Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Saturday, October 21, 2017

Sở hữu và hạnh phúc

Sở hữu đem lại hạnh phúc ngắn hạn nhưng không phải vì thế mà bạn không nên sở hữu. Về cơ bản sở hữu là việc tốt, đặc biệt là sở hữu tiền, tài sản, mối quan hệ tốt. Tuy nhiên, lấy việc sở hữu để tìm niềm vui và hạnh phúc thì không thể hạnh phúc lâu dài được. Mua sắm là một nhu cầu chính đáng, vì nó sẽ đem lại niềm vui, miễn là bạn mua sắm đúng cách.

Tôi không hề nói là không sở hữu gì thì sẽ hạnh phúc. Tôi cũng sở hữu cả một lô xích xông thứ, nhưng đều là những thứ phù hợp với triết lý của tôi.

Chúng ta cần phải hiểu tương quan giữa sở hữu và hạnh phúc. Để giải thích, tôi lại vẽ ra sơ đồ này:

Sơ đồ tương quan giữa Sở hữu và Hạnh phúc

Đường A màu đỏ là biểu diễn tương quan giữa sở hữu và hạnh phúc: Bạn càng sở hữu nhiều thì sẽ càng hạnh phúc. Nhìn chung người giàu sẽ hạnh phúc hơn người nghèo, tức là khi bạn giàu lên bạn sẽ hạnh phúc hơn so với thời nghèo, vì thế hiếm khi bạn muốn nghèo đi.

Nhưng lưu ý là, điều này chỉ đúng trong một giới hạn thôi, vì hạnh phúc kiểu này có một giới hạn sau đó cho dù bạn có sở hữu nhiều hơn nữa thì hạnh phúc sẽ hầu như không tăng lên. Đây là trường hợp sở hữu quá nhiều hay nghiện mua sắm. Người ta nghiện mua sắm là vì người ta muốn cảm nhận được sự hạnh phúc, dù chỉ ngắn hạn, bằng cách thỏa mãn cơn nghiện.

Tức là tới một lúc nào đó, bạn sẽ có đủ đồ và không thể tăng hạnh phúc bằng sở hữu được nữa. Lúc này, bạn cảm thấy mất động lực làm việc, mất lý tưởng sống. Vì thường người ta chỉ có động lực kiếm tiền nếu có nhu cầu mua nhà, mua xe, mua vợ/chồng, mua con cái vv thôi mà.

Khi đó, bạn bị xâm chiếm bởi CẢM GIÁC TRỐNG RỖNG. Và lúc này nếu vẫn tăng sở hữu thì có thể sẽ thành đường B màu xanh: Càng tăng sở hữu càng cảm thấy khổ sở, kém hạnh phúc đi. Thật sự là có nhiều người kém hạnh phúc đi thật, vì họ sở hữu quá nhiều. Ở một khía cạnh nhất định, đây là lúc họ muốn cho đi (tức là bố thí) để hạnh phúc hơn.

Cũng theo sơ đồ trên, người nghèo dễ cảm thấy hạnh phúc (ngắn hạn) hơn người giàu. Vì họ chỉ cần tăng sở hữu rất ít là hạnh phúc đã tăng lên khá nhiều.

Tuy nhiên, vì thế mà người nghèo hạnh phúc hơn người giàu, hay vì thế mà mọi người nên nghèo đi (bằng cách đem bố thí tất làm lại từ đầu) thì điều này lại không đúng. Vì lúc đấy nỗi khổ của dục cầu bất mãn (nhu cầu không được thỏa mãn) lại tăng lên. Nếu không thì mọi người è cổ ra kiếm tiền để sở hữu làm gì?

Nên sống hơi thiếu thốn

Chúng ta sẽ chọn vùng sở hữu đem lại mức độ hạnh phúc cao nhất: Đó là vùng cảm nhận hơi thiếu thốn nhưng không quá thiếu thốn. Như thế thì bạn vẫn còn động lực để phấn đấu, mà lại không khổ sở vì thiếu thốn.

Bạn sở hữu ở mức độ hơi thiếu thốn so với tài sản, năng lực của bạn có.

Vì thế mà bạn phải có ước mơ và lý tưởng to lớn hơn năng lực một chút, gọi là THINK BIG (nghĩ lớn).

Tôi nhớ tới câu này: Think big, do small, live tiny, die nothing left.
Nghĩ lớn, làm nhỏ, sống li ti, chết không để lại gì.

Không cần cực đoan tới mức như thế, nhưng ước mơ và lý tưởng là vô cùng quan trọng trong cuộc sống hạnh phúc. Bạn hãy tự hỏi bản thân mỗi ngày: Ước mơ của tôi là gì? Lý tưởng của tôi là gì?

Hoặc đơn giản là: Nếu không cần phải kiếm tiền để sở hữu nữa, thì tôi thật sự muốn làm gì?
Mark

No comments:

Post a Comment