Nếu bạn không có thể chất tiết kiệm, bạn sẽ không bắt đầu đầu tư. Vì thế, phải xây dựng thể chất tiết kiệm trước (ghi chép chi tiêu, so sánh giá, thiết lập mục tiêu tiết kiệm vv). Sở dĩ mọi người không tiết kiệm được vì NHU CẦU QUÁ NHIỀU. Nhu cầu mua điện thoại mới, nhu cầu đi du lịch, nhu cầu mua nhà, mua xe vv.
Vì chưa thỏa mãn nhu cầu, nên vẫn thấy "thiêu thiếu" thứ gì đó, vì thể phải tiêu tiền để giải tỏa cảm giác này đi.
Nhu cầu lại thường do tư bản tạo ra để mọi người lao vào vòng xoáy tiêu tiền. Ví dụ nếu du lịch Nhật mà 200 triệu, thì chẳng ai coi là "nhu cầu", vì nó vượt quá xa khả năng. Nhưng nếu du lịch Nhật chỉ 20 triệu, thì lập tức sẽ khuấy động nhu cầu của mọi người, vì bạn bè ai cũng đi du lịch Nhật và khoe trên mạng xã hội cả. Vì bạn bè ai cũng đi, cũng "sống ảo" đủ kiểu, nên phát sinh nhu cầu đi du lịch Nhật, mà thực ra, là nhu cầu "không thua bạn kém bè". Đây lại là SĨ DIỆN, "con gà tức nhau tiếng gáy".
Từ nhu cầu này lại sinh thêm nhiều nhu cầu khác, đi Nhật được rồi lại muốn đi Mỹ, đi Âu vv.
Nhu cầu không giảm đi theo năm tháng mà tăng dần lên và ngày càng đắt đỏ hơn. Vì thế, chi phí tăng lại khiến phải lao động vất vả, cuối cùng do quá vất vả nên lại có nhu cầu "hưởng thụ" để giải tỏa căng thẳng.
Do đó, bạn sẽ không đầu tư mà sẽ dùng tiền để thỏa mãn nhu cầu của mình.
Khi nào bạn tiết kiệm?
Khi bạn phá sản hoặc kiệt sức. Hoặc khi bạn già đi và không còn cày tiền được nữa. Lúc đó, bạn buộc phải từ bỏ bớt nhu cầu và tiết kiệm tiền bạc. Đây chỉ là tiến trình tự nhiên thôi. Nếu bạn không phá sản, không kiệt sức, có lẽ thay vì tiết kiệm bạn sẽ kiếm tiền - tiêu tiền - hưởng thụ cuộc sống. Chẳng có gì sai nhưng một ngày bạn sẽ già đi và không còn làm được như khi bạn còn trẻ nữa. Vì thế, bạn phải tiết kiệm. Khi tiết kiệm thì sẽ thừa tiền và nhu cầu đầu tư xuất hiện.Vậy sao không tiết kiệm và đầu tư sớm?
Thường thì mọi người ra trường năm 22-23 tuổi, đi làm tầm 7 năm vừa đau khổ vừa "hưởng thụ" (du lịch, ăn uống sang chảnh vv), đến năm 30 là bắt đầu bừng tỉnh vì thấy mình thật vô dụng.
Vì những thứ "hưởng thụ" chẳng còn đọng lại gì, chỉ còn nỗi đau về tài khoản ngân hàng trống rỗng.
Tóm lại 7 năm đi làm vất vả chẳng được gì cả.
Nhưng thực ra thì bạn đã có kinh nghiệm học 7 năm trong trường đời, vẫn tốt. Lúc đấy dừng lại và xác định con đường mình sẽ đi, bắt đầu TIẾT KIỆM - ĐẦU TƯ là được.
30 tuổi bạn bắt đầu tiết kiệm - đầu tư.
Nhưng ở Việt Nam thì đây lại là độ tuổi lập thân. Mọi người lập gia đình và mau chóng có con cái sau 1 - 2 năm. Cuối cùng lại phải lao vào thị trường lao động để kiếm tiền nuôi gia đình. Không có thời gian nhìn lại để tìm ra con đường phù hợp thể chất bản thân, không có thời gian sống độc thân để tích lũy và rèn luyện THỂ CHẤT ĐẦU TƯ.
Tôi cho rằng, như thế thì lập gia đình hơi sớm và mất đi nhiều cơ hội để trở nên giàu có. Bạn có thể hoãn việc lập gia đình lại để có thêm thời gian tích lũy và rèn luyện thể chất tiết kiệm.
Độc thân cũng là một dạng tài sản.
Chi phí gia đình là vô cùng cao. Bạn hầu như không thể tiết kiệm, nói gì tới đầu tư. Bạn chỉ có thể tiết kiệm nếu lấy được một người "ngoan hiền", người cũng cùng chung chí hướng với bạn. Mà tôi thấy, những người chưa thỏa mãn nhu cầu thì đều không ngoan hiền mấy, sẽ tốn bộn tiền với họ.
Hãy lấy người yêu và ngưỡng mộ bạn, như thế họ mới chấp nhận hi sinh nhu cầu cá nhân, để cùng bạn đi tới tương lai giàu có.
Hôn nhân không tốt sẽ làm bạn tốt rất nhiều tiền duy trì, và việc đầu tư còn lâu mới thực hiện được. Chưa kể, nó còn quàng vào cổ bạn món nợ mua nhà trả góp, thế là cả đời đi làm trả nợ. Rồi con cái sẽ bị tư bản giáo dục chăn dắt nữa, đi làm để làm giàu cho bọn tư bản này (vì con cái cũng chẳng được quan tâm, khuyến khích và tôn trọng để có thể tự học hành tài, vào được trường quốc lập hoặc kiếm được học bổng).
Bắt đầu đầu tư như thế nào?
Nguyên tắc đầu tiên là gửi tiết kiệm chống lạm phát (hack lạm phát). Bạn phải có một TIÊU CHUẨN CHUNG để xem việc đầu tư của bạn có sinh lời hay không.Nếu bạn ở Nhật thì lãi suất tiền gửi chỉ xấp xỉ 0%, nhưng lạm phát cũng không quá cao, do đó, bạn nên tìm tới các quỹ đầu tư sinh lời.
Ở Việt Nam thì lạm phát cao nhưng lãi suất cao, nếu khéo thì có thể sinh lời được từ lạm phát.
Sau đó, bạn có thể đầu tư vào quỹ trái phiếu, quỹ cổ phiếu, hay mua trái phiếu doanh nghiệp, mua cổ phiếu.
Thậm chí bạn có thể đầu tư bất động sản gián tiếp thông qua trái phiếu, cổ phiếu.
Dù sao thì năm nay cổ phiếu cũng rớt giá và thị trường, sức mua lình xình nên sẽ lỗ thôi.
Nhưng để có thể chất đầu tư, bạn vẫn nên đầu tư số tiền nhất định, để hiểu hệ thống hoạt động thế nào, đánh giá xem quỹ đầu tư hay cổ phiếu đó có tốt không, với tư cách người có liên quan thì sẽ tốt hơn.
Nếu có nhiều tiền hơn, bạn có thể đầu tư bất động sản. Đó là thuê nhà lâu dài (5 năm), sửa lại rồi cho thuê lại với giá cao hơn.
Nếu nhiều tiền hơn nữa, bạn có thể mua nhà cũ nát, sửa lại rồi bán giá cao hơn.
Nói chung là cứ đầu tư dần, chấp nhận thua lỗ ban đầu với phương châm: Nghĩ lớn, làm nhỏ, sống li ti.
Như thế cho an toàn.
Đầu tư thực sự chán
Đầu tư thực sự là công việc cực kỳ chán. Nó chỉ thú vị nếu nó giúp bạn trở nên giàu có hơn. Giàu có hơn để sống thanh thản hơn, và an toàn hơn, và có thể là hạnh phúc hơn. Rồi bạn cũng sẽ thỏa mãn được các nhu cầu của mình.Nhưng lúc đó thì bạn lại hết nhu cầu rồi. Hoặc bạn rất khát tiền, hoặc bạn thành công và tiền chẳng ý nghĩa gì nữa. Nó chỉ là hai thái cực của cuộc sống, và nên nhớ là "người nghèo", "người giàu" chẳng ai hơn ai cả.
Chẳng qua, người nghèo bị "phức cảm tự ti của người không thành công" (vì sao tôi "đạo đức, tốt đẹp" mà không thành công, hạnh phúc?) nên không hạnh phúc.
Và người giàu bị "phức cảm tự tôn của người thành công" (vì sao tôi giàu hơn, thông minh hơn, "đạo đức" hơn mà lại không hạnh phúc bằng người nghèo?) nên cũng không hạnh phúc.
Bạn đầu tư vì chẳng qua là ngày rộng tháng dài năm đằng đẵng, chẳng có gì đáng giá để làm. Đây có phải là thời đại chiến tranh, cách mạng đâu mà diệt gian trừ bạo, cứu quốc an dân?
Với lại, bạn sống thư thái. Vì bạn có thể chất tiết kiệm nên nhu cầu tiền bạc không nhiều lắm, bạn thư thái hơn người khác. Một khi có thể chất tiết kiệm rồi, bạn KHÔNG BAO GIỜ vất vả nữa. Ngay cả việc học đầu tư cũng không vất vả gì, vì không phải là thời gian bó buộc, hay phải giao tiếp với người khác.
Tôi đã thành công trong việc rèn luyện thể chất tiết kiệm. Tôi cảm thấy NIỀM VUI TRONG TIẾT KIỆM TIỀN, thay vì niềm vui trong việc tiêu tiền. Tôi còn đạp xe để tiết kiệm 5k tiền gửi xe (vì xe đạp được miễn phí), vì thế mà thể chất tốt hơn, thấy nhiều thứ thú vị hơn. Cũng có thể chỉ là ẢO MỘNG, biết đâu đi xe gắn động cơ, có hoặc không có mái che, tự lái hay có người lái, lại thú vị hơn. Biết đâu kiếm thật nhiều, tiêu thật nhiều, ăn uống vô độ mới là hạnh phúc đích thực?
Tôi đang rèn luyện thể chất đầu tư và tìm ra phương pháp đầu tư phù hợp thể chất của bản thân. Nếu sau này thành công, thì khi về già có thể ngồi điều hành quỹ đầu tư riêng của bản thân, đỡ phải lao lực làm việc.
Tôi hi vọng bạn cũng sẽ sớm bắt đầu con đường đầu tư riêng của mình. Đập tay cái nào!
Hơn 6 giờ chiều rồi, hôm nay giảm giá member tôi phải đi ĂN UỐNG VÔ ĐỘ để cảm thấy hạnh phúc tí đã.
-mark-
No comments:
Post a Comment