Vậy thì tâm lý của họ là như thế nào và thực sự là làm thế có lợi hay không, căn nhà mua được có thở thành "tài sản" (asset) như kỳ vọng hay không?
Mua nhà khi còn trẻ là điều tương đối xa lạ ở Nhật hay Mỹ. Ở Nhật, rất ít người nghĩa tới việc mua nhà dưới 30, thậm chí có rất nhiều người thuê nhà cả đời, dù lương họ rất cao. Và họ vẫn kết hôn bình thường. Theo tiêu chí của phụ nữ Nhật thì không hay ít có mục "sở hữu" nhà mà là THU NHẬP NĂM (annual income) phải đủ cao, cụ thể là 6 triệu yên (mới ra trường đi làm là khoảng 2 triệu yên).
Bây giờ chúng ta lấy trường hợp anh X mua nhà. Anh X ra trường đã đi làm được vài năm, ra trường năm 23, đi làm 4 năm nên năm nay anh tầm 27 - 28 tuổi, cái tuổi bắt đầu "cuống" lên để lập gia đình.
Sau 4 năm đi làm, nhờ năng nổ, chịu khó và được cất nhắc, lại may mắn nên thu nhập của anh đã tăng lên 50 triệu/tháng và trong tài khoản của anh có 1 tỷ tiền tiết kiệm. So với bạn bè, với tôi hay với các bạn, như thế là quá thành công rồi.
Như vậy, có thể nói là anh có sự nghiệp. Giờ thì mua nhà để "an cư lạc nghiệp" và kết hôn nữa mà thôi. Lý do anh muốn kết hôn vì anh đi làm vất vả cần người sẻ chia tâm sự, lại thấy bạn bè một vài người đã có con cái rồi nên anh cũng muốn có tiếng trẻ bi bô trong nhà, thêm nữa là cha mẹ cũng bắt đầu giục giã mong sớm có cháu bế, cho bằng bạn bằng bè. Thêm căn nhà và một gia đình nữa là cuộc sống của anh sẽ viên mãn. Mà anh mới chỉ 27, 28 chứ mấy!
Vài năm nữa có lẽ là anh cũng có gia đình đuề huề và đầy đủ vật chất. Có thể chuyên tâm mà làm việc, nuôi dạy con cái. Đó là viễn tưởng mà anh mơ thấy.
Mọi người ai cũng mong anh có nhà, nhất là cha mẹ anh. Vì họ muốn anh lập gia đình sớm.
Bản thân anh cũng mong sớm mua nhà để tiết kiệm tiền. Vì dù thu nhập anh cao, nhưng tháng nào anh cũng chi tiêu tới 30 triệu (do không dùng phần mềm quản lý chi tiêu cá nhân nên anh thường nghĩ chỉ 20 triệu). Nếu có nhà và phải trả nợ tiền nhà thì anh sẽ tiết kiệm hơn và cũng tiết kiệm được tiền thuê nhà nữa.
Trên đây là tâm lý học mua nhà của anh X. Hợp lý!
Việc đầu tiên vẫn là mua nhà
Giờ đến phần thực chất của việc mua nhà (mua bất động sản), nói thẳng ra là tiền:
- Anh X có 1 tỷ gửi ngân hàng
- Thu nhập của anh là 50 triệu/tháng
Để mua chung cư xịn một chút thì sẽ cần hơn 3 tỉ, ví dụ 3.5 tỉ. Vì đây sẽ là căn nhà anh X ở lâu dài, lập gia đình nên cũng phải ở nơi có giao thông đi lại tiện lợi, dân cư văn minh, không ngập lụt và phải cao cấp một chút.
Như vậy, ai cũng thấy ngay anh còn thiếu 2.5 tỉ, không thể mua được nhà. Do đó, cha mẹ cho anh vay 1 tỉ tiền tiết kiệm của họ, anh vay thêm họ hàng 500 triệu, và vay ngân hàng 1 tỉ (lãi suất 10% năm đầu từ năm thứ 2 là 12%).
Để cho đơn giản thì tôi không tính tiền lãi ngân hàng mà chỉ tính tiền để trả nợ gốc là 2.5 tỉ. Vậy nếu mỗi tháng anh chi tiêu tiết kiệm và để dành ra 25 triệu trả nợ thì bao giờ anh trả hết nợ?
Với tiền vay ngân hàng và họ hàng là 1.5 tỉ cần 1.5 tỉ / 25 triệu = 60 tháng = 5 năm.
Đây không kể tiền anh vay của cha mẹ anh nhé. Vì tiền vay của cha mẹ anh trả lúc nào cũng được, cơ bản là trả cả đời không hết. ^^
Thời gian trả nợ trên đây là không kể tới lãi suất mà chỉ tính nợ gốc, vì tính thêm lãi suất thì ... vô vàn. Nếu anh không trả được tiền trả góp mua nhà, ví dụ ốm đau, bệnh tật, nghỉ việc hay bị đuổi việc thì ngân hàng sẽ thu nhà của anh ngay.
Hậu quả của việc vay tiền mua nhà
Trước tiên là anh phải đi làm liên tục trong 5 năm, áp lực rất khủng khiếp. Đây là 5 năm đau khổ. Trong lúc bạn bè anh không mua nhà thi nhau đi du lịch để trải nghiệm thế giới thì anh đi cày cuốc mệt nhoài và không cảm nhận được gì mấy. Anh chỉ quay cuồng trong công việc.
Từ phía sếp và công ty mà nói
Anh không dám nghỉ việc và sếp cảm thấy không cần phải tăng lương cho anh nữa. Vì ai cũng biết anh phải cố gắng hết sức làm để trả nợ, vì anh là một con nợ đích thực. Việc anh nhiều hơn, cực hơn và sếp không còn tăng lương đều để anh có động lực làm việc nữa, vì anh đã có rồi: Khoản nợ ngân hàng. Chỉ cần anh nghỉ việc, mọi thứ sẽ biến mất như một ảo mộng.
Từ việc tiết kiệm tiền mà nói
Anh nghĩ mua nhà sẽ giúp anh tiết kiệm tiền thuê nhà. Anh nhận ra, việc đó không đúng. Trước đây anh thuê nhà có 10 triệu, rất thoải mái, giờ anh thuê nhà giá ... 25 triệu. Anh đang bán hiện tại và mua tương lai.
Ngoài ra, thật sự là anh mất thu nhập vì mua nhà. Đây là điều mà anh cũng không nhận thấy, chỉ tôi mới nhận thấy thôi.
Vì mức lương của anh (50 triệu/tháng) tưởng cao nhưng không cao. Vì để nhận mức lương như thế - cao hơn mặt bằng chung khá nhiều - anh phải bỏ sức nhiều hơn người khác, và phải chi tiêu nhiều hơn người khác để duy trì sức khỏe và động lực. Tức là để kiếm 50 triệu anh phải bỏ ra 30 triệu cho cuộc sống.
Tiền bạc chỉ là vấn đề tài nguyên bỏ ra (sức khỏe + tiền bạc) và lợi ích thu về mà thôi. Anh lương cao thì phải mức sống cao mới đủ thể lực làm việc. Còn người không làm họ húp cháo cũng qua ngày, không cần xài tiền. Việc này anh X không hiểu vì anh còn trẻ, không được ai chỉ cho điều đúng như tôi vẫn làm với mọi người.
Khi anh góp cho ngân hàng 25 triệu/tháng, anh không còn quá nhiều tiền dư dả để chi tiêu như trước đây. Tức là trước đây anh thuê nhà hết 10 triệu/tháng thì anh còn 40 triệu, nay anh không phải thuê nhà thì chỉ còn 25 triệu. Cảm giác bị ít tiền đi sẽ gây áp lực tâm lý và mất đi sự tự do cần thiết để anh duy trì lối sống thu nhập cao.
Do đó, anh mệt hơn trước đây và bị bào mòn thể lực nhanh chóng. Vì thế, anh bị mất đi nhiều thu nhập, thậm chí là giảm thu nhập.
Từ phía trách nhiệm với cha mẹ mà nói
Anh tưởng cha mẹ anh cho vay tiền mua nhà là cha mẹ tốt. Ai cũng tưởng thế!
Nhưng anh X đã lấy đi hết tiền dưỡng già của cha mẹ, khiến mức sống của họ giảm, dễ bị bệnh tật. Vì thế, anh phải chăm lo y tế cho họ. Mỗi khi có việc, họ lại nhờ anh vì anh "lương cao" và họ đã giúp anh mua nhà "tiết kiệm bao nhiêu tiền thuê nhà".
Việc này diễn ra lâu dài và từ từ rồi anh X sẽ nhận ra tai hại của việc vay tiền cha mẹ để mua nhà.
Căn nhà tiêu sản
Thực chất, anh X mua nhà "tiêu sản" và là bước khởi đầu của thất bại. Anh không thể duy trì thu nhập cao khi mức sống bị giảm đi. Anh chán việc tới cùng cực và mệt mỏi muốn buông xuôi nhưng không có giải pháp nào khả dĩ.
Nếu anh nghỉ việc, vì anh không còn chịu nổi áp lực nữa, thì anh sẽ không trả được khoản mua nhà và sẽ mất nhà.
Nếu anh tiếp tục, chẳng biết ngày nào anh suy sụp hay trầm cảm, vừa mất nhà, vừa mất vô vàn thời gian chữa trị.
Nếu anh dừng lại, anh mất sự tôn trọng, vị thế xã hội và thành trò cười cho họ hàng.
Lựa chọn nào cũng chỉ toàn hạ sách.
Thật ra. điều anh nên làm là bán ngay "tiêu sản" (liablity) đi, trả hết các khoản đã vay và vui vẻ đi thuê nhà. Nhân tiện, từ khi anh mua nhà thì cũng không có cô gái nào để ý anh. Vì anh quá bận nên chắc không có thời gian khoe. Hơn nữa, anh cũng stress nữa.
Chứ nếu anh thuê nhà, chưa chắc ai đã biết là anh ở nhà thuê. Thường thì ai cũng nghĩ là nhà bạn mua, vì mọi người thường hay có tật "đếm tiền trong túi người khác" và nghĩ là chắc nhiều lắm.
Nhưng thế thì ngay từ đầu anh mua nhà làm gì?
Thế mới nói, mọi người không tỉnh táo và tự rước khổ vào người. Sở dĩ người trẻ không nên mua nhà vì họ không có tiền, dù lương cao thế nào. Căn nhà cũng không có ý nghĩa đem lại cho bạn bất kỳ điều gì cả chứ đừng nói là làm bạn hạnh phúc. Nó sẽ bào mòn chính con người bạn.
Nhất là trong thời đại bong bóng bất động sản như thế này. Ở nước ngoài không ai có khái niệm mua nhà cả, nếu làm lương cao thì họ giữ tiền vậy thôi.
Nếu bạn lương cao, thậm chí không cao, bạn nên đầu tư cho trải nghiệm, lối sống, học vấn. Hãy du lịch nhiều vào, khám phá thế giới, nuôi dưỡng tâm hồn. Dù lương bạn không cao, trong thời gian 20 - 30 tuổi hãy đi làm tiết kiệm tiền du lịch và quên hẳn đi việc mua nhà. Nói chung vì đằng nào lương bạn cũng không cao nên hãy xài cho bản thân và du lịch, trải nghiệm nhiều vào. Có vô vàn cách đi du lịch giá rẻ mà bạn có thể tham khảo trên mạng.
Vì sau này có tiền đi du lịch thì cũng không thể nào bằng trải nghiệm thời trẻ được. Tiền không làm nên trải nghiệm, mà trí tưởng tượng, khả năng xoay sở mới làm nên trải nghiệm. Đi du lịch kiểu tiết kiệm vui hơn nhiều đi du lịch kiểu nhà giàu, vì bạn khám phá cuộc sống thực, không phải khám phá khu du lịch hay bữa ăn trong khách sạn.
Với các bạn có chí hướng du học thì hãy đi du học. Vì du học thực chất cũng chỉ là du lịch, nhưng lâu hơn mà thôi. Như kiểu tình yêu cũng chỉ như tình bạn, nhưng mạnh hơn mà thôi ý.
Mark
No comments:
Post a Comment