Chào các bạn!
Trong bài này S hướng dẫn cách tính biên độ an toàn theo phương pháp 4M để tính ra giá mua vào cổ phiếu.
Bốn chữ M: Ý nghĩa (Meaning), Lợi thế cạnh tranh (Moat), Quản lý (Management), và Biên độ an toàn (Margin of Safety)
Doanh nghiệp tốt nhưng giá đã cao thì có nên mua không? Tất nhiên là không trừ phi bạn muốn đợi thật lâu, nhưng đợi không phải là giải pháp tốt vì có thể mỗi cổ phiếu của bạn không tăng giá còn các cổ phiếu khác tăng giá ầm ầm. Bạn đã bị lỡ cơ hội làm giàu chỉ vì quá yêu hay quá trung thành với một cổ phiếu nào đó.
Đây là lý do mà những người tư duy siêu hình thường thua lỗ khi đầu tư. Vì họ cơ bản chi tin doanh nghiệp quốc doanh, mà những doanh nghiệp này là chủ thể úp bô nhà đầu tư nhiều nhất. Tôi thấy nhiều người cứ mở ngân hàng là phải mở ở ngân hàng quốc doanh trong khi thủ tục rườm rà, lãi suất thấp. Tôi thì luôn chọn ngân hàng tư nhân và lãi suất cao nhất để gửi tiền.
Để tính giá MOS thì chúng ta sẽ phải tính được giá tương lai của cổ phiếu, dựa trên những dữ liệu hiện có, và tính ra xem nếu đầu tư 10 năm thì chúng ta có lời được ví dụ 15%/năm hay không. Với cổ phiếu thì chúng ta cũng sẽ thường đầu tư 10 năm, vì đầu tư giá trị nghĩa là phải tin tưởng vào sự trường tồn của doanh nghiệp thay vì chỉ lướt sóng. Tất nhiên là bạn không phải giữ hẳn 10 năm, mà đây là TẦM NHÌN thôi.
- Số năm: Y = 10 năm
- Lợi nhuận mong muốn (tối thiểu) một năm: Profit_min = 15%
- Tỷ lệ tăng trưởng của doanh nghiệp: G, ví dụ 20%
- EPS 12 tháng gần nhất: EPS_12mon (gọi là EPS(TTM) = Trailing Twelve Months)
- P/E trong tương lai (mức cao nhất của P/E) mà doanh nghiệp có thể đạt tới: PE_future
Như vậy, chúng ta có EPS hiện tại là EPS_12mon và chúng ta phải ĐOÁN được PE_future (đây là con số chủ quan, ví dụ có một phương pháp định giá là PEG lấy P/E chia cho tăng trưởng G, nếu PEG < 1 thì đáng mua, nên có thể lấy tạm PE_future = G cũng được).
Từ đó, chúng ta tính ra giá tương lai mà thị trường chấp nhận cho cổ phiếu này là:
Price_future = EPS_12mon * PE_future
Nhưng giá tương lai này sẽ tăng lên theo EPS vì EPS cũng đang tăng trưởng do doanh nghiệp tăng trưởng với tốc độ G, nên sau Y = 10 năm thì nó sẽ là EPS_12mon * (1 + G)^Y.
Do đó, giá cổ phiếu có thể đạt tới mức độ tốt nhất là EPS_12mon * PE_future * (1 + G)^Y.
Tất nhiên là chúng ta KỲ VỌNG sau 10 năm nó đạt được thế.
Nhưng mà tiền vốn bỏ ra lúc này thì sau 10 năm chúng ta YÊU CẦU nó phải tăng trưởng Profit_min = 15%/năm, nên tiền lúc này sau Y năm sẽ có giá vốn tăng lên (1 + Profit_min)^Y lần.
Bạn có thể tham khảo phương pháp dòng tiền chiết khấu. Nói nôm na thì tiền đang có trong tay lúc này chỉ nên đầu tư nếu tương lai nó tạo ra đồng tiền lớn hơn, và theo quan điểm cá nhân của tôi, nếu không sinh lời được 15%/năm thì thất bại. Nghĩa là sau 5 năm nó phải tăng gấp đôi (theo quy tắc 72 thì 72/15 = 5, nên sau 5 năm sẽ tăng hai lần). Nếu có ai vay tiền tôi lúc này hẹn 5 năm trả, họ phải trả tôi gấp đôi tôi mới cho vay. Hoặc nếu mua đất đầu tư tầm 5 năm, nó phải tăng gấp đôi trong thời gian dưới 5 năm tôi mới bỏ vốn ra.
Phương trình đầu tư giá trị sau 10 năm là:
Price_to_buy * (1 + Profit_min)^Y = EPS_12mon * PE_future * (1 + G)^Y
Price_to_buy là giá đúng nên mua lúc này.
Do đó: Price_to_buy = EPS_12mon * PE_future * ((1 + G)/(1 + Profit_min))^Y
Còn giá mua theo biên độ an toàn là MOS = Price_now / 2.
Vì sao lại lấy nửa giá nên mua thôi? Vì thị trường chứng khoán là thị trường của niềm tin, tâm lý, tin đồn vv. Nó có thể dễ dàng mất tới nửa giá trị. Thông thường, sự kiện thiên nga đen sẽ làm mất giá 20 ~ 30% giá trị, lòng tham dùng đòn bẩy và nỗi sợ hãi làm nốt phần còn lại và cổ phiếu giảm 40~ 50% giá trị là bình thường. Nó không giống bất động sản tí nào.
Tôi ví dụ, doanh nghiệp tăng trưởng 20%/năm (thường là tính trên vốn chủ sở hữu, lợi nhuận sau thuế vv, và lấy con số thận trọng hơn tức là thấp hơn, và thường tính trong thời gian 1 năm vừa rồi, 5 năm, 10 năm, lại lấy con số thận trọng nhất). G = 20%.
EPS_12mon = 5k.
PE_future thì chúng ta lấy bằng G, tức là PE_future = 20.
Còn lợi nhuận tối thiểu chấp nhận được thì đương nhiên là 15% rồi: Profit_min = 15%.
Thời gian để tính (chúng ta là nhà đầu tư giá trị và đầu tư lâu dài) Y = 10 năm.
Do đó: Price_to_buy = 5 * 20 * (1 + 0.2)^10/(1 + 0.15)^10 = 153k.
Từ đó tính ra MOS = 153/2 = 76.5.
Nếu giá hiện tại trên thị trường cổ phiếu bằng hoặc thấp hơn giá này thì mua vào.
Phương pháp tính P/E tương lai
Cách định giá trên nghe thì "có vẻ" khoa học nhưng thực tế lại khá chủ quan. Chủ quan là vì P/E tương lai chỉ là thứ chúng ta bịa ra mà thôi. Có căn cứ gì không? Ví dụ ở Mỹ P/E có thể lên tới 100 hoặc hơn, tức là nếu lợi nhuận không đổi thì mất tới 100 năm mới hoàn vốn.
Ví dụ hãng xe điện Trái Đất ở Mỹ có P/E lên tới hơn 1100! Nhưng dù sao, đây là doanh nghiệp tăng trưởng mạnh và kỳ vọng sẽ chiếm lĩnh thị phần xe điện toàn thế giới, nên chỉ cần lợi nhuận nó tăng 100 lần là chỉ còn 11, mà ở Mỹ, 11 cho doanh nghiệp tăng trưởng là quá rẻ.
Trong bài toán trên, chúng ta có vẻ hơi lạc quan khi cho rằng P/E tương lai có thể đạt tới 20, bằng tốc độ tăng trưởng G của doanh nghiệp.
Nếu đó là một ngành chu kỳ ví dụ ngành tài nguyên cơ bản thì sao? Ngành chu kỳ không phải là ngành được mọi người ưa thích, nên P/E sẽ không thể quá cao.
Thông thường, với ngành chu kỳ, P/E chỉ vào khoảng 5 ~ 10. Tức là tương lai nó chỉ lên tới 10 là cùng.
Nhưng hiện tại, doanh nghiệp nói trên có thể đạt tới P/E = 15 rồi. Và tôi có nói rằng hiện tại thì thị trường đang phân phối đỉnh, nghĩa là nó đang ở đỉnh.
Như vậy, tôi đoán là với ngành chu kỳ thì nên dự đoán P/E tương lai trung dung giữa tốc độ tăng trưởng và P/E của ngành chu kỳ là 10, tức là:
PE_future = (20 + 10)/2 = 15.
Price_to_buy = 5 * 15 * (1 + 0.2)^10/(1 + 0.15)^10 = 115k.
MOS = 115/2 = 57.5k.
Vấn đề là P/E tương lai sẽ là bao nhiêu không phải là do chúng ta muốn mà được, mà là do mọi người sẵn sàng trả giá bao nhiêu cho nó, dựa trên niềm tin vào sự báo đáp của nó, dựa vào sự yêu thích ngành nghề hay doanh nghiệp đó vv.
Trong sách học về 4M thì thường tính P/E tương lai dựa trên P/E quá khứ xem trong quá khứ người ta sẵn sàng trả giá bao nhiêu cho nó. Ví dụ trong quá khứ có lúc nó lên tới 30 thì chúng ta có thể dự đoán tương lai cũng sẽ có người sẵn sàng trả giá P/E = 30 tức là mua cổ phiếu với giá gấp 30 lần lợi nhuận của nó.
Thường chỉ các doanh nghiệp đầu ngành và là cổ phiếu quốc dân mới được như thế.
Hoặc người Mỹ sẽ sẵn sàng trả P/E = 2 * G cho doanh nghiệp tăng trưởng. Ví dụ doanh nghiệp tăng trưởng 30%/năm, thì P/E tương lai có thể dự đoán đạt tới 60 (với điều kiện là doanh nghiệp tăng trưởng ổn định 30%/năm trong ít nhất 5 năm chẳng hạn).
Nhưng đấy là ở Mỹ, khi họ kiếm tiền được từ toàn cầu nhờ toàn cầu hóa và đổ hết số tiền này vào chứng khoán. Họ là nước bán giấy (trái phiếu chính phủ) vay nợ về xài và tiền này cũng đổ vào chứng khoán.
Nước ta không được như thế, vì thị trường chứng khoán nước ta là loại sơ khai mà thôi. Nên P/E tương lai bằng hoặc thấp hơn tốc độ tăng trưởng là hợp lý. Vì doanh nghiệp trong nước còn không chắc tồn tại được tới 10 năm!
Ngoài ra, nếu bạn đọc các phân tích tài chính của các chuyên gia của các công ty chứng khoán, vì sao thị trường nước ta hấp dẫn? Vì P/E của ta mới được 16, trong khi Thái Lan là 18 chẳng hạn.
Với thị trường nhỏ, không ổn định, lái thao túng cổ phiếu quá nhiều và thiếu minh bạch, thì GIÁ RẺ mới là lợi thế thu hút dòng tiền, nhất là tiền của quỹ đầu tư quốc tế.
Do đó, chúng ta nên tham khảo cả P/E mà các chuyên gia hay quỹ quốc tế nghĩ là hấp dẫn, chứ không thể cứ thấy doanh nghiệp tăng trưởng 30% là lấy P/E tương lai là 30 được. Hãy lấy một mức giá hấp dẫn, ví dụ 15 là giá khá chắc ăn để đạt được.
Còn lạc quan hơn (ví dụ ngành đang lên, doanh nghiệp đang thực sự tăng trưởng mạnh mẽ và hưởng lợi từ chính sách vv) thì có thể cộng thêm alpha vào, ví dụ lấy P/E tương lai là 18 hay 20 chẳng hạn.
Chúng ta cũng có thể so sánh với doanh nghiệp đầu ngành khác. Ví dụ có doanh nghiệp từng là cổ phiếu quốc dân đạt tới P/E là 20 hay 25, và nếu đây cũng là cổ phiếu quốc dân tương lai thì có thể lấy P/E tương lai bằng như thế.
Hoàn toàn là chủ quan thôi. Nhưng nếu chúng ta chịu khó đọc các phân tích tài chính, chúng ta có thể ĐOÁN ĐƯỢC mức P/E mà mọi người sẵn sàng trả để sở hữu cổ phiếu.
Làm gì nếu P/E hiện tại đã quá cao?
Khi thị trường quá hồ hởi và đã tăng liên tục trong một thời gian dài, ví dụ tăng 40 ~ 100%, thì hẳn là P/E đã quá cao. Nếu thị trường vẫn hồ hởi thì P/E còn tăng cao hơn nữa. Nhưng nếu có sự sụp đổ (ví dụ có sự kiện thiên nga đen làm sụp đổ thị trường), P/E có thể giảm mạnh và bạn có thể đu đỉnh.
Tôi không nghĩ là chúng ta nên đu theo thị trường để mua. Trừ phi bạn mua cổ phiếu tốt từ giá hời (từ một biến cố thiên nga đen nào đó), và có thể mua trung bình giá lên mà giá chung vẫn dưới MOS, thì bạn có thể mua vào.
P/E lúc này cao không có nghĩa là tương lai nó cũng sẽ tiếp tục cao. Đặc biệt với thị trường sơ khai và chỉ hấp dẫn quỹ ngoại nhờ định giá rẻ, tức là P/E thấp hơn các nước trong khu vực.
Ngoài ra, nếu giá đã cao và thị trường đã đỉnh, lý do gì để mua vào? Nó sẽ lình xình ở đỉnh trước khi điều chỉnh về giá rẻ hơn. Như vậy, mua lúc này xác suất cổ phiếu giảm giá và bạn bị mất tiền là cao.
Thị trường ở đỉnh không có nghĩa là nó sẽ sụp. Trong trường hợp giá không bao giờ giảm xuống MOS, có lẽ bạn nên nghiên cứu lại xem có thể tăng P/E tương lai lên không. Vì nếu bạn so sánh với các doanh nghiệp 4M khác, có thể bạn thấy rằng P/E hiện tại vẫn thấp, nó có thể tăng thêm nữa. Nhờ điều chỉnh P/E tương lai cho đúng với thực tế thị trường và tâm lý của thị trường, bạn có thể tính ra một giá MOS hợp lý hơn.
Một cách khác nữa để mua là CHỜ ĐỢI. Chờ để EPS tăng lên do tăng trưởng và chờ thị trường điều chỉnh giảm.
Trong công thức trên, giá để mua tỉ lệ thuận với EPS_12mon tức là EPS 12 tháng gần nhất. Nếu doanh nghiệp đang tăng trưởng thì EPS cũng tăng trưởng, ví dụ G = 30% thì chúng ta kỳ vọng là sau 1 năm EPS tăng lên 30%, giá để mua sẽ tăng 30%, tức là giá MOS cũng thế. Mà thường thị trường chỉ ở đỉnh 2 ~ 6 tháng mà thôi, nên chắc chắn sẽ có lúc nó điều chỉnh. Và một khi nó giảm thì nó sẽ giảm rất mạnh mẽ, đồng thời với EPS tăng lên và giá MOS tăng lên, nên bạn chắc chắn có lúc sẽ mua được.
Dự đoán sự biến thiên của giá cổ phiếu
Tôi thường dự đoán giá cổ phiếu sẽ biến thiên trong khoảng [MOS, Price_future].
Trong ví dụ trên MOS = 57.5k.
Price_future = EPS_12mon * PE_future = 5 * 15 = 75k.
Như vậy, giá cổ phiếu tôi sẽ dự đoán là biến động trong khoảng [57.5, 75].
Ví dụ, giá hiện tại trên thị trường của cổ phiếu là 70k, thì tôi nghĩ là nó đã "khá cao". Do thấy đa số cổ phiếu đã đạt tới "giá tương lai" (cũng là thứ chủ quan do P/E tương lai là chủ quan) nhất là cổ phiếu blue chip, thì tôi cho rằng thị trường đã được định giá cao và đi tới đỉnh rồi.
Nếu giá cổ phiếu là 70k và giá tương lai là 75k, liệu tôi có nên vào không?
Nếu vào và giá nó lên 75k, tôi thu lời tầm 7%, nhưng nếu nó điều chỉnh về giá 57.5k thì tôi có thể mất tới gần 20%, tức là mất gấp 3 so với tiền lời có thể thu được (do đếm của trong lỗ). Từ đó thấy là rủi ro mất tiền quá cao, và nhiều khả năng là mất tiền do đu đỉnh.
Đây không phải là mức giá nên vào trừ phi bạn rất rành về PHÂN TÍCH KỸ THUẬT (Technical Analysis hay phân tích TA) để có thể lướt sóng ngắn hạn.
Dù sao thì tôi không bao giờ lướt sóng ở giá gần đỉnh như thế. Nếu lướt thì tôi lướt ở gần mức giá MOS và có nhiều cổ phiếu mà MOS và giá tương lai nằm sát nhau, vì thế lướt sóng an toàn hơn nhiều vì nó chỉ là sóng nhỏ, bất kỳ ai cũng có thể lướt và kiếm lời lớn hơn gửi tiết kiệm ngân hàng khá nhiều. Cụ thể là 2 ~ 4% cho chu kỳ 1 tuần, 2 tuần, 4 tuần, 8 tuần cho tới khi thị trường bắt đầu xu hướng mới tăng hoặc giảm.
Bạn nên đọc sách thêm về phương pháp 4M và cách tính. Trong bài này tôi hướng dẫn bạn sơ qua để bạn có thể thực chiến được ngay, còn học tập thì có thể bổ sung sau. Hi vọng là bạn có thể chống được bần cùng hóa và tương lai có thể về hưu điền viên.
Người Tù Vĩnh Cửu
Quá hay, quá chi tiết,thanks bạn đã chia sẽ
ReplyDeleteCảm ơn người viết bài viết này. Thật quý giá!
ReplyDelete