Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Friday, September 24, 2021

Bảo vệ tài sản 2022

Chào các chiến sỹ!

Mùa đông đã tới. Siêu lạm phát đã tới. Giá đã tăng ngay từ khi bạn bị phong tỏa! Tăng rất mạnh mẽ đấy. Năm sau, bạn sẽ bị tỉa rất nhiều tiền trong mọi quá trình, và tôi cũng vậy thôi, nên trong bài này tôi chuyết về cách bảo vệ tài sản trong năm tới 2022.

Chúng ta sẽ mất tiền vì:

  • Vật giá tăng mạnh do siêu lạm phát và kinh tế đình trệ
  • Giá xăng có thể tăng, giá điện có thể tăng, giá nước có thể tăng ("có thể" là cách nói lịch sự để tránh bị chụp mũ và phạt vạ!)
  • Giá dịch vụ ăn uống nhà hàng chắc chắn tăng khủng khiếp
  • Các khoản phạt có thể tăng gấp 5~10 lần, lỗi nhỏ cũng bắt!

Năm nay cũng là một năm khó khăn nhưng khi kiểm tra lại thì tài sản vẫn tăng trưởng dương, chủ yếu là do đầu tư. Như vậy, năm sau cũng vẫn phải tiếp tục đầu tư, nếu muốn tiếp tục làm tài sản tăng trưởng. Ai cũng có thể làm được vậy nếu có kiến thức và thời gian. Năm tới, ưu tiên của chúng ta là bảo vệ tài sản khỏi lạm phát, chứ không phải là tăng trưởng tài sản, vì tôi cho rằng kinh tế có thể trì trệ 2-3 năm, một số ngành là 4-5 năm, và một số ngành thì sụp đổ luôn. Tôi liệt kê một số phương sách dưới đây.

Những việc không nên làm: Mở kinh doanh mới

Mở kinh doanh ăn uống, nhà hàng, bán lẻ, du lịch, tiêu dùng vv là những thứ phải tránh, thậm chí tránh tuyệt đối. Bởi vì lạm phát cao, chi tiêu cho tiêu dùng bị thu hẹp, trong khi, giá mặt bằng chưa giảm, biên lợi nhuận trước khủng hoảng đã cực mỏng, nên việc mở kinh doanh các ngành này đơn giản là tự sát. Trừ khi bạn thừa tiền và có thể trở thành trùm thị trường ngách và có thể bán giá rất rẻ. Chẳng ai làm được thế đâu.

Đầu tư bất động sản, đất nền có lẽ cũng không nên đâu. Kinh tế đang khủng hoảng, quả bom trái phiếu bất động sản lơ lửng trên đầu, niềm tin suy giảm. Chúng ta vẫn sẽ nghe thấy đọc thấy tin tức sốt đất khắp nơi, nhưng đó là tin ảo do tư bản, tư hữu thuê viết bài. Thị trường lao dốc thì không nên lướt sóng, không sẽ ngã sấp mặt. Hãy chờ khoảng 2 năm nữa, khi tâm lý thị trường chán nản cực độ.

Bán khóa học, bán hàng đa cấp, bán mỹ phẩm, bán hàng online vv cũng không nên mở ra làm. Bởi vì nhu cầu cho các thứ ngoài thiết yếu sẽ rất ít. Mọi người đang tập trung lo đối phó lạm phát, nên họ sẽ mua nguyên liệu về tự nấu ăn.

Hơn nữa, để bán được hàng, bạn phải trả rất nhiều tiền cho hệ thống, khoảng 20~30%, nên không thể đảm bảo có lợi nhuận được.

Không vay tiền mua nhà hay đầu tư bất động sản

Thị trường bất động sản có thể suy thoái hay đi ngang, giao dịch thấp. Dù báo chí và chuyên gia "lùa gà" bơm thổi thế nào, thì tổng thể nền kinh tế không sáng, và có lẽ các doanh nghiệp sắp sửa hứng chịu một cơn bão lớn về nhu cầu thị trường suy giảm. Bạn vẫn có thể mua nhà và kỳ vọng giá tăng chút ít, nhưng sẽ không thể nào bù lại lãi suất vay mà bạn phải trả. Hãy đợi ít nhất 1 năm, hoặc 2 năm, cho tới khi tình hình sáng hơn.

Còn nếu bạn dư tiền mua nhà thì thoải mái. Nhưng có thể đợi thêm 1 năm có nhiều lựa chọn hơn mà giá có thể còn rẻ hơn. Tôi sẽ lựa chọn chờ thêm nếu định mua nhà.

Không đổi xe, không đổi điện thoại mới

Tôi cũng chẳng có nhu cầu, vì đang sống tối giản. Bạn cũng nên kiềm chế dục vọng. Rồi chẳng còn ham muốn mấy đâu.

Vì đổi xe thì phải tiêu số tiền lớn. Nếu đã tiêu tiền lớn rồi thì tiếc gì mà không đổi điện thoại cho đồng bộ? Và đổi cả đồng hồ nữa chứ. Càng mua, lại càng thấy mình nên có phong cách, lại mua thêm thật nhiều thứ phục vụ cho phong cách của bản thân. Rồi đổi quần áo, giày dép. Sẽ tốn bộn tiền đấy.

Về lâu dài, cụ thể là 6 tháng, bạn phát hiện mình không thoải mái với phong cách mới và hối tiếc.

Nếu bạn không đổi gì cả, 6 tháng sau, bạn thấy yêu bản thân hơn. Tự luyến luôn không chừng.

Tôi không đời nào đổi những thứ đang dùng rất tốt. Điện thoại lên được app đầu tư và ngân hàng là ngon rồi. Vân tay vẫn rất ngon, mỏng và nhẹ. Còn chẳng buồn nâng cấp lên ... điện thoại cũ trên một đời.

Không cho vay, tuyệt đối không cho vay

Vì bạn sẽ vừa mất tiền, vừa mất lòng người khác. Đòi nợ thái quá có thể làm bạn trở thành kẻ xấu xa chỉ biết tới tiền. Dù là ai, hãy từ chối một cách nhẹ nhàng hoặc thẳng thừng.

Bạn không có trách nhiệm cứu rỗi người nghèo. Đấy là việc của người khác. Đó là việc của cha mẹ, gia đình họ, hay của những người thích làm từ thiện (họ có thể vừa làm từ thiện vừa làm giàu luôn).

Nấu ăn nhiều hơn, ăn ngoài ít hơn

Để tiết kiệm tiền ăn hơn nữa mà vẫn ăn ngon, sống vui vẻ, thì hãy áp dụng các nguyên tắc này:

  • Biết nấu nhiều món hơn
  • Biết làm món ăn vặt và món nhậu
  • Mua số lượng lớn để có giá rẻ
  • Thay thực phẩm đắt đỏ bằng thực phẩm thay thế rẻ hơn (thịt bò bằng heo, thịt bằng cá, cá lớn bằng cá bé, vv)
  • Ăn ít đi và tính toán hợp lý hơn

Tuy là lạm phát cao nhưng nguyên vật liệu thì tăng ít hơn là dịch vụ, nên mua nguyên vật liệu rồi tự chế biến luôn là cách tốt nhất chống lạm phát.

Năm tới, tiền ăn sẽ có thể tăng 10~20% do lạm phát, nên chúng ta nên tập trung làm giảm tiền ăn. Chứ tôi không nghĩ tiền nhà sẽ tăng. Nhà mà tăng thì đổi nhà thôi, không lằng nhằng lý luận làm gì. Chịu khó ở nhà rẻ hơn, xa hơn, nhỏ hơn.

Không mua bảo hiểm nhân thọ

Bạn có thể gặp rắc rối về dòng tiền. Tôi nghĩ là năm tới người ta sẽ chào bán bảo hiểm nhân thọ cho bạn suốt ngày, vì họ cũng đang thiếu tiền. Bảo hiểm nhân thọ làm bạn khó khăn hơn về kinh tế, và sự nghèo đói giết chết con người nhanh hơn là các loại rủi ro khác.

Bạn nên giác ngộ về bảo hiểm nhân thọ: Bảo hiểm nhân thọ là thứ làm tuổi thọ giảm đi.

Nhưng nếu bạn đang trong hợp đồng thì vẫn nên đóng tiền duy trì, làm sao phải đóng ít nhất có thể. Cắt hợp đồng giữa chừng sẽ làm bạn mất rất nhiều tiền, nhất là trong 3 năm đầu của hợp đồng.

Bạn chỉ nên mua bảo hiểm y tế, nhưng với điều kiện là nó chi trả cả chi phí xét nghiệm bệnh dịch bắt buộc. Nếu không thì bạn vẫn tốn rất nhiều tiền xét nghiệm và không lợi gì.

Bạn không nên mua bảo hiểm dành riêng cho loại bệnh dịch cụ thể nào. Đấy chỉ là cách chăn dắt kiếm tiền. Không tác dụng gì đâu! Bởi vì nếu là bệnh dịch cỡ quốc gia, có lẽ bạn được chữa miễn phí. Còn chi phí ở, ăn uống thì có lẽ bảo hiểm không trả cho bạn, nên chẳng tác dụng gì mấy.

Không để bị phạt vạ

Năm tới có thể là năm của "phạt vạ" và "làm tiền", chúng ta nên chuẩn bị tinh thần. Hãy trang bị kiến thức về luật và đừng để bị phạt vạ. Vì mức phạt vạ sẽ rất cao, ngày càng cao hơn, để "bảo vệ bạn". Bạn nào làm giấy tờ doanh nghiệp thì chú ý, dù không hoạt động vẫn phải nộp báo cáo đúng hạn không sẽ bị phạt số tiền lớn. Rồi bạn cũng sẽ chẳng muốn kinh doanh gì đâu. Nhiều người vẫn giữ doanh nghiệp mà lại chuyển hết qua nền kinh tế phi chính thức vì sợ mức phạt cao. Không phải tôi đâu nhé, ha ha.

Kiếm nhiều tiền hơn = Đầu tư

Để kiếm nhiều tiền hơn thì:

  • Dành nhiều thời gian kiếm tiền hơn (giảm thời gian mạng xã hội xuống)
  • Tăng hiệu quả và đơn giản hóa cách làm việc
  • Phát huy nhiều kênh kiếm tiền
  • Đầu tư

Nhưng trong hoàn cảnh này, chúng ta cũng không nên bỏ công sức kiếm tiền, vì không hiệu quả đâu. Ai cũng làm thế, trong một môi trường nhu cầu thấp, nghĩa là chi phí bỏ ra cao trong khi lợi nhuận bị cạnh tranh mạnh. Ngay cả việc chạy xe ôm công nghệ có lẽ cũng khó mà kiếm được nhiều tiền, vì ai cũng muốn chạy.

Vì thế, năm nay nên tập trung vào học đầu tư. Tôi đã tính các quỹ chỉ số và tìm ra được một quỹ có thể đảm bảo được lãi kép ít nhất 15%/năm trong nhiều năm. Vì thế, từ năm nay tôi sẽ đầu tư vào 2 quỹ, một quỹ là quỹ có thành tích kinh doanh ổn định trong nhiều năm trên, một quỹ là quỹ ETF mới có lợi nhuận tốt nhất trong năm nay.

Ai cũng có thể dành thời gian nghiên cứu kết quả các quỹ để đầu tư, mà không cần quá rành về thị trường chứng khoán. Còn nếu bạn có kinh nghiệm rồi thì tuyệt vời.

Tôi không nói là ai vào thị trường cũng sẽ lời. Lúc này đang phân phối đỉnh, nếu vào bừa bãi thì năm sau có thể thua lỗ.

Năm sau thị trường CÓ THỂ ĐIỀU CHỈNH giảm 10~20%. Đây là khủng hoảng kinh tế và thị trường đã tăng trưởng mạnh vì tin đồn bơm tiền kích thích kinh tế và đầu tư công rồi, trong khi đa số ngành nghề không được hưởng lợi. Nó sẽ phải giảm.

Nếu bạn không đầu tư quỹ chỉ số mà tự mình mua cổ phiếu, mà không hiểu gì về thị trường, bạn có thể thua lỗ 10~40%. Còn nếu bạn mua quỹ chỉ số không xuất sắc, bạn có thể bị mất 10%. Quỹ tốt thì bạn có thể mất 5%. Đây là tình hình lúc này.

Nhưng nếu bạn có thể tính được thời điểm vào, mà cách tốt nhất là mua vào chia ra 4 quý, thì có thể bạn vẫn có thể có lời, hay ít ra là không bị thua lỗ quá lớn.

Nếu tôi MỚI VÀO, tôi sẽ không đợi nhưng tôi sẽ đợi thị trường điều chỉ nhỏ để vào khoảng 25% số vốn trước quý 1 năm sau. Sau đó mỗi quỹ tôi sẽ theo dõi cẩn thận để xem xét xuống tiền tiếp.

Đây là cách tốt nhất để kiếm tiền trong 2022 rồi. Bởi vì, bạn không vất vả đổ mồ hôi. Chứ nền kinh tế đang trì trệ nên việc bỏ công sức kiếm tiền sẽ không hiệu quả gì. Không làm gì là tốt nhất.

Mục tiêu của tôi năm tới vẫn là tài sản tăng trưởng dương, nhưng nếu bị tăng trưởng âm thì tôi cũng không buồn lắm. Người khác còn mất mát hơn tôi nhiều!

Trong đầu tư thì kinh nghiệm = kiến thức sẽ giúp chúng ta kiếm được tiền từ thị trường. Kinh nghiệm phải dựa trên trải nghiệm. Nghĩa là muốn đầu tư thì phải đầu tư, dùng hệ thống cho quen, chứ không chờ đợi. Chỉ là tiền thôi mà! Mua số nhỏ thôi là được. Chứ đợi học hành bài bản thì đến bao giờ. Tôi không nói là không nên học. Tôi có học nhưng chỉ học những thứ THỰC SỰ THIẾT YẾU, chứ sẽ không ngồi nhai cả giáo trình kinh tế vô dụng đâu nhé.

Tôi bỏ thời gian ra nghiên cứu số liệu tăng trưởng các quỹ và đánh giá chính các quỹ này để tìm ra quỹ tốt nhất, và thông báo ở một kênh khác. Vì nguyên tắc của tôi là không phím hàng đại trà.

Đấy là điều bạn nên học, chứ không phải đọc sách giáo trình kinh tế. Tất nhiên là bạn phải có thời gian, chứ không phải là người đang bị bóc lột và bần cùng hóa để làm giàu cho tư bản. Học tập là chìa khóa mở ra thành công về tài chính.

Đầu tư chính là kinh doanh

"Phi thương bất phú". Nếu bạn không kinh doanh buôn bán thì bạn sẽ không giàu có. Nhưng nếu tự mình kinh doanh thì cũng mệt mỏi. Nếu bạn lười, bạn không nên kinh doanh.

Với lại bạn cũng không cạnh tranh nổi đâu. Rồi sẽ sập tiệm và phá sản, rồi lại phải đi làm thuê thôi.

Bạn chỉ có thể kinh doanh nếu có nguồn tiền vô hạn của người khác, được tài trợ tiền buôn lậu, tiền tham nhũng, tiền bẩn cần rửa hay gì đó, thì mới an toàn.

Tự tin là tốt, nhưng trong môi trường này thì thôi.

Thực ra chỉ cần đầu tư thôi. Bởi vì đầu tư chính là kinh doanh gián tiếp. Nhất là đầu tư vào doanh nghiệp có ngành nghề hưởng lợi từ chính sách.

Bạn có thể kiếm lợi nhuận trên vốn cao hơn tự kinh doanh nhiều, mà hầu như không tốn sức hay rủi ro gì. Khi nào bạn hiểu ra chân lý "Tiền đẻ ra tiền", bạn giác ngộ và kiếm bộn.

Người Tù Vĩnh Cửu

No comments:

Post a Comment