Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Tuesday, September 7, 2021

Thị trường chứng khoán có sập không?

Chào các bạn!

Trong cuộc sống, trong đầu tư, trong tình trường, chúng ta không dự đoán được điều gì cả. Nhưng chúng ta vẫn phải dự đoán! Bởi vì, điều quan trọng là phải có CHÍNH KIẾN (ý kiến riêng dựa trên trải nghiệm thực tế "bi thương" của bản thân). Bạn không thể dự đoán đúng, nhưng nếu bạn có CHÍNH KIẾN, bạn vẫn có thể kiếm bộn tiền. Bởi vì dự đoán sai ngày hôm qua sẽ trở thành dự đoán đúng ngày hôm nay.

Trong thị trường chứng khoán thì sẽ có hai trường phái chính:

  • Hô tăng, thúc đẩy mua vào
  • Hô sập, thúc đẩy bán ra

Người hô tăng là người đang cầm cổ phiếu - hẳn vậy rồi, và người hô sập là người đang cầm tiền. Như vậy, đây không hẳn là "dự đoán" mà chỉ là KỲ VỌNG, mang tính tư lợi hoàn toàn. Ngay cả chuyên gia cũng có lúc hô tăng hay hô sập. Nhưng cuối cùng, họ vẫn đúng. Tôi ví dụ chuyên gia hô tăng, nhưng thị trường lại sập. Bạn tin chuyên gia và mua vào và cuối cùng mất tiền, nên cảm thấy chuyên gia mất uy tín và bạn hận người này. Nhưng thực sự là sau khi sập, thị trường lại phục hồi và tăng điểm mạnh. Và bạn hối hận vì đã không kiến định tin theo chuyên gia.

HỐI HẬN!

Rồi thị trường lại sập thì sao? Bạn lại hối hận lần nữa vì ... tin chuyên gia à?

Bạn không có chính kiến, nên bạn sẽ mất tiền. Tôi không thể dự đoán được thị trường nhưng tôi có CHÍNH KIẾN, vì thế, tôi có thể điều chỉnh rất nhanh khi tình hình thay đổi, nói cách khác, tôi sẽ thích ứng tốt với thị trường, từ đó tôi kiếm được tiền thay vì mất tiền.

Một ví dụ điển hình là tôi đầu tư vào cổ phiếu cơ bản với niềm tin là cổ tức cao cộng với trả hết nợ vay thì tạo ra lợi nhuận tăng đột biến, từ đó, hiện thực hóa mức sinh lời 15%/năm, thậm chí là 20%/năm. Ngay cả hệ thống T cũng đưa ra những dự đoán rất khả quan về khả năng tăng giá của cổ phiếu. Sự thực là tôi định tất tay cổ phiếu này.

Kết quả? Tôi phải cắt lỗ ở mức -10%. Điều may mắn duy nhất là tôi còn mua một số cổ phiếu tăng trưởng và thực sự là sinh lời gấp 8-9 lần số lỗ. Nên tôi không buồn lắm! Nhưng tôi đã sai khi cho rằng có thể ăn cổ tức 15%/năm. Đúng là tôi ăn được 7.5% cổ tức rồi nhưng cổ tức giảm đi theo sự sụt giảm của lợi nhuận, và giá cổ phiếu cũng giảm đi nhiều, thì ăn cổ tức có tác dụng gì? Mức lỗ -10% là gồm cả cổ tức vào rồi mới được thế nhé. (^_-)

Nhờ thế, tôi biết được cổ phiếu nào mới là cổ phiếu đáng để đầu tư. Phải là cổ phiếu tăng trưởng liên tục và đột phá không ngừng về lợi nhuận.

Mãi về sau, trong một khoảnh khắc lóe sáng và bước chân được vào cảnh giới của trí tuệ siêu việt, tôi chợt hiểu ra tất cả.

Bởi vì tôi nhìn báo cáo tài chính và thấy là nợ trả xong và khoản nợ phải trả đó lẽ ra trở thành lợi nhuận và phải làm tăng lợi nhuận lên 200%, mà rốt cuộc thì lại thành bị giảm lợi nhuận 30%, vậy tiền đi đâu về đâu?

Tôi chợt nhận thấy là công ty này mua nguyên liệu đầu vào từ một công ty Big Brother khác và bán sản phẩm cho công ty mẹ cũng của Big Brother. Tức là giá mua vào và giá bán ra là do Big Brother chi phối. Do đó, tại sao phải trả cổ tức cho cổ đông, mà không bòn rút công ty này bằng cách tăng giá đầu vào, giảm giá đầu ra?

Chưa kể, trong khủng hoảng thì nhu cầu khách hàng cũng giảm đi, nên doanh thu bị sụt giảm. Nhưng ngay cả khi doanh thu không sụt giảm, thì công ty cũng sẽ không hoàn trả lợi nhuận cho cổ đông, đúng không nhỉ?

Họ sinh ra là của Big Brother, do Big Brother và vì Big Brother mà thôi. Đây là kiểu doanh nghiệp mà chúng ta đều phải tránh, nếu không sẽ mất tiền, hoặc là sẽ không thể tăng trưởng tài sản trong rất nhiều năm nếu không nói là vô hạn.

Điều tôi muốn nói là bạn phải có TRẢI NGHIỆM dựa trên chính kiến của bản thân, và trải qua nhiều đau thương cũng như hạnh phúc, để trưởng thành và có trải nghiệm tốt hơn, để có thể đưa ra chính kiến sát thực tế hơn và quan trọng nhất là KIẾM ĐƯỢC TIỀN.

Không hẳn là kiến thức! Mặc dù nếu bạn chịu khó đọc sách đầu tư (tôi là người đọc trung bình, thường là tôi phải đầu tư xong rồi và hết tiền rồi mới đọc sách), thì bạn cũng có thể có được trải nghiệm của người khác, nhưng trải nghiệm thực tế là quan trọng nhất vì chắc chắn là sách sẽ không thể nào liệt kê chính xác những cổ phiếu mà chúng ta có thể mua được cả. Thậm chí hệ thống chứng khoán của họ còn hơi khác của ta.

Khi bạn có chính kiến thì không hẳn là bạn đưa ra DỰ ĐOÁN đúng hơn. Mà bạn đưa ra được KỊCH BẢN để hành động khi thị trường tăng hay sập, và đoán được xác suất của thị trường tăng là bao nhiêu.

Tôi ví dụ, giả sử một cổ phiếu có giá hiện tại là 50k, và tôi tính ra giá tương lai của nó là 60k, còn giá MOS (mua với biên độ an toàn) là 35k, thì tôi có thể đoán là giá sẽ dao động trong khoảng [35, 60]. Công ty chứng khoán thì đương nhiên là khuyến nghị MUA rồi, họ thường xuyên khuyến nghị mua mọi thứ khi nó tăng giá như thế. Bạn biết là nếu rau muống ở chợ tăng từ 20k lên 40k thì họ nói gì không? Họ khuyên bạn MUA vào đấy. Nhưng nếu rau muống giảm xuống 10k thì họ khuyến nghị bạn BÁN ra.

Nếu bạn mua với giá 50k, một lúc nào đó giá là 60k, bạn lời 20%, và bạn đang có rất nhiều tiền và muốn mua, trong khi các cổ phiếu khác thì đều lên kịch giá rồi, thì bạn sẽ mua chứ?

Vấn đề là nếu lời thì bạn lời (60-50)/50 = 20%, nếu lỗ thì bạn lỗ (50-35)/50 = 30%. Do đó, CÓ LẼ LÀ xác suất bạn mua và lỗ cao hơn khá nhiều. Trừ phi bạn có thể đọc được đồ thị và cắt lỗ đúng lúc, nhưng có phải ai đọc đồ thị cũng thành công đâu? Nếu không nói họ là những người kém thành công nhất, vì mua bán quá nhiều.

Thị trường trên đỉnh có thể bị sập không?

Thị trường đã lên một mức giá cao và nhiều cổ phiếu đã đạt tới giá tương lai (future price) của nó (cũng chỉ là cách tính chủ quan dựa trên P/E quá khứ, tức là khẩu vị quá khứ của thị trường). Vì thế, có lẽ là nó sẽ không tăng nữa. Mặc dù rất nhiều người hô hào thị trường tăng và mọi người nên "múc" thêm, nhưng thị trường tăng hay giảm chỉ do một yếu tố duy nhất: Quy luật cung cầu.

Những người đã chốt lời và rút khỏi thị trường thì tất nhiên là họ sẽ không mua lại với giá cao, mà dù họ có mua lại thì họ là dòng tiền cũ, không thể làm tăng thị trường lên được (họ rút có làm thị trường giảm nhẹ, nên nếu họ vào lại thì thị trường chỉ tăng lên mức tương ứng mà thôi). Còn kỳ vọng một dòng tiền mới đổ vào thì rất khó, sẽ không có dòng tiền như thế.

Thị trường đã tăng bất chấp kinh tế khủng hoảng là vì:

  • Lãi suất giảm (vốn là để cứu bất động sản) nên tiền rút khỏi ngân hàng
  • Lạm phát cao (hoặc kỳ vọng cao) nên tiền rút khỏi ngân hàng
  • Bất động sản đã suy thoái mấy năm và kinh tế khủng hoảng nên không ai dám bỏ tiền vào
  • Người dân không làm ăn, kinh doanh được nên đầu tư
  • Kinh tế không thực sự khủng hoảng đối với doanh nghiệp lớn (thường là doanh nghiệp niêm yết)
  • Chứng khoán Mỹ tăng cao do được bơm tiền hoặc kỳ vọng bơm tiền
  • Kỳ vọng bơm tiền để phục hồi kinh tế

Không phải ngành nào cũng khủng hoảng. Mì gói thì đương nhiên là không rồi! Ngược lại là khác.

Khủng hoảng đa số là dân lao động, tiểu thương, người kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch vv. Mà những người này không niêm yết trên sàn, nên không ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán mấy. Vấn đề là thị trường không thể tăng nữa vì nó đã phản ánh "kỳ vọng bơm tiền để phục hồi kinh tế" vào rồi.

Nghĩa là nếu sau này chính phủ thực sự bơm tiền, thì nó đã tăng hết khả năng từ lâu, nên sẽ không thể kỳ vọng nó tăng thêm. Như vậy có thể thấy, xác suất tăng hơn nữa là rất thấp.

Nếu lãi suất tăng thì sao? Ví dụ sản xuất phục hồi và doanh nghiệp cần vay tiền, ngân hàng cần huy động vốn tiền gửi để cho vay? Thì tất nhiên, thị trường sẽ giảm điểm tương ứng với lãi suất tăng, nếu mức tăng điểm do kỳ vọng kinh tế phục hồi nhỏ hơn.

Thị trường mà không tăng thì chỉ có lình xình đi ngang hoặc giảm điểm. Đây có lẽ là nỗi sợ chung khiến một số người VỘI VÃ CHỐT LỜI. Người ta bảo "đêm dài lắm mộng", thị trường cứ lình xình lình xình thì thế nào chẳng có ngày lao xuống vực thẳm!

Nhưng theo tôi, sẽ không có sự kiện "thiên nga đen" nào làm thị trường lao dốc thảm hại như thế. Và thị trường cũng không bước vào suy thoái. Lý do là vì vẫn còn rất nhiều người đang cầm tiền và chờ giá rẻ để vào! Cổ phiếu chỉ cần giảm 5~10% là sẽ lại có người bắt đáy và đẩy nó lên. Và biên độ dao động giá ngày càng hẹp vì còn quá nhiều người cầm tiền như thế, nên ngay cả lướt sóng cũng không ăn thua. Đây có lẽ là kiểu thị trường mà ai cũng đau khổ khi nếm trải.

Nói chung cung (người có cổ phiếu để bán) và cầu (người có tiền cần mua) còn nhiều, nên thị trường sẽ còn lình xình, và hiện tại thì do đang ở đỉnh nên thuật ngữ chuyên môn gọi là "phân phối đỉnh". Nó có thể kéo dài 2 ~ 6 tháng. Có thể gọi là "mùa đông chứng khoán" cũng được.

Những tiếng hô tăng hay hô sập cũng sẽ chỉ như "ném đá ao bèo", cố gắng tạo sóng này sóng kia để kiếm chác chút đỉnh mà thôi.

Bạn cũng có thể lướt sóng kiếm chác chút đỉnh mà. Thay vì gửi tiết kiệm, tôi cũng có lướt sóng, ví dụ tuần kiếm 2~5% thì cũng hơn lãi tiết kiệm cả năm rồi. Nhưng càng về sau sóng càng dài hơn, có thể 2~4 tuần mới kiếm chác được, và cuối cùng, sau vài lần như thế, thị trường chuyển sang xu thế tăng hoặc giảm.

Vì lãi suất tiết kiệm giờ khá thấp nên tôi không thực sự hào hứng lắm. Nó chỉ có một ưu điểm: Có thể sống điền viên như người già. Đôi khi, "điền viên" có nghĩa là nhàm chán, nên lướt sóng cho thêm phần thi vị.

Đừng lướt sóng mà đâm phải "thiên nga đen" thôi.

Thị trường chứng khoán sau khi kích thích kinh tế

Cách hành xử của chúng ta khi nhà nước kích thích kinh tế mới quan trọng, quyết định thành bại, chứ không phải trò lướt sóng kiếm bạc lẻ ở trên. Lướt sóng kiếm bạc lẻ chỉ là một chút thi vị chứ không thể là món ăn chính khi bạn đầu tư. Về lâu dài, hãy cầm cổ phiếu tốt và tăng giá, nhờ chính sách vĩ mô và nội tại doanh nghiệp.

Nếu kích thích kinh tế thì sẽ kích thích như thế nào và liệu thị trường chứng khoán có được hưởng lợi để có đợt tăng trưởng mới hay không?

Tôi nghĩ là không bởi vì thị trường đã lên đỉnh do phản ánh kỳ vọng về kích thích kinh tế rồi. Đây là lý do thị trường liên tục tăng cao dù kinh tế vĩ mô xấu đi. Nhưng khi kích thích kinh tế, thì lại thường không đúng lúc, cũng không đúng chỗ, nếu không nói phần lớn là chệch hướng, và sự kỳ vọng thậm chí còn tan vỡ. Do đó, thị trường có thể tăng điểm khi bắt đầu tung ra các gói kích thích, nhưng khi tung ra hết thì thị trường lại giảm điểm. Mức tăng thì thấp nhưng mức giảm thì lại lớn.

Vì thế, đây không phải là thời điểm để đầu cơ hay đầu tư vào thị trường nói chung, kể cả đầu tư mua quỹ ETF (nếu bạn mua gom dần theo từng tháng và không quan tâm thị trường thì không sao).

Điểm quan trọng nhất ở đây là thị trường chứng khoán CÓ LẼ sẽ phân hóa rõ rệt. Có những ngành, những doanh nghiệp được hưởng lợi rõ ràng, và có những ngành, những doanh nghiệp chỉ được cứu cầm chừng, và có những ngành hay doanh nghiệp hụt hơi, suy vi rồi chết hẳn.

Nếu bạn đầu tư quỹ chỉ số hay quỹ ETF, bạn sẽ được an toàn. Còn nếu bạn tất tay vào một cổ phiếu mà cổ phiếu này sụt giảm, bạn mất tiền. Nếu bạn "đa dạng hóa danh mục", có lẽ bạn sẽ trở nên mất trí hoặc điên loạn. Đây là một con sóng rất lớn và không dành cho tay mơ.

Kích thích kinh tế như thế nào?

  • Đầu tư công đẩy tiền vào thị trường và tạo việc làm
  • Bơm tín dụng giá rẻ (từ ngân hàng nhà nước sang ngân hàng thương mại và cuối cùng vào doanh nghiệp sản xuất) cho một số ngành nghề
  • Tăng lương để đẩy tiền vào nền kinh tế, tuy nhiên, cách làm này có thể gây lạm phát chồng lạm phát nên có lẽ sẽ rất hạn chế

Việc bơm tín dụng cần rất thận trọng, vì nếu không khéo nó sẽ chảy hết vào bất động sản. Bất động sản có lẽ đã bong bóng như chuyết trong bài Có nên bắt đáy bất động sản trong khủng hoảng, và nếu còn thổi nó thêm thì toàn bộ nền kinh tế, sản xuất, kinh doanh sẽ kiệt quệ. Cuối cùng chính quả bom bất động sản sẽ nổ và hệ thống ngân hàng lĩnh đủ, thậm chí sụp đổ.

"Bơm tín dụng thận trọng" nghĩa là chỉ doanh nghiệp niêm yết và minh bạch tài chính trong một số ngành nghề sản xuất hay xuất khẩu mũi nhọn mới được vay. Từ đó tạo ra sự tăng trưởng ngoạn mục cho một số rất ít doanh nghiệp, nhưng đa số sẽ đói vốn, thiếu vốn và thua lỗ nặng nề.

Nếu là tôi, tôi sẽ chọn doanh nghiệp vốn đã làm ăn tốt trong khủng hoảng, nay lại đón nhận thêm dòng tiền từ đầu tư công nữa. Những doanh nghiệp này có lẽ có thể tăng trưởng 200 tới 300%.

Bây giờ, tôi ví dụ doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu. Cổ phiếu của họ thực sự đã lên cao, mặc dù lợi nhuận của họ giảm đi từng quý, việc xuất khẩu sang Mỹ, Âu ngày càng khó khăn vì những nơi này cũng đang khủng hoảng và việc vận tải hàng hóa đang trục trặc trên phạm vi toàn cầu. Vậy tôi có nên đầu cơ cổ phiếu này để hưởng lợi khi nhà nước bơm tín dụng không?

Tôi e là, ngay khi nhà nước bơm tín dụng, giá cổ phiếu không chỉ không tăng mà còn giảm, vì nó phải phản ánh tình hình kinh doanh ảm đạm của doanh nghiệp. Họ sẽ mất nhiều thời gian phục hồi và họ không phải là người được bơm tín dụng, vì họ là doanh nghiệp tư nhân và có cơ cấu cổ đông cô đặc, tức là chủ tịch nắm tới 60~70% cổ phần và chi phối hoàn toàn doanh nghiệp.

Tại sao nhà nước phải cứu họ mà không để họ phá sản, rồi để cho tư bản thân hữu nhảy vào thâu tóm?

Có hai khả năng. Thứ nhất là doanh nghiệp vượt qua được bằng nội lực của mình. Như thế thì họ mất một vài năm để phục hồi sản xuất và phục hồi lợi nhuận, mà giá cổ phiếu đã khá cao, nên nó sẽ lên xuống thất thường. Chỉ khi nào kinh tế Âu Mỹ và nhu cầu thị trường phục hồi, và lợi nhuận xuất khẩu tăng đột biến, thì mới có thể kỳ vọng giá cổ phiếu lên một tầm cao mới. Ngoài ra, nhìn vào quá khứ thì bạn cũng sẽ thấy ngành thủy sản thường là ngành có quy kỳ 2 năm (tôi chưa nghiên cứu tại sao lại có chu kỳ này, là do nguồn cung, hay do thị trường tiêu thụ). Do đó, để đầu tư, bạn phải theo dõi thật kỹ lợi nhuận từng quý xem có tăng trưởng đột biến hay không.

Khả năng thứ hai là doanh nghiệp vỡ nợ. Ngân hàng và tư bản thân hữu sẽ sớm thâu tóm và chi phối để "cải tổ", thực chất thì là họ sẽ cắt nguồn vốn để thâu tóm. Ví dụ ngân hàng (của tư bản thân hữu) đột nhiên không cho vay nữa, thế là chủ doanh nghiệp phải bán lại doanh nghiệp. Trong trường hợp này, doanh nghiệp vốn đang làm ăn tốt có thể sẽ, và thường là sẽ, làm ăn kém đi. Giá cổ phiếu sẽ giảm, nếu đang giữ thì nên bán gấp.

Tư bản thân hữu suy cho cùng chỉ "cướp đất" là giỏi thôi, chứ có kinh doanh ngành nào mà đã thành công đâu.

Là một nhà đầu tư chân chính, chúng ta mong rằng chủ doanh nghiệp giữ vững được doanh nghiệp, và một ngày đẹp trời khi lợi nhuận tăng trưởng đột biến, chúng ta sẽ mua cổ phiếu của họ.

Nếu thị trường suy thoái thì cổ phiếu tôi mua có mất giá không?

Không phải cứ kích thích kinh tế là thị trường sẽ đi lên. Chúng ta không thể tư duy siêu hình được. Nếu tư duy siêu hình mà đúng, khi kinh tế vĩ mô khủng hoảng như hiện tại thì thị trường đã tan xác lâu rồi. Ngược lại nó lại tăng mạnh, đúng không?

Kích thích kinh tế thường là vừa sai thời điểm, vừa sai số lượng, vừa không đúng kỳ vọng, cuối cùng làm mọi người thất vọng và chán nản. Tâm lý này sẽ phản ánh vào thị trường.

Thị trường có thể suy thoái! Thực ra, nếu thị trường tăng mạnh, bạn có thể hạnh phúc và dù tôi có "tiên tri" sai, bạn cũng chẳng bận tâm. Và cuối cùng hình ảnh của tôi vẫn đẹp lung linh, dù có thể tôi tiên đoán sai tới 50%. Nhưng đây không phải là tiên đoán, đây chỉ là "có thể" xảy ra như thế, nhẹ nhàng hơn nhiều.

Nhất là, khủng hoảng kinh tế vĩ mô sẽ làm cho rất nhiều ngành nghề, doanh nghiệp đơn giản là lụi tàn. Điều đó có nghĩa là suy thoái, cổ phiếu giảm 50% hay 90 % giá trị là bình thường.

Và dòng tiền thoát ra khỏi đây sẽ đẩy hết vào ngành nghề được hưởng lợi từ kích thích kinh tế, tạo ra sự bùng nổ thật sự kinh hoàng và bạn sẽ tự hỏi rằng chắc gì người trúng số độc đắc đã hạnh phúc đến thế.

Nhưng đấy là nếu bạn không mua những cổ phiếu "ăn chắc mặc bền" không tăng trưởng cổ tức cao mới trả hết nợ!

Là cổ phiếu của Big Brother, do Big Brother và vì Big Brother.

Cổ phiếu "ăn chắc mặc bền" kiểu này cũng giống như bạn đi xe đạp vậy. Bạn cứ từ từ tiến lên. Khi thị trường xăng dầu khủng hoảng, các loại xe cơ giới hết xăng để chạy, bạn sẽ đạp xe ngạo nghễ.

Nhưng nếu thị trường phục hồi thì sao?

Bạn sẽ thấy các loại xe thể thao vọt qua trước mặt với tốc độ tên lửa. Bạn tự nhủ, mình cứ ăn chắc mặc bền thôi chứ bọn nó hiện đại quá lại hại điện, nhỡ va quẹt cái phải vào gara thì tốn cả tháng trời và mớ tiền chứ ít gì.

Rồi các loại xe siêu sang cũng cho bạn ngửi khói.

Sau nữa, bạn thấy mình tụt lại so với xe hơi bình dân.

Bọn đi xe máy tay ga cũng bỏ bạn lại mà đi.

Và cuối cùng, khi bọn xe máy cà giựt cà tàng (cổ phiếu penny, trà đá, rác rưởi) cũng vượt qua mặt bạn thì bạn cảm thấy có gì đó không ổn.

Bạn cố gắng tăng tốc đạp hơn và thấy bọn cà giựt cà tàng đang phải sửa xe. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, bọn cà tàng này lại sớm cho bạn hít khói, rất nhiều khói.

Vấn đề chính là bạn có thể mất tới 10 năm chỉ để đi quãng đường mà người khác đi có 1 năm. Một người đầu tư vào cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất có thể về hưu sung túc sau 10 năm, còn thời gian để bạn làm thế với cổ phiếu "xe rùa" là 100 năm, lúc đó thì cũng lạm phát lắm rồi.

Bọn đầu tư cổ phiếu penny có thể lúc lên lúc xuống nhưng đời sống tinh thần của bọn nó còn phong phú hơn là đời sống "ăn cổ tức" để rồi tức tận cổ của bạn.

Bạn không thể NGU TRUNG với cổ phiếu nào đó. TRẢI NGHIỆM và rút kinh nghiệm để thích ứng sẽ giúp bạn có chính kiến và xoay chuyển kịp thời. Ngay khi xe thể thao vọt lên, bạn sẽ thấy được ngay là đi xe đạp không ổn.

Nếu cứ ăn chắc mặc bền thế này thì sẽ có ngày trở thành kẻ ăn mặc te tua nhất trên thị trường chứng khoán.

Vấn đề chính là "đừng đầu tư vào những doanh nghiệp đang xuống dốc". Mục tiêu của nhà đầu tư chân chính trong thời đại bong bóng bất động sản, bần cùng hóa, bần dân dễ trị này là sinh lời tối thiểu 15%/năm, vì bất động sản cũng tăng tầm tầm đấy và bạn không muốn ngày càng mất đi cơ hội, đúng không?

Những doanh nghiệp không thể tăng trường ổn định tối thiểu 15%/năm đều là "doanh nghiệp đang xuống dốc".

Chỉ cần tránh được các doanh nghiệp này là xác suất thành công đã khá cao rồi.

Ký tên: Người Tù Vĩnh Cửu

No comments:

Post a Comment