“Trước khi phá sản, tôi nghĩ rằng tiền bạc không quan trọng.
Sau khi phá sản tôi mới nhận ra rằng, tiền bạc quả thật không quan trọng.”
- Ngạn ngữ nhân loại cổ -
Vâng, tôi đã phá sản. Khi bạn đã phá sản, cho dù bạn có bạc trắng tóc chỉ sau một đêm để nghĩ ra hàng ngàn nguyên nhân vì sao bạn phá sản đi chăng nữa, thì phỏng còn có ích gì? Phá sản là phá sản, thế thôi.
Có lẽ tôi là kẻ đần nhất VN năm 201x. Thế cũng chẳng sao, không liên quan gì mấy. Tôi chán đến mức tự sa thải bản thân khỏi mọi việc và chẳng biết làm gì khác ngoài chăm chó và dẫn chó đi dạo. Không còn nhiều ký ức lắm, nhưng quả thật có những ngày bạn bước ra khỏi nhà, túm bất kỳ một ai, kể cả bà lao công vừa bị chó của dân cư táp, thì bạn đều thu về được một người hạnh phúc hơn bạn.
Phá sản có nghĩa là mọi thứ bạn làm thật ra đều dở hơi (bullshit) mà trong đa số trường hợp, bạn không làm thì tốt hơn là bạn làm.
Vậy phản ứng thông thường của mọi người khi phá sản là gì? Có thể là giận dữ, tiếc nuối, chối bỏ thực tại vv hay tìm tới ai đó để an ủi, có thể là về với gia đình và ca bài ca “gia đình là nhất, là nơi mở rộng vòng tay đón ta về mỗi khi ta vấp ngã” nhưng tin thế này nhé: TUYỆT ĐỐI ĐỪNG LÀM NHƯ THẾ!
Nếu bạn vấp ngã hay thất bại, tìm về gia đình sẽ giúp bạn:
- Đánh mất sự tôn trọng của họ với bạn từ trong sâu thẳm tâm hồn
- Đánh mất sự tự tin vào bản thân, mà con người là gì nếu không có sự tự tin?
Nếu bạn đã phá sản, gia đình giúp ích được gì?
Phá sản cũng là một phần của cuộc đời, giống như thất tình, đổ vỡ, sinh li tử biệt, tôi trải qua đầy. Tôi không bao giờ tin mình sẽ phá sản nhưng thực tế là như thế. Bởi một lẽ cơ bản: Cuộc đời hiếm khi chiều theo lòng người. Hoặc sống dằn vặt trong phức cảm tự ti, hoặc tương lai huy hoàng chưa từng thấy.
Tôi còn chẳng thèm tâm sự với ai vì tôi nghĩ là phá sản cũng bình thường thôi. Nhưng mà sau đó mới lắm chuyện hay. Thật sự, phá sản là một trong những trải nghiệm tốt nhất trong cuộc đời. Phá sản không phải là kẻ thù của bạn, mà là một người bạn, người bạn này vô cùng thẳng thắn nói ra những khuyết điểm của bạn một cách không giấu diếm và nói cho bạn một sự thật giản dị: Bạn đã phá sản rồi, đừng làm những gì bạn vẫn làm nữa.
Tôi đã giác ngộ ra nhiều điều. Nhưng quan trọng nhất thì có lẽ là đừng cố tìm ra nguyên nhân vì sao đã phá sản. Cũng như khi tình yêu tan vỡ, bạn có tìm ra hàng ngàn, hàng vạn nguyên nhân thì cũng chỉ đến thế mà thôi, phỏng còn có ích gì nữa. Về lâu dài, sau khi đã vượt qua cơn “bạo bệnh” thì cũng có lẽ là bạn nên tìm nguyên nhân, nhưng đến lúc đó thì chẳng phải mọi chuyện đã rõ như ban ngày rồi hay sao?
Dù bạn không tìm nguyên nhân thì từ trong tâm khảm bạn vẫn hiểu được nó một cách sâu sắc, vì nó đã thành một phần con người bạn.
Thật ra thì tôi cũng có suy nghĩ qua loa một hồi và liệt kê ra một số nguyên nhân sau, mà sau này tôi mới nhận ra chỉ là những thứ nhảm nhí của một đầu óc nhảm nhí. Tôi vẫn còn ghi trong note của điện thoại như là một bài học về sự nhảm nhí:
"Sai lầm không quản lý tài chínhĐây là tôi chép nguyên văn bài học mà tôi rút kinh nghiệm vào ngày ấy. Nguyên văn nên tôi để trong ngoặc kép. Sau này tôi mới nhận ra, chỉ có một điều trong số các điều trên là đúng, đó là “Bản thân là trên hết”, mà điều này tôi lại thực hành từ đầu đời rồi. Vì trên đời này còn ai ích kỷ hơn tôi nữa??
Chỉ làm việc mà đánh mất đại cục
Không tiêu tiền mình làm ra
Không mở rộng mối quan hệ
Sai lầm thuộc về bản thân
Chấp nhận thất bại, mất mát, đau đớn như bài học trưởng thành
Nhìn đại cục, xây dựng lý tưởng tương lai
Bản thân là trên hết"
Bản chất của phá sản
Tôi không trở nên cảm tính mà tôi chỉ chăm chó và chiêm nghiệm về những gì đã trải qua, về những “sai lầm” của bản thân, và quan trọng nhất là làm sao để thoát ra khỏi tình trạng phá sản. Tôi nhận ra, nguyên nhân lớn nhất làm tôi phá sản chính là DÒNG TIỀN ÂM:
THU VÀO < CHI RA
THU VÀO > CHI RA
Kết quả là tôi đã thành công. Tôi chặn các dòng tiền ra trừ những khoản chi phí hợp lý. Tôi còn tự nấu ăn ở nhà, tự đặt ra kế hoạch dinh dưỡng, vì đã phá sản rồi thì còn làm làm gì nữa.
Tôi đã giảm liền 15 ký và giảm cân thành công chỉ trong vòng 1 năm. Mà nếu đã giảm ký thành công thì làm gì cũng sẽ thành công thôi, vì giảm ký cũng là một liên hoàn kế để thành công. Sau đó, vận tiền bạc cũng tự nhiên mà thay đổi và tôi không còn mua sắm vô tội vạ nữa. Vì nhà tôi đã thành một đống rác khổng lồ rồi.
Từ đó, tôi đã tốt nghiệp chủ nghĩa tư bản và việc phá sản mà tôi hiểu rõ thêm về bộ mặt thật của chủ nghĩa tư bản. Và tôi quyết định sẽ sống một cách thư thái.
Tôi đảo ngược tình hình khá nhanh nhưng tiền bạc không quan trọng bằng những bài học mà tôi học được.
Thật ra là thế này: Mindset của tôi về tiền bạc đúng ngay từ đầu. Tôi rà soát lại không hề thấy có gì sai hay mâu thuẫn. Triết lý của tôi về tiền bạc đều đúng. Nhưng đọc sách thánh hiền là một chuyện, còn trải nghiệm thực tế là chuyện khác. Nếu bạn không đi phiêu lưu, trải nghiệm mà chỉ ngồi nhà đọc sách, bạn chỉ có lý thuyết suông mà thôi. Bạn không du học, chỉ đọc sách về Nhật Bản và nghĩ họ thật là chăm chỉ, trong khi, thật sự thì người Nhật lại là những người lười biếng một cách hợp lý. Không có trải nghiệm thì lý thuyết có thể chỉ là một mớ vô dụng, thậm chí là những giáo điều lầm lạc.
Phá sản không phải là kết cục, mà là con đường
Bạn muốn đi tới một nơi tươi đẹp, chốn bồng lai tiên cảnh, thì bạn vẫn phải vượt qua đầm lầy, không còn con đường nào khác. Nếu bạn chỉ quẩn quanh ở nơi đường đẹp và an toàn, bạn sẽ chẳng đi tới đâu cả. Phá sản cũng là một dạng đầm lầy mà bạn phải vượt qua. Đúng ra, nó là con đường hợp lý, với chi phí thấp nhất. Vì đi thẳng vào đầm lầy là con đường ngắn nhất để vượt qua nó.May mà đã phá sản sớm đấy! Nếu không thì nỗi đau sẽ còn kéo dài bao giờ?
Nhờ có phá sản sớm mà tôi có thể làm lại sớm. Như vậy, thói quen mua sắm vô tội vạ, biết đâu lại là hay? Thật là thoải mái.
Tôi có thể chấp nhận phá sản khá dễ dàng vì tiền bạc chẳng có ý nghĩa gì cả. Miễn là ngày ăn hai bữa thôi, tôi không bị phức cảm tự ti vì chuyện tiền bạc. Có biết bao nhiêu cách để kiếm tiền, nhưng dù sao thì tôi cũng không làm những việc không phù hợp với thể chất của bản thân, vì nó sẽ không bền.
Chỉ cần tinh chính một chút là dòng tiền sẽ dương và bạn lại giàu lên theo phương châm: Làm gì có giàu nhất, chỉ có giàu hơn mà thôi!
Các bước để xử lý phá sản
Không cần phải đổi nghề hay thay đổi lối sống một cách kịch tính mà chỉ cần điều chỉnh nhỏ.Trước hết là cắt hết các khoản chi tiêu vô bổ và không cần thiết. Đây gọi là chặn dòng tiền ra. Bằng cách này, bạn đảm bảo là không bị bòn rút số tiền mà bạn kiệm được.
Tiếp theo là tập trung vào những việc có lợi ích kinh tế nhất: Money first, future money second, hobby last.
Tập trung kiếm tiền trước mắt trước nhất, sau đó là tới những việc giúp kiếm tiền trong tương lai, cuối cùng là những việc làm bạn vui vẻ.
Ví dụ, trong một danh sách các việc bạn cần làm, hãy chọn ra các việc sinh lợi ích kinh tế, sau đó chọn ra việc sinh lời nhiều nhất trong đó. Nếu việc đó cần nhiều thời gian, hãy lên phương pháp luận để thực hiện nó rồi chia ra từng giai đoạn và thực hiện từng giai đoạn một, ví dụ ngày đầu thực hiện 30% công việc đó. Nếu bạn không làm xong 30% công việc đó bạn không làm việc khác, và không đi ngủ.
Cuối cùng là chịu khó cày tiền thôi. Dù là làm gì thì cày tiền là cách chắc chắn nhất để kiếm tiền mà. Thậm chí, bạn chấp nhận lương thấp chỉ để cày, vì cày tiền không chỉ giúp bạn kiếm tiền mà bạn còn không tiêu xài mấy, nên tiết kiệm được khá nhiều. Ở VN giờ cơ hội cày vô vàn, nếu bạn chịu khó cày, bạn kiếm tiền chẳng thua gì đi xuất lao, mà thực chất là xuất lao không kiếm được mấy.
Tôi đã đi làm liên tục trong 20 ngày không nghỉ ngày nào kiếm được 60 triệu để làm tiền đề cho việc thoát ra khỏi phá sản. Ngoài ra tôi còn cày trên mạng nữa. Dù sao thì tôi cũng không phải người thích đi cày lắm, quan trọng là hệ thống thì vẫn tốt hơn.
Điều tuyệt vời của phá sản
Đó là bạn sẽ có con mắt đánh giá được việc gì có lợi ích và việc gì không có lợi ích về tiền bạc.Một số lý do mà tôi phá sản:
Lớp tiếng Nhật: Càng dạy càng phá sản, có những việc không thể làm được nữa. Tôi đã bỏ hoàn toàn việc dạy tiếng Nhật. Giờ tôi chỉ tư vấn cách học cho các bạn du học và làm hệ thống thi thử (miễn phí).
Những công việc tưởng cao nhưng lương thấp: Vì rate (hiệu suất theo giờ) thấp. Trước phá sản tôi có nhận dự án lớn với chi phí rất thấp, trái với nguyên tắc của định luật phi làn do chính tôi đề ra. Tôi làm miệt mài trong 3 tháng muốn vỡ tim, không có thời gian làm gì khác. Sau đó, tôi kiệt sức và “idle” (im lìm) trong nửa năm.
Tôi đã phản bội nguyên tắc của mình và trả giá bằng máu:
“Làm càng cực nhọc lương càng thấp, làm càng nhàn lương càng cao, không làm mới là bá chủ.”
- Ngạn ngữ nhân loại cổ -
À, cả việc du học cũng có một đống vấn đề: Tôi giảm giá quá nhiều vì đủ lý do để cho mọi người vui. Kết quả: Không ai vui. Tôi không hiểu tâm lý thôi. Thực ra, vui hay không không liên quan tới tiền bạc, miễn là chi phí hợp lý và có lương tâm. Phải thu chi phí hợp lý thì mới có thể thư thái làm việc và từ đó, có thể tư vấn mọi người chiến lược du học tốt hơn.
Về sau, mọi người đều đồng giá và ai cũng vui vẻ vì mọi người đều bình đẳng. Tôi thì đỡ phải nghĩ về giá nữa, mà để công khai luôn. Các bạn làm hồ sơ thì làm rất nhanh và không tốn thời gian hỏi về chi phí nữa. Vì chi phí đã rất hợp lý và phải chăng. Các bạn học dự bị đại học (bekka) thì vui hơn ở chỗ khác vì tôi cố tình lấy phí rẻ hơn để các bạn khi sang Nhật sẽ vui hơn. Có nhiều bạn đã được học bổng ngay khi học bekka nữa, toàn những việc tốt đẹp xảy ra.
Tôi lấy được chi phí hợp lý nên tôi vui vẻ, các bạn có chi phí hợp lý và thường là tốt hơn nơi khác (bekka vv) nên cũng vui, hơn nữa lại lấy được học bổng nữa nên càng vui hơn.
Vì nếu lấy phí rẻ quá thì thực tế là nhiều bạn chỉ muốn hỏi chứ không thật sự làm hồ sơ, tốn nhiều công giao tiếp và cuối cùng bản thân các bạn cũng không vui vì các bạn cũng có làm hồ sơ và đi du học đâu.
Những nơi lấy phí quá rẻ thường là rơi vào tình trạng rất nhiều bạn làm hồ sơ rồi rút giữa chừng, hoặc không đủ tiêu chuẩn du học vv, cuối cùng những bạn có đủ khả năng du học thì lại không được tư vấn cách lấy học bổng mấy, hay cách học tiếng Nhật, cách thi lên cao để du học thành công, và hậu quả sẽ kéo dài về sau.
Tóm lại thì mặc dù về chuyên môn thì tôi làm tốt, tận tâm, nhưng sai lầm về tiền bạc ở tất cả mọi chỗ. Sau khi điều chỉnh lại thì mọi chuyện lại trở nên đúng đắn. Thực tế thì tôi hiểu ra:
Cái mọi người cần không phải là một vài đồng tiền tiết kiệm được, mà là giá trị cơ hội.
Đi du học không phải là để lúc du học, hay tương lai bạn kiếm được một đống tiền, mà là trải nghiệm tức là giá trị cơ hội. Nếu bạn quá câu nệ chuyện tiền bạc (không có nghĩa là bạn đóng chi phí cao không hợp lý) từ đầu, e là bạn sẽ mất nhiều giá trị cơ hội trong tương lai, và không giàu có hay không thư thái.
Khi học được về GIÁ TRỊ CƠ HỘI, vận tiền bạc của bạn thay đổi hoàn toàn, thậm chí khách hàng của bạn cũng vậy.
Ví dụ, một bạn đi du học mà được tư vấn đúng đắn về học tập, học bổng, điều gì quan trong khi du học và điều gì không, và khi sang Nhật thi đậu trường hay ngành mình muốn, hay xin được học bổng, thì đạt được giá trị cơ hội lớn, mà lại còn lợi thế cả về tiền bạc nữa. Vì thế, chọn người tư vấn đúng là rất quan trọng.
Riêng về tiền bạc, nhờ có phá sản mà giờ tôi cũng là chuyên gia xử lý phá sản, chuyển dòng tiền âm thành dòng tiền dương. Cũng như là nhờ giảm ký thành công mà tôi đã có thể tư vấn mọi người cách giảm cân (ở trang Diet) mà không cần đau đớn, không cần tập luyện gian khổ, không cần bullshit và quan trọng hơn nữa: Không tôn tiền ngu ngốc cho huấn luyện viên, hotgirl, phòng gym.
Tất nhiên, nếu tôi tư vấn về tiền bạc thì mọi người không cần tốn tiền cho đám diễn giả kiếm tiền bằng PHỨC CẢM TỰ TI CỦA MỌI NGƯỜI VỀ TIỀN BẠC nữa.
Nếu bạn để nghịch cảnh (phức cảm tự ti) dẫn dắt, bạn sẽ chỉ kém may mắn và mất tiền mà thôi. Hãy để lý tưởng dẫn dắt bạn. Lý tưởng của chúng ta chính là giá trị cơ hội mà du học và thời đại toàn cầu hóa, thời đại robot và trí tuệ nhân tạo mang lại. Chỉ cần bạn nuôi dưỡng tâm hồn bay bổng và đầu óc mơ mộng thì bạn sẽ có thể theo đuổi lý tưởng và ước mơ, và không bị chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa mị dân chăn dắt nữa.
Phá sản chính là tài sản lớn nhất trong cuộc đời. Không, phá sản chính là bản thân cuộc đời. Tiền thì quan trọng quái gì.
Mark
Tái nạm: Tôi viết bài này ở sân bay khi đi tiễn học sinh, vì viết bằng Word nên thấy hiện số từ là 2970 words, tức là gần 10 trang A4 (theo tiêu chuẩn dịch thuật). Cũng lắm chuyện thật đấy!
No comments:
Post a Comment