Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Wednesday, December 13, 2017

Hướng dẫn trả lời phỏng vấn kiểm tra mục đích du học, năng lực tiếng Nhật vv của Cục xuất nhập cảnh Nhật Bản 2018

Sau khi nộp hồ sơ du học thì không phải cứ thế yên tâm kê cao gối mà ngủ, mà bạn phải luôn duy trì tình trạng tỉnh táo và cảnh giác cao và cả người bảo lãnh cũng thế. Vì Cục xuất nhập cảnh Nhật Bản có thể gọi bất kỳ lúc nào.
Cục xuất nhập cảnh = 入国管理局 nyuukoku kanrikyoku [nhập quốc quản lý cục], gọi tắt là 入管 nyuukan [nhập quản]. Có nhiều cục Nyukan trên khắp nước Nhật, ví dụ phụ trách Tokyo là cục Nyukan Tokyo ở Shinagawa, phụ trách Kanagawa là cục Yokohama, vv
Từ năm 2017, với mục đích tránh việc lợi dụng du học để đi kiếm tiền, cư trú bất hợp pháp vv học sinh còn có thể phải phỏng vấn tại đại sứ quán/lãnh sự quán Nhật Bản tại VN rồi mới được cấp visa du học.

Trình tự như sau:
Nộp hồ sơ du học sang trường Nhật ngữ
Trường Nhật ngữ nộp hồ sơ lên Cục Nyukan
Nyukan gọi điện kiểm tra (người du học, người bảo lãnh, công ty người bảo lãnh, ngân hàng vv)
Nyukan cấp tư cách lưu trú (COE)
Phỏng vấn tại đại sứ quán/lãnh sự quán Nhật Bản
Đại sứ quán/lãnh sự quán Nhật Bản cấp visa nhập cảnh Nhật Bản
Tới sân bay, được cấp visa lưu trú (theo thời hạn ghi trong COE)

Gọi điện kiểm tra người du học

Mục đích: - Kiểm tra năng lực tiếng Nhật của người du học
- Kiểm tra ý chí du học và ý chí học tiếng Nhật của người du học
- Kiểm tra nội dung hồ sơ

Thời gian gọi: 9:00 tới 18:00 giờ Nhật Bản (giờ hành chính của Nhật Bản), tương ứng 7:00 - 16:00 giờ Việt Nam. Từ thứ 2 tới thứ 6 (không gọi ngày thứ 7, chủ nhật hay ngày nghỉ tại Nhật).
Số gọi tới: Thường là đầu số Nhật Bản như +81 ****** hay 0081 ****** hay là không thông báo số. (Nếu gọi từ thẻ gọi quốc tế thì có thể xuất hiện dạng số điện thoại VN như 0123*******).

Cục có thể kiểm tra cả tiếng Việt (do người Việt) và tiếng Nhật (do người Nhật vv). Trường hợp gọi nhiều lần không bắt máy có thể bị trượt hồ sơ. (Nếu gọi một lần không bắt máy thì Cục thường gọi lại.)
=> Phải luôn giữ máy bên người, luôn để tâm lưu ý và giữ được sự nhạy bén.

Về kiểm tra năng lực tiếng Nhật
Hãy xem ví dụ các câu hỏi tiếng Nhật. Nếu gọi mà nghe không hiểu tiếng Nhật và im lặng không trả lời thì rất nguy hiểm, thường là trượt hồ sơ. Thà trả lời đại nhưng không trúng đích thì vẫn tốt hơn, ít ra vẫn nói được tiếng Nhật ^^ Lý do vì nghe không hiểu nên không trả lời không thể chấp nhận được.

Tôi chuẩn bị một vài mẫu câu để các bạn học sẵn phòng không nghe được:

すみませんが、聞き取れません。▶PLAY
Sumimasen ga, kikitoremasen.
Xin lỗi nhưng tôi nghe không được.

もう一度言ってください。▶PLAY/もう一度話してください。▶PLAY
Mou ichido itte kudasai. / Mou ichido hanashite kudasai.
Xin hãy nói lại lần nữa. / Xin hãy nói chuyện lại lần nữa.

すみませんが、質問が分かりません。▶PLAY
Sumimasen ga, shitsumon ga wakarimasen.
Tôi xin lỗi nhưng tôi không hiểu câu hỏi.

ただいま、お電話に出られません。▶PLAY
Tadaima, odenwa ni deraremasen.
Hiện giờ tôi không nghe điện thaoij được.

すみませんが、仕事中なので、いま、お電話に出ることができません。▶PLAY
Sumimasen ga, shigotochuu nanode, ima, odenwa ni deru koto ga dekimasen.
Xin lỗi nhưng tôi đang trong giờ làm việc nên bây giờ không nghe điện thoại được.
Có thể thay 仕事中 shigotochuu bằng 授業中 jugyouchuu nếu bạn đang trong lớp học.
=> すみませんが、授業中なので、いま、お電話に出ることができません。▶PLAY
Nếu bạn đang lái xe máy thì thay bằng バイクの運転中 baiku no untenchuu.
=>失礼ですが、バイクの運転中なので、いま、お電話に出ることができません。▶PLAY
Shitsurei desuga, baiku no untenchuu nanode, ima, odenwa ni deru koto ga dekimasen.
Tôi xin thất lễ nhưng do đang lái xe máy nên bây giờ tôi không nghe điện thoại được.

すみませんが、ちょっと待っていただけませんか。▶PLAY
Sumimasen ga, chotto matte itadakemasen ka.
Xin lỗi nhưng anh/chị có thể đợi một chút được không ạ.

10分後にもう一度お電話をかけていただけませんか。▶PLAY
Juppungo ni mouichido odenwa wo kakete itadakemasenka.
Anh/chị có thể gọi lại cho tôi sau 10 phút được không ạ?

Về kiểm tra ý chí du học và nội dung hồ sơ

Về nguyên tắc sẽ kiểm tra mọi nội dung có thể trong hồ sơ, đặc biệt ý chí du học và quá trình học tiếng Nhật. Ví dụ:
- Mục đích em sang Nhật du học là để học gì?
(Trả lời: Học tiếng Nhật 1/2 năm rồi về nước là sẽ trượt vì học tiếng Nhật ở trường Nhật ngữ không phải là du học mà là để học lên cao)
- Em học tiếng Nhật ở đâu tại Việt Nam và từ khi nào, được bao lâu rồi, số giờ đã học là bao nhiêu?
=> Phải khớp hồ sơ.
- Ai bảo lãnh em, làm nghề gì, thu nhập bao nhiêu một năm?
Vân vân.

Đặc biệt là còn hỏi trường bạn đăng ký là trường nào, nằm ở thành phố nào. Vì có những bạn không biết mình đăng ký trường nào và trường ở Tokyo lại trả lời ở ... Osaka.

Ngoài ra, cục có thể hỏi "Em có dự định đi làm thêm hay không?". Có lẽ nhiều bạn đi làm thêm và việc làm thêm là hợp lý, nhưng khi hỏi "Em có định đi làm thêm để trả học phí không?" mà trả lời "Có" là sẽ trượt, vì về nguyên tắc người bảo lãnh phải trả học phí và có đủ năng lực tài chính.

Bạn có thể trả lời là "Em dự định đi làm thêm trả một phần sinh hoạt phí còn gia đình sẽ chu cấp học phí" thay vì trả lời Có/Không.

Gọi điện kiểm tra người bảo lãnh

Ngôn ngữ: Gọi bằng tiếng Việt (do người Việt gọi).
Kiểm tra nội dung giấy cam kết bảo lãnh về:
- Lý do bảo lãnh
- Cách đóng tiền cho trường
- Cách chuyển tiền học phí cho con em du học

Kiểm tra nội dung về công việc và công ty:
- Làm ở công ty nào, chức vụ gì
- Công ty bao nhiêu người, thành lập năm nào, giám đốc là ai
- Tòa nhà công ty mấy tầng, ở tầng mấy, sơn màu gì, đối diện công ty là gì
- Đi từ nhà tới công ty bằng gì, đường nào, hết bao lâu
- Thu nhập một năm bao nhiêu, lương bao nhiêu, phụ cấp bao nhiêu, thưởng bao nhiêu vv

Ngoài ra còn kiểm tra về việc học tập của con em như học tiếng Nhật ở đâu, từ khi nào vv. Người bảo lãnh phải nắm rõ hồ sơ.

Gọi điện kiểm tra sổ ngân hàng

Nếu hủy sổ, rút sổ vv mà bị kiểm tra thì sẽ trượt hồ sơ. Tuyệt đối tránh động tới sổ ngân hàng. Nhiều phụ huynh lâu quá quên rút sổ, hủy sổ ngay trước khi có kết quả dẫn tới bị đánh rớt hồ sơ du học.

Đôi khi sổ ngân hàng vẫn để nguyên và kỳ hạn 1 tháng nên renew liên tục, làm giấy giải thích rồi vẫn bị đánh rớt. Đây là lý do lãng xẹt, có thể Cục muốn bạn nộp lại lần sau.
>>Lý do trượt hồ sơ du học Nhật Bản do sổ ngân hàng 2017

Gọi điện kiểm tra công ty người bảo lãnh

Gọi bằng tiếng Việt, xem người bảo lãnh có thật sự làm ở đó không. Nếu tiếp tân trả lời ẩu rất có thể sẽ trượt hồ sơ.

Gọi điện kiểm tra người trong gia đình

Ba bảo lãnh, Cục gọi cho bạn xin số của mẹ. Cục gọi cho mẹ hỏi ba làm gì ở đâu mức lương bao nhiêu. Mẹ trả lời không đúng hồ sơ vì không thật sự nắm rõ tình hình.

Mặc dù trong hồ sơ chỉ ghi số điện thoại người đăng ký du học và người bảo lãnh nhưng Cục có thể hỏi số bàn ở nhà và gọi cho người ở nhà vv.

Hãy chú ý để người ở nhà không được trả lời ẩu theo cảm tính nhé ^^


CÁC LÝ DO CÓ THỂ GÂY TRƯỢT HỒ SƠ
DU HỌC TỰ TÚC NHẬT BẢN 2018

Tôi đưa ra một số lý do kinh điển như sau.
  1. Số điện thoại người đăng ký không gọi được nhiều lần (đổi số hoặc cố tình không bắt)
  2. Số điện thoại người bảo lãnh không gọi được nhiều lần (đổi số hoặc cố tình không bắt)
  3. Người bảo lãnh quên hủy, rút sổ ngân hàng
  4. Người đăng ký bị gọi kiểm tra và không hiểu nên im lặng
  5. Cục gọi người bảo lãnh thì đang say rượu do tết nguyên đán ^^
  6. Người đăng ký không biết người bảo lãnh làm ở đâu
  7. Người đăng ký trả lời sai nội dung hồ sơ
  8. Người bảo lãnh trả lời sai về công ty mình làm
  9. Người bảo lãnh trả lời sai về thời gian học tiếng Nhật của con em mình
  10. Có hai người bảo lãnh (trường hợp thu nhập một người không đủ) và mỗi người trả lời khác nhau
  11. Người đăng ký trả lời sai tên trường du học (ví dụ nhầm sang công ty du học) hoặc sai địa phương nơi mình du học vv

Tóm lại là do trả lời sai với hồ sơ. Vì thế, bạn và người bảo lãnh, thậm chí gia đình phải học kỹ về hồ sơ nhé.

Tôi tổng kết vào trang Nyukan để tiện theo dõi nhé.
Với các bạn đăng ký tại iSea thì sẽ được chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ như nộp lên Nyukan, cung cấp các công cụ để tự kiểm tra và ứng phó hợp lý. Hãy tiếp tục giữ vững tinh thần cao và tỉnh táo cũng như sự chăm chỉ cho tới khi đi du học. Đồng thời, hãy học 10 - 15 từ mới mỗi ngày để chuẩn bị cho việc du học thì mới thành công được.
>>Chiến lược học tiếng Nhật để du học thành công

Bạn biết cách chờ đợi để thành công là gì không? Trong lúc chờ đợi kết quả vẫn văn ôn võ luyện, luyện tập tiếng Nhật hàng ngày như chưa hề có gì xảy ra. Học tập để phát triển bản thân sẽ luôn mang lại kết quả tốt và tương lai xán lạn. Du học hay không thì quan trọng vẫn là nỗ lực học tập ngay từ lúc này.

Nếu các bạn cần câu tiếng Nhật nào để đối đáp với Cục Nyukan thì comment bên dưới ↓ nhé.
(C) iSea Saromalang

No comments:

Post a Comment