Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Wednesday, June 8, 2016

Thế nào là văn hóa cảm ơn?

Chuyên đề văn hóa Nhật Bản - Mark's message

Thế nào là văn hóa cảm ơn (và văn hóa xin lỗi)?

Vì sao có dân tộc có văn hóa cảm ơn, còn dân tộc khác thì không? Và vì thế, vì sao có dân tộc giàu và văn minh, lại có dân tộc nghèo và không văn minh?

Khi ai làm gì đó cho chúng ta thì chúng ta sẽ cảm ơn họ: Thanks! Thank you! ありがとうございます (Arigatou gozaimasu) / ありがとうございました (Arigatou gozaimashita) / 有難う! (Arigatou = Alligator) / Спасибо (Spasibo) / Gracias / Grazie / 謝謝 (Xièxie) / Cảm ơn (感恩) / 감사합니다 (Gamsahamnida 感謝합니다) / Dankon ....

Nếu có ai cho bạn 1 cái máy tính cũ thì bạn cảm ơn họ.
Nếu có ai cho bạn 1 triệu đô la thì bạn kiểm tra xem có phải tiền thật không, sau đó cảm ơn họ.
Ở nhiều nước, con cái phải biết ơn cha mẹ vì cha mẹ cho họ ăn.

Về cơ bản, nếu có ai đó làm gì tốt cho bạn và khiến bạn cảm kích thì:

ありがとう!
Alligator!

Chỉ với người vai vế kém bạn. Với người vai vế cao hơn bạn thì phải nói thế này: ありがとうございます! Arigatou gozaimasu.

Nhưng đó không phải là văn hóa cảm ơn. Không phải là văn hóa cảm ơn mà tôi biết. Trong cuộc đời, tôi cảm ơn những người chẳng đem lại lợi ích gì trực tiếp cho tôi cả. Đây mới là văn hóa cảm ơn:


お疲れ様でした "Otsukaresama deshita" là "Cảm ơn vì bạn đã làm tốt việc của bạn / Cảm ơn vì bạn đã làm việc mà bạn phải làm / Cảm ơn vì bạn đã làm việc của bạn". Câu này không phải cảm ơn vì ai đó làm lợi (trực tiếp) cho bạn, mà cảm ơn vì họ đã làm hết trách nhiệm với công việc, nhiệm vụ của họ. Trong cuộc sống, tôi cảm ơn những người làm đúng trách nhiệm của họ dù đó là nhiệm vụ hay công việc của họ.

Ví dụ, khi vào nhà hàng, nếu nhân viên làm tốt thì bạn cảm ơn họ. Bạn đi mua hàng thì bạn cảm ơn người bán hàng. Không phải bạn trả tiền thì bạn là thượng đế hay đứng trên khách hàng (trừ khi bạn là nô lệ của đồng tiền).

Cấp trên cảm ơn cấp dưới vì cấp dưới làm tốt công việc mà họ giao. Ở Nhật, khi mọi người cùng nhau thực hiện xong một công việc, một dự án thì họ sẽ nói với nhau là:

お疲れ様でした
Otsukaresama deshita
Cảm ơn vì bạn đã làm công việc của bạn

Nếu bạn học đại học tại Nhật thầy giáo cũng cảm ơn học sinh sau khi kết thúc một dự án hay công việc nào đó. Khi người trên nói với người dưới thì họ thường nói là:

お疲れさん!
Otsukaresan!

Vậy "tsukare" là gì mà sao lắm "anh chừ ca rê" và "chị chừ ca rê" thế? ^^
Trong tiếng Nhật thì 疲れる tsukareru có nghĩa là "mệt mỏi" (động từ) ví dụ "Tớ mệt rồi" là "Tsukareta". Danh từ của tsukareru là 疲れ tsukare. Thêm お "o" là lịch sự. "さん" là gọi người đối diện lịch sự ("anh/chị ...") và 様 (sama) gọi một cách kính trọng (hơn cả "san").

Người Nhật cũng dùng:

ご苦労様でした!
Gokurousama deshita!
Cảm ơn bạn đã vất vả (làm công việc của bạn)

苦労 kurou [khổ lao] là sự khổ cực lao động, ご là lịch sự (dùng ご thay vì お vì đây là từ gốc hán).

Nếu là cấp trên nói với cấp dưới thì:

ご苦労さん!
Gokurousan!
Cảm ơn bạn đã vất vả làm việc!

Bạn phải làm tốt công việc của bạn

Nếu bạn không làm tốt công việc của bạn, bạn sẽ làm phiền người khác. Vì thế, bạn không đáng tin và không có nền tảng đạo đức tốt. Nếu bạn hứa lèo (hứa mà không làm), bạn là kẻ gian dối. Nếu đến thời hạn giao hàng mà bạn không giao, đối tác sẽ gặp rắc rối và thiệt hại tài chính. Nếu muốn xã hội vận hành trơn tru và mọi người làm việc thuận lợi, bạn cần làm tốt công việc của mình.

Nếu bạn là cảnh sát, bạn phải trấn áp tội phạm và bảo vệ người dân. Xử lý vấn đề của người dân chứ không phải xử lý người dân bằng các thủ tục hành chính.

Nếu bạn là công chức, bạn phải có ý thức trách nhiệm và ở đó để giúp đỡ người dân, không phải gây khó, nạt nộ họ.

Nếu không làm tốt công việc thì bạn nên nghỉ việc và làm việc khác. Vì nếu bạn làm không tốt thì người khác sẽ tốn thời gian, tiền bạc, sinh mệnh của họ.

Nếu bạn kinh doanh, bạn phải đảm bảo sản phẩm, dịch vụ đúng như cam kết. Nếu không, bạn sẽ làm hỏng kế hoạch của khách hàng và làm ảnh hưởng cuộc sống của họ.

Nếu bạn làm ăn với đối tác, bạn phải giao hàng đúng thời hạn bằng mọi giá. Giao hàng muộn thì mọi kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đối tác sẽ bị đình đốn. Họ thậm chí bị phá sản nếu bị phạt hợp đồng với khách hàng của họ.

Nếu bạn làm lãnh đạo, bạn phải đề ra phương châm để đưa cả tập thể đi lên chứ không phải chạy đôn đáo giải quyết những vấn đề nho nhỏ phát sinh ngày càng nhiều hơn do hệ thống của bạn lương thấp và không làm việc. Bạn cần tạo ra hệ thống để cấp dưới có thể làm việc vui vẻ, lương cao thay vì suốt ngày đi la mắng họ.

Ở Nhật, bạn được tôn trọng và được cảm ơn vì làm tốt công việc của bạn chứ không phải do bạn đem lợi gì cho người khác. Đây mới là văn hóa cám ơn, thứ mà bạn sẽ hiểu ra khi đi du học Nhật (hi vọng vậy ^^).

Văn hóa không cảm ơn

Ở những nơi theo chủ nghĩa tư lợi thì người ta cũng cám ơn, chỉ khi được lợi lộc từ người khác. Vì người ta được dạy văn hóa tư lợi từ nhỏ: Việc có lợi mới làm, ai có lợi mới chơi. Tuyệt đối không làm lợi cho người khác. Trong mối quan hệ phải có lợi mới duy trì. Hai người bất kỳ không ai chịu thiệt nên cuối cùng chẳng ai giúp người khác. Những nơi như thế, người ta không làm tốt công việc mà mình phải làm. Vì làm việc thì lại chỉ có lợi cho người khác.

Cảnh sát không bắt trộm cắp (chẳng được gì lại nguy hiểm).
Công chức không giúp đỡ người dân (nhiệt tình thì lại bị dân lười nhờ vả thường xuyên).
Nhân viên công ty làm không hết trách nhiệm (vì có làm tốt chắc gì lương tăng mà có khi kẻ khác lại hưởng nhất là những vị sếp khó chịu thích bóc lột nhân viên).
Nhân viên quốc doanh tuyệt đối chỉ tìm cách tư lợi vì có làm tốt cũng chẳng ai đánh giá cao, chẳng tăng lương thậm chí người dân cũng chẳng thèm cảm ơn họ luôn.
Ngay cả người ăn xin cũng không bao giờ cảm ơn khi nhận bố thí: Họ coi việc đó là đương nhiên, họ là nạn nhân và các bạn nên có nghĩa vụ với họ. Cho ít họ còn chửi vào mặt bạn ý chứ.

Nhưng ở nền văn hóa như thế, con cái vẫn được huấn luyện (thông qua sự trừng phạt) để biết ơn cha mẹ, biết ơn thầy cô, biết ơn những người đã ngã xuống, v.v.... Vậy sao có thể nói đây là văn hóa không cảm ơn?

Bạn nên biết ơn cha mẹ nếu cha mẹ làm tốt công việc của mình. Tức là, nếu cha mẹ nuôi dạy bạn thành một người đàng hoàng, năng lực cao, học vấn cao và sống hạnh phúc.

Bạn nên cảm ơn thầy cô nếu thầy cô làm tốt công việc của mình, giúp bạn có giáo dục tốt, sống cuộc sống tốt, sung túc.

Bạn nên cám ơn những người đã ngã xuống để bạn khi bước chân ra nước ngoài được tôn trọng, được chào đón. Vì bạn là công dân của một nước có phẩm cách, danh dự và lòng tự trọng: Lãnh đạo và người dân không bao giờ ngửa tay ăn xin, không bao giờ làm việc đáng xấu hổ, không tham nhũng, ăn cắp.

Tức là, nếu mọi người làm tốt công việc của họ thì bạn cảm ơn họ chứ sao. Chỉ có vấn đề nho nhỏ khi bạn cảm ơn những người không làm tốt công việc của họ thôi. Hơn nữa, nếu không biết ơn coi chừng bạn bị trừng phạt. Đời ngang trái lắm. Good luck!

Thông điệp của Mark

Văn hóa cảm ơn không bắt nguồn từ việc luôn miệng cảm ơn mà bắt nguồn từ việc không tư lợi và lòng tự trọng. Những thứ này bắt nguồn từ giáo dục gia đình. Bạn sẽ có văn hóa cảm ơn nếu bạn được giáo dục trong gia đình tốt để trở thành người có lòng tự trọng. Có lòng tự trọng nên bạn luôn làm tốt công việc của mình với ý thức trách nhiệm cao. Lòng tự trọng sẽ dẫn dắt bạn tới những công việc tốt, giúp ích cho người khác và vì thế, sẽ có niềm vui trong cuộc sống.

Văn hóa cảm ơn tuyệt đối không bắt nguồn từ việc luôn miệng nói lời cảm ơn nhưng không thật lòng (vì sớm muộn sẽ hết sớm thôi ^^). Bạn cần làm tốt công việc của bạn trước khi cảm ơn vì người khác làm tốt công việc của họ. Nếu bạn chỉ cảm ơn nhưng không làm việc đúng trách nhiệm thì cảm ơn để làm gì và tốt cho ai??

Bạn phải là người không tư lợi mới làm thế được vì làm tốt công việc nghĩa là làm lợi cho người khác: Giúp người khác sống tốt hơn, hạnh phúc hơn.

Luyện tập tiếng Nhật

No comments:

Post a Comment