Bạn không bắt buộc sống hạnh phúc. Đấy là vấn đề cá nhân của bạn mà thôi. Nhưng nếu bạn không muốn sống trong phẫn uất hay hối tiếc, có lẽ bạn nên sống hạnh phúc. Bạn phải xây dựng được lý tưởng về lối sống hạnh phúc và thực hành nó mỗi ngày. Nói dễ hơn làm!
Nếu nói ra cách thực hành để hạnh phúc thì có hàng triệu cách, nhưng nếu chạy theo hạnh phúc thì khác nào đuổi theo một con chó. Không cần làm như vậy. Bạn chỉ cần một số điều cốt lõi cần ghi nhớ, từ đó sẽ "bất chiến tự nhiên thành". Thực sự là người hạnh phúc lâu dài không ý thức mấy về hạnh phúc, vì điều đó là điều đương nhiên, như chúng ta tắm ánh nắng mỗi ngày. Hạnh phúc là miễn phí và có đầy ngoài kia.
Nhưng tất cả CHỈ LÀ ẢO MỘNG không có thật, có thể tan biến lập tức. Trước hết là phải học BÀI HỌC LUÂN LÝ đã. Sau khi học xong luân lý, mọi chuyện sẽ dễ dàng, còn không học luân lý mà mải mê chạy theo hạnh phúc thì sẽ kiệt sức, nếu chưa tin, thử đuổi theo một con chó mà xem.
Sức mạnh của không đồng cảm
Điều này nghe có vẻ ngược. Chúng ta thường nghe nói, nếu đồng cảm với người khác, bạn sẽ hạnh phúc hơn. Đấy là điều mà chúng sinh không hạnh phúc thường nói.Nếu con người không có bản ngã, không có dục vọng, hay giảm bớt đi, thì sẽ bớt đau khổ, từ đó hạnh phúc hơn. Toàn bài học dành cho người ... tư lợi không hạnh phúc.
Hạnh phúc là độc lập, bạn không thể dựa vào người khác để hạnh phúc, mà phải dựa vào sự thực hành của bản thân. Nếu bạn dựa vào người khác, khi họ không hạnh phúc nữa thì bạn cũng không hạnh phúc nữa.
Quy tắc số một: Chơi với người không hạnh phúc (về bản chất) thì sẽ không hạnh phúc, chơi với người hạnh phúc thì sẽ hạnh phúc.
Mọi người thường đồng cảm với người không hạnh phúc, vì thế họ không hạnh phúc. Họ sẽ từ từ bị bòn rút hết tài nguyên, sinh mệnh và dù có thể vẫn (nghĩ rằng mình) thanh thản về tinh thần, nhưng thể xác sẽ tàn tạ (và tinh thần sẽ tàn tạ theo).
Việc đầu tiên để hạnh phúc là KHÔNG ĐỒNG CẢM với những người không hạnh phúc. Tôi không nói là KHÔNG GIÚP ĐỠ, mà là KHÔNG ĐỒNG CẢM. Hơn nữa, bạn phải HIỂU HOÀN CẢNH KHÔNG HẠNH PHÚC của họ.
Tôi ra đường gặp ăn xin, bán vé số (thường là dạng tư lợi làm phiền người khác lúc ăn uống, hay cố gắng đánh vào lòng thương hại) thì hoàn toàn không đồng cảm.
Vì họ có thể lao động kiếm sống, xã hội này cần rất nhiều người lao động nữa mới có thể tiến bộ. Họ cũng có thể dựa vào gia đình của họ, vì họ là những người ca bài ca "chủ nghĩa gia đình là trên hết".
Việc họ đi ăn xin, bán vé số là xúc phạm cha mẹ họ, xúc phạm lãnh đạo của họ, những người mà họ coi như là thánh thần.
Vì sao không học tập đạo đức của cha mẹ, lãnh đạo của họ mà dốc sức lao động phụng sự xã hội, như cha mẹ và lãnh đạo họ vẫn rao giảng mỗi ngày?
Đại đa số những người không hạnh phúc thường là vì chủ nghĩa tư lợi và chủ nghĩa gia đình (chủ nghĩa tư lợi và chủ nghĩa gia đình thường song hành với nhau như là QUY LUẬT TƯƠNG QUAN, giống như con gà và quả trứng).
Những người đau khổ là vì họ từ nhỏ được dạy phải tư lợi cho bản thân và gia đình, rác thì vứt ra ngoài đường, không được mang về nhà. Nếu mang rác về nhà là sẽ bị khủng bố tinh thần. Từ nhỏ, họ đã được giáo dục theo chủ nghĩa tư lợi, chủ nghĩa gia đình.
Khi lớn lên, họ tự coi mình là trung tâm vũ trụ, vì tiểu cục (tư lợi những thứ nhỏ) mà đánh mất đại cục (hạnh phúc trong cuộc đời). Chúng ta thấy họ xả rác, vượt đèn đỏ, bóp còi inh ỏi, nháy đèn hay rọi đèn pha vào mắt người khác.
Những người như thế sẽ không không hạnh phúc và ngày càng tư lợi hơn vì họ đã chuyển sang dạng đánh đồng TƯ LỢI = HẠNH PHÚC. Sớm muộn sẽ gặp rắc rối trong quan hệ xã hội, nhất là quan hệ gia đình: Cuối cùng khi không còn ai để tư lợi sẽ tư lợi lẫn nhau.
Càng về già càng kém hạnh phúc và lúc đó chỉ biết dùng "chữ hiếu" để tư lợi con cái, nên con cái cũng không hạnh phúc theo.
Như vậy, đây gọi là HOÀN CẢNH TƯ LỢI.
Nếu bạn đồng cảm với những người tư lợi, mà không hiểu hoàn cảnh của họ, thì chỉ mất đi tài nguyên, sinh mệnh của mình. Vì họ sẽ không hạnh phúc (vì không ai thay đổi được hoàn cảnh) nên bạn cũng sẽ không hạnh phúc theo.
Nếu bạn là người không tư lợi, giúp họ để họ hạnh phúc hơn, nhưng cuối cùng họ không hạnh phúc hơn, tự khắc bạn cảm thấy hối tiếc về việc mình đã làm.
Giúp một người ăn xin "chuyên nghiệp" thì họ sẽ ăn xin cả đời. Giúp một người không hạnh phúc về bản chất giúp họ đau khổ cả đời.
Nên giúp nhưng không nên đồng cảm
Là một người nhân nghĩa, chắc chắn là bạn sẽ không "thấy chết mà không cứu". Nhưng nên nhớ, bạn chỉ cứu khi họ sắp chết, khi đã rơi vào cửa tử. Vì những người tư lợi thường có năng khiếu trong việc thổi phồng bi kịch của bản thân lên, và đánh vào lòng thương hại của người khác.Sự thật là, không ai chết cả. Mọi người thường chỉ không hạnh phúc hay hối tiếc mà thôi. Mà đúng ra, họ vẫn hạnh phúc theo phong cách của họ, chứ họ than vãn là để lợi dụng lòng tốt của người khác.
Như vậy, nếu muốn hạnh phúc thì bạn phải xây dựng được bức tường ngăn cách giữa bản thân và những người tư lợi, gọi là bức tường "không đồng cảm".
Vì họ không trung thực. Lời nói và hành động của họ bất nhất.
Nếu họ đã nhận sự giúp đỡ từ bạn hay xã hội, họ có NGHĨA VỤ sống hạnh phúc hơn và sau đó là phụng sự xã hội.
Những người tư lợi thường chỉ nhận về miễn phí, và tiếp tục sống tư lợi đúng không nhỉ? Lúc hoạn nạn thì họ đột nhiên biến thành người tốt, người nhân nghĩa, nhưng qua cơn hoạn nạn là lại trở về bản chất tư lợi của mình.
Cũng có thể là tới một lúc họ sẽ nhận ra: Tư lợi không giúp họ hạnh phúc. Lúc đó thường muộn và họ cũng tương đối già rồi.
Cơ bản là lúc đó họ bắt đầu đi bố thí và thành người tốt, vẫn hi vọng là họ không xả rác ngoài đường nữa. Nếu vẫn còn xả rác, có nghĩa là họ vẫn đang "hạnh phúc" với lối sống tư lợi của mình. Theo cách nào đó, người tư lợi cũng hạnh phúc theo cách của họ.
Họ chỉ không trung thực là mỗi khi có vấn đề, họ sẽ đánh vào lòng thương hại của người khác để lợi dụng. Đấy là phong cách sống tư lợi.
Nếu bạn cứ dùng dằng với những người như thế, não bạn sẽ hoạt động quá mức để xác định xem họ là người tốt hay xấu. Vì họ lúc tốt lúc xấu, lúc hạnh phúc lúc đau khổ.
Bạn sẽ mất rất nhiều thời gian với những người này và cuối cùng nhận ra: Thời gian dành cho họ là uổng phí.
Lúc đó là khi bạn già rồi, cảm thấy mình thất bại và có lẽ là cảm giác phẫn uất, hối tiếc đã xâm chiếm tâm hồn rồi.
Vậy thì, chẳng phải bạn cũng chung số phận với những người tư lợi mà bạn đã đồng cảm hay sao?
Chẳng phải là, bạn cũng không trung thực như họ, chỉ khác là bạn không lừa dối người khác mà tự lừa dối bản thân rằng "họ cũng là người tốt" hay sao??
Bạn là người tốt. Họ cũng vậy. Nhưng tất cả đều không tốt như mình nghĩ.
Ước mơ quá khả năng, sống dưới năng lực
Theo một cách nhìn khác, người không hạnh phúc là người "ước mơ quá khả năng", đồng thời cũng "sống dưới năng lực" (QUY LUẬT TƯƠNG QUAN).Bạn có ý định can thiệp và thay đổi cuộc đời của người khác, như thế là ước mơ quá khả năng. Vì cuộc đời mỗi người là do HOÀN CẢNH của họ, bạn không thay đổi được hoàn cảnh mà định thay đổi số phận của họ (từ không hạnh phúc sang hạnh phúc).
Đồng thời, vì tốn hết TÀI NGUYÊN, THỜI GIAN cho những người không hạnh phúc mà cuối cùng bạn không thể sống đúng năng lực của bạn. Sống dưới năng lực sẽ khiến bạn bị phẫn uất và chịu nhiều uẩn ức.
Cho dù bạn thực sự là người có giáo dục tốt (không xả rác ngoài đường) nhưng nếu bạn ước mơ quá khả năng hay sống dưới năng lực, bạn vẫn không hạnh phúc mấy.
Tôi chỉ khuyên thật vậy thôi. Trong một xã hội cơ bản là không hạnh phúc thì lòng đồng cảm tràn ngập, nhưng chỉ là LÒNG ĐỒNG CẢM TƯ LỢI.
Họ chỉ đồng cảm với người kém hạnh phúc hơn, để tìm chút an ủi và hi vọng sẽ được nhận lại. Khi ra đường, chắc gì mọi người đã cử xử có lễ nghĩa?
Họ có không xả rác không?
Họ có không vượt đèn đỏ không?
Họ có không bóp còi inh ỏi hay nháy đèn để cướp đường không?
Chúng ta thấy rất nhiều, vì hóa ra họ chỉ đồng cảm tư lợi, chứ ra đường vẫn bon chen như thường, vì đơn giản là họ không hạnh phúc mấy.
Muốn hạnh phúc thì phải GIÁC NGỘ ĐƯỢC HOÀN CẢNH, nếu mưu cầu hạnh phúc trong lúc vẫn không giác ngộ được hoàn cảnh thì chỉ là đuổi theo một ảo mộng. Sớm muộn cũng sẽ quay lại trạng thái ban đầu với một thái độ cam chịu, phẫn uất, mất niềm tin vào bản thân.
Con người mất niềm tin vào bản thân thì còn lại gì? Tôn giáo.
Có lẽ theo tôn giáo và phụng sự xã hội theo cách nào đó là giải pháp.
Nhưng tin thế này nhé, bạn không thật sự cần tôn giáo nếu sống hạnh phúc. Tôi không hẳn là người "không tôn giáo" mà là người "đa tôn giáo", tôi hiểu khá nhiều tôn giáo và nếu thích thì có thể tha hồ chém gió. Hơn nữa, tôi là người ủng hộ TỰ DO TÔN GIÁO.
Có câu nói kinh điển thế nào: Người giác ngộ thì không theo tôn giáo, người theo tôn giáo thì không giác ngộ.
Nói thế là tự mọi người có thể hiểu được.
Cuộc đời là của bạn: Tự làm tự chịu (自己責任 JIKOSEKININ)
Bạn hãy tự quyết định lấy. Nếu sống hạnh phúc cũng tự quyết định lấy, nếu muốn đồng cảm với những người đau khổ cũng hãy tự quyết định lấy.Thời gian là của bạn, cuộc đời là của bạn. Miễn là tự làm tự chịu và không kêu ca phàn nàn vì quyết định của mình thôi.
Thật ngang trái nếu một người lại không tự chịu về quyết định của mình, hay than vãn về quyết định đó? Rốt cuộc cũng lại đổ tại "vì người khác". Họ đã không quyết định.
Một khi bạn không quyết định sẽ sống hạnh phúc, cuộc đời bạn tự khắc sẽ không hạnh phúc. Sau đó, bạn sẽ đi vào con đường của "chúng sinh", đồng cảm với chúng sinh và có cùng cuộc đời như họ.
Đích đến cuối cùng (final destination), nếu tốt thì có thể là tôn giáo tốt, nếu xấu thì là tà giáo, nếu không tốt không xấu thì có thể là các chứng đau đầu hay vấn đề tinh thần.
Còn nếu bạn sống hạnh phúc, thì có thể làm việc lớn, có thể lập được đại nghiệp không biết chừng. Cơ đến tay thì sẽ phất, ước mơ trong khả năng và sống đúng năng lực!
Mark
No comments:
Post a Comment