Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Tuesday, February 7, 2017

Thế nào là người công chính?

Thế giới chia ra hai dạng người chính: Người tư lợi và người công chính. Người tư lợi thì đã nói rồi, vậy còn người công chính là gì và vì sao phải công chính. Hình mẫu người mà con người phải rèn luyện để hướng tới trong thiên chúa giáo cũng là người công chính.

Nói đơn giản thì người công chính không tư lợi, tức là không vì lợi ích của mình mà chà đạp lợi ích người khác. Để thành người công chính thì không dễ, vì bạn sẽ phải “tu thân”, rèn luyện nhân cách một cách lâu dài. Tôi gọi đây là sự hoàn thiện nhân cách. Lưu ý là công chính và tiền bạc không liên quan tới nhau mấy, nhưng nếu đã là người công chính thì bạn sẽ lao động nuôi sống bản thân chứ không nghèo và xin bố thí đúng không?

Bạn không cần giàu mới công chính, nhưng nếu lười lao động mà nghèo thì chắc chắn không phải người công chính, vì sẽ phải ăn cắp hoặc ăn xin.

Trong tiếng Nhật, người công chính là 公正な人 kouseina hito [công chính-na nhân], còn người tư lợi là 自己中心的な人 jikochuushintekina hito [tự kỷ trung tâm đích-na nhân].

Sơ đồ của Mark: Vị trí của người công chính trong sơ đồ hai trục Hoàn thiện nhân cách – Lợi ích vật chất (tiền bạc). Sự công chính chỉ liên quan tới hoàn thiện nhân cách. Người công chính đo thành công theo hai trục, trong đó trục chính là hoàn thiện nhân cách. Người tư lợi chỉ đo theo trục “Tiền bạc” nên nếu thành công sẽ thành trọc phú.

Coi trọng danh dự, giữ lời hứa

Được giáo dục từ nhỏ về danh dự, lòng tự trọng và coi trọng danh dự trên tiền bạc và lợi ích khác. Do đó, người công chính sẽ giữ lời hứa. Những người không giữ lời hứa là người không công chính, hơn nữa, không đáng tin. Coi trọng danh dự trong tiếng Nhật là 名誉を重んじる meiyo wo omonjiru.

Khi bạn kinh doanh, buôn bán thì thương hiệu chính là danh dự của bạn.

Không tư lợi

Không làm hại người khác để bản thân có lợi. Ví dụ không vượt đèn đỏ, vứt rác ra đường, phì phèo thuốc lá nơi công cộng, không gây ồn ào.

Biết xấu hổ

Biết xấu hổ (tiếng Nhật gọi là 恥を知る haji wo shiru) để tránh làm việc xấu xí hay làm việc xấu.

Không ngụy biện

Ví dụ ngụy biện cha mẹ hi sinh vì con cái để sau này trục lợi con cái, ngụy biện người lớn luôn đúng để áp đặt cho người trẻ. Không ngụy biện về công sinh thành để thao túng con cái. Không ngụy biện về công lao hay kể khổ để thao túng người khác, bắt người khác phục vụ.

Không gian dối

Với mỗi sự vật hiện tượng thì cần hỏi “Đó có phải là sự thật không”. Ví dụ, những người bố thí cho người nghèo là người tốt. Đó có phải là sự thật không? Nếu họ kiếm được 1 vạn đồng bất chính và làm công đức 100 đồng thì họ có là người tốt không? Nếu họ buôn ma túy và xây trường học cho trẻ em nghèo, hơn nữa, họ vẫn “ngoan đạo” thì đó có phải là người tốt không? Bóc lột cuộc đời của người này và bố thí lại cho người khác, tạo sự hàm ơn và “thanh thản” trong lòng, có phải là điều tốt không?

Không hai nhân cách

Hai nhân cách là hiện tượng phổ biến trong xã hội đạo đức giả: Chỉ đối xử tốt với người trong nhà nhưng đối xử tồi với người ngoài đường, việc người nhà làm thì luôn là tốt, việc người ngoài đường làm thì luôn là xấu (dạng người tư lợi). Ví dụ nếu cha mẹ ăn cắp bánh mỳ về cho con đang đói ở nhà thì tốt, hoặc không xấu lắm, hay ít ra, vẫn là cha mẹ tốt. Ăn cắp là ăn cắp, dù là cha mẹ hay là ai, và dù là ăn cắp của ai với mục đích gì.

Nếu dùng mục đích biện minh cho phương tiện thì không phải là người công chính.

Nếu là người công chính thì thực tế bạn đối xử với người trong nhà giống như với người ngoài đường, chỉ có một thước đo mà thôi. Nghĩa là, bạn đối xử tốt với người tốt và sẵn sàng trả đũa với người xấu, dù đó là người trong nhà hay ngoài xã hội.

Đấu tranh vì sự công bằng

Với mỗi sự vật hiện tượng hãy hỏi xem “Điều đó có công bằng không”. Trong cuộc sống, rất nhiều người không hiểu thế nào là công bằng, nên họ luôn chịu bất công. Họ thường phán xét người khác, dãn nhãn cho người khác và tự cho bản thân có quyền trừng phạt người khác. Con người không có quyền trừng phạt người khác mà chỉ có quyền tự vệ chính đáng mà thôi. Ví dụ, nếu một người lừa của một người khác số tiền lớn, thì bạn có thể trừng phạt kẻ đó, ví dụ lừa lại, hoặc là bạo lực không?

Phụng sự xã hội

Vì bạn sống dựa trên lợi ích và hạ tầng của xã hội nên bạn cần lấy phụng sự xã hội làm lẽ sống. Nếu bạn chỉ phụng sự bản thân, bạn sẽ có xu hướng làm hại xã hội. Bạn sẽ không thể tìm thấy lương tâm và ý thức của mình vì bạn mắc nợ xã hội quá nhiều. Nếu bạn không sống trong xã hội, ví dụ nếu lên núi hoặc sống trong rừng, không sử dụng thành tựu văn minh thì không cần.

*

Vì sao phải học làm người công chính?

Vì lương tâm và ý thức của con người không phải là dạng kim tự tháp mà là dạng mê lộ (maze) từ ngoài đi vào trong (như trong giải thích của Westworld). Muốn tìm thấy lương tâm và ý thức, tức mục đích và ý nghĩa sống của bản thân, trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai” thì bạn phải tu thân để trở thành người công chính. Bạn sẽ cần học mười ngàn quy tắc ứng xử và phải tuân thủ quy tắc, luật lệ. (Người không công chính sẽ thường xuyên phá luật.) Để làm điều này, bạn cần có kỷ luật, và để có kỷ luật, hãy đảm bảo là bạn có cha mẹ tốt và là người công chính. Do đó, xuất thân và dòng máu có lẽ là quan trọng nhất.

Nếu không công chính thì sao? Bạn sẽ tìm được niềm vui trong sự tư lợi, niềm vui này sẽ khó kéo dài vì không ai tư lợi được mãi. Hơn nữa, bên trong tâm hồn sẽ không thanh thản. Vì không thanh thản, con người sẽ có xu hướng tham gia vào hoạt động hủy hoại như ma túy, cờ bạc, hoặc mê tín dị đoan. Vì không công chính nên bên trong tâm hồn thường trống rỗng – do mất niềm tin vì đến bản thân còn chẳng tin được khi đứng trước một lợi ích lớn – mà ban đêm thì tối tăm và đầy nỗi kinh hãi (the night is dark and full of terrors) – nên con người sẽ mê tín để xua đi nỗi sợ hãi này. Nhưng suy cho cùng, đó chỉ là lừa dối. Người ta có thể lừa dối bản thân nhưng không ai lừa dối được cái chết.

Làm người công chính, suy cho cùng, là tìm tới với lương tâm của mình mà thôi. Và có thể ngẩng cao đầu mà sống với phẩm cách của con người.
-mark-

No comments:

Post a Comment