Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Wednesday, October 25, 2017

Nguyên tắc không mua hàng giảm giá

Tôi đã tốt nghiệp shopping bằng cách nào?

Có một nguyên tắc giúp bạn tiết kiệm tiền khi đi du học và sau này: Không mua hàng giảm giá.

Phiếu giảm giá (coupon) dùng để kích thích tiêu dùng!

Tôi không mua hàng giảm giá. Tôi chỉ mua hàng đúng giá. Hơn nữa, tôi chỉ mua thứ tôi cần, chứ không mua thứ tôi muốn, bằng cách áp dụng quy tắc một tháng + khảo sát sản phẩm thay thế + khảo sát giá.

Sai lầm của nhiều người là mua theo ý thích nhất thời, mua thứ họ muốn (ほしいもの) chứ không phải thứ họ cần (要るもの).

Hàng giảm giá, hàng sale là dạng đánh vào tâm lý khách hàng rằng họ được lợi, và bao giờ cũng có kỳ hạn chứ không giảm giá mãi. Kỳ hạn này bao giờ cũng nhỏ hơn thời gian thử thách (thời gian để suy nghĩ chín chắn xem nó có phải là tình yêu đích thực hay không = 1 tháng).

Quy tắc tư bản chủ nghĩa:

Kỳ hạn sale < Thời gian thử thách tình yêu đích thực

Ví dụ sale trong vòng 1 tuần, 2 tuần. Vì chưa tới 1 tháng nên "tình yêu cuồng nhiệt" vẫn chưa nguội lạnh, và bạn lại có lợi (お得 otoku) nên bạn sẽ bỏ tiền ra mua. Đây chỉ là dạng điều khiển trí não (mind control) của chủ nghĩa tư bản mà thôi. Môn này gọi là "tâm lý học mua hàng" (購買心理学) hay "tâm lý khách hàng" (顧客心理学) hay "tâm lý hành động" (行動心理学). Bạn không cần học môn này nếu chịu quan sát và phân tích hành động mua hàng của bản thân.

Vì sao không mua hàng giảm giá?

Vì bạn sẽ mất tiền mà không được giá trị (niềm vui) tương xứng do mua vội, mua thứ mình muốn hay bắt mắt chứ không phải thứ thật sự cần.
Vì hàng giảm giá là hàng bán đổ bán tháo và có vấn đề gì đó: Kích thước, màu sắc, sự dễ mang sự dễ sử dụng. Vấn đề này "giúp" bạn không dùng được sản phẩm lâu dài.
Vì xác suất mua rác về nhà tích trữ cao.
Vì nó là TIÊU SẢN (LIABLILITY): Bạn phải chịu trách nhiệm lưu giữ, quản lý một thứ không đáng.

Về cơ bản thì bạn MẤT TIỀN. Nếu không mua thì bạn đã có tiền để làm việc khác.

Vậy thì phải làm gì nếu không mua hàng giảm giá?

Tất nhiên là MUA HÀNG ĐÚNG GIÁ. Tôi chỉ mua hàng đúng giá. Và chỉ mua thứ tôi chứng minh được là thật sự cần thiết.

Khi đi du học mà tới mùa sale (khuyến mãi) thì có khi sale tới 70, 80, 90%, vậy có nên mua vì nó sale không? Không. Vì nguyên tắc là không mua hàng giảm giá. Hàng sale tới 90% thì bạn vẫn mất tiền là 10% giá mà.

Nếu là thứ bạn cần và đáng mua thì bạn chỉ cần khảo sát giá là mua được giá tốt. Hoặc thậm chí, khảo sát mặt hàng thay thế (alternative) để mua được hàng tốt nhất. Mua hàng đúng giá bao giờ cũng rẻ nhất.

Vì đó là hàng tốt và dùng được lâu dài.

Nên mua hàng giảm giá

Đây là lời khuyên trái ngược: Đối với thực phẩm, mặt hàng tiêu hao mà bạn vẫn thường dùng thì lại nên tích cực mua hàng giảm giá. Ví dụ bạn đi chợ ở Nhật tầm 9 giờ tối thì đồ ăn thường sẽ giảm giá một nửa, gọi là 半額 hangaku (bán ngạch):

Giảm giá 50%

Các đồ tiêu hao khác như nước rửa chén, sữa tắm, dầu gội vv mà bạn thường hay dùng thì chẳng lý do gì mà không mua khi nó giảm giá cả.
>>Cuộc sống bán ngạch

Chi tiêu hợp lý khi đi du học, hay đúng hơn là xây dựng lối sống hợp lý về tài chính là rất quan trọng. Việc này cũng giúp ích cho bạn trong cuộc sống đi làm sau này dù ở Nhật hay ở Việt Nam. Nhưng ở Nhật thì nguy hiểm hơn vì sale nhiều hơn và mức sale ác liệt hơn VN nhiều, mà hàng hóa lại rất bắt mắt, chất lượng thực sự tốt. Nhưng nghiện mua sắm không giúp bạn hạnh phúc lâu dài, thật sự là thế. Nó sẽ gây gánh nặng cho bạn. Bạn nên thực hiện lối sống đơn giản SIMPLE LIFE. Và tốt hơn nữa là lối sống tối giản MINIMAL LIFE.

Tôi vẫn thường vào McDonald với nhiều phiếu giảm giá, mục đích chính là dùng phiếu giảm giá chứ không phải là dùng kèm phiếu giảm giá. Nếu phiếu giảm giá mà phải mua với số tiền XYZ trở lên mới được dùng thì rõ ràng là bạn nên quẳng nó vào sọt rác.

Bằng quy tắc ở đây, tôi đã tốt nghiệp shopping. Tôi không còn mua sắm nữa mà chỉ mua những thứ thật cần thiết và thực hiện LỐI SỐNG TỐI GIẢN (minimal lifestyle). Cuộc sống tốt hơn hẳn! Và tuyệt hơn nữa là vẫn mua sắm, nhưng với sự khôn ngoan và niềm vui khác biệt.
Mark

Bố Nạt (Bonus): Không đi mua sắm chỉ vì bạn chán
Hay bạn cảm thấy "trống trống trong lòng" (đói bụng). Vì bạn sẽ mua cả lô thứ mình không cần. Mua sắm kiểu này không giúp bạn bớt trống vắng đi, mà sẽ gây ra hối hận lâu dài. Bạn window shopping không mua gì thì không sao, tốt nhất là ở siêu thị nơi mà nhân viên không kè kè theo sát bạn.

Đi mua sắm chỉ để giải sầu hay vì cảm giác trống vắng là dạng mua sắm tồi tệ nhất. Nếu cảm thấy buồn hay trống vắng hay tự nhủ thế này: Mua sắm không giúp giải quyết nỗi buồn hay sự trống vắng mà chỉ làm tăng thêm, nên tôi sẽ tuyệt đối chỉ window shopping. Thứ rất nhỏ cũng không mua, vì không đáng, ví dụ một chai nước. Về nhà vặn vòi ra hoặc ra công viên là cũng có nước máy để uống rồi đâu cần phải mua cho thêm ... rác chai.

Việc ngu dại này giống như "nâng chén tiêu sầu sầu càng sầu thêm". Uống rượu giải sầu là cách dễ nhất để càng cảm thấy trống rỗng và buồn hơn, nên rất dễ dẫn tới chứng nghiện rượu. Đó chỉ là giải pháp tức thời gây hại về lâu dài.

Nếu thực sự nỗi buồn, cảm giác trống vắng hay cảm giác trống rỗng xâm chiếm bạn, có lẽ bạn nên thật sự suy nghĩ lại về cuộc đời, về lối sống, hoặc tìm sự tư vấn tâm lý.

No comments:

Post a Comment