sản khó sinh lời như thế nào?

Giả sử bạn bỏ số tiền 1000 mua bất động sản, sinh lời 4%/năm (đây là thực tế ở VN hiện nay, bạn có thể kiểm tra lại thoải mái, riêng chung cư là 5~6%/năm), thì vấn đề là gì?

Nhà cũ đi mất giá 4%/năm và 25 năm sau không còn giá trị cho thuê (không sinh lời).
Bạn kiếm lời được 4%/năm từ tiền thuê nhà.

Nghĩa là bạn ... chẳng lời gì cả ^^

Trung lương dễ bị dính vào cái bẫy này. Họ mua nhà phố cũ nát giá rẻ, hoặc mua chung cư tầm trung, và nghĩ là sau này khấu hao hết (sau 25 năm) thì họ sẽ .... sở hữu nhà!

Đây là ẢO TƯỞNG.

Đầu tư bất động sản: Thuê nhà

Trong bài trước tôi có nói về đầu tư cổ phiếu để làm kim chỉ nam cho năm 2020. Sớm muộn gì bạn cũng phải đầu tư cổ phiếu hay bất động sản, dù thị trường đang lình xình hay đi xuống, để tránh mất tiền do lạm phát.

Trong bài này tôi sẽ chuyết về vấn đề bất động sản để làm rõ phương hướng để đầu tư từ nay trở đi. Nhưng nếu không có một số tiền lớn, thì làm sao đầu tư bất động sản? Không, thực sự là ai cũng ĐANG đầu tư bất động sản.

Nếu bạn đang mua nhà trả góp, bạn đang đầu tư.
Nếu bạn đang thuê nhà, bạn đang đầu tư.
Nếu bạn đang sở hữu nhà và trả chi phí duy trì nó, bạn đang đầu tư.
Nếu bạn đang cho thuê nhà (của bạn, hoặc thuê và cho thuê lại), bạn đang đầu tư.

Thực ra thì ai cũng liên quan tới bất động sản cả. Vấn đề là khả năng sinh lời của mỗi người sẽ khác nhau. Do đó, chúng ta cần học về khả năng sinh lời.

Trong bài này thì tôi tập trung nói về việc thuê nhà trước, vì đó là việc ngay trước mắt (nhưng sau này nếu thuê và cho thuê lại cũng sẽ tương tự).

Thuê nhà là một dạng đầu tư bất động sản

Friday, December 6, 2019

Đầu tư cổ phiếu

Từ năm sau bắt đầu phải học cách đầu tư cổ phiếu. Vì sao? Vì tiến trình tự nhiên là như thế. Thực ra là vì LO XA việc mùa đông đang đến gần.

Gửi tiết kiệm chống lạm phát (và kiếm lời từ lạm phát) thì tốt, là cách làm chung của những người sống tằn tiện (thực ra là tiết kiệm nhưng phải dùng ngôn từ mạnh để có tác dụng hô hào quần chúng!), nhưng trong một số trường hợp có biến lớn thì đấy không phải là cách hay.

Ví dụ chiến tranh, (dẫn tới) suy thoái kinh tế nghiêm trọng, cuối cùng là siêu lạm phát, tiền mất giá, mà điển hình là nước Vệ (Venezuela), nước Cồ (Colombia), hay nước Ách (Argentina, riêng nước này thì đã nhiều lần). Khi phải mang cả bao tải tiền đi mua một ổ bánh mỳ, thì có lẽ là nhiều ngân hàng đã sụp đổ hoặc quỵt tiền của bạn, vì thế, tiền gửi tiết kiệm không cánh mà bay. Tuy là chính phủ cũng có "bảo hiểm" đấy, nhưng nếu chỉ được nửa ổ bánh mỳ thì cũng không giải quyết được gì.

TRÁI PHIẾU, nhất là trái phiếu quỹ mở, là kênh đầu tư tốt hiện nay. Tôi cũng có mua một ít để học tập là chính. Nên mua nhiều quỹ khác nhau để có sự so sánh. Bạn cũng có thể mua trái phiếu doanh nghiệp nhưng đấy là nếu có nhiều tiền và mua kỳ hạn dài, còn nếu bạn là người đầu tư nhỏ thì cứ mua chứng chỉ quỹ trái phiếu là được.

Nhưng bản chất trái phiếu cũng là TIỀN mà thôi. Ví dụ trái phiếu doanh nghiệp hứa trả lãi 10%/năm sau 3 năm, nếu họ không vỡ nợ, bạn mua 1000 đồng, họ trả cho bạn 1000 x 1.1 x 1.1 x 1.1 = 1331 đồng, bạn lãi được 33.1%.

Nhưng nếu có biến lớn xảy ra, doanh nghiệp vỡ nợ, (dẫn tới) quỹ trái phiếu cũng làm ăn bết bát, thậm chí vỡ nợ, thì trái phiếu hay chứng chỉ quỹ trái phiếu cũng theo gió mà bay.

Như vậy chỉ có kênh bất động sản (không phải tiền) là an toàn. Tất nhiên là có thể vỡ bong bóng bất động sản và giá thị trường giảm đi, nhưng bạn vẫn sở hữu nó, nguyên vẹn không mất mát gì. Thậm chí tên bạn còn được ghi trong sổ nhà đất là chủ sở hữu, nên có mất giấy tờ (sổ đỏ) cũng không sao.

Nhưng giờ giá bất động sản đang rất cao (bong bóng, hoặc có thể không, có thể đang quá thấp và còn tăng), so với thu nhập của đại đa số dân chúng. Nên dồn hết tiền mua bất động sản thì chưa chắc đủ khả năng, hơn nữa, chưa chắc khôn ngoan. Với số tiền nhỏ, bạn có thể mua đất nền ở một nơi xa, đợi 10, 20 năm gì đấy. Như thế sẽ mòn mỏi.

Bất động sản là kênh tốt để chống tiền mất giá (dù thị trường đi ngang thì nó vẫn tăng theo tỉ lệ lạm phát được). Nhưng bên cạnh đó là SỞ HỮU MỘT MẢNH DOANH NGHIỆP, tức là CỔ PHIẾU, cũng là cách làm như vậy.

Ví dụ bạn mua 1 cổ phiếu của doanh nghiệp phát hành 1 triệu cổ phiếu, tức là bạn sở hữu một phần triệu doanh nghiệp đó. Giả sử lạm phát cao, tiền mất giá, thì giá trị doanh nghiệp thường sẽ tăng theo tỉ lệ lạm phát đấy. Vì bản chất doanh nghiệp không phải là tiền, mà là mức độ khao khát sở hữu (để dây máu ăn phần cổ tức) của mọi người.

Tức là về lâu dài, bạn không nên giữ tài sàn ở dạng tiền (tiền tiết kiệm, trái phiếu vv) mà nên giữ ở dạng không phải tiền, ví dụ bất động sản hay cổ phiếu.

Tất nhiên, nếu chiến tranh sắp xảy ra, mua vàng là an toàn. Vì vàng không bị lạm phát như tiền.

Vậy có nên bán hết cổ phiếu hay bất động sản mua vàng không? Chưa chắc và không nên. Vì biết đâu nếu doanh nghiệp tồn tại qua chiến tranh, nó sẽ phát triển mạnh mẽ (vì chiến tranh sẽ thanh lọc bớt đối thủ cạnh tranh yếu kém bán phá giá, và nhu cầu sau chiến tranh sẽ cao), thì giá trị của nó còn tăng cao hơn vàng.

Tôi nói về lý thuyết để làm rõ vì sao nên học đầu tư cổ phiếu. Còn học ở đâu, học như thế nào, là tùy mỗi người. Tôi thì vừa học lý thuyết vừa thực hành luôn, tức là học sơ sơ rồi mua luôn một ít rồi học thêm từ thực tế sau. Vì là học nên mất mát cũng bình thường chỉ là chút học phí thôi. Đừng có làm "chết đờ" (trader) khi chưa hiểu gì là được.

Chọn cổ phiếu tốt hoặc tiềm năng

Thursday, December 5, 2019

Độc nam, độc nữ mất tiền vì đâu?

Độc nam (dokuotoko) và độc nữ (dokuonna) là chỉ tầng lớp nam nữ độc thân trong xã hội, ngày nay nhan nhản ở VN. Càng ngày độc nam, độc nữ càng nhiều hơn vì đi làm vất vả không còn thời gian yêu đương, cũng không có tiền trang trải tình phí vv. Hoặc không mua được nhà nên thôi, độc thân cho lành.

Bài này chỉ dành cho độc nam, độc nữ, gọi chung là "độc nhân". Chứ không dành cho người có gia đình, vì có gia đình và con cái vào rồi thì không còn là "nhân" nữa, mà là nô lệ (cho tư bản để trả học phí cho con cái, cũng lại là "kênh đầu tư giáo dục" của tư bản).

Độc nhân kiếm tiền chỉ lo cho bản thân. Nếu sống cùng cha mẹ thì còn tiết kiệm được tiền nhà, lẽ ra thừa ra khối tiền. Ngoài ra, không ít độc nhân lương cao hơn mặt bằng chung xã hội nhiều. Nhưng vẫn tiêu hết tiền, thậm chí nợ thẻ tín dụng. Vì sao những người này mất tiền?

Phải chẳng vì họ nuông chiều bản thân và luôn vung tay quá trán? Không phải như thế. Họ vẫn sống khá bình thường chứ không quá nổi bật. Đành rằng họ xài hàng hiệu, nhưng mà hàng hiệu thì có tốn mấy đâu? Nếu mua quần áo hàng chợ còn tốn hơn. Họ cũng du lịch nước ngoài, nhưng cũng đâu phải quá tốn kém vì có phải lúc nào cũng được nghỉ mà đi đâu?

Theo tôi, lý do mà độc nam, độc nữ mất tiền là vì hai lý do chính:

1. LẠM PHÁT (VẬT GIÁ LEO THANG)
2. BONG BÓNG BẤT ĐỘNG SẢN

Những thứ mà độc nhân thích ăn uống đều tăng giá đều theo thời gian. Ngoài ra, khi sang chảnh đi ăn nhà hàng thì do bong bóng bất động sản mà lại còn bị thêm cả tăng giá do bất động sản nữa. Những thứ nhỏ nhỏ bị lạm phát cộng lại nên thực sự là không còn tiết kiệm được bao nhiêu, vì vẫn quen tiêu xài theo thói quen cũ.

Như vậy, muốn không mất tiền thì phải chống được lạm phát và bong bóng bất động sản, và tôi đã nói bài này ở bài Hack lạm phát - cách kiếm 2 ~ 3% từ lạm phát.

Trước tiên phải tiết kiệm được tiền, ngăn dòng tiền ra đã, thì tăng thu nhập mới có ý nghĩa. Vì thu nhập tăng đồng nghĩa là lao lực tăng, hoặc tự mãn tăng (tự nghĩ mình giỏi giang) nên mong muốn tự thưởng, tức là nhu cầu tiêu tiền lại tăng. Một vòng luẩn quẩn mà thôi.

Đầu tiên là phải chặn đứng lạm phạt và bong bóng bất động sản!
(Hình ảnh trong bộ phim cách mạng "Công xưởng hoang" về anh Nêu và chị Trinh)

Hack lạm phát - cách kiếm 2 ~ 3% từ lạm phát

Lạm phát làm tiền của bạn bốc hơi nhanh chóng? Đúng. Vì thế bạn không tiết kiệm nữa, tiêu hết tiền đi, thế là chẳng lo gì nữa? Sai!

Ngay cả bạn mua vàng hay ngoại tệ, đến lúc bán ra lấy tiền tiêu thì bạn cũng mất 7 ~ 8% do không được hưởng lãi suất ngân hàng.
=>Giữ JPY, VND hay USD có lợi hơn?

Ví dụ đầu năm bạn mua vàng, cuối năm bạn bán đi lấy tiền tiêu, giả sử vàng không tăng giá, thì bạn mất tiền lẽ ra có thể gửi ngân hàng lấy lãi 8%. Lưu ý là trung bình trong nhiều năm thì vàng hay đô la đều tăng giá rất chậm, chậm hơn lạm phát và gửi ngân hàng nhiều.

Mua vàng chỉ có ý nghĩa nếu bạn mua xong rồi chôn ba tấc đất, đợi khi nào có chiến loạn và siêu lạm phát thì đào lên, bán đi mua đất vv.

Trong bài này tôi sẽ hướng dẫn cách để không chỉ không mất tiền vì lạm phát mà còn kiếm được 2 ~ 3% từ lạm phát.

Nghe thì đã thấy phi lý và chắc chắn là không nhiều người biết, nên mới gọi là HACK. Thứ bạn cần là hiểu biết đúng đắn về kinh tế, ý chí kỷ luật và đặc biệt là KHẢ NĂNG TỪ CHỐI. Như thế là đủ để kiếm tiền rồi, hơn nữa, bạn còn nên người nữa.

Lạm phát và lãi suất ngân hàng

Lạm phát cao thường là do quy mô kinh tế cao lên, GDP lớn hơn (hay ít ra, GDP ảo lớn hơn), chứ không hẳn là in thêm tiền ra. In thêm tiền là một phần, nhưng khi nền kinh tế đang phát triển lớn hơn, nhu cầu tiền lớn, thì ngân hàng trung ương sẽ phải tung thêm tiền để đáp ứng nhu cầu này, tạo ra lạm phát.

Khi có lạm phát cao thì tâm lý con người là cảm thấy tiền không giá trị nữa. Do đó, họ thà tiêu xài cho hết, đỡ bị ... mất giá. Để lôi kéo người ta gửi tiền vào ngân hàng - nhất là ngân hàng nhỏ vốn ít - thì ngân hàng phải chào lãi suất tiết kiệm cao hơn lạm phát.

Đây là lý do mà bạn sẽ kiếm được tiền từ gửi ngân hàng. Tất nhiên là diễn giả thành công thì không thích điều này.

Họ không thích là đúng, vì nếu ai cũng gửi tiết kiệm thì họ sẽ đói. Chẳng ai đầu tư nhà đất hay chứng khoán nữa. Nhưng nhà đất và chứng khoán đều đang lình xình (đi ngang), ai đầu tư sẽ có lời đây? Ngay cả các quỹ cổ phiếu cho chuyên gia vận hành thì sinh lời được có 2 ~ 3%, thua xa gửi tiết kiệm. Chưa kể có khi còn lỗ. Vấn đề chính là chuyên gia với đầy đủ thông tin và công cụ còn thế, thì bạn còn lâu mới lời. Và thực tế là 90% người đầu tư chứng khoán thua lỗ hoặc chẳng kiếm được lời như mong muốn.

Phương trình: Lãi suất cao nhất của ngân hàng > Lạm phát

Như vậy, để kiếm tiền từ lạm phát thì bạn gửi vào ngân hàng ở lãi suất cao nhất, và làm giảm lạm phát xuống. Nghe có vẻ nực cười!

Gửi ngân hàng ở lãi suất cao nhất

Kỳ hạn 12 tháng hoặc 13 tháng thường là lãi suất cao nhất, hiện tại là 7.5 ~ 8.5%, trung bình là 8%. Như vậy, bạn phải gửi trước khoảng 12 hoặc 13 tháng.

Ví dụ:
Hiện tại là tháng 12/2019, gửi kỳ hạn 13 tháng lãi suất 8% tức là tháng 1/2021 đáo hạn, một số tiền bằng sinh hoạt phí một tháng của bạn (dư ra một chút).

Ví dụ nếu bạn sống hết 10 triệu/tháng, bạn gửi một sổ 10 triệu kỳ hạn 13 tháng, tháng sau bạn lại gửi một số 10 triệu kỳ hạn 13 tháng.

Như vậy bạn có tối thiểu 13 sổ tiết kiệm, ví dụ mức sinh hoạt của bạn là 10 triệu thì tối thiểu phải có 130 triệu tiền tiết kiệm. Nếu mức sinh hoạt là 20 triệu thì tối thiểu phải có 260 triệu.

Như thế bạn phải gửi tiết kiệm định kỳ và chi tiêu có kế hoạch, tức là tiền chi tiêu không dùng vào việc khác, tránh phải rút sổ sớm. Vì thế bạn nên gửi dư dư ra một chút, và nên có một khoản dự phòng việc chi tiêu bất ngờ. Whatever!

Làm giảm lạm phát xuống

Wednesday, December 4, 2019

Ăn món ăn các nước và "ăn uống vô độ để hạnh phúc"

Vì sao chúng ta ăn món ăn các nước? Vì ngon!
Vì sao du học ở Nhật là lợi thế? Vì có nhiều món quốc tế ngon và phải chăng.

Nhật Bản chính là thiên đường của ẩm thực quốc tế. Bạn có thể ăn pizza, mì Ý, món Ấn, món Hoa, món Thái vv rất ngon. Nếu thường xuyên ăn các món này thì bạn sẽ có dinh dưỡng tốt, tức là có đẳng cấp (bản chất của đẳng cấp là dinh dưỡng). Tất nhiên là du học sinh thì không thể ăn thường xuyên được rồi, nhưng thỉnh thoảng nomikai ("đi nhậu" trong tiếng Bổn) thì cũng được mà, vì đằng nào chẳng nomikai.

Kể cả khi bạn về nước, cũng hay luôn áp dụng chiến lược này để có đẳng cấp. Thực ra, món Việt thì tôi không ăn mấy. Vì tôi không thích gia vị (bột ngọt), và tôi tự làm được ở nhà với gia vị tốt hơn nhiều. Nếu đi ăn thì tôi sẽ ăn món các nước.

Vì sao món nước ngoài thường ngon?

Vì nó có dinh dưỡng khác với món ăn thường ngày của chúng ta, là những thứ mà cơ thể muốn nạp vào để có sức khỏe tốt hơn. Một món ngon là vì nó tươi và là thứ mà cơ thể cần. Khi ăn quá nhiều và cơ thể không cần nữa thì nó sẽ hết ngon.

Còn nếu bạn có năng khiếu nấu ăn, bạn thậm chí có thể nấu món nước ngoài ở nhà. Nếu nấu món nước ngoài ở nhà và mời bạn bè tới ăn, thì còn gì bằng? (Phải thu tiền nguyên liệu, vì đây không phải CNCS nhé).

Ăn uống vô độ

Gần đây tôi bắt đầu lối sống tằn tiện và có xem series phim "Vô độ" (Insantiable). Tôi thấm thía ra một chân lý rằng:

Tằn tiện và đẳng cấp

Sống tằn tiện (thrifty) thì làm sao đẳng cấp (classy) được? Và chẳng phải sẽ mất hết bạn bè hay sao?
>>Nhật ký tằn tiện

Bạn vẫn có thể sống vừa tằn tiện để tiết kiệm tiền bạc tối đa, vừa sống đẳng cấp. Tôi sẽ hướng dẫn cách làm.

Tằn tiện là bạn hạn chế tối đa chi tiêu, cắt bỏ chi tiêu vô bổ và chỉ chi tiêu thực chất, theo nguyên lý 90/10: 10% những thứ thật sự cần thiết đóng góp cho 90% lối sống của bạn, còn 90% chỉ đóng góp cho 10%. Bỏ hẳn những thứ vô bổ đi. Tôi không còn cà phế đạo nữa, vì nó không đóng góp gì nhiều vào chất lượng cuộc sống.

Còn đẳng cấp là thế nào? Mọi người thường định nghĩa là "sang chảnh", đi ăn nhà hàng sang, mặc quần áo hàng hiệu vv.
=> Bạn nên mua khi nào sale lớn, ví dụ X'mas.

Tôi vẫn dùng đồ hiệu nhưng dạo này không mua quần áo mới mấy. Tôi chỉ mua một đôi giày thể thao giảm giá 75% (do hết size), vẫn vô cùng hài lòng. Như thế vẫn là hàng hiệu và vẫn đẳng cấp, vì có câu ngạn ngữ Nhật Bản như thế này:

腐っても鯛 Kusatte mo tai = Dù có ươn thì vẫn là cá tráp (tương đương cá "tiến vua")
Tạm dịch: Dù có sờn rách thì vẫn là hàng hiệu

Còn ăn uống thì sao, vì sao chúng ta lại lê la hết nhà hàng này tới nhà hàng khác, từ món Nhật tới món Ấn và thậm chí cả món Mông Cổ??

Vì nếu chỉ ăn ở nhà thì có nguy cơ thiếu chất, da, cơ sẽ không khỏe. Người ăn hàng nhiều có lợi thế là đủ chất, dinh dưỡng tốt, sắc mặt hồng hào. Thực ra là do mức sống cao hơn = tiêu nhiều tiền hơn, nhưng quan trọng chính là ĂN UỐNG ĐA DẠNG.

Khi nhìn sắc mặt một người theo kiểu trông mặt mà bắt hình dong, chúng ta biết được tình trạng dinh dưỡng của họ, từ đó mà quyết định có tôn trọng họ hay không, có chơi với họ hay không. Ai chẳng muốn kết thân với người có dinh dưỡng tốt.

Vì sao? Vì họ là người tốt: Người dinh dưỡng tốt = Người tốt.

Nghe thì có vẻ cực đoan nhưng đây được gọi là "luật ngầm" trong cuộc sống. Thông thường, người tốt phải là người nghèo khổ rách tả tơi sẵn sàng đồng cảm và bố thí cho người khác. Đấy là khái niệm "tốt" trong thế giới như thế.

Trong một thế giới khác, dinh dưỡng và sức khỏe mới là tiêu chí về "người tốt".

Lý do là vì nếu một người có sức khỏe tốt, họ không bị phức cảm tự ti, không ghen ghét đố kỵ với người khác, vì thế họ không bận tâm việc sân si, nói xấu sau lưng vv. Còn người tốt kiểu "lá rách đùm lá nát" thì thường chỉ giúp người kém hơn mình, nhưng sẽ đố kỵ với người có hoàn cảnh tốt hơn mình, và bị phức cảm tự ti vì sao mình tốt mà lại có cuộc sống không tốt.

Chơi với người bị phức cảm tự ti (inferiority complex) thì không biết họ sẽ chơi xấu bạn lúc nào đâu. Nếu bạn hơn họ, họ sẽ nói xấu bạn, đem những thông tin mà bạn nói cho họ đi rêu rao làm mất uy tín của bạn vv. Thậm chí bạn chưa cần hơn họ mà chỉ cần họ nghĩ là bạn hơn họ, hay bạn làm mếch lòng họ, là đủ để họ làm thế rồi.

Đặc điểm chung là dinh dưỡng không tốt. Nên nếu bạn thực sự khổ sở thì nên chơi, nhưng bạn khá lên rồi thì không nên chơi, tính toán như thế cũng mệt mà??

Nên trong cuộc sống, chơi với người dinh dưỡng tốt thì tốt hơn rất nhiều. Tức là chơi với người có lối sống (lifestyle) tốt, thì do họ không bị phức cảm tự ti, nên mối quan hệ bền vững và bất biến. Bạn không phải lo họ sẽ buôn dưa lê thông tin của bạn vv. Như tôi không buôn dưa lê của ai cả, vì việc đó không đúng đắn. Tôi chỉ nói về lối sống, làm sao tằn tiện để tiết kiệm tiền, đầu tư thế nào cho đúng thôi.

Vì thực ra, tôi là người có dinh dưỡng tốt.

Phương trình về đẳng cấp