Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Wednesday, July 4, 2018

Vượt qua cú sốc ký túc xá khi du học Nhật Bản

Khi mới du học sang Nhật thì nhiều khả năng bạn sẽ bị sốc về ... ký túc xá. Đây cũng có thể coi là cú sốc văn hóa. Ngoài ra, bạn còn bị sốc vì mới thật sự xa nhà lần đầu tiên. Những cảm xúc này là hoàn toàn bình thường và chắc là nhiều du học sinh trải qua. Thời gian kéo dài bao lâu thì có thể khác nhau. Với các bạn đã "thiện chiến" tức là đã đi học xa nhà từ nhỏ và quen với tự lập thì sẽ thích ứng dễ hơn

Dưới đây là một số cách để vượt qua cú sốc ký túc xá và cú sốc tâm lý.

Ký túc xá có thể gây shock, nhưng khách quan có thể không tệ như bạn nghĩ ban đầu

Nhìn nhận cảm xúc của bản thân một cách chân thật

Cảm xúc chỉ là cảm xúc. Bạn sốc vì ký túc xá quá ... dơ hay tồi tàn là đúng. Lý do thì tôi có giải thích một phần ở Sumeba miyako. Có lẽ cảm xúc đầu tiên là "mình không thể sống ở đây, cần phải chuyển ngay lập tức" nhưng dù sao bạn đã đóng tiền ký túc xá mất rồi. Bạn có thể phản ánh với trường về việc này nhưng cơ bản là để trường nắm thông tin và cải thiện cho các bạn khóa sau thôi, vì trường thường có nhiều học sinh và khó mà có thể quan tâm từng học sinh một, nhưng có thể là bạn sẽ được lời khuyên hay thông tin tốt.

Ký túc xá dơ hay tồi tàn không phải là trách nhiệm của bạn nên bạn có quyền phàn nàn với trường.

Quan trọng là hãy nhìn nhận và ghi nhớ cảm xúc của bản thân để sau này thấy là, mọi chuyện không tệ như ... ký túc xá lần đầu.

Tìm biện pháp khắc phục trước mắt và lâu dài

Tiếp theo là tìm biện pháp khắc phục. Đúng ra thì lẽ ra người ở trước phải dọn dẹp vệ sinh trước khi trả phòng, nhưng du học sinh, nhất là du học sinh VN thì thường để lại căn phòng dơ bẩn và đầy rác. Bạn nên phàn nàn với trường nhưng cũng nên bắt tay vào dọn dẹp. Có thể mua khăn lau dùng một lần ở cửa hàng 100 yên chẳng hạn. >>Mẹo sống lười biếng

Phòng dơ thường là vì lý do con người: Vì người ở trước để lại đống rác, hay không chịu dọn trước khi trả phòng (mà lẽ ra họ phải trả lại phòng sạch), hay những người đang ở để nhà dơ (đa số du học sinh là như thế). Dù nhà có tồi tàn cỡ nào mà bạn dọn dẹp thì sẽ sạch đẹp. Nên hãy bắt tay ngay vào dọn góc của bạn, còn các chỗ chung thì từ từ quan sát đã. Vì nếu bạn có dọn, mà người khác lại bày thì cũng vô ích.

Tiếp theo là bạn có thể ở hết 6 tháng rồi kiếm người share phòng và ra ngoài thuê. Như vậy bạn có thể tìm người có cùng mức vệ sinh và sẽ thoải mái hơn.

Ký túc xá không thật sự tệ như thế

Bạn không ở ký túc xá 100% thời gian mà còn đi học, đi làm, đi window shopping vv, nhà chỉ là chỗ ngủ thôi. Bạn dọn dẹp rồi thì cũng có thể tương đối thoải mái. Ngoài ra, khá nhiều bạn trải qua cảm xúc thất vọng giống bạn.

Lý do là ở VN khi ở nhà mình thì mọi chuyện khá thoải mái và sạch sẽ. Vì đó là nhà bạn, và có mẹ bạn dọn dẹp. Còn ký túc xá trước hết chỉ là chỗ trọ học mà thôi, lại không có "lao công miễn phí" mà bạn chính là "người dọn dẹp vinh quang".

Nhưng nhất định là nếu bạn dọn dẹp và sắp xếp, thì ký túc xá sẽ sạch đẹp ngay thôi. Và thật ra thì cũng không tệ lắm đâu.

Nhất là môi trường sống bên Nhật như trường học, nhà ga, tàu điện, khu mua sắm vv ở đâu cũng có nhà vệ sinh sạch đẹp nên khá thoải mái. Môi trường sống tốt thì tự nhiên phòng hơi tồi tàn cũng sống được.

Tôi thường ở khu ổ chuột ở Tokyo nhưng lại thường nằm trong khu dân cư yên tĩnh, có nhiều cây xanh, công viên và thấy cũng thoải mái. Thậm chí nhà vệ sinh là chung chứ cũng chẳng có nhà riêng, lại không có nhà tắm nữa. Nhưng có trường học mà! ^^

Cơ hội để rèn luyện, học tập

Một trong những đức tính quan trọng của con người là khả năng chịu đựng nghịch cảnh.

我慢 GAMAN = CHỊU ĐỰNG

Trong cuộc đời, bạn muốn tiến xa thì phải có khả năng này, chịu đựng nghịch cảnh trước mắt để chờ cơ hội tiến xa trong tương lai. Những người không có khả năng này thường sẽ không tiến xa được. Suy cho cùng, thứ gì không giết được bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn. Chưa thấy ký túc xá giết được ai bao giờ! Mà mọi người ở một thời gian quen rồi và dọn dẹp sạch rồi cũng không muốn chuyển đi nữa. Vì ở chỗ hay chưa chắc đã hay bằng chỗ quen.

Tất nhiên là bạn nên dự phòng phương án B là chuyển ra chỗ thoải mái hơn mà lại tiết kiệm hơn bằng cách rủ người thuê chung phòng. Vì càng ít người càng thoải mái, và tốt nhất là chọn được người ở cùng (tránh những người ở quá dơ hay ... quá sạch).

Ngẫm lại, nhờ ở những nhà "ổ chuột" (mà thật ra tôi thấy khá phong lưu vì còn có vườn nữa) mà khả năng xoay sở của tôi rất tốt. Khi về VN thấy dễ chịu hẳn. Hơn nữa, ngay cả khi chuyển từ nhà xịn xuống nhà lởm để tiết kiệm chi phí, tôi cũng không sốc gì và vẫn sắp xếp cuộc sống tốt. Khi bạn có kiến thức thì bạn cải thiện tình hình rất nhanh và không khổ sở gì.

工夫 KUFUU = CẢI TIẾN, CẢI THIỆN

Vì thế, việc sống ở ký túc xá cũng sẽ góp phần vào lối sống hạnh phúc trong cả cuộc đời về sau. Quan trọng là "kufuu" (công phu) nó mỗi ngày thôi.

Đây là một phần trong loạt bài "tư vấn tâm lý du học Nhật Bản". Nhân tiện, tôi không nói ngay từ đầu vì tôi không biết tình hình bên đấy, còn tùy ký túc xá vv và tùy người ở ký túc xá đó thế nào. Nếu "dọa" bạn quá thì mất cơ hội du học của bạn và mất luôn khả năng học cách cải thiện tình hình của bạn. Cũng có những ký túc xá cơ bản là tốt.

Với các bạn du học tại S thì nếu có vấn đề về ký túc xá xin hãy chụp hình, quay video vv rồi tải lên cloud hay gửi email cho S nhé. S sẽ phản ánh với trường các phàn nàn của bạn. Việc này để xem trường có thể giúp gì được không và cũng là giúp các bạn đi sau. Đây cũng là cách giúp trường.

Nhân tiện, bạn không nên trách cứ trường. Vì cơ bản thì ký túc xá là trường ký với công ty bất động sản và khó mà có thể quản lý sát sao được. Hơn nữa, lẽ ra các bạn cũ ở ký túc xá phải sống sạch sẽ, hay phải trả phòng sạch như cam kết, vv nhưng lại không thực hiện. Đây là vấn đề con người và thường các trường Nhật ngữ bó tay. Vì thường các bạn cũng không chịu rút sớm để người ta dọn vệ sinh, thường đợi tới phút cuối, ngay trước khi bạn vào mới chịu rút, để lại một đống rác.

Đúng là nghịch cảnh nhưng hãy vượt qua nhé. Hãy chụp hình, video vv lại gửi cho S.

Ngoài ra, khi bạn bắt đầu đi học thì sẽ thoải mái tâm lý hơn, nhất là khi kết được bạn, được học trong môi trường mới. Mọi nghịch cảnh chỉ là chuyện nhỏ, hãy tập trung vào lý tưởng, mục tiêu và hoàn thành mục tiêu du học ban đầu của bạn.
Mark @ iSea Saromalang

No comments:

Post a Comment