Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Thursday, April 29, 2021

Nếu bạn bắt đầu quá muộn ....

Chào các bạn!

Trong bài trước tôi có tính số tiền để có thể nghỉ hưu ở tuổi 60 với mức sống tương đương 50 triệu/tháng của năm 2021. Đó là có tổng tài sản trị giá 10 tỉ trở lên.

Nhưng nếu bạn bắt đầu quá muộn thì sao, ví dụ 50 tuổi chẳng hạn? Ai cũng có thể phá sản vào năm 49 tuổi và bắt đầu lại vào năm 50 tuổi kia mà.

Giả sử bạn mất 5 năm để cày cuốc kiếm lại 1 tỉ, rồi dùng nó đầu tư sinh lời 15%/năm, thì sau khoảng 13, 14 năm, bạn có 10 tỉ để về hưu năm ... 60 tuổi. Nhưng lúc đó bạn không còn 60 tuổi nữa nhỉ?

5 năm cày tiền + 13 năm = 18 năm, lúc đó là bạn 50 + 18 = 68 tuổi.

Vào năm 68 tuổi, bạn có 10 tỉ, thì thực ra là bạn có thể về hưu rồi. Nhưng từ từ, nếu bạn đã 68 tuổi, thì bạn đâu cần có tới 10 tỉ, vì số năm bạn sống giảm đi, nghĩa là số tiền cần để về hưu cũng giảm xuống.

Do đó, nếu bạn bắt đầu muộn thì không hẳn là bất lợi, tôi chỉ muốn bạn hiểu điều đó, để TRÁNH MẤT TINH THẦN trong việc đầu tư và trở nên giàu có.

Tôi ví dụ, một người bắt đầu từ năm 30, với 1 tỉ trong tay, đầu tư 15%/năm, vào năm 44 tuổi có 10 tỉ. Lúc đó thì cảm thấy mệt mỏi, và không muốn làm việc nữa, cũng không muốn đầu tư nữa. Nếu một người muốn sống sung túc thì tiêu 50 triệu/tháng (vật giá 2021), thì người đó sống tằn tiện với 25 triệu/tháng, không giao lưu, không vui chơi, chỉ vì quá chán với cuộc đời. Vậy thì, một năm người đó tiêu 300 triệu, và với 10 tỉ, có thể sống 33 năm.

Tức là sống tới năm 77 tuổi. Nếu sống quá 77 tuổi thì thảm họa sẽ xảy ra: Hết sạch tiền.

Nhưng nếu một người tới 60 mới về hưu, và sống thêm 33 năm, thì có thể sống đến năm 93 tuổi mới hết tiền.

Ở đây tôi muốn nói là bạn bắt đầu sớm hay muộn cũng không thành vấn đề. Vấn đề là nếu muốn có một tương lai tài chính tốt đẹp thì phải bắt đầu ngay từ giờ. Bởi vì khi bạn đã muốn thay đổi nghĩa là bạn đã thay đổi rồi.

Từ khi phá sản chỉ trong vài năm tôi thay đổi thể chất của mình, từ thể chất tiêu tiền để kiếm tiền sang thể chất tiết kiệm, rồi thể chất đầu tư. Chẳng có gì là muộn cả!

Tất nhiên là việc thay đổi thì không dễ dàng nhưng thà không dễ dàng hôm nay còn hơn một tương lai tài chính nát bét về sau. Chúng ta đã làm rõ ràng rằng, vào năm 60 tuổi, phải có ít nhất tài sản 10 tỉ trong tay, còn 20 tỉ thì tương đối tuyệt vời và chẳng có giới hạn trên nào cả miễn là chúng ta không hi sinh sức khỏe để kiếm tiền.

Nếu kiếm tiền sớm và thành công sớm, rồi kiệt sức sớm, thì lại giống như người chạy nước rút ngay từ đầu trong cuộc đua đường dài, về cuối chỉ đi bộ hay lết trên đường, lần lượt bị người khác vượt qua. Cuộc đời không phải là chạy đua nước rút với nhau, mà là KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH trọn đời.

Trong cuộc đời chúng ta thấy "rat race" khá nhiều, kiểu như năm X tuổi có nhà, Y tuổi có xe, Z tuổi có gì đó. Nếu những thứ đó là tài sản thì không sao, nhưng nếu chúng là tiêu sản, rồi năm 60 tuổi chúng ta không cầm chắc được 10 tỉ trong tay, thì sao? Một ngày nào đó có thể chúng ta phá sản và trước đó lâu thì cuộc sống ngày càng kém đi vì tiền mất giá.

Trên đây không phải là cách tính chính xác mà chỉ để tham khảo vì nếu bạn biến 1 tỉ thành 10 tỉ sau 10 ~ 20 năm, bạn vẫn có thể tiếp tục làm thế sau khi nghỉ hưu, để ngày càng giàu có hơn. Vì thời nay xác suất sống quá 100 tuổi cũng không còn nhỏ nữa và tốt nhất là dù tuổi thọ là bao nhiêu, chúng ta muốn chết đi trong sự giàu có, sung túc, thay vì thực sự phá sản từ trước đó.

Đây gọi là sự TRƯỞNG THÀNH về mặt tài chính. Khi bạn muốn trưởng thành, có nghĩa là bạn đã bắt đầu trưởng thành. Trưởng thành lên!

Mark

Cần bao nhiêu tiền để nghỉ hưu sung túc?

"Làm giàu! Làm giàu! Làm giàu!"

Anh X đã hét lên ba tiếng như thế, rồi chìm vào giấc ngủ vĩnh hằng. Nay anh không còn cảm thấy đói và lạnh nữa: Anh đã chết trong nghèo khó.

Nhưng đấy cũng không hẳn là điều tệ nhất. Điều tệ nhất chính là anh đã sống nhiều năm trong nghèo khó, trong sự ảo tưởng và trong sự lừa dối khủng khiếp về tài chính của bọn tư bản, bọn tư hữu và bọn tư lợi. Anh đã tin rằng sau nhiều năm phấn đấu, anh sẽ về hưu và "tận hưởng cuộc sống" an nhàn. Cuộc sống của anh còn không đầy đủ, chứ đừng nói là an nhàn. Trước khi ảo mộng tan vỡ hoàn toàn (cái chết), anh sống vô cùng tằn tiện và dằn vặt, vì những thứ hào nhoáng mà anh đã từng tin, do bọn tư bản nhồi nhét vào đầu anh. Nếu có thể sống lại một lần nữa, anh sẽ làm CÁCH MẠNG, tiêu diệt sạch bọn này cùng với sự lừa dối của chúng! Nhưng đã quá muộn để anh làm điều đó mất rồi.

Nếu chúng ta cũng KHÔNG SUY NGHĨ hay bị tẩy não như anh ấy, chúng ta cũng sẽ sống trong nghèo đói.

Làm giàu là một mục tiêu chung chung, và không giúp ích gì mấy. Giàu không liên quan tới hạnh phúc, vì thế bạn không thực sự có động lực "làm giàu". Những người như tôi còn có ít hứng thú với tiền bạc hơn người thường. Nhưng mà, nếu chúng ta về già trong nghèo đói thì sao? BIG PROBLEM. Chúng ta còn không đủ thể lực và trí tuệ để đi cướp ngân hàng.

Tính toán số tiền để có cuộc sống hưu trí sung túc

Monday, April 26, 2021

Mất tiền vì nỗi sợ hãi lạm phát

"Tôi sợ lạm phát nên tôi lấy hết tiền mua vàng!"

Sai lầm này tồi tệ hơn cả tiêu hết sạch tiền để chống lạm phát. Trong bài trước tôi có chuyết về việc tạo ra lạm phát và nỗi sợ lạm phát giúp ích cho việc cai trị thế nào.

Nếu in tiền để tạo ra lạm phát đủ để ai cũng nghèo đi thì họ sẽ phải vay tiền ngân hàng mua nhà, và họ sợ giá nhà tăng (giá nhà thực sự ngày càng tăng do in tiền) nên phải mua nhà để bảo tồn vốn của mình, thì tư bản ngân hàng kiếm được rất nhiều tiền. Bong bóng bất động sản là con gà đẻ trứng vàng của tư bản ngân hàng.

Từ một người có của ăn của để, sau khi mua nhà, họ trở thành con nợ của ngân hàng và dành mười năm hoặc hơn để làm giàu cho tư bản ngân hàng, tư bản bất động sản. 

Chúng ta đều phải chống lạm phát và mua vàng có phải là giải pháp không?

Trước hết là lạm phát là thứ làm bạn nghèo đi từ từ, không nghèo ngay, và bạn lấy hết tiền mua vàng, rồi đến lúc bán đi, liệu có lời hay không? Rõ ràng là không có lời. Trước hết là giá vàng biến động ngẫu nhiên hoặc do bàn tay cá mập thao túng, bạn mất phí mua, phí bán, và chênh lệch giá mua giá bán. Ngoài ra, khi vàng được đồn thổi tăng giá, anh đại chị đại (Big Brothers, Big Sisters) cũng mua vào để đầu cơ, ai dè cá mập quốc tế lại đánh xuống. Thành ra anh đại chị đại bị ôm hàng, quyết không bán ra, vì bán cắt lỗ sẽ thành lỗ vĩnh viễn. Từ đó người ta thấy, ở một số nơi, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới một khúc. Tôi hiểu là anh đại chị đại đã chót đu đỉnh rồi. Thương anh, thương chị!

Vì thế không thể bán cho bọn dân đen theo giá thế giới đã giảm được! Vàng của anh của chị quý lắm, có phải vỏ hến đâu, sao bán ra được, đợi sau này giá cao thì anh chị lại bán cho mà ôm.

Một số nơi vàng bị KẾT KIM, nhà nước độc quyền giá vàng, thích bán giá nào thì bán. Bạn hiểu rồi chứ? Bạn đâu thể kiếm lời bằng mặt hàng mà người khác độc quyền giá cả được?

Đây không phải là cách chống lạm phát. Nó còn tệ hơn cả tiêu sạch tiền để đỡ bị lạm phát nữa, vì còn tốn đủ loại thuế, phí khi mua bán.

Đu lên con tàu bất động sản cũng là một dạng có thể mất tiền vì sợ lạm phát. Trước hết là hết sạch tiền, hi sinh thanh xuân để về già "giàu có". Nhưng sự giàu có kiểu này mới chỉ là "đếm cua trong lỗ, đếm gỗ trong rừng" thôi. Nếu sau này bạn có nhà (và còn lâu mới gọi là giàu có!), nhưng không còn sức lực, trí tuệ nữa, ngày nào cũng như ngày nào đều vô cùng mệt mỏi, chán nản, kiệt sức, liệu bạn có hạnh phúc không?

Dù sao thì bạn cũng đâu giàu có chỉ vì có nhà! Nước lên thì thuyền lên, bạn bán nhà đi để chốt lời, thì lại không mua lại được căn nhà tương đương nữa, và lại "phải" ôm một đống tiền và NỖI SỢ HÃI VỀ LẠM PHÁT lại ập tới làm bạn mất ăn mất ngủ. Đã đau rồi (vì bán nhà) lại còn khổ (vì sợ cầm tiền).

Mua chứng khoán thì sao nhỉ? Tôi có một số tiền không đủ mua nhà, và nhà cũng bong bóng rồi, nên tôi mua chứng khoán, để chống lạm phát. Tôi tìm ra cà pháo tốt nhất và "all-in" (tất tay) để tránh lạm phát ngay bây giờ!

Nghe có vẻ hay! Thực sự là hay nhưng việc "all-in" thì không ổn, có thể làm bạn mất tiền. Ví dụ bạn vào mã X là cà tốt, cà thơm, giá là 40k, nhưng sau khi bạn vào hết vốn, nó về 30k, rồi về 20k. Bạn đơn giản là không có tiền để mua!

Vì thế, giá vốn khi mua của bạn neo ở mức cao 40k, thế là sau này nó lên 50k, bạn không lời mấy. Chưa kể có khi nó về 40k (về bờ), bạn lại bán để ... cắt lỗ.

Vì quá sợ lạm phát và cầm tiền mặt, bạn lỗ rất nhiều. Bây giờ chúng ta tính lại xem thế nào.

Giả sử có 100 triệu mua giá 40k được 2500 cà. Bán đi lúc nó lên 50k, ăn được 25 triệu.

Nhưng có 100 triệu lấy 40 triệu mua giá 40k được 1000 cà, lúc về 30k lại mua thêm 1000 cà hết 30 triệu, là còn 30 triệu, lúc về 20k mua hết 30 triệu còn lại, được 1500 cà, tổng là được 3500 cà. Tới giá 50k bán đi được 175 triệu, trừ vốn 100 triệu là lời 75 triệu.

Trường hợp đầu chơi all-in lời 25%, còn trường hợp sau lời 75%.

Trong bài Margin of Safety thì tôi có nói về bí quyết thành công của các cô nàng OL:

Đây chính là lợi thế của những cô nàng văn phòng (OL = office lady) chỉ chuyên làm đẹp, ăn vặt, không biết gì, và cũng chẳng muốn biết gì về thị trường!

Mua rải ra! Đừng chơi tất tay trừ khi thị trường vừa sụp đổ kinh hoàng trước đó. Vì ai mà biết được giá cà sẽ lên hay xuống chứ. Nếu bạn chơi all-in vì bạn biết, và bạn có kiến thức vững chắc thì bạn sẽ ăn đậm. Nhưng nếu bạn chơi all-in chỉ vì bạn QUÁ SỢ LẠM PHÁT như những thanh niên sợ một ngày vắng bóng mẹ trong cuộc đời, bạn sẽ MẤT TIỀN. Thậm chí, mất rất nhiều tiền.

Chúng ta là người vô sản, chúng ta chỉ quản lý tiền giùm người khác thôi, tiền trong tài khoản của chúng ta cũng không phải là tiền của ta, mà là tiền của Anh Đại, Chị Đại. Chúng ta phải cùng nhau phấn đấu hết sức mình để đưa anh đại, chị đại đi lên CNCS, rồi bản thân đi lên CNKH xã hội cà pháo. Đấy mới là chính đạo, mới là con đường đúng đắn để chúng ta đi. Chứ lẽ nào lại chơi tất tay kiểu đánh bạc để trục lợi riêng mình?

Mark

Saturday, April 24, 2021

Bóng ma lạm phát và nghệ thuật cai trị

Chào mọi người!

Lạm phát không đáng sợ đến vậy! Tôi không sợ lạm phát. Lạm phát không đáng sợ mà nỗi sợ về lạm phát mới đáng sợ. Giống như một người lính ra trận, chưa chắc việc ra trận đã nguy hiểm mà nguy hiểm nhất là anh ta nghĩ quân địch quá mạnh và anh ta sợ mình sẽ bị giết, điều này khiến anh ta trở nên hèn nhát, dễ dàng từ bỏ vị trí chiến đấu và cuối cùng, trở thành một mục tiêu dễ dàng của quân địch.

Reo rắc bóng ma về lạm phát cũng là một dạng nghệ thuật cai trị, phục vụ cho chính sách "bần dân dễ trị" ở một số nơi trên thế giới. Chúng ta đọc là để đồng cảm với nhân dân thế giới một tí.

Nhân tiện, tôi có chuyết về Nguyên tắc gửi tiết kiệm chống lạm phát rồi nên bạn nào muốn thì có thể tham khảo nhé.

Để có thể trở nên giàu có, chúng ta phải hiểu đúng và đủ về lạm phát cũng như bóng ma lạm phát và chính sách cai trị kiểu mới dựa trên nỗi sợ hãi về lạm phát.

Có lạm phát không, và lạm phát có phải 3 ~ 4% như công bố hay không? Có lạm phát và lạm phát đúng như công bố, nếu tính cả giá động cơ tên lửa vũ trụ vào. Như thế, lãi suất ngân hàng thực ra là lãi suất thực dương, tức là bạn gửi ngân hàng thì vẫn lời nhiều hơn mất giá do lạm phát. Tuy nhiên, điều này là không đủ.

Vì bạn không mua động cơ tên lửa vũ trụ. Tiền nhà của bạn tăng giá, ví dụ 7m lên 7.5m là tăng 0.5/7 = 7.1%, cháo ếch tăng 60k lên 65k là tăng 5/60 = 8.3%. Vì sao tiền nhà lại "dám" tăng nhiều thế? Vì sao cháo ếch vỉa hè không tốn tiền mặt bằng mà lại tăng ghê vậy?

Đây là lòng tham của con người, và lòng tham xuất phát từ nỗi sợ hãi về lạm phát. Khi tô phở tăng lên 5 ~ 10%, mọi người nghĩ lạm phát thực là tầm đấy, họ sẽ muốn tăng giá và phải tăng giá để không bị thiệt.

Như vậy, lạm phát thực tế mà bạn phải gánh có thể cao hơn nhiều đấy. Giải pháp?

Bạn chuyển nhà trước khi chủ nhà kịp tăng giá, và bạn không ăn cháo ếch nữa: Bạn tự nấu ở nhà.

Đây chính là lý do mà LẠM PHÁT CÁ NHÂN của tôi rất thấp, vì tôi dùng biện pháp thay thế với chi phí rẻ hơn.

Lạm phát của các mặt hàng thiết yếu là tương đối cao, và bạn phải NÉ được nó. Nếu thật sự bạn là người không có kinh nghiệm và luôn chìa cổ ra cho mọi người chém, bạn sẽ mất rất nhiều máu. Nếu bạn không mua hàng nữa thì họ có tăng giá bao nhiêu bạn cũng không mất thêm tiền đúng không?

Bóng ma lạm phát và nghệ thuật cai trị

Công nghệ chuyển nhà

Chào mọi người!

Chuyển nhà nghe có vẻ mệt mỏi đối với nhiều người và vì thế, mọi người LƯỜI CHUYỂN NHÀ. Tức là, họ chấp nhận ở lại nhà cũ dù giá đã cao, dù đã bất tiện, dù không thoải mái, vv để khỏi phải chuyển nhà. Những người lương cao đang đi thuê nhà thì họ đang phải trả tiền nhà cao, và cao lên theo mỗi năm, và khi thị trường đã giảm xuống họ vẫn trả tiền nhà cao. Chủ nhà NẮM THÓP của người thuê nhà không muốn chuyển nhà nên tăng tiền nhà đều mỗi năm từ 5 ~ 10%. Vì không chuyển nhà, bạn sẽ không thể tìm được căn nhà tối ưu về giá cả và chất lượng, do đó, bạn mất cả hai: Tiền bạc và chất lượng sống.

Chủ nhà ở VN thường tham lam vô độ. Họ sẽ tăng tiền nhà thường xuyên 5 ~ 10%/năm, thậm chí còn tăng cả tiền điện, nước thường xuyên. Vì họ đang kiếm tiền từ bạn và lấy tiền cho thuê nhà để trả cho chính căn nhà đó, cuối cùng có thể "tay không bắt giặc" từ tiền vay của ngân hàng.

Để tránh những vấn đề này, bạn phải có CÔNG NGHỆ CHUYỂN NHÀ để chuyển nhà không mệt mỏi. Nếu bạn có thể chuyển nhà không mệt mỏi thì sao? Sẽ rất tuyệt, vì bạn sẽ tối ưu hóa được tiền nhà và chất lượng nhà. Tôi ví dụ năm nay tôi định đi thăm bạn bè và du lịch bụi, nên tôi sẽ thuê nhà giá rẻ hơn, lấy tiền dư để đầu tư và du lịch. Tôi chuyển nhà với chi phí thấp nhất có thể, đồng thời, tốn ít sức nhất có thể. Thực sự là tôi đã thành công và đạt được mục tiêu của mình. Trong bài này, tôi sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm để chuyển nhà không mệt mỏi, để làm bị vong lục cho lần chuyển nhà sau.

Công nghệ chuyển nhà = Phương pháp đấu tranh chống bần cùng hóa

Wednesday, April 21, 2021

Share nhà

Chào các bạn!

Bó tay trước lạm phát và chính sách "bần dân dễ trị", sống nghèo khổ và bon chen, uất hận trong cuộc đời ư? Việc gì phải thế. Sao không học theo phong trào FIRE (độc lập tài chính và về hưu sớm) để share nhà với nhau?

Một trong những mục tiêu trong năm nay của tôi là giảm tiền nhà, và tôi vừa chuyển nhà xong. Tiền nhà giảm đi 43%!

Tiền chuyển nhà hết 1200k, tiền chuyển nét là 275k + vòi vĩnh 50k. Chi phí chỉ có thế thôi.

Trước đây tôi luôn thuê nguyên một căn nhà giá tương đối rẻ (rẻ hơn chung cư trung - cao cấp), nhưng ở một mình tôi thấy cũng hơi lãng phí, và vì thế tôi luôn NGHĨ CÁCH xem, có cách nào để tiền nhà rẻ đi không. Mặc dù nhà tôi thuê thường rẻ đi theo thời gian, và so với các nhà có cơ sở vật chất sạch đẹp thì nhà tôi thuê thường cũng là tối ưu rồi, nhưng về diện tích thì chưa tối ưu mấy, vì một người mà ở rộng thì LÃNG PHÍ. Có rất nhiều diện tích trống. Vì thế, tôi bắt đầu nghĩ tới việc thuê hẳn chung cư cao cấp ở ngoại ô đúng khu mà sống điền viên rất thích, cả vườn Nhật nữa, rồi cùng nhau chia tiền nhà và phí quản lý ra, thì mỗi người chỉ tốn ít tiền hơn nhiều so với hiện tại. Nhưng rủ rê bạn bè thì chưa thấy ai hào hứng lắm, mà tôi thì lại là người đã quyết là làm, vì thế tôi quyết định share nhà với bạn.

Rốt cuộc, trào lưu share nhà này là thế nào và LÝ TƯỞNG của chúng ta là gì? Chẳng phải chúng ta nên vay tiền ngân hàng mua nhà, tự chăm sóc nhà cửa và sống hạnh phúc hay sao?

Lý tưởng và ý nghĩa của phong trào share nhà quốc tế

Monday, April 19, 2021

Friend Zone thần thánh

Chào các bạn!

Đây là bài chuyết thứ 1000 rồi:


Vì bài lần trước là bài thứ 999! Sau gần 7 năm, tôi đã trở thành "thiên chuyết" (千拙) trên trang này vì đã chuyết được 1000 bài. Chuyết cũng là một cách để duy trì một đầu óc minh mẫn và trí tuệ sáng suốt, với lại sau này nhìn lại còn biết được năm nào mình đã làm gì. Hi vọng thế!

Trong bài này tôi sẽ nói về Friend Zone (FZ) để giúp mọi người tiết kiệm tiền bạc, thời gian và công sức. Một mối quan hệ làm sao mà trở thành FZ và thành FZ rồi thì sẽ thế nào?

Nếu bạn theo đuổi một người nhưng chỉ đi ăn đi uống mãi mà không tiến thêm bước nào, hay bị đối phương chặn không thể tiến thêm được bước nào (do đối phương bật đèn đỏ vv) thì sớm muộn gì cũng sẽ trở thành FZ. Nói chung điều này cũng không có gì đáng tiếc cả, trừ thời gian công sức bạn bỏ ra. Nhưng bạn cũng đâu bỏ nhiều thời gian công sức lắm? Vấn đề chính là những mối kiểu này cũng không quá ngon đến mức phải theo đuổi tới cùng mà chỉ theo đuổi kiểu nửa mùa. Vì thế, đối phương cũng sẽ cảm nhận được sự nửa mùa của bạn và không chắc chắn, nên thường xuyên chặn lại bằng đèn đỏ, cuối cùng bạn chán nản và bỏ cuộc. Sau này, nếu vẫn giữ được mối quan hệ tốt thì nó sẽ trở thành bạn bè. Bạn sẽ trở nên quá NHÚT NHÁT để có thể làm gì tiếp. Bản chất của việc theo đuổi chính là bạn không sợ bị đánh giá nên có thể "đánh nhanh rút gọn" theo kiểu "được ăn cả ngã về không". Nhưng khi trở thành bạn bè thì bạn sẽ sợ bị đánh giá và trở nên nhút nhát. Hơn nữa, bạn bị MẤT HỨNG. Nhưng sao ban đầu có hứng mà về sau lại mất hứng?

Vì bạn chỉ muốn chinh phục thêm mà thôi. Chứ không hẳn là một mối ngon theo kiểu phải theo đuổi đến cùng. Nói thẳng ra, cũng chẳng phải thật lòng gì lắm. Nhưng mối kiểu này nếu sau lần hẹn thứ ba mà không đi tới được ảo mộng sau cuối, thì mỗi lần hẹn xác suất thành công lại giảm đi một nửa. Chẳng bao lâu sẽ trở thành bạn bè, nếu vẫn đối xử tốt kiểu như chia tiền trả đều nhau. (Nếu một mối quan hệ mà bạn phải trả 100% chi phí giao tế, thì chắc chắn là bạn còn chẳng buồn duy trì rồi.)

Chúng ta sẽ rơi vào "Friend Zone thần thánh". Nhưng mà điều này cũng là tốt thôi, chỉ có điều là động lực để đi hẹn hò sẽ giảm đi rất nhiều và có lẽ một ngày, bạn quá bận các chuyện khác để nghĩ tới việc hẹn hò. Vì chẳng có phần thưởng nào cả!

Thursday, April 15, 2021

Định giá cà pháo phần 7: Phương pháp dòng tiền FCFF và FCFE

Đây là các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp dựa trên dòng tiền mà nó tạo ra. Sau khi xác định được giá trị doanh nghiệp, lấy nó chia cho số lượng cổ phiếu đang lưu hành là ra giá trị của một cổ phiếu, rồi so sánh nó với giá cổ phiếu, nếu thấp hơn thì có thể mua vào. Tôi có đọc một số phân tích thì đôi khi họ lấy trung bình cộng của định giá FCFF và FCFE.

Định giá theo phương pháp FCFF (Chiết khấu dòng tiền thuần)

Dòng tiền thuần của doanh nghiệp FCFF là tổng dòng tiền thu nhập của tất cả các đối tượng có quyền lợi trong doanh nghiệp (gồm: Chủ nợ và Chủ sở hữu (cổ đông)).

Dòng tiền thuần FCFF phản ánh dòng tiền sau thuế từ hoạt động kinh doanh được phân phối cho cả chủ nợ và chủ sở hữu doanh nghiệp (không tính đến cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp).

Cách xác định Dòng tiền thuần của doanh nghiệp

Cách 1: Cộng các dòng tiền thu nhập của chủ nợ và chủ sở hữu doanh nghiệp:

  • FCFF = Dòng tiền thuần VCSH + Chi phí lãi vay * (1 – Thuế suất thuế TNDN) + Thanh toán nợ gốc – Vay nợ mới + Cổ tức ưu đãi

 Cách 2: Sử dụng chỉ tiêu EBIT:

  • FCFF = EBIT x (1 – Thuế suất thuế TNDN) – Chi đầu tư mới vào TSCĐ + Khấu hao – Thay đổi vốn lưu động

Trong đó: Thay đổi vốn điều lệ thường được xác định bằng chênh lệch vốn điều lệ cuối kỳ so với vốn lưu động đầu kỳ.

Khi đó, Giá trị doanh nghiệp được tính bằng cách chiết khấu dòng tiền thuần (FCFF) theo chi phí sử dụng vốn bình quân của doanh nghiệp. Công thức tổng quát như sau:

Vo = Σ(t=1 ~ n) FCFF(t) / (1+WACC)^t

Nó hơi lằng nhằng nhưng tương tự như phương pháp DCF ý.

Trong đó:

  • V: Giá trị doanh nghiệp (bao gồm giá trị của chủ nợ và chủ sở hữu)
  • FCFF(t): Dòng tiền thuần của doanh nghiệp năm t
  • WACC: Chi phí sử dụng vốn bình quân của doanh nghiệp

Sau khi xác định được Giá trị của doanh nghiệp (Vo), ta xác định Giá trị doanh nghiệp thuộc VCSH như sau:

VE = Vo – VD

Trong đó:

  • VD: Giá trị các khoản nợ phải trả (chủ nợ)

Như vậy, giá cổ phiếu được định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền thuần (FCFF) được tính như sau:

P = VE / (Số lượng cổ phiếu thường đang lưu hành)

Nói chung thì vấn đề chính là phải dự đoán được FCFF vào năm thứ t, một điều vô cùng khó, ấy vậy mà các chuyên gia tư lợi và đáng kính của chúng ta vẫn dự đoán ầm ầm. À, thì họ có mất tiền đâu! Nhưng chúng ta cũng có thể nhìn dòng tiền FCFF vào các năm và nội suy ra các năm sau, tất nhiên đây chỉ là phong cách đoán mò kiểu "thầy bói xem voi".

Cách xác định Dòng tiền thuần vốn chủ sở hữu FCFE

Cách 1: FCFE = (EBIT – Lãi vay) * (1 – Thuế suất thuế TNDN) – Chi đầu tư mới vào TSCĐ + Khấu hao – Thay đổi vốn lưu động + (Vay nợ mới – Trả nợ gốc cũ)

Cách 2: FCFE = Lợi nhuận ròng (NI) – Chi đầu tư mới vào TSCĐ + Khấu hao – Thay đổi vốn lưu động + (Vay nợ mới – Trả nợ gốc cũ)

Khi đó, Giá trị doanh nghiệp cho chủ sở hữu được tính bằng cách chiết khấu dòng tiền thuần vốn chủ sở hữu (FCFE) theo chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Công thức tổng quát như sau:

VE = Σ(t=1 ~ n) FCFE(t) / (1+rE)^t

Trong đó:

  • V: Giá trị doanh nghiệp thuộc vốn chủ sở hữu
  • FCFE(t): Dòng tiền thuần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp năm t
  • rE: Chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp

Giá cổ phiếu được định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền thuần vốn chủ sở hữu (FCFF) được tính như sau:

P = VE / (Số lượng cổ phiếu thường đang lưu hành)

Nói chung thì cốt lõi vẫn là tính được FCFE ở năm thứ t, dựa vào phương pháp đoán mò kiểu thầy bói xem voi. Bạn phải theo dõi FCFE các năm trong quá khứ rồi nội suy nó ra giá trị trong tương lai, đúng kiểu phải ăn không ngồi rồi chỉ ngồi phân tích doanh nghiệp, mà trong đa số trường hợp thường là sai. Nhưng để đầu tư thì vẫn phải dùng con số và tính ra được giá mục tiêu, không lại ăn cám toàn tập.

Đến đây thì chúng ta đã học sơ sơ các phương pháp định giá rồi. Hi vọng là không ai bị hôn mê.

Tài liệu tham khảo: https://govalue.vn/fcff-pe/

>>Cách tính biên độ an toàn (MOS) để mua cổ phiếu theo phương pháp 4M

Định giá cà pháo phần 6: Định giá doanh nghiệp trong khủng hoảng NWC

Trong khủng hoảng thì các doanh nghiệp thường bị định giá thấp hơn giá trị, nhưng nếu nó phá sản luôn thì sao? Khoản đầu tư có thể mất trắng.

NWC là một phương pháp định giá doanh nghiệp trong khủng hoảng, tức là nếu nó phá sản ngay và thanh lý tài sản thì mua với giá cà hiện tại bạn có lời không, và lời bao nhiêu. Thường thì phương pháp này chỉ có thể áp dụng trong khủng hoảng vì trong lúc bình thường thì giá trị doanh nghiệp khó mà giảm sâu như vậy.

Phương pháp này có tên gọi là Net-Net hay còn gọi là Cigar butt. Luận điểm đầu tư ở đây là có một số doanh nghiệp xấu hay gặp phải vấn đề nào đó và thị trường đã đẩy giá cổ phiếu xuống thấp đến mức mà nếu tiến hành đóng cửa doanh nghiệp, thanh lý tài sản, thanh toán hết nợ và thực hiện hết các nghĩa vụ nợ thì giá trị còn lại vẫn cao hơn đáng kể so với vốn hóa thị trường. Phương pháp Net-Net có hai cách thực hiện:    

1. Netcash (NC): Giá trị DN = Tiền và tương đương tiền + Đầu tư tài chính ngắn hạn (Nếu nó là các khoản tiền gửi) - Tổng nợ

2. Net working capital (NWC): Giá trị DN = Tài sản ngắn hạn - Tổng nợ

Tài sản ngắn hạn gồm:

- Tiền và tương đương tiền: Phần này giữ nguyên 100% giá trị

- Đầu tư tài chính ngắn hạn: Nếu là tiền gửi thì giữ nguyên giá trị. Nếu là chứng khoán kinh doanh thì phải xem danh mục gồm những cổ phiếu nào, biến động giá, đã trích lập dự phòng chưa... để đánh giá lại giá trị danh mục.   

- Phải thu ngắn hạn: Xem xét lịch sử phát sinh nợ xấu của DN. Các khoản này phải thu của những khách hàng nào? Uy tín, năng lực của họ ra sao? Để xem mức độ khoản phải thu có lớn không tôi thường lấy (Khoản phải thu/Doanh thu)x365, con số này cho bạn hình dung khoản phải thu có lớn không, DN cần bao lâu để thu hồi khoản phải thu. Khoản phải thu khó đánh giá mức độ thu hồi nên nhỏ là tốt. Về nguyên tắc chung, Ben Graham đề xuất mức chiết khấu 20% cho khoản phải thu. Một số nhà đầu tư giá trị hiện nay trên thế giới sử dụng mức chiết khấu 30%.

- Hàng tồn kho: Tùy thuộc đặc tính hàng tồn kho, chất lượng hàng tồn kho mà áp dụng tỷ lệ chiết khấu phù hợp. Nhưng do tính phức tạp, khó đánh giá nên tồn kho ít là tốt hơn và nên áp dụng một tỷ lệ chiết khấu cao. Để đánh giá mức độ hàng tồn kho tôi thường lấy giá vốn hàng bán/hàng tồn kho để có hình dung chung về quy mô tồn kho. Về tỷ lệ chiết khấu, Ben Graham đưa ra nguyên tắc chung là chiết khấu 33% với hàng tồn kho. Một số nhà đầu tư giá trị trên thế giới sử dụng mức chiết khấu 50%.

Như vậy, có thể thấy phương pháp NC là an toàn hơn so với NWC vì nó đã loại hoàn toàn biến thiếu chắc chắn là đầu tư tài chính, khoản phải thu và hàng tồn kho.

Sau khi xác định được giá trị DN chia nó cho số cổ phiếu sẽ ra giá trị mỗi cổ phiếu. So sánh nó với giá giao dịch trên thị trường, khoảng chênh lệch thấp hơn giữa giá giao dịch và giá trị càng lớn thì biên an toàn và lợi nhuận tiềm năng càng cao.

Nguồn: http://www.valueway.vn/cac-phuong-phap-dinh-gia-doanh-nghiep-9.html 

>>Phần 7: Phương pháp dòng tiền FCFF và FCFE

Định giá cà pháo phần 5: Phương pháp giá trị tài sản ròng (RNAV) và Phương pháp SOTP (SOP)

Các doanh nghiệp bất động sản thường có dòng tiền không ổn định, thất thường, ví dụ lúc dự án ra và bán thì dòng tiền rất lớn, P/E rất nhỏ, nhưng lúc không có dự án thì không có thu nhập. Do đó, đánh giá bằng phương pháp P/E hay phương pháp dòng tiền (chiết khấu) thì thường không chính xác.

Giá trị lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản là QUỸ ĐẤT. Do đó, chúng ta phải đánh giá giá trị của doanh nghiệp thông qua quỹ đất của nó. Mà đất thì cũng không có bảng giá, chỉ là so sánh tương đối với các lô đất xung quanh, nên chúng ta thường đánh giá lại định kỳ (revaluate).

Phương pháp tính giá trị doanh nghiệp dựa trên giá trị tài sản ròng kiểu này gọi là phương pháp RNAV.

RNAV = Revalued Net Asset Value.

Các bước để tiến hành định giá theo RNAV

Bước 1: Liệt kê các tài sản có giá trị cao của doanh nghiệp phát triển bất động sản như khu đất, dự án của doanh nghiệp.

Bước 2: Xác định giá thị trường của tài sản bằng cách tham khảo, so sánh các khu đất, các dự án tương đương.

Bước 3: Tính tổng tất cả các tài sản của doanh nghiệp theo giá thị trường sau đó trừ đi toàn bộ nợ của doanh nghiệp hay nó bằng với vốn chủ sở hữu + phần chênh do đánh giá lại tài sản.

Bước 4: So sánh vốn hóa của doanh nghiệp với giá trị tài sản ròng của doanh nghiệp (tương đương với so sánh thị giá cổ phiếu với RNAV của mỗi cổ phiếu).

Bước 5: Đánh giá, tùy mức thanh khoản, khả năng sớm chuyển đổi tài sản thành tiền của tài sản cũng như sự chắc chắn của tài sản để có mức chiết khấu hợp lý. Thông thường RNAV gấp 2 lần giá trị thị trường thì cổ phiếu đó hấp dẫn.

Phương pháp SOTP hay SOP

SOTP (SOP) = Sum Of The Parts Valuation = Phương pháp định giá Tổng các giá trị thành phần

Thường áp dụng cho doanh nghiệp đa ngành nghề và mỗi ngành nghề được tính theo phương pháp khác nhau, rồi cộng lại thành tổng. Ví dụ bạn tính mảng A bằng phương pháp so sánh tương đối, rồi tính mảng B bằng phương pháp DCF, và cộng các mảng lại với nhau.

>>Phần 6: Định giá doanh nghiệp trong khủng hoảng

Định giá cà pháo phần 4: Phương pháp định giá bằng thu nhập thặng dư (Residual Income)

Phương pháp định giá bằng thu nhập thặng dư (Residual Income) thì cũng tương tự như phương pháp DCF nhưng phản ánh chi phí vốn chủ sở hữu.

Bởi vì lợi nhuận trên sổ sách kế toán chỉ mới bao gồm chi phí nợ (ví dụ: chi phí lãi vay), nhưng chưa phản ánh chi phí vốn chủ sở hữu. Do đó, dưới góc nhìn của cổ đông, lợi nhuận sổ sách đã bị đội lên. Thu nhập thặng dư (residual income) là khoản chênh lệch giữa lợi nhuận trên sổ sách của doanh nghiệp và mức lợi tức yêu cầu của nhà đầu tư.

Ví dụ, nhà đầu tư yêu cầu lợi tức là k đối với vốn chủ sở hữu. Như vậy, ở năm thứ t (kỳ thứ t), lợi nhuận sinh ra trong năm là EPS(t+1) (tính cho năm t+1), giá trị sổ sách công ty kỳ trước đó là BV(t-1), yêu cầu sinh lợi là k * BV(t-1), nên giá trị thặng dư kỳ t là:

RI(t) = EPS(t+1) - k * BV(t-1)

Tức là so với lợi nhuận trên sổ sách EPS(t+1) thì giảm đi phần đòi hỏi vốn chủ phải sinh lời với tỷ lệ k.

Giá trị doanh nghiệp được xác định giá bằng giá trị vốn chủ sở hữu (giá trị sổ sách – book value) năm hiện tại cộng với tổng các thu nhập thặng dư.

Nhưng giá trị thặng dư của các năm về sau trong tương lai cũng phải chiết khấu đi vì chỉ là đếm của trong lỗ, nên giá cà tính theo phương pháp này như sau:

Giá cà = BV(0) + Σ(t=1 ~ n) RI(t) / (1+k)^t

Trong đó, BV(0) là giá trị sổ sách của năm đầu tiên.

Ưu điểm của phương pháp này là áp dụng được ngay cả khi FCFE, FCFF âm, và giá trị sổ sách rất ít khi âm nên thường là luôn xác định được. Ngoài ra, phương pháp này đã bao gồm giá trị sổ sách hiện tại (đã biết và không cần dự đoán), và giá trị này thường đã phản ánh phần lớn giá trị nội tại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhược điểm là nó phụ thuộc nhiều vào chất lượng báo cáo tài chính cũng như các chính sách kế toán của doanh nghiệp.

Tóm lại thì chúng ta vẫn phải dự báo được tăng trưởng lợi nhuận, ví dụ EPS trong 5 ~ 10 năm tới, rồi tính ra giá trị thặng dư cho từng năm, từ đó tính ra giá cà mà chúng ta sẽ mua, ví dụ sau 10 năm sẽ hoàn lại vốn cho chúng ta.

Ví dụ thế này, một doanh nghiệp có EPS tăng trưởng trung bình 10% trong 5 năm qua, và trong 5 năm tới có vẻ không ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế vĩ mô, thì chúng ta giả định là 5 năm tới nó cũng tăng trưởng 10% chẳng hạn. Từ đó mà dự phóng ra EPS tương lai (hoàn toàn là đoán mò theo kiểu thầy bói xem voi!) và tính RI cho 5 năm tới. Sau khi cộng lại, chúng ta sẽ có giá cà mục tiêu dựa trên phương pháp định giá bằng thu nhập thặng dư 5 năm.

Còn bạn thích tính cho 10 năm thì thoải mái, nhưng sẽ ít chính xác hơn vì dự đoán EPS cho cả 10 năm không phải việc dễ, vì kinh tế vĩ mô có thể thay đổi khá nhiều.

Đây chỉ là một chút học tập để cho biết về khái niệm hàn lâm, chứ đầu óc cũng hơi lơ mơ rồi.

Mark

>>Phần 5: Phương pháp giá trị tài sản ròng (RNAV) và Phương pháp SOTP (SOP)

Phương pháp định giá cà pháo (phần 3) - EV/EBITDA

Chào các bạn!

Trong phần 2 thì tôi đã chuyết về phương pháp dòng tiền chiết khấu cũng hơi hơi phức tạp, trong bài này thì sẽ nói về định giá cà pháo bằng phương pháp EV/EBITDA mục tiêu, thực chất cũng chỉ là phương pháp so sánh tương đối như trong phần 1.

Tôi ví dụ, doanh nghiệp X trong ngành Y hiện có chỉ số EV/EBITDA = 8, còn trung bình ngành Y là EV/EBITDA = 10. Như vậy, tiềm năng của doanh nghiệp X là có thể tăng lên tới thành 10, từ đó tính ra EBITDA mới tăng thành 10/8 = 1.25 tức tăng 25%. EBITDA là lợi nhuận trước thuế + lãi vay + khấu hao. Giả sử doanh nghiệp không có lãi vay, cũng không có khấu hao, thì lợi nhuận trước thuế và do đó lợi nhuận sau thuế chúng ta kỳ vọng tăng 25%, từ đó kỳ vọng giá cà sẽ tăng 25%.

EV/EBITDA: Chỉ tiêu này cho biết với một đồng Lợi nhuận hoạt động trước lãi vay, khấu hao và thuế mà doanh nghiệp tạo ra, nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra bao nhiêu đồng cho Giá trị của doanh nghiệp. Tỷ lệ này nếu < 8 lần thường được xem là hấp dẫn để đầu tư. Nếu chất lượng doanh nghiệp tốt (ví dụ doanh nghiệp có sản phẩm tốt, thị phần dẫn đầu ngành, ban lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, quản trị tốt ...) thì có thể chấp nhận mức EV/EBITDA cao hơn mức trung bình ngành. (TCBS)

Đương nhiên là EV/EBITDA càng thấp càng tốt. Một số người còn tính EV/EBIT.

Công thức: EV/EBITDA

Trong đó:

  • EV  = Vốn hóa thị trường + Tổng nợ - Tiền mặt
  • EBITDA = Lợi nhuận trước thuế + Lãi vay + Khấu hao

Giải thích:

  • EV viết tắt của  Enterprice Value: là giá trị doanh nghiệp
  • EBITDA là viết tắt của Earnings Before Interest, Tax, Depreciation and Amortization, hay Lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao.
  • Vốn hóa thị trường = Số lượng cổ phiếu lưu hành bình quân x Giá cổ phiếu tại thời điểm tính toán
  • Tổng nợ = Nợ ngắn hạn + Nợ dài hạn
  • Lợi nhuận trước thuế = Lợi nhuận sau thuế + Thuế thu nhập doanh nghiệp
  • Depreciation: Các khoản khấu hao của tài sản hữu hình ( nhà xưởng, máy móc, thiết bị vv)
  • Amortization: Khấu hao của tài sản vô hình (thương hiệu, quyền sử dụng đất có thời hạn, bằng sáng chế vv)
EV/EBITDA càng thấp nghĩa là giá trị (vốn hóa) của doanh nghiệp đang bị định giá thấp so với khả năng tạo ra lợi nhuận của nó, nghĩa là nên MUA VÀO. Còn khi nó quá cao nghĩa là giá trị doanh nghiệp đang bị định giá quá cao, nên bán ra.

Để sử dụng phương pháp EV/EBITDA mục tiêu thì chúng ta cần tập hợp các doanh nghiệp có quy mô gần nhau trong cùng một ngành, tính chỉ số EV/EBITDA cho từng doanh nghiệp và trung bình ngành, theo từng năm. EV/EBITDA mục tiêu thường là trung bình ngành hoặc trung bình của các doanh nghiệp có quy mô tương tự trong ngành, từ đó đặt ra EV/EBITDA mục tiêu là giá trị trung bình đó, rồi tính ngược lại ra giá cà mục tiêu.

Phương pháp định giá cà pháo (phần 2) - DCF (dòng tiền chiết khấu)

Chào các bạn!

Hôm trước các bạn đã học các phương pháp định giá doanh nghiệp và cà pháo đơn giản rồi, hôm nay mới thật sự là hôn mê vì tôi sẽ nói về phương pháp DCF, mà tôi cũng mới học vài tiếng trước. Quan trọng là học tập cho có kiến thức căn bản, tránh bị chuyên gia dẫn dắt vào hiểm địa của họ. Phương pháp DCF là "Discounted Cash Flow", hay còn gọi là phương pháp dòng tiền chiết khấu, và cũng có một số người dịch sai thành chiết khấu dòng tiền (nếu là chiết khấu dòng tiền thì phải là discounting cash flow).

Dịch đúng ra thì là "dòng tiền được chiết khấu". Nghe có vẻ rất hôn mê, nếu không thể giải thích một cách dễ hiểu thì tôi sợ sẽ hỏng hết đại cục đầu tư đi lên CNXH của chúng ta mất. Người hôn mê thì có thể làm được gì cơ chứ.

Trước hết, dòng tiền (cashflow) là dòng lợi nhuận mà doanh nghiệp tạo ra mỗi năm, có thể thay đổi theo thời gian. Ví dụ năm nay tạo ra dòng tiền CF0 (năm đầu tiên), một năm sau nó tạo ra CF1, 2 năm sau nó tạo ra dòng tiền CF2, ...

Chúng ta nhớ lại chỉ số P/E, là Giá cổ phiếu / Lợi nhuận trên 1 cổ (EPS), tức là chúng ta giả định rằng EPS năm nào cũng như nhau, thì P/E là số năm hoàn vốn, thường lấy mục tiêu P/E = 10 năm, tức là sau 10 năm chúng ta có số tiền mặt như ban đầu, đồng thời vẫn nắm được cà pháo ấy. Nhưng EPS thay đổi theo từng năm, nên chúng ta lấy trung bình một số năm trước đây chẳng hạn, hoặc dự báo về sự thay đổi của EPS, từ đó dự đoán P/E tương lai.

Nói tóm lại thì vẫn là xoay quanh số năm hoàn vốn (pay back time) mà thôi.

Tuy nhiên, phương pháp DCF thì sâu xa hơn một chút. Trước hết, hãy lấy ví dụ thế này. Nếu cho bạn 100 USD nhận ngay bây giờ và 100 USD một năm sau bạn mới nhận, thì bạn chọn phương án nào? Tôi dám cá rằng, bạn sẽ nhận ngay, và cất vào trong tủ, cho dù 1 năm tới bạn không dùng nó. Vì sao? Vì tiền phải cầm trong tay mới chắc là của mình được. 1 năm sau biết bao nhiêu thứ có thể xảy ra.

Như vậy, giá trị của 100 USD nhận vào 1 năm sau < giá trị của 100 USD nhận ngay lúc này.

Nhưng nếu giữa nhận 100 ngay lúc này và 110 vào năm sau thì sao? Giả sử bạn có thể đầu tư sinh lời 15%/năm, bạn nhận ngay để sinh lời thành 115, nhưng nếu bạn chỉ có thể gửi tiết kiệm được 5% thì nếu nhận ngay bạn chỉ có 105, do đó bạn có thể đợi 1 năm để nhận 110.

Tuesday, April 13, 2021

Phương pháp định giá cà pháo (phần 1) - So sánh tương đối P/E, P/B, PEG

Chào các bạn!

Các bạn vẫn đang hạnh phúc về tiền bạc và không bị bần cùng hóa đấy chứ? Lần này, tôi sẽ giới thiệu sơ lược các phương pháp để định giá cổ phiếu để có thể đầu tư thành công. Gọi theo thuật ngữ chuyên môn là "cà pháo" hay "cà" là để tránh xa rời mục tiêu đi lên CNXH khoa học cà pháo của chúng ta, nơi mọi người đều ăn cà pháo với cơm, không còn phải lo lắng về tiền bạc nữa vì một quả cà bằng mười thang thuốc bổ.

Đầu tư cà thì không quan trọng vốn lớn hay bé, quan trọng là hiệu quả đầu tư, tức là với 100 đồng vốn thì sinh lời bao nhiêu % một năm. Đây là sân chơi bình đẳng, kể cả bạn muốn đánh bạc để giải trí một tí thì thị trường chứng khoán cũng là một kênh tuyệt vời để làm điều này.

Trong bài trước tôi đã giới thiệu phương pháp lời từ khi mua tức là mua với biên an toàn (Margin of Safety) rồi. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể áp dụng phương pháp này. Tuy vậy, phương pháp này giúp chúng ta tìm được doanh nghiệp 4M, tức là doanh nghiệp tuyệt vời để đầu tư. Nhưng nhiều chỉ số quá thì cũng nhức đầu, hơn nữa, quan trọng không phải là doanh nghiệp có tốt hay không, vì đương nhiên chúng ta chỉ đầu tư vào doanh nghiệp tốt, mà là giá cà pháo có hợp lý để chúng ta mua vào, để đảm bảo là lời từ khi mua hay không. Nếu chỉ là đánh bạc thì không cần quan tâm tới doanh nghiệp có tốt hay không, mà là có sóng hay không, và có thông tin sốt dẻo hay không, nhưng nguyên tắc của chúng ta ngay từ đầu là KHÔNG ĐÁNH BẠC kia mà! Đôi khi, con người quên đi chính đạo và lầm được lạc lối, rồi cuối cùng tự hỏi mình đang ở đâu, sao lại ra nông nỗi này. Mặc dù nhìn thì bên ngoài có vẻ giống nhau nhưng bên trong thì làm sao giống nhau được. Nếu bạn đầu tư đúng cách, bạn sẽ có cảm giác thư thái và sảng khoái, và hạnh phúc thay vì lúc nào cũng ăn không ngon, ngủ không yên.

Như vậy, định giá đúng giá trị thực của một cổ phiếu là quan trọng nhất. Nhưng đây là là việc khó nhất, bởi vì rất ít người thực sự muốn ngồi tính toán ra giá trị, mà họ chỉ muốn thông tin sốt dẻo để "vào đúng thời điểm" nhằm kiếm tiền làm giàu nhanh. Giá cổ phiếu và giá trị thực của doanh nghiệp không phải lúc nào cũng song hành với nhau và dù bạn mua được giá hời thì tỉ lệ lợi nhuận của bạn cũng không cao bằng các cổ phiếu cờ bạc được. Điều khác nhau chính là SỰ ỔN ĐỊNH, bạn có thể sinh lời ổn định 15 ~ 20%/năm, và quên việc mua nhà đi, cũng như không cần phải trả nợ vay mua nhà nữa.

Phương pháp P/E

Wednesday, April 7, 2021

Margin of Safety

Chào các bạn!

Phải học đầu tư một tí. Phương pháp của tôi là không có phương pháp, cái gì cần thì học. Đợi chút, chẳng phải chúng ta nên học bài bản, mua hẳn giáo trình kinh tế 500 trang, đọc như đọc kinh mỗi ngày để có một kiến thức uyên bác, rồi từ đó mới đi đầu tư hay sao? Hồi còn trẻ tôi định làm thế, sau đó tôi bị hôn mê ngay từ trang đầu. Tôi chỉ học được duy nhất một điều: Con người là sinh vật kinh tế. Nếu đọc thêm thì tôi sẽ bị tẩu hỏa nhập ma nhất. Ngoài ra, nếu học hàn lâm quá nhiều thì chúng ta lại thường lạc lối và trở nên hâm dở. Học bài bản và đầu tư thành công không mấy liên quan đến nhau, thà đánh bạc xác suất thành công còn cao hơn là học cả giáo trình kinh tế.

Cách học tốt nhất là học cái chúng ta cần, chứ không phải học theo giáo trình hay sách giáo khoa. Như học tiếng Nhật vậy, vì sao tôi đã thoát khỏi tình trạng yếu kém nhất lớp, để vươn lên thành người có điểm số cao nhất? Vì tôi học thứ mà tôi cần và cho là quan trọng, đó là tôi nhai hết tất tần tật kanji và ngữ pháp trước khi cả học kỳ bắt đầu. Trong suốt cả học kỳ, tôi còn chẳng buồn làm bài tập! Thời gian chủ yếu là để tập gym, chạy bộ, đi chợ, nấu ăn, và tra kim từ điển để học từ vựng cho vui vẻ.

Học đầu tư và học tiếng Nhật không khác nhau là mấy. Ngay từ đầu có lẽ nên đăng ký ngay một account để đầu tư và thực hành ngay, chứ học lý thuyết làm gì. Tôi chỉ đầu tư theo CẢM GIÁC và trực giác, mà về sau tôi phát hiện ra là đấy cũng là một dạng diệt vong. Nếu chỉ đầu tư theo cảm giác và trực giác, xác suất không thành công tương đối cao, vì nó không phải là QUY LUẬT CỦA THỊ TRƯỜNG. Nhưng quan trọng chính là sử dụng thành thạo hệ thống để đặt lệnh và nhìn xem giá cả cổ phiếu biến động như thế nào. Dù sao thì tôi cũng có học lỏm cách phân tích đồ thị các kiểu, cũng không phải là vô bổ. Nhưng cuối cùng chúng ta phải học gì để thành công?

ĐỊNH GIÁ DOANH NGHIỆP VÀ ĐỊNH GIÁ CỔ PHIẾU.

Để mua được giá rẻ. Quan trọng nhất chính là lời từ khi mua, rồi sau đó cứ giữ dịt lấy nó, đừng bao giờ buông nó ra nữa.

Làm gì cũng luôn như vậy, đúng không? Kể cả bạn mua bất động sản, nếu bạn không lời từ khi mua thì rất có thể, bạn ôm một cục nợ, bán chẳng bán được, bán lỗ cũng phải năn nỉ người mua. Mà lạ cái là, bạn mà đã mua cao bán thấp thì lúc nào cũng phập phồng lo sợ người mua không chịu mua, và người mua lại làm giá đủ kiểu. Còn nếu bạn LỜI TỪ KHI MUA, thì người phải năn nỉ bạn bán, chính là người mua. Vì bạn chảnh và ở vị thế cao vãi.

Với lại, nếu bạn không thể lời từ khi mua thì thường bạn sẽ ... lỗ từ khi mua kia mà! Con người là sinh vật kinh tế và thứ làm con người kinh tởm nhất trên đời chính là bị mất tiền. Ai chẳng là nô lệ của tiền bạc!

Học ngoại ngữ thì sao nhỉ? Nếu chúng ta không học giỏi ngay từ đầu thì có lẽ, chúng ta sẽ là những kẻ bơi giữa một dòng nước xoáy không biết ngày nào vào bờ. Tôi học là phải cân, đo, đong, đếm được thì mới học. Đó là học hết kanji, ngữ pháp, nắm rõ như trong lòng bàn tay nhắc tới là bật ra ngay, học từ vựng mỗi ngày cũng vậy. Chứ không phải trình độ chung chung kiểu học hết quyển A, cuốn B, trình độ sơ cấp hay siêu sơ đẳng, học hết giáo trình cho học sinh chậm tiến vv.

Phải lời ngay từ đầu, chứ không khó mà có động lực được. À, nhớ lại vụ cá cảnh. Nếu bạn bỏ mồi câu cá, phải chén được ngay, ngay từ đầu cho tôi nhé. Nếu không thì rút êm đi. Bạn sẽ chẳng thể nào mà gồng lỗ nổi đâu, vì vị thế thấp quá.

Margin of Safety

Tuesday, April 6, 2021

Thoát khỏi sự mệt mỏi mãn tính

Chào mọi người!

Mệt mỏi mãn tính (Chronic fatigue syndrome = CFS) làm mọi ước mơ và lý tưởng của chúng ta tan vỡ. Đó là sự mệt mỏi như thể mới bước ra từ địa ngục, dù ngủ rất dài (dù là không sâu) và vẫn ăn uống đầy đủ. Cảm thác như thiếu một VI CHẤT nào đó, để làm mọi thứ tốt lên. Cho dù không làm gì nhưng người lúc nào cũng cứ mệt lả đi, y như một người già vậy. À, người già cũng không mệt mỏi đến thế. Đây có thể là do bị burnt out (kiệt quệ) do đã cố gắng quá sức trước đó.

Nhưng nếu có rất nhiều mục tiêu lớn cần thực hiện thì sao? Mục tiêu nào cũng cần công sức, năng lượng rất lớn. Chúng ta không đơn giản là làm từng việc một, điều này chỉ đúng nếu đó là việc nhỏ. Những việc lớn mà không làm đồng thời được thì sẽ không bao giờ xong, có lẽ nên từ bỏ ngay từ đầu. Nhưng như thế thì sẽ không còn lý tưởng trong cuộc sống nữa. Do đó, chúng ta luôn phải căng sức trên nhiều mặt trận cùng lúc. Và một ngày sự mệt mỏi mãn tính xuất hiện. Có gì đó không ổn, rất không ổn, mặc dù thân thể vẫn "khỏe mạnh". Tôi thì tất nhiên là đời nào đi khám tổng quát, vì chắc chắn là không ra bệnh rồi. Nhưng nếu bạn chịu đi khám tổng quát thì cũng có thể được kê rất nhiều thuốc dinh dưỡng, biết đâu là tìm được thứ gì giúp cải thiện tình hình, với một cái giá cắt cổ.

Một khi bệnh viện và bác sỹ cắt cổ bạn, bạn sẽ LUÔN BIẾT ƠN vì điều đó, kiểu như con cái nha giáo luôn biết ơn khi cha mẹ đặt vòng kim cô chữ hiếu lên đầu vậy. Vì nếu không chắc sẽ sa ngã và tự hủy hoại bản thân vì những trò ngu dại mất?? Nhưng nếu không có vòng kim cô chữ hiếu, con người có thể HỌC TẬP để thành tài, và vui chơi mà không hậu quả kia mà? Vì bác sỹ kê cho bạn những liều thuốc bổ giá siêu cắt cổ làm bạn cảm thấy sức khỏe cải thiện, cuối cùng bạn biết ơn bác sỹ, tôn lên làm THẦN Y, vì cứu rỗi cuộc đời của bạn.

Sai rồi, sai lắm rồi! Bác sỹ kê cho bạn thuốc đắt nhất có thể để trục lợi cho ngành công nghiệp y tế. Chứng mệt mỏi mãn tính có thể khỏi, miễn là bạn nghỉ ngơi đủ lâu, có thể 2 - 3 năm. Và không hề có bất kỳ một phác đồ điều trị hay liệu trình nào cho việc này. Cũng như nếu bạn sốt siêu vi vào bệnh viện họ cũng chỉ làm mát và truyền nước biển thôi, chứ chẳng có thuốc nào diệt được virus cả. Những việc này bạn hoàn toàn có thể làm ở nhà.

Nhưng tôi không thế đợi 2 - 3 năm được, vì còn biết bao nhiêu việc phải làm. Dù sao thì tôi cũng THAY ĐỔI LỐI SỐNG sang một lối sống hợp lý hơn, tối giản hóa công việc. Ví dụ dọn nhà, giặt giũ thì tôi tối thiểu hóa những việc này, do đó, thường ngày thì tôi dọn dẹp tối giản đồ đạc để đỡ phải dọn. Nhưng mà tình cờ tôi tìm ra thần dược, có lẽ là nhờ một thoáng chốc đã được sống trong CẢNH GIỚI CỦA TRÍ TUỆ SIÊU VIỆT, hoàn toàn giống như là cải lão hoàn đồng vậy. Nhưng liệu có thể phát triển thành một phương pháp chung, để tất cả có thể thoát khỏi sự mệt mỏi mãn tính hay không? Liệu rằng, chúng ta có thể thật sự bước chân vào cảnh giới của trí tuệ siêu việt hay không?

Phương pháp thoát khỏi sự mệt mỏi mãn tính

Việc đặt tên nó là "Chronic fatigue syndrome = CFS" không giúp ích gì, bởi lẽ, chẳng có phác đồ hay liệu trình gì cụ thể mà hoàn toàn là "case by case" (tùy theo từ trường hợp), nhưng nó giúp ích cho chúng ta thấy rằng, đây là một triệu chứng có thật và cũng tương đối phổ biến.

Thursday, April 1, 2021

Đánh bạc trên thị trường

Thị trường chứng khoán là một sòng bạc khổng lồ và sẽ luôn như thế. Có lẽ 90% chỉ lên để đánh bạc. Phần lớn không phải người đầu tư chân chính. Vậy làm thế nào để không bị cuốn theo dòng xoáy này và liệu đánh bạc có tốt không, khi cả cuộc đời cũng chỉ là một sòng bạc khổng lồ khác?

Đánh bạc chắc chắn là không tốt, vì về lâu dài sẽ không hạnh phúc mấy. Không ai có thể ôm bảng điện mua mua bán bán mà hạnh phúc được. Nó ảnh hưởng tới tinh thần, thể lực, khả năng cảm nhận niềm vui và phúc trong cuộc sống. Nhưng vì sao người ta lại nghiện đánh bạc tới vậy?

Vì cờ bạc là thứ gây nghiện. Nếu bạn đánh và thắng lớn, bạn muốn đánh mãi, nếu bạn thua lớn, bạn quyết tâm gỡ. Nó cũng như nghiện thuốc lá, rất khó bỏ. Trong cuộc sống, người nghiện cờ bạc rất nhiều và họ chỉ hết nghiện khi hết sạch tiền.

Trong bài này, chúng ta nên nhận diện những kẻ đánh bạc trên thị trường chứng khoán, nhìn vào tấm gương tày liếp đấy mà tránh ra.

初心を忘れるべからず Shoshin wo wasureru bekarazu

"Đừng bao giờ quên mục đích ban đầu". Ban đầu chúng ta chỉ muốn mua một tài sản để chống lạm phát mà thôi. Sẽ thật tuyệt nếu mua được thứ gì đó mà lợi tức lớn hơn tiền lãi gửi tiết kiệm, mà tài sản vẫn tăng giá theo thời gian (có tác dụng chống lạm phát). Nếu mua được cổ phiếu của doanh nghiệp ăn nên làm ra, giá cổ phiếu còn tăng cao hơn cả thị trường và chúng ta thật sự kiếm được nhiều tiền. Nhưng đấy là nếu không tham mà "chốt lời" hay không sợ hãi bán tháo khi thị trường sụp đổ.

Dần dà, chúng ta vào các hội nhóm phím hàng, và được môi giới (broker) phím hết cổ này tới cổ khác, cổ nào cũng ngon và hứa hẹn tăng giá trong ngắn hạn. Quả thực nếu đánh theo hội nhóm, nhất là trong thị trường uptrend (xu hướng tăng), thì kiếm được rất nhiều tiền trong thời gian ngắn. Thế là chúng ta vay thêm tiền của công ty chứng khoán, gọi là đánh margin, để mua nhiều hơn số tiền thực có thể mua, để kiếm lời nhiều hơn. Và chúng ta tuân thủ kỷ luật dưới mức nào đó sẽ cắt lỗ. Một ngày, tiếng gọi "margin call" từ địa ngục vang lên và thị trường sụp đổ, tất cả bị cưỡng ép bán giá sàn và chúng ta mất rất nhiều tiền.

Nhưng đã là cờ bạc thì "thua keo này ta bày keo khác", chúng ta học thêm phân tích đồ thị, phân tích thị trường, tính toán cẩn trọng hơn ....

Chuyện này không bao giờ kết thúc cả. Cuối cùng thành ra như thế này:

"We call it PRECIOUS"

Nỗi ám ảnh việc tiền bạc không bao giờ kết. Nhưng rốt cuộc thì diễn biến tâm lý thế nào mà biến một người bình thường có học vấn, có hiểu biết, trở thành một CON BẠC KHÁT NƯỚC đến vậy?