Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Friday, June 24, 2016

Vì sao các bạn thực tập sinh (tu nghiệp sinh) khó quay lại Nhật Bản?

Lần trước tôi có simulation thu nhập trong 3 năm thực tập sinh (trước đây gọi là tu nghiệp sinh) tại Nhật. Đây chỉ là để tham khảo không phải là thông tin đã kiểm chứng hay đảm bảo tính chính xác, ngoài ra, thu nhập của các bạn thực tập sinh (TTS) cũng rất khác nhau tùy công ty và địa phương các bạn làm việc.

Đa số các bạn TTS sau khi về nước đều muốn quay lại Nhật du học hoặc quay lại thực tập tiếp.

Đây là lý do hoàn toàn hợp lý (reasonable) và tôi cũng mong các bạn có năng lực học tập, tiếng Nhật khá (N3 trở lên) có thể quay lại học tập. Tuy nhiên, việc quay lại Nhật Bản không dễ dàng nếu bạn đã từng đi thực tập tại Nhật.

Ghi chú: Các bạn thực tập sinh chỉ đi 1 năm thường quay lại dễ dàng hơn so với các bạn đã thực tập 3 năm (tham khảo điều kiện tiếng Nhật để du học tự túc Nhật Bản).

"LÝ DO DANH NGHĨA" VÀ "BẢN CHẤT THẬT SỰ"

Các bạn sang Nhật với danh nghĩa là 実習生 jisshusei [thực tập sinh] (trước đây là 研修生 kenshusei [nghiên tu sinh]). Nghĩa của từ này là "người học việc, người thực tập". Các bạn sang Nhật để THỰC TẬP về nghề mà các bạn đang làm. Mục đích của việc thực tập là để có kỹ năng về đóng góp cho sự phát triển các ngành công nghiệp nước nhà.

Nói cách khác, các bạn là CÔNG NHÂN KỸ THUẬT được gửi sang Nhật thực tập nghề và về truyền lại nghề cho công nhân, kỹ thuật viên trong nước để giúp đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Lý do danh nghĩa được gọi là 建前 TATEMAE.

Nhưng không nhiều bạn biết TATEMAE này. Khi tôi hỏi "mục đích việc thực tập tại Nhật" là gì các bạn ít khi trả lời đúng mà thường trả lời là "để kiếm tiền". Tức là trả lời theo "bản chất thật sự" = HONNE.


Các bạn nghĩ rằng đây là đi làm việc kiếm tiền, là xuất khẩu lao động. Có thể đây là mục đích của nhiều bạn (đa số?) nhưng không phải là mục đích danh nghĩa ban đầu của chế độ thực tập sinh Nhật Bản (tiếng Nhật là 実習生制度 jusshusei seido [thực tập sinh chế độ]). Nếu vẫn giữ suy nghĩ này mà làm hồ sơ quay lại Nhật (du học, thực tập, ...) thì gần như chắc chắn sẽ trượt hồ sơ.

Vì hồ sơ lần trước có ghi là bạn sang Nhật để thực tập nghề rồi quay về truyền dạy lại nhằm giúp người  khác tiếp cận được kỹ thuật của Nhật Bản.

BẠN LÀM HỒ SƠ ĐI THỰC TẬP NHƯ THẾ NÀO

Thông thường bạn phải tốt nghiệp cấp 3 tức là có khả năng học nghề. Có bạn đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng cũng đi thực tập. Phải có một công ty (về kỹ thuật) tại Việt Nam phái cử bạn đi để thực tập bên Nhật. Vì thế, trong các bộ hồ sơ các bạn thường làm 6 tháng ~ 2 năm tại một công ty kỹ thuật nào đó. Vì có một số bạn chỉ muốn đi Nhật nên thậm chí còn chưa làm ở công ty nào nhưng về mặt hồ sơ thì phải có công ty phái cử đi và hồ sơ của bạn được hợp thức hóa theo cách này.

Sau đó, bạn phải tập trung học tiếng Nhật, chủ yếu là giao tiếp công việc (hầu như không học ngữ pháp hay hán tự mà chủ yếu học hội thoại đơn giản) một thời gian nhất định, khi có suất thì sẽ đi. Bạn phải trả tiền làm hồ sơ, tiền đặt cọc, v.v.. để đảm bảo bạn không trốn ra ngoài làm khi sang tới Nhật.

Bạn sẽ làm công việc trong 1 nhà máy trong 3 năm, nhận tiền hàng tháng (gọi là trợ cấp nhưng hiện nay vẫn theo quy định lương tối thiểu của Nhật Bản - trước đây thì chỉ khoảng 50% hay 2/3). Thường là năm sau cao hơn năm trước. Trong thời gian này để có tư cách thực tập sinh thì bạn phải thi kỳ thi gọi là "kỳ thi kỹ năng" (技能試験 ginou shiken [kỹ năng thí nghiệm]). Chưa thấy ai trượt kỳ thi này.

Khi kết thúc thì nghiệp đoàn (JITCO) sẽ cấp chứng nhận cho bạn kết thúc khóa tu nghiệp. Đồng thời khi về nước bạn nhận lại tiền cọc (hoặc một phần tiền cọc trừ chi phí) và biên bản thanh lý hợp đồng.

Bạn phải nhớ kỹ và có bản sao hồ sơ đi thực tập sinh Nhật Bản để làm hồ sơ nhất quán.

SAU KHI VỀ NƯỚC

Vấn đề xảy ra với bạn là lúc sau khi về nước. Bạn muốn lập tức quay lại Nhật là chuyện đương nhiên. Bởi vì thực sự thì với kỹ năng bạn học được (nếu thực sự bạn có học được) và tiếng Nhật thì xin việc trong nước không dễ. Nếu bạn quay lại công việc trước đây (mà thực tế là nhiều bạn còn chưa làm ngày nào chỉ hợp thức hóa giấy tờ) thì lương sẽ như trước đây. Lúc này bạn vẫn có tài chính trong tay nên muốn quay lại Nhật du học. Hoặc thậm chí quay lại Nhật làm thực tập sinh tiếp. Lúc này mới phát sinh rắc rối về việc quay lại.

LÀM SAO QUAY LẠI NHẬT DU HỌC?

Như tôi đã nói về TATEMAE và HONNE ở trên: Thực chất là bạn đi kiếm tiền nhưng danh nghĩa là đi thực tập về giúp nước nhà. Trước đây thì tên gọi là 研修生 kenshusei nhưng thực chất thì chỉ làm việc mà không đào tạo (研修 kenshu nghĩa là đào tạo) nên đổi thành "thực tập sinh" tức là "người thực tập". Như vậy thì công ty Nhật không có trách nhiệm đào tạo bạn mà chỉ cần cung cấp chỗ làm để bạn thực tập. Hơn nữa, bạn được trả công theo quy định tiền lương tối thiểu tại Nhật.

Vì vướng phải TATEMAE này nên khi nào bạn nộp hồ sơ quay lại Nhật thì cục Nhật Bản sẽ hỏi: Bạn đã hoàn thành nhiệm vụ (sứ mệnh) truyền đạt kinh nghiệm học được ở Nhật để giúp đất nước chưa.

Vì vướng TATEMAE này nên các bạn khó quay lại Nhật dù để du học hay thực tập tiếp.

Làm sao để vượt qua rào cản này thì bạn cần có LÝ DO HỢP LÝ. Vì thế, cần phải làm hồ sơ cẩn thận. Để có lý do hợp lý, bạn cũng cần phải về nước được một thời gian nhất định, khoảng 1 năm tính tới thời điểm quay lại Nhật (nếu bạn đi thực tập sinh 3 năm) trước khi đi du học. Cũng có bạn về và đi được luôn nhưng cục sẽ xét rất khó và còn tùy cục xuất nhập cảnh (Nyukan) nào nữa.

1 năm ở đây là tính từ thời điểm bạn về (ví dụ tháng 3/2016) và thời điểm bạn định du học (ví dụ 4/2017).

Bạn cũng cần tìm trường nhận hồ sơ và phải tìm được nơi du học mà cục Nyukan dễ duyệt hồ sơ nữa. Nếu bạn nộp hồ sơ vào nơi có nhiều du học sinh đăng ký du học thì hồ sơ của bạn luôn được xếp dưới cùng. Cục sẽ nhận hết hồ sơ các bạn đi du học lần đầu rồi mới xét hồ sơ của bạn, vì thế, khả năng đậu hồ sơ không cao.

Nếu bạn muốn tư vấn kỹ hơn thì hãy đảm bảo bạn có tiếng Nhật đủ để du học và đăng ký tư vấn tại Saromalang.

Có nhiều bạn tu nghiệp đã quay lại Nhật du học được. Cơ hội luôn có đối với bạn nếu bạn nỗ lực hợp lý và làm hồ sơ một cách khôn ngoan. Đặc biệt nếu bạn có bằng đại học, cao đẳng thì thường dễ dàng quay lại Nhật du học hơn.

Chúc các bạn thực hiện được ước mơ du học Nhật Bản của mình!
(C) Saromalang

No comments:

Post a Comment