Chào các bạn!
Phải học đầu tư một tí. Phương pháp của tôi là không có phương pháp, cái gì cần thì học. Đợi chút, chẳng phải chúng ta nên học bài bản, mua hẳn giáo trình kinh tế 500 trang, đọc như đọc kinh mỗi ngày để có một kiến thức uyên bác, rồi từ đó mới đi đầu tư hay sao? Hồi còn trẻ tôi định làm thế, sau đó tôi bị hôn mê ngay từ trang đầu. Tôi chỉ học được duy nhất một điều: Con người là sinh vật kinh tế. Nếu đọc thêm thì tôi sẽ bị tẩu hỏa nhập ma nhất. Ngoài ra, nếu học hàn lâm quá nhiều thì chúng ta lại thường lạc lối và trở nên hâm dở. Học bài bản và đầu tư thành công không mấy liên quan đến nhau, thà đánh bạc xác suất thành công còn cao hơn là học cả giáo trình kinh tế.
Cách học tốt nhất là học cái chúng ta cần, chứ không phải học theo giáo trình hay sách giáo khoa. Như học tiếng Nhật vậy, vì sao tôi đã thoát khỏi tình trạng yếu kém nhất lớp, để vươn lên thành người có điểm số cao nhất? Vì tôi học thứ mà tôi cần và cho là quan trọng, đó là tôi nhai hết tất tần tật kanji và ngữ pháp trước khi cả học kỳ bắt đầu. Trong suốt cả học kỳ, tôi còn chẳng buồn làm bài tập! Thời gian chủ yếu là để tập gym, chạy bộ, đi chợ, nấu ăn, và tra kim từ điển để học từ vựng cho vui vẻ.
Học đầu tư và học tiếng Nhật không khác nhau là mấy. Ngay từ đầu có lẽ nên đăng ký ngay một account để đầu tư và thực hành ngay, chứ học lý thuyết làm gì. Tôi chỉ đầu tư theo CẢM GIÁC và trực giác, mà về sau tôi phát hiện ra là đấy cũng là một dạng diệt vong. Nếu chỉ đầu tư theo cảm giác và trực giác, xác suất không thành công tương đối cao, vì nó không phải là QUY LUẬT CỦA THỊ TRƯỜNG. Nhưng quan trọng chính là sử dụng thành thạo hệ thống để đặt lệnh và nhìn xem giá cả cổ phiếu biến động như thế nào. Dù sao thì tôi cũng có học lỏm cách phân tích đồ thị các kiểu, cũng không phải là vô bổ. Nhưng cuối cùng chúng ta phải học gì để thành công?
ĐỊNH GIÁ DOANH NGHIỆP VÀ ĐỊNH GIÁ CỔ PHIẾU.
Để mua được giá rẻ. Quan trọng nhất chính là lời từ khi mua, rồi sau đó cứ giữ dịt lấy nó, đừng bao giờ buông nó ra nữa.
Làm gì cũng luôn như vậy, đúng không? Kể cả bạn mua bất động sản, nếu bạn không lời từ khi mua thì rất có thể, bạn ôm một cục nợ, bán chẳng bán được, bán lỗ cũng phải năn nỉ người mua. Mà lạ cái là, bạn mà đã mua cao bán thấp thì lúc nào cũng phập phồng lo sợ người mua không chịu mua, và người mua lại làm giá đủ kiểu. Còn nếu bạn LỜI TỪ KHI MUA, thì người phải năn nỉ bạn bán, chính là người mua. Vì bạn chảnh và ở vị thế cao vãi.
Với lại, nếu bạn không thể lời từ khi mua thì thường bạn sẽ ... lỗ từ khi mua kia mà! Con người là sinh vật kinh tế và thứ làm con người kinh tởm nhất trên đời chính là bị mất tiền. Ai chẳng là nô lệ của tiền bạc!
Học ngoại ngữ thì sao nhỉ? Nếu chúng ta không học giỏi ngay từ đầu thì có lẽ, chúng ta sẽ là những kẻ bơi giữa một dòng nước xoáy không biết ngày nào vào bờ. Tôi học là phải cân, đo, đong, đếm được thì mới học. Đó là học hết kanji, ngữ pháp, nắm rõ như trong lòng bàn tay nhắc tới là bật ra ngay, học từ vựng mỗi ngày cũng vậy. Chứ không phải trình độ chung chung kiểu học hết quyển A, cuốn B, trình độ sơ cấp hay siêu sơ đẳng, học hết giáo trình cho học sinh chậm tiến vv.
Phải lời ngay từ đầu, chứ không khó mà có động lực được. À, nhớ lại vụ cá cảnh. Nếu bạn bỏ mồi câu cá, phải chén được ngay, ngay từ đầu cho tôi nhé. Nếu không thì rút êm đi. Bạn sẽ chẳng thể nào mà gồng lỗ nổi đâu, vì vị thế thấp quá.
Margin of Safety
MoS, tức là biên an toàn khi bạn mua một cổ phiếu. Ví dụ bạn tính ra giá trị thực của nó là 50k, và giá thị trường đang là 60k, liệu bạn có mua vào không? Bạn không mua, vì giá hơi cao. Nhỡ mua xong nó về 50k lại phải gồng lỗ và mất kha khá. Nếu nó là 50k bạn có mua không? Chưa chắc đã mua.
Thế nó là 45k bạn có mua không? Vấn đề của thị trường chính là giá thị trường HIẾM KHI phản ánh giá trị thực, nhưng về lâu dài sẽ về giá trị thực trong một ngày nào đó. Do đó, dù mua rẻ, bạn vẫn có thể bị lỗ vốn, khi cổ phiếu giảm về 40k, thậm chí 30k. Đây gọi là ĐÊM DÀI LẮM MỘNG. Khi bạn mua một tài sản, hay một tài sản đầu cơ, ban đêm bạn sẽ mơ thấy thị trường sụp đổ, bạn đi lang thang ngoài đường như một kẻ không nhà hoặc ngồi một góc nào đó để "lạy ông đi qua, lạy bà đi lại". Giá cổ phiếu có thể xuống rất sâu nhất là khi thị trường xấu đi, thậm chí có sự kiện đen tối nào đó làm thị trường bốc hơi mạnh, tài sản sụt giảm kinh hoàng.
Theo cách này, bạn sẽ quyết định là mình mua rẻ hơn giá trị thực, ở mức 40k chẳng hạn. MoS hoàn toàn là do bản thân đặt ra, không có quy định nào cả. Mục đích của chúng ta vẫn chỉ có một, đó là lời từ khi mua. Trong năm nay tôi đã luôn lời từ khi mua, nên thị trường biến động lên xuống tôi cũng không quá quan tâm và vẫn ngủ ngon, thậm chí tôi còn không phải kiểm tra tài khoản mỗi ngày. Vì tài khoản luôn lời rất tốt. Bản chất là tôi đã chọn cổ phiếu tốt từ đầu và mua khi thị trường lao dốc vì tin tức gì đó, tới giờ tôi cũng không còn nhớ là vì gì, chỉ nhớ là có mấy phiên trắng bên mua. Chắc margin call (tiếng cồng từ địa ngục) đã gọi rất nhiều tử sỹ đi về nơi xa ấy.
Nhưng dù sau đấy giá lên rồi và tôi mua thêm thì vẫn lời! Bởi vì nếu đã lời thì không bị áp lực bán hay cắt lỗ, hay gồng lỗ gì cả. Mua bán chỉ là tính toán về mặt giá trị, thậm chí có thể đầu cơ một tí cũng chẳng sao.
Việc tính biên an toàn (MoS) là do chủ quan, tùy thuộc vào doanh nghiệp, ngành nghề (có biến động hay không), tình hình chung của nền kinh tế và thị trường, và đồ thị giá trong quá khứ nữa. Không có tiêu chí cụ thể nào mà quan trọng là phương châm có lời từ khi mua. Ví dụ thị trường đang uptrend ầm ầm, thì mua đúng giá (MoS = 0) cũng được mà, đâu có sao. Vì thế nào nó chẳng tăng. Tất cả chỉ là tương đối. Nhưng thị trường downtrend thì sao? Dòng vốn sẽ rút khỏi thị trường, do đó, cổ phiếu của bạn có thể xuống dưới cả giá trị thực khá sâu, khiến bạn bị thua lỗ trên tài khoản. Việc này có thể chẳng vui vẻ gì.
Phải học về MoS trong bao lâu?
Tra trên mạng trong một buổi thôi. Trên đây là các khái niệm cơ bản rồi còn bạn nào muốn chuyên sâu thì tự tra. Tôi có ghi chép vào vở nháp luôn rồi, giờ lấy để gõ ra. Quan trọng là MINDSET, chứ không phải học kiểu tầm chương tích cú.
Mục tiêu của chúng ta là MUA RẺ TỪ ĐẦU. Không hiểu điều này có thể dẫn tới những sai lầm nghiêm trọng về sau, thậm chí phải gồng lỗ, đêm ngủ không ngon, mất ăn mất ngủ. Tôi ví dụ về nhà đất đi. Hiện nay, đất đai nhà cửa đều rất bong bóng.
Ví dụ, chung cư mua xong thì sinh lời 3~ 3.5%/năm, tức là bạn mua 2 tỉ thì kỳ vọng thu về 60 ~ 70 triệu/ năm, bạn có mua không?
Sở dĩ tôi lấy chung cư vì thường thì tính tỉ lệ sinh lời chung cư dễ hơn, do có cả giá bản lẫn giá cho thuê, chứ không phải là nên mua chung cư. Vì nếu nhà đất riêng lẻ thì người ta chỉ bán, hoặc chỉ cho thuê, không có cả giá bán lẫn giá cho thuê cùng lúc để tính. Nhưng gần đây tôi thấy bạn làm môi giới rao một căn nhà bán 6 tỉ hiện cho thuê 10 triệu/tháng, tức là 10 * 12 / 6000 = 2%/năm.
Nhà đất hiện cho thuê sinh lời 2 ~ 2.5%/năm.
Như vậy mua nhà hay chung cư thì không sinh lời mấy, chỉ hi vọng là sau này nó tăng giá, ví dụ lên gấp đôi sau 5 năm chẳng hạn. Hi vọng mỗi năm nó tăng giá 10 ~ 15%. HI VỌNG!
Chúng ta thậm chí còn chẳng có số liệu gì, chỉ nghe nói là đang sốt đất sốt cát, báo chí bơm thổi đất sốt khắp nơi. Chúng ta còn nghe nói tiền đang được bơm thẳng ra thị trường bằng ống dẫn dầu, cứ tới vay ngân hàng là có một đống nợ ngay để đầu cơ, vv.
Trong một tâm lý sợ lỡ thời cơ (FOMO) một cách cuồng loạn, chúng ta cũng có thể mua nhà và ôm một đống nợ trong 10 - 20 năm tới. Hi vọng tương lai sẽ tươi sáng màu hồng, nhà đất sẽ vọt lên một tầm giá mới.
Điều này rủi ro quá cao! Vì cả nước không thể cứ thế mà giàu lên nhờ đất tăng giá được. Bơm tiền thì lạm phát và doanh nghiệp sẽ chết lâm sàng, trước hết vì giá mặt bằng quá cao, hàng thì không thể tăng giá bán, do người dân không thật sự giàu lên. Người dân phải trả lãi ngân hàng nghĩa là chi tiêu ít đi, mà ai cũng tiêu ít đi thì nghĩa là nhiều người giảm thu nhập. Cơn cuồng loạn này không thể kéo dài mãi được.
Nghĩa là, bạn đang mua giá cao ngay từ đầu, và bạn chỉ đang HI VỌNG giá sẽ còn cao hơn nữa theo kiểu đầu cơ, là mua cao và bán cao hơn. Chứ không mua giá giảm vì sợ nó còn giảm nữa. Đây là kiểu tư duy cực kỳ nguy hiểm, có thể làm bạn ôm một đống nợ vào người, và không thể bán tài sản ra được. Nếu giữa chừng bạn không trả được nợ thì sao? Nếu mọi người đều không còn đủ thu nhập để trả nợ thì sao? Thì nợ xấu ngân hàng sẽ phình lên rất to, và lại phải có một ảo thuật gia nào đó tung hứng nợ xấu như năm nào, để giữ lại tài sản cho họ, và để cho tất tần tật người dân và doanh nghiệp mất tiền.
Tại sao lại không thuê? Vì giá thuê đang rất rẻ và ngày càng rẻ hơn. Vấn đề ở đây là tư duy về tiền bạc và số đông lại thường sai lầm.
Không ai có bất kỳ nguyên tắc gì trong đầu tư cả. Chẳng ai thèm quan tâm tới Margin of Safety. Họ chỉ nghĩ rằng "liều ăn nhiều", muốn đổi đời, hay ít ra, để mình không nghèo đi, thì phải đu bám lên đoàn tàu bất động sản bằng mọi giá, kể cả leo lên nóc ngồi. Có lẽ đoàn tàu này sẽ luôn tiến về phía trước, vì nó là đoàn tàu mùa xuân, đoàn tàu tương lai đi lên CNXH của lãnh đạo và người giàu. Chỉ có điều, những kẻ đu bám liệu có thể đi tới cuối hành trình hay không, vì tàu sẽ đi qua đèo Mây Biển, những kẻ đu bám và ngồi trên nóc chắc chắn sẽ vỡ đầu.
Liều ăn nhiều thì đúng nhưng đấy chỉ là khi bạn làm trái ngược với số đông. Nếu ai cũng đu bám thì bạn đi bộ thôi, việc gì phải lên tàu cho mệt mỏi. Đằng nào cũng có qua được đèo Mây Biển đâu.
Bạn chỉ có thể đi lên CNXH nếu ngồi chắc bên trong đoàn tàu, bằng cách lời từ khi mua. Phải mua với một biên an toàn đủ lớn.
Nhưng biên an toàn thế nào là đủ lớn? Đấy lại là do tính toán và kiến thức của bạn, hoàn toàn là do chủ quan. Nhưng tôi ví dụ là nếu nhìn đồ thị giá quá khứ của một cổ phiếu thì bạn sẽ thấy, nó có một mức sàn vững chắc, tức là cứ về mức đấy thì giá sẽ tăng lại. Thường nó là một đỉnh cũ nào đấy chẳng hạn. Bởi vì, khi cổ phiếu rất lâu mới về đỉnh, thì khi vừa về đỉnh hay vừa qua đỉnh, những người đu đỉnh cũ sẽ bán ra để "về bờ" (thu hồi vốn) vì quá thất vọng về cổ phiếu này, về bản thân, về lãnh đạo và về cuộc đời nói chung.
Những người mua sau thường là người mua mới, và họ đẩy giá lên cao, ai cũng mua ở mức mới (đỉnh cũ) này nên phải đợi lời đủ họ mới chốt, thành ra, nó thành mức hỗ trợ (mức sàn). Vì ai cũng có trải nghiệm là mua ở mức này thì có lời, nên dù sau này thị trường biến động về lại mức này thì họ lại "múc" vào, vì họ là con bạc mà! Họ chỉ muốn cảm giác mình có lời và một mức mà họ từng có lời, thì họ sẽ "quen mui thấy mùi ăn mãi".
Nhưng cũng có một cách khác xác định biên an toàn đối với nhà đầu tư chân chính.
Tôi ví dụ, nếu một cổ phiếu có cổ tức là 2k/năm, thì giá 20k có thể khá an toàn, vì nếu bạn mua ở giá này, bạn có lời 10%/năm, hơn đứt gửi ngân hàng đúng không?
Như vậy, chúng ta xác định biên an toàn của nó là 20k. Nếu giờ nó đang là 25k, thì chúng ta sẽ đợi.
Nhưng nếu không có cổ phiếu nào có mức lợi tức cao thì sao? Ví dụ giá 20k nhưng cổ tức có 1k/năm thôi, thì có nên mua không?
Tức là lãi tầm 5%/năm, cũng ngang ngang với ngân hàng. Không nên mua! Trừ phi đây là doanh nghiệp đang tăng trưởng cao. Ví dụ một doanh nghiệp đang tăng trưởng tốt, 20%/năm chẳng hạn, và cổ tức là 5%, thì đấy vẫn là giá nên mua.
Giả sử cổ phiếu B có giá hiện tại là 30k, cổ tức 1.2k/năm, tăng trưởng 15%/năm chẳng hạn. Vậy giá an toàn là tầm bao nhiêu? Ví dụ chúng ta có thể chấp nhận cổ tức tối thiểu là 5%/năm để bằng ngân hàng, thì giá an toàn là 24k. Chúng ta sẽ mua vào cổ phiếu này ở giá 24k, để tránh đêm dài lắm mộng.
Một cách khác đơn giản hơn là P/E (Price/Earning) tức là giá hiện tại cổ phiếu chia cho lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu, nói cách khác là số năm hoàn vốn. Ví dụ, chúng ta kỳ vọng là 10 năm sau sẽ hoàn vốn, thì P/E = 10.
Một doanh nghiệp đang có cổ phiếu giá 60k, P/E = 12 (sẽ hoàn vốn sau 12 năm), thì giá có biên an toàn là bao nhiêu? Chúng ta phải đợi cho tới khi giá giảm tới P'/E = 10, từ đó tính ra E = P / 12 = 60 / 12 =5. P' = 10 * E = 50k.
Đợi tới lúc nó 50k thì mua vào. Nhưng đây lại là doanh nghiệp tăng trưởng và giá không bao giờ giảm về tới P/E = 10 vì ai cũng mua vào thì sao? Thì có thể bạn chia tiền ra lúc nó 55k bạn mua vào một ít.
Một trong những bí quyết để mua được giá tốt là chia ra làm nhiều lần mua và chỉ mua khi giá thực sự giảm tương đối nhiều. Từ đấy, tôi phát triển thêm về bí quyết thành công dành cho những trung lương (người làm công ăn lương) chẳng biết gì, và cũng chẳng muốn biết gì về thị trường hay cổ phiếu!
Bí quyết thành công của trung lương mua quỹ chỉ số
Bạn là dân văn phòng và là một cái túi cát để sếp ấn từ trên xuống, khách hàng ép từ dưới lên với rất nhiều cọc và gai nhọn, còn đồng nghiệp thì chèn ép từ tứ phía và mỗi ngày bạn đều phải đấu tranh với áp lực phải đến công ty hay chứng trầm cảm, thì liệu có cách nào để đầu tư thành công hay không?
Giả sử thị trường chứng khoán là một đồ thị hình sin và 3 năm sau nó về lại đỉnh cũ. Nghĩa là cách đây 3 năm bạn lấy 100 triệu mua cổ phiếu, sau 3 năm bạn có cổ phiếu trị giá ... 100 triệu. Tính ra gửi ngân hàng còn được 120 triệu, thì đúng là lỗ quá. Tôi rõ ràng không nên tham gia thị trường này. Nhỡ đâu 10 năm sau nó lại về lại mức cũ, thế là công cốc.
Bạn bị sai ở chỗ đấy! Thị trường lên xuống về lại mức cũ chưa chắc bạn đã mất tiền. Và gửi ngân hàng chưa chắc bạn đã có lời. Vì nếu gửi ngân hàng thì được 7%/năm, còn nhà tăng 15%/năm, từ đó vật giá thiết yếu cũng tăng có khi 10%/năm, thì bạn lại mất tiền. Nếu bạn nhảy lên con tàu bất động sản ... thì xem lại đoạn trên.
Trước hết phải nói về QUỸ CHỈ SỐ (index fund) hãy QUỸ HOÁN ĐỔI DANH MỤC (ETF). Nó là quỹ mà các chuyên gia tư lợi của chúng ta tính toán sao cho sinh lời nhiều nhất, tính ra những cổ phiếu tốt nhất và tăng trưởng cao nhất, trước hết để họ và bạn bè họ mua vào, rồi sau đó lấy tiền quỹ (của những người góp vào mua) để mua theo danh mục họ định ra trước, và đẩy giá cổ phiếu lên. Họ và gia đình kiếm được rất nhiều, năm nào cũng đi du lịch Âu Mỹ một vài lần! Nhưng không có nghĩa là quỹ kém vì chúng ta có thể tra thông tin về mức độ tăng của chứng chỉ quỹ và bạn không định mua quỹ thua lỗ năm này qua năm khác đấy chứ?
Một quỹ như thế dù các chuyên gia đáng kính của chúng ta tư lợi được kha khá để hú hí với bồ nhí một cách thoải mái, cũng vẫn có thể sinh lời tốt 10 ~ 15% nhờ đầu tư vào các doanh nghiệp tăng trưởng hay doanh nghiệp đầu ngành. Bạn đâu có thể đầu tư vào quỹ mà chuyên gia định giá còn nghèo tơi tả hơn cả bản thân được? Chúng ta vẫn luôn biết ơn các chuyên gia tư lợi này, cũng như bồ nhí của họ vì đã giúp họ có một tinh thần minh mẫn để quỹ ngày càng phát triển tốt hơn, tạo ra lợi nhuận cho cổ đông của quỹ hơn.
Về lâu dài, quỹ sinh lời tốt hơn thị trường nói chung. Nhưng quan trọng là bạn mua quỹ HÀNG THÁNG, tức là chia nhỏ tiền ra để mua. Dù thị trường giảm 3 năm rồi về giá cũ, thì bạn vẫn mua ở rất nhiều giá, mà tổng kết lại thì không tệ đúng không? Ví dụ thị trường giảm 40% rồi về giá cũ, thì nhờ mua rải ra, bạn vẫn lời được 20% khi về được giá cũ kia mà? Như thế ít ra thì bằng với lãi suất tiết kiệm trong 3 năm rồi. Nhưng nên nhớ, quỹ chỉ số hay quỹ ETF sinh lời tốt hơn thị trường, vì họ đơn giản không mua cổ phiếu rủi ro cao, cổ phiếu rác hay cổ phiếu penny (trà đá), nên có thể sinh lời 30%/3 năm, tức là 10%/năm, cao hơn ngân hàng. Hơn nữa thứ bạn nắm là chứng chỉ quỹ, tức là tương ứng với danh mục mà quỹ đang đầu tư, bản chất chính là những cổ phiếu tốt, tức là bạn nắm TÀI SẢN TỐT không sợ lạm phát.
Thị trường về được giá cũ nghĩa là nó còn lên, vì đã tới lúc nó lên thì nó sẽ còn lên nữa, do đà hưng phấn và cũng có thể do chu kỳ kinh tế. Nghĩa là bạn đã lời 10%/năm dù thị trường mới về đỉnh cũ, nhưng một vài năm sau đó bạn có thể lãi khủng hơn nữa.
Đây chính là lợi thế của những cô nàng văn phòng (OL = office lady) chỉ chuyên làm đẹp, ăn vặt, không biết gì, và cũng chẳng muốn biết gì về thị trường!
Nhưng mà cũng chính dân văn phòng mà lấy tiền đi mua bán cổ phiếu thì thường lại ăn quả đắng hoặc bom nổ bên tai, thua lỗ thảm hại và lập lời thề máu tránh xa sòng bạc chứng khoán!
Đôi khi người ta bảo, ngu si hưởng thái bình là như thế. Chúng ta không thể nào tự tin được, nhất là khi chẳng học hành gì mấy.
Trong ngu có khôn, và trong khôn có ngu. Ngu quá hóa khôn và khôn quá hóa ngu. Cũng như trong sướng có khổ, trong khổ có sướng, sướng quá hóa khổ và khổ quá hóa sướng thôi.
Tôi không đầu tư quỹ nên tôi có thể thoải mái phím quỹ vì không XUNG ĐỘT LỢI ÍCH gì cả. Với lại cũng phải giúp các chuyên gia quỹ tư lợi để sống theo cách sa ngã nhất có thể, để có tinh thần thoải mái mà chăm lo cho quyền lợi của cổ đông chứ.
Đến đây thì chắc các bạn cũng thắc mắc kiến thức nằm ở đâu? Tôi mới chỉ chém gió vì đam mê thôi, dưới đây cũng phải học hành một tí, đoạn này thì tôi chép từ trong vở ra. Cố gắng để không bị hôn mê nhé.
Kiến thức về doanh nghiệp và chọn cổ phiếu
5 chỉ số tài chính chủ yếu:
- ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu)
- Tỉ lệ tăng trưởng vốn chủ sở hữu
- Tỉ lệ tăng trưởng doanh thu
- Tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế
- Tỉ lệ tăng trưởng EPS (lợi nhuận trên 1 cổ)
Doanh nghiệp tốt là doanh nghiệp có tất cả các chỉ số trên 10%/năm trở lên.
Doanh nghiệp nên có lợi thế cạnh tranh, theo kiểu:
- Lợi nhuận gộp / Doanh thu = 20 ~ 40%
- Chi phí bán hàng + quản lý doanh nghiệp = 30 ~ 80%
- Chi phí lãi vay < 10%
- Lợi nhuận sau thuế / Doanh thu >= 20%
Margin of Safety thực ra là một trong 5 chữ M để đánh giá doanh nghiệp có tốt hay không:
- Meaning = Ý nghĩa (xã hội)
- Moat = Lợi thế cạnh tranh (con hào kinh tế)
- Management = Quản lý (ban lãnh đạo)
- Margin of Safety = Biên độ an toàn
- Mua và bán = Canh thời điểm mua và bán
Moat = Lợi thế cạnh tranh tức là doanh nghiệp đầu ngành, hay hoạt động trong lĩnh vực cần vốn lớn không bị các doanh nghiệp khác cạnh tranh kéo biên lợi nhuận xuống vv.
Mua và bán là cái mà ai đó bịa thêm, tức là phải nhìn được đồ thị để xác định được giá rẻ để mua vào, hay giá tốt để bán ra, và đồ thị thì nhan nhản trên các hệ thống mua bán chứng khoán hay trên trang tổng hợp như Trading View, thường là phải học thêm về các đường MACD, MA (trung bình động), Stochastic. Ví dụ bạn dùng bộ các đường phân tích (MA, MACD, RSI, DMI) hay phân tích mây mưa theo phong cách JAV của người Nhật mà người ta gọi là "mây Ichimoku" gì đó (Ichimoku tiếng Nhật là 一目 (nhất mục), tức là "nhìn phát là biết", chắc là nhìn phát là biết ngay là biến thái). Dù bạn có học hay không thì cũng nên nhớ rằng, nếu không đầu tư thì mây mù phủ bóng cuộc đời vì nhân dân sẽ bị bần cùng hóa bằng cách in tiền để phục vụ cho chính sách "bần dân dễ trị". Chẳng có gì để mà ăn trong cuộc đời này cả. Muốn kiếm tiền thì phải có kiến thức, hoặc ít ra, lợi dụng kiến thức của các chuyên gia tư lợi và đáng kính, còn nếu muốn thành công thì phải có TƯ DUY ĐÚNG ĐẮN rồi đầu tư theo phương pháp vô sản. Chém đến đây thì hết gió rồi.
Mark
No comments:
Post a Comment