Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Tuesday, October 24, 2017

"Bái kim chủ nghĩa" và âm mưu của tư bản chủ nghĩa

Vì sao bắt chước người thành công thường chỉ thất bại?
Để thành công thì tuyệt đối không sùng bái hay bắt chước người thành công.

"Bái kim chủ ngĩa" (拝金主義 haikin syugi) là việc sùng bái đồng tiền, coi tiền bạc là trên hết. Thời đại ngày nay là sự pha trộn của bái kim chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa nên cần hết sức chú ý.

Trong một số xã hội ít công lý yếu trật tự thì chủ nghĩa sùng bái tiền bạc sẽ lên ngôi như là sự tất yếu. Một thiếu ca lái xe tông chết người có thể chuồn khỏi hiện trường và có hình nhân thế mạng xuất hiện, gia đình thiếu ca sẽ chu cấp cho gia đình người này. Đồng tiền được coi là thuốc tiên chữa bách bệnh theo phương châm "có tiền mua tiên cũng được", "mạnh vì gạo, bạo vì tiền".

Sở dĩ cần chú ý vì thật ra nhiều vấn đề không thể giải quyết bằng tiền. Vì nếu giải quyết vấn đề bằng tiền sẽ sinh ra thêm rất nhiều rắc rối. Những người lớn lên trong gia đình cực nghèo thường thấy cha mẹ cãi nhau suốt ngày vì tiền bạc và vì thế họ có ảo giác tiền sẽ giải quyết được vấn đề. Đúng ra thì việc không được giáo dục đầy đủ về cách kiếm tiền chính là vấn đề, tức là nằm ở giáo dục gia đình từ cha mẹ thời thơ ấu.

Trong xã hội mà công lý có thể bị bẻ cong bởi tiền bạc thì người ta có cảm giác là có tiền thì an toàn hơn. Nhưng nên nhớ là xã hội như thế chẳng an toàn với ai cả. Một người hôm trước có rất nhiều quyền lực, hay rất nhiều tiền, hôm sau có thể ra tòa và vào tù, và bị dư luận đánh cho tơi tả. Một xã hội không công chính thì rất khó để sống hạnh phúc, vì hạnh phúc đòi hỏi phải an toàn và yên tâm trước đã.

Tiền mua được rất nhiều thứ, phần lớn là rất tuyệt.
Nhưng không vì thế nên sùng bái đồng tiền hay người giàu.
Vì sẽ hiểu sai về tiền bạc và thời cuộc.
Mà những thứ đẹp đẽ bạn thấy chỉ là ảo giác.

Tránh sùng bái đồng tiền

Lý do là tiền bạc chỉ giúp bạn có hạnh phúc thời gian đầu, còn sau đó thì tiền bạc không giúp bạn hạnh phúc nữa, ngược lại, sẽ làm bạn khổ sở nếu bạn không có lý tưởng. Ví dụ điển hình là trường hợp của anh Tran, bởi vì anh sở hữu quá nhiều.

Ngoài ra, giải quyết vấn đề bằng tiền sẽ khiến vấn đề phát sinh nhiều hơn. Ví dụ bạn giàu thì sẽ có rất nhiều họ hàng khó khăn tới vay tiền. Nếu bạn không cho ai vay theo phương châm "Tôi không cho người nghèo vay tiền" thì bạn an toàn, ngược lại, để giải quyết vấn đề trước mắt (bị họ mè nheo và tống tiền) bạn cho một người vay tiền thì sẽ có rất nhiều người như thế. Đây chỉ là một ví dụ đơn giản, chứ cuộc sống còn nhiều ví dụ phức tạp và tinh vi hơn nhiều, mà dù IQ trên 100 bạn cũng khó mà có thể tưởng tượng ra được. Chiến lược ở đây là IQ = 50 và chẳng cho ai vay xu nào.

Đặc trưng của xã hội sùng bái đồng tiền

Người giàu luôn đúng và nói gì, làm gì cũng đúng. Người nào mở doanh nghiệp càng lớn tuyển dụng càng nhiều thì càng được coi là đóng góp cho xã hội. Nhưng có thật như thế không?

Ví dụ một người phá rừng khai thác tài nguyên rồi dùng tiền đó đầu tư trang trại thuê chính người dân bị mất đất làm cho họ thì thật ra họ cũng đâu phải là quá tốt. Họ chỉ lấy đất của người dân, bần cùng hóa họ rồi lại thuê họ làm công nhân.

Hoặc trùm buôn ma túy trở nên giàu có và xây trường, làm từ thiện. Thật khó có thể nói đó là tấm gương sáng để học tập.

Nhưng quả thực rất nhiều người giàu có nhờ khai thác tài nguyên trái phép, hay ít ra là tài nguyên lẽ ra thuộc về quốc dân thì họ độc chiếm làm của riêng, khai thác đất (thường là mua đất công cộng giá rẻ), buôn lậu, vv rồi lại đầu tư vào bất động sản và thành "doanh nhân thành đạt".

Như vậy không thể học tập theo tấm gương của họ được, vì họ chỉ làm hại xã hội để làm giàu. Người giàu không đồng nghĩa là người tốt. Nói đúng ra, là không liên quan gì cả. Có đầy người nghèo nhưng là người tốt (ở đây loại trừ người nghèo tự nhận làm người tốt).

Chúng ta hay nghe câu "Làm được như họ đi rồi hãy nói" hay "Tạo công ăn việc làm như họ đi rồi hãy nói" nhưng điều này không đúng. Tất cả chỉ là do hoàn cảnh mà thôi, và họ kiếm tiền cũng khó có thể nói là chính đáng, hay đúng ra, họ cũng là khai thác tài nguyên chung để làm giàu cá nhân, nên nếu phải trả khoản nợ đã vay thì họ cũng lại phá sản thôi. Việc này cũng khó có thể nói là tốt hay xấu nhưng mặc nhiên người giàu là người tốt là không đúng.

Tiền không mua được văn hóa hay văn minh

Chúng ta cũng hay nghe là "Nhìn bảnh bao sáng sủa thế mà lại ..." hay "Giàu mà lại ..." nhưng câu này là tư duy sùng bái tiền bạc. Tiền không mua được văn hóa. Có nhiều tiền sẽ chỉ đảm bảo khoác lên mình những bộ cánh lịch sự, xức nước hoa thơm nức, nhưng không đảm bảo là sẽ hành xử có văn hóa hay sống có danh dự được.

Vì tiền không mua được văn hóa và danh dự. Ngoài ra, làm sao có thể đánh giá con người chỉ qua vẻ bề ngoài? Cách đánh giá đúng là phải nhìn lễ nghĩa, cách ứng xử.

Những người văn hóa thấp thì giàu lên vẫn văn hóa thấp mà thôi, không có gì thay đổi cả.

Hậu quả của sùng bái đồng tiền

Hậu quả nhãn tiền là làm giàu bằng mọi giá và quên rèn luyện nhân cách cũng như theo đuổi lý tưởng. Quả thực là một số người giàu lên (bằng cách làm xã hội nghèo đi, hay phá rừng làm các thành phố ngập lụt vv) nhưng xã hội không tốt lên mà chỉ sự phân hóa giàu nghèo và bất công tăng lên. Đây là dạng "có tiền sẽ có quyền lực và mối quan hệ, quyền lực và mối quan hệ lại đẻ ra tiền".

Không thể nói xã hội như thế là tốt đẹp được. Vì sẽ sinh ra việc người này đè đầu cưỡi cổ và bóc lột người khác, một bộ phận dân chúng bị bần cùng hóa và bị tha hóa. Xã hội sẽ không có công lý và trật tự mà điển hình là trộm cướp và xã hội đen hoành hành.

Không ai kể cả người giàu sẽ hạnh phúc trong một xã hội yếu kém cả. Vì việc gì có thể xảy ra cho người khác cũng có thể xảy ra cho bạn và gia đình bạn một ngày nào đó.

Thực sự là người giàu ở nước nghèo cũng không hạnh phúc. Chưa kể họ còn bị phức cảm tự ti dân tộc. Họ sẽ luôn tự vấn bản thân "sao mình giỏi, tuyệt vời thế mà dân tộc mình kém thế". Thật sự thì họ cũng chẳng giỏi và tuyệt vời gì, nhân cách chỉ bình thường thậm chí tầm thường và cũng chẳng hơn gì người khác, chẳng qua là hoàn cảnh tốt hơn mà thôi. Vừa tự hào (bản thân) vừa mặc cảm (dân tộc) nên thành ra bị phức cảm (complex).

Sùng bái người giàu và bắt chước y chang người thành công

Một trong những hậu quả nữa là tâm lý coi người giàu, người thành công là luôn đúng, đáng học tập và thực sự là ra sức bắt chước.

Không ai có thể bắt chước người thành công mà thành công. Đúng ra, không nên bắt chước một chút nào mà hãy đi con đường riêng. Bởi vì, thành công là do hoàn cảnh, bối cảnh là chính. Khi một người đã thành công ở một con đường thì hoàn cảnh, bối cảnh đã thay đổi. Bạn không thể đi lại con đường mà thành công, và bạn không thể tái hiện lại bối cảnh được nữa.

Các lớp dạy làm giàu ngày nay nhan nhản, và diễn giả thì có rất nhiều. Nhưng diễn giả họ cũng chỉ kiếm tiền bằng diễn thuyết và lấy tiền của bạn thôi. Họ kinh doanh chưa chắc thành công, và họ cũng không bảo hành thành công cho bạn. Bạn chỉ nên tham gia lớp học làm giàu, học thành công nếu muốn học cách diễn thuyết, cách tổ chức của họ thôi. Chứ tham gia để làm giàu và để thành công thì e là quá ngây thơ, vì ngây thơ nên càng khó thành công hơn.

Người ta thường sùng bái Bill Gates, Mark Z. chẳng hạn nhưng thật ra, đây chỉ là bối cảnh và dòng chảy lịch sử. Nếu ông Bill Gates không bán PC và Windows thì có thể ông Gill Bates sẽ bán PC và hệ điều hành Tables. Vì sao? Vì đó là dòng chảy lịch sử.

Bill Gates không hề phát minh ra máy tính cá nhân hay hệ điều hành, thật ra ông ấy chỉ thừa hưởng từ bối cảnh thời đại. Ở đây không bàn về phẩm chất cá nhân mà chỉ nói về tiến trình lịch sử. Nền cách mạng công nghệ thông tin chỉ xuất hiện nhờ đại chiến thế giới 2 khi các nước thi nhau phát triển vũ khí quân sự.

Trong thế chiến 1 chỉ có máy bay cào cào và chiến tranh chiến hào, một ít chiến xa đơn giản. Nhưng sang thế chiến 2 để hủy hoại nhau ở mức độ lớn hơn người ta phát minh ra rất nhiều thứ. Mọi thứ chúng ta dùng ngày nay, kể cả máy tính cá nhân và Internet hầu hết đều xuất phát từ thế chiến 2 cả.

Nên khó có thể nói là Bill Gates một tay làm nên lịch sử. Ai học lịch sử máy tính cũng biết thật ra là IBM còn không thèm làm máy tính cá nhân mặc dù họ nắm rất nhiều bằng sáng chế.

Sau này Facebook cũng vậy, chỉ là sự tiếp nối của blog. Mark Z. không làm thì cũng sẽ có người khác làm. Rốt cuộc vì sao mọi người không nhìn được bối cảnh và tiến trình lịch sử mà chỉ chăm chăm nhìn vào ... tiền bạc của người thành công rồi ngưỡng mộ họ?

Điều đó sẽ khiến bạn khó hạnh phúc hơn nhiều. Vì sùng bái cá nhân thường sẽ mất đi cái nhìn toàn cục về bối cảnh lịch sử và tư tưởng thời đại. Bạn có thể yêu thích câu chuyện của ai đó, làm fan hâm mộ của họ thì được nhưng sùng bái và bắt chước y chang thì rõ ràng là sẽ gặp rắc rối.

Người sùng bái cá nhân khó thành công vì đánh mất tầm nhìn về đại cục. Tất cả chỉ là tài sản của nhân loại mà thôi. Người giàu hay thành công là do có nhiều người mua sản phẩm của họ, là đóng góp của nhân loại cho họ để họ đóng góp sản phẩm cho nhân loại. Chẳng ai thật sự hơn ai trong cuộc đời cả.

Khi bạn còn trẻ thì học vấn và trải nghiệm là rất quan trọng, vì như thế bạn sẽ có đủ tri thức và trí tuệ để hiểu được dòng chảy thời đại. Và tuyệt đối tránh sùng bái cá nhân. Bạn sẽ thành công nếu hiểu được tư tưởng thời đại. Tư tưởng thời đại ngày nay có lẽ là Toàn cầu hóa + Trí tuệ nhân tạo (AI). Chủ nghĩa tư bản đã tích lũy đủ để thúc đẩy cuộc cách mạng toàn cầu hóa và trí tuệ nhân tạo này. Thế giới sẽ thay đổi rất nhanh chóng, không loại trừ thế chiến 3 xảy ra để loại bỏ những lực lượng thủ cựu hoặc vô năng. Sẽ không có thời gian cho việc sùng bái cá nhân, sùng bái người giàu hay sùng bái tiền bạc đâu.

Tóm lại, hãy chuẩn bị sẵn sàng, cho cả chiến tranh và một thời đại mới.
Mark

Tái Văn Bút: Nguồn gốc của "bái kim chủ nghĩa"
Do tài phiệt và chủ nghĩa tư bản tạo ra để thao túng nhân dân, vì không gì ngu muội hơn là sùng bái tiền bạc. Một người ngu muội sẵn sàng làm mọi giá để kiếm tiền hay làm giàu và chủ nghĩa tư bản sẽ là người thu hoạch sau cùng. Đây có thể gọi là "căn bệnh của chủ nghĩa tư bản". Tiền là một thứ tuyệt vời, luôn khẳng định như thế. Mua được rất nhiều thứ, rất đẹp đẽ và thơm tho. Nhưng có những thứ tiền không thể mua được: Phẩm cách, danh dự, lòng tự trọng, tình yêu đích thực.

Chủ nghĩa tư bản tạo ra vô số ảo giác về sức mạnh đồng tiền, về cuộc sống bạn đáng được hưởng vv. Rốt cuộc con người è cổ ra kiếm tiền, mua nhà, mua xe, làm giàu cho tư bản tài phiệt và chủ nghĩa tư bản quốc tế. Bạn nên nhớ là dù bạn thông minh, thu nhập cao và sở hữu nhiều thứ thì những thứ đó chẳng ý nghĩa gì hết. Đó chỉ là khoản nợ của bạn mà thôi. Vì bạn không có quyền lực và không thể làm chủ số phận.

Ngày nay, người ta ra sức cổ xúy lối sống hưởng thụ, CM khắp nơi, tôn sùng "thần Nê-ông" (các tấm biển quảng cáo) là để tạo ra sự sùng bái đồng tiền. Ai đã thao túng tất cả? ^^
Ai đã khiến mọi người coi tiền bạc và lợi ích là lý tưởng sống duy nhất, cướp hết tư tưởng và thời gian của họ?

No comments:

Post a Comment