Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Saturday, August 4, 2018

Vì sao giá bất động sản luôn cao - nguyên nhân kinh tế

Con người đi làm và tích lũy (tiền tiết kiệm) cho tương lai, phòng khi ốm đau, bệnh tật, già yếu, mất sức lao động. Vẫn có những người vô trách nhiệm đi làm mà không tích lũy và trông chờ con cái khi về già, nhưng họ về cơ bản là đau khổ thì bàn tới mà làm gì?

Vậy con người tiết kiệm bằng các hình thức nào?
- Gửi tiết kiệm ngân hàng
- Mua vàng
- Mua ngoại tệ (mà họ nghĩ là sẽ lên giá vv)
- Chứng khoán, cổ phiếu
- Trái phiếu chính phủ
- Bảo hiểm nhân thọ
- Bitcoin và tiền điện tử
- Bất động sản (mua rồi đợi lên giá bán lại tức là đầu cơ, hay mua rồi cho thuê lấy tiền tức là đầu tư)

Bitcoin cũng có thể là kênh giữ tiền chống lạm phát và chiến tranh tiền tệ

Thời buổi lạm phát cao "thóc cao gạo kém"

Lạm phát chính thức là tầm 6%, nhưng các mặt hàng thiết yếu, giá thuê nhà sẽ tăng 10% một năm. Sở dĩ lạm phát chính thức thấp là vì tính cả các mặt hàng "xa xỉ" như nhà, xe vv, những thứ mà người nghèo không mua được. Nên thực ra, người nghèo phải chịu lạm phát cao hơn mặt bằng chung nhiều.

Do đó, người ta sẽ không muốn gửi ngân hàng lắm, trừ ... người giàu được hưởng lãi suất 8 ~ 10%.

Vàng: Kết kim

Vàng hiện nay không phải là kênh mua bán tự do, mà là do nhà nước quy định giá (đúng ra là dải hẹp về giá), như vậy cũng có thể gọi là độc quyền. Giá vàng sẽ không dao động quá lớn nên có thể tăng giá còn thua gửi tiết kiệm.

Tóm lại kết kim là cấm giao dịch bằng vàng, loại bỏ vàng ra khỏi công cụ thanh toán. Hiện nay dùng vàng mua nhà là phạm pháp. Cách đấy 10 năm, người ta thường tính nhà theo "cây vàng" và giao dịch bằng vàng.

Ngoại tệ: Kết hối

Ngoại tệ cũng như vàng, không còn là dụng cụ thanh toán do chính sách kết hối, giao dịch bằng ngoại tệ là phạm pháp. Giữ ngoại tệ thì không sao. Nếu bạn nhận kiều hối, bạn có thể bán cho ngân hàng nhưng bạn không thể tự do mua ngoại tệ từ ngân hàng mà không có lý do chính đáng như đầu tư, kinh doanh (cần hợp đồng mua bán), du học (visa du học), du lịch, chữa bệnh vv cùng bộ hồ sơ hợp lý.

Nếu không tin, bạn cứ ra ngân hàng hỏi mua ngoại tệ thì biết.

Giữ ngoại tệ thì được, nhưng lúc cần bán thì sẽ bán theo giá quy định. Tỉ giá ngoại tệ được điều chỉnh một vài lần mỗi năm, nhưng tăng rất chậm nên so với gửi tiết kiệm nội tệ thì thua xa.

Vì thế, giữ vàng hay ngoại tệ, trừ lý do yên tâm thì thực chất sẽ lỗ khi đổi ra nội tệ để tiêu xài hay kinh doanh. Còn nếu mua hàng từ nước ngoài như Mỹ, Nhật thì thoải mái.

Chứng khoán, cổ phiếu

Một sòng bài mà tay chơi nhỏ luôn thua. Hơn nữa, các doanh nghiệp không có lời về thực chất, vì lạm phát quá cao thì không thể có lời. Thường thì họ chỉ lời 3 ~ 10% là cùng, mà lạm phát sẽ lấy hết lợi nhuận không thể tái đầu tư, chưa kể người dân đang nghèo đi do lạm phát. Do đó, có thể nói là cầm chừng thì sống chứ không mong lời. Trừ doanh nghiệp gia công xuất khẩu.

Có mua cổ phiếu thì cũng khó bán được, vì chúng không sinh lời, lại rủi ro doanh nghiệp phá sản. Mà giá cổ phiếu không tăng nhiều nên thực ra là lỗ so với gửi tiết kiệm, mà lại tốn thêm thần kinh nữa.

Trái phiếu chính phủ

Cá nhân có thể không thể mua được mà thời hạn quá dài, lạm phát lại cao, nên thực chất thì khó có lời. Mệnh giá lớn nên thường chỉ doanh nghiệp lớn mua được.

Bạn phải hiểu là các tổ chức tài chính như bảo hiểm nhân thọ, ngân hàng vv sẽ mua bằng ... tiền của bạn.

Họ mua trái phiếu lãi suất 6% rồi trả cho bạn 4% hoàn toàn bằng tiền các bạn góp vào. Nếu đồng nội tệ phá sản, mất giá (như tiền Venezuela) thì họ vẫn lấy tiền từ trái phiếu chính phủ trả cái vèo cho bạn và không thật sự mất mát gì. Vì họ có kinh doanh bằng tiền của họ đâu?

Họ lấy tiền của bạn để mua trái phiếu chính phủ, lại là khoản cho vay của bạn. Vì trái phiếu là "chính phủ nợ bạn". Chính bạn cho bạn vay thôi, chứ từ đầu không có ai góp tiền hay làm ăn gì cho bạn cả. Nếu không hiểu điều này, có lẽ bạn mãi mãi là "trung lưu", nói cách khác là đàn bò sữa cho tư bản chăn dắt.

Bảo hiểm nhân thọ

Bạn xem phần trái phiếu chính phủ ở trên để hiểu rõ cốt cách, nhân phẩm và tấm lòng bao la quảng đại của họ nhé. Đừng hi vọng là sẽ sinh lời. Nếu lỡ bị tai ách, lấy được tiền còn có xác suất không thành công, có khi mất hết cả tiết kiệm trong đó.

Tôi tự bảo hiểm chứ không dùng bảo hiểm nhân thọ. Vì tính mạng với tôi chỉ như đồ chơi, cuộc đời chỉ như ván bài mà thôi.

Bitcoin và tiền điện tử

Khó thanh khoản, thanh toán và giao dịch bất tiện. Tương lai có thể khác. Mà giữ bitcoin cũng như là đầu cơ thôi, còn có thể bị hack.

Nhưng dù sao, dư tiền giữ bitcoin và tiền điện tử cũng cool mà??

Bất động sản: Kênh đầu cơ, đầu tư, giữ tài sản khỏi mất giá

Vì các lý do trên, để tránh mất tiền do lạm phát, mọi người đều đầu tư bất động sản. Vì lạm phát cao, tiền mất giá thì bất động sản sẽ lên giá theo.

Người giàu thì nhất định sẽ mua hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn căn nhà cho thuê và mỗi tháng họ lại mua thêm một vài căn, bên cạnh lối sống xa hoa, hưởng thụ. Con cái du học Âu Mỹ cũng mua hàng loạt nhà bên đấy.

Người nghèo và trung lưu cũng sẽ "chạy đua vũ trang" với người giàu và mua nhà với giá cắt cổ. Vì sao người nghèo và trung lưu cũng lại mua nhà bằng mọi giá?

Vì lạm phát cao nếu giữ tiền thì cũng bốc hơi rất nhanh (lạm phát cao là hình thức đánh thuế toàn dân). Người nghèo và trung lưu cảm nhận rõ điều này hơn ai hết, vì lạm phát thực chất (các mặt hàng thiết yếu) đối với họ là 10%.

Ngoài ra, còn một lý do quan trọng là bất động sản lại không bị đánh thuế và kiểm soát như vàng hay ngoại tệ. Vì người giàu đa phần nắm bất động sản, họ sẽ không muốn bị đánh thuế gì đâu. Không ai lại tự cắt máu mình dâng cho người khác.

Mà giá bất động sản cao thì người giàu lại có lợi, vì họ tha hồ bán giá cao cho người nghèo và trung lưu, những người mà họ biết chắc là: Muốn kết hôn để sống "hạnh phúc" thì sẽ bắt buộc mua nhà.

Bạn cần lưu ý khi mua nhà để giữ tiền, đầu tư hay đầu cơ

Căn nhà của bạn chưa chắc đã tăng giá, có thể chỉ tăng giá do lạm phát, có khi tỉ lệ sinh lời thua gửi ngân hàng. Bạn phải mua được nhà sẽ tăng giá theo thời gian, điều đòi hỏi kiến thức kinh tế và thời gian.

Hơn nữa, đa phần mọi người mất tiền. Vì họ lấy hết tiết kiệm rồi vay cha mẹ, họ hàng mua ... nhà không tăng giá.

Vì cha mẹ đưa hết tiền cho bạn nên họ sẽ bị giảm mức sống và bị bệnh và bạn phải trả tiền y tế cho họ. Bạn là người thua thiệt sau cùng.

Trong lúc đó, người giàu được vô cùng lợi nhờ chiêu mua đi bán lại (đầu cơ). Bạn là trung lưu mà lại lấy hết tiền làm giàu cho người giàu, thế cũng là khá ngang trái.

Vì sao không thuê nhà của người giàu với giá phải chăng nhỉ?

Đừng bao giờ vay tiền cha mẹ mua nhà, vì cái giá phải trả bao giờ cũng cao hơn nhiều, nhiều trường hợp là đắt đỏ. Tôi chẳng bàn đến phận làm con trong chế độ phong kiến ở đây, chỉ bàn về kinh tế thôi.

Tôi đứng ngoài vòng xoáy mua nhà và bong bóng bất động sản.

Giữ tiền như thế nào

Đây là một chủ đề lớn. Cơ bản là bạn gửi ngân hàng lấy lời làm tiền sinh hoạt (6 tháng ~ 1 năm). Còn lại thì đa dạng hóa thành vàng, ngoại tệ nhưng chỉ lưu trữ chứ không mang ra dùng, mà đảm bảo sinh hoạt bằng thu nhập của bạn.

Còn dư ra, bạn đầu tư cho lối sống, công việc, sự nghiệp. Có rất nhiều thứ có thể đầu tư mà. Tiền ngoại tệ mà bạn giữ, bạn có thể mua hàng từ nước ngoài, như thế tránh được lạm phát trong nước. Còn trong nước thì duy trì lối sống tối giản thôi. Tôi sẽ trở lại chủ đề làm sao sinh tồn trong thời buổi lạm phát cao (thu thuế toàn dân) và thóc cao gạo kém này.
Mark

No comments:

Post a Comment