Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Saturday, October 21, 2017

"Cảm giác trống rỗng"

"Cuộc sống không có đúng hay sai, mà chỉ có nghị luận"
- Danh chuyết cổ đại Mark -

Vì sao con người phải chịu "cảm giác trống rỗng"?

Dù bạn thuộc quốc gia, dân tộc, hay chủng tộc nào, thì đặc điểm chung có lẽ là "cảm giác trống rỗng" sẽ ghé thăm bạn. Trong tiếng Nhật sẽ diễn tả bằng:
虚しさ MUNASHISA = sự trống rỗng trong tâm hồn
空虚感 KUUKYOKAN = cảm giác trống rỗng
欠乏感 KETSUBOUKAN = cảm giác thiếu hụt
物足りなさ MONOTARINASA = sự thiếu thốn
Cảm giác trống rỗng KHÔNG phải là điều xấu và không phải vấn đề cá nhân, nên đừng cá nhân hóa vấn đề (do not take it personally). Đây chỉ là NGHỊ LUẬN vì nếu tôi đang cảm thấy trống rỗng thì tôi cũng chẳng hơi đâu mà "chuyết" làm gì, mà "chuyết" thì khó mà trống rỗng được. Sở dĩ tôi "chuyết" là vì đây cũng là một chủ đề trong cuộc đời. Hơn nữa, "chuyết" vì bạn bè là chính.

Tôi sẽ nói ngắn gọn thế này: Khi bạn thiếu thốn thì dục vọng không được thỏa mãn sẽ thiêu đốt bạn (dục cầu bất mãn), khi bạn đầy đủ thì cảm giác trống rỗng sẽ bao vây bạn.

Khó mà có thể hạnh phúc hoàn toàn được. Nói thẳng ra là, khi bạn nghèo thì bạn mơ ước có nhiều thứ, bạn có ĐỘNG LỰC để sống và phấn đấu. Đến khi có đầy đủ các thứ rồi thì bạn hết MỤC TIÊU, hết LÝ TƯỞNG nên cũng mất luôn động lực. Tức là khi đầy đủ thì cảm giác trống rỗng sẽ kéo đến, phủ một bóng mây mù lên cuộc đời bạn.

Bạn không còn biết mình cần gì, muốn gì nữa. Không điều gì làm bạn cảm thấy vui nữa. Những thứ làm bạn cảm thấy vui thì không còn vui như xưa. Những lý tưởng thời "trẻ" thì bạn đã đạt được hết, nên bạn cảm thấy cuộc sống thật nhạt nhẽo. Cuộc sống của bạn không thiếu thốn gì và không bị áp lực gì, nhất là về tiền bạc, hay tình cảm, nhưng cũng không có gì gọi là đột phá hay mới mẻ. Bạn không TRẦM CẢM, vì trầm cảm thì lại là một phạm trù khác hẳn.

Bạn vẫn làm việc đều đều, vẫn làm tốt nhưng không thấy vui hay lý tưởng gì nữa. Bạn có thể học thêm thứ này thứ kia, hay có ý muốn đổi việc, nhưng lại sợ MẤT MÁT. Mà việc thay đổi sẽ cần rất nhiều năng lượng, thứ mà bạn luôn cảm thấy thiếu thốn.

Đấy gọi là CẢM GIÁC TRỐNG RỖNG. Đây là vấn đề của người giàu, những người sống đầy đủ (thường là cả vật chất lẫn tinh thần). Cuộc sống của họ không tệ, hơn đứt đại đa số dân chúng, nhưng họ vẫn cảm thấy trống rỗng. Những kẻ thiếu hiểu biết thường gọi là "Sướng mà không biết đường sướng" hay "Sướng chán so với nhiều người khác".

Đó là cách suy nghĩ của những người không hiểu biết mà thôi. Vì sự trống rỗng là kết quả hiển nhiên, không phải vấn đề cá nhân. Bạn có thể sướng (về vật chất, tình cảm) hơn so với đa số nhiều người nhưng không đảm bảo bạn sẽ hạnh phúc. Bởi vì cái "sướng", "hạnh phúc" mà thiên hạ nói chỉ là khái niệm và tiêu chí của những người không hạnh phúc mà thôi. Một trong những lý do họ không hạnh phúc là họ kém hiểu biết.

Để tôi nói thẳng ra thế này: Đầy đủ về vật chất và tinh thần không phải là điều kiện đủ để hạnh phúc, thậm chí cũng không phải là điều kiện cần để hạnh phúc.

Khi bạn đầy đủ về vật chất, tinh thần thì bạn khó hạnh phúc hơn gấp bội. Vì khi bạn nghèo và thiếu thốn, bạn còn động lực để phấn đấu, vì thế, khi đạt được thứ gì đó, dù là nhỏ bé, bạn vẫn cảm thấy vui vẻ hạnh phúc hơn nhiều.

Đa số người giàu thường nhớ lại thời nghèo khó "hạnh phúc" là vì thế. Vì mọi cảm giác ngon ngọt, hạnh phúc đã tan biến từ lâu, khi họ kiếm được rất nhiều tiền. Theo một nghĩa nào đó, cũng có thể nói là "niềm vui biến thành tro trong miệng".

Cảm giác trống rỗng của người nghèo và tầng lớp trung lưu

Giàu có đầy đủ và cảm thấy trống rỗng KHÔNG phải là một tội lỗi. Nhưng người nghèo khó sẽ cố gắng kết tội bạn theo kiểu "sướng mà không biết hưởng" hay đại loại thế. Chỉ vì họ ngây thơ về cuộc đời. Và thường là họ sẽ còn nghèo khó tương đối lâu dài. Lý do là vì họ nhìn nhận (sai lạc) vấn đề của người khác còn vấn đề của bản thân thì không nhìn được. Họ chỉ nghĩ đơn giản là Giàu = Sướng. Chẳng ai giàu có đầy đủ mà thật sự hạnh phúc cả.

Nghĩa là bạn cứ nghèo mãi, hay mắc kẹt trong tầng lớp trung lưu "gánh vác cả xã hội" trên vai thì mới hạnh phúc?

Thật sự thì chẳng ai muốn thế. Con người muốn trở nên giàu hơn, càng nghèo khó càng thấm thía giá trị của đồng tiền (cũng theo cách sai lệch) nên càng mong ước làm giàu.

Vấn đề của nghèo khó là bạn sẽ bị dục vọng thiêu đốt, gọi là "dục cầu bất mãn" (欲求不満). Và nếu dục vọng thiêu đốt quá lâu có thể sẽ khiến bạn đau khổ. Hoặc đơn giản là, cứ phải è cổ ra để mưu sinh tới kiệt sức. Dù đau khổ lâu dài, hay kiệt sức thì cũng dẫn tới cảm giác trống rỗng theo kiểu "Con người sống vì điều gì", "Ý nghĩa của cuộc đời là gì". Sẽ chẳng có câu trả lời nào cả, bởi vì họ sẽ nhanh chóng tìm ra người giàu có và đầy đủ. Cuối cùng họ lại cá nhân hóa vấn đề, rằng:

Tôi đau khổ, còn người khác thì hạnh phúc.
Tôi nghèo khó, còn người khác thì giàu có.
⇒ Cuộc đời bất công.

Người nghèo khổ hơn người giàu vì họ cảm thấy cuộc đời thật bất công, và họ thật oan ức. Nhưng người giàu - dù chẳng ai muốn nghèo đi - thì lại cảm thấy người nghèo thật hạnh phúc. Người nghèo hạnh phúc thật! Vì họ có mục tiêu phấn đấu (về vật chất, tình cảm) và khi đạt được, họ hạnh phúc (tạm thời).

Tôi tổng kết sơ đồ như thế này cho cuộc đời một người "bình thường":

Sơ đồ tương quan Biến thiên đời người
Dục cầu bất mãn - Cảm giác trống rỗng - Cuộc đời

Trong sơ đồ trên:
Tệ nhất là cuộc đời "không đáng sống": Không được giáo dục tốt, sống bê tha bệ rạc, không có khả năng giao tiếp và thích ứng xã hội bình thường. Xác suất thành đám du thủ du thực vô công rồi nghề cao.
Người bình thường: Mỗi người có biến thiên khác nhau và thường đi theo đường màu đỏ. Đây là những người được giáo dục theo mặt bằng xã hội, tư duy theo lối thông thường, tức là có khá nhiều giáo điều được dạy trong gia đình, nhà trường (ví dụ tuyệt đối phải kính trọng cha mẹ, nghe lời thầy cô, lãnh đạo).
Vòng tròn màu xanh lục: Cuộc đời đáng sống, tức là hạnh phúc, có dục cầu vừa đủ, rất ít cảm giác trống rỗng.

"Cuộc sống hạnh phúc"

Sở dĩ người ta bị cảm giác trống rỗng là vì họ lẽ ra phải hạnh phúc (supposed to be happy) nhưng lại không thật sự hạnh phúc. Nào, chúng ta điểm lại cuộc sống hạnh phúc là thế nào nhé.

Chúng ta hãy lấy trường hợp của anh Tran người Việt gốc Mỹ sống ở Nhật làm cho công ty của Pháp nhập quốc tịch Việt Nam hồi năm 20 tuổi để phản đối chiến tranh Afghanistan và tìm được lẽ sống ở Cam Pu Chia sau khi gặp được một người Ấn Độ truyền dạy cho anh về đạo Do Thái mà ông ấy học được khi du học ở Canada từ một người thầy người Úc có mẹ gốc Hi Lạp và cha gốc Ý Đại Lợi.

Cuộc sống của anh Tran là ao ước của nhiều người. Anh được giáo dục tốt từ nhỏ, luôn học trường danh tiếng. Anh trở thành chuyên gia về bảo mật và làm trong công ty toàn cầu bán các gói phần mềm cho ngân hàng. Anh có kỹ năng tốt và giữ chức quản lý nên tiền bạc không phải là vấn đề. Anh chẳng thiếu thốn gì và công việc cũng suôn sẻ.

Anh lấy một người vợ xinh đẹp và có một bầy con thông minh, được giáo dục tốt. Anh có đầy đủ mọi thứ từ nhà và xe cũng như tình yêu đích thực với cô vợ trophy wife của mình. Anh còn là một người cha mẫu mực. Các mối quan hệ của anh đều tốt và tích cực, anh được đánh giá cao trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân. Anh chính là điển hình của cuộc sống viên mãn.

Dường như, mọi lựa chọn của anh đều sáng suốt và đúng đắn. Đây là hình của anh:

Anh Tran là điển hình của cuộc sống "hạnh phúc"

Hầu hết mọi khát vọng của anh đều đã trở thành hiện thực. Mọi người tin tưởng, yêu quý, ngưỡng mộ anh. Chỉ có điều, anh cảm thấy thật trống rỗng và nhàm chán. Anh chỉ muốn nghỉ quách việc để về làm vườn cho xong.

Vì sao anh Tran lại có ý nghĩ điên rồ như thế? Phải chăng, anh đã mất trí? ^^

Anh chỉ không thực hiện ý nghĩ ấy vì anh sợ mất mát. Vì anh có quá nhiều thứ nên sẽ có thể sụp đổ dây chuyền. Anh chỉ muốn thực hành lối sống tiết kiệm, hay TỐI GIẢN (MINIMAL LIFE) nhưng vợ anh lại không muốn thế, con anh thì càng không. Anh không thể từ chối những buổi tiệc tùng với người thân và bạn bè vì anh là người được yêu mến và ngưỡng mộ, dù anh không muốn tham dự.

Vấn đề của anh Tran

Anh Tran là bệnh nhân điển hình mà bác sỹ tâm lý nào cũng rất muốn chữa. Vì anh có rất nhiều tiền và có vấn đề tâm lý. Anh rõ ràng là một khách hàng vô cùng tiềm năng. Miễn là anh đừng bỏ việc về làm vườn thôi.

Nói cho đơn giản nhất thì anh Tran không hạnh phúc nhưng cũng không bi kịch. Anh có rất nhiều thứ mà người khác ao ước, và cũng là những thứ anh ao ước. Anh quá đầy đủ nên mất đi mục tiêu và động lực.

Anh luôn khao khát thay đổi nhưng sợ mất mát. Anh muốn tìm thứ gì đó "mới mẻ", và thật sự đã tìm thứ "mới mẻ", nhưng, không có thứ gì tốt hơn thứ anh đang có.

Anh có một nguyên tắc đạo đức mạnh mẽ để không sa ngã, vì thế anh đơn giản là không thể trở thành người nhẫn tâm, hay "bad boy" hay "playboy".

Có hai vấn đề chính mà anh không giải quyết được:

1. Nỗi sợ mất mát
2. Rủi ro bất ngờ trong cuộc sống

Nỗi sợ mất mát là nỗi sợ hiển nhiên của con người. Người ta sợ mất người thân, mất công việc, mất tài sản. Trong số đó, sinh li tử biệt là nỗi sợ hãi đặc biệt lớn, cho cả người ra đi lẫn người ở lại. Đó là mất mát và nỗi đau thật sự.

Ngoài ra, còn là rủi ro bất ngờ trong cuộc sống. Con người có thể chết bất ngờ, vì tai nạn giao thông, vì khủng bố, hoặc bị ung thư. Điều này khiến chúng ta tự hỏi liệu cuộc đời có đáng sống và có thật sự có công lý trong cuộc đời hay không? Có những nạn nhân chết đơn giản là do sự quẫn trí, khủng bố của người khác, hoặc do người khác gây ra. Hơn nữa, kẻ khủng bố đã tự sát. Vậy thì có công lý nào cho nạn nhân?

Nếu chính bạn trở thành nạn nhân thì sao, liệu có công lý nào cho bạn? Vì trong thâm tâm, ai cũng biết rằng chuyện xảy ra cho người khác thì cũng có thể một ngày nào đó sẽ xảy ra cho bản thân. Nếu cuộc đời hay xã hội không có công lý và trật tự cho kẻ khác, thì một ngày cũng có thể sẽ xảy ra cho bạn hay gia đình bạn. Đây là vấn đề về lương tâm.

Hoặc đơn giản hơn là hãy suy nghĩ thế này: Bạn đủ may mắn. Bạn có đủ may mắn không? Anh Tran đủ may mắn để có mọi thứ mà anh khao khát. Anh cảm nhận được sự may mắn của mình và luôn được mọi người tái khẳng định là "anh thật may mắn".

Liệu sự may mắn này có kéo dài mãi? Tóm lại thì lại quay về nỗi sợ mất mát: Anh sợ mất đi sự may mắn của mình.

Giờ thì bạn đã thấy: Nỗi sợ hãi bao trùm như một màn sương lên cuộc sống của anh Tran. Anh Tran đang sống trong sợ hãi.

Đây cũng là lý do lớn nhất để anh không dám thay đổi, hay sống ngoài khuôn khổ. Anh đã bị cảm giác trống rỗng xâm chiếm và không điều gì còn làm anh thật sự vui nữa.

Dù sao thì anh Tran chỉ là trường hợp cực đoan. Vì mấy ai có hoàn cảnh tốt và đủ may mắn đến thế.

Người có hoàn cảnh không đủ tốt hay không đủ may mắn

Tôi hay phê phán, nhưng chẳng bao giờ phê phán con người, tôi chỉ phê phán hoàn cảnh. Nói tóm lại, tôi chẳng phán xét gì cả, mà chỉ "chuyết". Đại đa số mọi người thì có hoàn cảnh không đủ tốt, hoặc không đủ may mắn. Họ có thể là cũng chẳng nhận thức được hoàn cảnh hay sự kém may mắn của mình. Họ luôn khao khát được như anh Tran. Đó là mục tiêu, là lý tưởng sống của họ. Đúng là cuộc sống như trên thiên đường nhỉ?

Vấn đề là, hoàn cảnh khác nhau, giáo dục khác nhau, nên họ không bao giờ đủ may mắn như anh Tran. Vì thế họ lại đau khổ vì "dục cầu bất mãn" (mong ước không được thỏa mãn). Chưa kể, họ cũng vẫn bị cảm giác trống rỗng vì dục cầu bất mãn kéo dài.

Cuộc đời đúng là "tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa". Không phải là cứ giàu lên là sẽ hạnh phúc. Bởi vì mọi chuyện đã do hoàn cảnh quyết định. Trong sơ đồ trên, thì một người bình thường, giáo dục bình thường sẽ biến thiên theo đường màu đỏ, tất nhiên là mỗi người do hoàn cảnh hơi khác nhau nên vị trí đường cũng sẽ khác nhau chút ít, nhưng vẫn chỉ biến thiên trên đường đó.

Họ có thể giàu lên, đầy đủ lên hay nghèo đi, thiếu thốn đi, thì vẫn chỉ là chạy trên một đường màu đỏ mà thôi. Vì không ai có thể chống lại số mệnh.

Đặc biệt, có những người hoàn cảnh rất kém: Họ vừa dục cầu bất mãn cao, vừa trống rỗng cao. Đây là điển hình của sinh ra kém may mắn và giáo dục tệ hại từ trong gia đình ví dụ người bê tha bệ rạc cao độ. Số mệnh của họ là mê tín dị đoan. Vì mọi cảm xúc của họ chỉ là tiêu cực: Cảm xúc bất mãn, cảm thấy bất công trong cuộc đời, cảm thấy mình là nạn nhân, cảm giác ghen tức với người khác.

Nhưng vấn đề lớn nhất của họ là không nhận thức được hoàn cảnh của mình. Nhận thức của họ là họ là người tốt nhưng luôn là nạn nhân, họ sùng bái sinh mệnh và sùng bái cha mẹ. Cuộc sống càng không đáng sống, thì bằng cách học tập sai lầm, họ cực kỳ sùng bái sinh mệnh của bản thân và cha mẹ, và trong tương lai là sùng bái con cái.

Để tiến tới cuộc sống hạnh phúc thật sự

Ngay từ khi còn trẻ thì tôi vẫn luôn phân ra hai dạng hạnh phúc:

(1) Hạnh phúc nhất thời (ngắn hạn)
(2) Hạnh phúc thật sự (lâu dài)

Khi bạn sở hữu đồ vật mới, hay mối quan hệ mới, đó chỉ là hạnh phúc nhất thời. Tùy giá trị đồ vật, mối quan hệ, mà bạn hạnh phúc ngắn hay dài, nhưng không thể quá lâu dài vì cảm xúc sẽ giảm đi theo thời gian.

Những người không thật sự hạnh phúc là những người tìm kiếm ngắn hạn, hay đúng ra, là chỉ biết mỗi hạnh phúc ngắn hạn. Trong xã hội ngày nay chúng ta thấy những người không hạnh phúc nhan nhản trên ti vi dạy về hạnh phúc nào là "vợ chồng hòa thuận, con cái ngoan ngoãn, hiếu thảo với cha mẹ, dành thời gian cho nhau vv", phụ nữ thì rất thích dạng nam giới nữ tính luôn đi theo cung phụng chiều chuộng bạn gái, nam giới thì thích phụ nữ hiền thảo nhu mì đợi ở nhà với bữa cơm nóng hổi nấu theo đúng khẩu vị để xua tan đắng cay tủi nhục trong công việc.

Hạnh phúc kiểu đấy sẽ không lâu dài. Vì nó chỉ dựa vào mối quan hệ và sự tận hiến của người khác, mà người tận hiến (bị lợi dụng) thì không hạnh phúc và bạn quan hệ mật thiết với người này nên sẽ không thể hạnh phúc.

Định luật: Chơi với người đau khổ sẽ đau khổ. Chơi với người thất bại sẽ thất bại.

Tóm lại thì chị làm dâu hiền thảo, anh thành đạt, cha mẹ hai bên hòa thuận. Chỉ cần một yếu tố thay đổi (mẹ đánh đề, em nghiện hút, chồng thất nghiệp/ngoại tình, vợ ngoại tình/say nắng vv) là cả phương trình sụp đổ.

Bạn sở hữu càng nhiều thì càng có nhiều hạnh phúc ngắn hạn nhưng về lâu dài trở thành gánh nặng và làm bạn càng khó hạnh phúc hơn. Nói cách khác, hạnh phúc ngắn hạn sẽ gây cảm giác trống rỗng và không hạnh phúc về lâu dài.

Anh Tran chính là điển hình của việc này: Anh sở hữu quá nhiều đồ vật tốt và mối quan hệ tốt. Giá mà anh "không đủ tốt" thì có khi anh lại không sở hữu nhiều như thế, thì tất nhiên là anh sẽ bị dục cầu bất mãn nhưng không sẽ bớt cảm thấy trống rỗng hơn.

Anh không dám từ bỏ vì anh sợ mất mát, dù thật sự thì niềm vui đã hóa thành tro trong miệng từ lâu.

Nhưng đúng ra thì anh không biết cách từ bỏ để ma trận của anh không sụp đổ. Vì nếu ma trận sụp đổ thì anh sẽ không thích ứng được, vì anh quen lối sống cao và được ngưỡng mộ, tôn trọng rồi.

Điều anh cần làm để thay đổi cuộc đời chính là học cách từ bỏ.

Như vậy, trong phân đoạn này tôi đã phân biệt cho các bạn thấy hạnh phúc ngắn hạn và hạnh phúc dài hạn về bản chất là rất khác nhau.

Nói đơn giản thế này nhé: Bạn chẳng cần sở hữu gì để hạnh phúc. Tất nhiên, với những người đang "dục cầu bất mãn" thì họ sẽ không hiểu, hơn nữa, điều này sẽ phá vỡ lý tưởng (ảo giác) của họ, nên họ sẽ đau khổ hơn, vì thế, sẽ ghét người nói câu này. Đây lại là do HOÀN CẢNH. Tôi lấy làm tiếc vì không thể thay đổi hoàn cảnh cho họ được. Trách nhiệm lại thuộc về CHA MẸ họ. Vì họ sinh ra trong hoàn cảnh thiếu thốn và không hạnh phúc, lại nhận được GIÁO DỤC SAI LẦM về hạnh phúc từ cha mẹ, nên đầu óc của họ đã bị cố định rồi, khó có thể thay đổi được nữa. Họ chỉ thấy cha mẹ suốt ngày cãi nhau chuyện tiền bạc, nên họ nghĩ đơn giản: Có tiền là mọi chuyện sẽ được giải quyết và sẽ hạnh phúc.

Theo sơ đồ trên thì đâu phải thế! Khi bạn phải làm giàu từ con số không, bạn sẽ kiệt sức, và khi sở hữu (nhất là tiền bạc) tăng, cảm giác trống rỗng tăng. Khi đã trở nên tương đối giàu mà kiệt sức và trống rỗng thì vẫn không hạnh phúc.

Vì thế, tóm lại thì tốt nhất là sinh ra trong hoàn cảnh (gia đình, xã hội) tốt ngay từ đầu! ^^

Đây cũng là tính chất ngang trái (不条理 FUJOURI bất điều lý) của cuộc đời. Thậm chí, vì họ cũng hoàn toàn chẳng có gì đặc biệt, nên cũng chẳng có ai "chuyết" cho họ. Rốt cuộc, chỉ có cha mẹ, con cái họ là thương họ mà thôi. Và họ rơi vào CHỦ NGHĨA GIA ĐÌNH LÀ TRÊN HẾT. Có hai khả năng: (1) Gia đình họ sẽ tha hóa và (2) Gia đình họ luôn tốt. Nhưng đã là gia đình máu mủ thì lại thường trung dung giữa hai điều này, lúc họ thành công thì gia đình lợi dụng, lúc họ thất bại thì gia đình cứu giúp. Gia đình không đủ tốt cũng không đủ xấu, nên họ bị mắc kẹt. Nếu gia đình tốt thì họ "sở hữu" nên họ trống rỗng, nếu gia đình xấu thì họ "cô đơn, dục cầu bất mãn" nên lại đau khổ.

Sống kiểu gì cũng khổ, nên cuối cùng tìm tới những nguyên nhân siêu nhiên và kỳ lạ, mà người ta gọi là MÊ TÍN DỊ ĐOAN.

Hạnh phúc đích thực phải dựa trên học tập và nhận thức

Tóm lại thì:

Hạnh phúc đích thực = Học tập + Trải nghiệm

Đây chính là mục đích của việc du học. Đâu phải bạn chỉ học tập, mà bạn còn trải nghiệm, thậm chí, trải nghiệm còn chiếm hơn một nửa việc du học. Bạn phải gặp những người thành công, hạnh phúc thật sự, và cả những người không thành công, không hạnh phúc lắm để tìm ra ƯỚC MƠ và LÝ TƯỞNG cho cuộc đời.

Không có học tập và trải nghiệm thì không có ước mơ và lý tưởng.

Hạnh phúc của kẻ thất học chỉ là hạnh phúc ngắn hạn dạng ăn may, dựa vào nỗ lực để sở hữu (cách này cách khác, chính đáng hay gian lận) và dựa vào các mối quan hệ.

Niềm vui lâu dài chính là việc học tập và nâng cao nhận thức. Vì thế, ngay từ rất sớm tôi đã "chuyết" về Thế nào là người công chính. Bởi vì: Con người càng tư lợi cá nhân thì càng khó hạnh phúc lâu dài.

Đối lập với CẢM GIÁC TRỐNG RỖNG chính là CẢM GIÁC PHẤN KHÍCH MỖI NGÀY (WAKUWAKU).

Hạnh phúc thật sự chính là sống phấn khích mỗi ngày, chứ không phải tiền tài địa vị danh lợi. Ở những xã hội sùng bái đồng tiền (拝金主義 bái kim chủ nghĩa) thì sẽ không thể có sự phấn khích này. Trong những xã hội này, bạn chỉ được đánh giá theo một trục là sở hữu (tiền bạc, mối quan hệ vv).

Ngược lại, ở những xã hội nhân văn, người ta không quan tâm bạn đi xe gì, mặc áo gì (miễn là lịch sự) và có bao nhiêu tiền, mà họ chỉ quan tâm tới nhân cách, cách ứng xử, lý tưởng, ước mơ vv của bạn.

Đây là lý do vì sao bạn là học sinh ở Nhật thì được tôn trọng, dù học sinh thì ai cũng nghèo cả.

Vì sao "chuyết gia", "chuyết nhân" dễ hạnh phúc hơn?

"Chuyết" không phải là thể hiện (appeal, selfie vv), mà là NGHỊ LUẬN về vấn đề thời cuộc, thời sự, các tiến trình thời gian. Tóm lại, bạn phải chuyết về các vấn đề ngoài bản thân, vì bản thân thì không quan trọng gì. Dù bạn hạnh phúc hay đau khổ, thì cũng không liên quan gì tới thế giới cả.

Chuyết là cách nghị luận tìm ra chân lý của thế giới, cuộc đời, vì thế nâng cao nhận thức nên sẽ dễ hạnh phúc hơn.

Dù sao thì nếu bạn có tư duy hạnh phúc (happy mindset) thì làm gì cũng sẽ hạnh phúc thôi. Chẳng liên quan tới tiền bạc, mối quan hệ hay sở hữu gì cả. Tôi phải đặt cửa chút đã - vì sở hữu chẳng còn quan trọng mà!
Mark

1 comment: