Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Saturday, May 4, 2019

Giữ JPY, VND hay USD có lợi hơn?

Ngày càng có nhiều bạn sang Nhật kiếm tiền gửi về VN. Nếu gửi qua ngân hàng, bưu điện vv sẽ bị tự động chuyển qua VND theo tỉ giá ngân hàng, còn nếu mang tiền JPY về thì vẫn phải bán cho ngân hàng vì hiện tại đang kết hối (không được mua bán tự do ngoại tệ như trước đây).

Vậy thì, giữ nguyên JPY, hay đổi sang VND rồi gửi ngân hàng có lợi hơn?

Nhiều người sợ tiền VND mất giá nên mua đất nhưng đây không phải điều tôi muốn bàn tới. Nếu bạn mua đất hay nhà, phải đảm bảo nó sinh lời hơn là gửi tiết kiệm trong ngân hàng, sau khi tính cả công sức tìm nhà, tìm đất và làm thủ tục, đóng các loại thuế phí, trả hoa hồng vv nhé.

So sánh tỉ lệ sinh lời của VND, JPY, USD
Nếu gửi ngân hàng: VND sinh lời khoảng 7% nếu gửi kỳ hạn tầm 1 năm.
Xem: Nguyên tắc gửi tiết kiệm chống lạm phát

JPY và USD thì cơ bản là lãi suất 0% nhưng tỉ lệ tăng giá so với VND là bao nhiêu? Tôi sử dụng trang xe.com để tính.

Cách tính: So sánh tỉ giá ngày hôm qua (3 tháng 5, 2019) với tỉ giá năm trước (ngày 4 tháng 5, 2018).

JPY:
3 tháng 5, 2019: JPY/VND = 209.17 (lấy tỉ giá chốt phiên "close", dưới đây cũng thế)
4 tháng 5, 2018: JPY/VND = 208.66
=> JPY tăng 0.24% so với VND

USD:
3 tháng 5, 2019: USD/VND = 23261.1
4 tháng 5, 2018: JPY/VND = 22765.8
=> USD tăng (23261.1 - 22765.8)/22765.8 = 2.17% so với VND

Vấn đề là khi bạn đổi JPY sang VND thì bạn bị thiệt tỉ giá quy đổi do ngân hàng mua vào giá thấp, bán ra giá cao. Lấy mức thiệt là 100% mức chênh lệch này.

Đây là tính toán thiệt tỉ giá quy đổi.

So sánh tỉ giá JPY của các ngân hàng trên trang gia247.net

Ở đây lấy 3 ngân hàng làm mẫu (giá mua tiền mặt - giá bán tiền mặt):

Ngân hàng tỉ giá thấp: Vietcombank
201.82 - 210.67 => Thiệt (210.67 - 201.82)/201.82 = 4.385%

Ngân hàng tỉ giá giữa: ACB
Thiệt (211.59 - 207.08)/207.08 = 2.178%

Ngân hàng tỉ giá cao: BIDV
Thiệt (213.40 - 209.79)/209.79 = 1.721%

Ví dụ bạn có 100 ngàn yên. Bạn đổi sang VND và gửi tiết kiệm 1 năm.
Nếu bạn giữ tiền JPY thì bạn sẽ lời được 0.24% do tăng tỉ giá.

Nếu bạn đổi sang VND ví dụ tại BIDV thì bạn thiệt 1.721% ban đầu, sau 1 năm bạn lời (do lời VND) 7% nên bạn lời 7 - 1.721 tức là tầm 5%, nếu lúc này bạn đổi lại ra JPY thì bạn sẽ có số tiền JPY lớn hơn ban đầu là 5% (đấy là nếu bạn đổi được chứ giờ bạn không thể mua được ngoại tệ từ ngân hàng do bị kết hối).

Nếu bạn đổi sang USD thì sao?

So sánh tỉ giá USD của các ngân hàng trên trang gia247.net

So sánh thiệt tỉ giá USD:
Vietcombank: (23300 - 23200)/23200 = 0.43%
ACB: (23290 - 23210)/23210 = 0.345%
BIDV: (23250 - 23160)/23160 = 0.389%

Như vậy nếu bạn đổi JPY sang VND rồi đổi sang USD thì bạn thiệt 1.721% + 0.345% tức là tầm 2.7 ~ 3%.
USD tăng tỉ giá so với VND là 2.17% nên bạn thiệt mất 0.6% sau một năm đầu. Từ năm thứ 2 thì bạn sẽ có lợi khi giữ USD hơn là JPY.

Giữ ngoại tệ vì lý do an toàn

Kết hối (nhà nước độc quyền mua bán ngoại tệ, chỉ mua vào không bán ra) + lạm phát trượt giá khiến việc giữ ngoại tệ làm bạn MẤT TIỀN.

Vì lạm phát 7 ~ 10%/năm mà ngoại tệ không sinh lời, tỉ giá cũng bị cố định bởi nhà nước không thay đổi.

Nếu bạn đổi sang nội tệ và gửi tiết kiệm lấy lãi suất thì có thể chống lạm phát, trượt giá. Nhưng dù thế nào bạn vẫn mất tiền, chỉ là mất ít hay nhiều. Nên cơ bản là bạn phải tính toán cẩn thận, thật cẩn thận, và sống thật tiết kiệm. Dù bạn kinh doanh, cũng phải tiết kiệm mọi chi phí.

Người ta giữ ngoại tệ thường chỉ vì lý do an toàn, vì sợ tiền mất giá, sợ siêu lạm phát. Nhiều người vay tiền mua nhà mua đất cũng là vì lý do này. Nhưng vì thế mà bất động sản bong bóng, bạn phải mua với giá cao mà cho thuê không được bao nhiêu, nên có thể tài sản còn ... bốc hơi nhanh hơn.

Vì bị kết hối mà sinh ra thị trường chợ đen với tỉ giá tốt hơn hoặc bằng ngân hàng, dù việc này là phạm pháp. Hoặc sinh ra hình thức trao đổi (swap) ví dụ A cần bán JPY, B cần mua JPY, cả hai thỏa thuận mua bán theo giá trung bình của ngân hàng mà không qua ngân hàng. Nhà nước và tư bản ngân hàng không thích việc này. Việc này là phạm pháp nhưng dù sao cũng chẳng ai tố cáo. Thỉnh thoảng cũng thấy "chim mồi" dàn dựng đổi một tờ phạt cả gia tài nhưng đấy là "chim mồi" chứ không phải người có nhu cầu thực.

Về mặt nhà nước mà nói, thì người dân càng bán ngoại tệ ra càng mừng. Như thế có thể mua theo tỉ giá ấn định, thường là tương đối rẻ, và lấy tiền ấy trả nợ nước ngoài được.

Người giàu giữ ngoại tệ và vàng trong két nhà họ rất nhiều. Vì họ sợ tiền mất giá, sợ ngân hàng phá sản.

Còn người nghèo dù có ngoại tệ do người thân gửi về, nhưng để chi tiêu vẫn phải bán ra theo giá nhà nước. Nên càng giữ ngoại tệ càng thiệt hại theo thời gian.

Bạn chỉ nên giữ một số đủ để đảm bảo an toàn, và phải chắc chắn rằng bạn không lấy ra để đổi sang nội tệ để tiêu xài. Nếu mang ngoại tệ đấy ra nước ngoài sử dụng thì không sao. Nhưng ngày nay bạn đâu có nhiều dịp mang tiền ngoại tệ ra nước ngoài sử dụng nhỉ? Vì cơ bản mua hàng quốc tế thì sẽ thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Do đó, tùy điều kiện tài chính mà bạn nên giữ số ngoại tệ tương đương 6 tháng hoặc 1 năm sinh hoạt phí của bạn cho an toàn, và để nguyên đấy không động tới nữa.

Còn lại thì đổi sang nội tệ gửi tiết kiệm chống lạm phát vv.

Mua bất động sản cũng là việc tốt nhưng bạn phải có kiến thức và đảm bảo nó sinh lời.

Vậy thì, mục tiêu tài chính là như thế nào, để vừa đảm bảo an toàn vừa không bị thiệt do trượt giá + kết hối?

Đây là đề xuất:
- Tiền nội tệ: Khoảng 6 tháng ~ 1 năm sinh hoạt phí, gửi tiết kiệm kỳ hạn lâu dài để lãi suất cao (7%) và rút ra theo từng tháng
- Tiền ngoại tệ: Khoảng 6 tháng ~ 1  năm sinh hoạt phí, nên gửi bằng USD thay vì JPY, và để nguyên đấy, không bao giờ đổi ra nội tệ (chỉ để đảm bảo an toàn tài chính)
- Tiền dư ra: Nếu chưa đủ đầu tư thì gửi tiết kiệm kỳ hạn dài, nếu đủ thì vay ngân hàng đầu tư bất động sản sinh lời, chứng khoán, kinh doanh làm ăn vv, tùy khả năng và sở thích của bạn

Vấn đề là duy trì tỉ lệ "Tiền nội tệ/Tiền ngoại tệ" theo tỉ lệ như thế nào? Đây cũng là vấn đề suy nghĩ.

Ví dụ nội tệ sinh lời 7%, còn ngoại tệ (USD) sinh lời 2%, thì có lẽ nên duy trì "Nội tệ/Ngoại tệ" khoảng 2 ~ 3 lần. Tỉ lệ càng cao thì bạn càng lời nhiều, hay đúng ra, càng mất ít do lạm phát, còn tỉ lệ càng thấp thì bạn càng lỗ, tức là càng mất nhiều do lạm phát.

Kết hối + lạm phát cũng là một dạng đánh thuế toàn dân và ai cũng sẽ mất. Do đó, hãy có ý thức an toàn tài chính và chi tiêu càng tiết kiệm càng tốt.
Mark

Trang web tra cứu:
Bảng so sánh tỷ giá Yên Nhật (JPY) tại 11 ngân hàng
https://gia247.net/ngoai-te/jpy

Bảng so sánh tỷ giá Đô la Mỹ (USD) tại 11 ngân hàng
https://gia247.net/ngoai-te/usd

JPY to VND Chart
https://www.xe.com/currencycharts/?from=JPY&to=VND&view=1Y

No comments:

Post a Comment