Trước nay, tôi vẫn phản đối việc lấn chiếm vỉa hè, nhưng nghĩ lại, biết đâu thế lại hay? Mọi người phải có lý do thì họ mới làm thế. Trong thời buổi lạm phát cao và thuế phí cao như thế này, bất động sản lại bong bóng, thuê mặt bằng kinh doanh có giá trên trời, thì kinh doanh vỉa hè, hàng rong thực sự lại là hợp lý về kinh tế. Nó không chỉ giúp cho người kinh doanh sinh tồn trong bão lạm phát mà còn giúp người dân đi ăn hàng vượt qua được cơn bão này.
Nền kinh tế vừa đình đốn vừa lạm phát cao được gọi là ĐÌNH LẠM (Stagflation = Stagnation + Inflation). Với lạm phát cao thì doanh nghiệp làm ăn không có lời, phải đóng cửa hoặc rút khỏi các con phố chính, đi vào sâu trong hẻm hoặc thậm chí là về nhà. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Không phải vì họ làm ăn không tốt, mà vì khách hàng của họ nghèo đi do lạm phát. Vì thế, dù có bán được hàng thì thu cũng không đủ bù chi, nhất là cho mặt bằng thuê với giá đắt đỏ. Những doanh nghiệp vẫn còn sinh tồn được là do họ biết cách thu hẹp sản xuất, rút về nhà để không tốn tiền mặt bằng. Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ phá sản còn phải đi làm thuê, thì lấy đâu ra việc mà làm cho cử nhân mới ra trường.
Nguyên nhân của đình lạm thì khá dài, có khi cách đây cả 10 năm. Thời đó là bão tín dụng, vay tiền từ ngân hàng rất dễ. Doanh nghiệp đua nhau vay tiền từ ngân hàng, mà thực chật là tiền của NGƯỜI DÂN hay nói cách khác là "tiền của người khác". Vì thế, họ đầu tư rất thoải mái, thậm chí còn lập hồ sơ khống vay tiền nhiều ngân hàng để đầu cơ chứng khoán, bất động sản, vàng. Thời đấy thì chưa cấm buôn bán vàng như bây giờ. Để trả lãi ngân hàng rất cao (thời đấy mà bạn cầm tiền đi gửi lấy lãi suất 10% là thường), kinh doanh truyền thống sẽ không thể trả được (20 ~ 30%) nên doanh nghiệp nào cũng đầu cơ bất động sản. Khi bong bóng vỡ, họ để lại nợ xấu khổng lồ trong nền kinh tế, nói cách khác, tiền của nhân dân đã KHÔNG CÁNH MÀ BAY.
Nhưng AI-ĐÓ đã cứu hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp zoombie này, có lẽ họ có cổ phần và lợi ích, nên phải cứu là hợp lý. Vì thế mà không có ai phá sản, chỉ có "tái cơ cấu". Nhưng nợ xấu vẫn còn đấy, vì làm sao mà xử lý được.
Sau này, vàng và ngoại tệ bị loại khỏi vòng thanh toán (gọi là kết hối, kết kim) để giữ giá nội tệ và thực hiện chính sách giải cứu.
Thì tốt thôi, cứu người giàu chứ không ai cứu người nghèo. Ngay cả người nghèo cũng rất sợ ngân hàng phá sản. Họ sợ mất vài đồng bạc hơn là sợ mất cả tương lai của họ và con cái họ (vì tâm lý tư lợi).
Đúng ra phải cho phá sản doanh nghiệp "thây ma" và ngân hàng "thây ma", nhưng thế thì người giàu mất tiền. Mà người giàu không thể mất tiền. Tiền mà họ tiêu thực chất cũng là tiền vay từ ngân hàng, tức là tiền của người dân, của các bạn mà thôi. Nhưng tài sản họ thế chấp lại là tài sản của họ, không thể để mất vào tay các bạn được.
Vì tung tiền ra "giải cứu" nhà giàu mà tiền được đưa ra lưu thông quá nhiều, dẫn tới lạm phát cao, trong khi nền kinh tế đình đốn vì không có tri thức, vốn tích lũy. Thành ra kết cục tất yếu là ĐÌNH LẠM.
Nói thẳng ra, doanh nghiệp quốc nội trước nay vốn làm ăn không bài bản, chỉ chộp giật và dùng "tiền người khác" để làm ăn thôi. Những hãng taxi có hàng trăm, hàng ngàn chiếc taxi nhưng quản lý, làm ăn vẫn chỉ chộp giật, phụ thuộc con người mà không có hệ thống. Lẽ ra họ phải phá sản từ lâu, chẳng qua được cứu, được "khoanh nợ" vì họ cũng có cổ phần của nhiều người quan trọng, nên không thể cứ thế mà ra đi được.
Ngoài ra, con người cũng không có đầu óc mở mang để kinh doanh, vì nền giáo dục chỉ đào tạo ra những kẻ biết vâng lời và được nhồi giáo điều vào đầu mà thôi, không phải người có đầu óc tự do sáng tạo.
Nên nguyên nhân đình lạm là nguyên nhân phức hợp, không phải là một vài nguyên nhân đơn lẻ.
Bài học từ nước Nhật và nước Mỹ
Tình hình hiện nay giống như Nhật Bản những năm 90, khi bong bóng bất động sản vỡ, nợ xấu tràn lan và chính phủ quyết tâm đổ tiền ra cứu tài phiệt. Những doanh nghiệp này vẫn "sống khỏe", để rồi không thích nghi được thời đại, và tới nay vẫn lăn ra chết, và nền kinh tế Nhật đã trì trệ suốt gần 30 năm nay.Vì doanh nghiệp "thây ma" không chết sẽ không có chỗ cho người trẻ, người tài, cho khởi nghiệp. Phải để những thứ yếu kém ra đi thì mới thay đổi được. Một nền kinh tế đã thối nát thì phải xóa đi làm lại từ đầu.
Vẫn còn những doanh nghiệp "thây ma" ở đó thì không ai phát triển được, vì họ chỉ chèn ép doanh nghiệp vừa và nhỏ thay vì hỗ trợ. Lẽ ra, nếu họ phá sản thì người khác sẽ mua lại và làm lại từ đầu thì nền kinh tế mới có cơ hội đi lên.
Người Mỹ lại không phải là người Nhật, vì họ đã có lịch sử kinh tế thị trường lâu dài. Vì thế, dù là ai họ cũng cho phá sản. Nên kinh tế Mỹ luôn có thể đi lên sau khủng hoảng. Mỗi khi có doanh nghiệp lâu đời làm ăn không hiệu quả, chính phủ cho phá sản và cho người khác mua lại để thay thế. Đây gọi là đổi chủ. Những kẻ đã trở nên quá kiêu ngạo thì nên ra đi để người khác thực tế hơn vào làm.
Thực ra thì doanh nghiệp vẫn còn đó, chứ không mất đi, chỉ là bàn giao lại cho người khác có năng lực thôi.
Nền kinh tế vỉa hè
Kinh tế vỉa hè và kinh tế hàng rong sẽ phát triển mạnh trong tình trạng đình lạm. Vì sẽ tránh được lạm phát, tránh được mặt bằng giá cao do bong bóng bất động sản.Nó giúp cho cả người dân đang chống chọi với lạm phát nữa. Vì nếu bạn đi ăn nhà hàng, bạn phải trả nửa giá tiền cho mặt bằng, để nhà hàng trả cho chủ nhà.
Bằng cách vào quán vỉa hè, bạn không tốn những tiền này, và một loạt các loại thuế, phí khác nữa.
Như vậy, ngay cả là người tiêu dùng, hay tầng lớp trung lưu, bạn cũng nên tránh nhà hàng có mặt bằng đắt đỏ. Bạn không nhất thiết đi quán vỉa hè nhưng nên vào quán trong hẻm, quán mà mặt bằng sở hữu không phải đi thuê, vv. Bạn sẽ tiết kiệm được khối tiền và tích lũy đề phòng siêu lạm phát hay chiến tranh.
Kinh tế vỉa hè, kinh tế hàng rong đang giúp cho rất nhiều người nghèo, bị đạp ra khỏi lề xã hội, bị mất đất đai nhà cửa vv có kế sinh nhai, vì thế không mất đi mà còn ngày càng phát triển. Tức là, trong hoàn cảnh nào, con người cũng sáng tạo ra cách để sinh tồn. Và họ cũng giúp người khác sinh tồn bằng cách bán hàng giá rẻ, và giúp mọi người tránh được bong bóng bất động sản.
Chỉ có một điều làm "người ta" không vui, đó là không thu được thuế của những người này. Họ dường như "vô hình" trong nền kinh tế "chính thống", giống như là Robin Hood trong đời thực vậy. Không vui, nhưng họ quá đông, nên cũng không thể làm gì được, hoặc chỉ làm đối phó là chính.
Người dân sẽ luôn tìm được cách sinh tồn trong hoàn cảnh khó khăn, và có lẽ đó là cách trả lời của họ đối với lạm phát cao (= đánh thuế toàn dân).
Đó cũng là bài học cho chúng ta: Muốn sinh tồn phải chống được lạm phát, chống được bong bóng bất động sản.
Mark #MyCampain #CuộcĐấuTranhCủaTôi
No comments:
Post a Comment