Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Monday, February 6, 2017

Bản chất của đi lao động Nhật Bản dạng "visa kỹ sư" và những điều cần giác ngộ

Dạo gần đây có rất nhiều tuyển dụng đi lao động Nhật Bản dạng "visa kỹ sư" hay "visa kỹ thuật", tiền lương khoảng 20 ~ 25 lá (1 lá = 1 vạn yen, tầm 100 USD) tức là 2000 ~ 2500 USD.
>>Các dạng visa tại Nhật

Lao động ở Nhật dựng nhà trong trời tuyết.
Luật quy định chỉ nghỉ khi tuyết lớn hay gió lớn ở cấp nhất định gây nguy hiểm.

Đi lao động dạng "visa kỹ sư" (visa kỹ thuật) là gì?

Thông thường, Nhật Bản chỉ cấp visa lao động (đúng hơn là visa kỹ thuật và visa văn hóa nhân văn) cho người có trình độ chuyên môn, tức là phải tốt nghiệp đại học, làm công việc cần chất xám như lập trình IT chẳng hạn. Ngành IT là ngành lương cao ở Nhật.
>>Vì sao lương lập trình viên, kỹ sư IT tại Nhật lại cao?

Các nghề làm việc chân tay như nông nghiệp, lái xe, lái taxi, ... sẽ không được cấp visa.

Tuy nhiên, vì Nhật Bản thiếu lao động nên họ thường tuyển thực tập sinh (trước gọi là tu nghiệp sinh) làm 3 năm hoặc 1 năm. Thực tập sinh đúng ra là đi học việc và về giúp ích cho đất nước về danh nghĩa, nhưng thực chất lại là đi kiếm tiền (kiếm 400 - 800 triệu/3 năm tùy điều kiện làm thêm giờ). Thực tập sinh cũng thường gây nhiều vấn đề về trị an, đặc biệt là nạn bỏ trốn ra ngoài làm (dù cũng có nhiều bạn học lực tốt, chịu khó làm và học tiếng Nhật).
>>Trường hợp khai thấp học lịch để đi XKLĐ Nhật Bản

Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một dạng xuất khẩu lao động (XKLĐ) kiểu mới: Tuyển người theo dạng visa kỹ sư đi làm công nhân ở Nhật.

Đây là một dạng lách luật: Tuyển người có chuyên môn (đại học) nhưng lại làm công việc như công nhân ví dụ làm xây dựng, lắp ráp, chế biến thực phẩm, thậm chí nông nghiệp. Do Nhật thiếu lao động trầm trọng nên vấn đề này được làm ngơ, coi như là sang Nhật làm "chuyên môn".

Nếu đi làm để kiếm tiền thì hoàn toàn chẳng vấn đề gì, vì ở Việt Nam làm sao kiếm mức lương 2000 ~ 2500 USD được. Vì làm lương thấp, hoặc thậm chí thất nghiệp, nên các bạn kỹ sư, cử nhân vẫn xếp hàng nộp đơn sang Nhật lao động. Tuy nhiên, có một số điều cần giác ngộ.

Công việc thực chất: Lao động chân tay

Không nên nghĩ bạn sẽ làm bàn giấy hay ngồi máy lạnh trong văn phòng. Thực sự là "đổ mồ hôi, sôi nước mắt". Nghề xây dựng thì làm giữa trời tuyết không nghỉ, các nghề khác thì có thể làm đêm, thậm chí xuyên ngày xuyên đêm là thường. Đây không phải là bóc lột người nước ngoài mà người Nhật cũng làm vậy thôi, chế độ là chung. Bản chất là công việc cực và làm việc với cường độ cao mà các bạn kỹ sư, cử nhân ở VN khó tưởng tượng ra thôi.

Đây là cuộc sống của người công nhân Nhật Bản, thường tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc phổ thông trung học.

Do đó, không nên ngạc nhiên nếu bạn phải làm thêm giờ hay sống cực nhọc.

Giác ngộ về tiền lương

Tiền lương của bạn là 2000 ~ 2500 USD và không nên nghĩ là bạn sẽ được thưởng. Vì quy luật kinh tế thôi: Người Nhật trả lương công nhân chỉ có 1500 ~ 1800 USD, để trả cho bạn như thế thì bạn phải làm nhiều hơn. Và vì bạn là lao động chân tay nên họ sẽ hiếm khi thưởng hay tăng lương cho bạn. Thực chất vẫn là xuất khẩu lao động mà thôi.

Ngoài ra, khác với các bạn du học sinh làm thêm (parttime): Học sinh làm thêm thì nhận lương giờ (時給 jikyuu) làm bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu.

Còn đi theo visa lao động thì là "nhân viên chính thức" (tức là 正社員 seishain) nên nhận lương cứng. Nghĩa là làm bao nhiêu giờ thì vẫn chỉ nhận lương đã quy định thôi (chắc không công ty nào trả lương làm thêm giờ đâu, vì sẽ phá vỡ quy luật kinh tế - lao động và phá sản).
Hơn nữa, các công ty đều trả lương cơ bản thấp, còn lại là dạng phụ cấp trách nhiệm. Để công ty đóng bảo hiểm ít nhất có thể và nếu nghỉ việc, bạn chỉ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên lương cơ bản mà thôi. Nên bạn nào không rành luật cũng thường bị thiệt, mà suy cho cùng vì phải đi bằng mọi giá nên cũng không quan tâm mấy.

Như vậy, so với các bạn "thực tập sinh" được trả lương theo giờ thì cũng chưa biết là ai hơn ai (theo luật hiện tại thì thực tập sinh được trả lương theo mức lương giờ tối thiểu ở Nhật).

Bạn có thể đổi việc khác không?

Có thể, nếu bạn xin được việc khác. Nhưng nếu bạn vẫn xin việc lao động chân tay nhưng "visa kỹ sư" thì tiền lương vẫn vậy, mà lại khó vì bạn bị tiếng là "hay nghỉ việc". Còn nếu bạn xin công việc kỹ sư hẳn hoi thì sẽ cần tiếng Nhật. Với các bạn biết tiếng Nhật hay có khả năng học tiếng Nhật thì chuyển việc có vẻ sẽ tốt hơn, tuy nhiên, bạn phải giỏi tiếng Nhật và có khả năng xin việc khác, mà xin việc ở Nhật không dễ như ở VN. Vì đa phần các công ty sẽ tuyển người "trung thành với công ty".

Trong phần lớn trường hợp, đổi việc lại là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa nhưng cũng có trường hợp may mắn. Dù thế nào thì vẫn phải nắm chắc luật pháp Nhật về visa lao động.

Kết luận

Việc sang Nhật lao động dạng visa lao động sẽ vẫn tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới và số lượng công ty, người môi giới cũng sẽ tăng mạnh. Vấn đề hoàn toàn là tiền lương chênh lệch và ảnh hưởng của toàn cầu hóa (globalization). Vì thu nhập trong nước không đủ sống nên nhiều người sẽ tiếp tục tìm cách đổ sang Nhật lao động kiếm tiền. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hiểu và giác ngộ cuộc sống ở Nhật, cũng như "được - mất" khi đi XKLĐ. Tôi sẽ tiếp tục bàn về được mất khi đi XKLĐ trong một dịp khác.

Để kết luận chính xác nhất thì đây: Chất lượng cuộc sống. Nói thẳng ra, chất lượng cuộc sống không cao (vì phải để dành tiền gửi về). So với du học sinh có thể thua rất xa (vì tuy du học sinh cũng đi làm nhưng có thể đổi công việc và làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu) - trừ một số bạn vay tiền và phải cày.

Thật ra, nếu có tiền để du học thì bạn nên đi du học, sau đó xin việc thật sự bên Nhật thì sẽ có lợi hơn nhiều.
>>Hướng dẫn du học tự túc tại Nhật Bản
Mark

No comments:

Post a Comment