Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Wednesday, January 9, 2019

Vì sao con người làm từ thiện?

Từ thiện là chủ đề khó để nghị luận, hơn nữa là chủ đề CẤM KỊ, vì bạn chỉ được nói tốt. Không thể nói xấu về từ thiện và người làm từ thiện, nếu không, bạn là kẻ xấu xa, ích kỷ, rất dễ bị phán xét. Nhất là ở những xã hội hay phán xét (do bản chất là con người bị chà đạp và chăn dắt) thì bạn không được phép nghị luận về thứ mà người ta coi là thiêng liêng, như là công sinh thành, chữ hiếu, hay từ thiện chẳng hạn.

Nhưng nếu không nghị luận, người ta sẽ không hiểu BẢN CHẤT, vì làm mà không hiểu bản chất thì sẽ không thật sự hạnh phúc, vì không biết thật sự vì sao mình làm thế.

Ví dụ, nhiều người mù quáng sùng bái cha mẹ, làm theo cha mẹ yêu cầu, cha mẹ nói chơi với bạn phải có lợi mới chơi, cũng nghe theo. Như thế thành người tư lợi. Nếu vứt rác ở ngoài đường thì tốt, mang về nhà là xấu. Miễn nghe lời cha mẹ thì là người con có hiếu.

Việc đó có thể là "hiếu thảo" với cha mẹ như thế, nhưng người tư lợi như thế sẽ không thể hạnh phúc. Vì họ ngày nào cũng vứt rác vào tâm hồn của mình. Hơn nữa, vì họ làm hành vi không đúng, nên mọi người không tôn trọng họ và cha mẹ họ, như thế là không tốt với cha mẹ.

Người con tốt phải là người công chính, hiểu biết, không phải người sùng bái cha mẹ. Tóm lại, làm người công chính không cần phải hiếu thảo kiểu nho giáo.

Như thế thì xã hội mới có thể tốt đẹp được. Ít ra là phải có nhiều người công chính hơn người tư lợi, hoặc xã hội do người công chính lãnh đạo.

Ngoài ra, thời đại robot sẽ tới và sẽ tới lúc, cần phải dạy bài học luân lý để robot "nên người", à không đúng, "nên robot" chứ. Câu hỏi là, vì sao con người làm từ thiện? Cần phải trả lời thỏa đáng câu hỏi này.

Ngay cả với bản thân mỗi người, nếu bạn trả lời câu hỏi này, bạn có thể sống tốt hơn, vì bạn thật sự hiểu cái gì làm nên cốt lõi trong con người. Đây giống như là hành trình đi tìm lương tâm của mỗi người. Không thể tìm ở bên ngoài, mà phải tìm ở bên trong. Phải hiểu được mỗi hành động của mình, từ đó mới có bản đồ đi tới lương tâm. Mọi người đều làm vì lương tâm của mình.

Kể cả kẻ lừa đảo! Vì kẻ lừa đảo có thể lừa đảo bạn xong, nhưng tiền đó là để họ lo cho gia đình của họ. Họ cũng đóng góp từ thiện. Sao bạn chắc, họ lừa đảo bạn nên là kẻ xấu 100%? Họ cũng đều có tôn giáo, đều đóng góp, có khi còn nhiều hơn người khác. Tham quan ô lại cũng thế, họ rất chăm đi cơ sở tôn giáo, bố thí rất rộng rãi. Họ lấy của công là lo cho gia đình, dòng họ của họ, vậy thì họ đâu phải kẻ xấu 100%? Họ chỉ là kẻ xấu khi bị bại lộ hoặc bị thanh trừng, chứ trước đó vẫn là "tấm gương đạo đức" của thanh thiếu niên.

Dù họ có ngã ngựa thì những người hưởng lộc từ họ vẫn yêu quý họ. Vì họ góp công đức và làm từ thiện nhiều mà.

Con người là sinh vật tư lợi liệu còn đúng?

Bản chất con người là tham lam và tư lợi, theo nghĩa tốt. Con người không hài lòng, muốn có nhiều hơn nữa. Nên họ phấn đấu. Từ đó, thay đổi lịch sử, tạo dựng nền văn minh.

Mà máy bay, tàu điện ngày nay là ví dụ. Toàn thứ chúng ta không cần, chúng ta đi xe ngựa, đi xe trâu cũng được. Điện thoại làm gì, viết thư là xong mà.

Khoảng 10 năm ta sẽ viết thư hỏi thăm gia đình một lần, 6 tháng ta viết thư cho người yêu một lần. Người yêu nhận được thư của ta thì sẽ nhảy cẫng lên vui sướng và đem khoe khắp xóm. Sau đó sẽ hồi âm. Nửa năm sau, ta sẽ lại nhận được thư hồi âm. Cuộc sống thật êm đềm cho đến khi chúng ta biết, 1 tháng sau khi hồi âm, tức 5 tháng trước khi bạn nhận được bức thư tình lâm li bi thống, người yêu đã trong tay kẻ khác. Việc này chỉ đến tai bạn vào 1 năm sau, nên bạn vẫn sống vui vẻ tràn đầy sự tin tưởng và hăng say lao động nhờ động lực của tình yêu.

Bạn quyết định tức tốc lên đường trở về hỏi cho ra nhẽ. Từ khi có quyết định đó, tới lúc bạn về được nhà, là 2 tháng! Mọi thứ như một dòng chảy không ngừng vậy. Vì trên đường bạn lại gặp một người khác giới và tâm sự với họ, hai người tìm được sự đồng cảm. Nỗi đau của bạn được xoa dịu nên bạn cũng quên mất việc hỏi tội người yêu cũ ra sao. Thế giới thật hòa bình và tươi đẹp dường nào!

Nếu không có thiết bị hiện đại và mạng xã hội ý.

Nhưng con người muốn gặp người yêu thường xuyên hơn, nên cuối cùng họ phát minh ra đủ thứ, vì họ tham hơn, muốn nhiều hơn.

Nếu đưa cho một người hai công việc y chang nhau và hỏi họ làm việc lương thấp hay lương cao, họ sẽ chọn lương cao. Nếu họ chọn việc lương thấp, chúng ta sẽ xem lại đạo đức của bản thân, xem đã bao giờ dối trá và đã mất chữ tín hay chưa.

Hai mặt hàng giống nhau, chẳng lẽ lại mua với giá cao hơn?

Từ thiện thì đi ngược lại tiêu chí tư lợi. Chắc chắn, người từ thiện không tư lợi. Họ thật sự hành động theo lương tâm. Họ muốn giúp người khác thật. Ở đây loại trừ việc hối lộ quỷ thần để làm dịu tội lỗi của tham quan ô lại.

Vì phần lớn người làm từ thiện là người lương thiện, họ không ở vị thế có thể trục lợi.

Thật sự là lòng đồng cảm. Khi làm từ thiện thì họ hạnh phúc hơn. Đơn giản là vậy thôi.

Vì sao làm từ thiện sẽ mang lại hạnh phúc?

Người ta thường nói "cho đi để nhận lại", bạn "cho đi một sẽ nhận lại mười", khi bạn giúp đỡ người khác thì khi gặp khó khăn cũng được giúp đỡ (ở hiền gặp lành), và nhất là "tạo phúc đức cho con cái". Nghe thì có vẻ tư lợi.

Nhưng theo tôi, không ai tư lợi cả. Dù họ nói "làm phúc cho con cái", họ không thật sự nghĩ như thế, sâu thẳm trong tâm hồn. Mọi người đều đủ trí tuệ để nhận ra là, cho đi là cho đi, sẽ không quay lại, vậy thôi.

Như vậy, ở đây chúng ta đã thấy sự lệch nhau giữa "ý thức" và "tiềm thức" rồi. Bản thân nhiều người làm từ thiện không rõ vì sao mình làm thế. Nếu bạn hỏi vì sao họ làm từ thiện, bạn sẽ nhận được những câu như là "muốn giúp người có hoàn cảnh khó khăn", "cho đi để nhận lại", "làm phúc cho con cái" vv. Trong đa số trường hợp, không ai hỏi hay tự vấn, chỉ đơn giản làm là làm thôi.

Làm từ thiện và bố trí có thể trở thành phong trào, vì mọi người cảm nhận được nó là việc tốt, đúng lương tâm của họ, dù họ bị thiệt hại về vật chất.

Như thế, liệu con người là sinh vật kinh tế (tư lợi về kinh tế) còn đúng hay không?

Nếu điều này không đúng, mọi lý thuyết về kinh tế học, hành động học cần được xem lại. Sụp đổ không biết chừng. Nhà tư bản sẽ không bán được hàng nữa, vì thay vì mua hàng để tìm cảm giác sung sướng, họ sẽ đem tiền đi làm từ thiện hết. Chủ nghĩa tư bản mà mọi người tôn thờ ngày nay đơn giản là sụp đổ.

Khi có người phóng tên lửa để bán vé du hành vũ trụ, người ta sẽ đặt câu hỏi: Làm thế làm gì, sao không lấy tiền ấy bố thí và làm từ thiện?

Những người ấy được gọi là "thánh từ thiện", "dạy người giàu cách tiêu tiền", "sao không lấy hết tiền làm từ thiện đi", nhưng thật ra, họ cũng bị oan. Đấy là nhân sinh quan của họ, nếu có tiền, thì có khi họ làm thế thật đấy.

Vậy, nếu có 500 đồng, bạn sẽ mua sắm cho bản thân, hay là làm từ thiện?

Việc nào vui hơn thì bạn làm. Vì thế, có người mua sắm, có người làm từ thiện. Người nghèo chăm làm từ thiện hơn người giàu, vì khả năng mua sắm của họ thấp hơn.

Mà ngoài ra, mua sắm là vì NIỀM VUI, không phải vì bản thân sản phẩm đó. Bạn thực sự thích thì dù đắt cũng sẽ mua. Kể cả bạn mua vì vị thế xã hội (status) cũng là một dạng niềm vui.

Làm từ thiện cũng là vì niềm vui. Bạn hi sinh vật chất, đổi lại niềm vui. Như thế, cũng là làm vì bản thân, chứ không phải là "thánh nhân", hay "bồ tát". Nhất là, trong một xã hội mà tràn đầy nghèo đói, bất công, thì con người sẽ bị phức cảm tự ti dân tộc, phức cảm tự ti chúng sinh, dù sống no đủ nhưng lương tâm sẽ không thanh thản. Vì sẽ luôn lo sợ một ngày mình sẽ như thế. Lòng đồng cảm là con dao hai lưỡi, làm con người bị ám ảnh bởi nỗi khổ của chúng sinh, từ đó sinh ra nhu cầu thay đổi xã hội.

Mà cách đơn giản nhất là tự mình bố thí và tạo ra phong trào bố thí cho người khó khăn (tức là lá lành đùm lá rách). Như thế, hi vọng phong trào lan rộng thì xã hội sẽ hết những cảnh đau thương, nhờ đó mà bản thân họ sẽ sống tốt hơn.

Do đó, bố thí hay làm từ thiện là xuất phát từ lương tâm.

Đây không hẳn là "vị tha", mà về lâu dài, sẽ giúp bản thân người làm từ thiện hạnh phúc hơn, vì xoa dịu được uẩn ức bên trong của họ.

Nếu là trường hợp "ác nhân" không đồng cảm thì sao? Họ không làm từ thiện. Vì họ không bị uẩn ức gì. Họ chỉ nghĩ "con người như cỏ dại, tự sinh tự diệt, có gì mà phải quan tâm" mà thôi. Không thật sự ác, chỉ là quan điểm lối sống. Thật lòng, đây lại là những người chăm chỉ làm việc và dùng sức lao động để thay đổi xã hội.

Nhưng đứng về góc độ "từ thiện" mà nói, rõ ràng họ không đồng cảm với người nghèo, tức là "vô cảm", hay đại loại thế.

Tất nhiên, ai cũng vì động cơ tư lợi mà hành động. Nên định luật kinh tế "Con người là sinh vật kinh tế" luôn đúng.

Không phải ai làm từ thiện cũng mang lại hạnh phúc và chỉ có mức độ

Chúng ta thường nghe: Cho đi là hạnh phúc, làm từ thiện là hạnh phúc vv. Hay, có đức tin tôn giáo là hạnh phúc.

Vậy người không cho đi, không làm từ thiện, không có đức tin tôn giáo thì sao? Họ là người siêu ích kỷ, tự cao tự đại. Họ hạnh phúc hơn nhiều!

Vì hoàn cảnh khác nhau. Một người không có đức tin tôn giáo là vì họ thấu hiểu đạo lý, thì họ vẫn hạnh phúc mà không cần tôn giáo. Bản chất tôn giáo hoặc là cộng đồng văn hóa hoặc là chỗ trú chân của những người đau khổ. Một người không đau khổ, không ai đột nhiên theo tôn giáo. Họ phải đau khổ, trống rỗng, mới theo tôn giáo.

Nhưng vẫn có người đau khổ nhưng không theo tôn giáo. Vì tôn giáo không giúp được họ. Tôi ví dụ, nếu chỉ đau khổ là do biến cố ngoại cảnh, không phải do nhân cách (tức tính tư lợi), thì tôn giáo không giúp ích gì mấy. Vẫn phải tự mình tìm ra nguyên nhân, sửa chữa lại nó, mới có thể thật sự hạnh phúc.

Tôn giáo giống như là liều thuốc an thần, không hơn không kém. Có thể tạm thời che dấu vấn đề, nhưng không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Tất nhiên, với người mất ngủ thì phải dùng thuốc mới chữa được và con người phải được tự do tôn giáo.

Quyền tự do tôn giáo chính là quyền làm người (nhân quyền). Ở đâu không có tự do tôn giáo, ở đó con người bị chà đạp.

Những người như sau nhiều khả năng làm từ thiện sẽ cảm thấy hạnh phúc:
- Họ ở trong hoàn cảnh tư lợi: Phải tư lợi mới sống được, tức là người đông nhưng tài nguyên ít, phải bon chen tranh giành nhau, ai cũng mệt lả và không hạnh phúc
- Họ quá lấy bản thân làm trung tâm, không nhìn ra thế giới bên ngoài (vì từ nhỏ đã được giáo dục họ là trung tâm của thế giới, mất đi tâm hồn bay bổng)
- Họ quá ngạo mạn, ảo tưởng về bản thân, nhưng năng lực thì không theo kịp, nên luôn cảm thấy bị bất công, mình là nạn nhân (tâm lý nạn nhân hóa bản thân)

Đây là 3 lý do lớn nhất làm con người không hạnh phúc.

Tóm lại, một người mà nghĩ quá nhiều về bản thân, thiếu quan sát thế giới, tự coi bản thân là trung tâm, thì rất dễ đau khổ. Người giàu cũng đau khổ, vì họ bị phức cảm tự tôn của người giàu. Họ ảo tưởng về sức mạnh, trí tuệ, mà thật ra ai chẳng nhìn thấy, họ giàu là do họ có hoàn cảnh tốt hơn người khác mà thôi. Ai ở vào hoàn cảnh của họ chẳng thế! Nhưng không cần nói thẳng ra thế đâu, kẻo họ lại nhận ra vấn đề đấy.

Như vậy, bằng cách coi mình là trung tâm, sẵn sàng chà đạp người khác, con người trở nên mất liên kết với nhau. Vì mỗi khi ra đường, hay trong một mối quan hệ, họ sẽ giành bằng được phần lợi về mình. Ai cũng làm thế, thành ra phải bon chen và giành giật nhau, dẫn tới, ai cũng mệt là mà lợi ích thu về rất thấp.

Nhìn những người bon chen ngoài đường, bóp còi inh ỏi, nháy đèn loạn xạ, vượt đèn đỏ, là bạn sẽ thấy họ không hạnh phúc với cuộc sống của họ. Ngày nào cũng phải làm thế thì rất mệt, mà vẫn buộc phải chen nhau mà đi, đè nhau mà tiến lên.

Khi làm từ thiện thì có các điều lợi sau:
- Thoát ra khỏi hoàn cảnh bon chen
- Gặp được hoàn cảnh bi thương hơn bản thân, từ đó nhận được động lực sống
- Gặp gỡ nhiều người, kể cả người làm từ thiện và người nhận từ thiện, do đó lắng nghe câu chuyện của họ nên cũng giúp mở mang tầm mắt và tâm hồn, thấy nhiều người cũng khổ, hoặc đơn giản là vấn đề của bản thân thì người khác cũng gặp phải, nên coi đó là "vấn đề của cuộc đời" (đời là bể khổ)

Tức là, trước nay họ thường CÁ NHÂN HÓA VẤN ĐỀ (nạn nhân hóa bản thân) thì nay nhận ra nhiều người cũng giống mình, từ đó mà bớt khổ hơn.

Hạnh phúc do làm từ thiện chỉ có mức độ

Bản chất của làm từ thiện, bố thí là cho tài nguyên đi. Cho quá nhiều sẽ dẫn tới thiếu hụt tài nguyên, lại dẫn tới đau khổ (dục cầu bất mãn). Ví dụ đói mà thiếu tiền nên không được ăn no, muốn đi coi phim nhưng không có tiền mua vé, muốn lập gia đình mà không có tiền cưới vv.

Hơn nữa, việc gặp người có hoàn cảnh khổ hơn để cảm thấy hạnh phúc, cũng là một dạng tư lợi và sẽ phải trả giá: Sẽ phải nghe câu chuyện của họ. Lòng cảm thương sẽ lên cao, giúp thì mất tài nguyên, không giúp thì cắn rứt lương tâm. Toàn những việc mà con người không giải quyết được, chỉ có thượng đế mới giải quyết được. Con người không thể làm thay việc của thượng đế. Khi họ làm thế, sẽ thành quá sức và sẽ đau khổ.

Nếu không nhớ câu "Con người chỉ như cỏ dại, tự sinh tự diệt" thì sẽ chỉ toàn cắn rứt lương tâm mà thôi.

Gặp người đau khổ sẽ bị lây cái đau khổ của họ, tất nhiên là người đau khổ sẽ được lợi: Họ được thông cảm và giúp đỡ. Họ thành công trong việc đánh vào lòng thương hại của người khác, và lòng thương hại cũng sẽ thành tài nguyên, vật chất trong tương lai.

Ngoài ra, còn bị người nhận từ thiện lừa dối nữa: Họ không khó khăn mà chỉ giả vờ khó khăn để đánh vào lòng thương hại. Họ là những "kịch sỹ nửa mùa" (chứ cũng chẳng phải chuyên nghiệp).

Họ có thể làm việc, tự kiếm sống, nhưng họ thích ăn xin, thích nhận bố thí, họ giỏi việc đánh vào lòng thương hại. Vì họ hiểu: Con người có nhu cầu làm từ thiện để cảm thấy hạnh phúc. Họ là những người bán hàng, bán dịch vụ "bạn là người tốt" hay "bạn sẽ được phúc đức về sau" vv.

Họ làm thế theo bản năng thôi, nên cũng thay đổi chiến lược thường xuyên. Với người này thì than nghèo kể khổ, than khóc vật vã, với người kia thì kể chuyện đời dài và buồn, mắt ngân ngấn lệ, một câu chuyện mà họ cũng mới nghe được .... từ người khác.

Người làm từ thiện muốn tin vào sự đau khổ của người được làm từ thiện, nên quan trọng là phải thể hiện được điều đó ra ngoài.

Những người có làm từ thiện cũng không hạnh phúc

Ngược lại, không phải ai làm từ thiện cũng hạnh phúc. Ví dụ ở Nhật, mọi người theo chủ nghĩa "lao động (vì bản thân) là vinh quang". Không có người ăn xin vì xin xỏ là không có danh dự, hơn nữa chẳng ai cho. Vì người ta sẽ nói: Nếu bạn có sức đi ăn xin, sao không lao động? Nếu bạn có thể đi bán vé số, sao không đi rửa chén thuê?

Ở Nhật đi ăn xin là rất khó. Nếu không có khả năng lao động thì phải nhờ trợ cấp xã hội (nếu không chính phủ để làm gì?), nếu có khả năng lao động thì chính phủ cho tiền học nghề, hoặc làm việc chân tay. Sống vô gia cư thì tương đối dễ, nhưng vẫn phải tự lao động kiếm ăn.

Nếu bạn không thật sự đau khổ, làm từ thiện sẽ làm bạn kém hạnh phúc hơn. Vì bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi những số phận nghiệt ngã, bi thảm và đau khổ là thứ lây lan. Vấn đề là bài toán kinh tế: Niềm vui thu về nhỏ hơn đau khổ bị lây nhiễm.

Vì đơn giản là dù có cố gắng giúp họ, cũng chẳng thay đổi gì. Sẽ sinh ra nhiều người cần giúp đỡ hơn (do cha mẹ vô trách nhiệm sinh ra), tức là ngày càng nhiều "lá rách" hơn, tới mức tất cả đều là "lá rách", không còn "lá lành" nữa. Cuối cùng thành ra "lá rách ít đùm lá rách nhiều".

Bạn đang là "lá lành", cũng bị biến thành "lá rách", thì bạn sẽ kém hạnh phúc hơn.

Vì thế ở đời thường chỉ có "lá rách ít đùm lá rách nhiều" mà thôi.

Nếu muốn thay đổi số phận của họ, thì phải thay đổi văn hóa và xã hội: Cha mẹ phải có trách nhiệm với con cái, phải tiến hóa. Lãnh đạo phải có trách nhiệm với dân chúng, phải do dân bầu ra, có tính chính danh, có uy tín.

Nếu không trừng phạt được cha mẹ và lãnh đạo vô trách nhiệm, thì những thân phận như cỏ dại ngày càng nhiều, thậm chí cả xã hội trở thành cỏ dại.

Như thế, dù có làm từ thiện cỡ nào, cũng chỉ như dùng keo dính để dán lỗ hổng trên con thuyền đã thủng đáy, sớm muộn cũng sẽ xuống bùn, trở thành loạn lạc mà thôi.

Từ thiện để thay đổi xã hội chỉ là chữa triệu chứng, không phải chữa căn nguyên. Từ thiện là để giúp cá nhân tham gia hạnh phúc hơn, một cách có mức độ.

Vì sao cho đi là hạnh phúc?

Bản chất từ thiện, bố thí, vẫn là "cho đi" (mà không nhận lại). Dù là bạn không trực tiếp làm từ thiện, nhưng góp tiền, góp của, thì vẫn là làm từ thiện, là "cho đi".

Nếu bạn nhiều tiền và thấy trống rỗng, bạn có thể góp tiền cho các tổ chức từ thiện, để có cảm giác cho đi và cảm thấy tốt hơn về bản thân. Đây không phải tư lợi. Bạn cho đi vật chất, nhận lại niềm vui, chẳng có gì sai, ai cũng làm thế. Đó là lý do ai cũng mua sắm, tặng quà nhau.

Quan trọng là "cho đi". Nhưng vì sao cho đi mang tới cảm giác hạnh phúc?

Vì nó nâng cao sự tự tôn cho bạn. Bạn cho đi nghĩa là bạn dư dả hơn người khác, do đó, lòng tự tôn sẽ tăng lên. Tức là làm giảm phức cảm tự ti, từ đó mà hạnh phúc hơn. Vì phức cảm tự ti là liều thuốc độc sẽ gặm nhấm dần hạnh phúc.

Nhiều người không hạnh phúc vì họ luôn nhìn người (có vẻ) giàu hơn, (có vẻ) hạnh phúc hơn, rồi chạnh lòng, tủi thân, phức cảm tự ti (tại sao mình là người tốt hơn người khác mà không được bằng họ).

Có người thấy tôi ôm hai bao tải tiền từ ngân hàng mà chạnh lòng đau khổ, mà không biết tôi đang nợ ngân hàng 4 bao tải tiền. Tôi đau khổ hơn họ nhiều! Chỉ ước sao được như họ. Nhưng đời là thế đấy.

Điều này đúng với cả người giàu bị phức cảm tự tôn của người giàu (tại sao mình tài giỏi thế này mà không hạnh phúc hơn người khác). Người giàu cũng không hạnh phúc vì phức cảm tự tôn.

Người nghèo hay người giàu đều có phức cảm, có uẩn ức, nên không hạnh phúc lâu dài được.

Đây là định mệnh chung cùng việc NHẬN THỨC SAI.

Người ta giàu hay nghèo là do hoàn cảnh, hơn nữa, đánh giá hạnh phúc đau khổ chỉ là tương đối. Thường là sai lầm nếu không có thang giá trị quan đúng. Nếu muốn đánh giá, thì phải xem giá trị quan, nhân sinh quan, thế giới quan của người đó, một việc mà chẳng ai có thời gian, và cũng chẳng cần làm.

Cứ nhìn gương mặt họ là biết được rồi, vì gương mặt, thái độ, cách cư xử sẽ thể hiện nội tâm bên trong.

Người giàu cũng phải cho đi để tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân. Vì họ đánh giá tài giỏi theo một thang giá trị là vật chất, là một sai lầm lớn. Bằng cách cho đi, họ nhận ra, tiền chẳng quan trọng và không phải thang giá trị, không phải ý nghĩa cuộc đời hay mục tiêu phấn đấu. Và nên nhận ra rằng, họ kiếm thêm tiền cũng chẳng thay đổi được gì, chẳng hạnh phúc hơn.

Tiền chỉ mang lại hạnh phúc nếu nó đầu tư vào mối quan hệ con người với nhau, tức là mối quan hệ xã hội. Vì tiền chỉ tồn tại trong xã hội, không phải là sở hữu của riêng như người giàu lầm tưởng.

Nhật Bản có câu:

金は天下の回り物
Kane wa tenka no mawarimono
Tiền là thứ quay vòng trong thiên hạ
Đồng tiền chẳng của riêng ai

Không có xã hội, tiền là vô nghĩa. Bạn tiêu tiền là vì bạn muốn làm ai đó vui. Bạn mua áo đẹp là để làm người yêu vui. Bạn tặng quà cho người khác, để họ vui. Thậm chí, bạn tiêu tiền để ... người bán vui.

Vì sao "nghìn vàng đổi lấy nụ cười"? Vì sao không làm từ thiện nhỉ? Vì làm từ thiện chắc gì người được từ thiện đã vui, họ sẽ tranh giành, xâu xé nhau, ai cũng cảm thấy thiệt và không vui.

Tiền chẳng là gì cả nếu tách khỏi các mối quan hệ xã hội. Tiền cũng dùng hối lộ, đút lót sếp tổng, chạy chức, chạy án, bảo kê, vv. Tất cả đều là mối quan hệ xã hội. Muốn bán ma túy, muốn mở sòng bạc bất hợp pháp? Sẽ cần tiền bảo kê, nộp cho người có mối quan hệ xã hội phù hợp.

Nếu bạn không có phức cảm tự ti của người nghèo, cũng không có phức cảm tự tôn của người giàu thì xin chia buồn: Bạn không thể cho đi để hạnh phúc được.

Vì nó không làm tăng lòng tự tôn hay giảm uẩn ức của bạn được.

Nhưng tin vui là bạn cũng không phải người đau khổ. Và bạn vẫn có thể cho đi để hạnh phúc, bằng cách tặng quà và làm người khác hạnh phúc, theo tiêu chí sủng ái: Nghìn vàng đổi lấy nụ cười.

Làm sao có "nghìn vàng" để đổi lấy nụ cười thì tùy năng lực, cơ hội kiếm tiền, niềm vui luôn có ở quanh chúng ta, hạnh phúc nào ở đâu xa, ngay ở dưới chân, à không, ngay ở trong ví thôi. Tiêu tiền là hạnh phúc, kiếm được tiền cũng là hạnh phúc, mà tích lũy tiền cũng là hạnh phúc.

Tùy mối quan hệ xã hội của bạn, tùy vào lối sống của bạn. Cho và nhận hoàn toàn tùy tâm.

Tiền chỉ là lý do thôi. Những thứ có vẻ miễn phí thật ra là giao dịch đắt đỏ và ngược lại, những thứ mua được bằng tiền là những thứ rẻ nhất. Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu về chủ đề này trong tương lai gần để làm sáng tỏ chân lý: Tại sao chúng ta cần tiền.
Mark

No comments:

Post a Comment