Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Wednesday, July 18, 2018

Tư vấn mua máy tính cho người mua máy tính lần đầu (đi du học vv)

Một số bạn khi đi du học sẽ cần mua hay muốn mua máy tính phục vụ cho việc học tập. Vì các bạn cũng không biết nhiều về máy tính xách tay (laptop, notebook) nên iSea tư vấn chung tại đây. Với các bạn đăng ký du học tại iSea Saromalang thì iSea sẽ tư vấn riêng cụ thể (việc tư vấn luôn luôn miễn phí và vì niềm vui là chính).

Về cách mua máy tính rẻ thì xem bên dưới. Người mua hàng từ Mỹ là người yêu nước. Vì mua hàng từ Mỹ sẽ được hàng rẻ và tốt, giúp bạn tiết kiệm được nhiều tiền, sống sót qua được thời thóc cao gạo kém (lạm phát cao này), mà bạn chính là đất nước, bạn sống tốt thì quốc lực tăng lên, nên thật sự là yêu nước. ^^

Quy tắc cần nhớ đầu tiên khi mua máy tính lần đầu

Máy tính dù là dòng cao cấp hay bình dân thì cũng là một số tiền lớn, hơn nữa là thứ bạn sử dụng hầu như hàng ngày. Do đó, bạn nên được một người am hiểu, có kinh nghiệm lâu năm tư vấn. Bạn nên đưa ra 3 lựa chọn để người có chuyên môn đánh giá cho bạn.

Việc mua mà không có kiến thức sẽ có thể dẫn tới:
- Mua máy quá mắc so với thực tế
- Mua máy khó sử dụng cho bản thân, tính tương thích với bản thân yếu
- Mua máy tính năng thấp nên không hữu ích hoặc quá cao nên lãng phí tiền bạc
- Thường bị người bán hàng dụ mua máy mắc tiền (tính năng hoàn toàn vô ích với nhu cầu sử dụng)

Vì thế, nhất định nên được tư vấn cụ thể. Về máy tính thì tôi cũng là chuyên gia mua máy vì tôi cũng mua máy cho bản thân sử dụng, hơn nữa, còn mua máy để làm việc nên phải lựa chọn rất cẩn thận.

Dưới đây là các tiêu chí mua máy tính xách tay cho người mới mua lần đầu hoặc không biết gì về máy tính.

Tiêu chí 1: Chọn giá cả và chọn hãng sản xuất, dòng cao cấp hay bình dân

Bạn nên xác định giá tối đa bạn sẽ trả trước. Sau đó, chọn hãng sản xuất. Nếu tiêu chí là bền lâu thì tốt nhất dòng Macbook Air của Apple. Tuy nhiên, tôi thì quen dùng Windows, hơn nữa công việc yêu cầu dùng Windows nên tôi dùng hãng Dell.

Hãng HP cũng tốt và trước đây tôi mua máy HP khá nhiều nhưng có thể do dòng Spectre mỏng manh mà:
- Bị hỏng cơ khí (bản lề màn hình)
- Hỏng pin
- Đen màn hình
- Cháy vỏ lúc ban đầu mới mua-
- Khi bảo hành thì lắp vào không như ban đầu, bị hở nhưng lại nói là tháo ra sẽ bị như thế là bình thường và không thông báo từ đầu
- Webcam có lúc không hoạt động vv

Quá nhiều vấn đề dù máy cũng khá mắc. Nên tôi không dùng lại HP nữa. Ngoài ra, Asus cũng được, bảo hành tốt, nhưng là dòng trung cấp nên không quá bền bỉ.

Trong hàng Dell thì lại có dòng cao cấp và dòng bình dân (Vostro, Lattitude vv). Tôi mua dòng cao cấp là XPS cho bền bỉ để làm việc trong 10 năm tới.

Nếu mua Asus thì dòng ZenBook cũng là dòng high-consumer nên cũng ổn.

Dell XPS 13

Tiêu chí 2: Chọn cấu hình máy

Gồm có các cấu hình chính:
- Bộ vi xử lý (CPU): Ví dụ chip Intel Core i7, Core i5, Core i3
- Bộ nhớ đệm (RAM): 4GB hay 8GB hay 16GB vv
- Card đồ họa: Riêng hay tích hợp (onboard) => Nếu bạn không thiết kế hay chơi game thì không cần quá quan tâm
- Ổ cứng: HDD hay SSD (Solid State Disc)
- Ngoại hình máy và độ dễ sử dụng (bàn phím vv): Rất quan trọng

Nhìn có vẻ hoa cả mắt nhỉ ^^ Chịu thôi! Nhưng tôi sẽ giải thích thật dễ hiểu nhé.

Bộ vi xử lý (CPU hay chip)
Bộ não của máy tính, phổ biến nhất là của hãng Intel nhưng cũng có đối thủ lớn là AMD và một vài hãng khác. Thường chip Intel có 3 dòng:
- Core i7: Đời mới nhất
- Core i5: Đời trung bình và phổ biến
- Core i3: Đời cũ

Thật lòng mà nói, Core i3 vẫn tốt chán. Tuy nhiên, để sử dụng trong 10 năm tới thì bạn nên chọn Core i5 đời mới trở lên.

Core i7 mắc hơn Core i5 một vài trăm đô, về "lý thuyết" là tốt hơn. Nhưng nên mua Core i7 hay Core i5?

Trừ khi bạn simulation với dữ liệu khổng lồ hay chạy đồ họa cực kỳ nặng, Core i7 là vô ích. Chỉ nên mua Core i5 vẫn cho trải nghiệm như nhau và tiết kiệm vài trăm dollar.

Ngoài ra, điều quan trọng không phải là Core i7 hay Core i5 mà là đời (generation/gen) nào.

 Ví dụ: Chip Intel i7-6560U => Đây là Core i7 đời 6 (số đầu tiên của dãy số tiếp theo). Đời mới nhất là đời 8, nên đời 6 (còn gọi là 6th gen) là tương đối mới.

Bạn mua đời 5 trở lên là ổn. Ví dụ mua Core i5 đời 5 trở lên thì thường là i5-5xxxx.

=> Bí quyết: Mua Core i5 đời 5 ~ sẽ tiết kiệm 300 USD ~ so với Core i7 đời mới nhất (đời 8).

Trải nghiệm không khác gì mấy (không thể nhận ra).

Bộ vi xử lý giống như bộ não của máy tính, có nhanh hay không. Thường thì hiện tại chip có 2 nhân và mỗi nhân được cho xử lý 2 tác vụ nên có 4 nhân logic xử lý đồng thời 4 việc cùng lúc được. Tôi không thật sự quan tâm lắm, miễn là Intel Core i5 đời 5 trở lên.

Bộ nhớ đệm RAM

Theo tôi nhanh hay chậm là do RAM nhiều hơn là do CPU (chip). CPU giống như là bản thân bạn, với bộ não xử lý công việc. Vậy RAM là gì?

RAM giống như là bàn làm việc. Bàn làm việc càng rộng thì càng để được nhiều dụng cụ, đồ đạc và làm việc càng nhanh. Bạn có thể không nhanh trí nhưng bàn rộng, nhiều tool thì làm việc rất hiệu quả. Vì bàn rộng nên bạn không cần cất bớt tác vụ đang làm để làm việc khác nên khi resume (quay lại làm) tác vụ cũ sẽ làm được ngay, không cần phải vào NHÀ KHO (ổ cứng) lấy đồ nghề ra.

Đây là một số tham khảo về RAM:
- RAM 4 GB (4 gigabytes): Ít, khó làm việc với các ứng dụng lớn
- RAM 8 GB: Tốt trong 5 năm tới
- RAM 16 GB: Tốt trong 10 năm tới

Bạn nên mua máy tính với RAM 8GB trở lên nhé.

Ổ cứng: HHD hay SSD

HHD chậm, SSD nhanh, giống như đi xe thường và xe thể thao vậy. Vì thế, để làm cho nhanh thì tuyệt đối nên chọn SSD. Tôi chỉ chọn SSD. SSD cũng bền bỉ về cấu tạo, ít hỏng hơn.

Bạn nào ghi dữ liệu thường xuyên như tôi thì chỉ nên dùng SSD mà thôi.

SSD giá cao hơn HDD chắc phải 4-5 lần. HDD thì 1 TB (1000 gigabytes) cũng rất rẻ, còn SSD thì 256 GB đã khá mắc.

Chọn dung lượng SSD (dung lượng càng cao càng mắc):
- 128 GB: Ít, bất tiện
- 256 GB: Có thể dùng tốt trong 5 năm tới
- 512 GB: Có thể dùng tốt trong 10 năm tới

Card đồ họa: Tích hợp hay riêng biệt

Tôi không quan tâm vì tôi không thiết kế hay vẽ đồ họa hay chơi game nặng hay đào bitcoin (vì đào bitcoi dùng card đồ họa là chính). Bạn là du học sinh hay học sinh cũng không cần quan tâm.

Ngoài ra bạn cũng quan tâm tới ngoại hình máyđộ dễ sử dụng của bàn phím. Macbook tôi nghĩ về khoản này vẫn là ngon nhất. Nên mua máy có thương hiệu vẫn là an toàn nhất, hoặc là ra cửa tiệm dùng thử, gõ thử.

Bạn cũng quan tâm tới sĩ diện nữa. Vào quán cà phê ai cũng Macbook mà bạn xài máy cùi cũng hơi ngại. Dạo này người ta cũng hay đánh giá người khác qua máy tính lắm. Tôi sĩ diện hão!

Tiêu chí máy tính của Mark

Mục đích sử dụng: Cho công việc trong 10 năm tới, không hỏng hóc
Giá tiền: Khoảng 25 triệu trở xuống
Kích thước: Nhỏ gọn dễ mang theo

Tôi đã chọn máy tính trong khoảng 1 tháng! Vì chọn máy tính cũng như chọn người yêu, mà còn quan trọng hơn cả người yêu. Vì máy tính sẽ gắn bó ngày đêm với bạn, ở cạnh bạn 10 năm, còn người yêu thì chưa chắc. Máy tính còn kiếm tiền cho bạn, còn người yêu làm bạn mất tiền, ha ha ^^

Để không bị hỏng hóc thì tôi chọn dòng bussiness hay high-consumer, trừ máy HP ra vì lý do như ở trên. Nên tôi có cân nhắc Dell XPS, Asus ZenBook, Macbook (loại trừ vì tính chất công việc của tôi phải dùng Windows để tương thích với khách hàng), Xiaomi (hãng mới không rõ độ bền), Microsoft Surface (tốt nhưng giá cao).

Về tình trạng thì có:
- New (máy mới)
- Used (máy cũ)
- Manufacturer refurbished: Hàng tân trang của hãng sản xuất
- Seller refurbished: Hàng tân trang của người bán

Tân trang (refurbished) là lấy máy cũ thay thế hết linh kiện hỏng, hay "độ" (upgrade) lên cấu hình cao hơn. Tôi chưa mua bao giờ nên không có kinh nghiệm gì mấy.

Mua Dell XPS mà hàng mới thì khá mắc, ngoài tiêu chí tiền bạc nên tôi cũng coi cả hàng Used. Nhưng phải lưu ý là phải coi kỹ mô tả, phải là Used mà không bị vỡ, hỏng bên ngoài, hàng đẹp nhé.

Tiêu chí của tôi là: Chip i5 đời 6 trở lên, RAM 16GB để dùng trong 10 năm tới, ổ cứng SSD 256GB trở lên, dòng Dell XPS 13, giá 25 triệu trở xuống. Hàng USED mà đẹp cũng được, không nhất thiết là hàng mới nhưng ưu tiên hàng mới.

Cuối cùng tôi mua hàng này từ Amazon của Mỹ:

Dell XPS 13 9350 Intel i7-6560U 16GB 512GB SSD 13.3" QHD+ Touch Webcam Win 10

Với giá khoảng 23.5 triệu (tôi cũng phải canh khá lâu) và đây là hàng mới. Cách đọc cấu hình:
- Dòng Dell XPS màn hình 13.3 inch, số hiệu 9350
- Chip Intel-i7 đời 6
- RAM 16 GB
- Ổ cứng SSD 512 GB
- Hệ điều hành Windows 10 (mới nhất)
- Có Webcam
- Màn hình chạm => Không quan tâm

So với giá thì như thế là rẻ. Tôi cũng đã xem kỹ lý lịch người bán.

Nếu bạn muốn mua máy tính dùng trong 5 năm tới: Chip Core i5 đời 5 trở lên, RAM 8GB trở lên, ổ cứng SSD 256GB trở lên.

Cách mua máy tính rẻ

Tôi không mua máy tính ở cửa hàng bao giờ vì giá cao và ở VN thì tôi không tin tưởng. Sở dĩ mua máy tính ở cửa hàng sẽ bị giá cao vì tiền mặt bằng, nhân viên, hơn nữa là phí hỗ trợ nữa. Thường người Nhật mua ở cửa hàng (giá cao hơn 30 ~ 50%) là do họ không rành về máy tính nên cần được cửa hàng hỗ trợ miễn phí trong thời gian bảo hành. Các cửa hàng bán được là nhờ dịch vụ này.

Còn nếu bạn có kiến thức về máy tính thì chỉ nên mua online thôi. Tôi có giới thiệu các trang mua sắm online ở Nhật tại Yurika gồm cả mua máy tính cũ giá rẻ tại Các trang web hữu ích ở NhậtCác trang shopping tại Nhật.

Ở Nhật thì bạn nên coi tại trang kakaku.com ↗. Ở trang này bạn có thể mua mọi thứ về đồ điện tử, thường rẻ hơn hẳn cửa hàng. (Kakaku là cách đọc của 価格 [giá cách] nghĩa là giá cả hay vật giá)

Bạn nên chọn theo mức độ hài lòng (満足度) hay độ xếp hạng bán chạy (売れ筋ランキング) và coi kỹ thông số kỹ thuật (スペック) của sản phẩm nhé. Điều kiện là phải biết tiếng Nhật mới coi được.

Mua máy tính từ VN

Tôi không mua ở cửa hàng điện máy vì các lý do:
- Giá cao
- Hàng bình dân là chính
- Không tin tưởng

Nên tôi thường mua trực tiếp từ Mỹ. Nhưng mua từ Mỹ (trên Amazon) đòi hỏi bạn phải có thời gian vì về tới tay bạn có thể mất 1 tháng (1 tuần để hàng về kho Mỹ, 2-3 tuần về VN). Hơn nữa, hàng trên Amazon là do cá nhân bán, nên bạn phải biết cách đánh giá người bán nữa.

Trang tôi hay mua các loại hàng hóa là weshop.com.vn. Tôi từng mua tại đây và thấy trang làm việc uy tín, hệ thống tốt. Mặt hàng đa dạng vì thật ra trang chỉ mua và làm thủ tục nhập về giùm, chứ hàng là các trang EC (thương mại điện tử) ở Mỹ.

Trả tiền thì có thẻ tín dụng, trả tại văn phòng công ty hay chuyển khoản. Tôi chọn chuyển khoản vì không tốn phí, còn trả thẻ tín dụng thì hơi nhiều phí cho ngân hàng, thanh toán Ngân Lượng vv.

Ngoài ra, nếu mua hàng tiêu dùng (không phải máy tính) thì trang chiaki.vn cũng tốt. Tôi cũng từng mua đồng hồ tại đây. Tại trang này thì hàng có sẵn tại Việt Nam nên sẽ nhanh chứ không phải đợi lâu.

Bạn cũng có thể tự mua hàng ở Mỹ từ Amazon vv rồi nhờ unishipping.vn vận chuyển về VN có trả phí. Tôi chưa dùng dịch vụ ở đây bao giờ nhưng cũng có bạn bè xài và ổn.

Tôi có liệt kê các trang này ở trang SHOPPING.

Nhờ mua hàng ở Mỹ mà tôi mua được hàng độc, giá rẻ, rất hài lòng. Quan trọng là không đụng hàng ở VN vì tính tôi rất sĩ diện.

Tôi cũng hay window shopping trên web để giải trí với "ý thức hệ window shopping". Vui, quá vui. Hay, quá hay.

Thời đại toàn cầu hóa, việc gì cứ vươn cổ ra cho người bán ở VN chém nhỉ??
Mark

No comments:

Post a Comment