Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Monday, December 30, 2019

Cách tiết kiệm tiền giao tế (socializing)

Nếu bạn muốn tiết kiệm thì các chi phí cố định như tiền nhà và tiền ăn là dễ tiết kiệm nhất. Nếu bạn nào giỏi tiếng Nhật hoặc muốn luyện tiếng Nhật thì có thể kiếm kênh 倹者の流儀 trên Youtube nhé.

Tiền nhà để tiết kiệm thì bạn thuê nhà tương đương, nhưng diện tích nhỏ hơn. Việc này đòi hỏi bạn phải vứt bớt đồ cồng kềnh. Nếu bạn đang du học, không nên mua bàn ghế cồng kềnh, vì lúc vứt còn tốn thêm tiền vứt, và chuyển nhà rất mệt, tốn kém. Tôi cũng sẽ chuyển nhà nhỏ hơn khi hết hợp đồng, để tiết kiệm thêm tiền nhà.

Tiền ăn thì tôi cũng chuyết khá nhiều rồi, hóa ra chúng ta ăn uống quá vô độ, thừa thãi, không phải là không tốt, mà là vô bổ, không hấp thụ được. Riêng về tiền ăn thì nên học người Bắc Triều Tiên: Cắt tóc thật ngắn để đỡ tốn dinh dưỡng nuôi tóc.

Tiền ăn là thứ mà bạn có thể thực hiện được ngay, tôi đã tối ưu hóa ăn uống bằng cách ghi chép chi tiêu theo từng mục và đặt GIỚI HẠN TRÊN cho mỗi mục, cũng như giới hạn cho tổng. Mỗi tháng đều nhìn vào đó mà chi tiêu.

Đừng bao giờ trả tiền để người khác uống thứ mà bạn không thích!

Cách tiết kiệm tiền giao tế (socializing, ăn uống với bạn bè)

Dù sao thì tiền nhà, tiền ăn là CHI TIÊU CÁ NHÂN, chỉ bằng ý chí của bản thân là bạn thực hiện được. Mỗi tháng tôi tiết kiệm được chi tiêu cá nhân 3000 ~ 4000k kể từ khi đặt mục tiêu tiết kiệm (và bạn nên nhớ là khi mới đặt mục tiêu, tôi không thấy có khoản nào cắt giảm được cả).

Các bạn hoàn toàn có thể tiết kiệm hơn 20 ~ 40% mà không bị suy giảm chất lượng cuộc sống quá nhiều: Vẫn khỏe không bệnh tật, thần sắc không xấu đi, chẳng ai biết bạn đang thắt lưng buộc bụng trừ khi bạn nói ra. Nếu bạn đã ốm yếu và nhợt nhạt sẵn? Tuyệt vời, chẳng ai biết là bạn đã đói cả tuần rồi đâu.

Nhưng cơ bản là bạn không đói, chỉ ăn uống hợp lý. Thậm chí bạn còn ăn ngon hơn, và do đầu óc luôn phải tính toán các con số chi tiêu nên bạn sẽ trở thành nhà kinh tế học sớm, tức là IQ sẽ tăng lên.

GIAO TẾ thì lại khác, chi tiêu này ít phụ thuộc ý chí của bản thân hơn. Người tiết kiệm được thường là người có xu hướng tự kỷ, ít giao tế bên ngoài, ít bạn bè. Tôi ít bạn bè xã giao, thường chỉ có bạn thân, ở xa. Nhưng đã là bạn thân thì trà nước vỉa hè vẫn vui, và sẽ vui hơn là lúc nào cũng trang trọng đi nhà hàng.

Nếu bạn TỪ CHỐI SOCIALIZING quá nhiều lần, mối quan hệ sẽ tệ đi, đúng kiểu xa mặt cách lòng. Nhất là đồng nghiệp rủ mà không đi, còn bị đánh giá không nhiệt tình, ảnh hưởng đến cả công việc nữa. Biết bao nhiêu hậu quả của việc từ chối.

Biết cách từ chối: Từ mà không chối

Socializing thường là thế này: Người rủ đang chán và người được rủ đang chán, cả hai vào nhà hàng đắt đỏ (vì "đô" sẽ tăng lên nhanh thôi), vui vẻ một thời gian, rồi lại nhanh chóng chán như cũ. Chỉ có chủ nhà hàng và tư bản ăn uống, tư bản bất động sản (người cho thuê mặt bằng) là vui hưởng thái bình.

Cả người rủ lẫn người được rủ sẽ cảm nhận được nỗi đau (pain) trong tim, do mất đi một số tiền tương đối. Dù bạn nhà giàu đi nữa, bạn vẫn cảm thấy nhói, vì bạn biết, bạn đang làm giàu cho người giàu hơn bạn.

Từ chối mà không từ chối, dựa trên kiến thức lối sống. Bạn đưa ra đề nghị tốt hơn, rẻ hơn. Tức là bạn cũng phải có kiến thức về ẩm thực, nhà hàng nào ngon, giá cả phải chăng.

Tức là bạn phải có LỐI SỐNG RIÊNG phù hợp với bạn. Có những nhà hàng thực sự đắt đỏ mà chất lượng không tương xứng, giá bất động sản quá cao, vv, tại sao phải tới những chỗ đó?

Cuộc sống luôn có lựa chọn thứ hai, thứ ba, không hề kém cạnh, với chi phí rẻ hơn rất nhiều.

Bạn cũng nên cho mọi người biết là bạn đang trong lối sống tiết kiệm, và đang tiết kiệm như thế nào, như thế việc từ chối của bạn không phải là TỪ CHỐI ĐỐI PHƯƠNG mà là từ chối lối sống sang chảnh (giả tạo) đang thịnh hành.

Hai việc từ chối này là khác hẳn nhau. Như tôi thì tôi vẫn nói tôi là người XHCN chống tư bản, tư hữu, một cách công khai. Nên nếu tôi từ chối đi nhà hàng sang chảnh (lẽ ra trước đây thì tôi đã đi rồi), chẳng ai bị tổn thương cả.

Tức là bạn KHÔNG TỪ CHỐI BẠN BÈ, bạn chỉ từ chối LÀM GIÀU CHO TƯ BẢN, TƯ HỮU mà thôi.

Trước khi đi nhà hàng
Đi nhà hàng tốt là việc tốt, giúp bạn đa dạng hóa dinh dưỡng, có sắc diện và sức khỏe tốt hơn. Tôi hoàn toàn không phản đối đi nhà hàng, ngược lại khuyến khích đi nhà hàng. Lẽ ra tôi đang xây dựng thể chất tiết kiệm, thì tuyệt đối không nên đi nhà hàng, ăn ngoài.

Đâu phải thế! Đi nhà hàng cũng là một cách tiết kiệm. Nhưng phải BIẾT CÁCH ĐI NHÀ HÀNG.

Tức là, bạn phải có LỢI ÍCH KÉP khi đi ăn nhà hàng.

Thực sự là tôi có mục tiêu 1 tuần sẽ thử một quán ăn, nhà hàng mới. Tuần nào làm được thế thì sẽ vui và sẽ ghi nhật ký lên Page (của bọn Genesys sắp hủy diệt thế giới ý, giờ tên của nó là Skynet thì phải). Vậy làm sao có lợi ích kép khi đi ăn nhà hàng?

Cách 1: Xem trước review, menu nhà hàng, quyết định trước món sẽ ăn và BUDGET (ngân sách)

Không ăn uống vô độ ở đây, mà là có kế hoạch. Nếu bạn đi giao tế với bạn bè, cũng hãy ngồi bàn bạc trước với họ sẽ ăn gì, sau đó sẽ đi cùng nhau. Như thế, đảm bảo là mọi người sẽ có trải nghiệm tốt hơn.

Lợi ích kép ở đây là trải nghiệm với chi phí hợp lý, nên hãy quyết định trước món ăn mà bạn nhất định muốn ăn thử đầu tiên, và tập trung vào món đấy.

Cách 2: Không nhất thiết dùng đồ uống của nhà hàng

Nếu bạn biết về kinh doanh ẩm thực, thì lợi nhuận của nhà hàng thường là từ ... đồ uống, nhất là với khách hàng nữ. Vì đồ uống là một vốn bốn lời, thường là đồ uống đơn giản mà nếu bạn tự làm, chi phí chỉ 1/4, hoặc nếu bạn uống ở quán chuyên đồ uống, giá chỉ 1/3. Ví dụ nước "cỏ" (coca) nếu bạn tự mua chỉ 6-7k, nhưng trong nhà hàng là 25-40k. Thấy lời khủng chưa?

Tôi không dùng đồ uống của nhà hàng, cơ bản là tôi không uống khi ăn. Thay vào đó, tôi uống sẵn nước trước khi đi từ nhà, hoặc uống sau khi ăn với đồ uống mua từ siêu thị.

Hoặc là tôi sẽ gọi món nước trong nhà hàng, ví dụ nếu ăn mì ramen thì không có nhu cầu nước mấy, vì bạn có thể húp nước súp.

Nếu đi chung với bạn bè thì sao? Không nên cấm bạn bè uống nước! Nhưng nếu đi ăn chung và có những "người bạn" tranh thủ uống bia miễn phí, thì rất phiền.

Hãy thỏa thuận ngay từ đầu là tiền nước ai uống người đấy trả. Mọi người phải trả tiền cho tiền bia hay đồ uống của mình.

Cách 3: Chia tiền với bạn bè

Nói chung là "warikan" (go Dutch), tức là mỗi người trả tiền bằng nhau. Đây là phong cách thường thấy ở Nhật. Ái chà! Nhưng đi với người yêu thì sao?

Nếu đi với bạn bè và mọi người đều trả tiền đều nhau, thì mối quan hệ sẽ lâu bền hơn, và gánh nặng tài chính ít hơn, tránh "mời" và "được mời", trừ dịp đặc biệt như để cảm ơn.

Lý do là mời qua mời lại thì sớm muộn ai cũng cảm giác mình mời nhiều hơn đối phương (vì con người đánh giá việc tốt bản thân làm quá cao, đánh giá việc tốt người khác làm quá thấp), nên mối quan hệ sẽ không bền.

Hơn nữa, lúc nào cũng tính tính toán toán rất mệt đầu. Tốt nhất là theo nguyên tắc "warikan" của người Nhật, tức là chia đều từng xu.

Nhưng điều này chỉ nên áp dụng với đồ ăn chung thôi. Không nên áp dụng với tiền nước, vì bạn có uống nước đâu?

Nếu bạn không uống nước, còn bạn bè nốc bia liên tục, bạn chắc chắn không muốn trả tiền bia đâu. Sẽ thành nỗi đau trong tim, nỗi nhục trong lòng mất.

Như thế, cơ bản là nên có một người xung phong làm kế toán khi đi ăn chung. Không nên đi kiểu dễ dãi như người VN, sớm muộn gì cũng sẽ đổ vỡ vì cảm thấy bị thiệt. Mối quan hệ giao tế bên Nhật thường khá lành mạnh và lâu bền, vì họ sòng phẳng.

Đi với người yêu thì sao? Cơ bản là cũng phải góp tiền. Một người không góp tiền thường chỉ là cá cảnh, muốn lợi dụng hay không nghiêm túc trong mối quan hệ, hoặc không có tương lai (ví dụ sau này lập gia đình họ không đóng góp mà lập quỹ đen, gửi cho cha mẹ vv). Vì thế, đây cũng là cách kiểm tra sự nghiêm túc của "người yêu", hoặc kiểm tra tính phù hợp. Người yêu chỉ được ưu tiên hơn ở tiền nước, không cần phải quá "tiền ai nấy trả", đừng quá tính toán!

Cách 4: Tự nấu món nhà hàng ở nhà

Riêng với người yêu thì phải có cách "đặc trị" riêng. Cơ bản thì bạn không mời ai về nhà, để tránh phải dọn nhà (trước và sau biến cố). Nhưng riêng người yêu thì có thể ngoại lệ, để tiết kiệm tiền. Hơn nữa còn hâm nóng tình cảm không biết chừng.

Đó là thay vì đi nhà hàng thì có thể làm món nhà hàng ở nhà. Các món nhà hàng thực ra không có gì quá khó làm, chỉ cần bạn "công phu" một tí thôi. Dù tốn công nhưng sẽ tiết kiệm được khá nhiều tiền giao tế.

Tất nhiên tiết kiệm nhất là không có người yêu, nhưng không phải lúc nào cũng được thế. Do đó, bạn cũng nên học một số món nhà hàng. Nếu được thì có thể pha cocktail đơn giản ở nhà.

Ngoài ra, không có người yêu thì bạn vẫn có thể áp dụng cách này, để tiết kiệm tiền đi ăn hàng mỗi tháng được. Thật đúng là, một viên đá trúng hai con chim (一石二鳥 isseki nichou).

Bằng cách cách trên, mỗi tháng tôi tiết kiệm được 1000k ~ 1500k tiền giao tế so với trước đây. Nên đặt một giới hạn trên cho việc giao tế, khoảng 10 ~ 15% tổng chi tiêu của bạn, từ đó sẽ dễ thành công hơn.
-mark-

No comments:

Post a Comment