Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Friday, July 14, 2023

"Muôn kiếp chuyển sinh"

"Muôn kiếp chuyển sinh" là một cuốn sách siêu hư cấu (chứ không phải phi hư cấu như được tuyên bố) về những trải nghiệm "tâm linh" thoáng qua của một phi hành gia và của ông Thomas nào đó là doanh nhân thành công, về "vô số tiền kiếp" của mình. Mục đích chính là kêu gọi mọi người tin vào luật nhân quả, quy luật nhân hồi của vũ trụ, cứ động lòng trắc ẩn, ban phát tình yêu thương, học tập đời đời kiếp kiếp thì sẽ đạt được tới "trí tuệ" như giáo sư J hay là ông Thomas (mà trí tuệ này lại chưa đủ cao siêu như các bậc tu hành, còn phải học thêm ngàn vạn kiếp nữa mới mong đạt tới "trí tuệ về sự chân thực"). Tóm lại thì tin là chứng, chứng là ngộ, trải qua muôn vạn kiếp từ đất đá, cỏ cây, sâu bọ, cầm thú, lên được kiếp người, rồi lại có người mê lú lầm lạc, người tu dưỡng, người giác ngộ, các bậc kỳ nhân dị sỹ. Ngay từ đầu phi hành gia, tác giả, hòa thượng, ... đã đánh phủ đầu khoa học và luận lý, thống nhất là chuyện tâm linh thì để tâm linh giải quyết, chứ khoa học còn quá sơ khai, sao hiểu được cả vũ trụ thu nhỏ bên trong con người, nói gì đến hiểu không thời gian của vũ trụ bao la, cũng như luật nhân quả và quy luật luân hồi của nó. Ngay cả ông Thomas vốn cũng là một doanh nhân duy lý trí, sao tin được những chuyện hoang đường, huyễn hoặc. Đến đây thì tôi đoán Thomas là Đỗ Nam Trung vì ông này là người có máu mặt ở Nữu Ước, với lại tên có vần T giống nhau, nhưng cũng không quan trọng lắm. Tôi đọc sách trong một buổi chiều và tóm tắt để mọi người cũng có thể chuyết được, vì:

"Chuyết được thì đường ruột hanh thông"

Mục tiêu của viết sách, thuyết giảng (đạo lý hay đạo lú), ... cuối cùng cũng chỉ là để đường ruột hanh thông, sẽ dễ sống, dễ thở hơn nhiều chứ nhỉ?

Sách ai viết, viết cho ai?

Tin là chứng, chứng là ngộ, ai biết người nấy. Nhưng vì không đồng kiểm chứng được, không để lại bằng chứng gì nên khoa học hay luận lý (logic) trở nên vô ích. Thì tâm linh nó là như thế, tâm linh và mê tín chỉ cách nhau một ranh giới mỏng manh, đôi khi nó là một, đôi khi nó tách biệt, như thực tại và mộng tưởng, làm sao mà phân biệt được rõ ràng?

Thomas, chính là ông, một doanh nhân thành đạt. Trải nghiệm là của ông, do ông và vì ông. Và trong cơn bão kỳ lạ khi đi lên ngôi nhà nghỉ dưỡng trên núi, ông đã gặp được thầy K là người giảng về muôn kiếp chuyển sinh, cũng là bạn của ông từ muôn vàn kiếp trước. Trong cuộc sống, chuyện hoang đường nào cũng có thể xảy ra, vì chúng ta không chứng, thì sao ngộ được? Chỉ có đức tin mới giúp ta đi trên con đường đúng đắn, nên ngay từ đầu chúng ta hãy tin một cách mù quáng. Đằng nào cũng đang khổ sẵn rồi, thầy nói gì em chẳng tin ạ!

Ông cầm lấy cây gậy quyền lực của thầy K và ngủ thiếp đi. Trong đó, ông trở lại tiền kiếp của mình, không làm tham quan thì cũng làm hôn quân. Ông trái qua muôn vạn kiếp, kể cả kiếp sống sâu bọ, cây cỏ, rồi chuyên tâm tu hành mà trở lại thành người, thành ông Thomas ngày nay, đây gọi là quy luật luân hồi, kiếp sống đời đời, tu dưỡng tốt thì lên làm người, tu dưỡng kém thì xuống hàng cầm thú, sâu bọ, cây cỏ, đất đá ...

Thì cả cuốn sách là để đề cao luật nhân quả và sự luân hồi mà. Nhưng sao ông T này khôn thế? Ông toàn quay lại tiền kiếp là hôn quân, hôn quan, chứ không thấy ông quay lại tiền kiếp làm dân thường, sâu bọ hay cây cỏ bao giờ? Không lẽ, ký ức là có chọn lọc, chỉ những ký ức làm vua, làm quan, mới được lưu lại vào tàng thức, còn cây cỏ, sâu bọ, thú vật, thì không còn được nhớ tới?

Bởi lẽ, nếu bạn là DOANH NHÂN THÀNH ĐẠT, NGƯỜI THÀNH CÔNG, rồi sẽ thế nào? Bạn mệt đứt hơi, hết xí quách, có lẽ không còn thấy hạnh phúc nữa. Bạn bắt đầu tự hỏi về ý nghĩa của cuộc đời, về nguồn gốc nhân loại từ đâu đến, và sẽ đi về đâu. Bạn không tự hỏi bạn sẽ đi về đâu vì chỗ ấy thì rõ cả rồi, một cái lỗ! Cho dù học hành thành tài, ra đời lập nên sự nghiệp, thì cũng khá mệt và không thấy vui mấy nữa, vì càng thành công, càng trách nhiệm, càng lao lực. Bạn cảm thấy mình LỖ LỚN trong cuộc đời. Lòng tự tôn quá cao nên sẽ không muốn đứng chung hàng ngũ chúng sinh, và tự hỏi, nếu hoàn cảnh của mình không đủ tốt, thì liệu mình có "khổ" như chúng sinh hay không? Đợi chút! Tôi thành công là do tôi nỗ lực, là do tư chất của tôi, là do bản ngã của tôi, là do tu hành của tôi, là do tu dưỡng của tôi. Nếu chỉ là do hoàn cảnh, may mắn có được, thì con tôi, cháu tôi làm sao hưởng hồng phúc vạn đời như con cháu Tần Thủy Hoàng được? Đây là cả cuộc khổ chiến đi tìm bản ngã và ý nghĩa thật sự của cuộc đời, dành cho doanh nhân thành đạt và người thành công.

Tức là nếu tu luyện triệu kiếp thì từ đất đá mà lên cỏ cây, từ cỏ cây mà lên sâu bọ, từ sâu bọ mà lên cầm thú, từ cầm thú mà lên kiếp người. Kiếp người chia ra nhiều giai cấp kiểu như chế độ chuyên chế ngày xưa chia con người làm bốn hạng "sỹ, nông, công, thương". Đấy là chia cho dân chúng, còn hôn quân, tham quan lại ở "dạng tướng" khác, là người quyền quý, cao hơn hẳn, nắm lấy đại thống mà cai trị, phủ dụ, vỗ về dân chúng. Làm minh quân hay hôn quân, làm thanh quan hay tham quan, thì cũng đều là đại hồng phước của tổ tiên, hoàn toàn là khẩu vị cá nhân, không suy suyển ngàn đời do nắm được thiên mệnh trong tay, cứ thế thay trời mà hành đạo!

Trong lý luận về nhân quả và luân hồi, thì hôn quân và tham quan là bậc cao quý, tu luyện triệu kiếp mới thành được. Vì thế, khác với chúng sinh đau khổ lầm than, vua quan sống sung túc, vương giả là do ý trời, mà ý trời là do tu dưỡng ngàn đời vạn kiếp mà có được. Lý luận này nghe sướng cả tai, trẫm thích. Ban thưởng!

Lý luận về nhân quả luân hồi chính là nền tảng của cái gọi là thiên mệnh (ý trời), tạo ra sự chính thống cho sự thống trị của vua quan chuyên chế, nên nó cực thịnh ở phương đông, vì đơn giản là hợp ý trẫm, hợp ý quan.

Trong thời đại "hậu chủ nô" tức là thời đại tư bản hiện đại, bạn kiếm tiền từ công việc tri thức, hay làm tư bản "bóc lột" người khác, dù làm gì thì cũng ở trong guồng máy, phải chịu áp lực cao nhưng có cuộc sống dễ thở (chỉ về vật chất) hơn một số đông. Lúc đó, sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi về tinh thần và tự hỏi, điều gì làm nên thành công và thực sự có tốt hơn so với số đông chúng sinh hay không? Bạn không hạnh phúc vì bạn hết xí quách, và bắt đầu tìm tới tâm linh để giải thoát. Đây là cuốn sách dành cho bạn, vì nội dung từ đầu chí cuối chỉ nói về nhân quả luân hồi. Bạn có được ngày hôm nay, ở vị thế tốt, là do bạn tu dưỡng ngàn kiếp. Tức là kiếp nào bạn cũng sẽ tốt, như kiếp này! Con cháu đời đời nhà bạn cũng sẽ tốt, vì có tu dưỡng. Sẽ không như chúng sinh đâu, sẽ tuyệt đối không như chúng sinh đâu mà.

Lòng tự tôn của bạn được vuốt ve, giúp bạn có thể sống "yên ổn, bình tĩnh" trong suốt quãng đời còn lại. Chẳng phải là một cuốn sách quá tốt hay sao?

Còn những người đã kiệt sức mà không thành công thì sao? Theo sách đã viết, kiếp trước họ gây nhiều "nghiệp" quá (tức là làm nhiều việc xấu), nên kiếp này gánh chịu. Kiếp này mà chịu tu dưỡng thì sẽ cải thiện, sẽ lên làm người có "trí tuệ", sẽ được giải thoát khỏi nỗi khổ, nghe cũng bùi tai. Tôi còn trẻ và làm việc quần quật để kiếm sống, mà không có tương lai, trong khi tôi toàn làm điều tốt. Tôi không nhận thức được bị hôn quân, tham quan bóc lột thậm tệ qua bong bóng bất động sản, vì tôi còn chẳng có tiền để mua. Ngày nào tôi cũng kiệt sức mà chẳng được gì, không xí quách, không niềm vui, không tôn trọng. Tôi bị phức cảm tự ti giày vò mỗi ngày. Nay tôi được khai sáng về muôn kiếp chuyển sinh, hóa ra tôi khổ vì tôi là quần chúng u mê lạc lối, nếu tu dưỡng tốt sẽ đạt tới trí tuệ và thoát khổ. Nỗi thống khổ vì "toàn làm điều tốt" mà "chẳng được gì" còn kẻ xấu thì lại có mọi thứ thực sự làm tôi khổ thêm rất nhiều. Tôi rất nên tin vào muôn kiếp chuyển sinh, tất cả là do kiếp trước của tôi mà thôi. Nghe xong nhẹ cả người, như được bác sỹ chẩn đúng bệnh, dù nó là nan y cả nền y học bó tay.

Tâm lý của con người là vì cuộc sống chán thực sự, chỉ quay cuồng trong công việc, những ham muốn không được thỏa mãn, mà muốn tin vào các chuyện luân hồi chuyển kiếp. Dù bản thân không chứng, cũng chẳng ngộ, chỉ nghe một ông T nào đó chém gió, nhưng vẫn muốn tin. Chúng ta gọi đó là chuyện tâm linh. Vì không chứng chẳng ngộ thì phải phủ đầu khoa học, luận lý mới bàn tiếp được. Không lại hỏng hết chuyện ra.

Con đường không chứng cũng chẳng ngộ, hoán "phương tiện" thành "mục đích"

Con đường tu luyện ngàn đời vạn kiếp để đạt tới "trí tuệ" tối cao, là trí tuệ gì? Đó là trí tuệ về nhân quả - luân hồi - tiền kiếp. Nhưng sau đó để làm gì tiếp? Không biết. Ban đầu, mục đích chỉ là để "thoát khổ", và phương tiện (nói cho đúng là "vương tiện") là học tập, tu dưỡng để thành kiếp người có trí tuệ. Cuối cùng, con đường này mãi đau khổ, vì đau khổ chính là động lực để học tập, tu dưỡng, và càng học càng tu lại càng thành người, mà trên đời, ai chẳng biết như ban ngày, còn kiếp nào khổ hơn kiếp người nữa?

Ngay cả trong lý luận căn bản về tôn giáo, tâm linh, đã công nhận từ đầu: Kiếp người khổ.

Và tu luyện ngàn kiếp để thành kiếp người "có trí tuệ", để bớt khổ, nhưng quá trình tu này lại toàn là chuyện khổ. Rốt cuộc, phương tiện để "thoát khổ" (học tu) lại trở thành mục đích.

Nó giống y chang chủ nghĩa X nào đó. Ban đầu chủ nghĩa X là phương tiện để đi đến hạnh phúc, ấm no, nhưng càng đi càng không thấy hạnh phúc, ấm no đâu, nên mãi mãi chỉ là "quá độ", tức là không bao giờ tới. Và cái phương tiện này trở thành mục đích, chủ nghĩa X trở thành mục đích, ai dám đả kích, động chạm đến nó, sẽ lập tức bị trừng trị thẳng tay.

Làm kiếp người đã khổ mà học nhiều quá lại càng mệt não, càng sớm hết xí quách, lại càng khổ chứ sao. Học ít ít thôi! Bạn muốn học tới mức có cả "trí tuệ" về tiền kiếp, tiền tiền kiếp, thì cũng chỉ toàn chuyện đau khổ, hôn quân, tham quan, lạc thú tới từ cưỡng ép, bức bách dân lành mà thôi, trí tuệ này giúp bạn trở thành kỳ nhân dị sỹ, nhưng sống biệt lập trong thâm sơn cùng cốc, thì khác gì đã nằm dưới ba tấc đất?

Nhưng thật ra, em khổ thì thầy nói gì em cũng tin. Thầy bịa ra em cũng tin, vì em bế tắc quá rồi. Em đã làm gì sai mà khổ thế này ạ? Cuộc đời sẽ đi về đâu? Nhân loại từ đâu đến và sẽ đi về đâu?

Có bệnh thì vái tứ phương thôi thầy ơi. Vì "phạn" (miếng cơm manh áo) mà em hết xí quách mất rồi. Như người ta nói "Cái tuổi nó đuổi cái vui", "Hết xí quách rách toạc niềm vui", em chỉ muốn tìm sự an ủi trong con đường đúng đắn, để thoát khỏi bế tắc khổ sở trong hiện thực. Em chỉ muốn được sống "yên ổn, bình tĩnh" một tí, trong quãng đời còn lại thôi mà.

Vũ trụ, muôn kiếp chuyển sinh là câu chuyện và công cụ hợp lý. Ngay cả thầy cũng cần. Bởi lẽ, thành công thường phải đánh đổi bằng trách nhiệm, làm việc ngày đêm, trái quy luận xuân hạ thu đông (xuân gieo hạt, hạ chăm bón, thu gặt hái, đông nghỉ ngơi), nên đã hết xí quách từ năm 35 tuổi. Người thành công ai chẳng thế. Thành công có nghĩa là hơn người, là một kiếp sống ở đẳng cấp cao hơn, nếu không thế, thì sao phải mệt thế, sao phải chịu hết xí quách, đúng không? Thành công kiểu thế tục luôn phải đánh đổi, như bọn Trung Địa hay nói, "Gió tầng nào mây tầng đấy", ở đẳng cấp cao thì chơi với đẳng cấp cao, nó phải khác chứ lị. Ở đẳng cấp này, sao có thể nói "Tôi hết xí quách rồi" được, vì lại mất đi cơ hội làm ăn. Lúc nào cũng phải hừng hực năng lượng, hoài bão, nên thực sự mệt mỏi.

Nền tảng tâm lý là thành công là do tu dưỡng qua nhiều kiếp, mới đạt được, mới có được diễm phúc và may mắn được "hết xí quách trong trạng thái đã thành công". Nó phải khác chúng sinh nhiều chứ!

Nếu không thì hóa ra thành công lại chả khác gì không thành công, cá mè một lứa. Rồi còn đạo đức, luân lý ở đời, thì sẽ loạn như thế nào nữa? Người thành công luôn phải nói tới luân lý, đạo đức làm người, thì mới kết bè kéo cánh, buôn có hội, bán có phường, mới thành công hơn nữa mà "gió tầng nào, mây tầng đấy" chứ, đúng không?

Nhưng hết xí quách nghĩa là cũng không còn hạnh phúc nữa. Vì thế, người thành công, chứ không phải ai khác, mới là những người hỏi nhiều nhất về ý nghĩa cuộc đời, về tôi là ai (về bản ngã), mong rằng mình có gì đó đặc biệt hơn người, trước là để tránh cuộc sống "khốn khổ" như chúng sinh, sau là để duy trì thái bình thịnh trị vạn đời cho con cháu, như là Tần Thủy Hoàng đã từng. Đã hết xí quách lại còn luôn sống trong nỗi bất an về trách nhiệm duy trì gia quy, sự phồn vinh, rồi di sản ... thì lại càng không hạnh phúc chứ sao. Nên cũng như hôn quân, tham quan xưa kia, muôn kiếp chuyển sinh nói rằng thành bại kiếp này là do "nghiệp" các kiếp trước mà thành, rất hợp ý trẫm, rất hợp ý quan. Như vậy tôi thành công là do tôi tu dưỡng tốt hơn, và đương nhiên, tôi tu dưỡng tốt thì con tôi cũng tu dưỡng tốt, nên đời đời vạn thế nhà tôi cũng tha hồ mà hưởng hồng phúc. Thật nhẹ nhõm bao nhiêu khi biết được điều đấy.

Nhưng mà, để lôi kéo cả chúng sinh nữa, thì phải thêm vào lòng yêu thương, lòng trắc ẩn vào mới được. Bởi chúng sinh cái thiếu nhất là tiền, nhưng nếu nghe về lòng trắc ẩn, tình yêu thương thì cũng được xoa dịu đi phức cảm tự ti, cũng dễ chịu hơn.

Điều chúng sinh nên làm

"Trẻ không chơi, già hối hận".

Nếu tôi không thành công, tôi còn làm nhảm làm gì, chẳng phải "lấy dạ tiểu nhân, đo lòng quân tử" hay sao?

Chỉ có bậc hôn quân, tham quan, bậc doanh nhân thành đạt, người thành công, người nổi tiếng, các bậc kỳ nhân dị sỹ trên núi, mới có quyền có trí tuệ (độc quyền trí tuệ về nhân quả luân hồi tiền kiếp), mới có quyền phát ngôn về tâm linh, về chứng và ngộ thôi.

Ngay cả luận lý và khoa học cũng vỡ vụn trước tâm linh, mà tâm linh thì hôn quân, hôn quan, người thành công hay chúng sinh ai ai cũng si mê, vì họ khổ quá, không sao thoát được chuyện khổ.

Tôi chỉ muốn "luận lý" kiểu trí tuệ một chút, thì chắc cũng được mà.

Như sách đã viết, tu luyện ngàn kiếp từ đất đá lên cỏ cây, rồi lên sâu bọ, rồi lên cầm thú, lên động vật được sủng ái như chó mèo, rồi lên được kiếp người u mê, rồi lên được trí thức, vua quan, người thành công, cao hơn nữa là giác ngộ thành cao nhân, kỳ nhân dị sỹ ....

Chúng sinh đang ở kiếp người u mê, lầm đường lạc lối, chìm đắm trong tửu sắc, vì thể họ khổ. Khổ vì dục vọng không được thỏa mãn, hay khổ vì ngày càng già yếu nên hết xí quách? Cho dù là người thành công có bày ra của ngon, vật lạ, thanh nhân mỹ nữ đi chăng nữa, nhưng hết xí quách rồi, cũng có chén được đâu. Nên sẽ vẫn khổ, phải tìm tới tâm linh, bồi bổ tâm hồn.

Để thành cao nhân đắc đạo thì còn lâu, còn lâu lắm, qua hàng ngàn kiếp. Ai nói cao nhân không khổ? Cao nhân sống trong lỗ, trong am, trong hang, trong động, người thường dễ gì thấy, cao siêu lắm. Nên cũng chẳng hỏi họ có khổ hay không nhưng có lẽ là không khổ đâu, vì thế thì hóa ra học vô ích.

Trong một cuốn sách khác cùng hệ lại nói có bậc cao nhân sống 2000 năm, trông chỉ mới như 50 tuổi, còn rất khỏe. Nghĩa là còn xí quách ấy. Nhưng vì không dùng xí quách vào việc gì, lại chỉ dùng để tu dưỡng, nên lại càng còn xí quách. Đúng là:

"Thi đua ta quyết tiến lên,

Tiến lên ta quyết tiến lên hàng đầu,

Hàng đầu ta quyết đi đầu,

Đi đầu ta biết đi đâu bây giờ?"

Xí quách của cao nhân để làm gì, người qua đường sao mà hiểu được?

Tức là việc học đạo, tu dưỡng từ phương tiện thoát khổ, sẽ thành mục đích. Có lẽ cũng sẽ thoát khổ thôi, nhưng thế thì sao không làm thật nhiều việc xấu, chỉ một vài kiếp là bạn sẽ xuống được bậc hoa lá, cỏ cây, sống hiên ngang giữa đời, chẳng phải sẽ hết khổ hay sao?

Nếu bạn chịu khó làm nhiều việc xấu xa, thì sẽ từ kiếp người xuống được chó mèo, thú vật, sâu bọ, cây có, đất đá, xuống được tí nào hay tí đấy, vì còn ai khổ hơn kiếp người nữa?

Nghĩa là chúng sinh đều đã giác ngộ cả rồi. Không ai muốn làm kiếp người, huống hồ là phải phấn đấu làm người tốt, càng mệt hơn. Làm kiếp bình thường đã khổ rồi, lên được bậc trí thức, người thành công, vua quan lại càng mệt hơn, càng khổ hơn. Thôi thà chìm đắm trong tửu sắc qua ngày.

Nếu xuống được hàng thực vật, đất đá, thì chẳng phải là hết khổ rồi hay sao. Càng có "trí tuệ", nhất là trí tuệ nửa vời, lại càng khổ. Con người chỉ bị thần kinh do họ nghĩ quá nhiều. Càng nghĩ ít càng hạnh phúc, "ngu si hưởng thái bình", nhưng cũng chỉ một cách tương đối, vì cứ có não là nó tự nghĩ, ai mà làm chủ được.

Não nghĩ là vì phải mưu sinh, kiếm sống, cũng là do hoàn cảnh phải cạnh tranh. Hoàn cảnh không tốt từ đầu thế, có nghĩ hay không nghĩ, cũng sẽ khổ mà thôi.

Vì thế, sinh ra từ đầu đã là LỖ TO, LỖ RẤT TO. Cho dù có cố gắng để thành công đi nữa, vẫn là một trò chơi có tổng bằng không, vốn đã lỗ từ đầu thì vẫn sẽ lỗ.

Trong sách cũng nói là ăn cầm thú sẽ bị thú tính, sẽ bị cảm giác tiêu cực như sợ hãi, tức giận, tuyệt vọng của cầm thú khi bị giết nhiễm vào người. Ăn thứ gì sẽ thành thứ ấy. Đúng lắm! Nhưng nếu thế thì sâu bọ thấp hơn cầm thú, cây cỏ thấp hơn sâu bọ, nghĩa là ăn cây cỏ thì càng sa sút "trí tuệ" chứ sao. Ăn đất đá nữa thì chán hẳn, chắc sẽ xuống sâu bọ, không chỉ theo nghĩa "muôn kiếp chuyển sinh" mà còn theo cả nghĩa đen, vì chết đi rồi thì sẽ thành nhiều sâu bọ lắm.

Đó là lý do, hôn quân, tham quan, các nhà tư bản, người thành công là trí tuệ bậc nhất. Vì theo nghĩa nào đó, họ phải "bóc lột" được chúng sinh. Hoặc bạn hát cực hay và người ta mua vé cho bạn, hoặc bạn dùng vạn người làm sản phẩm giá rẻ bán cho triệu người ... Bạn ăn cả "máu" của động vật bậc cao là con người thì đúng là đại trí, đại dũng, rất đúng tinh thần doanh nhân, khởi nghiệp ngày nay. Tôi chỉ theo đúng luận lý của sách mà nói thôi.

Sau đó, sách nói các nền văn minh cổ đại diệt vong vì thiếu lòng trắc ẩn, thiếu tình yêu thương. Để nền văn minh này không diệt vong, chúng ta phải nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, tình yêu thương. Nhưng ngay sau đó lại là quy luật về Thành - Trụ - Hoại - Diệt, thứ gì ắt có sinh thì có diệt, nghĩa là nền văn mình này nhất định sẽ diệt vong. Bạn phải vui chơi ngay từ ngày hôm nay, vì rồi nó sẽ kết thúc thôi.

Lòng trắc ẩn, tình yêu thương, thực ra chỉ là để đánh vào nỗi sợ chết, nỗi sợ tận thế của những người trẻ, đang chưa vui vẻ tí gì mà còn đang phải nai lưng ra làm việc quần quật. Đây là mô típ chung của tôn giáo nên cũng chẳng cần bàn nhiều làm gì. Nếu không lôi kéo được đại chúng, thì còn không Thành, làm sao tới được giai đoạn Trụ để rồi Hoại và Diệt?

Bài học thông qua việc đọc

Làm người thành công cũng hết xí quách và vẫn phải khổ sở đi tìm bản ngã tôi là ai, về ý nghĩa cuộc đời. Làm chúng sinh thì thiếu thốn đủ đường từ tiền đến tình cảm và lòng trắc ẩn, và cuối cũng vẫn trầy trật đi tìm ý nghĩa cuộc đời.

Làm bậc cao nhân tu đạo thành công thì tự mình chứng, tự mình ngộ, không nói được ai, rất cô đơn và có miệng nói cũng chẳng ai tin, trừ .... doanh nhân thành công.

Nghĩa là đọc nhiều chỉ loạn óc thôi, sống kém hạnh phúc đi. Người càng đọc nhiều kinh kệ, càng nghĩ mình giác ngộ, thì càng khó có được hạnh phúc. Vì đọc cũng sẽ không chứng, không ngộ, không hiểu "nghiệp" tốt, "nghiệp" xấu, thậm chí không biết được tính chất trung dung không tốt cũng không xấu của mọi việc, luận lý xung đột ngang trái chan chát, cũng chỉ là một mớ bòng bong lý luận.

Chân lý đơn giản chỉ là sinh ra là LỖ TO trong cuộc đời, nên đừng ham hố quá. Vui chơi nhưng đừng ham quá độ, vì cái ngày ấy, ngày hết xí quách sẽ đến như là lẽ tất yếu. Nhưng phải vui chơi vì "Trẻ không chơi, già ân hận"!

Bản thân cuộc đời bạn là kinh kệ, là triết lý, tự đọc lại trải nghiệm của mình là đủ rồi. Cho dù cố gắng thế nào chung cuộc vẫn sẽ lỗ thôi, không khác đi được. Từ nay, bạn không cần phải tự ti nữa. Vì ai cũng sẽ lỗ và hết xí quách mà.

Mark

No comments:

Post a Comment