Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Friday, January 3, 2020

Hành động vì môi trường 2020

Không cần mua sản phẩm môi trường!

Đúng ra, ĐỪNG mua sản phẩm môi trường, vì sản phẩm môi trường không thật sự vì môi trường. Gồm cả túi môi trường, các loại li cốc, ống hút tự nhiên (cỏ, giấy vv) hay vĩnh cửu (inox vv).

Tôi đã bắt đầu hành động từ cuối năm 2019 và chúng ta có thể cùng làm vào năm 2020, bằng cách hạn chế sử dụng túi ni lông, chỉ nên sử dụng túi tự hủy sinh học.

1. Sử dụng lại túi ni lông thay vì túi môi trường

Bước đầu tiên là sử dụng lại túi ni lông khi đi siêu thị, đi chợ. Tôi không dùng túi môi trường mà dùng túi ni lông nhưng dùng đi dùng lại, đi chợ mang theo 2 - 3 túi. Nếu dơ sẽ rửa đi phơi khô và sử dụng lại vào hôm sau. Tôi không nhận túi ni lông từ siêu thị nữa.

Như thế, một túi ni lông có thể sử dụng về lâu dài, cho tới khi nó rách đi. Ngoài ra, ở nhà cũng không phát sinh rác thải ni lông quá nhiều.

2. Dùng túi rác tự hủy sinh học và phân loại rác

Túi rác thì dùng loại túi lớn và loại dùng cho túi rác, tức là dễ phân hủy trong điều kiện tự nhiên.

Phân loại rác như người Nhật:
- Rác hữu cơ => vứt bình thường
- Rác tài nguyên (chai lọ) => để riêng cho bà ve chai
- Rác ni lông => bỏ túi riêng, khi nào đầy thì vứt là tài nguyên
- Giấy như hóa đơn, vỏ hộp giấy => để riêng cho bà ve chai
- Rác nguy hiểm như đinh ghim (hạn chế tối đa), pin thải bỏ => cho vào hộp riêng, khi nào biết chỗ xử lý thì mang tới đó (cơ bản là lưu trữ ở nhà)

Ở nhà thì tôi lưu trữ các loại giấy vào một bao riêng, các loại plastic vào bao riêng, khi nào đầy (vài tháng) thì vứt một lần cho người thu gom ve chai. Đôi khi cũng phải RỬA RÁC một tí, rồi phơi khô cho nó sạch, để phân loại hiệu quả.

Tôi đã áp dụng việc tự mang túi ni lông đi siêu thị và thấy cực kỳ tốt, không còn phát sinh thêm túi nữa. Thậm chí cả túi tự hủy sinh học (loại đựng thực phẩm) tôi cũng mang theo để mua thịt, cá vv.

Trong năm 2020 thì sẽ triệt để phân loại rác hơn nữa (vì thú thật là 2019 tôi vứt đại trà kệ mấy người thu gom rác tự xử lý).

3. Cách vứt dầu ăn

Không nên đổ trực tiếp xuống bồn rửa, vì chẳng mấy chốc sẽ đóng cặn và tắc ống (nhất là xứ lạnh như Nhật là cấm). Hãy học cách vứt dầu ăn của người Nhật:

Lấy giấy báo thấm dầu ăn, rồi bỏ vào hộp sữa rỗng, hay túi ni lông. Vì dầu ăn có thể tự phát hỏa trời nóng nên đổ thêm một ít nước, rồi vứt làm rác cháy.

Bạn ở Nhật thì có thể tra cách vứt dầu ăn 油の捨て方 chẳng hạn.

Tư bản môi trường và sản phẩm môi trường

Có lần tôi đi siêu thị thấy bán ống hút cỏ, ống hút gạo, ống hút inox vv với giá cắt cổ. Tôi nghĩ đây không phải là sản phẩm vì môi trường, mà chỉ là sản phẩm của tư bản môi trường, với mục đích lợi nhuận.

Dạo gần đây cũng hay xuất hiện cả "con buôn môi trường" đột nhiên quan tâm tới môi trường cố gắng quảng cáo và bán sản phẩm môi trường cho bạn.

Hãy tưởng tượng bạn mua ống hút inox xem, bạn phải mua cả đồ cọ rửa, và vì phiền phức, bạn còn không sử dụng. Cuối cùng bạn làm hại môi trường.

Bởi vì bạn LÃNG PHÍ tài nguyên. Để sản xuất các sản phẩm đấy và TẠO LỢI NHUẬN, phải thuê nhân công giá rẻ, những nhân công này chưa chắc thân thiện môi trường, có thể họ đặt món ăn, trà sữa vv dùng rất nhiều nhựa và ni lông, có thể shipper vận chuyển dùng rất nhiều túi, li nhựa rồi vứt thẳng ra đường hay tệ hơn là xuống sông.

Tức là CON NGƯỜI và QUÁ TRÌNH tạo ra sản phẩm "môi trường" lại làm hại môi trường.

Như vậy, một sản phẩm thực sự vì môi trường phải CHỨNG MINH bằng CĂN CỨ rằng, quá trình, con người tạo ra nó là thân thiện với môi trường, chứ không phải bản thân sản phẩm đấy thân thiện với môi trường.

Túi ni lông vì môi trường

Túi ni lông nếu sử dụng đúng cách thì còn tốt cho môi trường hơn bất kỳ thứ gì khác. Ví dụ, nếu bạn cầm 2 - 3 túi đi chợ như tôi nói, thì rất gọn nhẹ (tôi luôn để 2 - 3 túi trong xe), vì thế lúc nào bạn cũng có thể dùng và không cần lấy thêm túi ni lông từ cửa hàng, siêu thị vv.

Nếu bạn dùng túi môi trường thì sao? Quá to nên trừ khi bạn có ý định đi siêu thị, và NHỚ mang, còn ngẫu hứng mua đồ, hay quên thì bạn sẽ vẫn phải lấy túi từ siêu thị. Thành ra, mua túi môi trường xong thì vẫn dùng rất nhiều túi ni lông khác.

Về ống hút, tốt nhất là bạn uống trực tiếp như tôi vẫn làm. Ở nhà tôi hiện không dùng đồ dùng một lần, mà dùng li cốc hay bình thủy tinh thôi.

Những quán mà dùng quá nhiều bao gói, tôi đều yêu cầu không dùng nữa. Nếu họ vẫn dùng thì họ không thân thiện môi trường lắm, có lẽ cũng tới lúc nên tìm chỗ khác mua hàng.

Nhưng lưu ý là, người bán KHÔNG CÓ LỖI VỀ MÔI TRƯỜNG, chúng ta người mua hàng mới là người phát sinh nhu cầu và họ đáp ứng.

Siêu thị dùng nhiều túi ni lông là để tiện cho chúng ta, chứ họ cũng không được lợi gì. Do đó, chúng ta chỉ lấy một vài túi ban đầu, còn từ lần sau thì tái sử dụng (cho tới khi hỏng), thì họ còn cám ơn vì điều đó.

Nếu bạn đi mua đồ ăn sẵn về, bạn cũng nên mang theo đồ đựng của mình, như thế hạn chế rác thải nhựa, xốp vv mà còn tốt cho sức khỏe (vì các loại hộp rẻ tiền không phải là an toàn).

Mục tiêu của tôi là lọt vào TOP 1% những người sử dụng và thải ra nhựa, ni lông ít nhất. Dù ở VN hay Nhật, đây là mục tiêu trong tầm tay. Nếu bạn có chí khí cũng nên nhắc nhở cả người khác đừng xả rác, nhất là xuống cống hay xuống sông nữa. Nhưng tạm thời, chúng ta có thể tiên phong trong việc hạn chế nhựa và túi ni lông.
-mark-

No comments:

Post a Comment