Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Tuesday, July 19, 2016

Vì sao phải giữ gìn vệ sinh công cộng?

Vệ sinh công cộng (public hygiene) là gì?

Giữ gìn vệ sinh công cộng là cách tốt để bảo vệ sức khỏe cộng đồng (public health) không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần.

Tôi ví dụ thế này:
Một người mẹ vì con ăn cắp tiền chơi game la mắng cũng không sửa được tật này nên lột quần áo bắt con đứng ngoài đường. Người mẹ này hi vọng là đứa con bị xấu hổ sẽ không làm thế nữa. Làm vậy đúng hay sai?

Đây là vấn đề mà mọi dân tộc gặp phải. Tuy nhiên, hiện nay mà làm thế này ở Nhật hay Mỹ thì sẽ bị kết tội ngược đãi trẻ em và nếu tái phạm có thể bị tước quyền giám hộ (chuyển sang cho nhà nước giám hộ). Không nói tới luật pháp, việc trên đúng hay sai về mặt đạo lý?

Thật ra thì chuyện trong mỗi nhà khó mà can thiệp nhưng vấn đề của người mẹ trên là làm phiền những người xung quanh và mất vệ sinh công cộng. Vệ sinh không phải chỉ là giữ đường phố sạch đẹp mà còn cả về tinh thần nữa.

Vệ sinh tinh thần
Vệ sinh tinh thần là rất quan trọng để tái tạo sức lao động và sự sáng tạo. Không ai thích nhìn cảnh chướng mắt ngoài đường. Việc trừng phạt con ngoài đường làm ảnh hưởng tới tinh thần của mọi người qua lại.

Tiếng ồn cũng là một dạng mất vệ sinh tinh thần. Bạn sẽ không thể tái tạo sức lao động nếu đêm khuya hàng xóm làm ồn và bạn không ngủ được. Ở Nhật mà làm ồn thì kêu cảnh sát qua vì họ có luật tiếng ồn rồi.

Ở Singapore cấm hút thuốc nơi công cộng.
Vi phạm phạt 1000 SGD tức là hơn 1 tháng lương của người lao động.

Xã hội văn minh là xã hội đảm bảo được vệ sinh công cộng. Vì thế, nhiều nước đã cấm hút thuốc lá nơi công cộng, chỉ được hút thuốc ở nơi quy định. Ở ta thì đi đường thấy rất nhiều người phì phèo thuốc lá, ảnh hưởng tới sức khỏe công chúng cũng như gây nguy hiểm về giao thông (bạn tránh khói, tránh tàn thuốc thì rất dễ bị va chạm). Việc hút thuốc thì là quyền cá nhân nhưng vừa lái xe, vừa phì phèo thuốc lá thì rõ ràng là đang làm mất vệ sinh công cộng, cả về thể chất lẫn tinh thần. Đặc biệt tại nhiều chung cư hiện nay còn có hiện tượng thanh niên, trung niên phì phèo thuốc lá trong thang máy. Rõ ràng là họ không coi trọng vệ sinh công cộng và sức khỏe công chúng.

Vì sao phải giữ gìn vệ sinh công cộng?

Vì bạn đang sống trong xã hội dung chứa bạn, bạn nên làm điều tốt vì xã hội đó. Đây gọi là "lòng biết ơn xã hội". Lòng biết ơn là yếu tố rất quan trọng để sống hạnh phúc.

Khi bạn ra khỏi nhà là bạn ra chốn công cộng, đây là nơi chỗ dành cho tất cả mọi người trong xã hội chứ không phải dành riêng cho bạn. Bạn phải tôn trọng nơi công cộng và quyền lợi của người khác để tôn trọng bản thân.


Vì sao lại phải biết ơn? Có ai cho tôi tiền đâu? ^^
Lòng biết ơn vì lợi lộc không phải lòng biết ơn. Cho tiền, cho thức ăn và bắt người khác phải ghi nhớ để trả nợ không phải là "làm ơn" mà là cho vay nợ, thường là cho vay nặng lãi. Việc "đời đời nhớ ơn" việc gì đó, ai đó là dạng văn hóa kể công, cho vay nặng lãi. Khi bạn hi sinh vì lý tưởng nào đó thì nghĩa là bạn đã hạnh phúc với quyết định đó và tuyệt đối không nhắc lại hay kể công nữa. Nếu có ai kể công lao của bạn, bạn phải từ chối nhận.

"Cho dù tay trái của bạn làm việc tốt, thì cũng không cần phải để cho tay phải biết"

Lòng biết ơn đúng phải là biết ơn xã hội. Ví dụ, bạn bỏ tiền mua nhà nhưng nếu không có xã hội thì không thể có ai xây nhà cho bạn. Bạn tự xây nhà thì không bao giờ tốt và còn lâu mới xong. Bạn có nhà là hoàn toàn nhờ xã hội đã chuyên môn hóa và có rất nhiều người tham gia việc xây nhà:

Kiến trúc sư thiết kế nhà
Người trang trí nội thất
Công nhân xây nhà
Nhà sản xuất nguyên vật liệu xây dựng
Nhà sản xuất đồ vệ sinh trong nhà
v.v....

Phải cả một nền công nghiệp xây dựng mới phục vụ được nhu cầu nhà ở của bạn. Hoặc là bạn ra đường cũng vậy, con đường không có sẵn cho bạn đi, đèn giao thông không có sẵn để đảm bảo bạn đi đúng luật và thuận tiện. Phải có ai đó làm ra chúng, nói thẳng ra là xã hội chung tay làm ra chúng. Bạn đi máy bay nghĩa là có rất nhiều người chế tạo, vận hành bạn mới sống tiện lợi như vậy. Và máy bay là do nhân loại phát minh trong thời gian lâu dài. Liệu bạn có biết ơn họ không.

Vấn đề của những người theo chủ nghĩa trọng kim (coi trọng tiền bạc) là: TÔI TRẢ TIỀN, TÔI CÓ QUYỀN. Việc gì tôi phải biết ơn? Tôi trả tiền cơ mà?

Tiền của bạn cũng không phải của bạn, mà là tài sản của xã hội. Bạn thử mang tiền đó ra hoang đảo là biết ngay giá trị của chúng. Có cả núi vàng ở hoang đảo thì bạn cũng chẳng mua được gì và không mua được chuyến bay trở lại xã hội.

Biết ơn xã hội là hợp đạo lý
Không có xã hội, không có gì cả. Những người biết biết ơn xã hội cũng là những người nỗ lực đóng góp cống hiến cho xã hội. Vì thế, họ sống an toàn và sung túc hơn.

Những người không biết ơn xã hội thì ngược lại, họ chỉ biết ơn khi có ai đó cho tiền hoặc cho họ thức ăn. Vì thế họ không đóng góp cho xã hội mà chỉ cố gắng trục lợi. Về ngắn hạn có thể có lợi, về lâu dài thì không ai tin họ và chơi với họ nên họ sẽ nghèo khó lâu dài.

Vì sao người Nhật, người Anh nhặt rác ở Việt Nam? Vì họ biết ơn xã hội. Họ muốn nơi họ sống sạch đẹp và tốt đẹp. Họ không vì quý mến người Việt mà làm thế, họ chỉ quý mến xã hội mà họ đang sống. Đây cũng là điều tôi làm: Mọi việc phải vì việc giữ gìn vệ sinh, đạo đức xã hội. Bạn không cần quý mến người ở đó mà hãy làm điều tốt cho xã hội ở đó.

Thực hành lòng biết ơn xã hội

Có câu nói rất hay thế này:


Đây là câu nói của một trường Nhật ngữ. Đây cũng là triết lý trong cuộc đời: Vì mọi người giúp tôi nên tôi sẽ nỗ lực làm tốt hơn nữa. Tôi luôn cảm thấy việc đóng góp của mình không đủ, nên tôi nỗ lực hơn nữa để đáp lại lòng tốt. Nếu bạn không biết ơn, bạn sẽ chẳng làm gì cả.

Bản chất công việc là giúp ích cho người khác (còn tiền bạc chỉ là hệ quả, không phải mục đích chính).

Thực hành lòng biết ơn như thế  nào?
1. Không xả rác hay gây mất vệ sinh công cộng.
2. Không gây ồn ào nơi công cộng.
3. Không làm chuyện xấu xí nơi công cộng (ăn uống mất vệ sinh, mặc áo ngủ ra đường, v.v...)
4. Biết tránh đường. Nơi công cộng không phải là chỗ bạn chắn đường người khác kể cả bạn là khách hàng.
5. Có thái độ tôn trọng bản thân và người khác.
6. Luôn là khách hàng lịch sự, tôn trọng cửa hàng và nhân viên bán hàng.
7. Biết xếp hàng, tôn trọng thời gian của người khác.
8. Không chen lấn và đụng chạm người khác. Tôn trọng không gian cá nhân của người khác.

Xã hội văn minh là xã hội thực hành lòng biết ơn thông qua đảm bảo vệ sinh công cộng ở trên. Ngược lại, nếu không làm các điều trên, xã hội sẽ không văn minh và toàn người tư lợi (vì thế hiếm khi làm gì thành công.)

Mark @ Saromalang

No comments:

Post a Comment