Chào mọi người!
Bị bệnh về đường tiêu hóa hóa ra cực kỳ khó chịu, và có thể sẽ bị nguy cơ mãn tính. Chưa kể là đường ruột xấu đi thì tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe khác. Sau khi bị chứng viêm ruột thì tôi bị cái gọi là "hội chứng ruột kích thích", một dạng rối loạn đường tiêu hóa. Tuy nó được nói là "không nguy hiểm tính mạng chỉ gây khó chịu", nhưng chắc chắn là để lâu thì sẽ có hại rồi.
Đây là bệnh nhiều người bị, vậy phải chữa như thế nào?
Trước hết là tâm lý thường làm bệnh trầm trọng hơn. Vì thế, chúng ta nên tìm "second opinion" và tư vấn với một số bác sỹ. Nếu gặp được bác sỹ giỏi thì việc chữa trị và khỏi bệnh sẽ dễ hơn khá nhiều. Ngược lại, sẽ tốn rất nhiều tiền khám chữa bệnh, tiền thuốc, và cuối cùng bệnh quay trở lại với triệu chứng mạnh hơn cũ, thậm chí phát sinh thêm bệnh mới.
Đây là điều cần ghi nhớ: Bệnh do lối sống chỉ có thể chữa dứt điểm bằng cách thay đổi lối sống.
Sau khi chữa viêm ruột (bằng kháng sinh liều khá cao) xong thì tôi bị cái gọi là hội chứng ruột kích thích. Từ đó, mỗi khi ăn đồ chiên rán, đồ ngọt quá nhiều là lại bị rối loạn tiêu hóa (táo bón - tiêu chảy luân phiên). Số loại thực ăn bị hạn chế. Nếu ăn uống "lành mạnh" quá thì lại thiếu chất. Do đó, tôi phải thay đổi hẳn thói quen ăn uống cũ, đổi sang ăn nhiều rau và trái cây, không ăn ngọt (sô cô la v.v.) như trước nữa.
Sau đấy, có đợt tôi lại bị đau bụng lúc nửa đêm về sáng. Đi khám cũng bị bệnh viện chẩn đoán là "hội chứng ruột kích thích" nhưng sau khi tìm "second opinion" thì biết được là do đầy hơi, không thoát ra được, gây đau bụng. Bác sỹ kê các thuốc để chống cái gọi là "rối loạn vận động ruột", cũng như thuốc chống đầy hơi.
Tự mình tìm hiểu và chữa bệnh bằng cách thay đổi lối sống
Tóm lại thì "triệu chứng cơ thể" thường là dấu hiệu cảnh báo lối sống không lành mạnh. Tôi đã làm gì sai?
Cái sai của tôi là ăn vặt quá nhiều thứ cùng lúc, dẫn tới hệ tiêu hóa không tiêu hóa kịp. Đặc biệt là ăn nhiều trước lúc đi ngủ. Không đi ngủ với bụng rỗng thì thức ăn vẫn còn lại trong ruột. Từ đó, nó sẽ bị "thối rữa", hại khuẩn sinh sôi và sinh ra rất nhiều khí.
Đặc biệt, nếu ăn bánh mỳ thì sao? Bánh mỳ là món khó tiêu, khi tiêu hóa không hết, nó sẽ thối rữa và sinh ra khí. Cuối cùng, áp lực khí quá lớn và gây đau.
Tại sao tôi biết được những điều này? Tôi chỉ tham khảo ý kiến của bác sỹ và suy đoán từ đơn thuốc.
Từ đó, để chữa "hội chứng ruột kích thích" một cách triệt để thì cần thay đổi lối sống triệt để.
- Đi ngủ với bụng rỗng. Không ăn nhiều buổi tối.
- Không ăn đồ khó tiêu như bánh mỳ buổi tối.
- Không ăn quá no, ăn vặt quá nhiều loại thực phẩm cùng lúc.
- Ăn nhiều chất xơ như trái cây, rau, thực phẩm dễ tiêu.
- Bổ sung nước uống probiotic (lợi khuẩn) như là thực phẩm bổ sung, tốt nhất mỗi ngày.
Từ đó, tôi có thể ăn uống thoải mái. Nếu phải kiêng khem quá thì có khi lại thiếu dinh dưỡng. Sau khi thay đổi lối sống, các triệu chứng khó chịu biến mất.
Trước đây, khi làm việc căng thẳng tôi cũng bị ho do viêm thanh quản vì bị trào ngược nữa. Sau đó, khi hạn chế ăn no thì cũng hết được, mặc dù "trào ngược" cũng được coi là bệnh dễ trở thành mạn tính.
Như vậy, thay đổi thói quen ăn uống, và quan trọng hơn là thay đổi thức ăn ăn vào có thể giúp chúng ta phòng ngừa triệt để bệnh đường tiêu hóa.
Lợi khuẩn và hại khuẩn & lý thuyết để có đường tiêu hóa khỏe mạnh
Rối loạn tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích, v.v. thường là do mất cân bằng đường ruột. Sau khi chữa viêm ruột bằng kháng sinh, hại khuẩn sẽ bị tiêu diệt nhưng lợi khuẩn cũng như thế. Như vậy, trong ruột không còn lợi khuẩn để tiêu hóa thức ăn nữa. Do đó, chúng ta phải bổ sung lợi khuẩn bằng men tiêu hóa, ăn cháo v.v.
Đây là lý do mà người bệnh hay ăn cháo và thực phẩm dễ tiêu.
Trong quá trình lành mạnh hóa đường ruột, khi chúng ta ăn uống không đúng đắn, ăn phải thực phẩm là thức ăn của hại khuẩn, hay ăn quá nhiều không tiêu hóa hết dẫn đến lên men và thối rữa, hại khuẩn sẽ sinh sôi và gây rối loạn tiêu hóa.
Hại khuẩn sinh sôi càng nhiều, lợi khuẩn càng ít và ngược lại.
Chúng ta cần ghi nhớ điều này.
Nếu chúng ta ăn càng nhiều thứ là thức ăn của lợi khuẩn, thì lợi khuẩn càng nhiều, hệ tiêu hóa càng khỏe mạnh và chúng ta càng khỏe. Ngược lại, nếu chúng ta ăn thức ăn của hại khuẩn thì hại khuẩn sinh sôi ngày càng nhiều và đường tiêu hóa càng yếu, chúng ta sẽ gặp các triệu chứng khó chịu.
Do đó, với mỗi loại thực phẩm mới, chúng ta sẽ ăn thử một tuần xem cơ thể phản ứng như thế nào. Bởi vì có thực phẩm tốt cho người này nhưng không tốt cho người khác. Có người ăn sữa chua có đường thì không sao, nhưng có người thì bị vấn đề tiêu hóa. Có người dung nạp sữa, có người không. Có người ăn được bánh mỳ, lại có người không tiêu hóa tốt bánh mỳ.
Chúng ta lại bắt đầu như một đứa trẻ, là ăn thử từng món, xem cơ thể phản ứng thế nào. Nếu thứ gì mà cơ thể phản ứng tiêu cực thì chúng ta bỏ khỏi thực đơn. Ví dụ, sẽ có người ăn và tiêu hóa tốt đồ chiên rán, nhưng có người thì không.
Tuy nhiên, dù nói vậy, đồ chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều đường nhìn chung là thức ăn tốt cho hại khuẩn, làm hại đường tiêu hóa. Đặc biệt là thực phẩm nhiều đường như bánh kẹo. Nó không chỉ hại tiêu hóa mà còn gây béo phì.
Đường cũng là thức ăn tốt của ung thư (cũng là do hại khuẩn hay virus gây ra). Vì thế, hạn chế đường là phòng ngừa vô số bệnh từ xa.
Tôi đã gần như bỏ hoàn toàn nước ngọt, bánh kẹo nhiều đường và chuyển sang ăn trái cây. Tất nhiên là tôi vẫn có thể ăn bánh kẹo, uống nước ngọt như mọi người. Miễn là cứ bổ sung lợi khuẩn như rau củ, trái cây thường xuyên để lợi khuẩn áp đảo là được. Nhưng nếu biết là có hại thì bản thân cũng tự động hạn chế và ăn uống có chừng mực. Sau một thời gian không ăn thì cũng không thấy thèm nữa.
Làm sao để sữa chữa đường tiêu hóa đã tồi tệ?
Phải bổ sung lợi khuẩn, hạn chế hại khuẩn, đây là bước đầu tiên để "cứu giá". Đây là thực phẩm bổ sung mà bạn cần, theo kinh nghiệm tôi được chia sẻ:
- Probiotic (men vi sinh, chứa lợi khuẩn)
- Enzyme (men tiêu hóa, giúp tiêu hóa hết thức ăn, tránh lên men - thối rữa)
- Prebiotic (chất xơ nuôi lợi khuẩn)
- Vitamin D3 (tăng cường khả năng hấp thụ của ruột non)
Bây giờ hãy tưởng tượng một đứa trẻ mới ra đời. Có lẽ trong ruột không có nhiều vi khuẩn đâu. Nó băng đầu bú sữa, rồi ăn cháo, ăn cơm, từ đó bổ sung dần lợi khuẩn vào đường ruột. Ngoài ra nó còn ra ngoài nghịch đất nghịch cát. Nghịch đất nghịch cát không phải chỉ là thú vui đâu, mà đấy là cách đứa trẻ tiếp xúc với thiên nhiên, bổ sung các vi khuẩn trong thiên nhiên vào trong người. Đây là quá trình cần thiết để trưởng thành.
Hãy tưởng tượng một đứa trẻ được sống trong môi trường hoàn toàn vô trùng thì sao? Cứ tưởng nó sẽ khỏe mạnh nhưng thực ra ngược lại, nó có hệ đề kháng yếu. Do không được bổ sung lợi khuẩn nên đường ruột có lẽ cũng không tốt, không tiêu hóa được quá nhiều loại thức ăn.
Trong quá trình trưởng thành, do lối sống không tốt ví dụ ăn quá nhiều thực phẩm có lợi cho hại khuẩn như đường, ăn uống vô độ (không tiêu hóa hết thức ăn, tạo gánh nặng cho hệ tiêu hóa), ăn uống mất vế sinh, v.v. mà đường tiêu hóa có thể bị viêm, gọi là viêm ruột.
Quá trình này có thể tích tụ hàng năm và phát tác vào một ngày nào đó. Sau khi chữa viêm ruột - thường là bằng kháng sinh - chúng ta không còn cảm thấy ruột là "của mình" như trước nữa. Có gì đó đã thay đổi và rất dễ bị cái gọi là "hội chứng ruột kích thích", tức là bị rối loạn tiêu hóa. Và nó rất dễ tái phát nhiều lần vì thói quen ăn uống vẫn như cũ, theo thói quen trước đây, hay do não thích ăn nhưng đồ chiên rán đầy dầu mỡ, những cái bánh đầy kem đầy đường, đúng không?
Đó thực sự là thảm họa. Chúng ta thực sự phải tỉnh ngộ và trở về con đường đúng đắn. Mọi chuyện sẽ không như xưa nữa vì con người đã thay đổi rồi. "Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông". Chúc bạn sớm giác ngộ!
No comments:
Post a Comment