Sướng thế mà còn không biết đường mà sướng thì không thể chấp nhận được. Họ sẽ sớm khuyên bạn đi làm từ thiện và bố thí. Làm từ thiện cũng có thể giúp hạnh phúc ngắn hạn nhưng về lâu dài thì chắc là không.
Tốt nhất là đem tiền mà cho họ luôn đi, để họ dạy cho bạn biết thế nào là sướng.
Theo tôi, đây không phải là "sướng" (hạnh phúc) như mọi người nghĩ, chỉ là "supposed to be happy" (được coi là sướng) mà thôi.
Vậy vì sao một người được coi là sướng và họ khổ như thế nào?
Theo cách nhìn của tôi mà nói, họ cảm thấy khổ vì họ ... không hạnh phúc. Dù đầy đủ vật chất, gia đình, con cái (không bị phức cảm tự ti con cái) nhưng đấy chỉ là AN TOÀN, không phải là HẠNH PHÚC. Họ không hạnh phúc vì không có niềm tin (vào bản thân) hay lý tưởng (đấu tranh cho xã hội).
Một người không có niềm tin vào bản thân, và không có lý tưởng đấu tranh cho xã hội, sẽ chỉ an toàn mà không hạnh phúc.
Sai lầm của những người không hạnh phúc là phương trình ngụy biện đánh đồng:
AN TOÀN = HẠNH PHÚC
An toàn không phải là hạnh phúc. Một người dư dả về tài chính, tốt về gia đình, được coi là "viên mãn" chỉ là an toàn mà thôi. Họ chỉ "được coi là hạnh phúc (supposed to be happy)" đối với những người đang không an toàn về tài chính, hay gặp vấn đề về gia đình.
Trong mắt người không hạnh phúc thì đến một con chó hoang ngoài đường cũng hạnh phúc. Đơn giản là như thế.
Tôi hay nói thế nào nhỉ? Nếu một ngày bạn ra đường túm bất kỳ ai, kể cả bà lao công vừa bị chó táp ở chung cư, mà bạn có ngay một người hạnh phúc hơn bạn thì có nghĩa là: Bạn đã trầm cảm.
Có những ngày như thế.
An toàn không phải là hạnh phúc
Mọi người theo chủ nghĩa gia đình vì nó cho họ sự an toàn: Nếu họ có vấn đề gì sẽ có người giúp đỡ, giải quyết. Họ chỉ mong có gia đình tốt đẹp, không ai bệnh tật hay cờ bạc, đề đóm, làm ăn phá sản.Tất nhiên, họ mong con cái ngoan ngoan học giỏi nghe lời, chỉ có điều là những đứa nghe lời thì thường ngu trung và khó mà thành công trong tương lai. Những đứa mải chơi mới có thể lập đại nghiệp.
Tóm lại, mọi người ca bài "gia đình là số một" là để nhắc nhở nhau phải sống có trách nhiệm với gia đình. Như thế, họ tìm kiếm được sự an toàn.
Nếu lỡ có ai cờ bạc, vay nóng xã hội đen, thì đơn giản là mọi thứ sụp đổ: Chẳng ai còn an toàn với bọn cho vay nặng lãi nữa.
Tức là, chủ nghĩa gia đình chưa chắc đã an toàn. Những người chăm chăm tìm kiếm sự an toàn, cuối cùng lại không an toàn.
Nhỡ đâu con cái nghiện ngập? Nhỡ đâu bạn đời ngoại tình? Nhỡ đâu làm ăn phá sản? Nhỡ đâu sinh li tử biệt?
Không, chẳng ai an toàn cả. Hơn nữa, theo chủ nghĩa gia đình thì thường sống ở mức hạnh phúc của người kém hạnh phúc nhất, vì suốt ngày phải đi giải quyết vấn đề của người đó gây ra.
Như vậy, những người "sướng mà không biết hưởng" thực chất là khổ. Ví dụ những phụ nữ đảm đang có nhan sắc, lấy được chồng thành đạt chẳng hạn. Họ cũng có phẩm chất tốt, ở nhà quán xuyến gia đình, nuôi dạy con cái. Nhưng họ không hạnh phúc.
Vì việc nuôi dạy con cái của họ chỉ là kiểm soát gắt gao, can thiệp quá trình trưởng thành của con cái. Họ tự vẽ việc ra cho mình làm nhiều hơn là việc đó thật sự cần thiết.
Vì sống dưới khả năng và không thật sự có ước mơ đúng đắn (con cái trưởng thành không phải là ước mơ đúng đắn vì hoặc nó quá dễ, hoặc họ sẽ phá hoại nó), nên họ sẽ cảm thấy khổ.
Hơn nữa, họ cũng không tự lập về tài chính và sự nghiệp nên luôn cảm thấy bất an.
Để sống hạnh phúc thì phải phân biệt rõ AN TOÀN và HẠNH PHÚC:
An toàn thì thường không hạnh phúc.
Hạnh phúc thì thường không an toàn.
An toàn và hạnh phúc thường là đối ngược với nhau khi bạn đã tương đối an toàn rồi.
Nếu một người chọn con đường an toàn (playing safe) thì người đó hiếm khi có hạnh phúc thực sự. Họ chỉ có cái mà mọi người coi là hạnh phúc mà thôi (supposed happiness).
Những người coi họ là hạnh phúc thực ra là những người không hạnh phúc, trong đa số trường hợp là đau khổ kinh niên. Bạn không phải là họ, làm sao có thể sống hạnh phúc với những gì bạn có - những thứ mà họ coi là hạnh phúc chỉ vì ... họ không có hay cha mẹ họ không cho họ?
Đến lúc họ có những thứ như bạn, điều gì giúp họ không khổ như bạn? Chắc gì họ đã không khổ như bạn đúng không?
Vì thế, nếu bạn đã an toàn rồi thì phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Phải phiêu lưu mạo hiểm khám phá những vùng đất mới, tăng thêm nhiều trải nghiệm để xây dựng những lý tưởng mới. Khi nào bạn có đủ trải nghiệm, bạn sẽ có thể kết nối các sự kiện (connecting the dots) để tạo nên ước mơ và lý tưởng cho mình. Hạnh phúc không thể ngồi đọc sách hay "suy luận" mà có được. Phải trải nghiệm, phải mang thân mình ra mà trải nghiệm, tự đẩy mình vào tình thế mạo hiểm và đơn giản là: Đâm lao thì phải theo lao. Xem lao đi tới đâu.
Mark
No comments:
Post a Comment