Mọi thứ đều tăng giá và chúng ta phải làm gì trước sự tăng giá này?
Ví dụ: Cháo ếch 60k => 65k (tăng 8%), bình nước hiệu B 28k => 30k (tăng 7%).
Mọi thứ tăng giá như thể nó là việc đúng đắn vậy. Ngay cả vào nhà hàng bình dân cũng vừa tăng giá mà lượng thịt lại ít đi. Lý do tăng giá chưa chắc đã do nguyên vật liệu tăng giá mà có thể là do lượng khách ít đi. Để bù vào thu nhập đã mất, hàng hóa phải tăng giá lên. Đây là vấn đề của một số quán Nhật, mặc dù khách vẫn đông nhưng khách lại ăn đồ bình dân nên thu nhập giảm, biên lợi nhuận giảm đi mà tiền nhà vẫn tăng theo từng năm. Do đó, nhà hàng phải tăng giá bán để bù vào. Khi họa bóng trắng xảy ra, nhà hàng sập tiệm!
Mấy năm trước có quán cà ri gà còn tăng từ 50k lên 55k, tức là 11%, trong khi lạm phát công bố chỉ 3-4% thôi. Từ đó, tôi cũng bỏ luôn không quay lại nữa.
Nhiều quán tăng giá như thói quen và nếu không tính toán cẩn thận, chúng ta có thể mất thêm rất nhiều tiền nhất là các tín đồ ăn hàng.
Có cách nào chống được lạm phát kiểu này?
Bạn chỉ có thể chống lạm phát bằng cách đổi sang nhà cung cấp khác. Về vụ nước uống thì tôi hỏi tiệm khác chỉ có 27k/thùng thôi. Như thế, hoặc là tiệm đang dùng đã tự ý tăng giá, hoặc người đi giao nước đã ăn chặn của chủ. Dù thế nào, tôi cũng sẽ không sử dụng dịch vụ của họ nữa, và cũng sắp biết sự thật khi đi trả vỏ bình. Một người không có cơ chế quản lý nhân viên thì cũng không phải là người đáng tin để làm ăn cùng. Còn nếu họ tự ý tăng giá mà KHÔNG BÁO TRƯỚC, thì dịch vụ thật tồi tệ. Đây mới chính là vấn đề. Và mỗi khi giá tăng lên, chúng ta lại tìm nguồn khác.
Tiền nhà cũng thế. Với chủ nhà tham lam vô độ cứ thích tăng giá bừa bãi, thì cơ bản là chúng ta lại đổi sang chỗ khác rẻ hơn. Nói chung, trước khi đáo hạn bạn nên thỏa thuận một hợp đồng mới không tăng giá, thậm chí giảm giá, nếu không, bạn lấy lại cọc và tìm chỗ mới. Đừng bao giờ để ai tăng giá trên đầu bạn một cách bừa bãi.
Vụ cháo ếch thì thế nào? Chúng ta sẽ ăn ít đi, hoặc tự nấu cũng được mà. Trong năm nay tôi hầu như tự nấu ở nhà nên tiết kiệm được khá nhiều tiền, hơn nữa, còn ngon hơn ngoài hàng nhiều. Tất cả mọi thứ nếu muốn thì đều nấu được vì có công thức trên mạng. Mà một khi tự nấu ở nhà, bạn không bị lạm phát mà thậm chí còn giảm phát, tiền nhiều không biết để làm gì luôn. Tất nhiên là phải đầu tư để sinh lời rồi.
Khi một mặt hàng tăng giá, hãy luôn tìm một nhà cung cấp khác không tăng giá. Mỗi năm chúng ta đều phải đánh giá lại hàng quán, hàng hóa, loại bớt những nơi chặt chém đi.
Bằng cách này, chúng ta có thể chống lạm phát khá hiệu quả đấy.
Tăng giá bừa bãi cũng chỉ là sự biểu hiện của lòng tham vô độ. Dịch vụ sẽ chẳng bao giờ tốt lên. Nếu dịch vụ tốt lên và có nhiều khách hàng hơn, họ đã không phải tăng giá. Có lẽ dịch vụ chỉ tốt thời gian đầu. Hoặc đơn giản là tiền thuê nhà tăng giá, nên phải tăng giá bán. Trong trường hợp này thì chúng ta phải gánh trách nhiệm thay cho người bán, để thỏa mãn lòng tham của chủ mặt bằng. Không nên bạn ạ. Nếu một dịch vụ tốt thì họ chuyển đi đâu khách hàng cũng sẽ theo họ và họ cũng nên thuê mặt bằng có giá tốt hơn.
Ngoài ra tôi cũng có tham khảo một số nơi giao nước trên mạng và nhanh chóng phát hiện ra vấn đề. Đó là họ dùng địa chỉ ảo rất nhiều, tôi đã tới nơi kiểm tra nhưng không thấy tiệm nào. Nếu sau này bạn muốn trả vỏ bình chấm dứt dịch vụ có thể họ trở mặt và không tới lấy, và bạn sẽ phải ôm vỏ bình mất tiền cọc. Do đó, giao dịch với người mà bạn không biết tiệm của họ ở đâu rất phiền phức.
Chúng ta có thể không chống được lạm phát nhưng sẽ thay đổi để thích ứng với lạm phát và cuối cùng, chẳng có lạm phát nào cả. Luôn luôn review lại giá cả và sự cần thiết của mọi thứ!
No comments:
Post a Comment