Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Thursday, December 5, 2019

Hack lạm phát - cách kiếm 2 ~ 3% từ lạm phát

Lạm phát làm tiền của bạn bốc hơi nhanh chóng? Đúng. Vì thế bạn không tiết kiệm nữa, tiêu hết tiền đi, thế là chẳng lo gì nữa? Sai!

Ngay cả bạn mua vàng hay ngoại tệ, đến lúc bán ra lấy tiền tiêu thì bạn cũng mất 7 ~ 8% do không được hưởng lãi suất ngân hàng.
=>Giữ JPY, VND hay USD có lợi hơn?

Ví dụ đầu năm bạn mua vàng, cuối năm bạn bán đi lấy tiền tiêu, giả sử vàng không tăng giá, thì bạn mất tiền lẽ ra có thể gửi ngân hàng lấy lãi 8%. Lưu ý là trung bình trong nhiều năm thì vàng hay đô la đều tăng giá rất chậm, chậm hơn lạm phát và gửi ngân hàng nhiều.

Mua vàng chỉ có ý nghĩa nếu bạn mua xong rồi chôn ba tấc đất, đợi khi nào có chiến loạn và siêu lạm phát thì đào lên, bán đi mua đất vv.

Trong bài này tôi sẽ hướng dẫn cách để không chỉ không mất tiền vì lạm phát mà còn kiếm được 2 ~ 3% từ lạm phát.

Nghe thì đã thấy phi lý và chắc chắn là không nhiều người biết, nên mới gọi là HACK. Thứ bạn cần là hiểu biết đúng đắn về kinh tế, ý chí kỷ luật và đặc biệt là KHẢ NĂNG TỪ CHỐI. Như thế là đủ để kiếm tiền rồi, hơn nữa, bạn còn nên người nữa.

Lạm phát và lãi suất ngân hàng

Lạm phát cao thường là do quy mô kinh tế cao lên, GDP lớn hơn (hay ít ra, GDP ảo lớn hơn), chứ không hẳn là in thêm tiền ra. In thêm tiền là một phần, nhưng khi nền kinh tế đang phát triển lớn hơn, nhu cầu tiền lớn, thì ngân hàng trung ương sẽ phải tung thêm tiền để đáp ứng nhu cầu này, tạo ra lạm phát.

Khi có lạm phát cao thì tâm lý con người là cảm thấy tiền không giá trị nữa. Do đó, họ thà tiêu xài cho hết, đỡ bị ... mất giá. Để lôi kéo người ta gửi tiền vào ngân hàng - nhất là ngân hàng nhỏ vốn ít - thì ngân hàng phải chào lãi suất tiết kiệm cao hơn lạm phát.

Đây là lý do mà bạn sẽ kiếm được tiền từ gửi ngân hàng. Tất nhiên là diễn giả thành công thì không thích điều này.

Họ không thích là đúng, vì nếu ai cũng gửi tiết kiệm thì họ sẽ đói. Chẳng ai đầu tư nhà đất hay chứng khoán nữa. Nhưng nhà đất và chứng khoán đều đang lình xình (đi ngang), ai đầu tư sẽ có lời đây? Ngay cả các quỹ cổ phiếu cho chuyên gia vận hành thì sinh lời được có 2 ~ 3%, thua xa gửi tiết kiệm. Chưa kể có khi còn lỗ. Vấn đề chính là chuyên gia với đầy đủ thông tin và công cụ còn thế, thì bạn còn lâu mới lời. Và thực tế là 90% người đầu tư chứng khoán thua lỗ hoặc chẳng kiếm được lời như mong muốn.

Phương trình: Lãi suất cao nhất của ngân hàng > Lạm phát

Như vậy, để kiếm tiền từ lạm phát thì bạn gửi vào ngân hàng ở lãi suất cao nhất, và làm giảm lạm phát xuống. Nghe có vẻ nực cười!

Gửi ngân hàng ở lãi suất cao nhất

Kỳ hạn 12 tháng hoặc 13 tháng thường là lãi suất cao nhất, hiện tại là 7.5 ~ 8.5%, trung bình là 8%. Như vậy, bạn phải gửi trước khoảng 12 hoặc 13 tháng.

Ví dụ:
Hiện tại là tháng 12/2019, gửi kỳ hạn 13 tháng lãi suất 8% tức là tháng 1/2021 đáo hạn, một số tiền bằng sinh hoạt phí một tháng của bạn (dư ra một chút).

Ví dụ nếu bạn sống hết 10 triệu/tháng, bạn gửi một sổ 10 triệu kỳ hạn 13 tháng, tháng sau bạn lại gửi một số 10 triệu kỳ hạn 13 tháng.

Như vậy bạn có tối thiểu 13 sổ tiết kiệm, ví dụ mức sinh hoạt của bạn là 10 triệu thì tối thiểu phải có 130 triệu tiền tiết kiệm. Nếu mức sinh hoạt là 20 triệu thì tối thiểu phải có 260 triệu.

Như thế bạn phải gửi tiết kiệm định kỳ và chi tiêu có kế hoạch, tức là tiền chi tiêu không dùng vào việc khác, tránh phải rút sổ sớm. Vì thế bạn nên gửi dư dư ra một chút, và nên có một khoản dự phòng việc chi tiêu bất ngờ. Whatever!

Làm giảm lạm phát xuống

Mức lạm phát của mỗi người là khác nhau. Mặc dù nhà nước công bố mức lạm phát chung tầm 4 ~ 6%, nhưng sẽ có người lạm phát rất thấp và có người lạm phát cao, đây gọi là MỨC LẠM PHÁT CÁ NHÂN.

Tôi ví dụ thế này: Nếu tôi chỉ đi chợ mua đồ về nấu ăn, thì do mặt bằng ở chợ không lên giá, giá bán không tăng nhiều, nên lạm phát thấp.

Hoặc tôi không ăn thịt, mà chỉ ăn cá, thì cơ bản lạm phát thấp hơn người ăn thịt. Vì để sản xuất thịt sẽ phải nhập thức ăn chăn nuôi vv, nhiều thứ góp phần làm tăng giá cả hơn là cá.

Với người thường xuyên đi ăn nhà hàng thì họ có lạm phát cao nhất, vì bất động sản đang bong bóng, giá mặt bằng kinh doanh tăng cao từng năm. Bạn nào hay đi ăn nhà hàng sẽ biết, năm sau giá tăng hơn năm trước, hoặc lượng đồ ăn bị giảm đi.

Tức là nếu bạn không chống được BONG BÓNG BẤT ĐỘNG SẢN, mức lạm phát của bạn rất cao.

Tôi chống bong bóng bất động sản bằng cách bỏ đi ăn nhà hàng, tự nấu ăn ở nhà. Ngay cả hàng quán tăng giá bán tôi cũng không ăn.

Tức là lạm phát của tôi tương đối thấp, chỉ tầm 4 ~ 5%  mà thôi. Trong khi gửi tiết kiệm được 7 ~ 8% nên tôi kiếm được 3% từ lạm phát.

Phương trình: Tiền lời = Lãi ngân hàng 8% - Lạm phát 5% = 3%

Như thế, nếu mặt hàng hay hàng quán nào tăng giá quá 4 ~ 5% thì tôi bỏ, không ăn nữa.

Ví dụ, một tô bún cà ri trước đây là 45k, đầu năm 2019 lên thành 50k, tức là tăng 5/45 = 11%, nếu vẫn tiếp tục ăn thì sẽ phải chịu lạm phát 11%, quá 5%, nên tôi bỏ.

Hay cá thu đao nướng, trước đây là 21k, nay lên 25k, tăng 4/21 = 19%, siêu lạm phát. Vì thế tôi mua về nướng ở nhà, cá 8k + điện 2k = 10k. Thay vì chịu lạm phát 19%, tôi còn GIẢM PHÁT được 11/21 = 50%!

Fast food thực ra là quá đắt đỏ

Ví dụ McDonald là món yêu thích của tôi, tưởng "rẻ" hóa ra mắc. Vì một suất ăn rẻ nhất là 70k, nhưng không no. Nên tôi sẽ phải ăn thêm thứ khác cho no, tốn thêm tầm 30k nữa, nên sẽ mất 100k mới no.

Vì thế, nếu tiếp tục ăn fast food, về lâu dài sẽ mất thêm tiền. Các hàng quán có mặt bằng đắt đỏ, bán giá 50 ~ 70k đều như thế. Càng ăn ở hàng quán này, lạm phát của bạn càng cao.

Dù muốn, nhưng tôi cực kỳ hạn chế. Đây không phải là lúc nuông chiều bản thân.

Chống bong bóng bất động sản

Thế ví dụ chủ nhà muốn tăng giá tiền nhà mỗi năm thì sao, ví dụ từ 6.5 triệu lên 7 triệu?
Như thế là tăng 0.5/6.5 = 7.7%.

Tăng như thế là quá cao. Bạn phải từ chối việc tăng giá này. Nhưng làm sao từ chối chủ nhà?

Nếu họ nhất định tăng giá như thế, bạn hủy hợp đồng.

Nếu họ không nhất định tăng giá thì hãy TRANH LUẬN với họ.

Lý do là thế này: Nhà mỗi năm cũ đi, thường là cũ đi 4% nếu không tu sửa, sau 25 năm là không còn giá trị. Do đó, phải giảm đi 4%.

Lạm phát thực tế mà nhà nước công bố chỉ là tầm 4%, nên nếu tăng giá không thể tăng bừa bãi, mà chỉ có thể tăng 4%. (Con số chính thức năm 2018 lạm phát 3.54%).

Vì thế, việc tăng 7.7% là KHÔNG CÓ CƠ SỞ.

Nếu tăng tiền nhà 4%, giảm giá trị nhà đi 4%, thì không tăng không giảm tiền nhà mới là hợp lý.

Tất nhiên, bạn có thể gặp CHỦ NHÀ THAM LAM, nhưng nếu bạn có lý luận sắc bén như trên thì bạn sẽ không bị lạm phát tiền nhà.

Thường thì mọi người sẽ mặc nhiên chấp nhận yêu cầu của chủ nhà mà không phản kháng gì, nên bị áp một cách phi lý.

Nếu bạn bị tăng giá tiền nhà, hãy chuẩn bị chuyển nhà khi hết hợp đồng. Chẳng có lý do gì ở lại và bị lạm phát cả.

Luôn tiêu hết tiền là lạm phát cao nhất

Đừng tưởng tiêu hết tiền và không có tiền tiết kiệm là không lo tiền bốc hơi do lạm phát. Người không tiết kiệm là người chịu lạm phát kinh khủng nhất.

Ví dụ, bạn kiếm được 10 triệu, tôi chia ra 3 khả năng:
Trường hợp 1: Bạn tiêu hết 10 triệu, không tiết kiệm
Trường hợp 2: Bạn tiêu hết 5 triệu, tiết kiệm 5 triệu nhưng không gửi ngân hàng
Trường hợp 3: Bạn tiêu hết 5 triệu, tiết kiệm 5 triệu và gửi ngân hàng kỳ hạn dài lãi suất 8%

Trường hợp 1 tưởng là bạn không bị lạm phát, vì cứ kiếm xong là bạn tiêu hết mà?

Không phải, bạn tiêu hết 120 triệu/năm, trong khi giá cả tăng 4%/năm, nên bạn bị mất tương đương 120 triệu x 4% = 4.8 triệu.

Mỗi năm bạn mất 4.8 triệu do lạm phát 4%.

Nhưng vì "cố" đi ăn nhà hàng, nên thực tế lạm phát là 6% (còn gánh cả bong bóng bất động sản) nên thực ra bạn mất 7.2 triệu.

Trường hợp 1: Mất 7.2 triệu

Còn trường hợp 2, bạn mất lạm phát 6% cho mức đã tiêu là 60 triệu, và mất lạm phát 4% cho tiền tiết kiệm là 60 triệu, nên mất trung bình 5%, tức là mất 120 triệu x 5% = 6 triệu.

Trường hợp 2: Mất 6 triệu

Trường hợp 3, bạn tiêu hết 60 triệu, cứ cho là chịu lạm phát 6% của số tiền này, tức là mất 3.6 triệu.
Còn 60 triệu bạn gửi tiết kiệm 8%, được 4.8 triệu.

Do đó bạn lời 4.8 - 3.6 = 1.2 triệu.

Trường hợp 3: Lời 1.2 triệu

Như vậy trường hợp 1 thời gian càng trôi đời càng khốn khổ hơn. Trường hợp 2 cũng vậy, nhưng đỡ hơn khá nhiều (dù gì cũng có tiền tiết kiệm).

Trường hợp 3 thì thời gian càng trôi lại càng sinh lời.

Tôi chỉ tính ví dụ thôi, chứ không phải chính xác (ví dụ không thể tính một mức chung cho thu nhập đều trong năm), để các bạn thấy là nếu bạn tiêu xài hết tiền thì đấy không phải là cách chống lạm phát, mà là NẠN NHÂN SỐ MỘT CỦA LẠM PHÁT.

Năm nay tôi kiếm được khá nhiều tiền từ lạm phát. Năm sau cũng thế. Thực ra, năm nào cũng sinh lời. Ngoài ra tôi còn áp dụng LỐI SỐNG TẰN TIỆN + TƯ DUY NGHÈO, nên chi phí ngày càng giảm đi, sinh ra thêm rất nhiều THU NHẬP THỤ ĐỘNG.
Mark

No comments:

Post a Comment