Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Tuesday, July 31, 2018

Soi điểm EJU của bạn

Nội dung: Hướng dẫn cách tính điểm EJU của bạn ra điểm chuẩn % và từ đó chọn trường có hensachi (độ khó) thích hợp để nộp hồ sơ.
Content: Valuate your EJU score.

Để vào được đại học ở Nhật thì bước đầu tiên là thi EJU (đối với các bạn lưu học sinh). Dù điểm thi của bạn thế nào, dù bạn có hối tiếc hay không, thì cũng không thay đổi gì được nữa. Bước tiếp theo quan trọng không kém là chọn trường phù hợp để nộp hồ sơ (và thi kỳ thi của trường). Cần lưu ý là trường học không phản ánh con người hay phẩm giá của bạn, cũng không liên quan mấy tới tương lai hay hậu vận của bạn. Trong cuộc sống, những người tốt nghiệp đại học hạng 3 thì lại thường trở thành nhà kinh doanh giỏi, còn người tốt nghiệp đại học hàng đầu lại đi làm thuê là chuyện thường xảy ra. Vì thế, vào được đại học, đi tu (đi tù?) ở đó 4 năm là được.

Du học sinh thì lại càng không quá quan trọng việc phải vào được đại học danh tiếng. Vì bản thân việc du học đã là lợi ích kép:
- Tiếng Nhật (academic và business) => toàn cầu hóa
- Kiến thức, bằng cấp, trải nghiệm đa văn hóa vv

Cần nhớ là "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên", thi thố còn phụ thuộc cả quá trình lâu dài của bạn trước đó chứ không phải là vì chuyện nỗ lực hay không nỗ lực. Do ý trời cả thôi.

Nhưng nếu bạn không lập được chiến lược chọn trường nộp hồ sơ hợp lý, không chịu tìm hiểu thông tin thì đó không phải do ý trời nữa.

Giả sử điểm số EJU thế này (để thi ngành kinh tế):
Môn tiếng Nhật:
- Nghe đọc hiểu 103/200
- Nghe hiểu 153/200
- Tổng 256/400
- Viết 40/50

Môn tổng hợp (Japan and the world) 174/200
Toán course 1 140/200

Ở đây tôi đưa ra hai giả định:

(1) Mức độ cạnh tranh của du học sinh vào một trường đại học ngang với mức độ cạnh tranh của học sinh Nhật với nhau (tức tỷ lệ đậu/rớt ngang nhau)
(2) Các du học sinh cũng có chí nguyện tương tự học sinh Nhật Bản

Tức là, một trường danh tiếng thì sẽ khó vào và nhiều hồ sơ nộp vào, giống nhau giữa học sinh Nhật Bản và du học sinh. Bởi lẽ, các du học sinh ở Nhật Bản một thời gian cũng hiểu được "giá trị" của các đại học và sẽ có nguyện vọng giống như học sinh Nhật.

Ví dụ ảo mộng Tô-đai thì người Nhật ai cũng muốn vào và du học sinh cũng vậy, nhưng không phải ai cũng đủ điểm số để nộp hay đủ can đảm để đăng ký. Tôi giả định là tâm lý học hành động là như nhau giữa học sinh Nhật và du học sinh.

Nói cách khác, du học sinh có thể tham khảo độ khó, tỉ lệ chọi của học sinh Nhật gọi là hensachi. Nhưng vì giả thiết sẽ luôn có độ sai lệch, nên tôi gọi nó là α (alpha), tôi không có dữ liệu để tính α nên bạn hãy tham khảo dữ liệu của trường Nhật ngữ mà bạn đang học nhé. Tất nhiên, bạn phải tự tính α vì tôi e là thấy cô tiến học ở trường cũng chỉ dựa vào kinh nghiệm chứ không lập công thức tính.

Để tính xem bạn đứng thứ hạng bao nhiêu thôi dựa vào dữ liệu người thi gọi là EJU Outline of Results của JASSO.

Trong đó cung cấp các thông tin thống kê về kỳ thi ví dụ tháng 6/2018:
Số người thi ở Nhật Bản: 23,776
Số người thi ngoài Nhật Bản: 6,003
(Hà Nội: 109, Sài Gòn: 248)

Bảng điểm trung bình, cao nhất, thấp nhất:


Phân bố điểm, ví dụ môn tiếng Nhật:


Ngoài ra còn có biểu đồ đường xếp thứ hạng của bạn cho từng môn (gọi là Cumulative Distribution of Scaled Score):


Cơ bản là khá đầy đủ. Vậy bây giờ tôi sẽ tính ra điểm thứ hạng (%) của điểm số phần đầu bài viết nhé. Điểm số % tức là với điểm như thế bạn đứng trên bao nhiêu % số người thi.

Ví dụ, giả sử điểm bạn là 60%, tức là bạn hơn điểm của 60% các bạn thi khác (tính cho các môn bạn thi). Như vậy bạn chỉ nên nộp vào trường có hensachi khoảng 51 ~ 52 mà thôi (tương ứng TOP 40% là đậu). Tức là, để an toàn, chọn trường có hensachi tầm 50 trở xuống mà nộp cho an toàn. (Ở đây là tôi giả định hensachi của học sinh Nhật và du học sinh là như nhau như ở trên).

In ra rồi kẻ vạch để tính cho chính xác (toán là in ở mặt sau)

Từ biểu đồ, tôi tính ra điểm % như sau:

Môn tiếng Nhật:
- Nghe đọc hiểu 103/200
- Nghe hiểu 153/200
- Tổng 256/400 => 65%
- Viết 40/50 => 83%

Môn tổng hợp (Japan and the world) 174/200 => 91%
Toán course 1 140/200 => 96%

Bây giờ tôi sẽ lập công thức tính điểm trung bình theo trọng số là điểm tối đa của mỗi môn.

Với trường đại học không xét điểm viết tiếng Nhật:

65% × (400/800) + 91% × (200/800) + 96% × (200/800) = 79.25%

Như vậy, bạn được điểm cao hơn khoảng 80% các bạn khác. Như vậy, có thể nộp vào trường có hensachi 58 trở xuống, vì hensachi 58 = 21.1% (hensachi 59 = 18.4%).

Vậy nộp vào trường xét cả điểm viết hay không xét điểm viết lợi hơn?

Tôi lại tính cho trường hợp xét điểm thi viết tiếng Nhật:

65% × (400/850) + 83% × (40/850) + 91% × (200/850) + 96% × (200/850) = 78.5%

Thoạt nhìn thì điểm thi viết là 83% cao hơn trung bình nên tưởng tính vào lợi hơn, nhưng không phải, vì điểm tổng hợp và điểm toán bị điểm viết kéo xuống (do vấn đề về trọng số thay đổi). Do đó, nộp vào trường KHÔNG xét điểm thi viết thì có lợi hơn, cụ thể là lợi hơn được .. 0.75% ^^

Xin hãy xem bảng hensachi, sẽ thấy có khả năng thi đậu trường có hensachi tầm 58 trở xuống.

Đề xuất cách tính α

Vì du học sinh thì có thể là thi dễ hơn, hay khó hơn, nên ta điều chỉnh bằng α:

Điểm chuẩn của bạn = (79.25 + α) %

Từ đó tính ra hensachi của trường mà bạn nộp vào có khả năng đậu. Bạn có thể xin dữ liệu của trường Nhật ngữ mà bạn theo học rồi tính thử xem. Dù sao, đây là công việc cũng khó, cần phải có sense về toán học tốt, và cần nhiều dữ liệu. Mà kết quả cũng chưa chắc đã đúng ^^

Tôi không có dữ liệu kiểm chứng, cũng không có chuyên môn nên sẽ không thử tính ở đấy, tránh sai lầm và ra những kết quả kỳ lạ.
Mark

No comments:

Post a Comment