Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Saturday, July 7, 2018

Đại nghĩa và tiểu nghĩa

Vì sao cho một người con cá, hay cần câu, hay động lực câu cá vẫn không đủ cho họ? Hãy đọc và cảm nhận câu chuyện này về thương gia và người câu cá.
Một ngày kia, có một người đàn ông đang nằm trên một bãi biển đẹp với một cần câu cắm trên cát. Ông ta đang hưởng thụ cái ấm áp của mặt trời chiều và sự chờ đợi bắt một con cá.
Vào lúc đó, một thương gia đi xuống bãi biển, cố gắng làm dịu đi phần nào cơn stress của ngày làm việc. Ông ta chú ý thấy người đàn ông câu cá ngồi trên bãi biển và quyết định tìm ra tại sao người câu cá này đi câu cá thay vì làm việc chăm chỉ hơn để kiếm sống cho bản thân ông ta và gia đình.
- Ông sẽ không bắt được con cá nào theo kiểu đó, - Thương gia nói với người câu cá - Ông nên làm việc hơn là nằm trên bãi biển!
Người câu cá nhìn lên thương gia, mỉm cười đáp:
- Và phần thưởng của tôi là gì?
- À, ông sẽ có được những tấm lưới lớn hơn và bắt nhiều cá hơn!
- Và sau đó phần thưởng của tôi là gì? - Người câu cá hỏi trong khi vẫn mỉm cười.
Thương gia đáp:
- Ông sẽ làm ra tiền và ông sẽ có thể mua được một chiếc tàu, sau đó kết quả là bắt nhiều cá hơn!
- Và sau đó phần thưởng của tôi là gì? - Người câu cá lại hỏi.
Thương gia bắt đầu hơi bực mình với những câu hỏi của người câu cá.
- Ông có thể mua chiếc tàu lớn hơn, và thuê người làm việc cho ông! -Ông ta nói.
- Và sau đó phần thưởng của tôi là gì? - Người câu cá lặp lại.
Thương gia trở nên giận dữ.
- Ông không hiểu sao? Ông có thể xây dựng một đoàn tàu, chạy khắp thế giới, và để tất cả những người làm công của ông bắt cá cho ông!
Một lần nữa người câu cá hỏi:
-Và sau đó phần thưởng của tôi là gì?
Thương gia đỏ mặt giận dữ và thét vào mặt người câu cá:
- Ông không hiểu sao?! Ông sẽ trở nên rất giàu có đến nỗi ông sẽ không bao giờ phải làm việc kiếm sống nữa! Ông có thể dùng những ngày còn lại ngồi trên bãi biển này, ngắm hoàng hôn. Ông sẽ không lo lắng gì trong thế giới này!
Vẫn mỉm cười, người đàn ông câu cá nhìn lên và nói:
- Thì tôi vẫn đang làm thế đây!
Người câu cá kiểu này chúng ta gặp đầy trong cuộc sống, ở VN mà bước ra đường là gặp những người thế này. Đó là những người hầu như không có chí tiến thủ, chỉ sống qua ngày đoạn tháng, an phận thủ thường, nhậu nhẹt bê tha. Thoạt nhìn thì cuộc sống có vẻ không căng thẳng gì, nhưng thật ra là kiếm tiền không đủ nên luôn thiếu thốn tiền bạc, tới lúc bệnh hoạn lại dựa dẫm người khác, và sống không có lý tưởng nên lúc nào cũng thấy trống rỗng, vì thế phải hút thuốc và nhậu nhẹt nhiều hơn.

Tóm lại là kiểu sống chỉ biết hôm nay, "tận hưởng" giây phút hiện tại, không lo lắng gì cho tương lai. Nếu họ chỉ sống một mình và không có trách nhiệm gì thì không sao, nhưng đằng sau đấy có thể là cả một gia đình, họ cũng sinh con đẻ cái như ai, chỉ có điều, không chịu trách nhiệm nuôi dạy con cái mà thôi.

Nếu sống như thế mà tốt, người ta đã không đau khổ tới mức mê tín dị đoan hay đi theo tôn giáo tìm sự giải thoát.

Đấu tranh không phải vì "tiểu nghĩa" (lợi ích của bản thân)
mà là vì "đại nghĩa" (hạnh phúc của nhân dân)

Vấn đề ở đây là ĐẠI NGHĨA (GREAT CAUSE). Khi bạn làm việc, bạn không chỉ làm việc cho bản thân, mà còn vì người khác nữa. Bạn muốn phát triển kỹ năng (câu cá), sự nghiệp (mở rộng thị trường) vv không phải là vì bạn muốn ăn nhiều cá hơn, mà bạn muốn mọi người được ăn nhiều cá hơn, nhiều người được ăn cá hơn. Không hẳn chỉ là vì mục tiêu lợi nhuận của bạn. Đây gọi là "đạo kinh doanh".

Còn TIỂU NGHĨA chỉ là vì mục tiêu bản thân, làm sao bản thân có nhiều lợi nhuận nhất. Những người kinh doanh vô đạo sẽ chỉ chạy theo lợi nhuận, khi ngành kinh doanh không đem lại lợi nhuận nữa thì họ lập tức thay đổi mặt hàng, phản bội người tiêu dùng. Ngày nay có rất nhiều công ty như thế, họ thay đôi liên tục lĩnh vực kinh doanh của mình chỉ vì mục tiêu lợi nhuận.

Nếu con người không có ĐẠI NGHĨA, họ không thể phát minh ra máy bay, tàu điện, robot, trí tuệ nhân tạo được.

Tất cả mọi công việc đều có mục tiêu vì người khác. Kể cả việc tư vấn du học cũng vậy. Bạn phải mong muốn người khác du học an toàn, vui vẻ, thành công hơn mới nên làm, và mới có thể làm lâu dài. Vì nếu bạn làm vì đại nghĩa thì bạn sẽ có nhiều sáng kiến để đưa công việc lên tầm cao mới. Dù không thu được lợi nhuận thì bạn vẫn làm. Vì mục tiêu công việc là giúp mọi người hiểu đúng, chuẩn bị tốt để du học an toàn, yên tâm và thành công, còn lợi nhuận nếu có là để giúp nâng cao chất lượng hơn mà thôi.

Sở dĩ con người có thể cố gắng và làm việc tới khi chết là vì họ có ĐẠI NGHĨA.

Ngay cả việc nói ra những điều đúng đắn, để nhân dân được khai sáng, cũng là vì đại nghĩa, vì nói ra, có khi không được gì mà còn kết thêm thù hằn. Nếu bạn là một bậc chính nhân quân tử, thì bạn sẽ phải tận trung báo quốc, đấu tranh vì lợi ích của nhân dân. Đấy mới là đại nghĩa đích thực trong cuộc đời.

Thời loạn thế này mà vẫn chỉ ngồi đó câu cá, hay sống cuộc sống an nhàn cho bản thân, chỉ là tiểu nghĩa, và không phải chính nhân quân tử. Sống trong thời loạn, chiến tranh địch họa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nhân dân có thể lâm vào cảnh nước mất nhà tan, mà vẫn "an nhiên" vui hưởng thái bình cho bản thân, thì e là không phải đại nghĩa, mà tai họa cũng sẽ sớm kéo đến. Vì thế mà tôi vẫn thường hỏi bạn đã sẵn sàng chịu nỗi đau khôn xiết để đấu tranh vì đại nghĩa chưa?
Mark

No comments:

Post a Comment