Chào các bạn!
Trong hoàn cảnh toàn cầu hóa nô dịch đang cực thịnh như thế này, tôi nghĩ chúng ta chỉ nên tập trung vào tiết kiệm - đầu tư - app hẹn hò, đây là những cách đơn giản nhất để sống hạnh phúc rồi. Tuy nói vậy, đầu tư đâu phải là dễ? Nếu nó dễ thế thì rất nhiều người ham muốn làm giàu và có kinh nghiệm đầu tư 10, 20 năm hẳn là giàu cả rồi?
Đúng vậy! Ham muốn làm giàu thì chưa chắc đã giàu, vì trên thị trường lòng tham có thể khiến con người bị lái gài vào bẫy để úp bô. Gà, lợn sẽ bị đồ sát. Nó giống như nếu bạn vã quá mà lên app hẹn hò, có lẽ sẽ không thành công. Trong cuộc đời, để thành công thực sự cần sự TRƯỞNG THÀNH. Chúng ta cần phải dấn thân trải nghiệm và giác ngộ về cuộc đời. Vừa thực hành nhưng đôi khi cũng phải chịu khó "chuyết" hay nghe chuyết một tí.
Tôi nghĩ TIẾT KIỆM mới là nền tảng của cuộc đời. Thực ra, con người đã học cách tiết kiệm hàng triệu năm. Còn việc LÀM GIÀU là mới đây, chủ yếu được thúc đẩy bởi phức cảm tự ti người nghèo trong chủ nghĩa tư bản. Khởi đầu của việc này là sách "Nghĩ giàu và mọc giàu". Lý do là vì chủ nghĩa tư bản tạo ra sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc, bằng cách sử dụng vốn vay lớn tạo ra các nhu cầu mới, thúc đẩy CHỦ NGHĨA TIÊU DÙNG. Bạn cũng có thể làm thế: Vay tiền để kinh doanh. Nhưng trong thời đại toàn cầu hóa cực thịnh của tư bản, do tư bản và vì tư bản như thế này, bạn có thể phá sản bất kỳ lúc nào. Nếu bạn còn trẻ và chịu được rủi ro thì không sao. Tất nhiên là kinh doanh trong ngành nghề mình yêu thích hay có thế mạnh thì vẫn tuyệt vời, nhưng trong môi trường mọi người đang bị bần cùng hóa và sức mua kém thì không tốt chút nào.
TIẾT KIỆM là thứ duy nhất mà bạn có thể đảm bảo là sẽ thành công. Đầu tư hay app hẹn hò thì nó còn phụ thuộc người khác hay đối tác, nên không tự mình đảm bảo được. Lúc này, chúng ta phải trải nghiệm để giác ngộ chứ không có cách nào thành công sớm.
Thị trường của lái, do lái và vì lái
Bạn không được để mất tiền và phải hiểu được bản chất của thị trường. Nói cách khác, bạn phải hiểu được bản chất của những người đang tham gia cuộc chơi. Thị trường chỉ là một sòng bạc và trên đấy có rất nhiều tay cờ gian bạc lận cũng như các con bạc khát nước. Để có thể hiểu sâu sắc thì chúng ta chỉ có cách là QUAN SÁT VÀ ĐÀO SÂU SUY NGHĨ mỗi ngày. Và để cho dễ thì đừng bao giờ nghĩ thị trường chứng khoán là một thứ gì đó đặc biệt: Nó không khác gì thị trường bất động sản hay sòng bạc cả. Con người, tâm lý con người là những thứ bạn phải giác ngộ!
Nếu ngồi vào chiếu đánh bạc, bạn phải biết rõ những kẻ kia có đang thông đồng với nhau để chăn bạn hay không. Nếu biết rồi thì đừng ngồi vào. Bạn không được để mình mất tiền. Đây mới là điều quan trọng nhất, bất di bất dịch chứ không phải là làm giàu. Đây là lý do mà người rất ham muốn làm giàu chưa chắc đã giàu, thậm chí họ còn phá sản và ôm nợ. Bởi vì họ để lòng tham dẫn đường chỉ lối. Muốn làm giàu thì phải không để mất tiền trước đã, và để học cách không mất tiền thì bạn sẽ tốn tương đối nhiều thời gian. Khi bạn học được rồi, bạn có thể kiếm tiền thoải mái trên thị trường!
Đây gọi là: Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu.
App hẹn hò cũng vậy thôi. Hãy lên đấy và kiếm một người trong mộng như ý. Đừng để những người không đáng làm mất thời gian của bạn là được. Vì bọn này sẽ là chúa ỡm ờ và ẩm ương. Sẽ chẳng bao giờ thành công mà còn mất cả chì lẫn chài. Những mối quan hệ dưới chuẩn thực sự làm chúng ta mất mát rất nhiều thứ chứ không chỉ thời gian. Mà những mối quan hệ kiểu này lại chiếm đa số. Hãy DŨNG CẢM cắt bỏ ngay từ đầu nhé. Cắt lỗ phải kiên quyết vì "Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát".
Lái là ai và vì sao lái?
Lái, cũng tương tự như cò đất chuyên tạo sóng bất động sản, còn được gọi là người tạo lập thị trường, là những người tạo xu hướng, tạo sóng cho thị trường, để trục lợi cho bản thân. Họ thường là những người có vốn lớn, có thể đẩy giá một cổ phiếu lên cao, hay bán ra số lượng lớn cổ phiếu để đè giá cổ phiếu xuống. Bằng cách này, họ tạo ra "nhu cầu ảo" tức là "ấn tượng về cung cầu ảo" để bẫy những con gà trên thị trường. Các quỹ ETF có thể là lái, mà còn là lái điển hình là khác. Vốn của họ rất lớn và họ có thể tạo ra xu thế dài hạn cho thị trường.
Và trên thị trường lái cũng như là cha mẹ vậy, cho nhà đầu tư nhỏ lẻ được ăn hay lấy tiền của nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Thật đúng là:
Ngẫm hay muôn sự tại Lài (tiếng lóng gọi Lái)
Lái kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Tôi ví dụ cổ phiếu ngành bán lẻ đi, hiện tại giá rất cao, P/E cũng lên rất cao, 20 chẳng hạn. Có cổ phiếu bán lẻ còn chẳng có lãi. Nhưng vì các quỹ đều mua vào nên đẩy giá lên rất cao. Phải chờ bao nhiêu năm thì giá đấy mới xứng đáng với lợi nhuận doanh nghiệp tạo ra? Chắc phải chờ không dưới 10 năm. Nhưng đấy là cuộc chơi, nếu bạn quá thích ngành bán lẻ, bạn phải nhập cuộc ở giá đã cao rồi. Và lỡ các quỹ không thích ngành bán lẻ nữa, họ bán ra hàng loạt, thì những cổ phiếu này có thể giảm tới 50%. Ví dụ ngành sữa đi. Công ty Sữa Số Một trước đây từng là cổ phiếu quốc dân, rất nhiều người làm giàu từ cổ phiếu này. Nhưng sau đó nó bị bán tháo và giờ đì đà đì đẹt. Các quỹ nhất là quỹ ngoại bán ra liên tục. Không mấy ai còn dám bắt đáy dù nó vẫn tăng trưởng ... không tốt lắm. Nhưng ít ra nó vẫn có lời và tăng trưởng đúng không? Các doanh nghiệp bán lẻ có khi còn đang thụt lùi.
Chẳng qua các quỹ HI VỌNG nó sẽ chiếm lĩnh thị trường và tạo ra lợi nhuận khổng lồ trong tương lai. Mà đấy chỉ là hi vọng thôi. Chúng ta không thể vào ngành này trừ khi chúng ta vô tình hay ngẫu nhiên đã vào từ lúc giá rẻ thì có thể mua trung bình giá lên để tích lũy thêm. Vì nếu bạn có lời đủ nhiều, bạn sẽ luôn có thể bán ngay khi các quỹ bắt đầu bán ra với số lượng lớn mà vẫn lời.
Hiện nay, khi các quỹ đã tích lũy đủ cổ phiếu ngành này rồi mà bạn còn vào, bạn có thể dễ dàng đu đỉnh và trở thành nạn nhân bị đồ sát khi quỹ bán ra.
Vì sao cuối chu kỳ bất động sản thường sốt đất nền khắp nơi?
Giờ tôi lại "lái" qua bất động sản. Để có thể đầu tư thành công thì chúng ta phải hiểu bản chất vấn đề và toàn cảnh thị trường, và thị trường bất động sản là ví dụ SỐNG ĐỘNG HƠN là thị trường chứng khoán. Bởi vì đa số có lẽ mù mờ về cách vận hành của cổ phiếu và thị trường chứng khoán, nhưng lại rất rõ về thị trường bất động sản đúng không?
Các thị trường đều giống nhau vì con người vẫn vậy. Vẫn tham lam, tàn ác, hoặc quá nhút nhát tới mức không dám giành lấy phần của mình. Sùng bái tư bản, người giàu như thánh thần, như cha mẹ, hay tham tàn như độc tài, đều không giúp cho việc kiếm tiền từ thị trường.
Mọi người thường nghĩ mình hiểu rõ về thị trường bất động sản, nhưng thực ra đa số mọi người đều bị cuốn theo cái gọi là "mê lộ bất động sản" mà thôi. Một trong những lối suy nghĩ điển hình là "Người thì tăng mà đất không tăng" nên "Giá nhà đất luôn tăng". Khủng khoảng 2008-2012 giá nhà giảm thê thảm nhé. Và đất tăng lên rất nhiều, chứ không phải là không tăng, còn người (mua được) thì đang giảm đi. Tương lai, nước ta sẽ giống như Nhật Bản, dân số già đi và thị trường sẽ trầm lắng trong rất nhiều năm. Đất mà không tăng thì người ta đã không phải đánh những công ty làm dự án ma (và dự án ma sau khi chạy xong thường sẽ thành thật), vì những công ty này làm số đất giao dịch tăng chóng mặt. Những người đầu cơ đất nền cũng chỉ cần vậy, vì nhu cầu của họ là đầu cơ chứ không phải để ở. Vậy thì đất nền thật và đất nền ảo có gì khác nhau?
Thị trường bất động sản bị trầm lắng có lẽ từ cuối 2018, và lẽ ra nó đã tạo đáy, nếu không có họa bóng trắng xảy ra. Điều kỳ lạ nhất là hồi đầu năm 2021 các địa phương sốt đất liên tục, tăng giá nhanh chóng nhưng thường chỉ trong vòng 1 tháng rồi lại nguội đi.
Lý do là bởi vì các "đội lái" lâu không được ăn do không có sốt đất như giai đoạn các dự án bất động sản mọc ra như nấm sau mưa, nên họ phải tự tạo sóng để lùa gà. Bất động sản đã được đẩy lên rất cao trong giai đoạn trước đó, tạo mặt bằng giá cao nên đa số người dân không còn đủ tiền để đổ thêm vào nữa, vì họ không đủ dòng tiền để trả lãi ngân hàng. Nhà nước lại siết các dự án đất nền, nhất là các công ty ma, dẫn tới không còn nguồn hàng (ảo) giá rẻ. Còn các đất nền đã có thì cũng được đẩy lên giá cao và trong tình trạng bong bóng, nên dân văn phòng sẽ không thể mua được. Từ đó, thị trường trầm lắng và những người đầu tư bất động sản (hay đúng ra là đầu cơ) không còn kiếm được tiền từ thị trường, dù họ có trong tay số tiền lớn.
Do đó, họ phải tổ hợp thành các đội lái và tạo các giao dịch ảo ở một địa phương nhất định, vì một lý do nào đó (tin đồn quy hoạch, mở sân bay vv). Họ có công nghệ để thổi giá bất động sản lên, thường là xuống tiền mua một số lô, rồi bán từ tay phải sang tay trái với giá tăng vọt lên, và huy động cả đội ngũ môi giới địa phương lẫn cò mồi săn đất cho họ. Từ đó, họ tạo ra cung cầu ảo và còn thuê nhà báo viết bài cổ vũ nữa.
Có rất nhiều dân văn phòng đang có tiền nhàn rỗi và chưa biết đầu tư vào đâu, đang rầu rĩ vì nó không sinh lời, chợt thấy cơ hội làm giàu. Vì báo chí mỗi khi chạy quảng cáo sốt đất sẽ viết ra rả về các tấm gương làm giàu từ đất mỗi ngày, phần lớn là từ tay trắng trở thành trung sản, sở hữu chục tỉ, trăm tỉ dễ như bỡn. Thấy cơ hội là phải chớp ngay vì "Lúc bạn đang chần chừ thì người khác đã quyết định, lúc bạn quyết định thì người khác đã chốt lời". Thế là bạn xuống tiền với ảo mộng làm giàu.
Ai ngờ, vừa xuống tiền thì thị trường hạ nhiệt: Bạn đã đu đỉnh. Bạn sẽ còn phải là "chủ sở hữu" miếng đất đó trong một thời gian dài nữa đấy.
Bạn chờ đợi một cơn sốt tiếp theo trong vô vọng. Vì thực tế, cơn sốt đất chỉ là "cái bẫy gà". Mảnh đất bạn mua không gắn gì với đô thị hóa hay công nghiệp hóa cả. Nó chỉ gắn với một tin đồn nào đó. Tất cả là màn kịch của đội lái, của báo chí, của loạt bài "tấm gương làm giàu từ bất động sản". Tấm gương đó còn không có thật!
Cho dù bạn có muốn bán để cắt lỗ thì cũng chẳng ai mua. Vì đất xung quanh còn nhiều lắm. Trừ khi bạn bán với giá đất nông nghiệp để dân địa phương trồng lúa hay canh tác.
Thị trường phân phối đỉnh: Sóng khắp mọi ngành nghề
Giờ tôi lại "lái" về thị trường chứng khoán. Cứ như là rối loạn lưỡng cực ý nhỉ. Nhưng không hẳn thế. Bạn nên nhớ rằng nếu bạn không thể thống nhất được cách tư duy về thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán hay thậm chí app hẹn hò, nghĩa là bạn không giác ngộ, vì mọi thứ đều giống nhau. Đằng sau đó đều là con người, với toan tính rõ ràng. Vì con người là sinh vật kinh tế mà.
Nếu bạn lên app hẹn hò và nghĩ rằng tất cả mọi người trên đó đều vụ lợi một cách xấu xa, bạn thất bại. Thực ra mọi người đều tử tế, không xấu tới thế.
Nhưng bạn nghĩ rằng mình sẽ gặp được một người tuyệt vời, không toan tính gì, sẵn sàng yêu hết mình thì bạn cũng nhầm to.
Đồng ý là có thể gặp những trang tuyệt thế giai nhân với tâm hồn thuần khiết nhưng dù sao thì cũng phải chiều chuộng họ hết mình thì họ mới đáp lại tình cảm nhé. Tôi là người khá chiều người yêu đó. Thậm chí ở mức phi lý so với suy nghĩ của tôi nhưng cuộc đời nó là thế, phải giác ngộ. Dù như thế vẫn còn bị chê là vô tâm và thiếu tinh tế. Vấn đề là phải tìm được mối ngon và tất tay vào đó, cũng như trên thị trường chứng khoán. Liệu tôi có nên theo đuổi những cô nàng nóng bỏng và rõ ràng là đắt đỏ không? Tất nhiên là không rồi. Vì sẽ phá sản mất. Hơn nữa, họ cũng sẽ không thấy vui đâu. Thực sự phải là đại gia đi xe thể thao sáng chói tiêu tiền như nước thì mới vui được. Mà mới vui được một phần, còn phải ngoan như cún nữa. Họ giống như những cổ phiếu giá đã cao vút do được quỹ (đại gia) hay lái thổi lên, trong khi khả năng sinh lời cực kỳ yếu kém.
Thị trường chứng khoán hiện nay thì tôi cho rằng đang phân phối đỉnh, tuy rằng nó sẽ không sập, nhưng không rẻ để tay mới vào. Sơ đồ nó như thế này:
Đương nhiên, vì không có ngành nào thực sự tốt nên sóng chỉ rất ngắn, đủ để lùa gà (nhà đầu tư tay mơ) và úp bô mà thôi.
Một dấu hiệu điển hình của việc thị trường tạo đỉnh là ngay cả cổ phiếu ngành cơ bản như điện nước cũng có sóng và tăng mạnh. Có sóng có nghĩa là có phiên giá tăng mạnh và lượng giao dịch tăng mạnh (mà bạn có thể xác nhận trên biểu đồ giá - khối lượng giao dịch của bất kỳ công ty chứng khoán nào), nhưng thường chỉ 1, 2 phiên là tắt ngấm.
Điều này khác hẳn khi thị trường bùng nổ: Giá tăng mạnh và khối lượng tăng mạnh trong nhiều phiên liên tiếp, đưa cổ phiếu lên hẳn tầm giá mới (gọi là "bùng nổ theo đà"). Đây là khi cầu thực sự lớn, ví dụ một tay to như quỹ quyết định cơ cấu và mua vào một cổ phiếu, thường là cổ phiếu quốc dân đang có lợi nhuận tăng đột biến trong bối cảnh toàn ngành tăng trưởng mạnh mẽ.
Lùa gà nghĩa là tạo ra khối lượng giao dịch tăng đột biến và giá tăng mạnh trong 1, 2 phiên, và nếu bạn nhảy vào mua giá cao thì họ bán ra. Vì thường bạn phải đợi T+3, tức là 3 ngày làm việc sau mới được bán cổ phiếu, lúc đó thì giá đã giảm thê thảm do lái bán ra rồi: Bạn là người đu đỉnh.
Lúc này, bạn sẽ phải bán cắt lỗ hay gồng lỗ. Đa số gồng lỗ để nhận được cái kết đắng hơn. Nỗi đau tích lũy không giúp bạn giác ngộ mà làm hỏng cả cuộc đời, khiến bạn trở nên nhút nhát và dễ tổn thương.
Giống như trên app hẹn hò thôi. Càng theo đuổi các mối quan hệ dưới chuẩn và bị "úp bô", bạn sẽ trở nên tự ti, nhút nhát và không kiếm được mối ngon nữa. App hẹn hò chỉ như đánh bạc thôi, phải mạnh dạn vào. Được ăn cả, ngã về không nhé.
Vì thị trường phân phối đỉnh nên chúng ta thấy SÓNG KHẮP NƠI. Mỗi tuần đều có một sóng mới. Lúc thì chứng khoán, lúc thì ngân hàng, lúc thì thép, lúc lại xuất khẩu, hay cảng biển, thậm chí cả ngành hàng không.
Vấn đề là gì?
Là chứng khoán và ngân hàng đã đỉnh rồi không thể lên thêm nữa. Còn xuất khẩu hay cảng biển thậm chí đang bị giảm lợi nhuận do tình hình bất lợi. Tất nhiên là mọi người KỲ VỌNG nó sẽ phục hồi, nhưng đây thực sự chỉ là nghịch lửa trên thùng thuốc súng. Trước hết là phải phục hồi được như cũ, mà việc này cần thời gian, bao nhiêu năm nữa đây? 2 hay 3 năm? Ai mà chờ được. Mà phục hồi thì cũng chỉ được như cũ, nghĩa là đa số làm ăn còn chẳng sinh lời mấy.
Nếu bạn kỳ vọng rằng khi họa bóng trắng qua đi, mọi người sẽ nhập khẩu hàng về ăn cho thỏa thích thì quá ngây thơ rồi. Vì mọi người sắp hết tiền mà lạm phát vô cùng cao. Vì thế, kỳ vọng kiểu đó chỉ là do báo chí hay các công ty chứng khoán tung ra để tạo sóng mà thôi.
Chưa kể, ngành hàng không thực sự là một nỗi đau của nhiều người. Đột nhiên nó cũng tăng trần! Bạn có tin rằng mở cửa du lịch thì du khách sẽ tới không? Họ tới để bị hành hạ về thể xác, tinh thần, để có thể bị kẹt lại vĩnh cửu và rủi ro tính mạng ư? Không đời nào! Ngay cả bạn có lẽ cũng không đi du lịch trong thời gian dài nữa.
Chẳng qua là lái và đội lái tạo sóng để chăn gà chăn vịt mà thôi. Mà họ KHÔNG MẤT TIỀN. Chỉ là bán tay phải mua tay trái thôi. Vì thanh khoản không còn mấy nữa, nên chỉ có đội của họ khớp lệnh với nhau. Khi có con gà bị FOMO nhảy vào "bắt đáy", họ mới làm thịt các con gà này.
Thực ra thì bạn vẫn có thể lướt và kiếm tiền. Hãy nhìn đồ thị trên. Ngay cả trên đỉnh nó vẫn có sóng nhỏ. Chỉ có điều, bạn không thể mua cổ phiếu khi nó vừa tăng trần, vì đấy là bẫy lùa gà. Nếu quan sát thì các cổ phiếu sẽ giao động trong một biên độ hẹp và ngày càng hẹp dần.
Chỉ cần bạn mua ở đáy của biên độ đấy, rồi bán ra ở đỉnh của biên độ là có thể kiếm lời. TÔI KHÔNG NGHĨ thị trường sẽ sớm thoát khỏi tình trạng phân phối đỉnh, nhưng đây là ý kiến cá nhân, chủ quan. Do đó, tôi vẫn có thể lướt sóng kiếm bạc lẻ tốt hơn lãi ngân hàng nhiều.
Cụ thể tôi mua hôm nay ba hôm nữa (T+3) tôi bán. Nhưng tôi chỉ mua ở đáy, và chỉ mua cổ phiếu tốt. Cổ phiếu tốt là cổ phiếu tăng trưởng cao và đang được các quỹ ETF lớn nắm giữ. Về cơ bản khi quỹ đang nắm cổ phiếu mà họ không bán ra (vì cũng không có cổ phiếu tốt hơn để mua!), thì giá nó sẽ không rớt nhiều. Vì nếu giá rớt nhiều nghĩa là họ sẽ lỗ, nhà đầu tư sẽ bán chốt lời hay cắt lỗ quỹ của họ, hiệu suất quỹ kém đi nghĩa là càng ít nhà đầu tư tham gia và họ sẽ mất thu nhập.
Trong trường hợp này, quỹ ETF giống như hồ chứa nước điều hòa vậy, giúp duy trì thị trường không bị sụp đổ hay bong bóng vì tâm lý bi quan hay hồ hởi thái quá. Lái cũng có lái tốt và lái xấu, có lái yêu nước và lái yêu dân mà.
Nhưng khi lướt sóng kiểu vậy, do ai cũng nghĩ vậy, nên biên độ ngày càng hẹp lại (vì chưa tới đỉnh đã phải bán kẻo kẻ khác bán trước thì nó lại không thể tới đỉnh biên độ kỳ vọng để có thể bán chốt lời), và cổ phiếu ngày càng biến động chậm hơn. Cuối cùng, biên độ hẹp hay thời gian lâu tới mức, lợi nhuận lướt sóng còn kém cả gửi ngân hàng. Lúc này, thị trường (của cổ phiếu đó) bước vào một mùa đông rất dài và sầu thảm. Từ đó nó sẽ phân hóa (sau tầm 8 tuần hay hơn) là sẽ tăng hay giảm. Tùy nó là cổ phiếu tốt hay xấu, còn tăng trưởng hay không mà phân hóa khác nhau.
Nếu bạn lỡ nắm cổ phiếu xấu, có lẽ nó sẽ thoái trào và mất dần giá trị. Đó là cổ phiếu tăng trưởng kém, vốn hóa nhỏ, không được quỹ nào thèm để ý, hay nói cách khác là "cổ phiếu ế ẩm". Giá trị chỉ giảm nghĩa là bạn chỉ mất tiền và đau khổ.
Ngược lại, cổ phiếu tốt, nhất là khi báo cáo kinh doanh mới ra cho thấy họ đang tiếp tục tạo lợi nhuận cao, nhiều khả năng bứt phá khỏi "nền giá" (là biên độ hẹp mà tôi nói lúc nãy) để lên một tầm cao mới, tạo lợi nhuận cho bạn.
Có nên mua cổ phiếu tốt mà các quỹ mua vào nhưng giá đã cao?
Bạn có nên cưa cẩm cô nàng quen đi xe thể thao (đi nhờ thôi), ở khách sạn và khu nghỉ dưỡng 5 sao (do người yêu trả tiền) không? Nếu bạn giàu thì có thể. Nếu không thì thôi.
Cổ phiếu cũng như thế, nếu dư tiền và chờ được, không gặp RỦI RO VỀ VỐN, bạn có thể mua. Nhưng về hiệu quả tiền bạc thì rất thấp.
Tôi không mua cổ phiếu giá đã cao, nhất là khi các quỹ mua vào đã nhiều, vì nó sẽ không thể bùng nổ một sớm một chiều. Nhưng nếu tôi đã mua từ nền giá thấp thì tôi có thể mua trung bình giá lên để tối đa hóa lợi nhuận, nếu không có lựa chọn khác tốt hơn. Theo thời gian cổ phiếu tốt sẽ tăng giá, hơn nữa, do được quỹ mua vào nên nó khó mà rớt khỏi nền giá đã có.
Cần lưu ý là vì một lý do nào đó mà chúng ta không biết, quỹ cũng có thể bắt đầu bán ra. Nếu chúng ta đã có lợi nhuận do mua được từ giá thấp thì chúng ta vẫn có thể bán ra nhanh chóng để vẫn có lời, trước khi nó trượt về giá làm chúng ta thua lỗ.
Tất cả chỉ là trò chơi vui vẻ thôi. Chẳng ai giàu lên mà hạnh phúc lên cả. Hạnh phúc nằm ở sự giác ngộ. Khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn, tâm hồn của bạn có thể trở nên trống rỗng hay rách nát nếu bạn bị ám ảnh bởi tiền bạc. Ảo mộng về vật chất sẽ thiêu cháy tất cả mọi thứ, trừ những người có thể sống tiết kiệm vì tiết kiệm mới là nền tảng của cuộc sống hạnh phúc lâu dài nhé.
Như trong đồ thị ở trên, đừng bao giờ mua ở PHÂN PHỐI ĐỈNH, nếu lỡ mua và giá giảm 8% thì hãy bán cắt lỗ ngay. Vì một khi giá giảm thì nó sẽ còn giảm, cho tới nền giá thấp để tích lũy lại. Ngay cả cổ phiếu tốt cũng có chu kỳ, không tin thì hãy nhìn Nhà Viêm hay công ty Sữa Số Một nhé. Nó có thể mất giá trong một thời gian dài và làm bạn đau nhức khắp mình mẩy.
Trong thị trường này, cắt lỗ kiên quyết là cực kỳ quan trọng. Đừng có lằng nhằng và cảm tính. Giống như mối quan hệ trên app nếu bạn thấy không hợp, không có tương lai, đừng ngần ngại chuyển sang mục tiêu mới. App để làm gì ngoài cung cấp cho bạn số lượng mục tiêu không hạn chế?
Mùa đông chứng khoán đang đến và có lẽ, bạn nên chuyển sang phòng thủ bằng tiền mặt. Ngay cả bất động sản cũng sẽ ngủ đông, bạn thậm chí còn nghĩ tới thị trường coin số. Nhưng thực ra thì cổ phiếu tốt cũng sắp điều chỉnh về giá tốt rồi, bạn có thể tính ra biên an toàn (MOS) để chuẩn bị mua vào.
Phải có sự kiên nhẫn mới thành công được. Nhưng nếu bạn là người có thói quen TIẾT KIỆM, chắc chắn bạn là người kiên nhẫn rồi. Tôi đã kiên nhẫn được mấy năm để tiết kiệm tiền rồi, cụ thể là từ 2017 rồi cơ. Nhưng cuộc sống không thiếu thốn, chỉ là không mua những thứ không cần thiết và sống tối giản thôi, chứ đồ dùng thì đầy đủ hết nhé.
Nói chung, TIẾT KIỆM chính là phẩm giá con người mà chúng ta nên có. Chúng ta có sự kiên nhẫn cần thiết để thành công, đồng thời cũng không bị áp lực về tài chính nên không cần phải mạo hiểm để kiếm tiền. Tiết kiệm chắc chắn là con đường đi tới sự sung túc nên giúp chúng ta hạn chế NÃO CỜ BẠC mong muốn làm giàu nhanh. Tiết kiệm mang lại trí tuệ để chúng ta sống mà không phải dựa dẫm quá nhiều vào tiền, vốn là căn bệnh của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tiêu dùng, mà dựa vào chính bản thân chúng ta.
Nếu có sự kiên nhẫn thì chúng ta hoàn toàn có thể "mượn gió bẻ măng" để kiếm lời từ thị trường dựa vào quan sát các động thái của lái. Ngay cả thị trường tạo đỉnh, bạn vẫn có thể kiếm lời chút ít từ mua thấp bán cao, vẫn tốt hơn là gửi ngân hàng. Tất nhiên là vẫn phải gửi ngân hàng số tiền đủ sống, vì thị trường có thể xấu đi, nhưng không gửi vào đấy để sinh lời hay làm giàu.
Suy cho cùng, tiền trong thị trường vẫn tốt hơn là tiền để ngân hàng hay tiền để không. Chúng ta sẽ phải chờ một cơ hội mới khi mùa đông qua đi.
Người Tù Vĩnh Cửu
No comments:
Post a Comment