Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Tuesday, April 13, 2021

Phương pháp định giá cà pháo (phần 1) - So sánh tương đối P/E, P/B, PEG

Chào các bạn!

Các bạn vẫn đang hạnh phúc về tiền bạc và không bị bần cùng hóa đấy chứ? Lần này, tôi sẽ giới thiệu sơ lược các phương pháp để định giá cổ phiếu để có thể đầu tư thành công. Gọi theo thuật ngữ chuyên môn là "cà pháo" hay "cà" là để tránh xa rời mục tiêu đi lên CNXH khoa học cà pháo của chúng ta, nơi mọi người đều ăn cà pháo với cơm, không còn phải lo lắng về tiền bạc nữa vì một quả cà bằng mười thang thuốc bổ.

Đầu tư cà thì không quan trọng vốn lớn hay bé, quan trọng là hiệu quả đầu tư, tức là với 100 đồng vốn thì sinh lời bao nhiêu % một năm. Đây là sân chơi bình đẳng, kể cả bạn muốn đánh bạc để giải trí một tí thì thị trường chứng khoán cũng là một kênh tuyệt vời để làm điều này.

Trong bài trước tôi đã giới thiệu phương pháp lời từ khi mua tức là mua với biên an toàn (Margin of Safety) rồi. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể áp dụng phương pháp này. Tuy vậy, phương pháp này giúp chúng ta tìm được doanh nghiệp 4M, tức là doanh nghiệp tuyệt vời để đầu tư. Nhưng nhiều chỉ số quá thì cũng nhức đầu, hơn nữa, quan trọng không phải là doanh nghiệp có tốt hay không, vì đương nhiên chúng ta chỉ đầu tư vào doanh nghiệp tốt, mà là giá cà pháo có hợp lý để chúng ta mua vào, để đảm bảo là lời từ khi mua hay không. Nếu chỉ là đánh bạc thì không cần quan tâm tới doanh nghiệp có tốt hay không, mà là có sóng hay không, và có thông tin sốt dẻo hay không, nhưng nguyên tắc của chúng ta ngay từ đầu là KHÔNG ĐÁNH BẠC kia mà! Đôi khi, con người quên đi chính đạo và lầm được lạc lối, rồi cuối cùng tự hỏi mình đang ở đâu, sao lại ra nông nỗi này. Mặc dù nhìn thì bên ngoài có vẻ giống nhau nhưng bên trong thì làm sao giống nhau được. Nếu bạn đầu tư đúng cách, bạn sẽ có cảm giác thư thái và sảng khoái, và hạnh phúc thay vì lúc nào cũng ăn không ngon, ngủ không yên.

Như vậy, định giá đúng giá trị thực của một cổ phiếu là quan trọng nhất. Nhưng đây là là việc khó nhất, bởi vì rất ít người thực sự muốn ngồi tính toán ra giá trị, mà họ chỉ muốn thông tin sốt dẻo để "vào đúng thời điểm" nhằm kiếm tiền làm giàu nhanh. Giá cổ phiếu và giá trị thực của doanh nghiệp không phải lúc nào cũng song hành với nhau và dù bạn mua được giá hời thì tỉ lệ lợi nhuận của bạn cũng không cao bằng các cổ phiếu cờ bạc được. Điều khác nhau chính là SỰ ỔN ĐỊNH, bạn có thể sinh lời ổn định 15 ~ 20%/năm, và quên việc mua nhà đi, cũng như không cần phải trả nợ vay mua nhà nữa.

Phương pháp P/E

Đây là phương pháp đơn giản nhất rồi, nói nôm na là số năm hồi vốn (pay back time). Dù đơn giản nhất nhưng thực chất lại là quan trọng nhất! Bởi vì đầu tư thì quan trọng là bao nhiêu năm thu hồi vốn mà.

Tôi ví dụ thế này, nếu bạn mua một căn nhà, cho thuê được 2%/năm, thì bao nhiêu lâu bạn thu hồi vốn? 1 / 2% = 50 năm!

Nếu giá cho thuê là 4% thì là 25 năm. Nhưng mà giá nhà còn tăng theo thời gian!!! Damn it.

Vấn đề không phải là như thế, đấy lại là đầu cơ. Đầu tư chỉ là số năm thu hồi vốn bỏ ra thôi. Ai bảo giá nhà sẽ tăng nhỉ? Đấy là ở một đất nước in tiền vô tội vạ, và đang đô thị hóa, thì giá mới tăng. Ở nông thôn bên Nhật nhà bỏ hoang nhiều, giá rẻ như bèo và giảm theo từng năm, vì không ai ở.

P/E thì P là Price, tức giá thị trường hiện tại của cà pháo, còn E là EPS, là lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (đã trừ đi cổ tức trả cổ đông).

P/E = 10 nghĩa là sau 10 năm sẽ hoàn vốn. Đây thường là giá trị mục tiêu để đầu tư. P/E = 10 là sau 10 năm bạn lấy lại được vốn đầu tư, nếu cổ phiếu vẫn có giá cũ, tức là tài sản tăng 2 lần.

Giả sử tỉ lệ sinh lời 1 năm là i% thì (1 + i/100)^10 = 2, chúng ta tính ra i = 7.2%.

Đợi chút, thế thì chỉ ngang lãi suất gửi ngân hàng thôi mà? Không đúng, đây là chúng ta tính theo giả định là không lạm phát, nếu thêm lạm phát nữa thì tài sản tăng giá theo lạm phát.

Thực ra nhà ở tăng giá cũng là do lạm phát, chứ đâu phải bản thân nó cho thuê được nhiều tiền hơn đúng không? Đây là cái mọi người hay nhầm lẫn giữa giá trị thực của căn nhà tăng, hay đơn giản là do in tiền nhiều dẫn tới lạm phát. Giá trị thực chỉ tăng nếu có đô thị hóa, hoặc bạn thêm giá trị cho căn nhà.

Vậy gửi tiết kiệm thì P/E bằng mấy? Ví dụ lãi suất là 7% thì P/E = 10, sau 10 năm bạn sẽ lấy lại được số vốn, NẾU KHÔNG LẠM PHÁT. Nhưng thực tế mà nói, lãi suất cao là do lạm phát cao, chỉ để lãi suất thực dương, mà lãi suất thực chỉ 1 ~ 3%, nên phải mất 30 ~ 100 năm bạn mới gấp đôi được tài sản, quá chậm để mua nhà.

Mặc dù mua cà pháo có P/E = 10 hay gửi tiết kiệm cũng P/E = 10 nhưng bản chất khác nhau. Khác nhau là cà pháo tốt là một TÀI SẢN, càng in tiền càng tăng giá tương ứng, nên không sợ lạm phát. Còn tiền gửi tiết kiệm thực chất lại là một TIÊU SẢN, càng in tiền càng mất giá, nên lạm phát sẽ bào mòn số tiền tiết kiệm của bạn, làm bạn nghèo đi. Đây cũng là lý do mọi người mua bất động sản đúng không?

Nhưng nếu một doanh nghiệp không tạo ra lợi nhuận ổn định, lãi lỗ theo năm, thì phương pháp này không có tác dụng mấy. Nếu bạn thấy năm nay P/E thấp, bạn mua vào, nhưng năm sau doanh nghiệp lại lỗ, giá cà pháo giảm, thế là bạn sẽ ăn cà đắng. Tài khoản sẽ bị mất tiền và chẳng biết bao giờ tăng trở lại. Có thể lấy trung bình P/E trong một số năm sẽ hạn chế bớt rủi ro này. Hượm đã! Sao lại đi đầu tư vào một doanh nghiệp mà còn chẳng biết năm nay nó có lỗ hay không nhỉ? Tôi tưởng chỉ đầu tư vào doanh nghiệp sinh lời đều đặn và có tăng trưởng mỗi năm chứ?

Phương pháp so sánh P/B

Trong bài Margin of Safety tôi có chép lại tiêu chuẩn về doanh nghiệp tốt, đó là có 5 chỉ số tài chính đều tăng trưởng ít nhất 10%/năm, trong đó quan trọng là ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) có lẽ là quan trọng nhất.

P là Price (giá hiện tại của cà pháo), B là Book Value, là giá trị sổ sách (tức là tài sản công ty trừ đi nợ trừ đi tài sản vô hình), nếu công ty phá sản ngay bây giờ thì giá trị công ty sẽ thanh lý với giá là Book Value.

P/B = 1 nghĩa là giá cà pháo đúng bằng giá trị sổ sách của công ty cho 1 cà, nghĩa là mua xong mà công ty phá sản ngay, bán hết tài sản đi chia chác nhau thì bạn không lỗ, hi vọng thế.

P/B < 1 thường là tốt, bỏ ít tiền mà mua được tài sản nhiều hơn, ngược lại P/B > 1 thì phải xem công ty có giá trị vô hình nào, như thương hiệu, thị trường kinh doanh, hay bí quyết gì đó không.

Nếu một công ty đang thua lỗ nhưng lại ngồi trên một đống tài sản, và bạn định dây máu ăn phần, thì rõ ràng nên xem xét giá trị P/B của nó.

Nhưng cũng phải lưu ý rằng, P/B < 1 thoạt nhìn có vẻ lời khi mua, nhưng thực ra công ty đang có vấn đề về kinh doanh, có thể đang thua lỗ te tua, ngược lại, P/B > 1 thì có thể là công ty đang ăn nên làm ra, nên đây cũng chỉ là tương đối.

Có một phương pháp để định giá cà pháo và doanh nghiệp, gọi là phương pháp P/B mục tiêu.

P/B mục tiêu là thế nào?

P/B thì phụ thuộc vào ngành nghề, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Giả sử chúng ta muốn mua cà pháo của ngân hàng, có rất nhiều ngân hàng và ai có vẻ cũng lời lớn, tăng trưởng cao, và P/E cũng bằng bằng nhau, ví dụ đều bằng 10, vậy làm sao mà chọn ra một ngân hàng tốt để đầu tư?

Chúng ta dùng P/B mục tiêu. Ví dụ ngành ngân hàng có P/B trung bình là 2, phần lớn các ngân hàng có P/B xấp xỉ 2, nhưng có ngân hàng X thì P/B hiện tại là 1.6. Như vậy, chúng ta kỳ vọng là P/B của X cũng sẽ như các ngân hàng tương đương khác, sẽ có lúc lên bằng 2.

Do đó, P/B = 1.5, P'/B = 2 (P' là giá cà tương lai), nên P' = 2B = 2P/1.6 = 1.25P.

Tức là giá trị tương lai của cà X sẽ tăng 25% giá hiện tại. Giả sử giá hiện tại là 40k, thì chúng ta kỳ vọng nó sẽ tăng lên là 50k. Và chúng ta đưa ra dự đoán giá mục tiêu là 50k.

P/B cũng có thể không chỉ so sánh các doanh nghiệp tương đương trong cùng một ngành với nhau, mà còn có thể so sánh doanh nghiệp cùng loại ngành nghề, quy mô của các nước với nhau. Ví dụ so sánh P/B của doanh nghiệp nước ta với trung bình các nước trong khu vực. Ví dụ nước ta P/B của doanh nghiệp X là 2, còn khu vực là 3, nhưng thị trường nước ta non yếu và là thị trường cận biên, còn các nước đã là thị trường mới nổi (kiểu như nước ta đang trình độ tiếng Nhật N3, còn các nước là N2), nên chúng ta sẽ không kỳ vọng P/B của doanh nghiệp X lên được 3 như các nước, mà lấy trung bình, là 2.5 thôi.

Như thế, giá kỳ vọng sẽ là 2.5/2 * P = 1.25P, tức là tăng 25% so với giá hiện tại.

Phương pháp P/E mục tiêu

Cũng tương tự như thế, ví dụ các ngân hàng thương mại đều có P/E = 10, nhưng ngân hàng mà chúng ta nhắm tới P/E = 8, như vậy chúng ta kỳ vọng P'/E = 10 sau một thời gian nào đó, nên P' = 10P/8 = 1.25P tức là giá cà sẽ tăng 25% theo phương pháp P/E mục tiêu này.

P/E cũng có thể so sánh các nước với nhau. Ví dụ bọn chuyên gia hay hò hét rằng thị trường nước ta trung bình P/E = 12, còn các nước cùng khu vực P/E = 16, hay 20, cao hơn, nên thị trường nước ta vẫn rẻ (cần nhớ là thị trường chúng ta bị xếp hạng kém hơn), đây là lý do mà các quỹ ngoại sẽ mua cà nước ta, với hi vọng nó P/E sẽ tăng lên bằng các nước kia.

Bọn chuyên gia cũng hay có kiểu là nước ta P/E = 12, nước ngoài thị trường xịn hơn (được xếp hạng cao) là 18 chẳng hạn, thì chúng ta không kỳ vọng P/E của ta tăng lên 18, mà lấy trung bình là tăng lên 15 thôi, chủ yếu để PHÓNG TÁC ra một con số giá tương lai mục tiêu.

Vì nếu không làm thế, không đưa ra một con số cụ thể, thì chẳng ai tin cả!

Bạn muốn người ta tin bạn thì phải bịa ra bằng được một con số, và nếu bạn hiểu được cách chuyên gia bịa ra, bạn cũng thành chuyên gia.

Một điều quan trọng là giá cà tăng không phải do doanh nghiệp làm ăn tốt mà là do mọi người tin nó tăng. Có thể bạn thấy P/B thật vớ vẩn, nhưng miễn mọi người không thấy nó vớ vẩn, thì mọi người vẫn dùng nó và thấy P/B thấp là họ đổ tiền vào. Các doanh nghiệp thua lỗ và khổng lồ bao giờ cũng chỉ có thể dùng P/B để đánh giá. Ví dụ, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, họ làm ăn chẳng có lời, hoặc lời lèo tèo, nhưng họ luôn rêu rao chúng tôi còn lắm quỹ đất lắm, cà của chúng tôi sẽ lên cao và sẽ rất thơm, mua vào đi. Họ chỉ muốn mọi người đổ tiền vào để họ tư lợi!

Để tránh thua lỗ và tối ưu hóa lợi nhuận, việc hiểu được cách vận hành của giá cà, cách phân tích định giá và tâm lý các nhà đầu tư rất quan trọng. Các phương pháp này không phải tôi ngồi nhà nghĩ ra, mà đơn giản là tôi học lỏm từ các báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán trong 1 năm, vì tôi đăng ký rất nhiều công ty để đọc các báo cáo của họ.

Đây gọi là cách học nhanh, học một biết mười, phải như thế thì mới có thể sớm đạt tới cảnh giới của nhà đầu tư huyền thoại, chứ tự mình mày mò thì tới bao giờ. Sau khi học hết các phương pháp rồi thì chúng ta sẽ tự chế ra phương pháp, tạm gọi là phương pháp đầu tư vô sản sau.

Phương pháp so sánh tương đối

Trên đây chắc các bạn cũng có khái niệm tương đối về so sánh P/E hay P/B của các doanh nghiệp cùng quy mô, cùng ngành nghề vv rồi. Phương pháp so sánh tương đối được các chuyên gia tư lợi và đáng kính của chúng ta sử dụng rất nhiều, vì nói thật, họ cũng chẳng hiểu gì về doanh nghiệp. Họ tư vấn hàng trăm mã cà pháo, chắc chắn là không có nhiều thời gian tìm hiểu từng ngành hay doanh nghiệp một. Lợi thế của nhà đầu tư cá nhân là chỉ tập trung vào một vài mã. Tôi tìm ra một vài mã tốt, và tập trung vào các mã này, chứ không đầu tư loạn xạ theo phong trào.

P/E và P/B chỉ là hai chỉ số để so sánh tương đối, bạn có thể so sánh tương đối bất kỳ chỉ số nào, và không chỉ giới hạn trong doanh nghiệp cùng ngành nghề, hay cùng một nước, mà có thể là trong khu vực. Tất nhiên là bạn không thể so sánh hai cà pháo khác ngành nghề, khác cả quy mô lẫn quốc gia luôn, vì nó không đáng tin. Nếu đã so sánh quốc tế thì ít ra cũng phải cùng ngành, cùng quy mô chứ. Ngoài ra, xếp hạng thị trường khác nhau, nên dựa trên cảm giác mà bạn thêm trọng số vào, ví dụ nước ngoài P/E = 18, P/E của ta = 14, thì ta không kỳ vọng P/E ta lên 18 mà lên 16 thôi. Tùy vào mức độ lạc quan hay bi quan mà bạn chọn lấy con số thích hợp.

Một trong các cách áp dụng là đem so sánh với trung bình ngành. Ví dụ bạn mua cổ phiếu xăng dầu X, và P/B = 0.8, còn trung bình ngành thì P/B = 1.2, như vậy nó còn có dư địa để tăng lên thành P'/B = 1.2, tức là P' = 1.2/0.8*P = 1.5P, tăng giá cà lên 50%.

Đấy là trường hợp LẠC QUAN, trong trường hợp bi quan hơn, chúng ta kỳ vọng là P''/B = 1 (tức là trung bình cộng của P/B = 0.8 và trung bình ngành 1.2), thì P'' = 1/0.8*P = 1.25P, tăng 25%. Phương pháp kiểu này thường được các chuyên gia áp dụng đại trà để tìm ra giá mục tiêu để phím hàng cho "có căn cứ", và có rất nhiều người tin, mà niềm tin giúp cà tăng giá, chứ không phải hoàn toàn do tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Phương pháp PEG

 Ví dụ hai doanh nghiệp cùng P/E như nhau, và đều tốt, ROE cũng như nhau, các chỉ số đều như nhau, lẽ nào mua luôn cả hai? Vấn đề là tiền. Chúng ta mua hai cà thì phải theo dõi hai doanh nghiệp, bất lợi về thời gian và công sức. Chúng ta phải chọn lấy một, để theo dõi ít thôi. Danh mục ít mã là LỢI THẾ TO LỚN, như của tôi chỉ 3 ~ 5 mã, để tiện theo dõi. Nhưng nếu đã ít mã nghĩa là chọn doanh nghiệp tốt nhất từ đầu thì lại càng ít phải theo dõi, mỗi quý xem lại một lần.

Vì thế chúng ta dùng phương pháp so sánh tương đối về tăng trưởng của EPS (lợi nhuận trên một cà), gọi là G.

PEG = P/E/G

Ví dụ hai doanh nghiệp các chỉ số như nhau, P/E = 14 chẳng hạn, nhưng doanh nghiệp A tăng trưởng EPS là 10%, còn doanh nghiệp B là 20% thì:

PEG của A = 14/10 = 1.4

PEG của B = 14/20 = 0.7

Khỏi cần nói, P/E càng thấp càng tốt, G càng cao càng tốt. Nên ta mua doanh nghiệp B.

Phương pháp PEG nhìn chung là thế này:

PEG > 1: Giá cà đang quá cao, không nên mua (không xứng đáng với tăng trưởng)

PEG < 1: Giá cà đang rẻ, nên mua vào (tăng trưởng sẽ làm P/E tương lai giảm xuống)

Ví dụ, một doanh nghiệp có P/E = 16, mà kỳ vọng của phe ta là thu hồi vốn không quá 10 năm, thì ta không nên mua nó. Nhưng khổ nỗi, chẳng còn doanh nghiệp nào đủ tốt theo tiêu chí của chiến sỹ ta, nếu không mua thì ôm cục tiền không mua được gì. Vì sao chúng ta thích doanh nghiệp này? Vì nó đang tăng trưởng. Ví dụ nếu EPS tăng trưởng 200% chẳng hạn, thì năm sau P/E từ 16 chỉ còn 8 thôi đúng không, rồi sang năm sau nữa, còn 4.

Lúc này PEG sẽ giúp chúng ta đưa ra quyết định. Ví dụ P/E = 16 nhưng G = 20%, nên PEG = 16/20 = 0.8 < 1, do đó, chúng ta có thể mua vào. Vì cứ tăng trưởng như thế này thì chẳng mấy mà P/E sẽ giảm về 10 cả.

Một doanh nghiệp có P/E = 100 nhưng G = 100% thì vẫn có thể mua vào được, nên quan trọng chính là SỰ TĂNG TRƯỞNG. Đây gọi là đầu tư cổ phiếu tăng trưởng

Dù thế nào thì tôi cũng chỉ là gà mờ thôi, nên tôi chỉ giới thiệu khái niệm để học tập một cách dễ hiểu. Quan trọng là bạn phải biết ĐỊNH GIÁ và hiểu tầm quan trọng của định giá. Ví dụ khi nhìn báo cáo thị trường của chuyên gia, bạn phải biết họ tính theo phương pháp nào mà ra được giá mục tiêu. Mục tiêu của chúng ta là học cách định giá của họ để áp dụng cho cà pháo của riêng chúng ta. Vì các chuyên gia thì toàn phím các cổ phiếu biến động nhiều và không thực sự tốt để tư lợi. Chúng ta sẽ phải tìm ra cổ phiếu tốt nhất để tránh phải theo dõi thị trường, mua bán liên tục (làm giàu cho chuyên gia), và quan trọng nhất là tránh "đêm dài lắm mộng". Chỉ có ôm được cà pháo thơm, ngon, giòn, ngọt, bạn mới có thể ngủ ngon hàng đêm mà không gặp ác mộng.

Vì kiến thức ở đây không phải là những thứ chính xác, có lẽ bạn nên lên mạng tìm đọc các trang liên quan.

Mark

>>Phần 2: Phương pháp dòng tiền chiết khấu (định giá mô hình DCF)

No comments:

Post a Comment