Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Sunday, March 6, 2022

Cảnh giới đi làm của zoombie công sở

Chào các bạn!

Sau bao nhiêu năm không đi làm, nếu đột nhiên chúng ta đi làm thì sẽ thế nào? Liệu chúng ta có thể thích ứng được không? Làm thế nào để đi làm vui thay vì chỉ ổn thôi?

Toàn nhưng câu hỏi không dễ dàng, bởi vì chúng ta thấy nhan nhản những câu như là "Tôi không muốn đi làm" chứ mấy ai nói "Đi làm vui lắm" đâu.

"Đừng quên mục đích ban đầu"

Nhật Bản có câu ngạn ngữ: 初心を忘れずべからず Shoshin wo wasurezu bekakrazu, tức là "Đừng bao giờ quên đi mục đích ban đầu". Không đi làm cũng rất có thể sẽ không vui và chất lượng cuộc sống rất kém. Vấn đề là tôi đam mê làm việc nhưng bị rơi vào tình trạng thiểu nghiệp trong một thời gian dài. Từ đó, sự bất an về tương lai hay tài chính tăng dần, áp lực vô hình dẫn tới những cơn trầm uất xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn. Một ngày có rất nhiều thời gian nhưng thực ra đầu óc không hề được nghỉ ngơi. Vì thế, chất lượng giấc ngủ cũng thấp mặc dù thời gian ngủ nhiều. Chuyện tình cảm cũng trở nên xa vời và mờ mịt. Mọi thứ thực sự rơi vào hỗn loạn. Cần phải có công việc gì đó để làm mỗi ngày. Mặc dù đam mê không thay đổi nhưng thực ra vì đầu óc phải suy nghĩ quá nhiều, nên cũng kiệt sức và không còn muốn làm nữa. Tình trạng trở nên tồi tệ.

Đi làm (công nhân) có thể là giải pháp để giải quyết nhiều vấn đề. Nhưng có điều, đó là một cảnh giới khác. Chúng ta sẽ phải dậy sớm và làm đến tối mịt. Liệu chúng ta có làm được không, nhất là sau khi đã sống tự do thoải mái bao nhiêu năm? Bất kỳ ai làm tự do hay kinh doanh có lẽ hiếm khi duy trì được kỷ luật lâu dài, trừ khi họ đã thực sự già và không còn nhiều ham muốn trong cuộc đời nữa. (Người giàu và già thường chỉ còn đam mê công việc.)

Để có thể làm công nhân, tôi quyết định sẽ dậy sớm, cụ thể là và lúc 6 giờ. Nghĩa là sớm tới 3-4 tiếng so với thường ngày. Mặc dù lúc đó thì cũng chưa xin việc chỗ nào cả, nhưng mục tiêu không phải là đi làm, mà chỉ là dậy sớm thôi. Bởi vì có lẽ thói quen thay đổi thì cuộc đời sẽ thay đổi, và sẽ thích ứng tốt hơn với việc đi làm công nhân. Đừng quên mục đích của mình là THAY ĐỔI, và cái mà chúng ta nên thay đổi đầu tiên, có lẽ là việc mà chúng ta nghĩ là khó khăn nhất. Với tôi thì đó là dậy sớm.

Dậy sớm và chẳng làm gì

Chúng ta có thể ngủ sớm để dậy sớm, nhưng ngủ sớm thực ra là việc khó. Vì thân thể đã quen với việc ngủ muộn rồi. Cách tốt nhất để dậy sớm không phải là ngủ sớm, mà là đặt chuông và ép bản thân dậy sớm. Khi dậy sớm thì tối tự khắc buồn ngủ và đi ngủ sớm. Tôi bắt đầu dậy sớm hơn từng 30 phút một, trong khoảng 2-3 ngày, rồi lại dậy sớm hơn. Cuối cùng tôi đã đạt mục tiêu và còn rơi vào cơn khủng hoảng dậy sớm, đó là có khi dậy lúc trời chưa sáng, vào lúc 4, 5 giờ và chẳng biết làm gì cho hết ngày.

Không sao cả! Cứ dậy sớm và chẳng làm gì. Cái khó không phải là dậy sớm mà sau đó không rơi vào giấc ngủ lại, một trong những điều tuyệt vời trong cuộc đời. Cũng không sao, hãy cố dậy, trừng mắt trong vài phút, rồi ngủ tiếp, thân thể sẽ cần thích ứng với thói quen mới. Rồi từ từ, chúng ta sẽ ngủ sớm và dậy sớm, mà cũng chẳng cần tới kỷ luật nữa.

Nếu đã quyết định giờ dậy, thường chúng ta sẽ dậy trước giờ đó. Hiện nay tôi sẽ đi ngủ trong khoảng 9-10 giờ tối, và dậy lúc 6 rưỡi. Nghĩa là vẫn có thể ngủ nướng. Chỉ là đẩy khoảng thời gian sớm lên một chút mà thôi.

Chất lượng cuộc sống có kém đi không? Thật lòng thì nó vẫn như cũ, vì trước đây, buổi tối cũng chỉ toàn lên mạng linh tinh, cũng không làm gì có ích. Sau 9 giờ tối mà động  tới điện thoại hay máy tính thì chất lượng giấc ngủ sẽ trở thành thảm họa. Có lẽ là do thứ gọi là "ánh sáng xanh" của màn hình. Hơn nữa, sau 9 giờ tối thì hiệu suất công việc sẽ rất thấp. Dùng máy tính đêm muộn là thảm họa của giấc ngủ và cuộc sống khi chúng ta bước sang một độ tuổi nào đó.

Cảnh giới đi làm của zoombie công sở

Đây có thể là điều mà người làm tự do (freelancer = "phi làn") cảm thấy sợ hãi nhất. Thực sự, chúng ta cần phải chuẩn bị tâm lý rất kỹ càng, mới có thể vượt qua được nỗi sợ hãi này. Trong cuộc sống mệt mỏi này, công ty, chỗ làm thực chất là gì?

Đó chỉ là chỗ nghỉ chân mà thôi. Một nơi mà bạn chỉ cần tập trung làm việc, không cần suy nghĩ nhiều. Một nơi mà bạn có thể trở thành "zoombie công sở". Điều tồi tệ nhất là gì? Đó là bạn chán quá và tự nghỉ, hoặc là bạn bị đuổi. Cả hai đều giúp bạn trở lại với điều tồi tệ ban đầu: Không biết làm gì với cuộc đời của mình.

"Đừng bao giờ quên mục đích ban đầu", phải khắc cốt ghi tâm câu này. Công ty hay chỗ làm chỉ là chốn dừng chân, không làm chỗ này thì làm chỗ khác. Có biết bao nhiêu chỗ cần tuyển người. Tư bản phải thuê được công nhân thì mới làm giàu được, nên công việc thì đầy, quan trọng là bạn có MUỐN LÀM, có ĐAM MÊ, có PASSION, có やる気 (YARUKI) hay không thôi.

Bạn là người vô sản, đâu cần trung thành với một công ty. Nếu là công ty tốt thì bạn làm lâu dài, nếu không tốt thì bạn làm tạm thời, trước khi tìm chỗ mới. Đấy là TINH THẦN VÔ SẢN CỦA NGƯỜI CÔNG NHÂN CHÂN CHÍNH.

Khi đi làm, chúng ta là zoombie công sở, nghĩa là không chủ trương, không chủ ý, không nhân tính, không ý kiến gì cả, trừ về công việc ra. Chúng ta không có cá tính! Hoàn toàn là mẫu sinh vật mà nhét vào đâu cũng được, vẫn một bộ mặt, một thái độ, hay đúng ra là chẳng tỏ thái độ gì, chỉ cúc cung tận tụy trong công việc là được. Nếu vì thế mà bị đuổi, thì vui vẻ đi xin chỗ khác thôi. Người vô sản thì còn sợ điều gì nữa?

Vì không có nhân tính, không có cá tính, nên trong công việc, chúng ta cũng không biết mình là ai. Chỉ nên tập trung vào công việc mà thôi. Từ đó, mới có thể tiến bộ và thay đổi số phận.

Cũng như xin việc đi làm, quan trọng không hẳn là cố sống cố chết xin việc, mà có thể chỉ là dậy sớm hơn một tí mỗi ngày để thích ứng với việc đi làm là được. Trong công việc, chúng ta cũng không cần thể hiện nhân phẩm, cá tính, vv làm gì cho mất thời gian, cũng chả cần quan tâm thăng tiến, mà cứ tập trung làm việc để tiến bộ, là đã tốt lắm rồi. Đấy thực ra là con đường dễ dàng và an toàn nhất đối với người đi làm.

Zoombie công sở là một cảnh giới hoàn toàn mới. Nó mang tới cho chúng ta một cảnh giới thứ hai, để thoát khỏi "cảnh giới thứ nhất", thứ có thể đã suy thoái hoàn toàn.

"Cảnh giới thứ nhất" và cuộc đấu tranh của tôi

Tôi lại phải quay lại "cảnh giới thứ nhất" để "Đừng bao giờ quên mục đích ban đầu". Tôi bị thiểu nghiệp và rơi vào những cơn trầm uất kéo dài. Chuyện tình cảm cũng bắt đầu lung lay và không còn chắc chắn nữa, suốt mấy năm gặp cá cảnh quá nhiều. Tôi nghĩ rằng, mình đã đi tới tận cùng của con đường "phi làn" và ở cuối con đường này, thực sự là một sự TRỐNG KHÔNG, không có gì dành cho tôi ở đó cả. Nỗi hoài nghi bắt đầu trở nên lớn hơn, rằng liệu mình có đi sai đường không. Vấn đề không phải là tiền bạc, vấn đề là: Liệu tôi có đang sống đúng với năng lực của mình không?

Có hai thứ làm chúng ta không hạnh phúc:

  • Một, ước mơ vượt quá năng lực
  • Hai, sống dưới năng lực

Tôi không thực sự hạnh phúc và các cơn ác mộng = tiếng nói của tiềm thức xuất hiện dày đặc. Mỗi ngày đi ngủ tôi không chắc mình sẽ mơ thấy cơn ác mộng nào.

Nhưng cũng không hẳn là ác mộng, nó là uẩn ức trong tiềm thức, xuất hiện dưới dạng giấc mơ. Giấc mơ thường xuyên chỉnh là liệu rằng, tôi có nên đi làm ngay từ đầu hay không.

Giấc mơ đó thường có dạng là tôi quay trở lại thời điểm lúc gần cuối quá trình du học, xung quanh hoa nở rực rỡ trên con đường tôi đi giữa khung cảnh tuyết trắng thật lãng mạn, rồi bỗng sự lãng mạn này biến thành sự "lãng xẹt", tuyết trắng kia hóa ra chỉ là giả tạo, nó biến thành thứ chất lỏng màu đen như bùn, hoa cũng biến đâu mất, cả khung cảnh trở nên xám xịt.

Nghĩa là tôi đã có thể đi trên một con đường đẹp, nhưng nó biến thành thảm họa lúc về cuối. Tôi còn bị nỗi day dứt là mình cũng nên đi làm như bạn bè đồng trang lứa nữa. Thật là một cơn khủng hoảng kéo dài và không hề dễ chịu.

Có lẽ, đây đã là cảnh giới cực hạn của "phi làn" rồi. Không thể nào đi tiếp con đường này nữa, vì tiềm thức đã gửi tín hiệu báo cháy qua những giấc mơ.

Vậy về phần Ý THỨC thì nói gì? Nó cố trấn an và vỗ về tôi rằng, tôi đã luôn lựa chọn đúng. Thật tuyệt vời vì có thể sống tự do mỗi ngày, thích ăn vào giờ nào thì ăn, thích ngủ vào giờ nào thì ngủ, thích làm gì thì làm. Cái đám zoombie công sở ngoài kia làm sao hiểu được cảm giác tự do này. Cũng đổi lúc tôi muốn đi làm công nhân và người chạy xe ôm (hai ước mơ lớn nhất đời là được đi làm công nhân và được chạy xe ôm) nhưng tôi cũng không quyết tâm để làm thế, khi nghĩ tới thủ tục phức tạp thì lại trở nên lười biếng. Ý thức nói với tôi rằng, thời cuộc có thể thay đổi, ngành nghề mà tôi làm sẽ có ngày trở nên hưng thịnh, và tôi vừa có thể làm công việc mình đam mê, vừa có thể kiếm bộn tiền ...

Ban ngày thì không tệ lắm, vì ý thức mạnh hơn tiềm thức. Nhưng ban đêm là thảm họa và tôi thấm thía câu "Đêm tối đầy nỗi kinh hãi", mỗi ngày tôi thường thức dậy trong sự mệt mỏi khôn cùng vì những cơn ác mộng.

Tất cả cuối cùng chỉ xoay quanh việc: Đi làm hay không đi làm.

Đã đến lúc phải lựa chọn rồi. Mà lựa chọn thì chỉ có một: Đi làm. Vì tôi đã chờ đợi để ngành nghề mình làm trở nên hưng thịnh mấy năm rồi, cuối cùng nó đi theo một cách khác hẳn: Thiểu nghiệp, đã thế lại còn cạnh tranh nhiều hơn, thu nhập giảm đi trong khi lạm phát tăng lên. Lòng đam mê còn suy giảm đi theo năm tháng và tan nát bởi sự mệt mỏi về tinh thần.

Nghĩa là chỉ còn một lựa chọn là "đi làm và trở thành zoombie công sở", điều mà tôi đã cố gắng trốn tránh suốt hơn mười năm.

Vấn đề là ở độ tuổi này mới bắt đầu đi làm thì có quá muộn hay không thôi. Đó cũng lại là một uẩn ức khác chưa được giải quyết.

Viết CV và đi làm

Đột nhiên tôi lại thấy mình quay trở lại đúng thời điểm mới tốt nghiệp ra trường, giống với trong các giấc mơ. Nghĩa là bắt đầu viết CV để đăng ký đi làm, bỡ ngỡ như mới bước vào đời. CV của cái hồi mới ra trường bước vào đời cũng là loại ... xuất sắc đấy, nhưng không áp dụng được mấy, vì CV lúc mới tốt nghiệp chỉ tập trung vào quá trình học tập, môn học mà chúng ta yêu thích, hay chúng ta đã làm gì trong trường đại học (tất nhiên là ngoài cúp học, ngủ nướng, chơi điện tử vv ra). Nhưng với một người không còn là sinh viên mới tốt nghiệp nữa, CV kiểu học sinh ấy rõ ràng chẳng giúp ích gì, nhưng về kết cấu thì vẫn không thay đổi. Tôi vẫn giữ lại kết cấu cũ, chỉ thay nội dung mới.

Ví dụ, trong phần "Điểm mạnh của bản thân" (hay "PR về bản thân"), tôi vẫn giữ kết cấu là nêu ra 3 điểm mạnh nhất, viết thành tiêu đề. Một trong những tiêu đề là "Tính kiên trì", rồi tôi sẽ diễn giải nó. Tôi cũng lại nêu 3 ví dụ điển hình về tính kiên trì, ví dụ để phục vụ công việc tôi đã xây dựng từ điển chứa 20 ngàn từ trong 3 năm chẳng hạn.

Mọi người đều thích công nhân có "tính kiên trì", hẳn nhiên là như vậy rồi. Chúng ta phải có ví dụ cụ thể chứ không thể chỉ cảm thán "Tôi là người rất kiên trì trong công việc". Một người viết hay và một người viết dở sẽ có kết quả khác nhau, đó là người viết hay thường kiếm việc dễ hơn và kiếm việc tốt hơn. Mà viết hay thì phải là "người thật việc thật". Bạn không thể viết rằng "Tôi là người có tính kiên trì: Tôi ăn đủ 3 bữa mỗi ngày" được.

Bất kỳ ai cũng có thể làm thế! Đấy không hẳn là tính kiên trì, mà chỉ là cơn đói. Vấn đề không phải chúng ta viết thật hay về những vấn đề nhỏ nhặt hay tầm thường, mà là chúng ta hiểu bản thân mình muốn gì, có thể làm tốt việc gì. Điều đó phụ thuộc vào ĐAM MÊ LÀM VIỆC (やる気 YARUKI).

Ví dụ, tôi có thể làm tốt điều gì? Và nên xin việc gì để phát huy khả năng tối đa? Tôi đam mê về ngoại ngữ, và rõ ràng, giỏi ngoại ngữ, nên xin việc liên quan ngoại ngữ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với làm công nhân bốc vác.

Tôi cũng đam mê về lập trình, máy tính vì bản thân tôi cũng làm hẳn hệ thống từ điển và công cụ để phục vụ cho công việc.

Nghĩa là tôi cũng có thể làm công việc như công nhân code. Sau khi phân tích về sự đam mê và thế mạnh của bản thân, cũng như quan trọng là về xu thế ngành nghề: Hiện tại ngành công nghệ thông tin đang đi lên, trong khi các ngành khác đang suy giảm, tôi kết luận rằng nếu chuyển hướng thì mình nên chuyển sang ngành công nghệ thông tin, vốn là tôi cũng đã có kinh nghiệm vài năm tự lập trình và có đam mê, nhưng làm sao để phát huy được khả năng ngoại ngữ nữa.

Như thế, làm kỹ sư cầu nối (BrSE) là hợp lý nhất. Trong tâm tâm, tôi biết mình có thể là kỹ sư cầu nối xuất sắc nhưng tôi chỉ sợ đi làm thì sẽ bị gò bó và tệ nhất là trầm cảm.

Chứ ngành này thì lương cao. Nhưng tôi cũng không quan tâm nhiều về tiền bạc tới mức đấy, tất nhiên lương phải đủ cao vì chi phí sinh hoạt và tình phí cũng khá cao.

Tôi tính mức lương như thế này:

  • Sinh hoạt phí cơ bản + 30% tăng lên do đi làm
  • Tình phí 1 tháng
  • Đầu tư 1 tháng (vì tương lai hưu trí tốt đẹp)

Cộng ba khoản trên lại là ra mức lương mong muốn. Tình cờ thì nó cũng là mức trung bình dưới của BrSE. Vì thuê BrSE thì đương nhiên là không rẻ rồi! Chưa kể tôi có thể làm BrSE xuất sắc nữa. Nhưng tôi chỉ muốn làm một người trung bình thôi, cũng không cần xuất sắc lắm.

Đi làm thì tiền lương là một yếu tố thôi. Quan trọng là môi trường làm việc phải giúp phát huy được năng lực, từ đó mới có thể có thu nhập cao hơn. Ngoài ra còn là 達成感 ("đạt thành cảm" = cảm giác mãn nguyện khi hoàn thành công việc) nữa.

Trong CV, bạn nhất định phải có viết về 達成感 TASSEIKAN ("tát sệ cằm"), bạn cảm thấy hài lòng mãn nguyện khi nào? Đó là khi bạn hoàn thành một công việc khó. Bạn nên viết rõ là việc gì làm bạn cảm thấy "tasseikan", đây là bí kíp để tốn ít công mà vẫn xin được việc.

Điều này tưởng là không quan trọng lắm, nhưng thực ra lại là rất quan trọng. Vì nếu bạn đi làm chỉ vì tiền lương, bạn sẽ chán rất nhanh. Còn nếu bạn đi làm vì cảm giác "mãn nguyễn khi hoàn thành công việc", rõ ràng bạn ở trong một cảnh giới khác.

Đi làm trong một cảnh giới mới

Tôi đi làm không phải vì nhận lương. Vì nếu đi làm để nhận lương, tôi đã làm thế từ đầu. Lúc mới tốt nghiệp, mục tiêu ban đầu là tiết kiếm số tiền [....] một năm, điều này dẫn tới thất bại nhanh chóng, vì mới đi làm thì chẳng tiết kiệm được gì, chỉ tốn thời gian.

Chúng ta nên đi làm vì sự tiến bộ và cảm giác hài lòng khi hoàn thành công việc. Tôi đi làm vì đam mê cống hiến (một phần), nên không làm chỗ này thì làm chỗ khác. Tôi làm zoombie công sở, chứ không nhất định làm nô lệ cho công ty nhất định nào. Bởi vì, tôi là người vô sản!

Nếu đã xác định mình muốn giỏi trong lĩnh vực gì, và quan trọng là mình có thể thực sự giỏi theo thời gian, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nhiều. Tôi còn chẳng phải rải CV, chỉ nộp một lần duy nhất.

Vấn đề là có MUỐN LÀM, có YARUKI hay không mà thôi. Nếu mục tiêu chỉ là "để giỏi" thì xin việc chỉ là chọn công việc, chọn môi trường để phát huy hết năng lực thôi. Còn việc vào đâu, đấy là việc của HEAD HUNTER, tôi cũng đâu thiếu tiền tới mức phải xin việc ngay. Thực tế thì tôi định dành cả năm để ngắm nghía và xin việc kia.

Nhưng có thể do không quá mặn mà nên mọi việc lại trở nên dễ dàng hơn. Quan trọng chính là LÒNG NHIỆT HUYẾT trở thành một người công nhân xuất sắc trong CV của bạn.

CV không đơn giản là để xin việc. Đó là BẢN THIẾT KẾ CUỘC ĐỜI TRONG 5-10 NĂM TỚI của bạn. Tất nhiên là chúng ta chắc gì đã đi làm tới 5 năm, có khi chỉ 2-3 năm thôi, nhưng bản thiết kết vẫn phải tốt thì mới kiếm được chỗ tốt. Nhưng nếu bản thiết kế đã tốt và kiếm được việc tốt, cũng có thể bạn sẽ làm 5-10 năm kia mà, đúng không?

Nếu đó là công việc giúp bạn ổn định tinh thần, cuộc sống, tình cảm, thì tại sao lại không làm tiếp? "Phi làn" là một ảo mộng đẹp, và chúng ta đã đi tới cùng ảo mộng này. Không có gì cho chúng ta ở đó cả. Chúng ta đã đi tới tận cùng con đường, và phát hiện ra một không gian trống rỗng:

Đó là một ảo mộng đẹp, nhưng không có gì dành cho chúng ta ở cuối con đường!

Liệu có phải chúng ta đã sống hoài sống phí bao nhiêu năm tháng không? KHỒNG!

Đó là SỰ GIÁC NGỘ. Còn lâu bọn zoombie công sở chưa bao giờ "phi làn" mới giác ngộ được, vì thế có thể chỉ như đàn chuột chạy đua với nhau. Sau khi tốt nghiệp phi làn, chúng ta đi làm trong một cảnh giới mới, công sở chỉ là chốn nghỉ chân mà thôi. Chúng ta không chạy đua như mọi người, chỉ làm việc vì trách nhiệm và đam mê, vì sự phồn vinh của công ty, vì hạnh phúc của giai cấp lãnh đạo, vì trả tình phí cho người yêu, vì sự thanh tịnh trong tâm hồn mà đã lâu rồi chúng ta chẳng có được, vì chó, vì mèo, thậm chí vì hòa bình thế giới.

Sao cũng được! Nhưng đi làm không vất vả đến thế, thậm chí chúng ta còn chẳng đi làm vì tiền. Vì tiền thì làm thêm cuối tuần là được rồi, đâu thiếu thốn đến mức đấy!

Quan trọng là tiếp tục thực hành LỐI SỐNG TIẾT KIỆM ĐỂ ĐẦU TƯ, đi làm nhận tiền hàng tháng đúng là giúp ích rất lớn cho việc đầu tư của chúng ta.

Cuối cùng, chúng ta cũng có thể TRƯỞNG THÀNH, và thậm chí, là GIÁC NGỘ. Rằng:

人间事常难遂人愿,且看明月又有几回圆。

Việc nhân gian thường khó mà chiều theo ý con người,

Thoáng chốc đã thấy trăng sáng lại mấy lần tròn.


Hay lắm, từ nay chúng ta cũng có thể trở thành người công nhân chân chính, và sống trong một cảnh giới mới của sự giác ngộ. Cũng chưa biết là giác ngộ để làm gì, sẽ dẫn ta đi về đâu.

Nhưng tôi có thể phỏng đoán, rằng nó sẽ dẫn chúng ta đi tới ảo mộng sau cuối đích thực. Đó là một ngày, chúng ta có thể cùng các nghĩa sỹ đứng lên làm cách mạng diệt gian trừ bạo. Đó mới là ước mơ thực sự của chính nhân quân tử. Tiếc thay, ngày ấy có thể còn xa, nên cũng nên làm gì đó để trước là cứu thân, sau là báo quốc. Đến lúc đấy mà còn nghèo đói, thân tàn sức kiệt thì còn làm nên cơm cháo gì!

Người tù vĩnh cửu