Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Thursday, April 1, 2021

Đánh bạc trên thị trường

Thị trường chứng khoán là một sòng bạc khổng lồ và sẽ luôn như thế. Có lẽ 90% chỉ lên để đánh bạc. Phần lớn không phải người đầu tư chân chính. Vậy làm thế nào để không bị cuốn theo dòng xoáy này và liệu đánh bạc có tốt không, khi cả cuộc đời cũng chỉ là một sòng bạc khổng lồ khác?

Đánh bạc chắc chắn là không tốt, vì về lâu dài sẽ không hạnh phúc mấy. Không ai có thể ôm bảng điện mua mua bán bán mà hạnh phúc được. Nó ảnh hưởng tới tinh thần, thể lực, khả năng cảm nhận niềm vui và phúc trong cuộc sống. Nhưng vì sao người ta lại nghiện đánh bạc tới vậy?

Vì cờ bạc là thứ gây nghiện. Nếu bạn đánh và thắng lớn, bạn muốn đánh mãi, nếu bạn thua lớn, bạn quyết tâm gỡ. Nó cũng như nghiện thuốc lá, rất khó bỏ. Trong cuộc sống, người nghiện cờ bạc rất nhiều và họ chỉ hết nghiện khi hết sạch tiền.

Trong bài này, chúng ta nên nhận diện những kẻ đánh bạc trên thị trường chứng khoán, nhìn vào tấm gương tày liếp đấy mà tránh ra.

初心を忘れるべからず Shoshin wo wasureru bekarazu

"Đừng bao giờ quên mục đích ban đầu". Ban đầu chúng ta chỉ muốn mua một tài sản để chống lạm phát mà thôi. Sẽ thật tuyệt nếu mua được thứ gì đó mà lợi tức lớn hơn tiền lãi gửi tiết kiệm, mà tài sản vẫn tăng giá theo thời gian (có tác dụng chống lạm phát). Nếu mua được cổ phiếu của doanh nghiệp ăn nên làm ra, giá cổ phiếu còn tăng cao hơn cả thị trường và chúng ta thật sự kiếm được nhiều tiền. Nhưng đấy là nếu không tham mà "chốt lời" hay không sợ hãi bán tháo khi thị trường sụp đổ.

Dần dà, chúng ta vào các hội nhóm phím hàng, và được môi giới (broker) phím hết cổ này tới cổ khác, cổ nào cũng ngon và hứa hẹn tăng giá trong ngắn hạn. Quả thực nếu đánh theo hội nhóm, nhất là trong thị trường uptrend (xu hướng tăng), thì kiếm được rất nhiều tiền trong thời gian ngắn. Thế là chúng ta vay thêm tiền của công ty chứng khoán, gọi là đánh margin, để mua nhiều hơn số tiền thực có thể mua, để kiếm lời nhiều hơn. Và chúng ta tuân thủ kỷ luật dưới mức nào đó sẽ cắt lỗ. Một ngày, tiếng gọi "margin call" từ địa ngục vang lên và thị trường sụp đổ, tất cả bị cưỡng ép bán giá sàn và chúng ta mất rất nhiều tiền.

Nhưng đã là cờ bạc thì "thua keo này ta bày keo khác", chúng ta học thêm phân tích đồ thị, phân tích thị trường, tính toán cẩn trọng hơn ....

Chuyện này không bao giờ kết thúc cả. Cuối cùng thành ra như thế này:

"We call it PRECIOUS"

Nỗi ám ảnh việc tiền bạc không bao giờ kết. Nhưng rốt cuộc thì diễn biến tâm lý thế nào mà biến một người bình thường có học vấn, có hiểu biết, trở thành một CON BẠC KHÁT NƯỚC đến vậy?

Ban đầu, vốn CON NGƯỜI chỉ muốn đầu tư chân chính để chống lạm phát. Nhưng rất ít người thực sự học về cách ĐỊNH GIÁ DOANH NGHIỆP hay định giá cổ phiếu. Bởi vì, con người sống trong một thế giới quá ồn ào, ai cũng hô mua đáy bán đỉnh, hô bắt dao rơi, hô shortlong, hô phong hoán vũ cả. Ai cũng thành chuyên gia dự đoán y như thật, trong khi thị trường là thứ không thể dự đoán trong ngắn hạn. Không ai hiểu được thị trường hoạt động theo cơ chế nào, mọi người chỉ đầu tư theo thông tin và phong cách "thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai đi đào". Thấy người khác lãi khủng là cũng phải nhảy vào thị trường bằng được.

Khi thị trường tăng thì sợ mất cơ hội nên vội vào, vừa vào xong thị thị trường lại giảm. Lý tưởng là mua đáy bán đỉnh nhưng cuối cùng trở thành mua đỉnh bán đáy. Nhưng mà, làm thế nào để mua đáy được?

Ví dụ thị trường đã giảm nhiều, nếu mua thì có thể là đúng đáy, nhưng cũng có thể là thị trường còn rơi xuống nữa, thành ra bắt dao rơi. Tất cả chỉ mang tính chất cờ bạc. Nếu đúng là đáy và thị trường phục hồi thì hưng phấn được một thời gian, nếu thị trường giảm xuống nữa thì lại than thân trách phận và mua thêm nữa để trung bình vốn. Rồi rất lâu sau thị trường phục hồi và hòa vốn thì bán vội để "về bờ". Sau khi về bờ thì thế nào? Lại có mấy khả năng xảy ra: Thị trường lình xình, thị trường giảm hay thị trường tăng. Nếu là thị trường tăng thì lại tiếc hùi hụi, còn thị trường giảm thì thấy mình may mắn, nhưng sẽ bị nhụt chí mà không dám vào nữa.

Rút kinh nghiệm lần sau thì không bắt dao rơi nữa, mà lần này thì theo phương châm phân tích đồ thị, "mua giá cao và bán giá cao hơn", thấy cổ phiếu lên (xanh) mấy hôm khối lượng lớn thế là nhảy vào, hi vọng nó sẽ "bùng nổ theo đà" do cầu lớn, thì vừa vào xong nó bị chốt lời và rớt giá thảm. Thế là lại chơi vơi giữa biến khơi, không biết ngày nào về được bờ.

Tất cả chỉ là đánh bạc! Vì không hiểu gì về doanh nghiệp hay ngành kinh doanh cả, thậm chí cũng chẳng buồn học vì lười hay không có thời gian.

Nhưng mà cá mập trên thị trường muốn bạn như vậy, để chăn dắt cho dễ. Môi giới sẽ phím hàng liên tục mục đích chỉ để bạn mua bán liên tục, để họ kiếm lời. Báo chí thổ tả cũng ăn tiền mà bơm thổi cổ phiếu này hay dìm cổ phiếu kia. Thỉnh thoảng nếu có ông tây bà đầm nào lên bảo thích cổ phiếu A nên mua vào, chán cổ phiếu B nên bán ra, thì chưa chắc thực sự đã như thế. Có thể họ chỉ phao tin và "mua tay phải, bán tay trái", để lùa bọn gà vào mua cổ phiếu A rồi họ chốt lời và chuyển qua cổ phiếu B.

Đặt mức chốt lời và cắt lỗ cũng là một trò nhảm nhí khác, của các con bạc. Nó không hẳn là bullshit nhưng chỉ đúng nếu trade để kiếm tiền ngắn hạn. Rốt cuộc, nếu đạt mức sinh lời thì chốt lời, nhưng nếu sau đấy cổ phiếu vẫn tăng mạnh thì sao? Cũng không hạnh phúc lắm.

Trong thị trường bất động sản cũng y như vậy. Mua được căn nhà, nó tăng gấp đôi, bán đi được 10 tỉ chẳng hạn. Nghĩ là mình giỏi thể là lấy tiền mua một vài căn khác, mua bán liên tục, cuối cùng sau nhiều năm có được 15 tỉ. Nhưng căn nhà ban đầu lên 20 tỉ. Tức là càng làm thì lại càng kiếm được ít tiền, vì đơn giản là không tính được giá trị trên thị trường. Không phải mua bán liên tục là kiếm lời được, nhiều khi không làm gì còn lời hơn. Vì nếu thị trường uptrend thì không làm gì cũng lời. Còn thị trường downtrend thì càng mua càng bán càng lỗ.

Vào thị trường khi giá đã cao

Tư duy siêu hình làm con người mất tiền. Ví dụ cổ phiếu tốt, doanh nghiệp tốt, nhưng giá nó đã cao, thì mua làm gì nữa? Vì rủi ro rất cao. Nhưng ai cũng hi vọng nó còn tăng cao nữa, nhờ "bùng nổ theo đà" tức là có cá lớn mua vào, rồi các cá bé nhao theo để mua. Thường là những cổ phiếu tốt giá cao thì thị trường có tăng nó cũng không tăng thêm nữa.

Ngược lại, phải mua những doanh nghiệp khổng lồ làm ăn rất tệ (P/E = số năm hoàn vốn, rất cao) thì mới có sóng để mua bán, vì nghĩ rằng làm ăn không quan trọng bằng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Cũng không tệ bởi vì doanh nghiệp càng khổng lồ, càng phức tạp, thì càng không ai hiểu được giá trị của nó, nên dễ tạo sóng hơn. Nếu muốn đánh bạc thì nên chọn các doanh nghiệp mà chẳng quan trọng lời lỗ nữa, gán cho nó lý do gì đó là nó sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai, thị trường càng phức tạp càng tốt để không ai dự đoán được. Biết đâu một ngày có tay to nào đó có thông tin mật nào đó mua vào liên tục số lượng lớn và thế là có thể nhân đôi tài sản trong thời gian ngắn. Nhưng nguy cơ chôn vốn thì khá cao.

Một loại đánh bạc nữa là nếu muốn kiếm nhiều tiền hơn nữa thì mua cổ phiếu trà đá (penny) có thanh khoản cao. Đây cũng là cách mà phần lớn các con bạc rất yêu thích vì biến động giá rất lớn, chơi sướng hơn là mua xổ số nhiều. Nhưng nếu nói là doanh nghiệp có lời không, có an toàn không, ban lãnh đạo có tốt không, thì chẳng ai biết, và cũng chẳng ai quan tâm.

Vòng xoáy cờ bạc này sẽ không bao giờ có hồi kết và sẽ đốt cháy mọi năng lượng còn lại, khiến con nghiện không còn quan tâm gì tới cuộc sống nữa. Đây là con đường dẫn tới diệt vong. Cuối cùng thường chỉ có broker (môi giới) và cá mập là giàu lên.

Thị trường là do những tay chơi lớn thao túng, giống như sòng bạc thật sự, cá nhân nhỏ lẻ không thể nào có thể thắng được. Nhưng tôi học phân tích đồ thị .... Đồ thị cũng chỉ là sản phẩm do tư bản cá mập tạo ra, tất cả chỉ phục vụ cho mục đích chăn dắt. Ai có tiền cũng có thể tác động vào đồ thị, và đương nhiên chỉ tác động khi nó có lợi cho họ.

Môi giới không bao giờ tư vấn cổ phiếu tốt nhất

Nếu bạn đăng ký tài khoản ở công ty chứng khoán lớn thì họ sẽ phím cho bạn rất nhiều cổ phiếu, cổ nào cũng có vẻ rất tốt, tiềm năng. Thực sự là như thế nào? Họ không bao giờ phím cho bạn cổ phiếu tốt nhất, loại mà bạn có thể mua một lần và giữ lâu dài. Vì họ tin rằng, bạn chẳng bao giờ bận tâm doanh nghiệp đang làm ăn thế nào, trong khi thông tin về doanh nghiệp thì đầy trên mạng. Ngoài ra, phím cho bạn những ngành nghề, doanh nghiệp đa ngành nghề để bạn không biết đằng nào mà đánh giá, từ đó bạn sẽ mua bán liên tục, vì họ luôn đặt sẵn cho bạn mức chốt lời và mức cắt lỗ. Tất cả đều đảm bảo là mục tiêu ngắn hạn để bạn có thể vào ra liên tục, để họ kiếm được phí môi giới.

Họ cũng phân tích đủ kiểu, nhưng thực sự thì rất chung chung và đủ để mồi chài được bọn gà mờ, vì có làm phức tạp hơn thì cũng không kiếm được tiền, không khéo thu nhập còn giảm đi.

Mà vì sao họ phải tư vấn để bạn đầu tư lâu dài nhỉ? Họ chẳng được gì nếu bạn không mất rất nhiều! Thực sự những tay tư vấn này rất giàu có, nhờ vào sự mất tiền của khách hàng.

À, còn một điều nữa, cổ phiếu tốt thì họ không tư vấn, vì họ cũng có thể đang bận gom vào. Khi nào gom đủ thì mới tư vấn để còn chốt lời. Luôn luôn là như thế. Đây cũng chính là vấn đề của các quỹ tư lợi: Nếu quỹ định mua cổ phiếu nào thì nhân viên sẽ mua gom trước để trục lợi. Đạo đức trong ngành này thật sự là rất thấp. Đừng hỏi tại sao nhân viên quỹ đều rất giàu có và đi nghỉ dưỡng ở Bahamas!

Chính đạo

Chính đạo trong đầu tư chính là hãy tránh xa đánh bạc. Bạn chỉ mua khi ngành nghề, doanh nghiệp thực sự tốt, chứ không phải vì thông tin hô hào kêu gọi gì đó.

Tức là bạn phải nghiên cứu thị trường, nghiên cứu ngành nghề, nghiên cứu doanh nghiệp và đọc sách hay đọc mạng về phương pháp định giá doanh nghiệp hay cổ phiếu. Bạn hoạt động như một nhà nghiên cứu thị trường, trong ngành và doanh nghiệp mà bạn định mua.

Chắc chắn là không có cách nào khác rồi. Tôi ví dụ, người ta hay nói đất sẽ tăng, do đó, chỉ cần mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất rộng là sẽ trở nên giàu có, vì nó còn tăng gấp mấy lần giá đất?

Giả sử sau 10 năm giá đất tăng gấp đôi, gấp ba và điều này có lẽ sẽ thành hiện thực đi, nhưng liệu bạn có nên bỏ hết tiền mua cổ phiếu doanh nghiệp đang có quỹ đất lớn, mặc dù doanh nghiệp đấy đang làm ăn thua lỗ không?

Không ai có thể trả lời được. Bởi vì "lý thuyết" thì có vẻ đúng, nhưng thị trường nhà đất lại phụ thuộc rất lớn vào chính sách vĩ mô. Như vậy, để hiểu được doanh nghiệp bất động sản thì bạn phải nghiên cứu từ vĩ mô trở xuống, một việc mà ngay cả chuyên gia kinh tế cũng khó lòng mà làm được.

Chưa kể, giá đất có thể tăng nhưng chưa chắc doanh nghiệp đã làm ăn được, nó có thể phá sản và không bao giờ trả hết nợ. Bởi vì, có lẽ chỉ lãnh đạo doanh nghiệp là làm ăn khấm khá thôi, còn cổ đông sẽ gánh khoản nợ mà doanh nghiệp không bao giờ cần trả dứt. Có quỹ đất lớn nhưng có xây để bán được không, và dòng tiền có đủ trả nợ được ngân hàng không lại là chuyện khác. Việc này còn phụ thuộc vào chính sách tín dụng, mà chính sách này được quyết định dựa trên kinh tế vĩ mô, chứ không phải lúc nào thị trường bất động sản cũng sẽ được, hay có thể được thổi lên liên tục. Ai cũng sợ lạm phát, nhất là lãnh đạo. Quả bom lạm phát này mà nổ thì sẽ rất khủng khiếp.

Lý thuyết thì nghe rất hay, và cũng có thể đúng, nhưng người ta bảo "đêm dài lắm mộng", mấy ai giữ được "tài sản" và "niềm tin". Chẳng qua, người ta muốn bạn tin như vậy thôi. Vì người ta cũng muốn tin như vậy. Tiếc thay, thị trường hiếm khi hoạt động theo đúng mong muốn của con người, vì nó hoạt động theo cách của nó.

Quy tắc số một: Đừng bao giờ để mất tiền.

Quy tắc số hai: Đừng bao giờ trở thành con bạc khát nước.

Chúc bạn luôn giữ được sự tỉnh táo hoặc đơn giản là tránh xa sòng bạc này ra.

Mark

2 comments:

  1. hay, mong bạn tiếp tục viết thêm về chủ đề đầu tư nhé

    ReplyDelete
    Replies
    1. okay, S đang xử lý hết vấn đề sức khỏe đã ^^

      Delete