Saromalang đã hướng dẫn các thủ tục cần làm như
- đóng học phí cho trường
- nhận giấy tờ gốc
- đặt vé máy bay
- xin visa du học tại lãnh sự quán (đại sứ quán)
- trả tiền vé máy bay, ...
Dưới đây là một số chú ý để bạn và gia đình bạn hiểu và yên tâm.
>>Du học tự túc tại Nhật Bản tốn bao nhiêu tiền
Về đóng học phí cho trường Nhật ngữ
Du học Nhật Bản khác với du học Mỹ ở chỗ du học Nhật Bản phải đóng học phí trước mới xin visa còn du học Mỹ thì xin visa trước rồi mới đóng học phí. Bạn phải đóng học phí cho trường Nhật ngữ bằng các bản scan COE, giấy nhập học, giấy báo học phí (in ra và mang tới ngân hàng) rồi trường Nhật ngữ mới gửi giấy tờ gốc về Việt Nam.Nhưng đóng tiền vậy có an toàn không?
Nhiều phụ huynh sẽ không yên tâm vì quả thật, xã hội ngày nay quá nhiều chuyện lừa tiền bạc. Nhưng dưới đây là một số biện pháp để bạn có thể đóng tiền an toàn:
- Bạn làm hồ sơ tại nơi có uy tín và triết lý kinh doanh rõ ràng
- Bạn và gia đình hãy tự mình đóng tiền tại ngân hàng
- Kiểm tra phiếu đóng học phí: Tên tài khoản tại Nhật phải là tên trường Nhật ngữ (hoặc đại học bekka) và có con dấu của trường đóng trên đó
Phiếu đóng học phí (tiếng Nhật) có tên người nhận (Name)
phải là tên trường Nhật ngữ. Bên dưới phải có mộc của trường.
Vì là tiếng Nhật nên sẽ cần bản dịch có chứng nhận công ty.
Thường thì văn phòng Saromalang chỉ định nơi đóng tiền (vì phải cung cấp giấy tờ chứng nhận dịch thuật, ...) để tránh các phát sinh giấy tờ nhưng nguyên tắc là bạn hoặc gia đình tự mình mang tiền tới đóng. Saromalang không bao giờ thu tiền hay cầm tiền học phí của bạn và gia đình bạn. (Nếu bạn có đưa tiền nhờ đóng giùm sẽ bị từ chối.)
Việc chỉ định nơi đóng tiền là do tại chi nhánh/ngân hàng mới sẽ phát sinh nhiều thủ tục giấy tờ nên thường mất thời gian hơn (ví dụ khi chứng nhận bản dịch phải nộp giấy phép kinh doanh, v.v...) và việc đóng riêng rẽ từng học sinh sẽ mất nhiều thời gian. Vì thế, chỉ định đóng tại một nơi sẽ giúp tiết kiệm thời gian hơn.
Point Hãy kiểm tra tên người nhận là tên trường (hoặc công ty vận hành trường)
Chú ý: Nếu công ty du học không cho bạn hoặc gia đình tới ngân hàng đóng tiền trực tiếp (và kiểm tra tên tài khoản đúng là tên trường Nhật ngữ hay tên công ty vận hành trường Nhật ngữ) mà thu tiền đóng tiền thay thì bạn và gia đình cần từ chối. Đây là những công ty du học mờ ám, không đàng hoàng và bạn không thể chắc là họ sẽ đóng tiền hay đóng đúng hạn cho bạn. Ngược lại, nếu bạn trực tiếp đóng tiền học phí và tên tài khoản chuyển tiền là tên trường (hay công ty vận hành trường) thì không ai có thể gian lận được kể cả ngân hàng nên việc đóng tiền tại ngân hàng nào cũng được. Tránh đưa tiền và ủy quyền cho công ty du học đóng tiền thay (đây chính là việc làm bạn không đi du học được do công ty du học biển thủ tiền của bạn). ⇒ Xem thêm: Tránh mất tiền cho công ty du học
Về việc xin visa du học Nhật Bản
Việc xin visa du học Nhật Bản cũng khác với xin visa du học Mỹ. Xin visa du học Nhật Bản chỉ là thủ tục và tỷ lệ đậu là 100%. Khi đã đậu COE thì gần như 100% sẽ xin được visa. Ngoài ra, khác với du học Mỹ, xin visa du học Nhật không có vòng phỏng vấn xin visa.Saromalang sẽ chuẩn bị bộ hồ sơ cho bạn và bạn mang tới nộp tại lãnh sự quán (đại sứ quán) Nhật Bản vào buổi sáng, 5 ngày sau tới lấy visa theo giấy hẹn vào buổi chiều và trả lệ phí xin visa.
Về nguyên tắc, bạn phải tự mình đi xin visa du học. (Vì muốn đi thay cũng không được, trừ khi bạn đã từng đi Nhật thì có thể ủy quyền nhưng nếu đi lần đầu thì bạn phải có mặt.) Khi đi lấy visa thì ai cầm phiếu hẹn (và chứng minh thư để vào lãnh sự quán) đều có thể lấy thay bạn.
Bạn có thể xem thông tin cách xin visa tại bài Hướng dẫn xin visa du học Nhật Bản hoặc truy cập từ bài Sau khi đậu COE (tư cách lưu trú) tại Yurika.
Về tiền ký túc xá trường Nhật ngữ
Nếu trong giấy báo học phí có thu rồi thì bạn không cần đóng còn nếu không thu trên giấy báo học phí, bạn cần mang tiền qua Nhật đóng. Thường là phải đóng trước 3 tháng hoặc 6 tháng gồm cả tiền vào ở ký túc xá, tiền đặt cọc (1 tháng), phí trang thiết bị, v.v...Thông tin về ký túc xá và số tiền phải đóng, .... văn phòng Saromalang sẽ gửi qua email.
Về tiền yen cầm theo sang Nhật Bản
Bạn phải cầm theo một số tiền yen nhất định vì thời gian đầu bạn cần trang trải sinh hoạt phí như tiền ăn, v.v... Sang Nhật 1, 2 tháng đầu bạn phải lo thủ tục giấy tờ nên không thể đi làm thêm (thường sớm thì sau 2 tháng mới đi làm thêm, bạn nào rất nhanh và có người lo sẵn công việc hay tiếng Nhật tốt thì có thể 1 tháng nhưng rất hiế). Ngoài ra, kể cả đi làm thêm thì cũng không nhận được tiền công làm thêm ngay tháng đó mà phải tháng sau đó mới nhận được. Vì công ty Nhật phải làm kế toán xong mới trả lương cho bạn. Nếu làm nghề dịch thậm chí còn 2 tháng sau mới nhận lương! (Vì công ty dịch nhận tiền từ khách hàng là chậm 1 tháng, rồi trả cho dịch giả lại chậm thêm 1 tháng nữa nhưng chẳng sao vì công ty Nhật không bao giờ quỵt tiền!)Tóm lại, bạn phải cầm theo tối thiểu 3 tháng sinh hoạt phí (và thêm tiền đóng ký túc xá nếu chưa đóng qua phiếu báo học phí của trường).
Sinh hoạt phí mang theo tối thiểu: 100,000 yen (20 triệu đồng)
Sinh hoạt phí nên mang theo: 200,000 yen (40 triệu đồng)
Bạn mang càng nhiều thì càng yên tâm nhưng không quá số tiền tương đương 5000 USD vì quy định nhà nước khi công dân ra nước ngoài không được mang theo quá số ngoại tệ tương đương 5 ngàn đô la Mỹ tiền mặt. Nếu mang quá mà bị phát hiện, bạn có thể gặp rắc rối như bị tịch thu.
Ngoài ra, không mang USD hay ngoại tệ khác ngoài yen Nhật theo vì sang Nhật hoàn toàn không dùng được USD và cũng không dễ dàng đổi tại ngân hàng Nhật được (ngân hàng Nhật không đổi ngoại tệ và một số nơi đổi thì thu phí rất cao). Mang sang thì sẽ lại mang về mà thôi.
Mua tiền yen như thế nào?
Bạn hãy mang hộ chiếu có visa du học Nhật Bản và vé máy bay tới ngân hàng thương mại để mua yen. Ngân hàng sẽ bán yen cho bạn với giá bán yen (giá cao) của họ.
Chú ý: Mặc dù bạn được mua tối đa tương đương 5,000 USD tuy nhiên không phải chi nhánh/ngân hàng nào cũng có sẵn tiền yen và có đủ nên có thể bạn sẽ chỉ mua được một số nhỏ (hay thậm chí không mua được). Bạn có thể phải đi vài ngân hàng để gom đủ số tiền yen mà bạn muốn. Nên gọi điện trước cho chi nhánh hay ngân hàng để hỏi họ có bán yen hay không và để họ chuẩn bị trước.
Khi mua được tiền yen rồi thì hãy giữ cẩn thận. Khi sang tới Nhật cũng mang theo bên mình cho tới khi làm được sổ ngân hàng và bỏ vào trong tài khoản (chưa có thẻ mà mới đăng ký sổ cũng bỏ vào được tại quầy, thẻ thường được gửi tới địa chỉ của bạn sau 1 tuần). Nếu mất tiền, hãy lập tức báo cho trường Nhật ngữ để họ báo cảnh sát. Nếu do người xung quanh lấy thì tiền sẽ được giấu ở đâu đó và trên tiền có giấu vân tay của bạn nên bạn không nên quá lo lắng (nếu du học sinh khác lấy trộm thì họ sẽ phải giấu ở đâu đó chứ họ bỏ vào ngân hàng ngay thì cảnh sát sẽ nghi ngay ^^). Dù sao, hãy có trách nhiệm bảo quản tài sản cá nhân tránh làm phiền trường và cảnh sát vì đây là phẩm cách du học sinh.
Trách nhiệm của du học sinh (bạn)
Bạn sắp trở thành du học sinh tại Nhật. Như vậy là bạn đã toại nguyện ước mơ du học Nhật. Tuy nhiên, bạn cũng sẽ phải có trách nhiệm với việc du học của bạn và người chu cấp tài chính cho bạn. Do đó, hãy làm người chu cấp tài chính của bạn yên tâm bằng cách giải thích rõ ràng các vấn đề trên đây để đảm bảo gia đình bạn hiểu rõ việc đóng tiền, xin visa và không lo lắng. Nếu được thì tốt nhất là cho xem luôn bài viết này.Trước khi đi du học thì bạn phải nhớ thế này: Gia đình đầu tư cho bạn 200 triệu để bạn đi du học Nhật Bản để bạn thực hiện ước mơ của mình. Đây không phải là nghĩa vụ của gia đình bạn phải làm thế. Do đó, hãy có trách nhiệm của một du học sinh bằng cách làm cho gia đình yên tâm và chú tâm vào việc học. Khi sang Nhật thì nên xin việc làm thêm để mở rộng nhân sinh quan, thế giới quan, tích lũy kinh nghiệm cũng như giảm nhẹ gánh nặng tài chính của việc du học.
Hãy coi số tiền đầu tư này là khoản nợ của bạn và hãy trả nợ bằng việc du học thành công. Sang Nhật sẽ có rất nhiều điều mà bạn phải thích ứng cũng như khó khăn vất vả nhưng tôi tin rằng nếu bạn có lý tưởng tốt thì bạn sẽ vượt qua khó khăn ban đầu và thành công về lâu dài.
Mark @ Saromalang
cảm ơn bài viết
ReplyDelete