Chào bạn! Hôm nay tôi sẽ nói về mối liên quan giữa lãi suất ngân hàng và thị trường chứng khoán, nhưng tôi cũng chỉ là gà mờ về kinh tế học thôi, nếu bạn muốn học bài bản thì vào khoa kinh tế trường đại học mà học, nơi mà bạn sẽ hôn mê chỉ sau nửa học kỳ sau đó sẽ tĩnh tâm tại các tiệm nét hay quán điện tử. Tôi chỉ nói về những thứ có thể ảnh hưởng tới việc đầu tư và túi tiền của chúng ta, những người đang bị bần cùng hóa theo kế sách "bần dân dễ trị" của tư bản toàn cầu hóa và bọn tư hữu, tư lợi.
Lãi suất ngân hàng giảm thì thị trường chứng khoán tăng và lãi suất ngân hàng tăng thì thị trường chứng khoán giảm.
Vì lãi suất ngân hàng mà giảm thì người dân thấy không lời mấy, ít mặn mà hơn nên họ rút tiền ra, vì không đủ tiền mua bất động sản nên họ sẽ mua chứng khoán là thứ thanh khoản tốt hơn và có thể mua với số tiền nhỏ.
Tất nhiên là ở nước ta thì dân ta mê đất, nếu họ có thể ăn luôn đất thì họ đã ăn luôn vào bụng từ lâu rồi. Như thế mới tránh bị "cướp", thường thông qua in tiền và lạm phát. Nhưng ở nước ngoài thì không như vậy nhé. Dân nước ngoài chủ trương thuê nhà rất nhiều và không quá ham hố sở hữu đất (thay vì đó họ theo đuổi lương cao và lối sống cao), ngoài ra, ở nước ngoài nhà đất ít bị bong bóng cũng không phải kênh đầu cơ sinh lời tốt.
Trong họa bóng trắng thì cũng có một điều đặc biệt là triển vọng tương lai u ám, không ai tự tin mình sẽ không bị giảm thu nhập, nên đương nhiên họ sẽ không mua đất vội. Việc này khiến tiền chảy mạnh vào chứng khoán và làm thị trường lên rất nhanh.
Như vậy, đây là tác động kép lên thị trường:
1. Lãi suất ngân hàng giảm (vốn là để cứu tư bản bất động sản) nên tiền bị rút khỏi ngân hàng
2. Họa bóng trắng làm người ta không dám vay tiền mua nhà nên dùng chứng khoán để sinh lời
Lãi suất ngân hàng có thể tăng lại không?
Tôi không dự đoán được về vấn đề này nhưng theo tôi thì hoàn toàn có thể tăng trở lại, ví dụ như khi ngân hàng thiếu tiền do người tới vay để làm ăn quá nhiều chẳng hạn.
Nếu lãi suất tăng trở lại, còn thị trường chứng khoán đang lình xình ở đỉnh, thì sẽ có nhiều người thấy chứng khoán không lời nữa (nhất là những người đã đu đỉnh và đang thua lỗ), sẽ rút tiền ra để gửi ngân hàng.
Trước hết chúng ta nên biết sơ về việc điều hành lãi suất. Nếu ngân hàng trung ương thấy thị trường đang thiếu tiền lưu thông và cần đẩy tiền rẻ ra thị trường, mà ví dụ điển hình là để cứu các công ty bất động sản thân hữu đang ngắc ngoải, thì phải làm thế nào?
Họ sẽ hạ lãi suất mà họ cho các ngân hàng thương mại vay, vì thế, các ngân hàng thương mại sẽ vay của họ rẻ hơn là vay của người dân. Do không có nhu cầu vay của người dân, ngân hàng thương mại sẽ hạ lãi suất huy động xuống.
Ngược lại, ngân hàng trung ương muốn tăng lãi suất thì sẽ tăng lãi suất cho ngân hàng thương mại vay lên chẳng hạn.
Lãi suất ngân hàng cũng có thể tăng lại nếu có nguy cơ lạm phát hoặc nền kinh tế đang phục hồi và người dân có nhu cầu vay nhiều tiền để làm ăn. Nguy cơ lạm phát thì ngân hàng trung ương sẽ tăng lợi suất trái phiếu để hút tiền về, từ đó giảm lượng cung tiền xuống. Còn nếu nền kinh tế phục hồi, người dân sẽ cầm cố nhà để lấy tiền kinh doanh với mong muốn kiếm được hai căn nhà. Như thế nhu cầu vay tăng lên và ngân hàng sẽ thiếu tiền, nên sẽ tăng lãi suất để huy động từ người gửi tiết kiệm.
À, nếu nền kinh tế phục hồi chữ V sau họa bóng trắng thì sao?
Dân ta mê bất động sản như điểu đổ. Đây là tấm vé để đi lên chuyến tàu hôn nhân, và là để "củng cố vững chắc" vị thế xã hội. Vì thế, họ sẽ vay tiền mua nhà. Và công ty bất động sản cũng vay tiền để phát triển dự án nhà ở. Ngân hàng cần huy động tiền gửi để cho vay cả người mua nhà lẫn công ty xây nhà, nên sẽ tăng lãi suất. Thị trường chứng khoán sẽ giảm.
Nhưng mà nếu nền kinh tế không phục hồi chữ V mà phục hồi chữ K tức là một số doanh nghiệp lớn làm ăn tốt lên còn đa số đi xuống thì sao? Thì có lẽ, ít người vay tiền mua nhà và công ty bất động sản cũng không dám vay tiền xây nhà vì sợ thị trường bất động sản sẽ trầm lắng. Trong trường hợp này, có lẽ thị trường chứng khoán sẽ lình xình bởi vì tiền cũng không biết phải đi đâu cả, không gửi tiết kiệm được vì lãi suất thấp, cũng không dám đổ vào bất động sản, vì tương lai u ám.
Có công thức như thế này: M * V = P * Q
M = money, lượng tiền lưu thông
V = velocity, tốc độ lưu thông tiền
P = price, giá cả hàng hóa
Q = quantity, lượng hàng hóa
P tăng tức là lạm phát tăng, Q tăng tức là kinh tế tăng trưởng, thì hoặc phải tăng M hoặc phải tăng V lên.
Ví dụ khi có họa bóng trắng thì V giảm, mọi người giữ tiền không chịu tiêu, thì phải bơm tiền tăng M lên để duy trì P và Q. Đại khái thế, chứ tôi cũng chẳng rõ công thức này để làm gì.
Chủ nghĩa tư bản có nghĩa là tăng Q và vì thể phải tăng V, tức là tốc độ lưu thông tiền, để kiếm lợi nhuận. Vì thế mà chúng ta thấy quảng cáo liên tục, mọi người tìm cách bán hàng cho bạn bằng mọi thủ đoạn kể cả ép buộc. Vì để tăng Q thì phải tăng V lên, đây là lý do tiền hiếm khi nằm ấm chỗ trong ví của bạn. Trong thời đại này tiền vừa vào ví là đã ra khỏi ví rồi.
Vì làm gì cũng kiếm được tiền nhưng làm gì cũng mất tiền. Bạn cứ kiếm tiền rồi lại trả tiền liên tục. Như kiểu kinh tế tết vậy, mọi người kiếm tiền nhanh và tiêu tiền nhanh không kém, sau tết vẫn như trong năm chỉ thêm được ít mỡ thừa ở bụng.
Nếu bạn đang ở trong thị trường chứng khoán thì bạn phải để ý kỹ động thái về lãi suất. Tốt nhất là bạn cũng nên gửi cả tiết kiệm nữa, ở ngân hàng có lãi suất cao nhất, như thế thì sẽ nắm được động thái của thị trường theo từng tháng.
No comments:
Post a Comment