Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Sunday, October 8, 2017

AISHOU (相性) và giá trị quan về mối quan hệ

Điều gì khiến một mối quan hệ lâu bền?

Tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, tài năng, học vấn, vv? Cũng tốt thôi, nhưng theo tôi quan trọng nhất là SỰ TƯƠNG THÍCH.
Tiếng Nhật gọi là 相性 AISHOU [TƯƠNG TÍNH]. Cách dùng: 相性がいい。相性が悪い。
Sự tương thích là quan trọng nhất trong việc duy trì một mối quan hệ. Sự tương thích này vượt qua cả tuổi tác, học vấn, vv.

Hai người có thể tốt đẹp, nhưng không hợp nhau, vì không "tương thích". Có thể chẳng bao giờ đến với nhau, mà có đến thì cũng dở dang lỡ cỡ chẳng ra sao cả. Ngược lại, có thể mọi thứ chẳng có gì hợp nhau nhưng lại "tương thích" thì lại có thể duy trì mối quan hệ lâu dài.

Vì thế, khi đánh giá một mối quan hệ thì nên tập trung đánh giá sự "tương thích". Tức là, bạn có thể thích ai đó nhưng thấy hoàn toàn chẳng tương thích gì thì đơn giản là đứng ngắm từ xa mà thôi.

Sự tương thích thường dẫn tới kết quả phi logic (không hợp lý). Nhưng trong sự phi logic đó thì lại có một logic trong đó.

Ví dụ nếu bạn rất thông minh thì bạn không có nhu cầu quen người thông minh lắm, nếu bạn có học vấn cao thì bạn không có nhu cầu quen người học vấn cao, nếu bạn quá tự cao tự đại thì bạn lại thích mẫu người nhu nhược. Nhưng mọi chuyện lại vẫn "tương thích". Đây cũng là tính chất ngang trái của cuộc đời.

Có những người cực kỳ đẹp lại quen một người nhan sắc chẳng ra sao là vì vậy. Họ còn chẳng buồn đánh giá người khác theo nhan sắc.

Trong sự phi lý đó lại tồn tại sự hợp lý. Vì thật ra nếu bạn thông minh thì nếu quen một người không thông minh cho lắm thì con cái sinh ra cũng không tệ. Hơn nữa người trung bình lại thường thống trị thế giới. Học vấn cũng như vậy, bạn còn chẳng buồn quan tâm tới học vấn của đối phương. Vì bản thân bạn hiểu là học vấn chỉ là một phần không phải chìa khóa quyết định để thành công đúng không nhỉ?

Không chỉ mối quan hệ với con người mà mối quan hệ với đồ vật cũng cần sự tương thích. Có những món đồ có thể chẳng đắt tiền gì nhưng bạn vẫn cảm thấy rất hợp và xài lâu dài. Thật ra, món đồ tương thích và đắt tiền không mấy tương quan với nhau. Bạn xài vì bạn thích, không phải vì giá tiền. Nếu bạn còn phải quan tâm tới giá tiền thì có nghĩa là nó không tương thích lắm.

Nhưng đôi khi chúng ta lựa đồ vật theo giá tiền. Vì đơn giản là bạn KHÔNG QUAN TÂM và không có LÝ TƯỞNG gì về món đồ bạn cần mua. Ví dụ nếu bạn đi mua tăm, thì cứ chọn loại mắc nhất mà mua đúng không nhỉ? Vì nó chả ảnh hưởng gì tới gia kế cả, mà mua đồ càng mắc thì càng an toàn.

Hoặc bạn mua nước hoa chẳng hạn, vì giá chênh nhau từ 10 tới 100 lần, và bạn chẳng biết gì về chúng, nên bạn quyết định tính trung bình số học để mua đúng sản phẩm ở giữa! Như thế là an toàn, cả về mặt nước hoa lẫn về mặt tài chính. Vì bạn chẳng có lý tưởng gì về sản phẩm mà chỉ mua theo phong trào!

Nếu bạn có LÝ TƯỞNG VỀ SẢN PHẨM thì tìm sản phẩm tương thích rất dễ. Ví dụ đồng hồ. Tôi có nhu cầu về đồng hồ không? KHÔNG HỀ. Vì có điện thoại rồi mà. Nhưng lý tưởng về đồng hồ là phải giúp tôi nhìn được THỜI GIAN, thực sự là tôi chỉ muốn nhìn được THỜI GIAN. Nghĩa là đồng hồ phải dễ đọc và có kim giây. Tốt nhất là có cả ngày tháng năm, để tôi còn biết chính xác năm nay là năm nào, vì đôi khi tôi quên mất rằng năm nay là năm 2047!

Cuộc sống tuyệt vời (Wonderful life)

Sở dĩ nói về tính tương thích là vì thế này:
(1) Tôi thích nói nhảm
(2) Tính tương thích rất quan trọng trong Cuộc Sống Tuyệt Vời

Vì cuộc sống sẽ tuyệt vời biết bao nếu mọi thứ xung quanh đều tương thích với bạn? Rất tuyệt. Vì thế, hãy sống một cuộc sống TƯƠNG THÍCH, bằng cách:

Quy tắc Aishou
Điều 1: Loại bớt những thứ không tương thích với bạn.
Điều 2: Tăng cường những thứ tương thích với bạn.

Ngay cả các mối quan hệ cũng thế. Những mối quan hệ không tương thích thì tiễu trừ dần đi, cuối cùng là tuyệt diệt. Chỉ giữ lại những mối quan hệ tương thích mà thôi.

Đấy là phong cách sống tuyệt vời, nền tảng của cuộc sống hạnh phúc.

Vì muốn sống hạnh phúc, bạn phải là trung tâm trong thế giới của bạn. Những người sùng bái cá nhân, sùng bái lãnh tụ, sùng bái cha mẹ, sùng bái con cái có đặc điểm chung là không là trung tâm trong thế giới của họ, nên họ thiếu một cái gọi là LẼ SỐNG = NIỀM VUI SỐNG. Cuộc đời họ chỉ nhuốm màu sùng bái mà thôi.

Điều này dẫn tới khái niệm gọi là DUY NGÃ ĐỘC TÔN (唯我独尊 YUIGADOKUSON). Thật ra chỉ là khái niệm "bạn hãy là trung tâm trong thế giới của bạn".

Làm sao để bạn là trung tâm trong thế giới của bạn? Hãy áp dụng "Quy tắc Aishou" ở trên.

Nhân tiện là trong cuộc sống có những người mà 10 năm sau bạn gặp lại họ thì tình cảm vẫn không hề thay đổi: Bạn vẫn không thể thích nổi họ. Vậy thì vì sao phải tốn tới 10 năm? Vì bạn chỉ hi vọng rồi mọi chuyện sẽ tốt, rồi cả hai sẽ thành bạn tốt. Mà quên rằng, nếu TƯƠNG THÍCH thì đã là bạn ngay từ đầu rồi.

Giá trị quan về mối quan hệ với người khác

Mối quan hệ với người khác tiếng Nhật gọi là 人間関係 NINGEN KANKEI. Mối quan hệ xã hội là một phần trong cuộc sống của con người. Mối quan hệ kém thì thường dẫn tới cuộc sống không tốt lắm. Đặc biệt là mối quan hệ với người khác giới. Cái khó chính là đánh giá được mối quan hệ có đáng để duy trì hay không. Ở đây tôi chỉ nói về bí quyết đánh giá mối quan hệ.

Chỉ khi bạn đánh giá đúng các mối quan hệ xã hội, bạn mới có đời sống xã hội hạnh phúc. Tôi đánh giá tất cả mọi mối quan hệ. Vì thế, các mối quan hệ xã hội của tôi rất lành mạnh. Bí quyết rất đơn giản: Chấm dứt các mối quan hệ xã hội kém lành mạnh.

Công thức thì tôi áp dụng y chang đối với đồ vật trong bài Window Shopping:

GIÁ TRỊ CỦA MỐI QUAN HỆ = TÌNH YÊU CUỒNG NHIỆT + TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC - TIỀN

Tình yêu cuồng nhiệt: Cảm xúc say đắm lúc ban đầu (do còn mới)
Tình yêu đích thực: Giá trị về lâu dài (đem lại lợi ích = PLUS cho cuộc sống của bạn)
Tiền = Chi phí duy trì mối quan hệ

Điều này áp dụng cho quan hệ dị tính (khác giới) nhưng cũng áp dụng cho mối quan hệ bạn bè.

Ví dụ về tụ tập nhậu nhẹt, thì tình yêu cuồng nhiệt là sự vui vẻ ban đầu do mới gặp nhau, mới đi nhậu với nhau, đi nhậu với người mới thì sẽ nhiều chuyện hỏi han hơn, biết đâu lại có cơ hội "hợp tác làm ăn" (lý do kinh điển của nhậu nhẹt) hay mở ra cơ hội mới. Còn tình yêu đích thực là mối quan hệ đó thực sự có giúp ích cho cuộc sống, công việc, sự nghiệp của bạn không. Và tiền là chi phí để tụ tập nhậu nhẹt, gồm tiền nhậu, tiền xăng xe và cả chi phí thời gian hoán đổi thành tiền.

Giá trị của Tình yêu đích thực = Cường độ × Thời gian
Giá trị của Tiền = Cường độ × Thời gian

Tức là Tình yêu đích thực và Tiền tỉ lệ với thời gian, còn Tình yêu cuồng nhiệt thì không. Nên rốt cuộc điều quan trọng không phải là Tình yêu cuồng nhiệt mà là Tình yêu đích thực.

Đây là CÔNG THỨC TẤT THẮNG để đánh giá các mối quan hệ. Rút gọn lại thì thế này:

GIÁ TRỊ CỦA MỐI QUAN HỆ = NIỀM VUI - TIỀN

Nếu giá trị này dương (PLUS) thì tức là mối quan hệ này là TƯƠNG THÍCH = 相性がいい。

Tôi không cố gắng tương thích với bất kỳ thứ gì. Tôi chỉ chọn những thứ tương thích và loại những thứ không tương thích. Muốn sống hạnh phúc thì bạn phải xác định rõ cái gì tương thích và cái gì không, đừng cố gắng thay đổi bản thân chỉ để "hòa nhập" hay "tương thích", vì bạn sẽ không còn là chính bạn và cuộc đời sẽ bị bóp méo.

Tính tương thích trong việc du học

Bạn phải chọn trường Nhật ngữ tương thích, chọn trường đại học/senmon tương thích, chọn học bổng tương thích, chọn ngành học tương thích, chọn nghề nghiệp tương lai tương thích, xây dựng một sự nghiệp tương thích. Và tất nhiên, có một lối sống du học tương thích.

Điều quan trọng nhất là lối sống và cách làm việc phải tương thích với con người bạn thì bạn mới hạnh phúc được đúng không nhỉ?

Phương châm của tôi chỉ là: Tôi làm việc tôi thích, tôi thích việc tôi làm.
Mark

No comments:

Post a Comment