Tôi hiểu là nhiều người hối tiếc nhưng tôi không trả lời câu hỏi này, tôi chỉ luận và chém gió cho vui thôi. Vì tôi không hối tiếc.
Tôi có xem phần lớn các bài ở những trang đầu và há hốc mồm ngạc nhiên. Những lời khuyên để sống không hối tiếc thật kỳ lạ. Kỳ lạ ở chỗ, nó cần rất nhiều năng lượng và sẽ rút sạch năng lượng của bạn. Tại sao không sống vui vẻ, vô trách nhiệm mà vẫn không hối tiếc nhỉ? Nếu sống như lời khuyên của mọi người thì sớm muộn bạn cũng sẽ hối tiếc thôi. Vì bạn có thật sự vui vẻ đâu!
Gần đây, tôi mới thấm thía ra một điều: Điều gì khiến con người thật sự khác nhau?
Tôi nhận thấy, đa phần (chúng sinh) đều sống và hối tiếc.
Những người còn lại (thiểu số) thì không.
Tôi thậm chí còn không hối tiếc chuyện sinh li tử biệt. Không vui? Có. Hối tiếc? Không. Không đời nào.
Hôm nay tôi không hối tiếc và 10 năm nữa cũng vậy. Tôi nghĩ đây là câu trả lời tốt nhất cho việc, vì sao tôi không sống như mọi người. Vì tôi không muốn sống trong hối tiếc như mọi người.
Câu hỏi trên không phải là câu hỏi đúng và sẽ không có đáp án.
Đây mới là câu hỏi đúng:
Vì sao tôi sống mà không hề hối tiếc (kể cả việc tôi lỡ làm sai)?
Hỏi đúng lắm! Rất hay!Nhưng tôi không có câu trả lời cụ thể. Vấn đề là mindset của tôi là không hối tiếc, mà mindset (nền tảng tư duy để hành động) được xây dựng trên 3 cột trụ:
- Thế giới quan
- Nhân sinh quan
- Giá trị quan
Ba trụ cột này của tôi rất chắc, nên tôi không bao giờ hối tiếc. Tôi không phải người sùng bái quyền lực, sùng bái cha mẹ tức là dạng "ngu trung".
Con người hối tiếc vì chuyện sinh li tử biệt, hối tiếc vì mình đối xử không tốt với người yêu, người phối ngẫu, với cha mẹ vv.
Tôi không quen những người này, không từng nợ những người này và cũng KHÔNG NHỚ mình từng đối xử không tốt với những người này.
Vì thế, tôi không thể hối tiếc vì họ. Vì không hối tiếc vì ai nên tôi cơ bản là không hối tiếc. Việc hối tiếc lớn nhất chỉ là đi lạc đường (theo nghĩa đen), nhưng chẳng phải, đó cũng là Ý TRỜI hay sao?
Tôi sinh ra từ cát bụi vũ trụ, chết đi thành cát bụi vũ trụ, không từng và không thể nợ ai. Nếu tôi nợ họ thì tôi sẽ KHÔNG TRẢ. Nếu vẫn đòi tôi sẽ đưa họ một con dao để họ tự xử. Nhưng nên nhớ là tôi luôn thủ sẵn con dao thứ hai và tôi rất nhanh tay. Vì thế, ai DÁM đòi nợ tôi?
Không, chưa thấy ai dám đòi gì cả. Nên tôi sống rất thanh thản, mà chẳng phải thế giới vẫn tươi đẹp và tỏa sáng hay sao, việc gì phải hối tiếc.
Chẳng phải mỗi ngày ra đường có cả một đống vitamin D, vitamin G hay sao?
Thế giới quan
Trụ cột thứ nhất. Con người sinh ra từ cát bụi (vũ trụ) và chết đi thành cát bụi. Điều quan trọng là sống để phụng sự ai, vì lẽ gì? Hãy luôn tự vấn bản thân vì điều này.Tôi sống để chờ một cuộc chiến long trời lở đất, để một lần vung thanh kiếm lên mà tận trung báo quốc. Vì thế, ngày nào tôi cũng mài kiếm, mà sống không hối tiếc cũng là vì điều này.
Vì nếu toàn cảm xúc hối tiếc thì sẽ mất đi lòng nhiệt huyết, mất đi nhuệ khí, làm thối rữa ý chí.
Nhân sinh quan
Tôi không nợ con người, đặc biệt, không nợ cha mẹ. Vì tôi chính là cha mẹ tôi (đúng ra là kiếp sau của cha mẹ tôi). Chăm sóc cha mẹ? Không. Sống quang minh chính đại không làm nhục cha mẹ? Có.Ngoài ra thường thì người "ngu trung" hối tiếc lớn nhất là không báo hiếu cho cha mẹ, trả món nợ sinh thành. Điều này kể ra hơi kỳ lạ.
Bạn nợ cha hay mẹ mỗi người nửa món thôi. Nếu cha mẹ bạn chỉ có mình bạn, bạn là một nửa người này, nửa người kia.
Nhưng bạn có 2 anh chị em, bạn chỉ còn 1/4 người này, 1/4 người kia. Càng nhiều anh chị em thì tỉ lệ cha mẹ trong người càng ít đi. Vì tình cảm của cha mẹ với bạn ít đi.
Ngoài ra, bạn chỉ là từng ấy khi mới sinh ra, còn sau này bạn còn ăn biết bao nhiêu bò, tôm, gà của nhiều người, chẳng lẽ không nợ cả loài gà?
Chẳng lẽ bạn gặp gỡ, tiếp thu tư tưởng, lối sống của nhiều người mà bạn không nợ họ?
Ngoài ra, cha mẹ kiếm tiền cho bạn ăn, nhưng bạn có thực sự ăn tiền đâu. Tiền đấy phải đem đi mua đồ ăn mới có mà ăn, chẳng lẽ không biết ơn người bán?
Cha mẹ đi làm mới kiếm được tiền, tức là phải có người thuê mới kiếm được tiền, chẳng lẽ bạn không biết ơn người thuê mướn cha mẹ?
Rồi phải có người xây đường cho bạn đi, xây nhà cho bạn ở, ... chỉ biết ơn cha mẹ mà không biết ơn những người này?
Kỳ lạ, thật kỳ lạ. Vì thế, người "ngu trung" nhất định sẽ hối tiếc vì không hiểu sự thật.
Mà cha mẹ cũng phải ăn đồ ăn từ rất nhiều người mới sống mà "ban ơn" cho bạn, nên kể số người bạn cần biết ơn ra thì có tới hàng vạn.
Giá trị quan
Hối tiếc cũng là do giá trị quan bị lệch. Nếu bạn không ế, việc gì hối tiếc vì chia tay người yêu?Đây gọi là giá trị hiếm có, vì người yêu tương đối hiếm nên phải trân trọng. Cha mẹ thì càng ... hiếm hơn, chỉ có một trên đời.
Đúng là một cơn bạo bệnh có thật!
HIẾM và TỐT là hai giá trị khác nhau. Người yêu có thể hiếm, cha mẹ hiếm thật, nhưng chắc gì đã tốt, hơn nữa, chắc gì đã thật sự tốt với bạn, mà việc tốt của họ chắc gì thật sự làm cuộc đời bạn tốt hơn?
Nhưng ngay cả khi có cha mẹ HIẾM (sự thật hiển nhiên) và TỐT thì cũng không ảnh hưởng mấy tới cuộc đời của bạn. Vì cha mẹ tốt thì lại để bạn TỰ DO sống cuộc sống của bạn.
Trường hợp của tôi thì chỉ có cha mẹ TỐT chứ không hiếm, vì số người muốn nhận tôi làm con nuôi cũng khá nhiều. Cha mẹ không hiếm lắm đâu ^o^
Sở dĩ người ta đánh đồng HIẾM = TỐT là vì người ta tư lợi từ người khác mà thôi. Nếu bạn không tư lợi, thì có hàng ngàn người đối xử tốt với bạn ngoài kia, hàng ngàn người hợp với bạn, nên chẳng có gì gọi là hiếm cả.
Trong đa số trường hợp, HIẾM đồng nghĩa với KHÔNG TỐT vì có kèm thêm áp lực phải giữ gìn. Điều này khiến bạn HỐI TIẾC.
Đối với tôi, không có khái niệm hiếm và tôi không coi trọng những thứ hiếm. Ai đến ai đi chỉ như cát bụi thời gian. Tôi chỉ trân trọng những giá trị phổ quát, đó là sự tự do và sự công bằng.
Chứ không sùng bái sinh mệnh của bản thân! Sở dĩ mọi người sùng bái sinh mệnh của bản thân vì cũng vì vấn đề HIẾM = TỐT. Vì họ sống chỉ một cuộc đời (mặc dù vẫn tin có thiên đường hay kiếp sau!) tức là rất hiếm, vì thế rất tốt. Áp lực phải "sống tốt" sẽ hủy hoại cuộc đời họ, khiến họ hối tiếc.
Sinh mệnh của tôi không hiếm, những người như tôi có hàng ngàn, hàng vạn ngoài kia thì hiếm gì! Bởi vì sinh mệnh của tôi và của người khác, hay của con chó, cũng bình đẳng mà thôi.
Những người coi sinh mạng của mình là "hiếm có" thật ra là vì sự tư lợi, coi sinh mạng của mình quý hơn người khác. Chưa biết là vì sao lại như thế! Có lẽ là ảo giác do cha mẹ họ tạo ra về sự "trân quý" của họ (tức là con mình là vàng, con người khác chỉ là rác). Điều này dẫn đến áp lực phải "sống tốt cho bản thân", mà thực chất là tư lợi, cuối cùng dẫn tới sự hối tiếc vì "sống không đủ tốt (cho bản thân)".
Thần học
Mọi chuyện xảy ra theo một dòng chảy tự nhiên của thời gian, mà chúng ta gọi là "ý trời". Tất cả mọi thứ đều là do ý trời. Mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân và không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông. Sống thuận theo ý trời hay nghịch theo ý trời mà thôi.Sống thuận theo ý trời, làm theo thiên mệnh thì sẽ không hối tiếc.
Nếu không đọc được ý trời, không nhìn được dòng chảy thời gian, mối quan hệ giữa các sự việc, thì sự hối tiếc sẽ ghé thăm sớm và có khi là thường xuyên.
Đi phiêu lưu là để xây dựng 3 trụ cột: Thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị quan, từ đó mà sống không hối tiếc. Tất nhiên là làm thế nào để không hối tiếc thì tôi không biết, nhưng nếu không phiêu lưu thì biết đâu sau này sẽ hối tiếc?
Mark
No comments:
Post a Comment