Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Sunday, August 20, 2023

Phương pháp tìm công dụng thuốc, mô phỏng phác đồ chữa bệnh từ kiến thức cộng đồng

Thuốc, đặc biệt là thuốc tây là thứ phải thận trọng, vì đưa vào cơ thể quá nhiều thì sẽ bị tác dụng phụ, chữa bệnh này lại gây bệnh ở cơ quan khác. Phần lớn thuốc không chữa gốc mà chỉ chữa triệu chứng, và sẽ gây hại về lâu dài. Để tránh tình trạng phải chữa vòng quanh mọi cơ quan nội tạng, chúng ta thực sự cần tìm ra cách chữa trị hiệu quả, ít gây hại nhất. Nhưng nếu chỉ tra tên thuốc thì toàn ra trang quảng cáo công dụng thuốc, không phải là kinh nghiệm hay hiệu quả từ bệnh nhân thực tế. Có những bệnh rất khó chữa, ví dụ như trào ngược axit dạ dày, lý do không nằm ở dạ dày, mà nằm ở việc bị căng thẳng lâu dài trong công việc, cuộc sống, vv. Uống thuốc dạ dày nghĩa là thuốc ức chế dạ dày tiết axit, co bóp, ... về lâu dài, sẽ làm tổn thương chức năng dạ dày vĩnh viễn, cuối cùng thành bệnh dạ dày thật sự.

Hay người bị loãng xương, uống thật nhiều sữa, canxi, dẫn đến thừa canxi và cơ thể đào thải hết, làm bệnh loãng xương trầm trọng hơn. Trong lúc đó, lại cứ ngỡ là mình đang được cứu. Trường hợp như thế cũng nhiều vì não chúng ta khó nhận thức được những thứ cơ thể thật sự cần. Tất nhiên là loãng xương là do thiếu canxi, và phải ăn bữa ăn đủ canxi, một cách cân bằng, thì cơ thể mới hấp thụ được.

Nếu chúng ta có thể học được từ kiến thức của những người từng bị bệnh hay triệu chứng cụ thể nào, đã trải qua việc chữa trị lâu dài - và tất nhiên vì thế họ trở thành chuyên gia, thì thật tuyệt vời đúng không? Vì ngày từ đầu chúng ta biết được bệnh này có chữa được không, chữa thế nào là hiệu quả, chữa thế nào là "chữa lợn lành thành lợn què", tốn tiền vô ích, thậm chí tiền mất tật mang, mô phỏng quá trình chữa bệnh thế nào. Bất kỳ ai chữa trị lâu dài cũng đều là chuyên gia, đều có thể là thầy của ta!

Nhưng dù tra tên thuốc hay chứng bệnh thì thường ra các trang y tế, trang bán thuốc, thường chỉ là thông tin chung chung về cách chữa bệnh, hay công dụng của thuốc, không thấy chỗ nào nói về thay đổi lối sống để chữa bệnh.

Vì thế, chúng ta nên tìm tới các trang cộng đồng với người dùng thật. Trước tôi hay dùng webtretho nhưng trang này về sau cũng hơi thương mại hóa, quảng cáo thuốc nhiều, nên có một lần tôi chợt nhớ ra trang otofun.

Bạn có thể tra theo cú pháp: [vấn đề cần tra] otofun

Hoặc: [vấn đề cần tra] site:otofun.net

Sau đấy, bạn tự tổng hợp lại kiến thức cho mình là được. Lợi thế của việc có được kiến thức từ cộng đồng thật là bạn không tốn hàng đồng tiền mua những thuốc đắt tiền được quảng cáo trên ti vi, hay theo đuổi các lộ trình chữa trị tốn kém mà vẫn công cốc.

Thực tế về thuốc quảng cáo rầm rộ trên ti vi

Uống trà thảo dược chống viêm và dưỡng sinh

Một số loại trà để dưỡng sinh, chống viêm, cải thiện đường ruột = chống trầm cảm từ căn nguyên, ... Tôi tổng hợp ở đây để mọi người uống thử từng thứ xem thứ nào hợp, theo nguyên tắc 試行錯誤 = thử từng cái cho tới khi tìm thấy cái đúng. Trà hoa cúc La Mã thì có vẻ tốt đấy, vì nó tốt cho đường ruột, mà đường ruột là suối nguồn serotonin, chất mà nếu không được bơm lên não (do trục trặc đường tiêu hóa) sẽ gây ra trầm cảm. Lưu ý là cái gì uống quá nhiều, quá thường xuyên thì đều không tốt, trừ nước lọc. Nên chúng ta nên uống gián đoạn thôi, uống nước lọc vẫn là chính nhé.

Hoa cúc La Mã (chamomile)

Trà hoa cúc la mã (chamomile)

Giảm đau thắt dạ dày

Trong hoa cúc la mã có khả năng làm dịu tình trạng khó chịu của dạ dày do đặc tính kháng viêm hiệu quả. Vì thế. bạn hãy nhâm nhi 1-2 tách trà hoa cúc la mã vào buổi sáng và buổi tối để chống lại tình trạng đau thắt.

Giảm hội chứng ruột kích thích

Trà cúc la mã không những thơm ngon mà có thể giúp bạn làm giảm cảm giác buồn nôn, quặn ruột, đau bụng do virus gây ra.

Hỗ trợ giấc ngủ

Một trong những tác dụng phổ biến nhất của hoa cúc la mã nói chung và trà cúc la mã nói riếng chính là khả năng hỗ trợ giấc ngủ. Một tách trà hoa cúc vào buổi đêm sẽ giúp bạn có được giấc ngủ ngon.

Kiểm soát bệnh tiểu đường

Trà cúc la mã đã được chứng minh là có khả năng hỗ trợ tình trạng của bệnh nhân đái tháo đường khi sử dụng đều đặn hàng ngày. Các tinh chất trong sẽ hạn chế việc chỉ số đường huyết quá cao và ngăn ngừa biến chứng.

Tác dụng phụ của cúc la mã

Cúc la mã có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

  • Gây cảm giác nóng trên mặt và mắt;
  • Buồn ngủ và nôn mửa khi dùng với liều lượng lớn;
  • Gây mẫn cảm.

Nguồn: https://hellobacsi.com/duoc-lieu/thao-duoc/cuc-la-ma/

Trà trái nhàu

Saturday, August 19, 2023

Trầm cảm có thể chữa khỏi không?

Đáp án là có, thậm chí ngay lập tức. Dưới đây là một số bài báo về chữa trầm cảm bằng xung điện mà tôi mới đọc gần đây. Ngày nay, dù vẫn chưa ai biết chính xác vì sao một số người bị trầm cảm, nhưng chúng ta có thể đoán thông qua trải nghiệm của bản thân. Tiếng Nhật "trầm cảm" (chữ hán: 沈感) được gọi là 鬱病 (utsubyou, uất bệnh), tức là bệnh uất ức, ví nó giống như cảm giác uất ức ở trong lòng. Có lẽ là do chất dẫn truyền thần kinh gọi là "serotonin" không được truyền từ đường ruột lên não, nên não không thể hoạt động được, khí sắc sẽ trầm buồn và sẽ không muốn làm gì.

Cách chữa chậm mà chắc? Dùng thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, thuốc phải mất 2 tuần mới có tác dụng, chưa kể thời gian thử nghiệm để tìm thuốc phù hợp không gây tác dụng phụ quá kinh hãi nữa. Sau khoảng 1 tháng, bạn mới được cứu khỏi cơn trầm cảm. Thật đúng là, dùng nước xa mà cứu lửa gần. Nhưng cũng chẳng còn cách nào.

Cách chữa nhanh hơn là dùng sốc điện, nhưng để tránh gãy xương thì phải gây mê toàn thân và sử dụng thuốc giãn cơ. Như thế cũng thật là phiền phức quá.

"Trong chuyên khoa tâm thần, sốc điện là phương pháp cuối cùng được áp dụng khi bệnh nhân dùng thuốc không còn hiệu quả. Ngoài ra, bệnh nhân trầm cảm từ chối ăn uống, trầm cảm có hành vi tự sát, hưng cảm tâm thần phân liệt... cũng được chỉ định sốc điện. Khi sốc điện, bác sĩ sẽ dùng thiết bị phóng dòng điện lên não bệnh nhân, mục đích là tạo cơn co giật xóa hết hoạt động tâm thần. Sau liệu trình, hoạt động tâm thần bình thường hoạt động trở lại, hoạt động tâm thần bệnh lý được xóa đi."

Nhưng điều tuyệt vời là, sau sốc điện thực sự là hết trầm cảm luôn. Con người dường như chỉ là một cỗ máy, chỉ cần "tắt đi khởi động lại" (reset) là mọi thứ lại như cũ. Tuy nhiên, đây là giải pháp cuối cùng khi dùng thuốc không được. Vì sốc điện thường gây mất trí nhớ tạm thời, thậm chí gây suy giảm trí nhớ lâu dài. Chữa được trầm cảm có khi sau này lại mất trí hay sa sút trí tuệ.

Bản thân các bác sỹ cũng không muốn dùng biện pháp này, vì như thế chứng tỏ họ kém và chẳng hiểu gì về bệnh. Ngoài ra, dùng tới sốc điện thì ngay cả bệnh nhân cũng tự mình thay bác sỹ chỉ định được, nên chẳng cần tới bác sỹ nữa.

Dùng thuốc để chữa trầm cảm thì sẽ như thế nào?

Tôi nghĩ cũng là một cơn đau đớn khôn xiết khác, vì phải chờ thuốc có tác dụng, mất ít nhất 2 tuần. Sau đó, sẽ phải duy trì khoảng 6 tháng, rồi sẽ phải giảm dần thuốc mỗi hai tuần một. Việc hủy thuốc đột ngột giữa chừng thường dẫn tới mất ngủ và tái phát trầm cảm, nên chắc chắn là dùng thuốc chống trầm cảm phải rất thận trọng. Nó cũng như các loại thuốc ngủ hay thuốc định thần, nếu dừng thuốc đột ngột sẽ không ngủ được nữa, nên phải giảm từ từ. Ví dụ đang uống 1 viên thì trong 2 tuần sẽ là 3/4 viên, 2 tuần nữa uống 1/2 viên, 2 tuần nữa 1/4 viên, nên sẽ mất 6 tuần để giảm thuốc.

Tổng cộng, có thể mất tới 9 tháng để điều trị 1 cơn trầm cảm. Trong thời gian đó, bạn sẽ bị tác dụng phụ của thuốc, như luôn cảm thấy khô khát, ngủ li bì, tăng cân, giảm cân, rối loạn chức năng .... Theo thời gian, cơ thể quen thuốc thì triệu chứng sẽ giảm đi. Chắc cuối cùng cũng sẽ êm dịu thôi.

Thuốc chống trầm cảm có vẻ có nhiều loại, loại phổ biến có lẽ là ức chế tái hấp thu serotonin, vì thiếu serotonin trong não là nguyên nhân hay là biểu hiện của bệnh trầm cảm. Bằng cách ức chế tái hấp thu serotonin, thuốc đảm bảo trong não có đủ serotonin để duy trì hoạt động dẫn truyền thần kinh.

Vì thế, cơ bản là dùng thuốc sẽ chữa được trầm cảm. Nhưng liệu có thể chữa một lần và khỏi mãi mãi không?

Bạn thân mến! Bệnh cảm cúm có thể chữa một lần và khỏi mãi mãi không? Bị gẫy xương thì có cách nào bó bột để sau này mãi mãi không gẫy xương nữa không?

Nếu theo nghĩa là mãi mãi không bị lại, thì nhân loại vẫn chưa chữa trị được bệnh nào cả. Cảm cúm thì có thể mất một vài tuần để phục hồi, những gãy xương thì có thể mất vài tháng, vài năm.

Chữa trầm cảm thì cơ bản là mất 2 tuần thử thuốc + 2 tuần để thuốc có tác dụng (ví dụ ức chế tái hấp thu serotonin để không bị thiếu serotonin) nếu mới chữa lần đầu, nên bạn sẽ phải chịu cảnh địa ngục trần gian trong khoảng 1 tháng, nếu đã có phương thuốc rồi thì chỉ 2 tuần thôi.

Nhưng rốt cuộc trầm cảm là như thế nào?

Chúng ta cũng hơi hoang mang khi biết rằng, khi sốc điện thì hoạt động trong não được "reset" (tắt đi khởi động lại), và trầm cảm cũng mất luôn. Như vậy, trầm cảm có lẽ cũng do lối suy nghĩ, kiểu suy nghĩ bế tắc không lối thoát đã dẫn con người vào mê lộ trầm cảm. Sau đấy, bạn tự lạc lối trong đấy. Bạn sẽ không thoát ra được, hoặc theo thời gian sẽ thoát ra được, nhưng sẽ rất lâu và bạn sẽ bị kiệt sức.

Trầm cảm là một mê lộ khó thoát ra

Friday, August 11, 2023

Ảo Mộng Cuối Cùng

Đi đến được Ảo Mộng Cuối Cùng sẽ như thế nào? Sau 3 năm mơ vô số giấc mơ và rất nhiều ác mộng, tôi lại mơ một giấc mơ khác. Tôi đang ở trên sân thượng một tòa nhà với một người giống như người yêu, ở đó có rất nhiều người, để tránh cảnh xô bồ tôi đi xuống căn phòng của mình. Chắc chắn là có một chốn dung thân sẽ thật tuyệt vời nhưng khi xuống thì thấy nhiều ma quỷ đi lại vật vờ vào trong nhà. Cửa thì không có khóa và không sao ngăn được chúng đi vào trong, tôi đi vào và đuổi chúng ra bằng cách lấy gậy phang vào phía sau đầu một tên, nhưng thấy không chết nên rút súng bắn. Vẫn không chết. Quá kinh hãi, tôi thức dậy. Sao lắm ma quỷ thế nhỉ? Chẳng phải căn phòng chính là tâm hồn, nghĩa là trong tâm hồn đã toàn ma quỷ hay sao? Thế giới này có thể là đã toàn ác quỷ lộng hành. Nhưng nghĩ lại, tôi chính là ác nhất, vì còn vác gậy đánh chúng và còn bắn chúng nữa. Nếu tưởng tượng là bọn "ma quỷ" này cũng nằm mơ, và thấy có người lấy gậy phang vào đầu từ đằng sau, rồi còn rút súng bắn, hẳn là bọn nó sợ chết khiếp. Trong mắt chúng, tôi mới là đại ác quỷ. Chứng tỏ, ai cũng nghĩ mình là người tốt, nhưng chắc gì đã đúng như thế? Quỷ và người, không biết ai ác hơn ai, không biết ai khổ hơn ai. Lẽ ra tôi cũng nên lấy súng bắn vào đầu mình, để xem mình có đúng là người không. Người cũng là quỷ, quỷ cũng là người, ai cũng sống trong nỗi kinh hãi rằng mình sẽ bị làm hại. Thật đúng là "vũ trụ hỗn đồng". Tôi luôn nghĩ mình là nạn nhân, nhưng tôi mới là kẻ ác nhất trong cơn ác mộng của mình. Cuối cùng tôi nhận ra là giấc mơ cũng là cuộc sống, cuộc sống cũng là giấc mơ, đây chính là chân lý trong Ảo Mộng Cuối Cùng. Bạn sẽ không còn sợ hãi nữa nếu dành phát đạn cuối cùng cho mình. Trong Ảo Mộng Cuối Cùng, bạn có thể dùng mọi vũ khí mà bạn muốn, làm mọi thứ bạn thấy cần thiết, trở thành bất kỳ ai mà bạn muốn, cuối cùng, nếu phá đảo thì tốt nếu không thì vẫn còn phát súng ân huệ ngay đấy. Nếu có thứ gì đó bạn nghĩ thuộc về bạn, dù bạn cũng không chắc lắm - vì rõ ràng ma quỷ đã tới đó trước, bạn chỉ có thể giành lại nó bằng bạo lực. Nơi linh thiêng đã ô uế chỉ có thể thanh tẩy bằng máu. Trong Ảo Mộng Cuối Cùng không còn thành công hay thất bại, không còn thước đo nào nữa. Bạn chỉ có thể thắng ma quỷ bằng cách trở nên "giống như quỷ". Bạn không vô ngã cũng không có bản ngã, bạn có thể làm bất kỳ điều gì bạn muốn tùy theo bạn đang cầm vũ khí gì trong tay. Miễn là dành phát đạn cuối cùng cho mình, bạn sẽ không còn sợ hãi nữa. Mơ nhiều không hẳn là bi kịch mà có thể là chìa khóa mở cánh cổng nào đó, có lẽ là để đi tới được Ảo Mộng Cuối Cùng. Vì thế, "bệnh" này có lẽ không thể chữa được. Thế mà tôi đã cố chữa nó trong suốt ba năm. Giấc mơ có thể là còn có một sứ mệnh gì đó nên làm mà tôi đã không làm, dù tôi không biết nó là gì. Tôi đã thật cố gắng để thành công kiểu thế tục dù không quá mặn mà, tất cả đều công cốc. Vì số phận không sắp đặt như thế. Thành công cũng chính là thất bại, và thất bại cũng chính là thành công. Đây là chân lý trong Ảo Mộng Cuối Cùng. Vì nếu bạn thành công, bạn cũng sẽ tự tẩy não rằng như thế là tốt, mà quên rằng, bạn phải trở thành con người mà bạn mong muốn và chơi game mà bạn thấy phấn khích. Nếu thành công và tự tẩy não, bạn có thể trở thành một kẻ vật vờ, cuối cùng lại hóa ra thất bại. Trong Ảo Mộng Cuối Cùng, thành công hay thất bại chỉ là khái niệm trừu tượng, giữa sống và chết chỉ là một ranh giới tượng trưng, đừng quá sợ hãi cái chết và đừng quá tôn sùng sự sống. Ảo Mộng Cuối Cùng đã cho thấy rằng không ai cần phải sợ hãi. Vì bạn có được sự tự do trong tâm hồn do bạn vừa không là ai vừa là chính bạn thông qua việc thực sự chơi game, còn thành công hay thất bại không còn quan trọng nữa. Nhưng để đến được Ảo Mộng Sau Cuối thì cần phải có chìa khóa. Chìa khóa đó là [chìa khóa của tôi].

§

Ảo Mộng Cuối Cùng có thể là do cái gọi là "rối loạn thần kinh thực vật" hay còn gọi là "bệnh giả vờ" gây ra. Thân thể bị một loạt triệu chứng nhưng khi khám thì lại không ra bất kỳ bệnh thực thể nào. Mọi chỉ số đều tốt, thứ cuối cùng mà bạn nghĩ đến là khoa tâm thần. Tuy nhiều nghĩa sỹ đã khám khoa này, nhưng rốt cuộc chỉ bị đờ đẫn hệ thần kinh đi, vì hệ thần kinh không thực sự bị tổn thương. Làm đờ hệ thần kinh thì có thể giảm bớt triệu chứng thân thể, nhưng khi thôi thuốc, mọi thứ lại trở lại. Thứ duy nhất cứu được ta, chỉ là dùng não hạn chế, đây là dạng "bệnh giả vờ", không thể dùng não được nữa. Là do thân thể đã nổi dậy chống lại sự độc tài của não. Não đã suy nghĩ quá nhiều - dù tích cực hay tiêu cực - làm thân thể suy kiệt không thể theo nổi. Đường ruột không còn bơm serotonin lên não nữa để hạn chế hoạt động của não, đồng thời phát ra rất nhiều triệu chứng để cảnh báo. Tôi còn nhớ vào năm 2018, sau 7 năm theo đuổi bao nhiêu mục tiêu và kiệt sức hoàn toàn, tôi đã trải qua một giấc mơ kỳ lạ sau khi ngủ thiếp đi sau bữa tối vì mệt mỏi. Một giấc mơ đẹp con người được sửa chữa, tái tạo toàn bộ, trở thành con người lý tưởng theo đúng mơ ước. Nhưng đấy không phải là mong muốn thực sự do não tạo ra, vì não chỉ muốn một thứ là tiền thôi thì phải. Sẽ thế nào nếu thức dậy với hình hài khác hẳn, liệu hàng xóm có nhận ra không? Liệu giấy tờ nhân thân có thay đổi không? Hay sẽ là người mới, nhân thân mới, và thế giới cũng thay đổi theo như thế con người mới đó đã tồn tại từ đầu, nên chẳng ai ngạc nhiên? Ở phần sau của giấc mơ tôi đứng trong nhà vệ sinh và ho với khạc nhổ rất nhiều. Có lẽ đây cũng là một phần của việc "tái tạo", phải khạc nhổ hết vi khuẩn trong người ra. Ai mà biết được, vì thời trẻ ở bển lạnh quá và có thời gian bị chứng ho trăm ngày cứ như lao phổi đến nơi nhưng chụp phổi vẫn đẹp, chỉ số máu vẫn cực chuẩn. Khoảng 2, 3 giờ sáng gì đó tôi tỉnh dậy, thì hóa ra tôi đã khạc nhổ ngay trong khi ngủ, mặt và gối đầy nước dãi. Khi soi gương vẫn thấy không khác gì và buột miệng nói rằng "Vậy cũng được". Trong nhà vệ sinh không có dấu vết khạc nhổ nên chắc chắn là đó chỉ là giấc mơ, và cũng đồng thời với thực tại là tôi đã khạc nhổ trên giường ngay trong lúc ngủ. Sau đó tôi rửa mặt và đi ngủ tiếp, trong lòng nghi hoặc thực sự mọi thứ là như thế nào. Không lẽ người đã mệt mỏi quá độ đến vậy? Mấy năm sau, tôi mới trải qua một giấc mơ tương tự nhưng còn kỳ bí hơn thế. Vào một ngày rằm vào năm 2023, tôi mới nhận ra rằng, giấc mơ chính là thứ mà thân thể tạo ra để ru ngủ não bộ, nhằm sửa chữa chính nó. Bên trong mỗi nghĩa sỹ đều có hai con người, hai nhân cách. Chúng mà đánh nhau thì các nghĩa sỹ sẽ lãnh đủ. Thân thể sẽ tạo ra một giấc mơ đẹp để não sẽ không tỉnh dậy giữa chừng và phá hỏng nó. Nếu tỉnh dậy quá sớm, chắc chắn không ai khạc nhổ trên giường. Nhưng hóa ra việc khạc nhổ là việc tốt nhất mà thân thể có thể làm để chống lại vi khuẩn và các chứng viêm từ cổ họng cho tới đường ruột. Các giấc mơ thường là do thân thể hay đường ruột tạo ra, để ru ngủ não và không bị can thiệp thô bạo vào quá trình bảo trì thân thể. Ngoài ra, thân thể có thể không bơm serotonin từ đường ruột lên não nữa, gây ra chứng trầm cảm. Não đơn giản là bị vô hiệu hóa, để tránh tổn hại thân thể vì nghĩ ra quá nhiều trò mà trò nào cũng gây tổn hại nguyên khí. Các nghĩa sỹ đã vui chơi quá nhiều, đến mức gần như là suy đồi, khiến cho thân thể có thể suy vong bất kỳ lúc nào. Cái gọi là ước mơ, lý tưởng, cũng chỉ là những trò đốt cháy sạch năng lượng mà bộ máy tiêu hóa phải vất vả lắm mới kiếm được. Thân thể sẽ suy kiệt và sẽ mơ rất nhiều. Nhưng cơ quan nội tạng, thậm chí cả hệ thần kinh, khi xét nghiệm mọi thứ vẫn bình thường, cho dù đi khám khoa thần kinh thì cũng gần như là chỉ chữa lợn lành thành lợn què. Cuối cùng, đành kết luận là "rối loạn thần kinh thực vật", một chứng mà y học bó tay hoàn toàn. Chứng này chỉ có thể chữa bằng sinh hoạt điều độ, bớt sử dụng não hay đúng hơn là mắt - não, tránh xa mạng xã hội, chịu khó vận động thân thể nhẹ nhàng sáng chiều, sống hòa mình trong thiên nhiên. Một lối sống thật vô cùng điều độ, từ bỏ gần như mọi mục tiêu, lý tưởng, ước mơ. Quả báo! Quả báo đã đến. Như người ta vẫn nói "Ước mơ của tôi là có thể sống tốt mà không cần một ước mơ". "Bệnh giả vờ" kiều này cứ như ma trơi, tuy không thực sự hại ta, nhưng cũng khiến ta sợ hãi, không biết có ma quái gì thực sự hay không. Đó chỉ là thân thể nổi dậy chống lại chế độ độc tài của não, vì không còn muốn quá độ đi theo con đường mà não đã chọn nữa. Con đường này sẽ đưa tất cả đi xuống hố. Nghĩa là chúng ta phải thay đổi. Thay đổi cả lối sống, lẫn mục tiêu. Nghỉ ngơi không làm gì không giải quyết được tận gốc vấn đề "bệnh giả vờ" này. Nếu chỉ là mệt mỏi thông thường, chỉ cần nghỉ ngơi là sẽ giải tỏa được. Đây là vấn đề nghiêm trọng đã ăn sâu vào trong tận ruột gan của chúng ta, không thể giải quyết chỉ bằng nghỉ ngơi, mà phải thay đổi cả não trạng. Nó đòi hỏi phải thay đổi cả nhận thức, để có thể bước sang một cảnh giới mới. Đó là cảnh giới gọi là "Ảo Mộng Cuối Cùng", tôi (hay đúng ra là "não của tôi") chỉ có thể suy đoán như thế.

Tham khảo: Các nghĩa sỹ đã gục ngã oanh liệt như thế nào?

Tuesday, August 8, 2023

Món súp tonjiru

Món này là một món ngon và dễ ăn nếu ai sống ở Nhật chắc cũng biết, nhưng nếu bạn không biết tiếng Nhật hay chưa từng đến Nhật, bạn cũng có thể làm món này ở nhà để sống vui vẻ. Món này cơ bản gồm có "ton" tức là thịt heo, ở đây dùng thịt ba chỉ heo thái mỏng, và "jiru", tức là "súp" làm từ tương miso.

Món này với món súp miso là nổi tiếng ở Nhật. Súp miso thì nấu từ đậu hủ và rong biển, thanh mát, dễ ăn còn món tonjiru thì nhiều năng lượng hơn.

Công thức và video các bạn có thể xem trên kurashiru nhé.

Cảm quang món súp tonjiru
Nguyên liệu:
Thịt ba rọi heo (thái mỏng) 100g
Ngưu bàng 1/3 cây => Nếu không có thay bằng củ sen tươi
Củ cải 50g
Cà rốt 50g
Hành boa-rô (naganegi) 1/2 cây
Thạch konyaku 1/2 cái
Nước nóng vừa đủ
Dầu mè 1 muỗng nhỏ
(A) Nước 500ml
(A) Hạt nêm 1 muỗng nhỏ
Tương miso 2 muỗng to
Tương miso thì có thể mua ở các cửa hàng Nhật hoặc mua trên mạng, Aeon hay Hachi Hachi có bán. Ngưu bàng khó kiếm thì thay bằng củ sen tươi, gọt vỏ rồi vót thành các lát mỏng. Thạch konyaku nếu không kiếm được thì bỏ qua.

Friday, July 14, 2023

"Muôn kiếp chuyển sinh"

"Muôn kiếp chuyển sinh" là một cuốn sách siêu hư cấu (chứ không phải phi hư cấu như được tuyên bố) về những trải nghiệm "tâm linh" thoáng qua của một phi hành gia và của ông Thomas nào đó là doanh nhân thành công, về "vô số tiền kiếp" của mình. Mục đích chính là kêu gọi mọi người tin vào luật nhân quả, quy luật nhân hồi của vũ trụ, cứ động lòng trắc ẩn, ban phát tình yêu thương, học tập đời đời kiếp kiếp thì sẽ đạt được tới "trí tuệ" như giáo sư J hay là ông Thomas (mà trí tuệ này lại chưa đủ cao siêu như các bậc tu hành, còn phải học thêm ngàn vạn kiếp nữa mới mong đạt tới "trí tuệ về sự chân thực"). Tóm lại thì tin là chứng, chứng là ngộ, trải qua muôn vạn kiếp từ đất đá, cỏ cây, sâu bọ, cầm thú, lên được kiếp người, rồi lại có người mê lú lầm lạc, người tu dưỡng, người giác ngộ, các bậc kỳ nhân dị sỹ. Ngay từ đầu phi hành gia, tác giả, hòa thượng, ... đã đánh phủ đầu khoa học và luận lý, thống nhất là chuyện tâm linh thì để tâm linh giải quyết, chứ khoa học còn quá sơ khai, sao hiểu được cả vũ trụ thu nhỏ bên trong con người, nói gì đến hiểu không thời gian của vũ trụ bao la, cũng như luật nhân quả và quy luật luân hồi của nó. Ngay cả ông Thomas vốn cũng là một doanh nhân duy lý trí, sao tin được những chuyện hoang đường, huyễn hoặc. Đến đây thì tôi đoán Thomas là Đỗ Nam Trung vì ông này là người có máu mặt ở Nữu Ước, với lại tên có vần T giống nhau, nhưng cũng không quan trọng lắm. Tôi đọc sách trong một buổi chiều và tóm tắt để mọi người cũng có thể chuyết được, vì:

"Chuyết được thì đường ruột hanh thông"

Mục tiêu của viết sách, thuyết giảng (đạo lý hay đạo lú), ... cuối cùng cũng chỉ là để đường ruột hanh thông, sẽ dễ sống, dễ thở hơn nhiều chứ nhỉ?

Sách ai viết, viết cho ai?

Tin là chứng, chứng là ngộ, ai biết người nấy. Nhưng vì không đồng kiểm chứng được, không để lại bằng chứng gì nên khoa học hay luận lý (logic) trở nên vô ích. Thì tâm linh nó là như thế, tâm linh và mê tín chỉ cách nhau một ranh giới mỏng manh, đôi khi nó là một, đôi khi nó tách biệt, như thực tại và mộng tưởng, làm sao mà phân biệt được rõ ràng?

Thomas, chính là ông, một doanh nhân thành đạt. Trải nghiệm là của ông, do ông và vì ông. Và trong cơn bão kỳ lạ khi đi lên ngôi nhà nghỉ dưỡng trên núi, ông đã gặp được thầy K là người giảng về muôn kiếp chuyển sinh, cũng là bạn của ông từ muôn vàn kiếp trước. Trong cuộc sống, chuyện hoang đường nào cũng có thể xảy ra, vì chúng ta không chứng, thì sao ngộ được? Chỉ có đức tin mới giúp ta đi trên con đường đúng đắn, nên ngay từ đầu chúng ta hãy tin một cách mù quáng. Đằng nào cũng đang khổ sẵn rồi, thầy nói gì em chẳng tin ạ!

Wednesday, June 28, 2023

Con người chết vì sự quá bình thường?

 "Con người nói chung thường chết vì sự quá bình thường. Cuối cùng trở nên trống rỗng, chỉ còn lại cái tên. Đó là sự bình thường chết người."

-Câu chuyết hôm nay-

"Bình thường" là như thế nào?

Là 普通 [phổ thông], ai cũng giống ai, người ta làm sao mình làm vậy, là dĩ hòa vi quý, là kính trên nhường dưới (vì ai cũng làm thế!), là lao đầu vào kiếm tiền ... Tức là không làm gì khác lạ với những người xung quanh. Tiếng Nhật gọi người bình thường là 普通の人 (futsuu no hito), ở đâu chúng ta cũng nhìn thấy. Ngày ngày dậy sớm ăn sáng đi làm trên tàu điện "cá mòi" ....

Nói chung, bình thường là học hết cấp ba thì học cao đẳng, đại học, ... năm cuối sắp tốt nghiệp thì hoạt động xin việc đi làm, gọi là 就職活動 [shuushoku katsudou, tựu chức hoạt động], dân du (học sinh) hay gọi là "đi syu". Gọi tắt là 就活 [shuukatsu hay syuukatsu], sau khi xin việc đi làm thành công tới tuổi thì 婚活 konkatsu tức là hoạt động tìm đối tác kết hôn, để mong thành thân, động phòng hoa chúc, sinh con đẻ cái ...

普通過ぎなんじゃない? Không bình thường quá hay sao?

Đến đây thì vẫn tốt. Lập gia đình, sinh con, mua nhà, mua xe (hoặc đi tàu điện, mà xe ở bển cũng rẻ), cặm cụi đi làm mấy chúc năm tới khi con khôn lớn ... Cũng bình thường mà!

Nhưng đó là sự bình thường chết người. Đến tuổi trung niên thì không ổn tí nào. Tôi không nói là những người "không bình thường" tức là không theo lộ trình trên sẽ ổn, đến tuổi trung niên ai cũng sẽ bất ổn. Sự bình thường chết người ở đây chính là: Không ai nói cho bạn biết sự thật đó là sự bình thường chết người. Bởi vì, bạn đã có quá nhiều gánh nặng, quá nhiều trách nhiệm, nếu từ chối thực hiện thì mọi thứ chỉ có đổ vỡ, dẫn tới nỗi khổ sinh ly tử biết và hàng trăm mối lo, nỗi khổ khác.

Sự QUÁ BÌNH THƯỜNG giết chết chúng ta vì quá bình thường có nghĩa là sẽ kiệt sức khi trung tuổi, phải tìm niềm an ủi trong tôn giáo nào đó, hoặc mê tín, hoặc tâm linh, cố gắng tìm quyển kinh kệ để mong được giải thoát khỏi nỗi phiền muộn, nỗi khổ lao bủa vây tứ phía. Ngày đọc trăm trang sách chỉ thêm rối não.

Chúng ta đơn giản là hết khả năng suy xét, mất đi sự minh mẫn, từ đó, mất đi bản sắc, bản ngã, cá tính, trở nên trống rỗng, chỉ còn lại cái tên.

Mọi người nói gì về bạn? Bạn nói gì về bạn? Là "tiền bối", là "hậu bối", là "bạn" tôi? Chỉ thế thôi. Vì bạn không còn chém gió, vì bạn không còn chuyết, vì bạn chỉ trích dẫn những lời động viên "vạn điều dở" đông tây kim cố nào đó, nghĩa là bạn chỉ còn cái tên mà thôi. Cái tên trong hàng vạn cái tên, hạt cát trong hàng triệu hạt cát.

Từ khi đi làm và cố gắng trở nên giống mọi người, tôi rơi vào hoàn cảnh đó. Tôi rỗng tuếch và chỉ còn cái tên, mỗi ngày tôi đều tự hỏi: Tôi có phải là tôi không hả tôi?

Tôi đã chết vì sự quá bình thường. Nhưng một ngày tôi lại sống lại. Vì tôi không muốn theo hội tôn giáo, hội tâm linh, hội mê tín. Tôi không muốn mất đi bản ngã, mất đi bản sắc. Tại sao không viết nên một bản nhạc du dương trong cuộc sống?

Đã đến lúc phải từ bỏ sự "quá bình thường", hay đúng ra, đừng theo đuổi sự "bình thường (phổ thông)".

Vì sao gọi là sự bình thường chết người?