Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Wednesday, June 28, 2023

Con người chết vì sự quá bình thường?

 "Con người nói chung thường chết vì sự quá bình thường. Cuối cùng trở nên trống rỗng, chỉ còn lại cái tên. Đó là sự bình thường chết người."

-Câu chuyết hôm nay-

"Bình thường" là như thế nào?

Là 普通 [phổ thông], ai cũng giống ai, người ta làm sao mình làm vậy, là dĩ hòa vi quý, là kính trên nhường dưới (vì ai cũng làm thế!), là lao đầu vào kiếm tiền ... Tức là không làm gì khác lạ với những người xung quanh. Tiếng Nhật gọi người bình thường là 普通の人 (futsuu no hito), ở đâu chúng ta cũng nhìn thấy. Ngày ngày dậy sớm ăn sáng đi làm trên tàu điện "cá mòi" ....

Nói chung, bình thường là học hết cấp ba thì học cao đẳng, đại học, ... năm cuối sắp tốt nghiệp thì hoạt động xin việc đi làm, gọi là 就職活動 [shuushoku katsudou, tựu chức hoạt động], dân du (học sinh) hay gọi là "đi syu". Gọi tắt là 就活 [shuukatsu hay syuukatsu], sau khi xin việc đi làm thành công tới tuổi thì 婚活 konkatsu tức là hoạt động tìm đối tác kết hôn, để mong thành thân, động phòng hoa chúc, sinh con đẻ cái ...

普通過ぎなんじゃない? Không bình thường quá hay sao?

Đến đây thì vẫn tốt. Lập gia đình, sinh con, mua nhà, mua xe (hoặc đi tàu điện, mà xe ở bển cũng rẻ), cặm cụi đi làm mấy chúc năm tới khi con khôn lớn ... Cũng bình thường mà!

Nhưng đó là sự bình thường chết người. Đến tuổi trung niên thì không ổn tí nào. Tôi không nói là những người "không bình thường" tức là không theo lộ trình trên sẽ ổn, đến tuổi trung niên ai cũng sẽ bất ổn. Sự bình thường chết người ở đây chính là: Không ai nói cho bạn biết sự thật đó là sự bình thường chết người. Bởi vì, bạn đã có quá nhiều gánh nặng, quá nhiều trách nhiệm, nếu từ chối thực hiện thì mọi thứ chỉ có đổ vỡ, dẫn tới nỗi khổ sinh ly tử biết và hàng trăm mối lo, nỗi khổ khác.

Sự QUÁ BÌNH THƯỜNG giết chết chúng ta vì quá bình thường có nghĩa là sẽ kiệt sức khi trung tuổi, phải tìm niềm an ủi trong tôn giáo nào đó, hoặc mê tín, hoặc tâm linh, cố gắng tìm quyển kinh kệ để mong được giải thoát khỏi nỗi phiền muộn, nỗi khổ lao bủa vây tứ phía. Ngày đọc trăm trang sách chỉ thêm rối não.

Chúng ta đơn giản là hết khả năng suy xét, mất đi sự minh mẫn, từ đó, mất đi bản sắc, bản ngã, cá tính, trở nên trống rỗng, chỉ còn lại cái tên.

Mọi người nói gì về bạn? Bạn nói gì về bạn? Là "tiền bối", là "hậu bối", là "bạn" tôi? Chỉ thế thôi. Vì bạn không còn chém gió, vì bạn không còn chuyết, vì bạn chỉ trích dẫn những lời động viên "vạn điều dở" đông tây kim cố nào đó, nghĩa là bạn chỉ còn cái tên mà thôi. Cái tên trong hàng vạn cái tên, hạt cát trong hàng triệu hạt cát.

Từ khi đi làm và cố gắng trở nên giống mọi người, tôi rơi vào hoàn cảnh đó. Tôi rỗng tuếch và chỉ còn cái tên, mỗi ngày tôi đều tự hỏi: Tôi có phải là tôi không hả tôi?

Tôi đã chết vì sự quá bình thường. Nhưng một ngày tôi lại sống lại. Vì tôi không muốn theo hội tôn giáo, hội tâm linh, hội mê tín. Tôi không muốn mất đi bản ngã, mất đi bản sắc. Tại sao không viết nên một bản nhạc du dương trong cuộc sống?

Đã đến lúc phải từ bỏ sự "quá bình thường", hay đúng ra, đừng theo đuổi sự "bình thường (phổ thông)".

Vì sao gọi là sự bình thường chết người?

Thursday, June 22, 2023

Tôi đã chữa bệnh đường tiêu hóa như thế nào

Chào mọi người!

Bị bệnh về đường tiêu hóa hóa ra cực kỳ khó chịu, và có thể sẽ bị nguy cơ mãn tính. Chưa kể là đường ruột xấu đi thì tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe khác. Sau khi bị chứng viêm ruột thì tôi bị cái gọi là "hội chứng ruột kích thích", một dạng rối loạn đường tiêu hóa. Tuy nó được nói là "không nguy hiểm tính mạng chỉ gây khó chịu", nhưng chắc chắn là để lâu thì sẽ có hại rồi.

Đây là bệnh nhiều người bị, vậy phải chữa như thế nào?

Trước hết là tâm lý thường làm bệnh trầm trọng hơn. Vì thế, chúng ta nên tìm "second opinion" và tư vấn với một số bác sỹ. Nếu gặp được bác sỹ giỏi thì việc chữa trị và khỏi bệnh sẽ dễ hơn khá nhiều. Ngược lại, sẽ tốn rất nhiều tiền khám chữa bệnh, tiền thuốc, và cuối cùng bệnh quay trở lại với triệu chứng mạnh hơn cũ, thậm chí phát sinh thêm bệnh mới.

Đây là điều cần ghi nhớ: Bệnh do lối sống chỉ có thể chữa dứt điểm bằng cách thay đổi lối sống.

Sau khi chữa viêm ruột (bằng kháng sinh liều khá cao) xong thì tôi bị cái gọi là hội chứng ruột kích thích. Từ đó, mỗi khi ăn đồ chiên rán, đồ ngọt quá nhiều là lại bị rối loạn tiêu hóa (táo bón - tiêu chảy luân phiên). Số loại thực ăn bị hạn chế. Nếu ăn uống "lành mạnh" quá thì lại thiếu chất. Do đó, tôi phải thay đổi hẳn thói quen ăn uống cũ, đổi sang ăn nhiều rau và trái cây, không ăn ngọt (sô cô la v.v.) như trước nữa.

Sau đấy, có đợt tôi lại bị đau bụng lúc nửa đêm về sáng. Đi khám cũng bị bệnh viện chẩn đoán là "hội chứng ruột kích thích" nhưng sau khi tìm "second opinion" thì biết được là do đầy hơi, không thoát ra được, gây đau bụng. Bác sỹ kê các thuốc để chống cái gọi là "rối loạn vận động ruột", cũng như thuốc chống đầy hơi.

Tự mình tìm hiểu và chữa bệnh bằng cách thay đổi lối sống

Tóm lại thì "triệu chứng cơ thể" thường là dấu hiệu cảnh báo lối sống không lành mạnh. Tôi đã làm gì sai?

Cái sai của tôi là ăn vặt quá nhiều thứ cùng lúc, dẫn tới hệ tiêu hóa không tiêu hóa kịp. Đặc biệt là ăn nhiều trước lúc đi ngủ. Không đi ngủ với bụng rỗng thì thức ăn vẫn còn lại trong ruột. Từ đó, nó sẽ bị "thối rữa", hại khuẩn sinh sôi và sinh ra rất nhiều khí.

Đặc biệt, nếu ăn bánh mỳ thì sao? Bánh mỳ là món khó tiêu, khi tiêu hóa không hết, nó sẽ thối rữa và sinh ra khí. Cuối cùng, áp lực khí quá lớn và gây đau.

Tại sao tôi biết được những điều này? Tôi chỉ tham khảo ý kiến của bác sỹ và suy đoán từ đơn thuốc.

Từ đó, để chữa "hội chứng ruột kích thích" một cách triệt để thì cần thay đổi lối sống triệt để.

  1. Đi ngủ với bụng rỗng. Không ăn nhiều buổi tối.
  2. Không ăn đồ khó tiêu như bánh mỳ buổi tối.
  3. Không ăn quá no, ăn vặt quá nhiều loại thực phẩm cùng lúc.
  4. Ăn nhiều chất xơ như trái cây, rau, thực phẩm dễ tiêu.
  5. Bổ sung nước uống probiotic (lợi khuẩn) như là thực phẩm bổ sung, tốt nhất mỗi ngày.

Từ đó, tôi có thể ăn uống thoải mái. Nếu phải kiêng khem quá thì có khi lại thiếu dinh dưỡng. Sau khi thay đổi lối sống, các triệu chứng khó chịu biến mất.

Trước đây, khi làm việc căng thẳng tôi cũng bị ho do viêm thanh quản vì bị trào ngược nữa. Sau đó, khi hạn chế ăn no thì cũng hết được, mặc dù "trào ngược" cũng được coi là bệnh dễ trở thành mạn tính.

Như vậy, thay đổi thói quen ăn uống, và quan trọng hơn là thay đổi thức ăn ăn vào có thể giúp chúng ta phòng ngừa triệt để bệnh đường tiêu hóa.

Lợi khuẩn và hại khuẩn & lý thuyết để có đường tiêu hóa khỏe mạnh

Monday, June 19, 2023

Chuyện kê đơn thuốc

Vì sao bác sỹ nam kê đơn toàn thuốc đắt tiền còn bác sỹ nữ thì ít khi như vậy?

Vì bác sỹ nam là người bị vợ con bóc lột, áp lực kiếm tiền lập gia đình, mua nhà mua xe cao còn bác sỹ nữ thì không.

Đây chỉ là "nửa đùa nửa thật" nhưng kinh nghiệm đi khám một vài lần của tôi thì đúng như thế thật. Khi đi khám ở bệnh viện, tôi có vài lần bị kê đơn toàn thuốc ngoại đắt tiền và kê rất nhiều, mỗi đơn tầm trên dưới 1 triệu trong khi bệnh thì chẳng nghiêm trọng đến mức đấy. Nhưng nếu đi khám mà gặp bác sỹ nữ thì lại chỉ kê men tiêu hóa hết 100k.

Còn khám bác sỹ tư mà là bác sỹ nữ thì cả tiền khám lẫn tiền thuốc lại rất rẻ, mà tư vấn nhiệt tình, chữa bệnh giỏi.

Tôi phải bỏ cả đơn thuốc tiền triệu để tránh mất tiền oan. Tất nhiên là bỏ luôn tái khám vì bác sỹ kêu xét nghiệm tốn kém quá.

Cuối cùng tôi mới suy luận ra. Một khi đi bệnh viện, thì bạn sẽ bị kê thuốc ngoại giá cao, cũng như rất nhiều xét nghiệm đắt đỏ, bởi vì đây là cách kiếm tiền của bệnh viện và bác sỹ cũng được hoa hồng từ đó. Đặc biệt, có một số bác sỹ kê đơn và xét nghiệm vô tội vạ.

Nhưng lỗi không phải của bác sỹ.

Sunday, June 18, 2023

Làm sao tiết kiệm chi phí y tế 10 lần và tìm được bác sỹ giỏi?

Chào mọi người!

Mọi người vẫn ... khỏe chứ? Đúng là "Cái tuổi nó đuổi cái xuân" và cũng đuổi luôn cái vui đi, vì sức khỏe có thể suy giảm theo thời gian và chi phí y tế có thể tăng vọt. Trong bài này, tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm từ bản thân cách để tìm được bác sỹ giỏi, chữa đúng bệnh và tiết kiệm chi phí 10 lần trở lên.

Ngành công nghiệp y tế ngày nay thực sự đang bóc lột tất cả chúng ta một cách có hệ thống. Những bệnh truyền thống thường không thể chữa được triệt để và mỗi lần đi khám đều tốn rất nhiều tiền.

Nếu tôi đi theo liệu trình của bác sỹ tại bệnh viện danh tiếng, tôi tốn hơn 4 triệu nhưng sẽ không khỏi bệnh, còn nếu tôi tìm đúng bác sỹ, tôi chỉ tốn dưới 200k và khỏi bệnh, vì sao lại như thế? Trong bài này tôi sẽ mô tả chi tiết cách thức mà ngành công nghiệp y tế đang bóc lột chúng ta cũng như kinh nghiệm để có thể tiết kiệm chi phí y tế 10 lần trở lên, và chữa đúng thầy đúng bệnh.

Cách ngành công nghiệp y tế bóc lột chúng ta

Lý do đi khám bệnh: Bị đau bụng lúc nửa đêm về sáng, hoặc lúc sáng sớm, khó ngủ tiếp vì đau, tuy không đau thắt lên hay đau từng cơn nhưng cứ âm ỉ, sợ bị viêm loét dạ dày.

Nếu bị viêm loét dạ dày thì sẽ khá phiền toái, vì bệnh này khó chữa và có thể sẽ phải nội soi, cũng khó chịu đấy. Nhưng tôi không phải là đối tượng nguy cơ cao vì tôi không thức khuya, cũng không để bụng đói.

Do bị mấy hôm liên tiếp nên tôi đến bệnh viện Đại học XY để khám. Có một biển người ở đó và tôi mất cả buổi sáng chỉ để lấy số. Buổi chiều quay lại siêu âm và khám bác sỹ, tới gần 5 giờ chiều mới khám xong. Lúc vào khám sơ bộ bác sỹ chẳng hỏi han gì phán ngay (có lẽ theo bệnh án cũ) là "hội chứng ruột kích thích", sau khi có kết quả siêu âm (mọi thứ đều bình thường nếu không nói là tốt) thì bác sỹ kêu hôm sau qua nội soi, kê hẳn gói nội soi gây mê tốn khá nhiều tiều, kèm theo đơn thuốc tầm gần 1 triệu nữa.

Bác sỹ còn "nhiệt tình" dặn phải mua thuốc trong bệnh viện, tránh thuốc linh tinh bên ngoài. Sau khi mang đơn thuốc xuống quầy thuốc hỏi giá thì nó là gần 1 triệu, cộng với thái độ của bác sỹ (nam) nên tôi nghi ngờ, nhất là đơn thuốc toàn thuốc mắc tiền như là cố nhân Rabicad, trong khi trong nước cũng sản xuất thuốc tương tự chi phí rẻ nhơn rất nhiều.

Lần trước tôi cũng khám ở bệnh viện Đại học XY này thì bác sỹ là nữ, cũng chẩn đoán là "hội chứng ruột kích thích" và cho thuốc chỉ là men tiêu hóa, hết tầm 100k.

Vì sao bác sỹ kê đơn thuốc toàn thuốc mắc tiền và kê quá nhiều như vậy?

Vì họ bán thuốc và được nhận hoa hồng. Ngày nay, bác sỹ nhận được hoa hồng từ tiền khám chữa bệnh, họ càng kê nhiều gói xét nghiệm, kê đơn nhiều thuốc, thu nhập họ càng cao. Đó là lý do mà họ yêu cầu bệnh nhân xét nghiệm, chụp chiếu rất nhiều, cho dù điều đó gây khó chịu hay không tốt cho sức khỏe người bệnh.

Bác sỹ không còn hỏi han hay khám bệnh như xưa nữa, mà tống đi xét nghiệm, xét nghiệm xong thu được tiền rồi mới kê thuốc, hoàn toàn làm sao để tối đa hóa lợi nhuận.

Trở thành nạn nhân của ngành công nghiệp y tế sẽ thế nào?

Có rất nhiều những điều khó chịu khi cơ thể bạn bị can thiệp liên tục, có thể mất đi "sự tôn nghiêm về cơ thể", bạn không được đối xử như một người bệnh mà chỉ như một đối tượng dễ thu tiền dựa trên sự lo lắng (thường là thái quá) về sức khỏe. Tức là ngành công nghiệp y tế biến tướng có thể sẽ đánh vào túi tiền của bạn khi bạn đang ở trong tâm lý tệ hại. Bạn sẽ tốn rất nhiều tiền. Hơn thế nữa là hiếm khi khỏi bệnh.

Bởi vì, sự kê đơn thuốc quá tay không bao giờ là cách chữa lành bệnh. Nếu bạn uống rất nhiều thuốc để chữa một bệnh, bạn sẽ bị bệnh dạ dày hay thận, bạn sẽ phải chữa thêm bệnh khác. Sau đó, bạn sẽ bị bệnh về gan do gan làm việc quá nhiều. Bạn chữa một bệnh thì về lâu dài bạn phải sửa chữa toàn bộ nội tạng. Và chữa kiểu như vậy thì bạn sẽ không bao giờ còn phục hồi như xưa nữa.

Đây là lý do tôi không uống kháng sinh, giảm đau, hay các loại thuốc khác để duy trì nội tạng không bị tổn thương.

Cách chữa bệnh đúng phải là thuốc tối thiểu, kết hợp với lời khuyên về lối sống để phòng tránh tái phát bệnh.

Trong trường hợp đi khám thì đây là chi phí:

  • Tiền khám (trả ngay từ đầu): 150k
  • Tiền siêu âm bụng: 150k

Thực ra thì bác sỹ không khám mà "gán bệnh" (hội chứng ruột kích thích" luôn, và kê đơn thuốc:

  • Đơn thuốc: 900k
  • Gói nội soi gây mê + xét nghiệm liên quan: 3 triệu

Tổng thì sẽ hết hơn 4 triệu. Bác sỹ chộp ngay việc tôi không muốn nội soi vì khó chịu mà kê ngay gói nội soi gây mê đắt đỏ hơn (2 triệu so với 800k), vì hoạt động theo nguyên tắc là hưởng hoa hồng, bệnh nhân càng tốn nhiều tiền, bác sỹ càng giàu.

Vì thế, tôi quyết định không theo đơn bác sỹ, tức là bỏ đơn. Tổng chi phí là 300k và mất một ngày ở bệnh viện. Bác sỹ không tư vấn được bất kỳ điều gì hữu ích cả. Tôi cũng biết là thuốc không chữa được bệnh, chỉ là giảm triệu chứng tạm thời, và mỗi lần bệnh thì quá trình này sẽ lặp lại. Mà trên đây là chưa kể tiền tái khám nha, nên tất nhiên, tôi bỏ tái khám.

Đây không phải là cách tôi muốn được khám. Và rõ ràng, thật khó có thể nói đây là bác sỹ giỏi được.

Second Opinion và cách tìm bác sỹ giỏi

Trong ngành y tế thì có một thuật ngữ chuyên môn gọi là "second opinion" tức là "ý kiến thứ hai". Nếu bạn tin tưởng mù quáng một bác sỹ, có thể bạn không chỉ không được chữa khỏi mà sức khỏe còn tệ hơn. Vì nhiều bác sỹ có lẽ học sách vở là chính, và sách vở không đề cập được hết mọi tình trạng bệnh. Đôi khi, họ bỏ sót một yếu tố quan trọng nhất, khiến cho việc chữa bệnh trở thành vô vọng. Cuối cùng, họ kết thúc ở việc chữa triệu chứng, và điều này dẫn tới việc triệu chứng sẽ sớm trở lại tồi tệ hơn và trở thành một cơn ác mộng thật sự. Kèm theo đó là sự suy giảm sức khỏe chung trầm trọng.

Lý do thật đơn giản: Bác sỹ dở.

Bạn không thể mù quáng tin một người chỉ vì họ là "bác sỹ". Do đó, bạn bỏ bác sỹ đó và đi tìm bác sỹ khác, tức là tìm "second opinion". Thế làm sao để tìm được bác sỹ giỏi?

Chúng ta phải dùng TRÍ TUỆ để đánh giá. Bác sỹ giỏi trước hết là người thực sự có tâm hồn cao đẹp, muốn chữa bệnh cho mọi người, và có nhiều kinh nghiệm chữa bệnh thực tế. Nhưng chúng ta không có kiến thức chuyên môn thì làm sao đánh giá được? Tôi có cách để biết bác sỹ giỏi hay không.

Đó là, xem họ tư vấn như thế nào. Nếu bác sỹ không tư vấn, chỉ kê đơn kêu mua thuốc uống, đó không phải bác sỹ giỏi. Vì họ đâu có giải thích được là bị bệnh gì, vì sao bị, nên chữa thế nào? Còn bác sỹ có thể tư vấn tận tình, giải thích rõ ràng và nhất là trả lời được các câu hỏi chúng ta đặt ra, họ là bác sỹ giỏi.

Trong câu chuyện ở trên, tôi cảm thấy mất niềm tin vào bệnh viện cũng như ngành công nghiệp y tế, thất vọng trước cách khám chữa bệnh của họ, bất bình trước cách họ tìm cách trục lợi bệnh nhân, nên tôi bỏ không theo nữa.

Tôi đổi sang khám BÁC SỸ TƯ. Vì thế tôi lên mạng tìm các bác sỹ có phòng khám tư về khoa tiêu hóa. Tôi tìm được bác sỹ làm việc ở bệnh viện công (làm trưởng khoa) và mở phòng khám tư sau giờ làm nên khám ở đây.

Bác sỹ thực sự là người có tâm và có kinh nghiệm (vì làm ở bệnh viện công nghĩa là kinh nghiệm khám chữa bệnh rất nhiều, nên thường là bác sỹ giỏi, chỉ cần nghe triệu chứng là đoán ra bệnh).

Bác sỹ sau khi nghe kể triệu chứng thì nói là do hơi sinh ra nhiều mà không thoát ra được nên tạo thành áp lực gây đau, tức là "rối loạn vận động ruột", nên kê thuốc chống rối loạn vận động ruột, thuốc chống đầy hơi và thuốc giảm đau (tác dụng thuốc là tôi tự tra dựa trên đơn kê ra). Chi phí khám 50k và tổng chi phí dưới 200k.

Rẻ hơn bệnh viện Đại học XY 20 lần và chữa được bệnh thực sự. Ngoài ra, không bị can thiệp thân thể nữa.

Tôi còn hỏi bác sỹ là có nên nội soi không bác sỹ bảo không nên, vì đấy là can thiệp, nên tránh can thiệp là tốt nhất.

Tôi cũng hỏi là có phải là viêm loét dạ dày không thì cũng không vì vùng đau không phải là dạ dày, hơn nữa cũng không bị sụt cân hay ăn kém ngon.

Tôi tổng kết cách tìm bác sỹ giỏi:

Bác sỹ là bác sỹ đầu ngành ở bệnh viện công (kinh nghiệm khám chữa bệnh nhiều) và có mở phòng khám tư.

Làm sao tiết kiệm chi phí y tế 10 lần?

Tìm bác sỹ giỏi như công thức ở trên và giá rẻ thôi. Nên nhớ là bác sỹ giỏi thì họ cũng hiếm khi trục lợi từ bệnh nhân, tiền khám họ lấy rất rẻ, chỉ 50k ~ 100k.

Nếu bạn đi khám ở bệnh viện, ngay từ đầu bạn mất 150k ~ 200k (khám dịch vụ có thể 500k) nhưng họ sẽ không khám đâu, họ bắt bạn đi xét nghiệm đủ thứ rồi mới khám, nên bạn tốn thêm khá nhiều.

Không phải rẻ có nghĩa là bác sỹ giỏi, mà phải tìm bác sỹ giỏi và hỏi chi phí trước, nếu rẻ thì mới khám.

Ngoài ra, bạn nên khám bác sỹ nữ. Bởi vì, bác sỹ nữ ít chặt chém bệnh nhân hơn bác sỹ nam. Người ta bảo "lương y như từ mẫu", chứ ít khi nói "lương y như từ phụ". Bác sỹ nam là những người bị vợ con bóc lột, áp lực phải kiếm tiền mua nhà mua xe cao. Bác sỹ nữ thì thường không bị áp lực ấy, nên họ lấy giá phải chăng hơn nhiều.

Còn bạn đi bệnh viện thì bác sỹ sẽ làm sao kê đơn cho bạn tốn gần 1 triệu tiền thuốc, đây là mức chi phí mà họ cho là "có thể chấp nhận được". Bạn không định mỗi lần đi khám đều tốn 1 triệu tiền thuốc và hại toàn bộ nội tạng đấy chứ?

Tôi đã tiết kiệm được chi phí y tế 20 lần và chữa được bệnh với chi phí dưới 200k.

Hiểu rõ đơn thuốc và nguyên lý chữa bệnh

Không phải thuốc nào bạn cũng nên uống. Ví dụ, trong đơn thuốc có cả thuốc giảm đau, tôi bỏ thuốc này đi vì tôi chịu đau được. Thuốc giảm đau sẽ làm hại dạ dày về sau.

Cuối cùng, tôi hiểu ra là bị đau bụng là do quá nhiều hơi không thoát ra được, tức là tôi ăn quá nhiều đồ ăn vặt sinh ra hơi. Để chữa bệnh thì chỉ cần thuốc chống đầy hơi là được, ngoài ra là thay đổi lối sống:

  • Không ăn đồ dễ bị đầy hơi như snack hay bánh mỳ buổi tối
  • Uống sữa probiotic để thêm lợi khuẩn mỗi ngày

Bản chất của đầy hơi có lẽ là rối loạn đường ruột, hại khuẩn sinh sôi quá nhiều, phân hủy đồ ăn sinh ra khí. Vì thế, phải thay đổi lối sống là không nạp các thực phẩm mà hại khuẩn ưa thích ví dụ như đồ ngọt có nhiều đường, đồ snack, hay ăn nhiều, ăn đồ khó tiêu buổi tối như bánh mỳ.

Ngoài ra, một cách quan trọng để chống hại khuẩn là dùng lợi khuẩn, tức là nên ăn nhiều rau, trái cây, thực phẩm tự nhiên là tốt nhất. Nếu thích thì có thể bổ sung lợi khuẩn như nước uống probiotic mỗi ngày chẳng hạn.

Sửa đổi để có một lối sống lành mạnh sẽ giúp chúng ta tiết kiệm chi phí y tế, và quan trọng hơn là sẽ không bị tái phát các triệu chứng khó chịu. Chúng ta sẽ không thể sống khỏe mạnh nếu chỉ tin vào bác sỹ "ngành công nghiệp y tế" và tống rất nhiều loại thuốc khác nhau vào cơ thể, đúng không?

Mark