Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Monday, April 4, 2016

Simulation học đại học tại Nhật

Trường Simulation: Tokyo Institute of Technology (東京工業大学 Tōkyō Kōgyō Daigaku, tên tắt Tokyo Tech, Tokodai hay Titech, TIT). Tiếng Việt: Đại học Kỹ thuật Tokyo hay Học viện Kỹ thuật Tokyo (hay Đại học Công nghiệp Tokyo).
Campus chính: Quận Meguro, Tokyo.
(Viết lại và chỉnh lý bài năm 2013)

Hôm nay, Takahashi sẽ bàn về giáo dục đại học tại Nhật Bản. Trường mà tôi sẽ lấy ví dụ là Tokyo Institute of Technology ("Tô-cô-đai"), đây là trường có mặt trong số 5 trường đại học của Nhật Bản có trong danh sách 200 trường tốt nhất thế giới của timeshighereducation.co.uk năm 2011-2012 (tất nhiên các bảng xếp hạng chỉ là tương đối và có nhiều tiêu chí để xếp hạng). Trong số 5 trường đó, trường này đứng thứ 3 chỉ sau The University of Tokyo (Đại học Tokyo, tức "Tô-đai") và Đại học Kyoto.

Nắm bắt cả hệ thống giáo dục Nhật Bản thì nhìn chung là vượt quá khả năng của tôi nên tôi chỉ nói những thứ có thể mắt thấy, tai nghe, kiểm chứng được thôi nhé.
Ở Nhật, sinh viên sẽ học đại học trong 4 năm, trong đó năm đầu là đại cương, năm 2 và năm 3 là phân vào các khoa và năm cuối là vào phòng nghiên cứu (labo). Nếu bạn học bên xã hội (文 "bun" VĂN) thì thay vào việc vào phòng nghiên cứu là việc tham dự các zemi (seminar = hội thảo) của một giáo sư nào đó trong năm cuối cùng. Sau đó, bạn viết luận văn về thành quả nghiên cứu của bạn và tốt nghiệp.

Ảnh: CampusAsia (Titech)

Các môn học, số giờ học

Cái mà tôi cảm nhận được là việc học đại học ở Nhật nhẹ nhàng và hiện đại hơn Việt Nam rất nhiều. Các môn học phần lớn được TỰ LỰA CHỌN, do đó bạn có thể chọn học gì và giờ học nào. Có thể có môn bạn muốn học nhưng nó vào lúc sáng sớm chẳng hạn, thì cũng đành bỏ qua. Tuy nhiên, bạn phải đảm bảo là bạn lấy đủ số unit ("trình", "đơn vị") cho một loại môn nào đó, ví dụ môn xã hội phải lấy đủ X unit thì mới tốt nghiệp được chẳng hạn. Tổng cộng số unit bạn phải lấy là 124 unit. Mỗi tiết học kéo dài 90 phút được tính là 2 unit. Luận văn tốt nghiệp của bạn sẽ là 8 unit, trong đó 4 cho kỳ 7 và 4 cho kỳ 8.
Một năm có 2 kỳ nên bạn sẽ có tổng cộng 8 kỳ, kỳ đầu là kỳ 1 và kỳ cuối là kỳ 8. Nếu chia 124 unit cho 8 kỳ thì mỗi kỳ bạn phải lấy khoảng 16 unit, tức là khoảng 8 môn.
8 môn cho 5 ngày học trong trường thì quả là không nhiều đúng không. Vì một buổi sáng mà bạn học 2 môn thì bạn đã có 4 unit rồi. Các bạn có thể so với Việt Nam thử xem. Tuy nhiên, thông thường bạn lấy khoảng 20 - 24 unit, tức 10 - 12 môn cho 1 kỳ vì năm cuối sẽ dành chủ yếu cho việc nghiên cứu.

Đó là lý do mà sinh viên Nhật Bản tự đi làm thêm trang trải cuộc sống chiếm tỷ lệ lớn!
=> Sinh viên Nhật có thể vừa học ở trường học, vừa học ở trường đời.

Takahashi vừa học vừa chơi cũng lấy tới 160 unit, quá dư thừa để tốt nghiệp! Đặc biệt giờ tiếng Trung vốn không bắt buộc nhưng tôi cũng lấy tới mức không thể lấy thêm được nữa.

Tuy nhiên, mỗi trường sẽ khác nhau. Ví dụ trường Tô-đai thì theo phương châm truyền thống nhiều hơn, đòi hỏi học sinh phải lấy 142 unit để tốt nghiệp, ngoài ra, việc lựa chọn các môn để học cũng hạn chế hơn nhiều. Tô-cô-đai thì theo phương hướng hiện đại kiểu Âu Mỹ, nên dễ thở hơn khá nhiều.

Môi trường học hiện đại

Khi bạn nhập học, trường sẽ phát cho bạn bộ hồ sơ dày cộp, nặng trịch. Tất cả mọi thông tin về trường, luật lệ, lịch học, nội dung các tiết học, v.v... đã có hết trong đó. Ngoài ra, bạn có thể lên trang web và tra về tất cả mọi thứ, từ chương trình học để ngoại khóa. Nghĩa là, bạn hoàn toàn chủ động trong suốt 4 năm học của mình. Lịch của mỗi năm học đã được lên sẵn từ đầu năm, ngay cả lịch thi vào cuối năm. Sẽ không có chuyện bạn không biết trước lịch học cả năm của mình. Cuối mỗi kỳ, giáo viên sẽ phát cho bạn phiếu đánh giá để bạn ĐÁNH GIÁ GIÁO VIÊN của mình. Nó có dạng một bảng trắc nghiệm với khoảng vài chục câu, đánh giá mọi mặt về giáo viên. Bởi vì một chân lý đơn giản:

Bạn chính là khách hàng!

Ở Nhật, trường đại học và giáo viên của họ là người bán hàng, còn bạn là khách hàng. Bởi vì người đóng học phí là bạn cơ mà. Do đó, các trường đại học phải ra sức cải thiện chất lượng, môi trường giáo dục, cuộc sống trong khuôn viên trường (Campus Life) để lôi kéo khách hàng về. Mỗi năm, các trường sẽ tổ chức Open Campus để các em nhỏ, các em học sinh và các gia đình Nhật vào tham quan tìm hiểu môi trường học tập, thành quả nghiên cứu, v.v... của trường. Mỗi khoa, mỗi phòng nghiên cứu sẽ trưng thành quả nghiên cứu, giảng dạy của mình để giới thiệu cho người tham quan.

Về việc đánh giá giáo viên, buổi học cuối mỗi kỳ giáo viên sẽ phát cho mỗi người một tờ phiếu đánh giá dạng trắc nghiệm (giống thi JLPT vậy), gồm nhiều câu hỏi và có 6 mức đánh giá từ "Rất dở" tới "Rất tốt", bạn sẽ dùng bút chì tô vào lựa chọn của bạn. Sau đó, một học sinh trong lớp sẽ thu, bỏ vào bì thư ban đầu và dán lại rồi đem tới phòng Giáo vụ để nộp. Nghĩa là, giáo viên sẽ không kiểm tra kết quả đánh giá tại chỗ nhé. Và việc này chủ yếu để nâng cao chất lượng giảng dạy chứ không phải là để trừng phạt giáo viên. Thường việc này sẽ giúp giáo viên đánh giá lại cách giảng dạy của mình, tức là giúp giáo viên nhiều hơn là giúp học sinh.

Cơ sở vật chất, thiết bị

Trường đại học ở Nhật bao giờ cũng có thư viện, bạn có thể mượn sách và ngồi học tại đó. Ngoài ra, bạn có thể vào các lớp học vào hầu như bất cứ giờ nào, nghĩa là bạn có không gian để có thể tự học được. Tất nhiên, về khuya thì hệ thống đèn sẽ tắt.
Cái hay ở Nhật là mọi thứ đều tự động hóa. Bạn có thể đăng ký các môn học qua hệ thống trang web và tài khoản được cấp của bạn. Bạn có thể kiểm tra xem mình lấy được bao nhiêu unit và kết quả mỗi môn là thế nào. Việc lấy kết quả thi mỗi kỳ cũng được thực hiện hoàn toàn bằng máy, bạn chỉ cần đưa thẻ sinh viên vào và chọn. Nếu bạn cần giấy chứng nhận đang đi học? Cũng chỉ cần tới máy và bấm.

Nếu bạn muốn học mà không tốn tiền mua sách?
Bạn có thể mượn sách tại thư viện! Tôi học mà hầu như không tốn tiền sách. Nhưng bạn cần chú ý là, mỗi sinh viên chỉ được mượn tối đa 5 cuốn sách 1 lần và được mượn trong 2 tuần. Nếu trong 2 tuần không có ai mượn sách thì bạn có thể tiếp tục mượn (延長 enchou) được, còn nếu có người đặt mượn thì bạn phải trả lại. Tất nhiên, mỗi cuốn sẽ có một hay nhiều đầu sách, nên có thể nhiều người cùng mượn 1 đầu sách được. Khi sắp thi, rất nhiều người mượn sách nên bạn phải tìm thời điểm hợp lý để mượn sách. Bằng cách mượn trước và học trước, bạn có thể không cần tốn tiền mua sách khi học đại học tại Nhật. Có nhiều môn sách trong thư viện sẽ không trùng khớp với sách dùng trên lớp, nhưng bạn có thể học từ các sách tương tự. Tôi thì có thể học từ bất cứ cuốn sách nào, nên chẳng tốn tiền mua sách bao giờ. Thậm chí, giờ tiếng Anh tôi cũng né những giờ cần mua sách mà chọn những giờ mà giáo viên phát tài liệu (print out)! Ai đó có thể nói tôi "keo", nhưng tôi nghĩ tôi không "keo" mà phải là "super CEO"!

Sách ở thư viện bao giờ cũng gắn thẻ từ, nếu bạn mang ra mà không làm thủ tục mượn thì khi bạn qua cổng ra khu ngoài chuông sẽ reo. Để mượn thì bạn có thể dùng máy trong thư viện, chỉ cần để sách vào cho máy quét mã vạch, cho thẻ sinh viên vào rồi bấm mật khẩu của thẻ là xong. Hoặc bạn cũng có thể mượn tại quầy, tất nhiên vẫn bằng thẻ sinh viên nhưng nhân viên quầy sẽ quét mã vạch của sách cho bạn. Khi trả thì bạn trả lại quầy và nói "Go-henkyaku desu" ("Tôi xin trả sách"). Nghĩa là, mọi việc hoàn toàn tự động, dễ chịu. Tôi nói chi tiết như vậy để bạn có thể hiểu là việc mượn sách dễ dàng như thế nào.
Còn nếu bạn trả sách muộn? Bạn sẽ bị phạt thời gian muộn, không phải là phải nộp tiền mà là không được mượn sách trong thời gian bằng thời gian muộn đó. Ở Nhật thì người ta thường không phạt tiền bao giờ, nói chung là một xã hội nhân văn. Nếu bạn đánh mất sách thì bạn sẽ phải mua sách đền cho thư viện. Nhân tiện nói luôn, nếu bạn đi tàu mà trốn vé, thì nhân viên nhà ga thường chỉ bắt bạn mua vé lại chứ cũng không có chuyện đưa ra mức phạt "khủng". Nhìn chung thì không nên trốn vé, vì như vậy là làm phiền tới nhân viên nhà ga.

Về cơ sở vật chất thể dục, thể thao thì tôi sẽ nói ở phần "Thể dục, thể thao" bên dưới.

Internet
Nếu bạn học đại cương, bạn có thể sử dụng phòng máy và Internet của trường. Khi vào khoa bạn sẽ sử dụng phòng máy của khoa. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng máy tính và kết nối Internet của thư viện hoặc wifi trong trường. Điều tuyệt vời là chúng ta có thể sử dụng Internet để học hỏi mà không cần phải mắc Internet về nhà. Du học sinh còn có thể sử dụng phòng máy của khoa du học sinh nữa. Trường đại học mà không có Internet thì có lẽ nên dẹp trường đi thì tốt hơn!

Ngủ gật trong lớp

Không biết trường cấp 3 tại Nhật thì thế nào chứ trong đại học thì ngủ gật trong lớp thoải mái. Ngược lại, việc nói chuyện riêng trong lớp là điều cấm kỵ, vì nó làm phiền tới những người khác. Bạn có thể ngủ, có thể ngáy mà giáo viên không làm gì bạn. Tất nhiên, ngủ gật thì nên ý tứ xuống cuối lớp ngủ.
Cũng có nhiều người ngủ ngay bàn đầu và ngáy o o nhưng không ai thấy phiền hay nhắc nhở gì. Có vẻ ngủ gật là quyền tự do của mỗi người và việc ngủ gật có ảnh hưởng tới kết quả học tập hay không thì do chính người đó tự chịu trách nhiệm.
Cá biệt có những buổi học ngay sau tiết học thể thao, ví dụ vừa đi đá bóng về chẳng hạn. 100% học sinh lăn quay ra ngủ. Bên trên giáo viên vẫn thuyết trình như không có gì xảy ra. Nhìn chung, người Nhật rất mẫn cán trong công việc của họ và họ ít khi tự ái. Không có chuyện bỏ dạy hay tức giận gì ở đây!

Các cột mốc trong 4 năm đại học

Bạn phải vượt qua 3 cột mốc chính trong 4 năm đại học, thường là học sinh chỉ vắt chân lên cổ khi sắp tới 3 cột mốc này, tuy nhiên nếu bạn chuẩn bị tốt thì việc học của bạn sẽ nhàn nhã hơn nhiều.

Phân khoa: Tức là từ năm 1 lên năm 2. Trong năm 2 và năm 3 bạn không học đại cương như năm 1 mà học trong các khoa. Phân khoa dựa trên kết quả học năm 1 của bạn và sự cạnh tranh giữa các học sinh. Đặc biệt, bạn phải lấy đủ một số unit cho mỗi loại môn (ví dụ môn tự nhiên, môn xã hội, v.v...) thì mới được phân khoa. Nếu bạn không có đủ unit thì bạn bị LƯU BAN (tiếng Nhật là 留年 ryuunen LƯU NIÊN) và không được lên năm 2 mà phải ở lại năm 1 lấy nốt cho đủ.

Vào phòng nghiên cứu (vào lab): Đây là từ năm 3 lên năm 4. Bạn phải lấy đủ số unit quy định (tổng số và cho mỗi loại môn học), nếu không bạn sẽ LƯU BAN, phải lấy cho đủ unit để có tư cách lên năm 4. Khi lên năm 4, bạn phải chọn phòng nghiên cứu (lab) bạn muốn vào, và thường có một số lab ít người đăng ký thì bạn có thể vào ngay, còn lab nào nhiều người muốn vào thì phải cạnh tranh và dùng phương pháp loại bỏ. Ở Tô-cô-đai thì loại bỏ thông thường nhất là oẳn tù tì hay rút lá bài. Bạn cũng phải chọn vài nguyện vọng từ nguyện vọng 1 tới nguyện vọng n và đương nhiên sẽ ưu tiên nguyện vọng 1 trước. Nếu nguyện vọng 1 của bạn không bị cạnh tranh thì bạn có thể tới đó. Nếu bị cạnh tranh, bạn phải oẳn tù tì, thắng thì vào còn thua thì bạn phải vào đấu tiếp với những người thua có cùng nguyện vọng 2 với bạn.
Chú ý là việc vào lab lại không do thành tích học tập của bạn quyết định nhé. Bạn sẽ chọn lab dựa theo việc muốn nghiên cứu lĩnh vực nào. Mỗi lab sẽ do một hoặc hai giáo sư phụ trách (một người chính), kèm theo một hoặc một số phụ tá, và thường có một số đề tài nghiên cứu riêng. Tùy bạn thích đề tài nghiên cứu nào và thích ông thầy nào hay không khí lab nào mà có thể bạn chọn vào lab đó. Takahashi thì thường chọn lab nào dễ dàng nhất! Trước khi bạn lên năm 4, khoa bạn học sẽ cho các lab giới thiệu đề tài nghiên cứu, không khí nghiên cứu, v.v.. cho các học sinh năm 3 trong khoa. Qua đó, bạn sẽ có thể tham quan, giao lưu, hỏi đáp với các lab để quyết định chọn vào lab nào.

Ở các trường kinh tế, khoa học xã hội, v.v... thì học sinh sẽ tham dự "zemi" của giáo sư nào đó, cũng tương tự phòng lab nhưng dưới hình thức seminar, tức hội thảo có hướng dẫn của giáo viên.

Nghiên cứu và viết luận văn: Đây là thời điểm năm 4, bạn sẽ nghiên cứu ở phòng lab trong suốt năm 4 này. Bạn phải có luận văn phát biểu kết quả nghiên cứu của mình và bảo vệ trước hội đồng giáo viên trong khoa, hội đồng này sẽ mở cửa để các học sinh khác cũng tham dự. Thông thường, bạn sẽ có phát biểu giữa kỳ về nghiên cứu của bạn nữa, và cũng trước hội đồng, thường là sau khi nghiên cứu được nửa năm (tức 1 kỳ). Luận văn của bạn có thể bị đánh trượt bởi hội đồng nhưng nhìn chung nếu bạn chăm chỉ nghiên cứu và viết luận văn đàng hoàng thì ít có những chuyện này. Hình như tôi chưa thấy ai bị đánh trượt thì phải.

Có 3 cột mốc ở trên, nếu vượt qua thì bạn trở thành sinh viên đã tốt nghiệp. Hai con đường sẽ mở ra với bạn: Học thạc sỹ và Đi làm. Tất nhiên là cũng có thể bạn không học thạc sỹ, cũng không đi làm mà kinh doanh hay đi ngao du chẳng hạn, nhưng đó là vấn đề ngoài phạm vi bài viết này.

Vào phòng nghiên cứu (labo) trong năm 4

Như đã nói, khi lên năm 4 bạn sẽ vào phòng nghiên cứu, giáo sư hay phó giáo sư phụ trách phòng nghiên cứu sẽ hướng dẫn bạn nghiên cứu. Mỗi lab thường nhận 3 - 6 sinh viên, tùy theo lab có 1 hay 2 giáo sư, có nhiều trợ tá hay không. Nửa năm đầu bạn sẽ thường chỉ nghiên cứu luận văn, tài liệu, bao gồm các luận văn đã có trong lab và các luận văn trên thế giới (tìm qua các hệ thống tìm kiếm luận văn chuyên dụng hay Google Scholar). Thường thì trường đại học bỏ tiền ra để bạn có thể đọc luận văn ở các thư viện điện tử lớn trên thế giới, nên bạn có thể đọc được chúng. Người ngoài thì sẽ phải bỏ tiền mua. Tuy nhiên, cũng nhiều luận văn không cần bỏ tiền mua mà chỉ cần tìm kiếm và tải về.
Sau đó, bạn sẽ chọn đề tài nghiên cứu và tiến hành nghiên cứu. Quá trình đi tới việc quyết định đề tài thường khá gian nan, còn sau đó là cứ thế nghiên cứu thôi. Khi có kết quả, bạn có thể viết thành luận văn, với các dẫn chứng đầy đủ. Nhìn chung, một luận văn phải có các tài liệu tham khảo, là các nơi bạn tham khảo và sử dụng số liệu. Ở các nước tiên tiến, việc đạo văn (phớt lờ "tài liệu tham khảo") hay dùng các số liệu không đáng tin là việc bị nghiêm cấm. Ví dụ nếu bạn nghiên cứu về IT mà dùng số liệu cách đây 10 năm thì không thể chấp nhận được. Việc trích dẫn không dẫn chứng như "Một nghiên cứu của một viện nghiên cứu nổi tiếng ở Mỹ chỉ ra rằng ...." được coi là nhảm nhí. Bắt buộc phải trích dẫn văn bản gốc để người đọc có thể kiểm chứng được. Đó chính là VĂN MINH trong môi trường giáo dục.

Để dẫn chứng cho bạn, tôi sẽ lấy ví dụ sau: Nhật Bản có phải là môi trường giáo dục đại học hàng đầu thế giới không?
Câu trả lời của Takahashi là KHÔNG. Nhật Bản chỉ là một trong những môi trường giáo dục tiến tiến trên thế giới mà thôi. Trong "Sổ tay du học Nhật Bản Saromalang", tôi lấy dẫn chứng như sau:
Chụp từ "Sổ tay du học Nhật Bản Saromalang"
Theo như dẫn chứng đó, thì Mỹ mới là nền giáo dục hàng đầu thế giới, còn Nhật chỉ đứng đầu ở châu Á.

Điều quan trọng trong quá trình nghiên cứu chính là phương pháp mà bạn học được và sự tiếp cận với những nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực mà bạn nghiên cứu. Qua đó, bạn sẽ học được nhiều hơn bạn tưởng vì bạn bắt buộc phải đọc những luận văn có tiếng tăm và nắm bắt được các phương pháp, lý luận trong đó. Ngay cả khi nghiên cứu của bạn thất bại, bạn đã học được vô số thứ rồi.

Giáo viên đại học là các nhà nghiên cứu
Ở Nhật, các giáo viên hay giáo sư vừa đảm nhiệm công việc giảng dạy, vừa đảm nhiệm công việc nghiên cứu. Tức là, họ không bao giờ chỉ giảng dạy đơn thuần, mà mảng chính trong công việc của họ chính là việc nghiên cứu, và danh tiếng của họ nằm ở những công trình nghiên cứu của họ. Đó là lý do mà các trường đại học lớn ở Nhật thường dẫn đầu về khoa học, công nghệ. Một số phòng nghiên cứu nổi tiếng còn nhận được tài trợ từ các công ty lớn của Nhật Bản để nghiên cứu cho họ. Thường các công ty lớn tại Nhật có lĩnh vực nghiên cứu, phát triển riêng, nhưng những lĩnh vực mà họ không có thế mạnh thì họ thường thuê bên ngoài nghiên cứu thay họ. Một phòng lab càng nhiều công trình thì nhìn chung sẽ càng nhận được tài trợ từ chính phủ và từ các công ty Nhật Bản, nên thường phòng lab nổi tiếng sẽ khá giàu.

Các trường ngoại ngữ như Đại học Ngoại ngữ Tokyo (Tô-gai-đai), Đại học Ngoại ngữ Osaka (Osaka-gai-đai) nổi tiếng và có thứ hạng cao tại Nhật không phải đơn thuần vì giảng dạy, mà vì giáo viên là những nhà nghiên cứu ngôn ngữ. Vì thế, học ở những trường này thường là những cách tiếp cận tiên tiến nhất. Tất nhiên, nếu bạn không nghiên cứu ngôn ngữ thì bạn chỉ cần học ở các trường Nhật ngữ thông thường tại Nhật Bản là được. Danh tiếng các trường đại học tại Nhật Bản hoàn toàn không phải là hư danh mà thường phản ánh đúng đóng góp của họ cho xã hội.

Lương giáo viên đại học tại Nhật Bản thuộc lại rất cao trong xã hội. Bạn có thể tra trên Internet. Giáo sư đại học tại Nhật thu nhập bình quân 1 năm là 11 triệu yên (130 ngàn USD), cao hơn thu nhập trung bình của người Nhật (46 ngàn USD) nhiều lần. Thu nhập tháng của giáo sư đại học trung bình là 670,000 yên, thu nhập theo giờ trung bình là 4200 yên/giờ. Hãy so sánh nếu bạn đi làm thêm thì mức lương làm thêm là tầm 800 - 900 yên/giờ.
Con đường đi lên thành giáo sư tại Nhật cũng khá gian nan và bạn phải đi theo từng bậc một. Bạn cũng phải thỏa mãn nhiều điều kiện về các công trình nghiên cứu được công bố và việc này nằm ngoài phạm vi bài viết này.

Một số quy tắc mà bạn phải tuân thủ khi học tại Nhật: Không tặng quà giáo viên. Những việc như thế sẽ bị đánh giá là "hối lộ" và dễ gây hiểu nhầm. Bạn có tặng quà thì họ cũng không nhận hay miễn cưỡng nhận. Người Nhật cũng không muốn nhận quà tặng vì sợ dị nghị và áp lực phải đáp trả đối với họ sẽ khá lớn. Nhìn chung, nếu bạn quý mến giáo viên nào thì chỉ cần đến lớp chăm chỉ là được.

Giáo viên không có trách nhiệm giáo dục nhân cách

Nước Nhật coi trọng nghề giáo viên như là một ngành nghề, nhưng không có quan điểm rằng "Giáo viên là người dạy dỗ học sinh nên người". Đây là điều có thể bạn nên chú ý. Khổng giáo đã bị bài trừ khỏi xã hội văn minh Nhật Bản từ rất lâu rồi và nhìn chung ở Nhật không có chuyện người này được mặc nhiên có quyền "dạy dỗ" về đạo đức, nhân cách cho người kia. Quan hệ giữa các cá nhân trong xã hội Nhật đều phải tuân thủ theo luật pháp và pháp luật Nhật đề cao tối đa về nhân quyền (Nhật Bản được coi là nước dân chủ đầy đủ tại châu Á). Do đó, các giáo viên chỉ làm công việc của họ, họ không có quyền hay nghĩa vụ phải can thiệp vào cuộc sống của học sinh. Nhân cách của mỗi người là do tự bản thân người đó, môi trường gia đình, môi trường xã hội, v.v... tạo nên và cá nhân họ phải tự chịu trách nhiệm về nhân cách của mình.
Tức là, tư tưởng Khổng giáo gần như được bài trừ hoàn toàn khỏi xã hội Nhật Bản. Không ngạc nhiên khi văn minh Nhật Bản có thể tiến xa như vậy. Bạn nào đã từng theo học hay sinh sống tại các nước Âu Mỹ thì chắc cũng biết việc học sinh Âu Mỹ không bị giới hạn về sự sáng tạo và ít bị người lớn can thiệp vào cuộc sống của mình.

Người Nhật coi nghề giáo là một nghề hoàn toàn bình thường, cũng như các ngành nghề khác mà thôi. Vì vậy mà giáo viên tại Nhật ít áp lực và có thể tập trung vào chuyên môn của mình.

"Tốt nghiệp sớm" và "Học vượt cấp"

Tô-cô-đai có chế độ "Tốt nghiệp sớm" dành cho sinh viên xuất sắc, gọi là 早期卒業 souki sotsugyou (TẢO KỲ TỐT NGHIỆP). Nếu bạn tốt nghiệp sớm, bạn chỉ học đại học trong 3 năm rưỡi, tiết kiệm được nửa năm (tất nhiên là tiết kiệm luôn học phí và sinh hoạt phí nửa năm). Thông thường, khi lên năm 4, học sinh mới vào lab nghiên cứu, viết luận văn và tốt nghiệp nhưng trường hợp "tốt nghiệp sớm" thì học sinh sẽ vào lab sau kỳ 1 của năm 3, tức là sớm nửa năm. Sau đó, học sinh vẫn nghiên cứu, viết luận văn và tốt nghiệp như thường. Điều kiện để tốt nghiệp sớm:

  • Thành tích trong nhóm 5% dẫn đầu trong khoa mà học sinh đó học
  • Lấy được ít nhất 110 unit (theo Quy định học tập đại học của trường)
  • Đăng ký tốt nghiệp với trưởng khoa

Để có thể tốt nghiệp thì trong vòng 1 năm, học sinh vẫn phải lấy ít nhất 124 unit như quy định để tốt nghiệp, viết được luận văn và luận văn được thông qua, tức là vẫn giống như một học sinh tốt nghiệp thường.

"Học vượt cấp" thì lại khác, gọi là 飛び級 Tobikyuu, hay gọi đầy đủ là 大学院「飛び入学」Daigakuin Tobi-nyuugaku (Học vượt cấp lên cao học): Bạn chỉ học đại học 3 năm, thi đậu kỳ thi cao học và lên thẳng cao học để học luôn. Khi tốt nghiệp, bạn sẽ lấy bằng Thạc sỹ (tiếng Nhật: 修士学位 shuushi gakui = TU SỸ HỌC VỊ) và trong trường hợp này, bạn không có bằng đại học (bằng đại học tiếng Nhật là 学士学位 gakushi gakui = HỌC SỸ HỌC VỊ).
Để học vượt cấp thì phải thỏa mãn điều kiện sau:
  • Thành tích học năm 2 trong khoa phải ở trong nhóm 5% dẫn đầu
  • Lấy ít nhất 95 unit
  • Trong năm 3 phải lấy ít nhất 60 unit chuyên ngành
Quá đơn giản phải không? Nhưng nếu là Takahashi thì vẫn chỉ lấy bằng đại học thôi ha ha.

Học liên thông Thạc sỹ - Tiến sỹ
Thông thường, ở Nhật bạn sẽ học Thạc sỹ 2 năm, Tiến sỹ 3 năm trở lên (ít nhất là 3 năm), tức là ít nhất là 5 năm để bạn lấy được học vị Tiến sỹ (tiếng Nhật: 博士 hakase = BÁC SỸ). Chế độ học liên thông Thạc sỹ - Tiến sỹ (gọi là 連通コース rentsuu KOOSU = LIÊN THÔNG COURSE) cho phép bạn rút ngắn thời gian xuống còn 3 - 4 năm để học liên thông Thạc sỹ - Tiến sỹ và lấy bằng Tiến sỹ luôn. Tất nhiên, bạn phải có thành tích tốt và thỏa mãn một số điều kiện mà tôi sẽ không bàn tới ở đây.

Thể dục, thể thao

Thể dục, thể thao ở các trường học của Nhật thì có thể nói là tiên tiến, hiện đại. Ngay cả các trường tiểu học của Nhật cũng đã chú trọng giáo dục thể chất và bao giờ cũng phải có sân chơi đủ rộng. Trong trường đại học của Nhật, bạn sẽ được học thể dục, thể thao khá thoải mái và dễ dàng. Ở Tô-cô-đai bạn phải lấy:
  • Một môn lý thuyết thể dục thể thao
  • Ít nhất 2 môn thể thao khác nhau (tùy chọn)
Các môn là do bạn chọn, nhưng phải khác nhau, từ khoảng 10 môn như bóng đá, tennis, softball, voley ball, gym (thể hình), cầu lông, bóng bàn, futsal, v.v...
Cơ sở vật chất thể dục thể thao khá đầy đủ gồm 1 tòa nhà đa năng (体育館 taiikukan = THỂ DỤC QUÁN) dành cho các môn trong nhà như kiếm đạo, võ thuật, bể bơi, phòng tập thể hình, phòng cho futsal, cầu lông, v.v...
Điều khác biệt của việc học thể dục tại Nhật là: Không ai làm khó bạn cả!
Tức là, chỉ cần bạn chăm chỉ thì chắc chắn bạn sẽ được điểm A, bất kể năng lực của bạn thế nào. Ở Nhật, việc giáo dục thể chất hướng người ta tới việc đam mê thể dục thể thao chứ không bắt ép bạn phải vượt qua một mức nào đó. Tức là, không có chuyện bạn phải ném bóng vào rổ trúng trên 5/10 trái thì bạn mới qua môn thể dục. Ngược lại, giáo viên sẽ hướng dẫn bạn các kỹ thuật làm sao để bạn ném được tốt nhất với năng lực của bạn (Cần nhớ: Bạn là khách hàng!). Thật phi lý nếu bạn phải ném trên 5/10 trái thì mới đậu, vì nhỡ tay bạn yếu không cầm nổi bóng thì sao?
Với lại, nếu giả sử bạn ném khá giỏi và dễ dàng ném trên 5/10 trái thì chẳng lẽ bạn không cần tập luyện gì nữa?
Tức là, việc đặt ra phải ném trên X trái nào đó mới qua là việc phi lý, vì nếu bạn không thể ném được thì nó sẽ thành "kỳ thị", còn bạn dễ dàng ném qua thì bạn lại chẳng cần tập luyện gì thêm. Điều đó trái ngược với tinh thần thể dục thể thao!
Tinh thần thể dục thể thao chính là hướng bạn tới đam mê thể dục thể thao để có thể chất khỏe mạnh và tinh thần lành mạnh. Do đó, giờ học thể dục thể thao phải giúp bạn đạt tới khả năng tốt nhất mà bạn có thể, chứ không phải đặt ra một mức để bạn chỉ cần vượt qua là xong.
Ở đại học Nhật, giờ học thể dục thể thao là cực kỳ dễ dàng và đương nhiên không có chuyện bạn bị treo bằng chỉ vì không qua môn thể dục (vì ai cũng dễ dàng qua cả!).

Về triết lý thể dục thể thao thì đúng như tôi nói ở trên. Mặc dù bạn chỉ cần lấy 1 môn lý thuyết và 2 môn thể thao khác nhau là bạn đủ điều kiện tốt nghiệp, nhưng bạn được khuyến khích theo một môn thể thao lâu dài để rèn luyện thể chất và tinh thần. Do đó, trong trường có các tiết học 生涯スポーツ shougai supootsu (SINH NHAI SPORT), tức là "Thể thao cuộc đời". Bạn có thể theo đuổi các môn thể thao này cho tới khi bạn tốt nghiệp. Ví dụ bạn theo đuổi môn tennis, bạn có thể cứ theo môn này suốt trong khi bạn học ở đại học (Trong trường có vài sân tennis). Bạn sẽ được giáo viên hướng dẫn các kỹ năng để nâng tầm của mình lên. Thể thao Nhật Bản mạnh ở châu Á vì như vậy: Không phải các vận động viên chuyên nghiệp mới tập luyện mà cả nước Nhật tập luyện thể dục thể thao, và không ít tài năng xuất phát từ những người thuộc số đông như vậy. Nền thể dục thể thao Nhật Bản mạnh chủ yếu vì họ có triết lý lành mạnh về thể dục thể thao (tức là họ hiểu ích lợi của thể dục thể thao và tạo mọi điều kiện để toàn dân có điều kiện tham gia thể dục thể thao).

Nếu bạn muốn tham gia thể dục thể thao mà không muốn tham gia lớp học nào?
Rất dễ dàng, bạn có thể tập thể hình ở phòng tập của trường, hay bơi tại bể bơi trong nhà. Ngoài ra, có các câu lạc bộ như kiếm đạo, võ thuật (karate, judo, v.v...) và bạn có thể tham dự. Có cả câu lạc bộ do học sinh tự tổ chức lẫn câu lạc bộ có giáo viên võ thuật hướng dẫn. Bạn cũng có thể tổ chức đá bóng hay bóng chày tại sân ngoài trời của trường. Nhìn chung, hầu như mọi nhu cầu về thể dục thể thao của bạn có thể được đáp ứng, ngay cả những môn như khí công cũng có lớp để bạn tham gia luôn. Hay cả môn đặc thù như trượt tuyết cũng có lớp nhưng trong trường hợp này lớp được tổ chức ở bên ngoài trường và có thể bạn phải trả tiền vì cần phải thuê sân trượt.

Tôi nói rõ về thể dục, thể thao vì đây là một phần trong TRIẾT LÝ GIÁO DỤC của nước Nhật. Giáo dục về sức khỏe thực ra có vai trò quan trọng không kém so với học thức.

Dạy và học ngoại ngữ

Tô-cô-đai là một trường có môi trường học ngoại ngữ tuyệt vời với rất nhiều giáo viên bản ngữ có trình độ và các lớp học mà bạn tự do tham dự (tiếng Anh thường có giáo viên Mỹ, Anh, Úc và bạn tự do chọn các lớp, tiếng Trung cũng vậy, phần lớn là giáo viên bản ngữ). Tất nhiên là có cả giáo viên người Nhật và cũng có cái hay riêng. Một trong những đặc điểm lớn nhất của trường là sự quốc tế hóa, chú trọng tự do trong học tập (tự do lựa chọn môn học và số unit cần lấy ít hơn các trường khác) và tỷ lệ du học sinh cao khoảng 12%.
Học sinh của trường bắt buộc phải lấy đủ một số unit ngoại ngữ bắt buộc để tốt nghiệp. Ngoài số này ra, bạn có thể học thêm tùy thích. Số bắt buộc này gồm: Tiếng Anh và ngoại ngữ thứ hai (tiếng Đức, Pháp, Nga, Trung), tổng cộng ít nhất 14 unit. Nếu bạn đậu TOEIC với điểm số trên một mức nào đó, bạn có thể dùng nó để thay thế.

Ưu tiên cho du học sinh
Du học sinh có thể học tiếng Nhật và thời sự Nhật Bản để thay thế cho tối đa 6 unit của một trong 3 loại môn: Môn xã hội; Môn giáo dục thể chất; Môn ngoại ngữ. => Nên dùng thay cho các môn xã hội cho đỡ cực.

Cơ hội học ngoại ngữ ở đây là bạn được tự do đăng ký các lớp để học, có thể kỳ nào bạn cũng học ngoại ngữ cũng được. Phần lớn là do giáo viên bản ngữ dạy, do đó chỉ cần ngồi trong lớp ngoại ngữ của bạn cũng có thể lên như diều gặp gió. Một lớp bạn có thể học đi học lại để luyện giao tiếp cũng được (tất nhiên là nếu học lại thì bạn không thể lấy unit được). Bảng điểm của tôi thường khá ấn tượng vì thời lượng học ngoại ngữ khá lớn và điểm cao ngất, mà thực tế có phải làm gì đâu. Vào lớp như ngồi thư giãn thôi. Vừa chơi mà ngoại ngữ lên vèo vèo được. Học giáo viên bản ngữ thì phát âm, giao tiếp sẽ chuẩn, chỉ cần chị khó ngồi nghe thôi.
Trường cũng có thư viện riêng cho từng ngôn ngữ, ví dụ thư viện tiếng Trung bạn có thể lên đó mượn sách luyện đề thi (kỳ thi Năng lực Tiếng Trung chẳng hạn) hay mượn phim về coi.

Ngoài ra, ở Nhật thì cơ hội lấy bằng cấp ngoại ngữ của bạn là rất lớn. Bạn dễ dàng đăng ký thi TOEIC, TOEFL hay các kỳ thi ngôn ngữ khác như Chứng chỉ tiếng Trung (中国語検定 Chuugokugo Kentei) một cách dễ dàng với chất lượng âm thanh, phòng thi chuẩn quốc tế. Nếu bạn muốn lên cao học một số trường, ví dụ như Tô-đai, bắt buộc bạn phải có chứng chỉ TOEFL. Trong mọi trường hợp, bạn nên lấy nhiều chứng chỉ ngoại ngữ vì chúng sẽ giúp bạn có lợi thế to lớn trong xin việc tại Nhật - nơi càng ngày càng coi trong quốc tế hóa. Còn bằng tiếng Nhật N1 thì đương nhiên là bạn nên lấy, nó sẽ giúp bạn có thể kiếm việc dịch thuật, thông dịch Nhật - Việt một cách dễ dàng (có thể kiếm khá đấy!). Một số công ty nhiều người Việt tại Nhật cũng sẽ tăng lương nếu bạn có N1. Một số công ty Nhật cũng thưởng hay tăng lương nếu bạn có TOEIC trên một mức nào đó.

Nếu bạn học ở Nhật, bạn rất nên học và lấy bằng cấp tiếng Anh nữa, bên cạnh bằng tiếng Nhật N1!

Ký túc xá - Nhà ăn

Các trường đại học tại Nhật mà tôi biết thì đều có nhà ăn (食堂 shokudou = THỰC ĐƯỜNG), giá thường rẻ hơn bên ngoài, tầm 300 - 500 yên/bữa ăn (bên ngoài tầm 500 - 800), tuy nhiên ăn nhiều sẽ chán và nhìn chung số món cũng không quá đa dạng phong phú, ăn nhiều sẽ ngán tận cổ. Chỉ được cái là rẻ.
Ngoài ra, trong trường thường có 生協 Seikyou (SINH HIỆP), là một dạng siêu thị dành cho sinh viên, bán đủ thứ từ đồ bánh kẹo tới văn phòng phẩm. Ở trong Tô-đai còn có cả cửa hàng tiện lợi (tất nhiên là do trường cho mở bên trong trường) nên ăn uống cũng thuận tiện. Học ở Tô-cô-đai thì ngay trước cổng trường là McDonald (giống như Lotteria vậy), bạn tha hồ bội thực vì hăm-bơ-gơ. Mấy năm trước, Tô-cô-đai cũng cho mở cửa hàng tiện lợi AM-PM ngay trong trường luôn. Các trường bên Nhật thường như vậy nên có thể sống luôn trong trường mà không thèm vác mặt ra thế giới bên ngoài.
Ở Nhật, các trường đại học rất coi trọng Campus Life (Cuộc sống trong khuôn viên trường) và nhiều người khi làm luận văn còn sống luôn trong phòng lab mà không về nhà (làm ngày làm đêm cho kịp).
Ngoài ra, vì tòa nhà nào cũng có nhà vệ sinh, kể cả thư viện, nhà ăn, v.v... nên bạn hoàn toàn không cần lo những vấn đề này. Thậm chí, nhà vệ sinh trong các trường đại học còn sạch đẹp và hiện đại hơn ở nhà của bạn nữa. Đặc biệt là Tô-đai, ở các tòa nhà mới thì nhà vệ sinh không chê vào đâu được, còn giấy vệ sinh thì chính là nhãn hàng của Tô-đai luôn.
Campus Life là cái mà trường nào cũng chú trọng, vì đây là một điểm để thu hút khách hàng. Do đó, thường cuộc sống trong trường khá tiện lợi về mọi mặt và được nâng cao dần theo từng năm.

Giới thiệu việc làm thêm

Hầu như trường nào cũng giới thiệu việc làm thêm cho sinh viên, có hẳn một phòng như thế. Bạn chỉ cần qua đó và tìm các tuyển dụng tương ứng mà thôi. Các nhà tuyển dụng thường đặt quảng cáo tuyển người tại phòng giới thiệu việc làm cho sinh viên. Tôi xin nhắc lại là: Các phòng ban trong trường đại học tại Nhật rất lịch sự vì bạn là KHÁCH HÀNG.
Có hai thể loại công việc làm thêm:
  • Công việc trong trường: Như làm thủ thư, trợ giảng, quản lý phòng ốc, v.v... Tuy nhiên do sinh viên đông đảo nên khá khó xin những việc như thế.
  • Công việc ngoài trường: Thường các trường nổi tiếng như Tô-cô-đai thì hay có tuyển dụng lập trình, gia sư, v.v...
Tuy nhiên, xin việc qua trường cũng không hẳn dễ vì việc ít, người đông. Thường nếu bạn muốn kiếm việc thì phần lớn phải xin từ bên ngoài, qua các báo miễn phí đặt ở các cửa hàng, siêu thị, ... như Townwork, qua các trang web giới thiệu việc làm (HelloWork) hay việc làm thêm. Đơn giản nhất là lượn quanh khu sầm uất xem có cửa hàng nào đăng tuyển dụng không. Công việc nhiều nhất là quán ăn, nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, v.v...
Theo thống kê:
  • 50% làm thêm trong nhà hàng, quán ăn
  • 20% làm công việc bán hàng
Mức lương ở Tokyo thì từ 850 yên/giờ trở lên (mức lương tối thiểu mỗi nơi khác nhau, cao nhất là Tokyo và Kanagawa, thành phố Yokohama (nằm trong Kanagawa)). Nếu bạn biết lập trình, bạn có thể kiếm 1000 - 1500 yên/giờ. Trước mình đi làm thì là 1000 yên/giờ, công việc khá nhàn mà lương khá cao, khi đi làm mắt muốn rơi lên bàn vì buồn ngủ!
Nếu dạy tiếng Việt, bạn có thể kiếm 3000 - 5000 yên/giờ, tuy nhiên việc này thường ít giờ, tuần 2 giờ chẳng hạn. Chỉ làm cho có hương có hoa dù tiền lương theo giờ cao.
Nếu bạn có bằng tiếng Nhật N1 và nói năng tốt, đi làm thông dịch kiếm 20,000 - 30,000 yên/giờ là chuyện dễ dàng. Kiếm tiền kiểu này bao giờ cũng rất ngon lành. Tuy nhiên, cạnh tranh cũng khá cao và bạn cần biết cách để xin việc. Công việc kiểu này cũng thường ngắn hạn, chỉ 1 vài ngày chứ không thường xuyên.
Làm công việc không thường xuyên thì hiệu suất kiếm tiền bao giờ cũng gấp 3 lần thông thường. Đó là kết luận của Takahashi. Vì thế nên tôi chỉ thích những công việc như thế! Có nhiều công việc bạn tới đó ngồi chẳng làm gì! Nghe có vẻ ngược đời, nhưng kỳ thực là như vậy. Cái bạn cần chỉ là thời gian tự do, tuy nhiên nếu bạn đang có công việc làm thêm ổn định thì sẽ khó kiếm công việc ngắn hạn lương cao.

Thi vào trường đại học Nhật

Nếu bạn vào Tô-cô-đai mà không phải là học sinh Nhật thì bạn có thể chọn thi kỳ thi riêng cho du học sinh (điều kiện: bạn không có quốc tịch Nhật), tuy nhiên, nếu bạn tự tin thì có thể thi chung với học sinh Nhật cho nó HOÀNH TRÁNG (quan điểm của Takahashi: Sống là phải hoành tráng).

Trước tiên mình nói sơ về việc học sinh Nhật sẽ thi đại học thế nào đã.

Kỳ thi chung
Học sinh tại Nhật sẽ phải tham dự Kỳ thi của Trung tâm Thi lên đại học (大学入試センター試験 Daigaku Nyuushi Sentaa Shiken = ĐẠI HỌC NHẬP THÍ CENTER THÍ NGHIỆM)
大学入試センター là một tổ chức độc lập tổ chức kỳ thi chung cho học sinh muốn thi lên đại học tại Nhật, vì thế kỳ thi này hay được gọi là "Sentaa Shiken", hiểu theo nghĩa là "Kỳ thi của Trung tâm", ở đây là chỉ "Trung tâm tổ chức thi đại học" đã nói ở trên.

Các môn thi: Các môn cơ sở, gồm cả ngoại ngữ. Tùy trường đại học bạn thi vào mà bạn chọn các nhóm môn phù hợp.
Lịch thi: Ngày thứ 7, chủ nhật ngay sát sau ngày 13/1 hàng năm.

Sử dụng kết quả kỳ thi chung
Phần lớn trường đại học quốc lập và công lập sử dụng kết quả kỳ thi chung này như điều kiện để bạn tham gia kỳ thi của trường. Một số trường tư thì chỉ sử dụng kết quả này để tuyển. Một số trường (như đại học Kyoto) thì dùng kết quả này làm một phần tính điểm cộng vào kết quả kỳ thi của trường. Một số không sử dụng kết quả kỳ thi này.
Nhìn chung, nếu bạn lên đại học thì gần như bắt buộc bạn phải thi kỳ thi này.

Kỳ thi của trường
Bạn phải thi kỳ thi "Daigaku Nyuushi Sentaa Shiken" và phải có đủ điểm để có tư cách thi kỳ thi của trường, hạn đăng ký thi vào trường là tầm 28/1 ~ 6/2, ngày thi vào trường là 25, 26/2; thông báo kết quả 8/3; làm thủ tục nhập học 14 ~ 15/3 (lịch năm 2013). Thường kỳ thi tổ chức vào thứ 7, chủ nhật.

Điều kiện đăng ký thi vào trường
Học sinh Nhật: Phải học đủ 12 năm cơ sở, học sinh nước ngoài: Phải đủ 12 năm học cơ sở tại nước mình. Với trường Tô-cô-đai, bạn phải thi kỳ thi chung (Sentaa Shiken) với những môn yêu cầu của trường và điểm tổng phải đạt trên 600 điểm (Điểm tối đa là 950 điểm). Nghĩa là mỗi trường sẽ có điểm chuẩn và bạn phải vượt qua đó mới đủ điều kiện đăng ký dự thi.

Thi vào trường sẽ gồm Thi viết (筆記試験 Hikki Shiken = BÚT KÝ THÍ NGHIỆM) và Phỏng vấn (面接 Mensetsu = DIỆN TIẾP). Thi viết thường là để đánh giá năng lực tổng hợp của bạn.

Nên thi trường nào? Tỷ lệ chọi bao nhiêu? Khoảng bao nhiêu điểm thì đậu?
Nếu tôi là người Nhật, nhìn chung chưa thi tôi đã biết mình đậu vì mọi thông tin đều được trường công khai, từ điểm đậu các năm trước, tỷ lệ chọi, đề các năm trước, v.v... Chỉ cần tra cứu là ra hết.
Ví dụ như điểm đậu cho mỗi nhóm ngành [ref], có thể thấy nhóm ngành 4 điểm của người cao nhất là 568, điểm thấp nhất là 392, đây chính là điểm thấp nhất để đậu. Tỷ lệ chọi cũng có trên trang web, tỷ lệ chọi của Tô-cô-đai thường là 1 đấu 5 (thay đổi tùy theo nhóm ngành).
Mọi thông tin ở Nhật đều công khai, nếu khôn ngoan bạn có thể tạo ra chiến lược thi tốt nhất cho bạn. Bạn có đậu đại học hay không phụ thuộc vào:
  • Sự ôn luyện cho tới ngày thi, đặc biệt luyện đề (để nâng cao điểm số)
  • Chiến lược chọn trường thi phù hợp với năng lực
  • Chiến lược chọn trường đề phòng (trường bạn chắc chắn đậu)
  • Nắm vững đề các năm trước, tỷ lệ chọi, thông tin tuyển sinh
  • v.v...
Thi đại học giống như chơi game, bạn phải có chiến lược chơi mới thắng được. Tất nhiên không phải thắng người khác mà thắng chính mình thôi. Những người khác là do họ tự thua. Bản thân Takahashi không bao giờ thì vào trường mà không chắc chắn đậu. Nếu không, tôi sẽ không thi mà chờ. Bằng cách đó không chỉ có sự chuẩn bị tốt nhất mà còn tiết kiệm tiền đăng ký thi nữa (thường là 30,000 yên/trường).
Nếu bạn trượt? Không có gì lớn lao cả (No big deal!). Thua một game không có nghĩa là bạn sẽ thua các game khác hay bạn là kẻ thua cuộc (loser). Học đại học chỉ là một trong vô vàn game cuộc sống thôi, không cần đánh giá bản thân qua việc đó. Hãy như Takahashi, cứ coi bản thân vô giá trị thì bạn có thể chơi các game khác tốt hơn!


Với du học sinh
Du học sinh khá được ưu đãi, khi được miễn thi kỳ thi "Sentaa Shiken", thay vào đó sẽ thi năng lực tiếng Nhật tại Trung tâm Du học sinh của trường. Ngoài ra, kỳ thi vào trường sẽ được tổ chức riêng cho du học sinh vào ngày 23/1 và phỏng vấn vào ngày 15/2 (lịch năm 2013). Nghĩa là, du học sinh không thi cùng học sinh Nhật. Dù sao, nếu bạn có khả năng thì thi cùng cho nó hoành tráng cũng không tệ, sau này tha hồ chém gió.
Điều kiện dành cho du học sinh có trên trang web của trường, đại khái là bạn phải học hết 12 năm phổ thông, đủ 18 tuổi và phải có kết quả kỳ thi Lưu học sinh (EJU). Kỳ thi EJU này được tổ chức ở các địa phương tại Nhật và bạn phải thi EJU để nộp kết quả vào trường.
Trong kỳ thi EJU, bạn phải thi môn tiếng Nhật (nghe hiểu, nghe đọc hiểu, đọc hiểu, viết) và các môn cơ sở (vật lý, hóa học, toán 2), các môn phải có điểm như sau:
  • Tiếng Nhật: Thấp nhất là 260 điểm (tối đa 450 điểm)
  • Các môn cơ sở: Thấp nhất là 280 điểm (tối đa 400 điểm) => Thi bằng tiếng Anh hay tiếng Nhật đều được
Chỉ được sử dụng kết quả thi tháng 6 hoặc tháng 11. Bạn nên lên trang của JASSO kiếm đề tiếng Nhật làm thử vì cách thi khác kỳ thi Năng lực tiếng Nhật (JLPT) ví dụ kỳ thi Ryu này có thi viết còn JLPT thì không.

Học phí đại học tại Nhật

Khi bạn vào trường bạn phải đóng "Tiền nhập học", tiếng Nhật: 入学金 Nyuugakukin (NHẬP HỌC KIM), khoảng 30 vạn yên (30 man), tức là tầm 3000 USD. Tiền nhập học chỉ đóng một lần duy nhất.
Sau đó, mỗi năm bạn phải đóng tiền học phí, chia làm 2 kỳ (mỗi kỳ đóng một nửa). Học phí ở Tô-cô-đai là 535,800 yên/năm (tầm 5500 USD/năm theo tỷ giá hiện tại).
Tuy nhiên, do đây là trường quốc lập (国立大学 Kokuritsu Daigaku = QUỐC LẬP ĐẠI HỌC) nên học phí sẽ rẻ hơn trường tư (gọi là 私立大学 Shiritsu Daigaku = TƯ LẬP ĐẠI HỌC), thường chỉ bằng 60% trường tư. Trường tư học phí có thể lên tới 100 vạn yên/năm.

Còn một loại trường nữa là trường công lập (公立大学 Kouritsu Daigaku = CÔNG LẬP ĐẠI HỌC) là trường do các tỉnh thành lập nên, ví dụ thuộc thành phố Tokyo thì gọi là 都立 Toritsu (ĐÔ LẬP) vì Tokyo được xếp vào là 都 "To", còn do các tỉnh (県 Ken = HUYỆN) lập nên thì gọi là 県立 Kenritsu (HUYỆN LẬP). Nhìn chung thì trường quốc lập, công lập thì giá học phí rẻ, còn trường tư thì học phí mắc.

Dưới đây là học phí một số trường (đơn vị: Yên Nhật JPY):

Trường Thể loại Tiền nhập học Học phí 1 năm
Tô-cô-đai Đại học quốc lập 282,000 535,800
Đại học Tokyo Đại học quốc lập 282,000 535,800
Đại học Keio Đại học tư lập 200,000 1,000,000 ~ 1,500,000
(Ngành y: 3,600,000)
Đại học Waseda Đại học tư lập 200,000 1,300,000
Đại học APU (Châu Á Thái Bình Dương) Ritsumekan Đại học tư lập 130,000 1,300,000
Đại học Đô lập Tokyo Đô lập (thuộc Tokyo) 282,000
Người ở Tokyo: 141,000
520,800

Thường các trường công lập thì ưu tiên người có địa chỉ thường trú tại đó trước đó ít nhất 1 năm (hoặc có vợ/chồng hoặc cha/mẹ như thế).
=> Chiến lược: Nếu bạn định thi vào trường công lập thì trước đó 1 năm nên chuyển địa chỉ đến tỉnh đó đi là vừa!

Miễn giảm tiền nhập học, học phí ở Tô-cô-đai
Nếu học sinh gặp khó khăn về kinh tế (người chi trả mất trong vòng 1 năm trước nhập học hay gặp thiên tai) thì có thể xin giảm tiền nhập học hoặc hoãn nộp (giảm thì còn 1/2) và xin miễn giảm học phí (miễn hoàn toàn hay giảm một nửa). Điều kiện là gặp khó khăn về kinh tế và có thành tích học tập tốt (thành tích cấp 3).

Thường thì du học sinh được miễn giảm học phí khá nhiều.

Học bổng khi học đại học

Học bổng tiếng Nhật là 奨学金 Shougakukin (TƯỞNG HỌC KIM).
Nếu bạn học ở các trường đại học nổi tiếng, cơ hội xin được học bổng không nhỏ. Đối với học sinh người Nhật thì học bổng có thể là:
  • Dạng vay không lãi suất: Bạn vay trong quá trình học và sau đó đi làm trả lại. Đây là học bổng của JASSO (Tổ chức hỗ trợ học sinh sinh viên Nhật Bản). Có 2 loại là 30,000 yên/tháng hay 48,000 yên/tháng.
  • Dạng vay có lãi suất: Có nhiều loại từ 30,000 tới 120,000
Bên cạnh học bổng của JASSO (dạng cho vay) là học bổng của các tổ chức tư nhân hay cá nhân (gọi là 民間奨学金 Minkan Shougakukin DÂN GIAN TƯỞNG HỌC KIM). Học bổng này có thể là dạng cấp luôn không cần trả lại (給与 Kyuuyo CẤP DỮ) hay dạng cho vay (貸与 Taiyo ĐẠI DỮ). Nếu bạn xem danh sách học bổng thì mỗi năm có tầm 50 - 60 loại học bổng, tất nhiên là điều kiện đăng ký, xét tuyển sẽ khác nhau.
Học bổng thì bạn nên quan tâm các vấn đề sau:
  • Bạn có đủ tư cách đăng ký không? (Xem điều kiện đăng ký)
  • Là cho vay hay cấp đứt luôn? Nếu cho vay thì có lãi suất hay không lãi suất? Tất nhiên cấp đứt vẫn ngon hơn.
  • Bao nhiêu tiền một tháng?
  • Cấp cho bạn trong bao lâu? (Một năm, 2 năm, hay bao lâu?)
Nếu bạn xem danh sách học bổng cấp đứt luôn thì năm 2011 tầm 60 học bổng, năm 2012 tầm 50 loại học bổng và năm 2013 thì cũng có hơn chục học bổng (sẽ tăng lên theo thời gian). Có loại 直接応募 Chokusestu Oubo (TRỰC TIẾP ỪNG MỘ) nghĩa là bạn có thể ứng tuyển trực tiếp mà không cần trường giới thiệu.

Hỗ trợ tài chính cho người theo khóa tiến sỹ
Những người đang theo nửa sau khóa tiến sỹ có thể được miễn toàn bộ học phí với điều kiện đổi lại sẽ làm công việc TA (Teaching Assistant = Trợ giảng) và RA (Research Assistant = Trợ lý nghiên cứu) cho trường.

Học bổng cho du học sinh
(Tiếng Nhật: 留学生用奨学金 Ryuugakusei-you Shougakukin LƯU HỌC SINH DỤNG TƯỞNG HỌC KIM)
Đây có lẽ là phần bạn quan tâm nhất nếu bạn du học tại Nhật. Học bổng cho du học sinh là học bổng tư nhân (民間奨学金 Minkan Shougakukin) cấp cho du học sinh tư phí (私費留学生 Shihi Ryuugakusei TƯ PHÍ DU HỌC SINH = du học sinh tự trang trải học phí) và được thông báo trên bảng tin, do đó du học sinh phải xem bảng tin thường xuyên.
Có hai loại học bổng:
  • Học bổng cần tiến cử (推薦 Suisen THÔI TIẾN) của trường
  • Học bổng không cần tiến cử của trường mà bạn đăng ký trực tiếp
Mỗi loại sẽ có trình tự đăng ký khác nhau (khác nhau lớn nhất chính là thư tiến cử của trường). Nhìn chung, thường sau một, hai năm nếu nỗ lực bạn có thể xin được học bổng, thấp thì 50,000 yên/tháng, nhiều thì 100,000 yên/tháng. Tất nhiên, thành tích học tập thường phải không tệ lắm.

Phân loại ngành, khoa, môn học

Các ngành thường chia như sau:
  • 工学部 Kougakubu (CÔNG HỌC BỘ) = Ngành kỹ thuật
  • 理学部 Rigakubu (LÝ HỌC BỘ) = Ngành khoa học tự nhiên
  • 文学部 Bungakubu (VĂN HỌC BỘ) = Ngành văn học
  • 法学部 Hougakubu (PHÁP HỌC BỘ) = Ngành luật
  • 薬学部 Yakugakubu (DƯỢC HỌC BỘ) = Ngành dược
  • 医学部 Igakubu (Y HỌC BỘ) = Ngành y
  • 経済学部 Keizai Gakubu (KINH TẾ HỌC BỘ) = Ngành kinh tế
  • 商学部 Shougakubu (THƯƠNG HỌC BỘ) = Ngành thương mại
  • 生命理工学部 Seimei Rikou Gakubu (SINH MỆNH LÝ CÔNG HỌC BỘ) = Ngành bio (kỹ thuật sinh học)
  • v.v....
Mỗi ngành thì gồm nhiều khoa (bộ môn), ví dụ 工学部 gồm rất nhiều khoa như khoa tin học, điện - điện tử, hóa học cao phân tử, v.v... cũng tới vài chục khoa.
Ở Nhật thì không có ngành quản trị kinh doanh như Việt Nam, mà chỉ có môn quản trị kinh doanh, được xếp trong Keizai Gakubu (Ngành kinh tế).
Về tên gọi chung thì 理工系 Rikoukei (LÝ CÔNG HỆ) hay 理系 Rikei là tên gọi chung cho ngành kỹ thuật, còn 文系 Bunkei (VĂN HỆ) là tên gọi chung cho ngành xã hội.
Trong trường đại học thì môn xác suất thống kê hay môn thống kê lại được xếp vào loại môn xã hội (Bunkei) có lẽ là xếp theo mục đích sử dụng (các môn này được sử dụng nhiều khi học ngành Bunkei).
Nếu bạn muốn tìm hiểu thì nên lên trang web các trường, sẽ có liệt kê đầy đủ các ngành, các khoa.

Xin việc sau khi tốt nghiệp

Xin việc sau khi tốt nghiệp là vấn đề mà các trường đại học, cao đẳng, v.v... tại Nhật rất quan tâm vì cốt lõi của giáo dục vẫn là xin việc đi làm. Sau khi bạn tốt nghiệp thì hoặc học lên cao (進学 Shingaku TIẾN HỌC) hoặc bạn đi làm (就職 Shuushoku TỰU CHỨC) thông qua "Hoạt động tìm việc làm" (就職活動 Shuushoku Katsudou TỰU CHỨC HOẠT ĐỘNG). Trường sẽ tổ chức các sự kiện "Hoạt động tìm việc làm" để các doanh nghiệp Nhật và học sinh của trường tiếp xúc với nhau và tìm hiểu thông tin.
Các sự kiện như thế thường được vài chục doanh nghiệp tham gia mỗi lần, học sinh sắp tốt nghiệp sẽ tới đó tìm hiểu thông tin về các doanh nghiệp, ngành nghề để lựa chọn nơi xin việc cho mình.

Khác biệt ở Nhật là, bạn phải xin việc từ đầu năm 4 đại học. Tức là, trước khi tốt nghiệp thì bạn đã được nhận vào công ty nào đó rồi. Đây là thông lệ trong xã hội Nhật. Thông thường, sinh viên thường xin việc từ đầu năm 4 nhưng những người lười biếng thì có thể chậm hơn nửa năm. Xin việc ở Nhật cũng không dễ, phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn, ngoài ra trước đó phải làm kiểm tra như kiến thức tổng quát, trắc nghiệm tính cách, ... Đặc biệt các công ty lớn sẽ phải vượt qua nhiều vòng với các câu hỏi rất khó khăn (Ví dụ "10 năm nữa bạn sẽ thế nào?"). Tỷ lệ cạnh tranh vào các công ty lớn (大手企業 Oote Kigyou ĐẠI THỦ DOANH NGHIỆP) rất cao vì ở Nhật ai cũng muốn vào những công ty như thế.

Chế độ "Tiến cử" của trường khi tìm việc
Các trường nổi tiếng thì có chế độ "Tiến cử" (推薦 Suisen), là chỉ tiêu mà các công ty lớn dành cho trường theo hiệp định ký kết giữa hai bên. Nếu xin việc qua "Tiến cử" thì rất dễ dàng, tỷ lệ xin được cũng gần 100%, tuy nhiên một người chỉ được xin một suất và cũng phải cạnh tranh nhau nếu nhiều người cùng đăng ký vào một công ty mà chỉ tiêu thì ít hơn số người. "Suisen" là cách chắc ăn để xin vào các công ty lớn.
Bạn có thể nghĩ nếu các công ty này nhận mà không thực sự tuyển chọn qua các vòng thi thì nhỡ nhận được học sinh yếu kém thì sao?
Thực ra thì đây là do các công ty tin tưởng vào các trường nên chấp nhận có thể tuyển được nhân viên tốt hay kém một chút. Thường vào các công ty sẽ có "Các khóa đào tạo cho người mới" (新人研修 Shinjin Kenshuu TÂN NHÂN NGHIÊN TU) để đảm bảo nhân viên sẽ làm được việc. Với lại, các công ty lớn cũng thường sẵn sàng nuôi một số người không làm được việc vì ngân sách có một phần cho việc đó và các công ty lớn tại Nhật tuân thủ nguyên tắc là "Không sa thải nhân viên". Việc "Không sa thải nhân viên" cũng là một trong những điều các công ty giữ để nâng cao uy tín của mình.
Quan điểm chung trong xã hội Nhật Bản là người trung bình mà được đào tạo cẩn thận thì vẫn làm được việc. Do đó, các công ty lớn thường dành 2 năm với rất nhiều khóa đào tạo để đào tạo kỹ năng cho nhân viên của mình (kể cả kỹ năng chào hỏi). Vì thế, họ mong muốn nhân viên làm việc lâu dài cho họ và nếu bạn muốn nghỉ việc thì họ thường tìm mọi cách để cho bạn ở lại.

Các trường học ở Nhật cũng làm mọi cách để sinh viên tốt nghiệp xin được công việc tốt, vì đây là một điểm để họ lôi kéo khách hàng (các sinh viên tương lai) về. Các trường sẽ được đánh giá thông qua tỷ lệ sinh viên đi làm ở những doanh nghiệp lớn nhất tại Nhật. Tô-cô-đai luôn nằm trong những trường thứ hạng rất cao, đặc biệt mặc dù là trường kỹ thuật nhưng số lượng làm trong ngành tài chính rất nhiều. Lý do là vì ngành tài chính Nhật rất mong muốn những người có khả năng tư duy lô gic tốt.

Các trường đại học tại Nhật cũng thường liên kết mật thiết với các doanh nghiệp lớn như nghiên cứu phát triển sản phẩm chung (thông qua đặt hàng từ doanh nghiệp cho các phòng lab chẳng hạn), mời các doanh nghiệp về trường giảng dạy một số môn dưới dạng thuyết trình để sinh viên nắm rõ xu thế của nền kinh tế, v.v... Đó cũng là thế mạnh các trường đại học của Nhật vì họ theo sát nhu cầu của xã hội và khách hàng (gồm cả sinh viên và các doanh nghiệp).

Tên gọi tắt các trường đại học Nhật Bản

Ở Nhật thì cái gì cũng gọi tắt cho ngắn gọn, ví dụ "Tết âm lịch" 旧正月 Kyuushougatsu (CỰU CHÍNH NGUYỆT) sẽ gọi tắt là 旧正 Kyuushou, 生産技術 Seisan Gijutsu (SINH SẢN KỸ THUẬT) tức "Kỹ thuật sản xuất" sẽ gọi tắt là 生技 Seigi. Tên các trường đại học cũng không ngoại lệ. Một số tên gọi tắt như sau:
  • 東京外国語大学 Toukyou Gaikokugo Daigaku (ĐÔNG KINH NGOẠI NGỮ ĐẠI HỌC) => 東外大 Tougaidai
  • 東京工業大学 Toukyou Kougyou Daigaku (ĐÔNG KINH CÔNG NGHIỆP ĐẠI HỌC) => 東工大 Toukoudai
  • 東京大学 Toukyou Daigaku => 東大 Toudai
  • 大阪大学 Oosaka Daigaku => 阪大 Handai (lấy chữ "Han" trong tên "Oosaka")
  • 京都大学 Kyouto Daigaku (KINH ĐÔ ĐẠI HỌC = Đại học Kyoto) => 京大 Kyoudai
  • 東北大学 Touhoku Daigaku (ĐÔNG BẮC ĐẠI HỌC) => 東北大 Touhokudai
  • 早稲田大学 Waseda Daigaku (TẢO ĐẠO ĐIỀN ĐẠI HỌC) => 早大 Soudai
  • 日本大学 Nihon Daigaku (NHẬT BẢN ĐẠI HỌC) => 日大 Nichidai

Thể loại trường cũng được gọi tắt:
  • 芸術大学 Geijutsu Daigaku (NGHỆ THUẬT ĐẠI HỌC) => 芸大 Geidai
  • 医科歯科大学 Ika Shika Daigaku (Y KHOA SỈ KHOA ĐẠI HỌC = Đại học Y khoa - Nha khoa) => 医歯大 Ishidai
  • v.v...
Ví dụ 東京医科歯科大学 => 東京医歯大.

Nếu muốn biết thêm các bạn có thể tra với từ khóa 大学の略称 Daigaku no Ryakushou (ĐẠI HỌC no LƯỢC XƯNG).

Học đại học không phải là con đường duy nhất

Tôi giới thiệu học đại học tại Nhật vì tôi quen thuộc và biết rõ hơn chứ không phải vì học đại học là con đường tốt nhất hay duy nhất. Các trường học trong một nền giáo dục thì cũng thường tương đồng với nhau, cho nên biết một thứ các bạn có thể nắm được phần nào toàn thể. Để sống tốt hay đạt được mục tiêu, lý tưởng của bạn thì không nhất thiết là cần phải học đại học mà nên học thứ bạn cần và thứ bạn muốn. Học đại học hay học trường nào là một khoản đầu tư, bạn đầu tư tiền bạc, thời gian, công sức vào đó. Nếu có một con đường khác phù hợp hơn (về tài chính, về thời gian, về nhu cầu, v.v...) thì chọn con đường đó sẽ dễ dàng và đem tới cuộc sống tốt hơn.

Điều tuyệt vời ở Nhật là bạn có rất nhiều lựa chọn. Tất cả chỉ tùy thuộc vào năng lực, nhu cầu, điều kiện tài chính, v.v... của bạn. Cho dù bạn là ai thì bạn cũng có cơ hội nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp của mình.

Hệ thống giáo dục Nhật Bản:
Đại học ngắn hạn (Tanki Daigaku)
Tiếng Nhật: 短期大学 Tanki Daigaku (ĐOẢN KỲ ĐẠI HỌC), gọi tắt là 短大 Tandai. Tại đại học ngắn hạn, bạn chỉ học 2 - 3 năm, giống như trường cao đẳng tại Việt Nam vậy. Bạn phải tốt nghiệp cấp 3 (gọi là 高等学校 Koutou Gakkou CAO ĐẲNG HỌC HIỆU hay 高校 Koukou CAO HIỆU) thì mới có thể vào đây được.
Còn nếu bạn chưa tốt nghiệp cấp 3?

Trường chuyên tu (Kousen)
Tiếng Nhật: 高等専門学校 Koutou Senmon Gakkou (CAO ĐẲNG CHUYÊN MÔN HỌC HIỆU), gọi tắt là 高専 Kousen (CAO CHUYÊN), một dạng trường chuyên đào tạo nghề nghiệp chuyên môn về một lĩnh vực nào đó.
Để vào các trường Kousen này, bạn chỉ cần tốt nghiệp cấp 2 (gọi là 中学校 Chuugakkou TRUNG HỌC HIỆU) là có thể thi vào được. Trường Kousen sẽ học trong 5 năm (trừ ngành chế tạo thuyền thì 5 năm 6 tháng).

Đây là một hình thức giáo dục rất hay của Nhật Bản, bởi vì nó giúp cho mọi người được đào tạo và khi ra trường hầu như 100% có việc làm, cao hơn các trường cấp 3 hay đại học nhiều. (Bạn có thể kiểm chứng thông tin tại trang Wikipedia ở trên)

Tức là, đây chính là nơi đào tạo ra các "thợ lành nghề" cho nước Nhật. Các trường Kousen này cũng mở ra cơ hội học tập cho mọi cá nhân tại Nhật Bản, bởi vì chỉ cần tốt nghiệp cấp 2 là có thể thi vào. Bạn cũng nên nhớ là giáo dục bắt buộc ở Nhật là hết cấp 2, cha mẹ hay người đỡ đầu phải cho đi học hết cấp độ này (học phí được miễn phí cho giáo dục bắt buộc). Nếu trẻ em không được học hết cấp 2, cha mẹ hay người đỡ đầu đã vi phạm pháp luật về giáo dục và có thể bị tước quyền.

Thi chuyển lên đại học
Sau khi học 3 năm ở trường Kousen (CAO CHUYÊN), bạn có thể thi vào đại học và nếu đậu có thể chuyển lên đại học (gọi là 編入 Hennyuu BIÊN NHẬP). Bởi vì, quy định điều kiện thi vào đại học của Nhật là phải có ít nhất 12 năm học cơ sở. Học sinh Việt Nam cũng học 12 năm cơ sở, nên học xong 12 có thể vào học đại học tại Nhật. Một số ít nước học 10 năm như Ấn Độ thì bắt buộc phải học thêm 2 năm tại nước mình hoặc sang Nhật học 2 năm mới được thi vào.

Nghĩa là, nếu bạn ở Nhật bạn hoàn toàn có cơ hội vào đại học, miễn là bạn có NĂNG LỰC và Ý MUỐN.

Trường dạy nghề (Senshuu Gakkou)
Tiếng Nhật là 専修学校 Senshuu Gakkou (CHUYÊN TU HỌC HIỆU). Các trường dạy nghề này có mục đích là đào tạo nâng cao kiến thức của cấp 3 (với những người đã tốt nghiệp cấp 2) và đào tạo nghề ngắn hạn.
Thời hạn học ít nhất là 1 năm, thường là từ 1 - 3 năm. Ví dụ bạn đã tốt nghiệp cấp 3 và học thêm nghề kế toán trong 2 năm chẳng hạn.

Trường chuyên môn (Semmon Gakkou)
Tiếng Nhật: 専門学校 Semmon Gakkou (CHUYÊN MÔN HỌC HIỆU), là một dạng của trường dạy nghề (Senshuu Gakkou) ở trên nhưng có khóa học về chuyên môn (nghề nào đó).
Những trường như thế này đào tạo kỹ năng nghề giúp người học khi ra trường có kỹ năng nghề nghiệp và làm việc được ngay.

Giáo dục Nhật Bản với du học sinh các nước

Du học sinh muốn sang Nhật thì phải lấy được tư cách lưu trú "Du học" (mọi người thường gọi là "Visa du học" dù cách gọi này không chuẩn xác lắm vì bạn phải lấy được tư cách lưu trú dạng "Du học" rồi mới đi xin visa, tức là giấy phép cho nhập cảnh). Tư cách lưu trú này là do các cục xuất nhập cảnh tại Nhật cấp (mỗi địa phương sẽ có cục xuất nhập cảnh riêng, gọi là 入国管理局 Nyuukoku Kanri Kyoku NHẬP QUỐC QUẢN LÝ CỤC, gọi tắt là 入管 Nyuukan NHẬP QUẢN). Còn visa là đến đại sứ quán hay lãnh sự quán Nhật Bản tại Việt Nam sau khi có tư cách lưu trú rồi.

Cách dễ nhất sang Nhật du học
Đó là bạn làm hồ sơ xin du học vào trường tiếng Nhật nào đó bên Nhật. Nếu được Nyuukan chấp nhận, bạn sẽ có tư cách lưu trú, bạn mang giấy này xin visa vào Nhật. Thông thường bạn được hạn visa (lưu trú) trong 1 năm, sau đó sẽ gia hạn. Nếu bạn vi phạm điều gì đó và không gia hạn thì bắt buộc phải về nước. Nếu bạn không về nước mà cư trú tại Nhật thì sẽ là 不法滞在 Fuhou Taizai (BẤT PHÁP ĐỚI TẠI) tức là "Cư trú bất hợp pháp". Khi bạn bị cảnh sát bắt thì bị trục xuất về nước.

Vi phạm điều gì đó ở đây là phạm pháp chẳng hạn. Hay là đi làm quá số giờ cho phép. Tuy nhiên, Nhật là một nước văn minh nên thường sẽ cảnh cáo trước khi thực sự trục xuất. Nếu bạn làm gì quá đáng thì có thể sẽ khác. Theo tôi thì nên tuân thủ mọi luật pháp sở tại, sống vừa yên tâm mà lại có thể gia hạn visa.

Chú ý là, visa cho việc học tiếng Nhật chỉ tối đa là 2 năm. Bạn muốn học trên 2 năm cũng không được. Cho nên sau 2 năm bạn bắt buộc phải thi đậu lên một trường nào đó tại Nhật, ví dụ Semmon Gakkou, Kousen, Tanki Daigaku hay đại học, cao học, v.v...

Nếu bạn không thi đậu trường nào?
Trường hợp này có thể xảy ra, không hẳn vì học lực bạn không đủ mà có thể vì CHIẾN LƯỢC thi của bạn sai lầm, ví dụ bạn không có trường nào chắc chắn đậu mà toàn thi những trường tỷ lệ chọi cao.
Khi đó, bạn có thể ở lại Nhật bằng đăng ký học dự thính, gọi là 聴講生 Choukousei, bạn có thể gia hạn visa bằng việc học này. Choukou nghĩa là bạn xin vào học một số môn ở trường đại học, cao đẳng nào đó (số lượng môn sẽ có quy định cụ thể)  dưới dạng dự thính, tất nhiên là có trả tiền theo từng môn. Khi đó bạn có thể lấy thêm visa, thường là một năm. Trong thời gian đó bạn phải thi được trường nào đó để gia hạn visa.
Để thành Choukousei thì tiền nhập học thường là 28,200 yên, mỗi unit bạn lấy sẽ phải trả 14,800 yên, bạn phải lấy khoảng 7 lớp, mỗi lớp sẽ là 2 unit. Cứ thế nhân lên là ra số tiền bạn phải trả.

Một cách khác là bạn xin việc nào đó ở Nhật. Khi đó thì bạn chuyển sang visa lao động. Tuy nhiên, cách này không dễ dàng, chủ yếu vì lúc đó bạn cũng chưa có trình độ gì.

Cách khó hơn để sang Nhật du học
Là bạn tham gia kỳ thi du học sinh tại nước mình, gọi là kỳ thi EJU. Một số trường đại học, cao đẳng bên Nhật cho phép bạn nhập học chỉ với điểm thi EJU nếu bạn đậu. Tuy nhiên, kỳ thi này đòi hỏi trình độ tiếng Nhật của bạn phải cao, đủ để đọc hiểu và giải đề thi, và cũng yêu cầu cả điểm tiếng Nhật của bạn nữa. Bạn có thể tra thông tin về EJU trên trang của JASSO hay www.saromalang.com cũng có giới thiệu.

Một số trường khác thì vừa đòi hỏi điểm EJU vừa đòi hỏi bạn sang Nhật thi (thường là phỏng vấn), tức là bạn vẫn phải sang Nhật và thi phỏng vấn. Những trường này không cho bạn nhập học ngay mà bắt thi nên bạn phải sang đó dạng du lịch, rồi về nước đợi kết quả (hay đợi tại Nhật nếu kinh phí và thời gian visa du lịch cho phép). Khi nhận giấy báo đậu và tư cách lưu trú thì bạn có thể lấy visa ở Nhật.

Nếu bạn có khả năng tiếng Nhật thì cách trên giúp tiết kiệm thời gian học tiếng và kinh phí. Tuy nhiên, nhược điểm là bạn không có thời gian làm quen cuộc sống Nhật Bản và cũng chưa có thông tin chọn trường, chọn ngành.

Với các bạn muốn học cao học
Một số bạn đã tốt nghiệp đại học tại Việt Nam và muốn sang Nhật học cao học. Cách đơn giản nhất vẫn như tôi nói ở trên: Sang Nhật học tiếng Nhật tối đa 2 năm. Trong thời gian đó, bạn phải thi đậu lên cao học để học cao học.

Nếu bạn không đậu hay chưa muốn thi thì sao?
Nước Nhật cho phép bạn làm 研究生 Kenkyuusei (NGHIÊN CỨU SINH). Tức là bạn làm nghiên cứu ở một lab (phòng nghiên cứu) nào đó nhưng không lấy học vị mà chỉ mục đích là nghiên cứu, học hỏi, làm quen môi trường phòng nghiên cứu. Việc này giúp bạn có visa ở lại Nhật.
Bạn muốn làm nghiên cứu sinh thì bạn phải xem thông tin tuyển nghiên cứu sinh của các trường đại học, làm đơn xin và nếu đậu thì đóng học phí. Thời hạn làm nghiên cứu sinh thường là 1 năm.
Nhìn chung bạn phải chọn trường muốn vào, chọn lab muốn vào sau đó làm đơn xin vào. Bạn cũng cần tiền để đóng, tất nhiên là thường thấp hơn sinh viên chính thức. Bạn nên làm Kenkyuusei tại chính lab mà bạn định thi vào khi thi vào cao học. Khi làm Kenkyuusei nếu bạn chăm chỉ, chứng tỏ được năng lực và có quan hệ tốt với giáo sư phụ trách lab đó thì bạn có lợi thế to lớn khi thi vào cao học. Bởi vì cốt lõi việc thi vào cao học chính là thi vào các phòng nghiên cứu (lab) và các giáo sư phụ trách lab (chủ lab) có tiếng nói không nhỏ trong đó. Tất nhiên là bạn vẫn phải chứng tỏ được năng lực trong kỳ thi, vì tiếng nói của giáo sư không phải tất cả mà vẫn phải đứng sau quy trình xét tuyển chung của trường.

Nếu bạn có tiếng Nhật sẵn rồi
Bạn có thể không cần học tiếng Nhật ở Nhật nữa mà xin thẳng vào làm Kenkyuusei luôn. Trong quá trình làm Kenkyuusei bạn có thể nâng cao tiếng Nhật và giao tiếp của mình được.

Chế độ "Nghiên cứu sinh" khá hay nếu bạn muốn sang Nhật, tuy nhiên bạn vẫn cần có tài chính để trả tiền học trong quá trình đó.

Sang Nhật dạng học bổng
Cái này thì khỏi cần nói, bạn có thể sang Nhật khá ung dung. Tốt nhất là học bổng chính phủ Nhật, hay được gọi là học bổng MEXT, cho các cấp học chuyên tu (Kousen), đại học, cao học.
Bạn cũng có thể đi theo dạng trao đổi (Exchange student) giữa các trường đại học của Việt Nam và Nhật với nhau. Thường thời hạn trao đổi là 1 năm và bạn có học bổng khoảng 80 ngàn yên/tháng.
Nếu bạn có N1, bạn có thể thi học bổng tư nhân như Lawson chẳng hạn, 100 ngàn yên/tháng.
Còn nhiều học bổng khác ví dụ như học bổng JICA cho học cao học, v.v...
Tuy nhiên, học bổng không dễ lấy, cạnh tranh thường từ cao tới rất cao và cũng xin nhắc luôn là: CÓ HỌC BỔNG CHƯA CHẮC ĐÃ HAY!

Tạm thời tôi chém gió về học đại học tại Nhật như vậy đã, khi nào có thời gian và thông tin cụ thể hơn tôi sẽ đưa lên tiếp.

Takahashi

2 comments:

  1. Bài này kỳ công thiệt , cảm ơn bạn @Takahashi !!!

    ReplyDelete
  2. bài viết của bạn cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích cho tôi. cảm ơn

    ReplyDelete