Chuyên mục tư vấn học tiếng Nhật để du học @Saromalang
Giao tiếp gọi là 会話 KAIWA [hội thoại] và đây là nỗi lo lắng của nhiều bạn trẻ có ý định du học tự túc tại Nhật cũng như là nỗi khổ tâm của người học tiếng Nhật trong nước nói chung. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao học mãi vẫn không giỏi giao tiếp?Hơn nữa, nếu bạn định đi du học thì câu hỏi nữa là: Có nên học giao tiếp tiếng Nhật cho giỏi rồi mới đi du học Nhật Bản dạng tự túc vừa học vừa làm (để còn xin việc làm thêm)?
Du học Nhật khác Anh Mỹ là bạn cần học 1 ~ 2 năm tiếng Nhật tại Nhật.
Lời khuyên của Saromalang: Không cần thiết học giao tiếp để đi du học Nhật Bản.
Lo lắng của bạn là do bạn chưa có kinh nghiệm. Việc sang Nhật du học là để việc giao tiếp có thể giỏi lên một cách tự nhiên do bạn sống trong môi trường tiếng Nhật, nghe và sử dụng (bắt chước) tiếng Nhật thường xuyên.
Lý do 1: Học trong nước khó mà giỏi giao tiếp tiếng Nhật.
Không chỉ tiếng Nhật mà các ngôn ngữ khác cũng vậy. Vì bạn không nghe, không dùng. Bạn lại chỉ dùng với giáo viên (người Việt hoặc người Nhật) trên lớp nên không kiểm tra được có hữu dụng không nên thường sẽ nản. Giáo viên người Nhật cũng thường đã quen cách phát âm của bạn nên bạn chưa nói có khi họ đã hiểu.Hơn nữa, phần lớn các bạn bị học cách phát âm không đúng. Học ngữ pháp sai thì sửa sau còn được, chứ học phát âm thì sửa rất khó, vì nó sẽ thành tật như vậy. Bạn học 1 năm phát âm sai thì mất 1 năm để sửa lại, học 3 năm thì mất 3 năm sửa lại, càng học lâu càng khó sửa. Không học phát âm mà sang Nhật học là tốt nhất (trường hợp của tôi - Mark - là như vậy).
Học trong nước tốn 1 năm để giao tiếp cơ bản, trong khi du học chỉ tốn 1 - 2 tháng? Nếu định đi du học thì bạn tốn 1 năm làm gì, thay vào đó sao không học ngữ pháp, từ vựng?
Lý do 2: Du học Nhật Bản là để học ngôn ngữ và cách giao tiếp. Giỏi lên tự nhiên.
Lý do đi du học Nhật cần học tiếng Nhật 1 ~ 2 năm là để bạn chuyên tâm học tiếng Nhật. Bạn sẽ giỏi lên một cách tự nhiên do đúng môi trường và có cơ hội sử dụng, kiểm chứng những thứ bạn học trong trường ở ngoài đời thực.Hơn nữa, học giao tiếp 1 tháng ở nơi bản ngữ còn hơn học 1 năm trong nước.
Đây là lý do mà lưu học sinh giao tiếp bao giờ cũng giỏi hơn hẳn học trong nước. Tôi thấy nhiều bạn trong nước học chăm nhưng giao tiếp, phản xạ rất yếu và tôi có nói là không cần phải lo, sang Nhật tự khắc sẽ giỏi lên. Quả thật là như vậy. Chỉ sang Nhật một vài tháng thì các bạn đều giao tiếp tốt (vì các bạn có học lực tốt và chăm học sẵn). Các bạn mà giao tiếp trong nước tốt thì khi sang Nhật sẽ nhanh chóng lên một tầm mới.
Lý do 3: Giao tiếp không quan trọng như bạn nghĩ.
Năng lực ngôn ngữ là khả năng hiểu ngữ pháp, phân tích câu và vốn từ vựng. Các bạn có vốn từ vựng phong phú đều dễ dàng đi thi, học lên cao, đi xin việc. Vì vốn từ vựng và khả năng viết (書く力 kaku chikara) quan trọng hơn giao tiếp nhiều.Như đã nói ở trên, đi du học thì ai cũng sẽ giao tiếp tốt lên thôi. Nhất là nếu bạn có đi làm thêm thì bắt buộc phải giao tiếp hàng ngày về công việc nữa.
Nhưng vốn từ vựng thì không phải ai cũng nhớ được nhiều từ, chỉ dành cho các bạn có năng lực và chăm chỉ học tập nâng cao vốn từ vựng. Tiền lương trong tương lai của bạn có thể coi là tỷ lệ với vốn từ vựng mà bạn có. Ít ra, bạn có nhiều vốn từ hơn thì viết báo cáo, thuyết trình hay hơn hẳn, không gây khó chịu cho người đọc, người nghe, đúng không nhỉ? ^^
Lý do 4: Bí mật của kỳ thi đầu vào các trường đại học, cao học Nhật Bản.
Các trường thường bắt viết tiểu luận trong thi đầu vào, nhất là thi cao học Nhật Bản (phải viết tiểu luận và khi nộp hồ sơ phải nộp "kế hoạch nghiên cứu"). Vì sao?Bởi vì nhìn cách bạn viết là biết được năng lực tư duy, khả năng học tập của bạn. "Kế hoạch nghiên cứu" thì có thể bạn nhờ người viết nhưng thi "tiểu luận" thì không thể thi thay được. Thông qua hai bài viết này các trường sẽ đánh giá được con người của bạn có phù hợp hay không. Vì thế, quan trọng là viết hay. Tại Saromalang có tư vấn thi đại học và thi cao học Nhật Bản cho các bạn nào đăng ký du học qua Saromalang. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo bí quyết viết lý do du học thuyết phục của Saromalang.
Mark @ Saromalang
No comments:
Post a Comment