Chào các bạn!
Trong bài này tôi sẽ nói tiếp về thủ thuật lùa gà và úp bô của lái. Lái trên thị trường giống như là cha là mẹ, cho ăn cơm thì được ăn cơm, cho ăn đòn thì bị ăn đòn. Trong dân gian lưu truyền bài vè:
Ngẫm hay muôn sự tại Lài (tiếng lóng gọi Lái)
Lái kia đã bắt làm gà FOMO
Bắt ăn tiền phải ăn tiền
Cho úp bô mới được phần úp bô
Lái chứng khoán cũng như đội lái bất động sản, họ có tiền và kỹ nghệ để tạo sóng ngắn hạn (tất cả đều là giả dối). Bọn gà có đặc tính là tham lam, chỉ cần có mồi thơm là sẽ dụ được. Ai chẳng muốn mua một mảnh đất nền đợi một vài năm nó tăng lên gấp đôi kia chứ. Chúng ta nghe quá nhiều thành công kiểu nhân đôi tài sản như vậy rồi. Còn biết bao nhiêu người đu đỉnh, mất tiền, chôn vốn, thì không báo nào đăng cả. Vì nền báo chí này là của lái, do lái và vì lái. Lái có tiền, mà tiền thì muốn viết bài đăng bài thế nào chẳng được. Viết bài vì tiền thì tốt hơn là viết bài phục vụ đại chúng.
Lòng tham và nỗi sợ hãi lớn nhất trên thị trường là bỏ lỡ cơ hội khi một cổ phiếu tăng giá rất nhanh mà lại không vào, thậm chí là tất tay hay vay thêm tiền (kỹ quỹ = margin) để mua chịu nhằm đầu cơ.
Do đó, để lùa gà thì tốt nhất là đẩy giá lên với số lượng giao dịch lớn:
Bởi vì đây là một cổ phiếu lớn, muốn đẩy giá lên không dễ. Nếu không làm nhanh mà đẩy lên mỗi ngày thì khả năng bị người khác bán chốt lời rất cao, và bản thân sẽ mất tiền.
Chỗ bị đứt quãng kia có lẽ là đội lái bán tay phải, mua tay trái bằng cách đặt lệnh bán - mua ở giá cao để nó tự khớp lệnh với nhau, vừa đẩy được giá lên mà vừa để tránh mất tiền. Có lẽ họ đang cầm rất nhiều cổ phiếu và muốn đẩy lên để bán ra nhằm chốt lời.
Những nhà đầu tư tay mơ khi thấy giá tăng và khối lượng tăng thường tưởng rằng cổ phiếu sắp "chạy" (tăng giá mạnh trong thời gian ngắn). Tuy nhiên, hiện các quỹ vẫn còn nắm giữ cổ phiếu này khá nhiều và có lẽ sẽ không có tay to nào mua vào để đẩy giá lên tầm cao mới. Vốn là giá đã được đẩy lên khá cao rồi, do kỳ vọng về triển vọng tương lai.
Do đó, cổ phiếu này có lẽ sẽ còn phải tích lũy khá lâu nữa. Nếu bạn thấy giá tăng - khối lượng giao dịch tăng mạnh và bị FOMO (sợ mất cơ hội mua) để mua vào, bạn sẽ bị đu đỉnh. Rất nhiều phiên sau đấy cổ phiếu lên xuống nhưng nếu nhìn kỹ thì các đỉnh sau thường thấp hơn đỉnh trước, nghĩa là nó đang PHÂN PHỐI ĐỈNH, và biên độ hẹp dần. Bạn hãy nhìn đỉnh hiện tại (ở cuối đồ thị), nó thấp hơn nhiều so với đỉnh lớn trước đó, nghĩa là còn rất nhiều người đu đỉnh và chỉ chờ nó về lại đỉnh lớn cũ để bán ra nhằm cắt lỗ. Do đó, để cổ phiếu này bứt phá lên một nền giá mới thì sẽ cần rất nhiều thời gian nữa.
Nhưng nó cũng sẽ không đột ngột cắm đầu xuống. Vì khi nó về đáy cũ trước đó, lập tức có rất nhiều người mua thêm vào, vì căn bản nó vẫn còn là cổ phiếu tốt. Cuối cùng, nó sẽ lình xình đi ngang với biên độ hẹp dần, trước khi chuyển sang xu thế mới là tăng hay giảm. Suy cho cùng chỉ là quy luật cung - cầu thôi mà!
Nếu bạn là một nhà đầu tư HỒ HỞI, bạn quyết định đặt hết tiền mua cổ phiếu này, thậm chí bạn thấy tiền của mình bốc hơi dần mỗi ngày. Bạn có thể chịu được cảnh đau lòng đến khi nào? Bạn có còn đủ nước mắt để khóc than cho thân phận bèo bọt mỗi ngày không? Tinh thần của bạn, phẩm giá của bạn, có thể chịu được "cú sốc cuối cùng" không?
Thời gian như ngừng trôi khi chúng ta đang gồng lỗ. Nó dường như kéo dài vô hạn làm chúng ta chán nản cực độ. Đêm dài lắm mộng và toàn ác mộng. Có cảm giác thị trường sụp đổ ngay vào ngày hôm sau, trong giấc mơ đồ thị sụp đổ như ngày tận thế. Cảm giác của con gà sắp bị làm thịt thật không dễ chịu chút nào.
Nếu bạn bán đi thì nó có thể thực sự "chạy". Cuối cùng, bạn thất vọng về bản thân và chán nản về cuộc đời. Đây là lý do rất nhiều nhà đầu tư rời bỏ thị trường mỗi ngày. Mất mát về tiền bạc và lòng tự tôn, thậm chí cả nhân phẩm và danh dự!
Phải gồng lỗ đến cùng! Cho dù có phải trả cái giá đắt nhường nào. Mà trong trường hợp cổ phiếu rác nghĩa là mất tất cả.
Thực ra bản chất là do không chọn được cổ phiếu tốt từ đầu và không định giá được nó. Vì không định giá được thì sẽ không đoán được nó sẽ có thể biến thiên trong khoảng giá nào. Nếu mua với giá cao từ đầu và lỗ từ đầu thì có lẽ không có nhiều lựa chọn ngoài cắt lỗ hay gồng lỗ. Một người khôn ngoan sẽ cắt lỗ sớm cho dù nó có tăng trở lại cũng không hối tiếc. Vì giá nó đã cao rồi mà! Sớm muộn gì nó cũng sẽ rớt đài.
Hoặc cũng có thể nó không rớt đài do bạn định giá sai thì bạn có thể rút kinh nghiệm vào lần sau.
"Mua vì lý do gì bán vì lý do đấy"
Nếu bạn chỉ đơn giản là lướt sóng và đánh bạc, nếu nó thua lỗ bạn phải cắt lỗ ngay. Còn nếu bạn mua vì nó ở giá hời và tăng trưởng tốt, bạn chỉ bán khi giá nó đạt đỉnh và nó không tăng trưởng nữa. Chú ý là nếu nó đạt mức giá cao, nhưng đang tăng trưởng, thì một lúc nào đó sự tăng trưởng giúp giá cao kia trở thành giá hợp lý, nên bạn vẫn có thế giữ yên đấy, cho tới lúc công ty hết tăng trưởng hoặc bạn tìm được công ty khác tăng trưởng tốt hơn và/hoặc giá hời hơn.
Nhất quán và kỷ luật giúp khoản đầu tư sinh lời, chứ không phải là trí thông minh hay khả năng toán học.
Mọi người mất tiền đa số ở chỗ này, nên người ta hay bảo "Cảm xúc là kẻ thù của đầu tư". Nhưng tôi thấy cảm xúc khi bị thua lỗ mới là kẻ thù của đầu tư thôi, chứ có cảm xúc cũng tốt mà. Sợ nhất là một ngày kiếm được rất nhiều tiền nhưng tâm hồn chai sạn.
Nhưng chẳng phải chúng ta là người vô sản hay sao? Chắc chắn là chúng ta không bị rủi ro về dòng tiền nếu sống tiết kiệm và kiếm tiền một cách chính trực. Nếu không bị quá "vã" về tiền bạc, không quá mưu cầu về vật chất, tôi nghĩ ít khi bị mất tiền.
Chúng ta muốn có cuộc sống về hưu sung túc và tránh bị tư bản thân hữu bần cùng hóa. Đây mới là mục đích cao cả. Còn giàu có hay không còn do ý trời nữa. Điều tuyệt vời là sinh lời 15% trở lên đều đặn mỗi năm, chứ không phải là một phát đổi đời như kẻ đánh bạc.
Đừng mua cổ phiếu vì kỳ vọng tương lai
Nếu kinh tế phục hồi thì tôi nghĩ ngành thủy sản sẽ tăng trưởng mạnh. Vì họ đã thụt lùi mấy năm rồi, và lẽ ra năm nay phải hoành tráng rồi mới phải. Họ là cổ phiếu chu kỳ và tới lúc ăn đậm rồi. Thực tế là cổ phiếu đã tăng rất cao, trong khi doanh nghiệp vẫn đang làm ăn thụt lùi liên tục.
Vì sao thị trường chứng khoán và tình hình nền kinh tế thật lại trái ngược nhau?
Vì thị trường chứng khoán là thị trường dựa trên kỳ vọng. Kỳ vọng đã phản ánh vào giá, và nhất là khi thị trường đã tạo đỉnh thì thủy sản có vẻ là lựa chọn tốt để đầu tư.
Tuy vậy, giá cổ phiếu thủy sản có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào! Nó chỉ không sụp đổ nếu các quỹ lớn mua vào và đang nắm giữ. Lý do nó sụp đổ cũng là lý do nó tăng giá: Thị trường không phục hồi, doanh số không phục hồi, lợi nhuận suy giảm.
Tôi hay bạn không được FOMO theo đà tăng giá dựa trên kỳ vọng này. Chỉ khi nào nó ĐÃ phục hồi và số liệu kinh doanh thể hiện tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tăng vọt, và giá ở mức hấp dẫn, thì chúng ta mới nên vào.
Nhưng nếu thế có thể chúng ta không bao giờ vào được. Bởi vì quỹ lớn, tay to có thể đã xí phần sẵn, họ mua vào đẩy giá lên cao và sau đó ngồi đợi cho tới khi doanh nghiệp thực sự bứt phá và giá cao hơn nữa. Nếu thế thì chúng ta phái đợi chu kỳ lần sau rồi. Nên đôi khi chỉ là do ý trời mà thôi. Thời điểm bạn vào thị trường có thể quyết định phần lớn thành bại.
Có những thời điểm chúng ta cũng nên rút khỏi thị trường. Nếu thị trường khác, như bất động sản chẳng hạn, đang ngon thì bạn có thể nghiên cứu đầu tư thị trường đấy.
Hoặc bạn có thể nghiên cứu các quỹ chứng khoán và mua chứng chỉ quỹ của họ. Tuy nhiên, bạn phải nghiên cứu kỹ để đảm bảo là họ sinh lời ít nhất 15% cho bạn. Và lưu ý rằng, quỹ cũng lên xuống theo thị trường, nó có thể làm bạn MẤT TIỀN nếu bạn vào đúng đỉnh. Có lẽ, bạn cũng nên nghĩ cả phương án cắt lỗ nữa.
Tôi có làm bảng phân tích các quỹ lớn trên thị trường và đây là kết quả về lợi nhuận giai đoạn 2015-2020:
Quỹ mở S:
- 18.61%
- 3.91%
- -12.1%
- 38.2%
- 24.1%
- 17.7%
Trung bình 6 năm: 15.07%
Quỹ ETF S:
- 22.95%
- 6.04%
- -7.1%
- 60.4%
- 3.6%
- -11.0%
Trung bình 6 năm: 12.48%
Như vậy, cả hai quỹ đều có mức sinh lời trên lãi suất tiết kiệm, hơn nữa, cũng không làm bạn thua thiệt mấy so với bình quân tăng giá bất động sản (10 ~ 15%/năm). Nếu bạn không phải là người ham làm giàu nhanh, có lẽ mua quỹ không phải lựa chọn tồi. Nhưng bạn có thể thấy, nếu chúng ta không quá trung thành với quỹ mà sẵn sàng thay đổi sang quỹ vận hành tốt hơn mỗi năm, chúng ta có thể đảm bảo sinh lời tối thiểu 15%/năm.
Nhưng nếu trung thành, ví dụ với quỹ ETF S ở trên, bạn chỉ kiếm được hơn 12%/năm mà thôi.
Làm một bảng tính và review tất cả các quỹ là một BƯỚC TIẾN HÓA khôn ngoan. Và tôi đã đến giai đoạn đấy chủ yếu là do ham học hỏi, chứ cũng không hẳn là để kiếm tiền. Tôi chỉ mua quỹ để ví dụ cho mọi người với số tiền nhỏ thôi. Tôi cũng thích giúp mọi người kiếm tiền và sống hạnh phúc. Quan trọng là đừng để bị bần cùng hóa, bị chủ nghĩa tiêu dùng tẩy não rồi lại tiêu hết tiền làm giàu cho tư bản, rồi lại tốn công đi sùng bái tư bản, bị phức cảm tự ti, và lại tiêu nhiều tiền hơn nữa để có chút tự tôn, cuối cùng cuộc đời nát bét trong nợ nần và lừa dối. Với phải nghe bọn tư bản thân hữu suy đồi và bọn báo chí thổ tả nhồi sọ mỗi ngày thì cũng mệt mỏi đấy.
Người Tù Vĩnh Cửu
TAKAHASHI là đỉnh nhất thank
ReplyDeleteĐầu tư sớm nhé! ^^
Delete