Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Wednesday, December 25, 2019

Làm gì có giàu nhất, chỉ có giàu hơn mà thôi

Vì sao có người giàu lên và có người không giàu lên?

Tư duy (mindset) mới làm bạn giàu hơn. Nỗ lực có cũng tốt mà không có cũng không sao. Nếu có tư duy đúng đắn sẽ nỗ lực một cách tự nhiên. Bạn có thể giàu lên một cách tự nhiên, mà không phải nỗ lực mấy. Liệu rằng có nên quăng bản thân vào một thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt đã đỏ rực lửa như con thiêu thân hay không?

Tôi thấy không nên. Tôi chẳng có cảm xúc hay xúc cảm gì với việc làm giàu và làm màu (sống sang chảnh), mà chỉ quan tâm làm sao sống thư thái (với cún) mà thôi.

Nhưng tôi sẽ giàu lên một cách tự nhiên như thế này:
- Rèn luyện thể chất tiết kiệm (= KIỀM CHẾ DỤC VỌNG)
- Rèn luyện thể chất đầu tư (= NÂNG CAO % LỢI NHUẬN)

Tóm lại người giàu lên là người kiềm chế được dục vọng và nâng cao được % lợi nhuận đầu tư. Ít ra hiện nay với lạm phát (công bố) 3-4% và gửi tiết kiệm được 7-8% thì bạn cũng kiếm được 4-5% mỗi năm mà không cần làm gì nhiều.

Tức là con số % cơ bản (chưa trừ lạm phát) là 8%, lấy đây làm chuẩn để bắt đầu đầu tư trái phiếu, cổ phiếu, các loại chứng chỉ quỹ vv.

Ngược lại, người không giàu lên thì rất nhiều, chiếm đa số. Người nghèo và người không giàu lên là khác nhau nhé. Có nhiều người nghèo nhưng vẫn giàu lên nhờ tiết kiệm. Người nghèo có học vấn là những người như thế, chẳng qua họ cống hiến trong lĩnh vực mà xã hội (này) không coi trọng, ví dụ giáo dục chẳng hạn.

Không giàu lên là do không kiểm soát được dục vọng, và vì thế không có đủ tiết kiệm để đầu tư để tăng % lợi nhuận lên. Họ chỉ ước ao trúng mánh đất đai tài sản tăng 3 - 4 lần trong vài năm. Không phải là không thể nhưng chỉ là ăn may, mà chẳng ai ăn may mãi. Nhỡ gặp vận đen thì lại mất mát và trở nên sợ hãi.

Do đó, cách để giàu lên một cách vững chắc là tăng % lợi nhuận lên dựa vào sự khôn ngoan, hay nói thẳng ra là KINH NGHIỆM ĐẦU TƯ = No pain, no gain.

Dục vọng - con dao hai lưỡi

Dục vọng là một thứ tốt, là động lực để con người vươn lên, đạt được thứ mình muốn. Mọi người trở nên giàu có hơn vì có dục vọng lớn. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được dục vọng trong khả năng của bản thân, nó sẽ trở thành con dao hai lưỡi.

Muốn sống hoành tráng hơn thì tốt, nhưng tới mức tiêu hết sạch tiền tiết kiệm hay tiền kiếm được thì không tốt. Mà ở VN thì rất nhiều người không có tiền tiết kiệm. Vì thế luôn sống một cách lo lắng, bất an, lấy gì mà đầu tư?

Vì sao dục vọng của chúng ta cao như thế? Vì sự ảo giác về bản thân. Nếu lương cao thì nghĩ mình giỏi, nếu kinh doanh kiếm ra tiền nghĩ mình là thiên tài. Vì thế, chúng ta luôn có xu hướng TỰ THƯỞNG cho bản thân. Cuối cùng thường là kiếm được thì ít mà tự thưởng thì nhiều. Mà càng tự thưởng thì dục vọng sẽ càng ngày càng phình to hơn, như cái túi không đáy, cuối cùng dẫn tới bắt đầu chi tiêu bất chấp hoàn cảnh của bản thân cho "bằng chị bằng em".

Đây đúng là sự khởi đầu của con đường vô sản. Cần tránh bằng cách kiềm chế dục vọng lại.

Việc đầu tiên bạn nên làm là ghi chép chi tiêu, thu nhập, tính toán ra % mà bạn tiết kiệm được. Làm việc này một năm và bạn sẽ có thể chất tiết kiệm.

Tôi ghi chép từng đồng một và gần đây, ghi chép cả nội dung chi tiêu. Tất nhiên là bằng app thôi, chứ không ghi bằng tay.

Từ đó, tôi nắm rõ dòng tiền như thế nào (chủ yếu là nhận ra kiếm được ít hơn mình nghĩ và tiêu nhiều hơn mình nghĩ) nên có thể đặt ra mục tiêu tiết kiệm cho từng hạng mục. Tôi loại bỏ được hàng tá thứ gây tốn tiền mà gần như vô bổ (không đem lại niềm vui), tiền ăn tiết kiệm được 30%, tiền vui chơi giải trí tiết kiệm được khá nhiều, chủ yếu nhờ chỉ ăn vào lúc đói chứ không phải là ăn do thừa mứa đồ ăn.

ĐẶT MỤC TIÊU TIẾT KIỆM chính là bước cuối cùng, tức là MIỀN ĐẤT HỨA CỦA KIỂM SOÁT DỤC VỌNG.

Nếu một dục vọng mà không làm bạn tốn tiền = thời gian = sinh mệnh, thì đó là dục vọng tốt cần phát huy. Ví dụ bạn đam mê học tiếng Nhật, đam mê lập trình, đam mê đầu tư vv, thì chẳng tốn gì cả.

Giàu lên bằng % lợi nhuận

% lợi nhuận là tất cả mọi thứ bạn cần để giàu lên, chứ không phải là đạo đức, cách cư xử. Người tốt không nhất định giàu, người thông minh không nhất định giàu (và cũng chẳng cần phải giàu). Người tốt chỉ đảm bảo là nếu bạn sa cơ lỡ vận thì sẽ có người giúp đỡ bạn, vì bạn có nhân cách tốt. Nói cách khác, bạn có nhiều bạn bè tốt.

Rèn luyện nhân cách tốt là việc nên làm để bạn sống hạnh phúc, nhưng không phải là cách tốt nhất để giàu lên.

Là người xấu cũng có thể trở nên giàu có, miễn là tăng được % lợi nhuận lên.

Làm thế nào để tăng % lợi nhuận?

Phải học cách quản lý tiền bạc và đầu tư dần. Trước tiên vẫn là KHÔNG MẤT TIỀN. Ở nước lạm phát cao và lãi suất cao như VN, bạn phải biết cách hack lạm phát vì đây sẽ là bài học căn bản đầu tiên mà bạn cần học. Nếu bạn đang ở Nhật nơi lãi suất rất thấp, thì bạn có thể bỏ qua bước này, mà chuyển thẳng qua đầu tư.

Do không biết đầu tư gì, bạn có thể nghiên cứu các quỹ đầu tư trái phiếu, cổ phiếu, sử dụng một số tiền nhỏ để làm thử, rồi từ từ sẽ học cả hệ thống đầu tư của họ. Bạn thích thì sao chép y nguyên còn không thích thì tự sáng chế ra hệ thống riêng của bạn.

Trong lúc đó có thể học cách đầu tư cổ phiếu vì dù thị trường lao dốc nhưng vẫn có cổ phiếu có thể tăng trưởng tốt, miễn là bạn mua được với GIÁ TỐT và bán ở GIÁ ĐỦ CAO.

Cuối cùng, bạn xây dựng một HỆ THỐNG để không tốn thời gian vì những việc này, ví dụ một hệ thống cảnh báo (dùng công cụ có sẵn) nhắc bạn mua vào và bán ra. Nhưng vì chưa có hệ thống và cũng chẳng có khái niệm gì nên đầu tiên thì cứ làm thủ công thôi, dù hơi mất thời gian.

Sau những mất mát, những cơn ác mộng và các nỗi đau khôn xiết, có thể sau 5 - 10 năm bạn trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, dù % không quá cao nhưng có thể gấp đôi lãi suất ngân hàng. Bạn lấy một em trẻ đẹp và sống điền viên chẳng phải làm gì cả.

Và dù vô công rồi nghề nói những điều nhảm nhí, mọi người vẫn tôn trọng bạn một cách chân thành.

Vẫn phải phát triển kỹ năng nghề nghiệp

Nghề nghiệp vẫn là dòng tiền đổ vào việc đầu tư của bạn, nên bạn vẫn phải phát triển kỹ năng nghề nghiệp lên.

Đây mới là thứ giúp chúng ta khi thế giới sụp đổ tan tành. Vì thời nào, dù là chiến tranh, cũng cần những người có khả năng làm việc chuyên môn. Làm việc chuyên môn cũng giúp bạn kết nối bản thân với thế giới, từ đó trở nên hạnh phúc hơn.

Không có kỹ năng nghề nghiệp mà mải mê đầu tư thì sẽ có ngày đêm dài lắm mộng, "nước xa không cứu được lửa gần".

Đây cũng là lý do nhiều người không thể giàu lên: Họ không có chuyên môn. Vì thế, không có dòng tiền ổn định và dư dả để đầu tư (và học đầu tư). Chẳng ai giàu lên khi mà luôn thiếu tiền và chạy ăn từng bữa cả.

Những người nghèo không có kỹ năng quản lý tài chính (do được giáo dục thành "cậu vàng nho giáo") là kiểu như thế, lúc có thì ăn xài, cho vay, lúc túng thì đòi nợ, vay nợ, sống cuộc sống bê tha bệ rạc về tài chính không đi tới đâu cả.

Xuất phát nghèo thì càng nên quản lý tài chính. Ai quản lý tài chính tốt đều giàu lên cả.

Dù con đường đầu tư mịt mù khói bụi nhưng cuối cùng tôi cũng tìm thấy niềm vui trong quản lý tiền bạc (không phải là trong tiền bạc).

Như nhân loại cổ thường nói: Làm gì có giàu nhất, chỉ có giàu hơn mà thôi.
-mark-

No comments:

Post a Comment